Review

Dấu Chân Trên Cát

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Mika Waltari
NXB NXB Hồng Đức
Công ty phát hành CT TNHH Văn Hóa Khai Tâm
Số trang 420
Ngày xuất bản 10-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Ngày nay Ai Cập chỉ được biết đến như một quốc gia chậm tiến với những Kim Tự Tháp đồ sộ và những cổ mộ chứa xác ướp. Rất ít ai biết về quá khứ đầy huy hoàng của nền văn minh đã bị vùi lấp trong lòng cát sa mạc này. Hiển nhiên, lịch sử đã ghi nhận về triều đại của các vua Pharaoh, những người đã tốn rất nhiều xương máu dân chúng để xây cất các Kim tự tháp, nhưng xây cất vào việc gì thì vẫn còn là một câu hỏi mà ngày nay người ta chưa tìm ra được câu trả lời. Lịch sử triều đại Ai Cập cũng chứa đựng nhiều bí mật lạ lùng không thể giải thích. Hiện nay, các nhà khảo cổ thông thái nhất vẫn không tìm được một chút manh mối hay di tích gì về các đấng quân vương, những người đã xây dựng lên nền văn minh nhất bên bờ sông Nile này. Họ chỉ khai quật được mồ mả, lăng tẩm của các bạo chúa, những người đã gây chiến tranh khắp nơi, làm đổ máu dân lành vô tội.

Nhà khảo cổ Kevin Livingston đã viết “Hình như các vị minh quân không hề xây cất lăng tẩm, không hề dựng bia đá khắc ghi công trạng của mình. Phần lớn các lăng tẩm hay mồ mả được đào lên chỉ toàn của các vị vua bất tài, những bạo chúa khát máu, những người mà tên tuổi không còn ai muốn nhắc tới nữa”. Ngày nay người ta biết đến triều đại các vua chúa Ai Cập thời cổ qua sách vở của người Hy Lạp. Sỡ dĩ các sử gia Hy Lạp biết được các chi tiết này vì họ đã học hỏi từ người Ai Cập bị đày biệt xứ tên là Sinuhe. Đây là một nhân vật lạ lùng, đã có công mang văn minh Ai Cập truyền vào Hy Lạp khi quốc gia này còn ở tình trạng kém mở mang so với Ai Cập lúc đó.

Các sử gia ngày nay đã đưa ra nhiều giả thuyết về nhân vật Sinuhe này. Có người cho rằng ông là một lái buôn đến Hy Lạp lập nghiệp, nhưng làm sao lái buôn lại mở trường dạy học và để lại nhiều tài liệu quý giá như thế được? Từ ngàn xưa, chỉ riêng giai cấp vua chúa là giáo sĩ mới được hưởng quy chế giáo dục toàn vẹn như vậy mà thôi. Do đó, một số người cho rằng ông thuộc giai cấp giáo sĩ nhưng việc một giáo sĩ Ai Cập đến mở trường dạy học tại Hy Lạp cũng là điều khó chấp nhận. Mặc dù khi đó văn minh Hy Lạp chưa tiến bộ như Ai Cập nhưng tôn giáo xứ này phát triển rất mạnh, hiển nhiên các giáo sĩ Hy Lạp không thể chấp nhận cho một giáo sĩ ngoại quốc đến mở trường dạy học tại thánh địa Olympia của họ được. Nếu thế phải chăng Sinuhe thuộc giai cấp hoàng tộc? Điều này xét ra cũng không có lý vì một người thuộc giai cấp hoàng tộc không thể bị đày biệt xứ. Luật pháp Ai Cập chủ trương xử tử những kẻ trong hoàng tộc nếu họ vi phạm một tội trọng nào đó chứ không có lệ bị đày biệt xứ, vì các vua Pharaoh rất sợ những người trong bọn họ chiêu binh mãi mã làm phản. Việc một người Ai Cập, thân thế mơ hồ, bị đày biệt xứ, đến mở trường dạy học tại Athens, trung tâm văn hóa của Hy Lạp, vẫn là một bí mật đến nay các nhà khảo cổ chưa tìm ra được câu trả lời.

[taq_review]

Trích dẫn


Khi tôi trở về thành Thebes thì cha mẹ tôi đã chờ sẵn với một bữa cơm thịnh soạn để ăn mừng. Trong lúc khuân hành lý vào nhà, tôi ngạc nhiên thấy cha mẹ tôi cũng đã thu xếp quần áo, hành trang như chuẩn bị cho một chuyến đi xa.
– Cha lại đi hái thuốc hay sao?
Cha tôi mỉm cười lắc đầu:
– Không. Lần này ta và mẹ con sẽ đi thăm viếng một số đạo viện. Từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn mong có cơ hội theo đuổi những công việc tinh thần nhưng vì còn trách nhiệm săn sóc những bệnh nhân nghèo nên chúng ta chưa hoàn thành ý định. Hiện nay con đã trở thành một y sĩ, có thể thay ta nối tiếp việc này nên chúng ta muốn lên đường để hoàn tất những ước nguyện thuở trước.
– Nếu vậy cha mẹ dự định sẽ đi trong bao lâu?
– Điều đó còn tùy hoàn cảnh, có thể vài tháng hay vài năm không chừng.
Tôi nhìn khuôn mặt đầy những vết nhăn của cha tôi, người y sĩ cả đời tận tụy với việc cứu nhân độ thế, rồi nắm chặt lấy tay ông:
– Cha cứ yên chí, con sẽ thay mặt cha trông nom săn sóc những bệnh nhân nghèo, đúng như ý cha muốn.
Cha tôi cảm động. Ông ngập ngừng một lúc rồi nói:
– Tốt lắm, ta biết con sẽ làm được việc này. Từ nhiều năm nay chúng ta vẫn sống thanh bạch, không sở hữu gì ngoại trừ căn nhà làm nơi khám bệnh. Chúng ta giao cho con trông nom khi chúng ta đi xa. Tuy nhiên lần này chúng ta đi không biết bao giờ về nên ta muốn nói với con một điều quan trọng…
Cha tôi ngưng lại một lúc như suy nghĩ rồi nói tiếp:
– Này Sinuhe, đáng lẽ ra chúng ta phải nói cho con biết về việc này từ lâu rồi nhưng ta không muốn con thắc mắc suy nghĩ nhiều có thể ảnh hưởng đến việc học nên hôm nay mới có dịp cho con biết. Theo ý ta, những việc đã qua thì có lẽ nên để nó chìm vào quá khứ thì hơn nhưng mẹ con đã bàn với ta không nên giấu con điều gì, do đó ta muốn kể cho con nghe một câu chuyện xảy ra cách đây hơn hai mươi năm…
Cha tôi im lặng, cặp mắt ông trở nên mơ màng như đang chìm đắm trong một kỷ niệm nào đó. Sau cùng ông thong thả lên tiếng:
– “Hồi đó ta là một y sĩ trẻ, vừa tốt nghiệp như con ngày nay vậy. Như con đã biết, kiến thức về Khoa Học Của Sự Sống thì bao la vô cùng nhưng kiến thức về y giới chỉ giới hạn trong phương diện chữa trị mà thôi. Chỉ riêng các giáo sĩ trong giòng tu Osiris, những người đã phát nguyện sống trong sạch để phụng sự nhân loại, mới được truyền dạy thêm kiến thức về Khoa Học Của Sự Sống. Vì muốn học hỏi kiến thức này, ta đã phát nguyện không lập gia đình để trở thành một giáo sĩ dành hết thì giờ cho việc nghiên cứu.
Khi đó mẹ con là con gái út của hoàng thân Oka Mazuk trong triều. Hoàng thân Oka Mazuk là em họ của hoàng đế Pharaoh, được lệnh cai quản khắp miền nam Ai Cập, sát biên giới Nubia. Tuy xuất thân trong một gia đình giàu có, thế lực vào bậc nhất Ai Cập nhưng ngay từ nhỏ, mẹ con đã không ham thích đời sống xa hoa đài các này. Bà chỉ muốn theo đuổi những công việc tinh thần nên đã phát nguyện trở nên một nữ tu của giòng tu Isis, chứ không hề muốn lập gia đình như những phụ nữ khác.
