Review

Để Quảng Cáo Không Phải Là Quảng Cáo

Thể loại Sách Marketing
Tác giả Simon Veksner
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 460
Ngày tái bản 03-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Cuốn sách này hướng tới bất cứ ai đang cân nhắc tới việc trở thành một chuyên viên quảng cáo, đang học để trở thành chuyên viên quảng cáo hoặc vốn đã là một chuyên viên quảng cáo nhưng mong muốn sự nghiệp của mình phát triển ở mức cao hơn, tốt đẹp hơn.

Sự khác nhau giữa cuốn sách này và những cuốn sách chuyên về quảng cáo khác là cuốn sách này sẽ không dạy bạn cách để có được các ý tưởng hay cách viết các chương trình quảng cáo.

Có rất nhiều các cuốn sách khác đã xuất bản xử lý những khía cạnh này, và nó cũng đã được dạy ở các trường đại học. Tuy nhiên, điều các bạn sinh viên chưa bao giờ được dạy là tập hợp các kỹ năng mà bạn cần để tạo ra một chương trình quảng cáo sáng tạo, vượt trên khả năng viết những chương trình quảng cáo tốt.

Cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn cách để tận dụng những ưu thế tốt nhất từ những người mà bạn làm việc cùng, chẳng hạn như các nhà lập kế hoạch, nhiếp ảnh gia hay đạo diễn. Nó cũng sẽ dạy bạn cách để thành công trong việc khiến cho giám đốc sáng tạo chấp nhận ý tưởng của bạn và cách để trình bày các ý tưởng của mình với khách hàng. Cũng có những vấn đề “nhẹ nhàng” hơn được thảo luận trong cuốn sách, chẳng hạn như liệu trang phục của bạn có thực sự quan trọng không, và làm thế nào để tranh luận với cộng sự.

Việc tìm được một công việc đã khó, việc giữ được công việc đó trong ngành công nghiệp đầy cạnh tranh này cũng không dễ dàng gì. Năm năm sau ngày ra trường, chỉ một nửa trong số chúng tôi vẫn giữ được công việc của mình. 15 năm sau, con số này cực kỳ ít ỏi. Tuy nhiên, những người còn sót lại đó đều đã trở thành các giám đốc sáng tạo. Một vài trong số chúng tôi thậm chí còn có những công ty quảng cáo của riêng mình.

Cuốn sách này thực sự rất cần thiết. Tôi tin rằng những người thành công trong lĩnh vực quảng cáo không nhất thiết phải là người tài năng nhất, mà là những người biết kết hợp tài năng của mình với thứ mà có thể bạn sẽ gọi là “kiến thức thực tế”. Cuốn sách này tập trung vào việc dạy bạn những kiến thức thực tế đó.

Cuốn sách sẽ dạy bạn những kỹ năng vô hình, nhưng lại vô cùng quan trọng nếu bạn đang muốn có một công việc, muốn tồn tại, trưởng thành và thành công ở một trong số những ngành công nghiệp thú vị nhất trên hành tinh này.

[taq_review]

Trích đoạn sách

XỬ LÝ TÌNH TRẠNG CĂNG THẲNG

Thường giữa đạo diễn và các chuyên gia sáng tạo sẽ xuất hiện tình trạng căng thẳng, xuất phát từ nỗi sợ hãi của các chuyên gia sáng tạo. Một kịch bản – giống như một công thức toán học hoặc kế hoạch của kiến trúc sư – thường hoàn hảo theo cách mà không sản phẩm nào có thể đáp ứng được.

Khi bạn đưa kịch bản của mình cho một đạo diễn, anh ấy sẽ biến hình học Euclid hoàn hảo của bạn thành thực tiễn thô kệch. Tất nhiên, hy vọng là anh ấy sẽ tạo ra một sản phẩm tốt hơn bản thiết kế ban đầu. Nhưng tình huống anh ấy sẽ thất bại cũng cần được xem xét.

Tôi nhớ một lần tôi đã được chứng kiến cảnh một người đạo diễn cực kỳ kích động – để tránh hàm ý phỉ báng, chúng tôi có thể nói anh ấy hẳn đã uống một cốc cà phê cực mạnh trước khi bắt đầu nói – rằng anh ấy đã hướng dẫn từng diễn viên trong cả 10 phút đồng hồ về một câu duy nhất trong đoạn hội thoại, sau đó nói “Cắt” trước khi họ nói xong câu đó, và lại nói một hồi tràng giang đại hải nữa. Thực ra chúng tôi chỉ quay chưa đầy 2 phút, và chúng tôi mất cả buổi sáng.

