Review

Danh Pháp Trong Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả J.R.R. Tolkien
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 56
Ngày xuất bản 07-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Danh pháp trong Chúa tể những chiếc Nhẫn kèm theo danh mục đối chiếu tên riêng Việt-Anh

Tài liệu “Danh pháp trong Chúa tể những chiếc Nhẫn” (“Nomenclature of The Lord of the Rings”) do J. R. R. Tolkien biên soạn vào năm 1967! Một nguồn tham khảo đáng-tham-khảo để đọc Chúa tể những chiếc nhẫn.

[taq_review]

Trích dẫn

TÊN NGƯỜI, CÁC NHÓM DÂN, CÁC LOẠI SINH VẬT

Appledore. Dạng cổ của “apple-tree” [cây táo] (nay vẫn còn lại trong các địa danh ở Anh). Cần dịch bằng từ tương đương với apple-tree trong NND (nghĩa là dùng một từ cổ hoặc phương ngữ cùng nghĩa). Trong các ngôn ngữ German có thể lấy từ cùng gốc: vd Đ. (CĐT.) aphalter; I. apuldur; NU. và TĐC. apald. [Nhà Táo]

Baggins. Nhằm gợi đến bag [túi] – ss đối thoại của Bilbo với rồng Smaug trong Hobbit C12 – và dụng ý gây liên tưởng (cho người Hobbit) đến Bag End (nghĩa là đáy của cái “bag” hay “pudding bag” [nghĩa đen: “bọc đun bánh”] = cul-de-sac [ngõ cụt trong tiếng Pháp, nghĩa đen là “đáy túi”]), tên dân trong vùng dùng để gọi nhà của Bilbo. (Đấy là tên trong vùng gọi trang trại của dì tôi ở Worcestershire, nằm cuối một con đường dẫn lên đó và không đi xa hơn nữa.) Ss thêm Sackville-Baggins. Sang NND, cần dùng một yếu tố có nghĩa “túi”. [Bao Gai]

Banks. Hiển nhiên là một cái tên miêu tả địa hình, có chữ bank với nghĩa “sườn đồi hay triền đồi rất dốc”. Cần dịch bằng một thứ tương tự. [Triền Dốc Tuột]

Barrow-wights. Những sinh vật sống trong barrow, “gò mộ”. (Xem Barrow phần Địa danh). Đây là một tên đặt mới, cần đặt ra một chữ tương đương. Bản Hà Lan để grafgeest, “ma mộ”; Thụy Điển để Kummelgast, “ma gò mộ” [ác hồn Mộ Đá]

Beechbone. Dụng ý là một chữ có nghĩa (vì là cách địch sang NNC từ một chữ tương đương trong tiếng Ent hoặc Elf). Cần dịch tương tự (vd thành Buchbein, hay có lẽ Büchenbein thì hay hơn?). [Xương Sói]

Big Folk, Big People. Dịch. [Dân/Người Cao Lớn]

Black Captain. Dịch. [Thủ Lĩnh Đen]

Black One. Dịch. [Tên Đen]

Black Riders. Dịch. [Kỵ Sĩ Đen]

Bolger. Xem Budgeford. [Bolger]

Bounders. Hiển nhiên nhằm mang nghĩa “những người canh gác bound (tức là boundary [biên giới])”. Từ này có thực trong tiếng Anh, từ điển cũng không chú là lỗi thời, dù tôi rất ít khi nghe dùng; có lẽ vì từ lóng bounder vào cuối thế kỷ 19 – “một kẻ hung hãn vô lễ đáng ghét” – đã được dùng rất rộng rãi một thời gian, và chẳng mấy chốc đã thành một từ thóa mạ tương đương với “cad” [đồ vô lại]. Đã lâu tôi không còn nghe thấy từ này, và tôi nghĩ lớp người trẻ hơn chắc đã quên rồi. Schuchart [người dịch tiếng Hà Lan] dùng Poenen, “đồ vô lại”, chắc hẳn vì từ điển thông dụng chỉ liệt kê nghĩa của bounder (chú là tiếng lóng) là patser, nghĩa là “bounder, cad”. Dùng trong văn bản với dụng ý gợi lại nghĩa này cho độc giả Anh, nhưng nghĩa chính thực tế phải hiểu rõ được. (Trò đùa nhỏ này tất nhiên không đáng lặp lại, dù làm được cũng vậy.) [Biên Cảnh]

