Review

Dầu Mỏ, Tiền Bạc Và Quyền Lực

Thể loại Chuyên ngành – Kinh tế
Tác giả DANIEL YERGIN
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 1220
Ngày xuất bản 09-2017
Giá bánXem giá bán

Dầu Mỏ, Tiền Bạc Và Quyền Lực khắc họa toàn cảnh lịch sử ngành công nghiệp dầu mỏ – cuộc giao tranh giành tiền bạc và quyền lực có xung quanh vấn đề dầu mỏ. Cuộc chiến này đã làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, phản ánh hậu quả của các cuộc chiến tranh thế giới và khu vực, đồng thời thay đổi vận mệnh nhân loại nói chung và các quốc gia nói riêng.

Dầu Mỏ, Tiền Bạc Và Quyền Lực là một bức tranh về lịch sử thế kỷ XX, cũng là về ngành công nghiệp dầu mỏ. Bức họa khổng lồ này tái hiện lịch sử từ khi người ta khoan giếng dầu đầu tiên ở Pennsylvania, trải qua hai cuộc đại chiến, tới khi Iraq xâm lược Kuwait và Chiến dịch bão táp sa mạc.

Nhiều nhân vật lịch sử xuất hiện trong cuốn sách, từ những người liều mạng đi tìm dầu mỏ, những kẻ lừa đảo tới những ông vua dầu mỏ, từ cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, và Quốc vương Ả-rập Xê-út Ibn Saud, tới Tổng thống Mỹ George Bush và cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Là cuốn sách đồ sộ và hùng tráng về chủ đề dầu mỏ đầy bí ẩn, lôi cuốn và mang tính sống còn với thế giới, Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực không chỉ trình bày những nhận thức cơ bản về dầu mỏ, về quyền lực, về tiền bạc mà còn về cả thế kỷ XX. Tác phẩm có sức khái quát đặc biệt, tầm quan trọng to lớn và lôi cuốn tới mức mê hoặc.

Dầu Mỏ, Tiền Bạc Và Quyền Lực đã được hãng PBS dựng thành bộ phim cùng tên và được trao giải Eccle cho tác phẩm không hư cấu xuất sắc nhất năm 1992.

[taq_review]

Trích dẫn

THƯƠNG MẠI CẠNH TRANH

Phần còn lại của thế giới đang chờ đợi thứ “ánh sáng mới” từ Mỹ, song việc tổ chức đưa chuyến tàu chở dầu đầu tiên tới châu Âu không phải là điều dễ dàng. Các thủy thủ rất lo sợ khả năng cháy nổ xảy ra trong quá trình vận chuyển dầu lửa. Tuy nhiên, cuối cùng, năm 1861, một công ty vận tải biển tại Philadelphia đã tập trung được một đội thủy thủ bằng cách cho những thủy thủ khỏe mạnh mới vào nghề uống say mèm rồi lừa họ lên tàu. Chuyến tàu đó đã cập bến London an toàn. Cánh cửa vào thương mại thế giới đã mở ra và dầu của châu Mỹ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trên toàn thế giới. Người dân ở khắp mọi nơi bắt đầu được hưởng những lợi ích mà dầu đem lại. Như vậy, rõ ràng là ngay từ đầu, việc buôn bán dầu đã mang tính quốc tế và đã trở thành một ngành thương mại quốc tế. Ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ không đạt được mức độ phát triển và tầm quan trọng như vậy nếu sản phẩm không được xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài. Tại châu Âu, nhu cầu về các sản phẩm dầu của Mỹ tăng lên nhanh chóng do quá trình công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa cũng như sự thiếu hụt nguồn cung của các sản phẩm chất béo và dầu vốn đã từng làm châu lục này khốn đốn suốt thời gian dài. Sự phát triển của các thị trường đa dạng càng được đẩy mạnh thông qua các lãnh sự của Mỹ tại châu Âu. Những quan chức ngoại giao này rất hăng hái trong việc thúc đẩy sự phát triển của mặt hàng được gọi là “phát minh kiểu Mỹ” này. Nhiều người trong số họ thậm chí còn mua dầu bằng tiền túi rồi bán lại cho những khách hàng tiềm năng.