Năm đó ông ngoại con theo hoàng đế Pharaoh kéo binh chinh phạt xứ Nubia, mang về rất nhiều nô lệ. Gặp thời tiết nóng nực, có dịch thời khí nên số nô lệ đem về bị chết rất nhiều. Mẹ con thấy vậy động lòng thương xót nên đã hết lòng tìm thầy thuốc chữa chạy, săn sóc những người nô lệ. Bà đã bán chiếc vòng ngọc mà ông ngoại con đã tặng bà nhân sinh nhật mười sáu tuổi, để mua thuốc chữa trị cho các nô lệ. Đây là một chiếc vòng ngọc vô cùng quí báu, có giá trị rất lớn mà ông ngoại con đã tốn rất nhiều công sức mới chiếm đoạt được nó.
Khi hay tin mẹ con đem bán chiếc vòng để giúp nô lệ, ông ngoại con nổi giận. Để trừng phạt. ông có ý định gả mẹ cho một sĩ quan đã lập nhiều chiến công cho triều đình, bất chấp việc bà đã phát nguyện trở nên một nữ tu trong sạch. Trước tình trạng ấy, mẹ con quyết định tự tử để giữ tròn lời nguyện. Là y sĩ bán thuốc cho mẹ con và cũng là người được bà yêu cầu bào chế một thang thuốc độc, ta biết rõ tình trạng căng thẳng lúc đó. Để cứu một người mà ta vô cùng kính phục, ta bèn đưa ra một giải pháp tạm thời cho tình trạng lúc đó, là ngỏ lời cầu hôn mẹ con.
Vì cả hai chúng ta đều đã phát nguyện sống trong sạch nên cuộc hôn nhân của chúng ta chỉ xảy ra trên danh nghĩa mà thôi chứ thật ra không hề có sự ô nhiễm tình dục. Ta hy vọng thời gian sẽ làm nguôi cơn giận của ông ngoại con và rồi mọi việc sẽ sáng tỏ…”
Đây không phải là điều mới lạ vì tôi đã nghe kể về việc này từ trước mặc dù lần này cha tôi kể chi tiết hơn. Cha tôi nhìn tôi một lúc rồi tiếp tục:
– “Dĩ nhiên là điều này qua mắt được ông ngoại con nhưng không lọt qua sự nghi ngờ của Smenkere, người quan đã lập nhiều chiến công cho triều đình lúc đó. Smenkere vẫn thầm nuôi hy vọng lấy được một người thuộc giai cấp hoàng tộc như mẹ con vì đó là con đường dẫn đến danh vọng và quyền lực cho hắn. Khi nghe mẹ con và ta lập gia đình, hắn vô cùng thất vọng và tức giận. Dĩ nhiên nếu cuộc hôn nhân giả mạo này bại lộ, ta sẽ không thoát khỏi án tử hình, và mẹ con sẽ không tránh khỏi việc bị ép làm vợ Smenkere.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, ta bàn với mẹ con nên rời Memphis đến Thebes lập nghiệp, để tránh cặp mắt soi mói của Smenkere. Tuy đã đi xa nhưng chúng ta vẫn bị theo dõi rất gắt. May thay lúc đó cuộc chiến với dân Hitites xảy ra nên Smenkere phải cầm quân ra trận…”
Tôi thắc mắc:
– Rồi sao nữa? Liệu… cha mẹ có giữ… lời nguyện không?
Cha tôi quay sang nhìn mẹ tôi rồi mỉm cười:
– Này Sinuhe, khi một người đã chọn để theo đuổi một lý tưởng thì thà chết chứ không bao giờ vi phạm lời nguyện, nhất là khi cả hai chúng ta đều phát nguyện trong những buổi lễ điểm đạo tại các thánh điện trang nghiêm.
Tôi giật mình kêu lớn:
– Nhưng nếu… nếu thế… làm sao lại có con được?
Mẹ tôi vẫn ngồi yên lặng, bây giờ mới lên tiếng:
– Này Sinuhe, lúc đầu chúng ta giả vờ kết hôn để giải quyết một khó khăn nhất thời nhưng chúng ta không ngờ nó lại tạo ra những khó khăn khác. Chúng ta đã nguyện sống trong sạch, coi nhau như anh em ruột thì làm sao có con với nhau được…
Cha tôi đỡ lời:
– Mẹ con nói đúng đấy. Chúng ta đến Thebes nhưng vẫn bị theo dõi vì dường như Smenkere đã nghe nói về lời nguyện giữ mình trong sạch của chúng ta.
Tôi nóng nảy, không giữ được bình tĩnh:
– Như vậy con là… con là con của ai?
Cha tôi thong thả trả lời:
– “Hôm đó chúng ta có việc đi ngang một khúc sông vắng thì nghe có tiếng trẻ khóc từ một giỏ mây thả trôi trên sông Nile. Con biết đấy, xã hội nào cũng có những đứa con rơi, những giọt máu vô thừa nhận, hậu quả của những cuộc tình lầm lỡ. Những bà mẹ bất hạnh thường đặt những đứa trẻ vô thừa nhận đó vào những giỏ mây thả trôi trên sông Nile, phó mặc cho thần sông Nile che chở. Hàng năm có biết bao đứa trẻ bị thả trôi sông như vậy.
Nghe tiếng trẻ khóc, mẹ con động lòng nên yêu cầu ta vớt đứa bé đó vào bờ nhưng không ai muốn nuôi đứa trẻ ấy cả. Bất chợt mẹ con nảy ra một ý kiến hay, bà bàn với ta rằng nếu chúng ta làm như đã có con với nhau thì sẽ đánh tan được mối nghi ngờ của Smenkere, và chúng ta có thể sống yên ổn. Hiển nhiên đã giả việc kết hôn thì việc nhận nuôi một đứa trẻ để giả làm con ruột cũng đâu có khó gì.
Và con chính là đứa trẻ được chúng ta vớt từ sông về nuôi để che mắt mọi người…”
Tôi kêu lớn:
– Như thế… con là một đứa trẻ… vô thừa nhận?
Mẹ tôi an ủi:
– Này Sinuhe, tuy ta không sinh ra con nhưng lúc nào con cũng là con của ta. Lúc đầu chúng ta nuôi con chỉ vì muốn che mắt Smenkere nhưng về sau chúng ta đã yêu thương con đâu khác gì một đứa con ruột.
Tôi thất vọng:
– Thế rồi… sao nữa?
– Khi Smenkere đánh trận trở về và nghe tin chúng ta đã có con với nhau thì hắn đành bỏ mộng làm rể gia đình hoàng gia. Từ đó chúng ta được sống yên ổn, không bị ai nhòm ngó, theo dõi nữa.
Cha tôi mở tủ thuốc lấy ra một cái chăn đã cũ:
– Đây chính là tấm chăn đã lót con trong giỏ mây, nó được may bằng một loại sợi đan rất thô. Loại sợi này chỉ có ở vùng Phalon, thượng lưu sông Nile. Đây là miền mà đa số dân chúng đều sống bằng nghề chài lưới nên chúng ta đoán rắng có lẽ con xuất thân là con nhà thuyền chài…
Thấy tôi thất vọng, mẹ tôi khuyên giải:
– Này Sinuhe, có thể hiện nay con đang bàng hoàng xúc động nhưng rồi cảm xúc này sẽ qua đi vì trước sau gì con vẫn là con của chúng ta. Ngày trước chúng ta yêu con bao nhiêu thì bây giờ chúng ta vẫn yêu thương con như vậy. Chúng ta chỉ muốn con biết rõ nguồn gốc của mình mà thôi. Chuyện đã qua, có lẽ nên để nó chìm vào quá khứ thì hơn nhưng chúng ta không muốn giấu con một điều gì. Con đã trưởng thành, có thể chấp nhận được sự thật này.
o O o
Đúng như lời mẹ tôi nói, tôi đã xúc động một thời gian nhưng sau khi cha mẹ tôi lên đường và tôi bắt đầu trông coi phòng mạch, thì thời gian và công việc đã giúp tôi nguôi ngoai rất nhiều. Được tin tôi trở về, Horemheb vội vã đến thăm. Trong lúc hàn huyên tâm sự, tôi đã kể cho hắn nghe về thân thế mình. Horemheb bật cười vỗ mạnh lên vai tôi:
– Thì ra thân thế mày cũng chẳng hơn gì tao. Mày là một thằng con rơi, không ai thèm nhận; còn tao là con một tên bán bánh tầm thường, không ai thèm để ý. Như thế chúng ta kết bạn là đúng quá rồi. Tuy nhiên nếu mày đã kể cho tao nghe về việc bí mật của mày thì tao cũng có một việc riêng để nói với mày và muốn mày đừng kể với ai…
Tôi ngạc nhiên:
– Cái gì nữa đây? Phải chăng mày cũng là…
Horemheb lắc đầu:
– Thôi đi Sinuhe, đừng nghĩ rằng ai cũng là con rơi như mày đâu! Thân thế tao hèn kém, là con một tên bán bánh ngoài chợ thì tao chỉ có thể hành nghề bán bánh, quét chợ hay làm phu khuân vác mà thôi. Tuy nhiên tao đã quen được một sĩ quan trong đội Ngự lâm quân, người này sẵn sàng thâu nhận tao làm lính. Thật ra tao đã man khai lý lịch rằng cha tao là một người lính đã tử trận để được thâu nhận.