Bracegirdle. Họ có thật ở Anh; nhưng trong văn bản tất nhiên là để chỉ khuynh hướng người Hobbit thường béo phì đến gây căng tức thắt lưng. Cách dịch tốt nhất là ghi nhận điều này bằng một chữ tương đương có nghĩa là Tight-belt [thắt lưng chặt], hay Belt-tightener/strainer/stretcher [kẻ/thứ làm chặt/làm căng/làm giãn thắt lưng]. (Đây một tên có thật ở Anh, một từ ghép theo lối các ngôn ngữ Roman [Pháp, Ý, Tây, Bồ v.v.] có động làm từ tố đứng trước, như trong Drinkwater = Boileau [Uống + nước]; nhưng không đòi hỏi thay thế bằng họ có sẵn trong NND. Gürtelspanner liệu có được không?) [Chật Nịt Quần]

Brandybuck. Một tên Anh rất hiếm tôi bắt gặp. Nguồn gốc trong tiếng Anh của nó không quan trọng. Trong Nhẫn dụng ý hiển nhiên là tên này ghép các yếu tố từ Brandywine River và họ Oldbuck (xem hai mục này). Oldbuck có chứa từ “buck” (tên động vật); hoặc từ AC. bucc, “hươu đực” (fallow deer [hươu] hay roe deer [hoẵng] đều được), hoặc bucca, “dê đực”. [Hươu Bia Rum]

Lưu ý, Buckland (xem phần Địa danh) cũng nhằm dùng cùng tên loài vật này (Đ. Bock), mặc dù thường trong thực tế địa danh Buckland ở Anh xuất phát từ “book-land”, đất có được nhờ một văn tự nhượng hay cho mượn.

Brockhouse. Brock là một từ cũ (tiếng Anh Cổ) chỉ con lửng (Dachs), vẫn còn thông dụng trong cách nói nông thôn đến tận cuối thế kỷ 19 và đi vào văn chương, vì thế cũng có trong những từ điển lớn, kể cả từ điển đa ngữ. Vậy nên khó mà tha thứ được những người dịch sang tiếng Hà Lan và Thụy Điển đã chuyển sai. (*) Chữ này xuất hiện trong rất nhiều tên địa danh, từ đó có các họ tương ứng ví dụ Brockbanks, Brockhouse, tất nhiên, được dùng làm tên Hobbit hư cấu vì con “brock” xây những “sett” hay hệ thống hầm ở rất phức tạp và ngăn nắp. Sang tiếng Đức cần để Dachsbau, tôi nghĩ vậy. Tiếng Đan Mạch nên để Grævling. [Nhà Lửng]

(*) Trong bản Hà Lan Broekhuis (không phải lỗi in ấn, vì lặp lại ở cả bốn chỗ xuất hiện tên này) nghe rất ngớ ngẩn: “breech-house” [nhà quần dài] là cái gì? Bản Thụy Điển Galthus “nhà lợn rừng” cũng chẳng khá hơn, vì lợn đâu có đào hang! Rõ ràng người đặt không biết, hoặc không tra chữ brock, vì đã dùng Grävlingar để dịch tên Burrows (TĐ. gräflingar, gräfsvin, “con lửng”).

Butterbur. Theo tôi biết thì không xuất hiện làm tên người ở Anh, dù Butter có dùng độc lập hoặc trong kết hợp (thường xuất phát từ lên địa danh) như Butterfield. Khi vào truyện, để hợp với các họ thường liên quan đến thực vật ở Bree, chúng đã được đổi thành tên cây butterbur (Petasites vulgaris) [bơ gai]. Nếu tên thông thường của cây này có chứa yếu tố tương đương với “butter” [bơ] thì càng tốt. Nếu không hãy dùng một tên cây khác có “butter” (chẳng hạn Đ. Butterblume, Butterbaum, HL. boterbloeme) hoặc tên một thứ cây dày mập. (Cây bơ gai là một loài cây mập mạp có tán hoa rất nặng trên cuống hoa dày, lá rất to.)