Bạn sẽ chẳng thể làm được gì nhiều khi những điều không mong muốn xảy ra. Nhưng ít nhất bạn có thể giảm thiểu tình trạng không rõ ràng bằng cách đưa ra tất cả những câu hỏi trong đầu bạn trước khi việc quay phim bắt đầu, do vậy bạn sẽ không bao giờ phải ngồi đấy và tự hỏi: “Họ đang làm cái gì vậy trời?”

Phần căng thẳng nhất của công việc thường là khi bắt đầu quay thực sự. Rất nhiều tiền đã đổ ra trong khoảng thời gian cực kỳ ngắn, do vậy mọi người đều cảm thấy căng thẳng. Và sẽ chẳng bao giờ có đủ thời gian cho tất cả các cảnh quay mà bạn muốn thực hiện. Điều đó khiến cảm giác căng thẳng còn lớn hơn nữa.

Vì những lý do kể trên và những lý do khác, bộ phim có thể là mối đe dọa đối với các chuyên viên quảng cáo trẻ. Nhưng hãy nhớ, đó là chương trình quảng cáo của bạn. Mặc dù đạo diễn là người có quyền lực cuối cùng với bộ phim, với 50 người phải thực thi mệnh lệnh của anh ấy, nhưng nếu chuyên gia sáng tạo nói: “Chúng ta có thể thử nó theo cách khác không…?” thì họ vẫn phải lắng nghe. Bạn có cảm giác kỳ lạ và tội lỗi, như thể bạn vừa đưa ra yêu cầu đối với một hoàng đế, nhưng đôi khi bạn vẫn phải làm công việc này.

BÍ QUYẾT LÀM VIỆC VỚI ĐẠO DIỄN

Tôn trọng cách làm việc của đạo diễn. Bạn muốn có được bất cứ điều gì họ có thể cống hiến. Vậy chẳng hạn nếu họ muốn có không gian của riêng họ, và muốn những lời nhận xét của một nhà sản xuất, thì hãy làm như thế.

Đừng nói với các diễn viên rằng họ nên làm gì – đó là công việc mà cá nhân đạo diễn được trả rất nhiều tiền để làm. Và các diễn viên chỉ muốn nghe sự chỉ đạo của một người mà thôi.

Trong quá trình thực hiện buổi quay quảng cáo, sẽ có nhiều cách để làm việc với các đạo diễn, bởi mỗi đạo diễn sẽ khác nhau. Nhưng sẽ luôn luôn có một vài cách để có được kết quả. Đôi khi đó là việc ôm chặt lấy một ai đó hoặc hỗ trợ họ từ phía sau.

Các chuyên gia sáng tạo cũng cần bảo vệ đạo diễn ở một khía cạnh nào đó. Đặc biệt, khi sản phẩm của họ được chuyển đến cho biên tập, giai đoạn hậu kỳ và tất cả mọi việc trước khi hoàn thành buổi quay quảng cáo. Đó là khi đội AE và khách hàng có thể muốn xen vào việc của người khác. Hãy là người bênh vực ý tưởng của chính bạn, và đừng để những người khác dìm nó xuống bùn.

Câu hỏi về việc “khi nào nên can thiệp” là một câu hỏi khá nan giải. Cách của tôi là luôn luôn cho đạo diễn một khoảng không để họ thực hiện cảnh quay mà họ muốn làm. Nếu tôi không thích cảnh quay đó, tôi sẽ giải thích lý do tại sao, và hỏi xem liệu họ có thể cố gắng thực hiện theo một cách khác không, cho dù là phát triển hay thay thế. Nhưng trước tiên hãy để họ thực hiện công việc theo cách của họ trước. Nếu bạn quá kiểm soát, và không để cho họ có cơ hội làm những gì họ muốn làm, thì bạn thuê họ làm gì? Sẽ có một rủi ro mà bạn phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt, đó là họ có thể trở nên thoái chí và bắt đầu trở nên máy móc.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẬN DỤNG ĐƯỢC NHỮNG GÌ TỐT NHẤT TỪ CÁC AE?

Công việc cơ bản của các AE là đưa ra lời khuyên cho khách hàng về cách phát triển thương hiệu của họ, và sắp xếp các nguồn lực của công ty để làm việc này.

Đôi khi họ còn được gọi là những người giám sát khách hàng, mặc dù đồng thời với việc giám sát khách hàng, họ còn giám sát tất cả mọi người trong công ty.

Họ gây ảnh hưởng tới tất cả các công đoạn của tiến trình: thảo luận với khách hàng về những yêu cầu truyền tải thông tin của họ, liên lạc với các planner để xây dựng brief, liên lạc với các chuyên gia sáng tạo khi họ phát triển brief, điều phối việc bán chiến dịch quảng cáo cho khách hàng, sau đó giám sát quá trình sản xuất và đánh giá chương trình quảng cáo. Trong suốt quá trình đó, công việc của họ là giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button