– Tại sao mày làm vậy?
Horemheb giải thích:
– Này Sinuhe, tuy mày không phải là con ruột của y sĩ Sen Moot nhưng đã mấy ai biết điều ấy. Hiện nay mày là một y sĩ, được xã hội kính trọng. Phần tao thuộc giai cấp hèn kém, chỉ hơn giai cấp nô lệ một chút, có muốn ngóc đầu lên cũng không thể được nên tao mới phải làm lý lịch giả như thế. Giai cấp quân nhân, dù không vẻ vang gì nhưng cũng còn hơn giai cấp thợ thuyền. Tao đã quyết định rời thành Thebes lên Memphis đầu quân, tao sẽ mời mày lên đó ăn mừng.
Tôi biết lúc nào Horemheb cũng nuôi mộng làm lính nên không ngạc nhiên về chuyện này. Sau khi Horemheb lên đường, tôi tiếp tục hành nghề y sĩ. Đã quen với cuộc sống thanh bạch, tôi không phiền hà gì về số tiền thu nhập thất thường trong chiếc thùng gỗ để trước cửa phòng mạch. Có nhiều hôm tôi chỉ nhận được ít tiền lẻ, vừa đủ mua một ổ bánh mì khô, nhưng cũng có khi tôi nhận được những số tiền khá lớn. Theo lệ cũ, tôi chia số phần này ra làm hai phần, một phần giữ lại để đủ ăn trong bảy ngày, phần kia tôi mang ra phân phát cho những người nghèo khó trong xóm.
Thời gian êm đềm trôi. Một hôm tôi để ý thấy trong suốt mấy tháng, số tiền trong thùng càng ngày càng ít đi. Hình như bệnh nhân không chịu trả tiền nữa thì phải. Lúc đầu tôi không để ý nhưng về sau tôi thấy lần nào mở thùng ra, tôi cũng chỉ thu được một ít xu lẻ, vừa đủ mua một ổ bánh cho bữa tối mà thôi. Một hôm tôi mổ óc cho một lái buôn giàu có, đeo đồ trang sức đầy người. Ông này cám ơn cứu mạng nên ra lệnh cho tên nô lệ theo hầu bỏ vào thùng gỗ của tôi một số tiền rất lớn. Tôi nghe rõ tiếng tiền bạc kêu rổn rảng trong hòm, thế mà buổi chiều hôm đó, khi mở thùng ra, tôi vẫn chỉ thấy có một ít xu lẻ như mọi lần. Biết có kẻ lấy trộm, tôi bèn để ý rình.
Hôm sau, khi bệnh nhân cuối cùng vừa bước vào phòng khám bệnh, thay vì chữa trị, tôi yêu cầu bệnh nhân ngồi chờ, còn tôi thì lẻn ra phía sau nhà quan sát. Tôi tin rằng nếu có kẻ trộm tiền thì hắn sẽ phải ra tay trước khi tôi đóng cửa phòng mạch. Quả nhiên đúng như dự đoán, tôi thấy một người to lớn, quần áo xốc xếch, bước đến bên cạnh thùng tiền. Hắn lấm lét nhìn trước nhìn sau, rồi rút trong mình ra một chiếc chìa khóa nhỏ, mở thùng và trút hết tiền bạc trong đó vào túi. Cơn giận ở đâu nổi lên, tôi xông ra túm chặt lấy hắn quát tháo ầm ĩ. Tên trộm vùng vẫy toan chạy nhưng tôi đã ôm chầm lấy hắn, đẩy hắn ngã lăn ra đất. Biết không thể chạy được, hắn vội quì mọp bên chân tôi năn nỉ:
– Thưa y sĩ, tôi… trót dại, mong ông tha cho.
– Thằng khốn! Mi ăn trộm tiền của ta từ bao lâu rồi?
– Thưa ông, tôi nghèo đói nên lỡ dại…
Nhìn thấy khuôn mặt lấm lem và con mắt bên phải của gã trắng dã, không tròng, tôi động lòng thương xót:
– Này thằng chột kia, mi tên gì, ở đâu đến đây?
– Tôi tên là Kepta, thuộc bộ lạc Do Thái. Tôi vốn là một nô lệ nhưng chẳng may chủ tôi chết sớm, không để lại tiền bạc gì nên trở nên một kẻ vô chủ, lang thang đầu đường xó chợ. Tôi già yếu, không làm được việc lao động, lại chột mắt, hình dáng xấu xí nên chẳng ai muốn nuôi. Tôi lang thang xin ăn khắp thành Thebes cho đến khi thấy thùng tiền của ông để trước cửa…
Kepta vừa nói vừa chăm chú nhìn tôi. Khi thấy tôi có vẻ nguôi giận, hắn lập tức đổi giọng lý luận:
– Thưa y sĩ, tôi biết ông thường đem tiền này giúp kẻ nghèo khó trong xóm; nhưng thưa ông, tôi là kẻ nghèo khó nhất xóm. Tôi cam đoan không ai nghèo hơn tôi nên tôi đành phải… tạm thời sử dụng số tiền này đấy thôi. Điều nầy thật ra cũng đâu có hại gì vì nếu tôi không lấy thì ông cũng đem tiền cho người khác.
Tôi suýt bật cười vì giọng lưỡi ngụy biện của tên Do Thái chột mắt này:
– Mi giỏi thật! Đã lấy trộm tiền lại còn dám cãi lý với ta nữa.
Kepta nhăn mặt xua tay rối rít:
– Ấy chết, xin ông đừng nói quá! Nếu tôi lấy trộm thì phải lấy hết số tiền này chứ nhưng… tôi vẫn để lại… một chút cho ông dùng kia mà!
Tôi bật cười vì miệng lưỡi lợi hại của tên nô lệ vô chủ này:
– Thằng chột kia, nếu đã để lại ít tiền thì sao mi không để lại một số tiền kha khá mà lần nào cũng chỉ một vài xu lẻ?
Kepta lấm lét nhìn tôi rồi cười xòa:
– Tôi biết ông là người ăn uống thanh đạm. Một ổ bánh mì cũng đủ nên tôi để lại vừa đủ tiền cho ông ăn bánh mì… Nếu để lại nhiều tiền hơn, ông lại mất công mang đi cho người khác. Như thế là tôi giúp ông đấy chứ…
Tôi chưa biết phải nói làm sao thì nghe tiếng bệnh nhân trong phòng mạch gọi nên tôi bèn chỉ mặt tên chột mắt:
– Thôi được! Lần này ta tha cho mi, hãy mau cút đi nơi khác kiếm ăn. Nếu ta còn bắt gặp mi lảng vảng quanh đây thì chớ có trách.
Tôi nghĩ tên chột mắt này sẽ sợ hãi bỏ đi ngay nhưng chiều hôm đó, khi vừa khám bệnh xong tôi đã thấy Kepta ngồi chờ trước cửa. Hắn nói ngay:
– Thưa y sĩ, tôi biết ông không nuôi nô lệ nhưng nếu ông không chê tên chột mắt, xấu xí, thì hãy thu nhận tôi làm nô lệ hầu hạ cho ông.
– Cái gì? Ta nhận để ngươi ăn cắp tiền chữa bệnh của ta nữa ư?
Kepta lắc đầu:
– Không, không đời nào! Nếu tôi làm nô lệ cho y sĩ thì tôi sẽ bảo vệ thùng tiền này bằng mạng sống của tôi. Đứa nào đụng vào sẽ chết với thằng chột này.
Tôi không hề có ý định nuôi nô lệ nhưng bấy lâu nay sống cô độc, không ai trò chuyện, gặp tên Do Thái ăn nói có duyên tôi cũng thích. Tôi bèn nhận cho hắn ở chung, để dọn dẹp nhà cửa và làm những việc vặt. Từ đó Kepta trở nên một người phụ tá đắc lực cho tôi. Không biết hắn ra phố quảng cáo những gì mà từ ngày có hắn, số bệnh nhân tăng lên rất nhiều và số tiền thu được cũng tăng lên thấy rõ. Mặc dù tôi chủ trương sống thanh bạch, ăn uống giản dị nhưng Kepta không quan niệm như vậy. Hắn ép tôi phải ăn uống đàng hoàng, cẩn thận để có sức khỏe, phục vụ mọi người.