Tên riêng của Butterbur là Barliman, chỉ là cách viết khác của barley [đại mạch] và man [người] (phù hợp với công việc chủ quán và nấu bia), do đó cần được dịch. [Đại Mạch Bơ Gai]

Captains of the West. Dịch. [Tướng Lĩnh miền Tây]

(The) Chief [of the Sheriffs]. Dịch. [Trùm (Quận Cảnh)]

Chubb. Họ có thật ở Anh, được chọn vì gợi liên tưởng trực tiếp đến tính từ A. chubby, nghĩa là “thân hình tròn và béo” (có giả thiết bắt nguồn từ chữ chub [cá bống], tên một loài cá sông). [Bống]

Corsairs. Dịch. Tôi tưởng tượng chúng gần như các corsair [hải tặc] Địa Trung Hải: các toán cướp trên biển có những căn cứ được phòng thủ chắc. [Hải Tặc]

Cotton. Chữ này xuất phát từ tên địa danh (giống như nhiều họ thời hiện đại), ghép từ cot, “cottage, chỗ ở hèn mọn” + -ton, thường thấy trong tên địa danh ở Anh, dạng rút ngắn của town (AC. tūn, “làng”). Cần được dịch theo cách hiểu đó.

Đây là một họ quen thuộc ở Anh, và tất nhiên về nguồn gốc không có liên hệ gì tới chất liệu vải cotton [vải bông], dù đấy là liên tưởng thông thường ngày nay. Hobbit theo miêu tả có hút thuốc lá, điều này được tạo cơ sở đáng tin ít nhiều nhờ giả thiết loài cây này được Con Người ở Westernesse đưa về qua Đại Dương (Phi lộ, T1 tr11); nhưng không phải có ý nói cây “cotton” đã được biết đến hay sử dụng vào thời này. Vì rất ít có khả năng trong ngôn ngữ khác lại có tên làng bình thường, quen thuộc giống với từ tương đương của cotton [vải bông], nên sự giống nhau trong văn bản gốc này có thể bỏ qua. Nó cũng không ảnh hưởng gì đến tình tiết truyện. Xem Gamgee.

Cotman có xuất hiện làm tên (không phải họ) trong phả hệ. Đây là một từ cổ, có nghĩa “cottager, người sống ở cot”, có thể tra thấy trong các đại từ điển, cũng là một họ thường dùng ở Anh. [Xóm Lá]

Dark Lord, Dark Power. Dịch. [Chúa Tể Hắc Ám, Thế Lực Hắc Ám]

(The) Dead. Dịch. [Người Chết]

Dunlendings. Giữ nguyên, ngoại trừ đuôi chỉ số nhiều. Chữ này thay thế cho dun(n)lending trong tiếng Rohan, nghĩa là người sống ở Dun(n)land. [Dunlending]

Easterlings. Dịch theo nghĩa “Easterners, con người ở phương Đông” (trong truyện là những con người sống ở những khu vực ít biết đến bên kia Sea of Rhûn). [người miền Đông]

Elder Kindred, Eldet Race, Elder People. Dịch. Nếu NND có hai dạng so sánh của old thì chọn dạng cổ hơn. (Trong tiếng Anh dạng cổ hơn elder hàm nghĩa cả hơn về tuổi tác và quan hệ họ hàng). [Lớp Cựu Niên, Cựu Tộc]

Sự tương tự giữa Eldar, dạng số nhiều của Elda, Elf phương Tây, với Elder chỉ là tình cờ. (Tên gọi Elda, “Elf”, đã được đặt ra từ lâu trước khi viết Nhẫn.) Không cần cố gắng bắt chước sự tương tự này, vì không có ích mà cũng không quan trọng. Ss Elder Days, hàm ý một thời đại cổ xưa hơn nữa trong lịch sử những người thuộc cùng dòng dõi đó, nghĩa là trong thời các tổ tiên xa xưa của họ.

Elf-friend. Dịch (Phát xuất từ Ælfwine, dạng tiếng Anh của một cái tên German cổ (còn xuất hiện chẳng hạn trong tiếng Lombardy là Alboin), dù rất nhiều nhân vật mang cái tên tiếng Anh Cổ trong sách sử này hẳn không nhận ra nghĩa phân tích của nó, hoặc không cho là quan trọng.) [Bạn Tiên]

Elven-smiths. Dịch. Lưu ý: Dạng cổ elven dùng làm tính từ hay từ tố trong Nhẫn tuyệt đối không được đánh đồng với A. elfin đã thành hạ tiện, mang liên tưởng hoàn toàn không phù hợp. Hoặc dùng từ có nghĩa elf trong NND (hoặc yếu tố đầu tiên trong từ ghép), hoặc tách thành Elvish (+ smiths v.v.), dùng dạng tương đương trong NND của tính từ chuẩn là Elvish. [Tiên Thợ Rèn]