Hãy xem nhu cầu của thị trường thế giới có ý nghĩa như thế nào? Thứ nhiên liệu thắp sáng đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới này không phải do một quốc gia mà chính xác hơn là một bang duy nhất cung cấp, bang Pennsylvania. Sẽ không bao giờ lại có bất kỳ một vùng đất đơn lẻ nào có thể độc quyền cung cấp dầu thô như vậy nữa. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, xuất khẩu đã trở nên vô cùng quan trọng đối với ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ nói riêng và nền kinh tế quốc dân của nước này nói chung. Trong những năm 1870 và 1880, Mỹ xuất khẩu tới hơn một nửa sản lượng dầu sản xuất trong nước. Dầu lửa khi đó là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ tư, và đứng hàng đầu trong số các sản phẩm được sản xuất ra. Vào thời điểm đó, châu Âu là thị trường xuất khẩu dầu lớn nhất của Mỹ.

Tính đến cuối thập kỷ 1870, ngành dầu lửa của Mỹ không chỉ do một bang thống trị, mà còn do một công ty duy nhất lũng đoạn. Đó là Standard Oil, 90% dầu lửa xuất khẩu qua tay công ty này. Standard Oil rất hài lòng với một hệ thống mà trong đó trách nhiệm của nó chấm dứt tại một cảng biển bất kỳ nào của Mỹ. Công ty này rất tự tin vào vị trí độc tôn của mình và sẵn sàng thống trị cả thế giới từ trụ sở của công ty tại Mỹ. Trên thực tế, John D. Rockefeller đã có thể áp đặt cái gọi là “kế hoạch của chúng ta” lên toàn bộ thế giới. Vào thời gian đó, Standard Oil tỏ ra vô cùng tự hào về sản phẩm của mình. Theo Giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài của công ty này, dầu đã “len lỏi đến mọi ngóc ngách của mọi quốc gia, kể cả phát triển và không phát triển, mạnh mẽ hơn bất kỳ thứ hàng hóa nào trong lịch sử kinh doanh”.

Tất nhiên, một mối đe dọa đã xuất hiện, đó là khả năng diễn ra cạnh tranh quốc tế. Mặc dù vậy, những người đứng đầu Standard Oil đã không tính đến khả năng này. Cạnh tranh quốc tế chỉ có thể xảy ra nếu có những nguồn dầu thô nhiều hơn và rẻ hơn. Báo cáo địa chất của bang Pennsylvania năm 1874 tự hào khẳng định lý do tại sao dầu của bang này có thể thống trị thị trường thế giới. Bản báo cáo này đã bỏ qua câu hỏi về việc thăm dò ở các quốc gia khác có thể tìm thấy dầu hay không mà chỉ cho rằng đó là một vấn đề “có thể sẽ làm ta quan tâm” mà thôi. Khi đó, các tác giả của bản báo cáo đã quá tin vào vai trò thống trị của Mỹ nên thấy không cần thiết phải tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên. Và họ đã mắc sai lầm.

“Số tiền gỗ óc chó”

Trong số những thị trường hứa hẹn nhất cho thứ “ánh sáng mới” này có đế quốc Nga bao la đang bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa và ánh sáng nhân tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước này. Thủ đô St. Petersburg ở một nơi xa xôi về phía bắc đến nỗi, vào mùa đông, thành phố này chỉ có được sáu giờ đồng hồ có ánh sáng ban ngày. Năm 1862, dầu hỏa của Mỹ đã tới được thị trường Nga. Tại St. Petersburg, chất đốt này nhanh chóng được chấp nhận và đèn dầu nhanh chóng thay thế thứ mỡ động vật mà bấy lâu nay người dân ở đây gần như phụ thuộc hoàn toàn. Tháng 12 năm 1863, viên lãnh sự Mỹ tại St. Petersburg vui mừng thông báo rằng “chắc chắn nhu cầu đối với dầu của Mỹ sẽ tăng mạnh trong những năm sắp tới”. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này không tính đến những phát triển trong tương lai tại một vùng đất xa xôi, khó đặt chân tới của đế quốc này. Đó chính là nhân tố sẽ không chỉ giành lại thị trường Nga khỏi các công ty xuất khẩu dầu của Mỹ, mà còn báo hiệu sự thất bại của các kế hoạch toàn cầu của Rockefeller.

Trong nhiều thế kỷ, hiện tượng dầu thấm ra ngoài đã được ghi nhận ở bán đảo Aspheron khô cằn, một phần của dãy núi Caucasus kéo dài về phía biển Caspi nằm trong nội địa. Vào thế kỷ XIII, Marco Polo cho biết đã nghe người ta nói tới một dòng suối ở Baku có dầu chảy ra. Mặc dù loại dầu này “không thể dùng trong thức ăn” nhưng “dùng để đốt thì tốt” và chữa bệnh ghẻ lở ở lạc đà rất hiệu quả. Baku là vùng đất của “những cột lửa vĩnh hằng” được những người bái hỏa giáo tôn thờ. Nói nôm na hơn, những cột lửa này chính là những cột khí đốt dễ bốc cháy, đồng hành với những lớp dầu lắng đọng, thoát ra từ các vết nứt ở những phiến đá vôi xốp.