Một hôm tôi nhận được tin của Horemheb từ Memphis báo rằng hắn vừa được tuyển làm lính Ngự lâm quân và muốn tôi lên đó ăn mừng với hắn. Tôi vội thu xếp lên Memphis ngay. Gặp tôi, Horemheb mừng rỡ kéo vào một quán rượu gần đó:
– Tao đã được chấp nhận, chỉ còn chờ ngày làm nhập ngũ mặc quân phục nữa thôi. Mày phải uống rượu mừng cho tao.
Tôi chưa hề uống rượu nhưng vì muốn chung vui với Horemheb nên cũng vui lòng cầm ly lên uống một hơi. Mùi rượu nồng nặc khiến tôi ho sặc sụa. Thấy vậy, Horemheb vỗ vai tôi cười lớn:
– Trước sau gì mày cũng phải tập uống rượu. Đàn ông mà không biết uống rượu thì có ra gì!
Horemheb là người quảng giao, quen nhiều biết rộng nên chúng tôi vừa ngồi vào bàn thì đã có nhiều người khác cũng đến uống rượu chung vui với hắn. Một lúc sau, bàn của chúng tôi đã qui tụ hàng chục người say sưa ăn uống nói cười, hết sức vui vẻ. Horemheb luôn miệng gọi rót thêm rượu và nhất định bắt mọi người phải nâng ly uống cho hết. Vì không quen uống nên tôi rất dè dặt, chỉ nhắp vài ngụm lấy lệ, nhưng mặc dù uống rất ít, tôi cũng bị choáng váng, xây xẩm mặt mày. Hiển nhiên những tay bợm nhậu này thấy ngay, họ ép tôi phải uống cho thật say.
Người rót rượu, một thiếu nữ rất trẻ, lên tiếng bênh vực:
– Các ông chớ ép ông này uống nữa. Tôi xem chừng ông ta không chịu nổi đâu.
Đám bợm nhậu nhao nhao lên:
– Say chút ít đâu có sao!
– Phải cho hắn mếm mùi say một lần cho biết.
Cô gái lắc đầu:
– Nhưng ông này coi bộ chịu hết nổi rồi, xin các ông tha cho…
Đám bợm nhậu rú lên cười:
– Này Meryt, hôm nay cô làm sao vậy? Hắn càng uống nhiều thì cô càng thu lắm tiền kia mà?
– Tại sao cô không muốn cho tên này uống rượu?
– Phải chăng cô đã thích hắn?
Meryt, người thiếu nữ bán rượu, lên tiếng:
– Tôi xem chừng ông này muốn quị rồi, uống thêm sợ có chuyện gì…
Horemheb cười ha hả, gạt đi:
– Cô cứ tiếp tục rót đi. Sinuhe là em tôi, hắn phải uống mừng cho tôi, có chuyện gì thì để Horemheb này chịu.
Trong lúc đám bợm nhậu đang ồn ào bắt tôi phải uống thêm thì bỗng có tiếng tù và thổi vang khắp nơi rồi tiếng người nhốn nháo kêu gọi khắp đường phố. Horemheb giật mình đặt ly rượu xuống bàn, nghe ngóng:
– Tại sao có tiếng tù và báo động như vậy?
Tiếng tù và mỗi lúc một cấp bách rồi tiếng chân người chạy dồn dập. Một lúc sau có thêm tiếng kèn và tiếng hò hét rầm rĩ. Horemheb biến sắc:
– Đó là tiếng kèn báo động trong hoàng cung.
Horemheb và đám bạn vội bước ra cửa thì thấy quân lính xuất hiện khắp nơi, gươm giáo sáng ngời. Horemheb lên tiếng hỏi:
– Chuyện gì vậy?
Một người lính trả lời:
– Hoàng đế Pharaoh vừa qua đời.
– Tại sao lại náo loạn như thế?
Một người lính khác xen vào:
– Hoàng đế đã được mang đi chôn cất nhưng đám nô lệ lo việc mai táng không chịu chết theo, chúng nổi loạn và đang đánh nhau với lính ngự lâm.
Phong tục chôn cất những nô lệ hay cung nữ theo các vị vua chúa để hầu hạ những người này ở cõi giới bên kia là một việc thường. Đối với người Ai Cập, Hoàng đế Pharaoh là một vị thần nên sự chết đối với họ chỉ là một cuộc hành trình đi qua cõi giới khác mà thôi. Để bảo đảm cuộc hành trình này, việc chôn cất luôn luôn được cử hành theo những nghi thức nhất định, tiễn đưa vua Pharaoh lên đường. Một trong những nghi thức rất quan trọng là việc giữ gìn thể xác vì tính cách thiêng liêng của thể xác này. Nếu thể xác bị hư hại, đời sống vĩnh cửu ở thế giới bên kia sẽ gặp khó khăn. Đây là một điều được các giáo sĩ thuộc nhóm nghiên cứu Khoa Học Của Sự Chết ghi nhận rất kỹ.
Cũng vì sự tin tưởng này nên việc đầu tiên của bất cứ vị vua Pharaoh nào khi vừa lên ngôi là lo chuẩn bị xây cất cho mình một lăng tẩm, một ngôi mộ kiên cố, để giữ gìn thể xác của mình, để bảo đảm cho đời sống ở cõi giới bên kia. Để có thêm những tiện nghi, các vua Pharaoh bắt chôn theo những tùy tùng, nô lệ và cung nữ để hầu hạ nên việc những người này phản đối, không chịu bị chôn sống theo không phải là điều đáng ngạc nhiên. Thường thì bao giờ họ cũng bị cưỡng bách, đàn áp bằng võ lực hoặc cho uống những loại thuốc mê trước khi mang đi chôn sống.
Cuộc nổi dậy của nhóm nô lệ kéo dài suốt mấy ngày nhưng rồi cũng bị dẹp tan và tình hình Memphis trở lại bình thường. Vài hôm sau khi Horemheb đến làm thủ tục nhập ngũ thì hắn được biết vị sĩ quan chỉ huy nhóm Ngự lâm quân, người mà hắn đặt nhiều hy vọng, đã bị giết trong cuộc chống đối vừa qua. Vị sĩ quan chỉ huy mới lạnh lùng:
– Ta không biết ngươi là ai, hiện nay chúng ta không cần tuyển thêm lính vì còn phải chờ lệnh vị tân hoàng đế.
– Nhưng tôi đã hoàn tất đầy đủ các nghi thức nhập ngũ.
– Điều đó ta không cần biết. Chúng ta chỉ tuyển lính khi có lệnh mới.
– Nếu vậy chừng nào sẽ có lệnh mới?
Người sĩ quan bật cười lớn:
– Điều này chắc còn lâu lắm. Các vị hoàng đế Pharaoh vừa lên ngôi có hàng trăm, hàng ngàn việc quan trọng phải làm. Việc tuyển thêm lính hầu chỉ là việc phụ, chắc cũng phải nhiều năm nữa.
Dĩ nhiên Horemheb biết ngay rằng người sĩ quan này không muốn tuyển lựa những người đã được viên sĩ quan trước thâu nhận. Vị chỉ huy nào cũng muốn đưa bè phái, phe nhóm của mình vào, để bảo đảm sự trung thành tuyệt đối. Horemheb vô cùng thất vọng, cái mộng được mang quân phục Ngự lâm ấp ủ trong bao năm qua đã tan tành như mây khói. Trong suốt mấy ngày sau, Horemheb uống rượu liên miên và say lúy túy. Hắn chửi rủa tất cả những gì có thể chửi được, và rồi lên cơn sốt nặng khiến tôi phải tốn rất nhiều thì giờ và công sức săn sóc cho hắn.
Horemheb mê sảng cả tuần lễ nhưng nhờ các loại thuốc an thần cực mạnh nên bệnh tình của hắn cũng thuyên giảm dần. Một buổi sáng, hắn tỏ ra bình tĩnh hơn trước, thay vì đòi uống rượu hắn đã nói với tôi:
– Cám ơn mày đã săn sóc cho tao. Có lẽ những kẻ tầm thường như chúng mình chỉ nên yên phận, mong muốn nhiều quá chỉ khổ thôi. Bây giờ tao muốn trở về Thebes bán bánh, quét chợ rồi thỉnh thoảng đi câu cá với mày.