Riêng về tiếng Đức: tôi muốn đề nghị một cách dè dặt, rằng có lẽ nên tránh dùng Elf, elfen làm từ tương đương cho Elf, elven. Elf theo tôi hiểu, được mượn từ tiếng Anh, và có thể còn giữ lại phần nào những liên tưởng thuộc loại tôi đặc biệt mong tránh ở đây (nếu được): vd liên tưởng trong thơ Drayton hoặc trong Giấc mộng đêm hè (theo tôi hiểu chính bản dịch vở kịch này đã lần đầu tiên đưa chữ elf vào tiếng Đức). Nghĩa là việc thu nhỏ elf thành một sinh vật giống loài bướm sống trong hoa, xinh xẻo và huyễn hoặc.

Tôi đang cân nhắc liệu chữ Alp (hoặc tốt hơn nữa là để dạng Alb, một biến thể vẫn còn thấy ghi trong các từ điển hiện đại, vốn là dạng quy chuẩn hơn trong lịch sử) có đùng được hay không. Đấy mới là từ cùng gốc đích thực của A. elf, và nếu Alp có những nét nghĩa gần hơn với A. oaf, chỉ những yêu tinh tai quái và ác ý, hay những chú ngốc làng vẫn bị coi là yêu tinh đánh tráo; thì A. elf cũng vậy. Với tôi những liên tưởng kiểu nông thôn, hạ tiện loại đó còn ít nguy hại hơn những tưởng tượng văn chương “xinh xẻo”. Trên thực tế, người Elf thuộc hệ “thần thoại” trong Nhẫn không thể đánh đồng với các truyền thuyết folklore về “fairy”, và như đã nói (trong Phụ lục F) tôi muốn người dịch sẽ dùng dạng cổ nhất có thể của cái tên này, rồi để nó tự tạo ra liên tưởng mới cho người đọc câu chuyện của tôi. Trong các thứ tiếng Scandinavia có chữ alf. [Tiên]

(The) Enemy. Dịch. [Kẻ Thù]

Ent. Giữ nguyên, cả khi đứng riêng lẫn trong các từ ghép như Entwives, [Entmaidens]. Đây được coi là tên gọi cho giống dân này trong ngôn ngữ sử dụng ở Vale of Anduin, gồm cả Rohan. Trong thực tế đây là một từ tiếng Anh Cổ dùng chỉ “giant” [người khổng lồ], vì thế dựa theo hệ thống thì đúng là thuộc về tiếng Rohan, nhưng các Ent trong truyện này về hình dáng cũng như đặc tính đều không phải mượn từ thần thoại German. Entings, “hậu duệ của các Ent” (T2 Q3 C4) cũng cần để nguyên, ngoại trừ đuôi số nhiều. Tên tiếng Sindarin là Onodrim (T2 Q3 C2). [Ent, Ent phụ, Ent nương, Enting]

Evenstar. Biệt hiệu của Arwen Undómiel. Khi xuất hiện trong văn bản, từ này – vốn là cách dịch từ Q. Undómiel – cần được dịch. [Sao Hôm]

Fair Folk. Giống người đẹp đẽ. (Dựa trên cụm từ tiếng Wales Tylwyth teg “the Beautiful Kindred [họ tộc đẹp đẽ]” = Fairy [Tiên]). Biệt hiệu chỉ người Elf. Dịch. [(người) Mỹ Tộc]

Fairbairns. Dịch. Đây là một họ ở Anh, gặp ở miền Bắc, biến thể của tên Fairchild. Tôi dùng chữ này ngụ ý sắc đẹp kiểu Elf của Elanor, con gái Sam, còn truyền lại lâu dài cho các thế hệ sau. Elanor còn nổi bật vì mái tóc vàng; và trong tiếng Anh hiện đại, fair khi nói về nước da hay màu tóc chủ yếu nói đến tóc vàng, nhưng mặc dù từ này có dụng ý gợi liên tưởng ấy trong tiếp nhận của độc giả Anh, trong bản dịch không cần lặp lại. [Mỹ Nhi]