Baku là một phần của một lãnh địa độc lập được sáp nhập vào đế quốc Nga vào những năm đầu của thế kỷ XIX. Đến khi đó, ngành công nghiệp dầu lửa sơ khai đã bắt đầu hình thành tại đây và, tới năm 1829, đã có 82 hố dầu đào bằng tay. Tuy nhiên, sản lượng thu được rất nhỏ bé. Sự phát triển của hoạt động sản xuất dầu ở vùng này bị cản trở nghiêm trọng bởi cả sự lạc hậu và xa xôi của khu vực, cũng như của chính quyền Sa hoàng thối nát, độc đoán và bất tài vốn coi ngành công nghiệp nhỏ bé này thuộc độc quyền của nhà nước. Cuối cùng, vào những năm đầu thập niên 1870, Chính phủ Nga đã bãi bỏ hệ thống độc quyền và mở cửa ngành công nghiệp dầu lửa cho các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh. Kết quả là sự bùng nổ của hoạt động sản xuất dầu. Thời đại của những hố dầu đào bằng tay chấm dứt. Vào các năm 1871, 1872 đã có những giếng dầu đầu tiên được khoan và tới năm 1873, đã có hơn 20 nhà máy lọc dầu nhỏ đi vào hoạt động.

Không lâu sau đó, một nhà hóa học có tên Robert Nobel đã đặt chân tới Baku. Ông là con trai lớn của Immanuel Nobel, nhà phát minh lớn người Thụy Điển nhập cư vào Nga năm 1937 và lực lượng quân sự tại Nga đã vui mừng áp dụng phát minh mìn dưới nước của ông. Immanuel đã xây dựng một công ty công nghiệp khá lớn và công ty này chỉ bị phá sản khi Chính phủ Nga chuyển từ mua hàng trong nước sang mua hàng từ nước ngoài. Con trai của Immanuel là Ludwig đã xây dựng một công ty vũ khí lớn trên đống gạch tàn của công ty cũ. Ngoài ra, Ludwig còn phát triển “bánh xe Nobel”, loại bánh xe duy nhất phù hợp được với những con đường tồi tệ ở nước Nga. Một người con trai khác của Immanuel là Alfred có năng khiếu cả về hóa học và tài chính. Nghe theo gợi ý của một thầy giáo ở St. Petersburg về nitroglycerine, Alfred đã tạo ra một đế chế thuốc nổ rộng lớn khắp toàn cầu nằm dưới sự điều hành của ông từ Paris. Tuy nhiên, Robert, người con trai cả của Immanuel Nobel, lại không có được may mắn lớn như các em. Ông thất bại trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau và rốt cục phải quay về St. Petersburg làm việc cho Ludwig.

Ludwig giành được một hợp đồng lớn sản xuất súng trường cho Chính phủ Nga và cần gỗ để làm báng súng. Trong quá trình tìm nguồn cung cấp loại vật liệu này, ông cử Robert đi xuống phía nam, tới dãy núi Caucasus để kiếm gỗ óc chó của Nga. Tháng 3 năm 1873, Robert tới Baku. Mặc dù đã trở thành một địa chỉ giao thương lớn giữa Đông và Tây, nơi người ta giao tiếp với nhau bằng nhiều thứ tiếng, Baku vẫn là một phần của châu Á với những ngôi tháp và nhà thờ Hồi giáo cổ kính của các ông hoàng Ba Tư và dân cư là người Tatar, Ba Tư và Armenia. Tuy nhiên, hoạt động khai thác dầu đã bắt đầu đem lại sự thay đổi lớn cho nơi này. Ngay khi tới Baku, Robert đã bị cuốn vào cơn sốt dầu ở đây. Không thèm hỏi ý kiến em trai – xét cho cùng, ông cũng là anh cả và do đó, ông có những đặc quyền nhất định – Robert dùng ngay số tiền 25.000 rúp mà Ludwig giao cho ông để mua gỗ –“số tiền gỗ óc chó” – để mua một nhà máy lọc dầu nhỏ. Nhà Nobel đã nhảy vào ngành công nghiệp dầu lửa như thế.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button