Tôi mừng rỡ:
– Mày cứ tĩnh dưỡng cho thật khỏe đã, chuyện đâu còn đó.
– Nhưng tao thấy trong mình khỏe rồi và muốn trở về Thebes ngay.
Tôi liền chuẩn bị hành trang cùng với Horemheb trở về Thebes, nhưng trước khi lên đường hắn hỏi tôi:
– Này Sinuhe, mày đã đi săn sư tử bao giờ chưa?
– Cái gì? Săn sư tử ư? Mày không đùa đấy chứ?
Horemheb mỉm cười vỗ mạnh lên vai tôi:
– Một thú vui như thế mà mày không biết sao?
– Không, tao không nghe ai nói săn sư tử là một thú vui hết.
Horemheb chăm chú nhìn tôi rồi lắc đầu than:
– Săn sư tử là một trò giải trí đặc biệt của dân chúng thủ đô Memphis, gần như ai cũng biết săn sư tử. Một trò vui như thế mà mày chưa nếm mùi sao?
Tôi hết sức ngạc nhiên:
– Không, tao chưa từng săn sư tử nhưng… liệu có nguy hiểm không?
Horemheb bật cười ha hả:
– Lối đi săn này không nguy hiểm vì người săn ngồi trên xe ngựa chạy như bay, sư tử nào đuổi kịp họ được. Họ sử dụng cung tên thay vì giáo mác. Tao đã từng săn vài chục con sư tử như thế rồi, cũng dễ như đi… câu cá thôi.
Thấy tôi có vẻ ngần ngại, Horemheb thúc giục:
– Một trò vui như thế không nên bỏ qua. Trước khi về Thebes, mày cũng nên hưởng thú săn sư tử với tao cho biết.
Không đợi tôi trả lời, Horemheb đã lo thu xếp chuyến đi săn sư tử ngay. Tôi biết hắn buồn chán, thất vọng vì việc nhập ngũ không thành nên thấy hắn lấy lại tinh thần, tôi cũng mừng và không muốn làm phật lòng hắn.
o O o
Chiều hôm sau, Horemheb mang ở đâu về một cỗ xe ngựa với đầy đủ các dụng cụ đi săn như cung tên, giáo mác. Tôi và hắn vượt cổng thành tiến ra sa mạc. Trên đường, tôi thấy khắp nơi quân lính canh phòng rất nghiêm, mặc dù cuộc nổi dậy của nhóm nô lệ đã bị dẹp tan nhưng hình như triều đình vẫn cẩn thận đề phòng một chuyện gì.
Đêm ấy trăng tròn, ánh trăng tỏa sáng khắp sa mạc, soi rõ những cồn cát trắng xóa chạy dài đến tận chân trời. Horemheb điều khiển cỗ xe một cách khéo léo khiến xe chạy như bay. Khoảng nửa đêm, chúng tôi đến một thung lũng hẹp, phong cảnh hoang vu, Horemheb lên tiếng:
– Người ta thường săn sư tử vào ban đêm. Ban ngày chúng ngủ trong hang núi nên rất khó tìm…
Horemheb chưa dứt lời, tôi đã nghe thấy một tiếng gầm dữ dội và một con sư tử lớn, bộ bờm mầu sẫm ở đâu xuất hiện. Horemheb trao cương ngựa cho tôi:
– Mày cứ bình tĩnh điều khiển cỗ xe, mọi việc đã có tao…
Vì bất ngờ nên tôi luống cuống không biết phải làm gì. Từ trước đến nay tôi chưa hề điều khiển một cỗ xe như thế này. Tuy nhiên tôi không có thì giờ phản ứng vì con sư tử đã từ xa phóng đến. Horemheb thản nhiên lắp tên vào cung:
– Mày đã muốn chết thì tao cho mày chết ngay.
Mặc dù tôi đã cố gắng giữ cương thật chặt nhưng hai con ngựa thấy sư tử xông đến đã hoảng sợ hí vang và sải vó chạy. Horemheb hét lớn:
– Cẩn thận! Nắm chặt dây cương!
Bất chấp sự điều khiển vụng về của tôi, hai con ngựa cắm đầu chạy khiến cỗ xe hết nghiêng bên này lại ngả bên kia làm Horemheb bắn hụt mấy lần. Hắn bình tĩnh lắp tên vào cung và ra lệnh:
– Mày kềm cương ngựa cho thật chặt…
Nhưng không kịp nữa rồi! Trong lúc luống cuống tôi đã để tuột dây cương. Hai con ngựa không người điều khiển, lồng lên, cắm đầu chạy về phía trước. Horemheb vội vã chồm người lên để nắm lấy cương nhưng vì xe ngựa chạy quá nhanh, hắn không bắt kịp. Con sư tử tiếp tục đuổi và chỉ một lúc chúng tôi đã vượt qua thung lũng, tiến về một hẻm núi đầy những tảng đá lớn. Horemheb quát lớn:
– Cẩn thận! Chỗ này nguy hiểm lắm!
Hắn vừa dứt lời thì cỗ xe đã cán trúng một tảng đá lớn và lật qua một bên. Tôi và Horemheb bị hất ngã nhào ra khỏi xe. Chiếc trục xe gẫy lìa nên hai con ngựa được tự do, vùng lên chạy mất. Con sư tử mải miết đuổi theo hai con ngựa nên không để ý đến chúng tôi. Horemheb bình tĩnh rút cây giáo dài bên hông xe:
– Mày đi sát bên tao, mình chạy lên phía hốc đá trên kia.
Chúng tôi chạy dọc theo sườn núi. Horemheb nói nhỏ:
– Nếu con sư tử không đuổi kịp hai con ngựa, nó sẽ quay về đây. Chúng ta cần rời khỏi chỗ này càng sớm càng tốt.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển theo những tảng đá nhấp nhô bên sườn núi, thỉnh thoảng lại đứng lại để thở. Horemheb vừa đi vừa quan sát địa thế, sau cùng hắn tìm được một hốc đá nhỏ:
– Chúng tạm chui vào đây nghỉ ngơi, đợi đến sáng sẽ tìm đường ra khỏi sa mạc.
Lúc trước vì mải lo chạy nên tôi không để ý đến thời tiết. Sau khi chui vào trong hốc đá được một lúc thì tôi mới cảm thấy khí hậu sa mạc về đêm rất lạnh. Mặc dù đã cố thu mình lại nhưng tôi vẫn run lên, răng đập vào nhau lập cập. Horemheb bật cười:
– Mày cẩn thận kẻo sư tử nghe tiếng răng mày mà tìm đến thì nguy đấy!
Tôi thầm phục trong tình trạng nguy hiểm như thế mà Horemheb vẫn bình tĩnh khôi hài được. Horemheb nắm chặt chiếc giáo nhọn trong tay:
– Mày hãy ngủ để lấy sức vì ngày mai chúng ta cần rời khỏi nơi đây.
Tôi ngập ngừng:
– Này Horemheb, tao tiếc… không quen điều khiển xe ngựa nên…
Horemheb bỗng trở nên lạnh lùng:
– Mày tưởng tao không biết việc đó sao?
– Cái gì? Mày biết tao chưa bao giờ điều khiển xe ngựa mà vẫn…
Horemheb chăm chú nhìn tôi. Trong bóng đêm chập chờn, cặp mắt hắn sáng quắc lên một cách kỳ lạ. Sau cùng hắn trầm giọng nói:
– Này Sinuhe, tao rất ân hận đã đưa mày vào tình trạng này. Đáng lẽ ra tao không nên rủ mày đi như thế, thật ra tao không còn muốn sống nữa nên…
Tuy hắn không nói hết câu nhưng tôi hiểu. Thì ra tâm trạng bình tĩnh kỳ lạ của hắn sau cơn mê sảng tuyện vọng vừa qua chỉ là một sự che đậy và cuộc đi săn sư tử này là cách đi tìm cái chết của Horemheb. Tôi run giọng:
– Như vậy… đi săn sư tử không… giản dị như mày nói?
Horemheb gật đầu cười nhạt:
– Mày tưởng săn sư tử dễ như đi câu cá hay sao? Này Sinuhe, mày quả là một đứa bé ngây thơ khờ dại.
Cả hai chúng tôi im lặng nhìn nhau. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩa riêng. Sau cùng Horemheb lên tiếng:
– Lúc trước tao quả có ý định muốn tìm cái chết. Nhưng bây giờ tao lại thấy chết không dễ như tao nghĩ. Trong tình trạng nguy hiểm này tao lại muốn sống hơn bao giờ hết. Này Sinuhe, mày cứ yên trí, thằng Horemheb này đã thề sẽ bảo vệ cho mày thì nó sẽ làm tròn điều đó.