Fallohide. Chữ này đã gây khó khăn. Nếu được thì cần dịch, vì từ này có dụng ý tương ứng với một tên gọi có nghĩa trong NNC, dù tên gọi ấy được đặt ra trong quá khứ và do đó có chứa những yếu tố cổ. Từ này được ghép từ A. fallow + hide (cùng gốc với Đ. falb và Haut), có nghĩa là “paleskin” [da trắng, da nhợt]. Đây là cách dùng cổ, vì fallow, “nhạt, hơi vàng”, ngày nay không còn dùng nữa, trừ trong cụm fallow deer [hươu, ss red deer: hươu đỏ], còn hide không còn dùng khi nói đến da người (trừ khi liên hệ ngược từ cách dùng chỉ da [sống] thú vật dùng làm da thuộc). Nhưng không nhất thiết phải bắt chước sắc thái cổ này. Xem Marcho và Blanco. Xem thêm chú thích về liên hệ giữa một số từ đặc biệt trong tiếng Hobbit với tiếng Rohan [trong Phụ lục F – HS]. [Bì Bợt]

Fang. Tên chó ở TI Q1 C4 tr119; dịch. Tất nhiên dụng ý đây là chữ A. fang, “răng chó hoặc răng lớn chìa ra” (AC. fengtōp; Đ. Fangzahn); nhưng vì chữ này có liên tưởng tới Grip [ngoạm, cắn], là nghĩa của động từ fang nay đã mất, nên tôi nghĩ để Đ. Fang có thể là lựa chọn tốt. [Nanh]

Bạn đọc cảm nhận

Đoàn Hồng Thủy

Danh Pháp Trong Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn là cuốn sách thứ hai tôi mua của tác giả J.R.R. Tolkien sau cuốn Chúa tể những chiếc nhẫn – Đoàn hộ nhẫn. Cuốn sách nhỏ này thực sự hữu ích khi chúng ta đọc bộ ba tác phẩm Chúa nhẫn bởi nó giúp ta hiểu được rõ hơn tên và các địa danh trong tác phẩm. Theo tôi đáng lẽ Nhã Nam nên xuất bản cuốn sách này song song với tập 1 chứ không phải phát hành sau và riêng như vậy. Cuốn sách khổ lớn nhưng độ dài không lớn nên khá mỏng và giá cũng khá rẻ. Chất lượng giấy in khá tốt, láng bóng, mượt mà, trắng tinh. Để đọc Chúa nhẫn thì độc giả nên mua cuốn này.

Nguyễn Trang Bạch Dương

Nội dung sách đúng như tên của nó: Danh pháp trong Chúa tể những chiếc nhẫn. Cuốn sách này là giải thích cho những tên gọi người, những địa danh và cả những kho báu. Nó cũng là sao chép bản đồ cho cuộc hành trình của seris Chúa Nhẫn. Nhưng có lẽ có quá nhiều tên riêng quá nên mình đọc hết cuốn danh pháp này mà cũng không nhớ nổi.

Nếu ai đam mê bộ truyện này thì nên mua cuốn Danh pháp để có thể hiểu rõ những tên gọi riêng. Đây là cuốn sách hoàn thiện cho bộ sưu tập Chúa tể những chiếc nhẫn của bạn.

Phan Minh Quang

Cuốn sách nhỏ này là một cuốn sách hỗ trợ rất có ích cho những ai cảm thấy khó quen với những cái tên trong Chúa tể của những chiếc nhẫn. Sách chú giải rất rõ ràng, chi tiết về từng tên người, tên địa danh, tên các chủng loài trong Chúa tể của những chiếc nhẫn. Đọc cuốn sách này càng khâm phục công trình nghiên cứu sâu sắc và tỉ mỉ của Tolkien về tiếng Anh cổ cũng như các ngôn ngữ khác. Ông đã tạo ra một trung địa sống động đến mức kinh ngạc, khiến ta như tin vào một thế giới dường như đã thật sự tồn tại cách đây rất lâu. Nhà xuất bản đã lồng những tên trong nguyên tác Tiếng Anh vào sách để chú giải cho những tên đã được dịch sang tiếng Việt như Bao Gai, Hươu Bia Rum, Bia Rum Đun,… Có thể cách dịch này vẫn còn hơi lạ với những ai đã quen những tên gọi tiếng Anh, nhưng nó cũng tạo nên một nét đặc sắc riêng cho bản dịch Tiếng Việt của tác phâm. Với những ai yêu thích Chúa tể của những chiếc nhẫn và trung địa, thì cuốn sách chú giải nho nhỏ này là không thể thiếu

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button