Tôi im lặng, đầu óc quay cuồng với bao ý nghĩ nhưng sau cùng tôi cũng lên tiếng:
– Này Horemheb, chúng ta đã thề sống chết có nhau thì dù việc xảy ra thế nào, tao cũng không trách mày. Tao sẽ tận tâm giúp mày như mày đã lo cho tao vậy.
Horemheb có vẻ cảm động lắm. Hắn im lặng một lúc rồi nói nhỏ:
– Mày nên ngủ một chút đi, trời sắp sáng rồi.
Tôi chợp mắt được một lúc thì Horemheb đánh thức tôi dậy:
– Chúng cần lên đường ngay. Trời đã sáng rồi.
Chúng tôi rời hốc đá đi dọc theo hẻm núi. Mặt trời vừa nhô cao, tỏa ra muôn ngàn tia sáng chói lọi khiến tôi cảm thấy choáng váng, hoa cả mắt. Đi được một quãng, bỗng Horemheb giật mình chỉ về phía trước:
– Sinuhe, nhìn kìa!
Trên tảng đá lớn gần đó, một người trong chiếc áo khoác trắng đang xếp bằng ngồi yên quay mặt về phía mặt trời mọc. Horemheb ngạc nhiên:
– Tại sao giữa sa mạc đầy thú dữ lại có kẻ dám đến đây?
Chúng tôi rảo bước về phía người kia nhưng y vẫn ngồi yên bất động. Dường như y không để ý đến chúng tôi mà chỉ tập trung vào vầng thái dương trước mặt.
Khi đến cách người đó khoảng mấy thước thì tôi giật mình. Hình như người này có một cái gì quen thuộc lắm! Bất chợt tôi nổi gai ốc khắp mình vì nhận ra người đang ngồi kia chính là kẻ đã chui vào nằm chết trong cỗ quan tài ở đền cấm Abydos. Tôi không thể quên khuôn mặt dài như mặt ngựa và đôi lông mày rậm rạp đó được. Nhưng tại sao lại như thế vì rõ ràng hắn đã chết kia mà? Chính tay tôi đã bắt mạch và thấy tim hắn đã ngưng đập từ lâu.
Horemheb bước đến trước mặt người kia:
– Này, ông bạn làm gì ở đây thế?
Người thanh niên vẫn ngồi yên lặng, hai mắt mở lớn như đang tập trung tinh thần vào một cái gì. Tôi định lên tiếng thì một tiếng gầm dữ dội vang lên. Con sư tử đã đánh hơi chúng tôi và tìm đến. Horemheb vội vã nói:
– Mày và thằng kia chạy đi, để tao cản đường cho.
Nhưng không kịp nữa rồi! Con sư tử đã xông đến trước mặt chúng tôi, vừa đi vừa gầm gừ rất dữ dội. Horemheb im lặng ghì chặt cây giáo trong tay. Thời gian dường như ngưng lại. Tôi luống cuống muốn chạy nhưng vì qua sợ hãi nên không sao nhấc chân được.
Con sư tử chăm chú nhìn chúng tôi rồi bất chợt phóng mình lao thẳng vào tôi. Horemheb chỉ chờ có thế, hắn nghiêng người vung tay phóng thẳng ngọn giáo vào ngực con thú. Con sư tử bị lưỡi giáo xuyên trúng ngực nhưng sức phóng của nó quá mạnh nên nó vẫn vồ trúng tôi. Tôi ngã ngửa, đè cả lên mình gã thanh niên đang ngồi kia. Mặc dù bị trọng thương, nhưng con sư tử vẫn còn sức, nó há miệng cắn mạnh vào tay tôi. Horemheb quát lớn rồi nhảy lên nắm chặt lấy bờm con sư tử, tay kia hắn rút dao liên tiếp đâm vào cổ họng con thú. Máu con vật phun ra có vòi. Nó dãy dụa một lúc rồi nằm im không cử động nữa.
Tôi lồm cồm ngồi dậy, khắp mình bị máu sư tử phun ướt đẫm. Tôi quay qua định đỡ gã thanh niên kia dậy nhưng thấy gã vẫn nằm yên, miệng sùi bọt, lưỡi thè ra và chân tay thì co quắp lại. Horemheb ngạc nhiên kêu lớn:
– Nó cũng bị sư tử vồ trúng hay sao?
Tôi hoảng hốt lắc đầu:
– Không. Có lẽ là tao ngã đè lên người nó nhưng… tại sao lại thế này?
Horemheb và tôi cúi xuống xem xét. Chỉ một thoáng giây, tôi biết ngay lý do:
– Có lẽ vì kinh hãi nên hắn lên cơn động kinh, chân tay co quắp, miệng sùi bọt ra như vậy. Horemheb, mày xé cho tao một miếng vải để tao đút vào miệng hắn, nếu để hắn cắn trúng lưỡi thì phiền lắm.
Là y sĩ nên tôi quen thuộc với những trường hợp khẩn cấp như thế này. Tôi cắm cúi săn sóc cho gã thanh niên cho đến khi nghe Horemheb kêu lớn mới ngẩng đầu nhìn lên. Một đoàn quân võ trang ở đâu kéo đến, cầm đầu là một sĩ quan lớn tuổi, khuôn mặt khắc khổ đầy những nét nhăn. Ông ta quát lớn:
– Hãy bắt những tên phản loạn kia!
Horemheb giật mình phản đối:
– Cái gì vậy? Chúng tôi đã làm gì?
Hắn chưa dứt lời đã bị toán lính xông đến đè nghiến xuống đất, trói chặt tay chân lại. Tôi vừa đứng lên thì cũng bị chung số phận. Tôi vùng vẫy kêu lớn nhưng bị đập một gậy lên đầu khiến tôi bất tỉnh.
o O o
Tôi không biết mình ngất đi bao lâu nhưng khi tỉnh dậy, tôi thấy chân tay bị trói chặt, không sao cử động được. Quanh chỗ tôi nằm cũng có hàng chục người bị trói chặt như vậy, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Tôi nghe văng vẳng tiếng gào thét của những người bị tra tấn cùng tiếng gầm rú ghê rợn của những con sư tử đói. Đầu óc tôi trở nên hoang mang. Tôi cố ôn lại chuyện xảy ra nhưng có lẽ vì bị đập mạnh vào đầu nên tôi thấy choáng váng, không nhớ được gì rõ rệt.
Tôi nằm được khoảng nửa ngày thì một toán lính ở đâu bước vào lôi chúng tôi dậy, xiềng bằng những sợi xích rất nặng rồi áp tải chúng tôi đi theo những con đường hầm ngoằn ngoèo, sâu hun hút, mùi tanh tưởi bốc lên khắp nơi. Một tù nhân vừa lên tiếng đã bị người cai ngục đập cho một gậy ngã nhào. Horemheb đi sát bên cạnh tôi như để che chở và ra hiệu cho tôi đừng nói gì.
Sau một lúc loanh quanh trong đường hầm, chúng tôi được đưa vào một căn phòng lớn có rất nhiều binh sĩ võ trang cẩn thận. Đám tù nhân được lệnh phải quỳ cả xuống đất trước mặt một sĩ quan trông rất oai vệ. Dưới ánh đuốc chập chờn, tôi nhận ra đó là người chỉ huy già có khuôn mặt khắc khổ hôm trước. Ông ta lên tiếng:
– Chúng ta có đầy đủ bằng chứng về âm mưu phản nghịch của các ngươi và chiếu theo luật pháp, tội phản nghịch phải xử tử hình…
Ông quay qua nhìn một tù nhân đang quì dưới đất, gằn giọng:
– Hoàng thân Kira, ông đâu có ngờ có ngày hôm nay phải không?
Người kia tức giận, ngửng mặt lên nói như quát:
– Smenkere, tên phản phúc! Thần Seth sẽ giết mày!
Vừa nghe đến tên Smenkere tôi đã giật mình. Phải chăng đây là người mà cha mẹ tôi vẫn thường nhắc đến? Smenkere cười ha hả:
– Này Kira, ngươi mới là kẻ phản bội. Từ trước đến nay triều đình vẫn đối đãi với ngươi tử tế, sao ngươi dám làm phản? Hoàng đế Pharaoh chết chưa lạnh mồ mà ngươi đã âm mưu soán nghịch. Tội rành rành ra đó mà ngươi dám cãi sao?
Hoàng thân Kira gầm lên:
– Hoàng tử Amenophis mất tích đã cả năm và thái hậu Taiya là đàn bà, không thể cầm quyền nhiếp chính được nên… nên…
Smenkere cười nhạt:
– Bởi thế nên người mới đòi làm Pharaoh chứ gì?
Hoàng thân Kira tức giận:
– Ai Cập không thể thiếu người lãnh đạo được. Hoàng đế Pharaoh qua đời, hoàng tử Amenophis mất tích. Ta là em ruột hoàng đế, dĩ nhiên ngôi vị Pharaoh phải thuộc về ta. Smenkere, mày không làm Pharaoh được. Lẽ ra ta phải giết mày từ lâu… Đồ phản nghịch!
Smenkere cười lớn:
– Ngươi lầm rồi! Smenkere này đâu dám đòi làm Pharaoh.
Hoàng thân Kira ngạc nhiên:
– Nhưng… nhưng thái hậu Taiya cũng không thể làm Pharaoh được. Chúng ta không thể để lịch sử tái diễn việc Pharaoh Hatshepshut…
Smenkere bật cười:
– Ai bảo ngươi là thái hậu Taiya muốn làm Pharaoh?
Hoàng thân Kira sửng sốt:
– Vậy chứ còn ai vào đây nữa?
Smenkere gằn giọng:
– Còn ai xứng đáng với ngôi vị Pharaoh hơn hoàng tử Amenophis?
Hoàng thân Kira giật mình, lắp bắp:
– Mày nói gì? Hoàng tử… hoàng tử Amenophis đã mất tích cả năm nay rồi. Không lẽ… không lẽ…
Smenkere đắc chí:
– Đúng thế. Ta đã tìm ra hoàng tử Amenophis và suy tôn ngài lên địa vị Pharaoh. Lễ đăng quang đã được cử hành sáng hôm nay rồi. Này Kira, tội soán nghịch như ngươi phải quăng vào hầm sư tử đói mới đúng…
Smenkere đang hứng chí thì một người lính hấp tấp chạy vào báo cáo:
– Thưa ngài, hoàng đế Pharaoh muốn gặp hoàng thân Kira.
Smenkere biến sắc. Khuôn mặt nhăn nheo của hắn co rúm lại như vừa gặp một chuyện gì ghê gớm lắm. Hắn chưa kịp nói gì thì một toán lính võ trang ở đâu đã xông vào, đứng dàn ra hai bên để chừa lối đi cho một người mặc quần áo trắng, khoan thai chậm rãi bước vào. Người này không phải ai xa lạ mà chính là gã thanh niên có khuôn mặt dài và đôi lông mày rậm, kẻ đã mắc chứng động kinh trong sa mạc.
Smenkere và toán lính vội quì cả xuống. Người thanh niên thong thả nói:
– Này Smenkere, ông đang nói chuyện gì với hoàng thân Kira vậy?
Hoàng thân Kira kêu lớn:
– Cháu Amenophis đấy ư? Ta tưởng cháu bị mất tích…
Smenkere quát lớn:
– Tên phản loạn kia! Ngươi không được hỗn! Đây là hoàng đế Pharaoh, vị lãnh đạo tối cao của Ai Cập, người đã được các thần linh lựa chọn…
Người thanh niên gạt đi:
– Này Smenkere, đây không phải là chốn triều đình. Hơn nữa, lúc này ta không đến đây với tư cách Pharaoh mà chỉ là của một người cháu đến hỏi thăm chú ta, hoàng thân Kira mà thôi.
Smenkere nghiêm giọng nhắc khẽ:
– Ngài đã lên ngôi Pharaoh rồi. Một Pharaoh lúc nào cũng là Pharaoh, lúc nào cũng là thần linh tối cao, lãnh đạo và cai quản Ai Cập…
Người thanh niên mỉm cười, từ tốn nói:
– Ngươi không phải nói nhiều, ta biết việc đó. Quân sĩ, hãy mau cởi trói cho những người này, ta muốn nói chuyện với họ.
Trước cặp mắt khó chịu của Smenkere, nhóm quân sĩ vội vã bước đến cởi trói cho mọi người kể cả tôi và Horemheb. Hoàng đế Pharaoh bước đấn cạnh hoàng thân Kira, nói bằng giọng từ tốn, nhẹ nhàng:
– Tuy chú đã làm đổ máu nhiều người vô tội nhưng đó cũng là do hoàn cảnh mà thôi. Lúc cha cháu qua đời, cháu không có mặt tại triều. Một nước không thể thiếu người lãnh đạo được nên cháu chắc chú cũng vì bất đắc dĩ mà phải làm thế. Cháu tin rằng đã có những sự hiểu lầm…
Hoàng thân Kira ấp úng không nói nên lời. Hoàng đế Pharaoh thong thả nói tiếp:
– Tuy nhiên khi cha cháu vừa qua đời, chú đã cho người vào cung ám sát mẹ cháu và em Baketamon. Chuyện này chắc phải có những dự tính, âm mưu từ trước. Vậy chú nghĩ như thế nào?
Hoàng thân Kira nghẹn họng không biết nói gì. Hoàng đế Pharaoh vẫn nhẹ nhàng nói tiếp:
– Nếu đã có âm mưu từ trước thì có lẽ cũng do sự thiếu suy xét mà thôi. Luật pháp Ai Cập đã ghi rõ tội phản nghịch phải tử hình nhưng máu đã chảy nhiều rồi, và cháu không muốn thấy máu chảy nữa.
Smenkere vội kêu lớn:
– Xin Hoàng đế hãy xét lại, luật pháp là do các vua Pharaoh đời trước đặt ra…
Hoàng đế Pharaoh quay qua nhìn Smenkere, nói một cách oai vệ:
– Ta biết điều này nhưng phải chăng ta cũng là Pharaoh? Phải chăng chỉ có Pharaoh mới có thể sửa đổi được luật pháp của các Pharaoh khác? Các ngươi hãy nghe lệnh của ta đây: “Hoàng thân Kira sẽ được đưa đến tu viện Karnak, tại đây ông sẽ làm tu sĩ cho đến ngày cuối cuộc đời, để ăn năn về tội lỗi của mình. Tên tuổi của ông sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn trên mọi bia đá, lăng tẩm, đền đài và các thạch trụ. Giòng họ Amenophis của chúng ta không có những người phản nghịch như vậy.”
Hoàng đế Pharaoh vừa nói vừa đưa tay lên, trong tay ông cầm cái vương ấn bằng vàng chói lọi. Toàn thể quân sĩ vội quì mọp xuống, một người thư ký (Scribe) vội vã cắm cúi ghi chép lệnh này lên tấm bảng đá. Truyền thống Ai Cập vẫn cho ghi chép lại mọi mệnh lệnh của Pharaoh lên bia đá như vậy.
Hoàng thân Kira run rẩy định nói gì nhưng hoàng đế Pharaoh đã phất tay ra lệnh, hai người lính vội vã dìu ông nầy ra cửa ngay. Smenkere im lặng nhưng khuôn mặt đầy vết nhăn của hắn trở nên nhăn nhúm hơn trước.
Hoàng đế Pharaoh quay qua những người khác, truyền lệnh:
– Các ngươi đều là tướng sĩ của triều đình nhưng đã theo hoàng thân Kira làm phản, gây đổ máu cho quân sĩ và dân lành vô tội. Đáng lẽ các ngươi đều phải bị tử hình nhưng ta quyết định tha tội chết, chỉ bắt các ngươi trở thành nô lệ, đầy đi các công trường xây cất lăng tẩm, đền đài để chuộc tội.
Hoàng đế phất tay, những người này đều bị áp tải đi ra bên ngoài nhưng Smenkere đã giơ tay chỉ hai đứa chúng tôi:
– Khoan đã! Hai thằng này đã phạm tội đụng chạm vào thân thể của hoàng đế Pharaoh, tội này phải bị xử tử.
Horemheb vội vã lên tiếng:
– Xin Hoàng đế hãy nghe tôi nói. Lúc đó chúng tôi không biết ngài là Pharaoh và trong tình trạng đó, chính chúng tôi đã cứu ngài khỏi nanh vuốt sư tử…
– Nanh vuốt sư tử ư? Này Smenkere, chuyện này thế nào?
Smenkere ngần ngại một lúc rồi nói:
– Quả có xác một con sư tử gần đó nhưng…
Horemheb lên tiếng:
– Ngài đang ngồi trên một tảng đá lớn và bị một con sư tử tấn công, chính chúng tôi đã phải tranh đấu với thú dữ để cứu mạng ngài. Sau đó ngài bị…
Smenkere quát lớn:
– Câm miệng! Không ai được nói về tình trạng của…
Hoàng đế Pharaoh gật đầu như đã hiểu:
– Thì ra thế! Quan ngự y đã nói rõ về tình trạng của ta và nếu không có sự chữa trị cấp thời thì chắc ta đã qua đời rồi.
Sắc mặt của Smenkere trở nên nhợt nhạt, hình như hắn muốn nói gì nhưng lại ngập ngừng không lên tiếng. Hoàng đế Pharaoh mỉm cười:
– Quan ngự y tỏ ra khen ngợi tài chữa bệnh của các ngươi. Phải chăng các ngươi cũng là y sĩ?
Horemheb mau mắn trả lời:
– Thưa hoàng đế, Sinuhe là y sĩ giỏi nhất thành Thebes. Hắn đã tốt nghiệp thủ khoa tại Abydos…
Khuôn mặt của hoàng đế Pharaoh bỗng trở nên rạng rỡ, ông mỉm cười:
– Trường khoa học tại Abydos ư? Hay lắm, hay lắm…
Horemheb tiếp tục:
– Hắn là con của Sen Moot, cha hắn cũng là một y sĩ giải phẫu nổi tiếng tại Thebes.
Khi tên của cha tôi vừa được nhắc đến, Smenkere bỗng giật nẩy mình. Cặp mắt hắn trợn lên, nửa ngạc nhiên nửa tức giận. Toàn thân hắn run bắn lên khiến hắn phải nắm chặt hai tay vào nhau để giữ bình tĩnh. Tự nhiên tôi cảm thấy thương hại người sĩ quan đã yêu say đắm mẹ tôi khi xưa. Dường như có một động năng nào không rõ thúc giục, tôi bèn lên tiếng cải chính:
– Kính thưa hoàng đế, thật ra kẻ này không phải là con ruột của y sĩ Sen Moot mà chỉ là một đứa bé vô thừa nhận…
Tôi kể lại chuyện cha mẹ tôi đã vớt tôi từ dưới sông như thế nào nhưng dĩ nhiên giữ ý, không nói gì về mối tình tuyệt vọng của Smenkere cả. Hoàng đế Pharaoh nhìn tôi thích thú:
– Hay lắm! Câu chuyện ngươi kể rất hấp dẫn. Ngày mai ngươi hãy vào trong cung để kể chuyện này cho Nefertiti, ta chắc nàng sẽ thích lắm. Ngoài ra ta cũng muốn thưởng công cho ngươi một cách xứng đáng.
Tôi vội vã cúi đầu thưa:
– Xin cám ơn hoàng đế đã có lòng nghĩ đến, nhưng kẻ này đã phát nguyện sống thanh bần, tuyệt sở hữu để phụng sự những người nghèo khó.
Hoàng đế Pharaoh tỏ ra ngạc nhiên:
– Ngươi không muốn nhận phần thưởng hay một đặc ân gì sao?
Tôi chỉ vào Horemheb:
– Kính thưa hoàng đế, kẻ này không dám xin đặc ân gì nhưng người bạn này, người đã giết sư tử để cứu mạng hoàng đế, vẫn mong được làm lính ngự lâm. Xin ngài thu dụng hắn.
Hoàng đế Pharaoh quay qua nhìn Horemheb rồi gật đầu:
– Phải lắm. Ngươi cũng có công cứu mạng ta. Một kẻ dám đương đầu với sư tử thì cũng không phải là tay tầm thường. Ta sắc phong cho ngươi làm sĩ quan chỉ huy đội ngự lâm trong nội cung của ta.
Đây quả là một đặc ân lớn lao, vượt ngoài sự mong ước của Horemheb. Hắn vội vã quì mọp xuống đất:
– Xin cám ơn hoàng đế. Horemheb này nguyện đem sinh mạng mình để bảo vệ cho ngài. Dù phải vào sinh ra tử, kẻ này quyết trung thành với ngài mãi mãi.
Hoàng đế Pharaoh quay qua nhìn Smenkere:
– Này Smenkere, công lao của ông không nhỏ. Ngày mai thiết triều ta sẽ thưởng công cho ông xứng đáng.
Smenkere im lặng quì xuống cám ơn nhưng nét mặt của hắn vẫn lạnh lùng, không cảm xúc. Hoàng đế Pharaoh gật đầu có vẻ hài lòng rồi thong thả bước ra ngoài, đám quân sĩ hộ tống vội bước theo.
Smenkere chỉ vào Horemheb, nói với một người lính hầu:
– Ngươi hãy đưa người này vào cung nhận chức theo lệnh Hoàng đế. Ta muốn nói chuyện riêng với Sinuhe.
Horemheb vỗ nhẹ lên vai tôi ngỏ ý cảm kích:
– Mày cứ yên chí, ngày mai tao sẽ gặp mày trong cung.
Sau khi Horemheb và nhóm quân sĩ rời căn phòng, Smenkere nhìn tôi chằm chặp rồi ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế:
– Thì ra ngươi không phải là con ruột của Sen Moot? Nhưng ngươi có biết ta là ai không?
– Tôi có nghe cha mẹ tôi nói về ông.
Smenkere ngạc nhiên:
– Cha mẹ ngươi đã nói gì về ta?
– Tôi biết ông ngày trước là sĩ quan chỉ huy quân đội cho ông ngoại tôi. Ông vẫn nuôi mộng làm rể gia đình Oka nhưng chuyện không thành…
Smenkere lạnh lùng:
– Nếu ngươi biết vậy, tại sao lúc nãy lại không kể chuyện này?
– Cha tôi thường nói: “Chuyện đã qua hãy để nó chìm vào quá khứ thì hơn. Nếu không ích lợi thì chẳng nên nói ra”. Thật ra cha mẹ tôi đều là những người lý tưởng và họ chỉ mong được sống trọn vẹn với lý tưởng cao đẹp đó mà thôi…
Tôi thành thật kể lại lời phát nguyện sống trong sạch của cha mẹ tôi và những sự việc phức tạp xảy ra sau đó. Smenkere im lặng nghe, tuy khuôn mặt của hắn vẫn nhăn nhó nhưng ánh mắt đã bớt hung hãn và dần dần trở nên mơ màng như hồi tưởng những kỷ niệm quá khứ. Hắn im lặng một lúc rất lâu rồi thở dài:
– Ta không ngờ sự việc lại xảy ra như vậy. Cám ơn ngươi đã cho ta biết những chi tiết mà ta không hề hay biết. Ta cũng cám ơn ngươi đã có ý, không nhắc gì đến chuyện quá khứ của ta. Sen Moot nói đúng, việc đã qua hãy để nó chìm vào quá khứ thì hơn. Ngươi hãy về nói với cha mẹ ngươi rằng từ nay Smenkere này sẽ không bao giờ làm phiền những người có lý tưởng thanh cao như vậy nữa.
Smenkere im lặng một lúc rồi thân mật hỏi:
– Ngươi có công cứu mạng Pharaoh thì cũng nên xin một chức vụ trong triều.
– Không đâu. Tôi đã phát nguyện theo gót cha tôi phục vụ những người nghèo khó và sống thanh bần, tuyệt sở hữu. Tôi không nhận chức vụ gì đâu.
– Thế còn Horemheb, bạn của ngươi, thì sao?
– Horemheb vẫn nuôi mộng làm quân nhân nhưng tôi chỉ mong làm y sĩ sống với lý tưởng phụng sự mà cha mẹ tôi đã đề xướng. Tôi sẽ trở về Thebes tiếp tục công việc của cha tôi.
Smenkere im lặng quan sát tôi một lúc rồi gật đầu, nói một cách thong thả:
– Hay lắm! Ta mong ngươi có thể sống trọn vẹn với cái lý tưởng cao đẹp ấy như cha mẹ của ngươi vậy. Này Sinuhe, con đường danh lợi mà chúng ta đang theo đuổi có những khó khăn trở ngại của nó, nhưng con đường tinh thần mà ngươi muốn theo đuổi còn khó khăn hơn gấp bội. Ngươi còn trẻ, nhiều nhiệt huyết và lý tưởng nhưng ngươi cần biết rằng con đường mà ngươi muốn đi thật không dễ dàng chút nào đâu. Ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi chọn lựa và khi đã quyết định một con đường nào thì hãy đi cho đến cùng. Đừng để xao lãng. Một ngày nào đó ngươi sẽ hiểu điều ta nói.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button