Review

Đàn Cổ Cầm Khỏa Thân

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Sơn Táp
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Đinh Tị
Số trang 384
Ngày xuất bản 06-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Cuốn tiểu thuyết Đàn cổ cầm khỏa thân của nữ tác giả người Pháp gốc Hoa Sơn Táp lấy bối cảnh Trung Hoa từ năm 420 – 585, trong thời kỳ hỗn loạn về chính trị. Đế quốc Trung Hoa và giới quý tộc bị đe dọa bởi các bộ lạc du mục dẫn đến nhà Hán bị lật đổ và sau đó là nhà Tấn. Trung Hoa bị chia làm hai, những quý tộc Trung Quốc lưu vong đoàn kết xung quanh một vị hoàng đế và định cư tai phía nam sông Dương Tử, khởi đầu cho thời kỳ phân tranh Nam Bắc.

Một cô gái thuộc tầng lớp quý tộc, từ nhỏ đã sống trong nhung lụa, được bao quanh bởi nghệ thuật và thi ca đã bị bắt cóc và buộc phải kết hôn với một người lính của miền Nam. Cuộc hôn nhân đã tước đi của cô cuộc sống sung túc và đẩy cô vào sự khốc liệt của chiến tranh và thủ đoạn. Đi theo người lính đã bắt cóc mình, chứng kiến ông thăng tiến dần trong xã hội, cô gái quý tộc đã yêu ông và mang thai đứa con của ông. Họ cùng đến Tử Cấm Thành, vượt qua bao nhiêu khó khăn, anh lính năm xưa đã trở thành hoàng đế Trung Hoa, còn cô gái thành hoàng hậu.

200 năm sau, một nghệ nhân làm đàn cổ cầm đã đột nhập vào ngôi mộ của hoàng đế và lấy gỗ từ ngôi mộ của ông làm nên một cây đàn cổ cầm huyền thoại. Khi tiếng đàn cất lên, nó đã đánh thức linh hồn của vị hoàng hậu năm xưa, và đưa mối tình đã ngủ sâu hai thế kỷ sống lại.

Về tác giả

Sơn Táp sinh ra trong một gia đình trí thức cao cấp ở Bắc Kinh và rời Trung Quốc để đến Paris vào năm 1990. Năm lên 8, cô đã có thơ in thành tuyển tập. Năm 14 tuổi, cô đã được giải thưởng văn học thiếu nhi toàn quốc, gây chấn động văn đàn Trung Quốc, cô đã xuất bản được 4 tập thơ khi còn ở trong nước. Năm 1997, với bút danh Shan Sa, cô từng bước chiếm lĩnh văn đàn Paris. Thiếu nữ đánh cờ vâylà tác phẩm đầu tiên của cô đã được xuất bản trong và ngoài nước Pháp, được 4 giải văn học lớn của Pháp đề cử và đoạt giải thưởng văn học Goncourt dành cho giới trẻ, đây cũng là cuốn sách đã đưa tên tuổi của Shan Sa đến với các bạn độc giả Việt Nam. Và tác phẩm mới nhất của cô – Đàn cổ cầm khỏa thân đã lọt vào Top 10 cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất châu Âu năm 2010.

[taq_review]

Trích dẫn

Mùa thu năm đó, Bà Mẹ Trẻ vừa tròn mười bảy tuổi.

Một lần nữa, nàng lại có một mái nhà che trên đầu và một bức tường để che chắn tầm nhìn. Căn phòng trải thảm nhồi bông dày. Nàng duỗi người trong chăn lụa rồi ngủ ngon lành. Trong giấc mơ, nàng được sống lại đoạn đời đã qua. Người ta chuẩn bị lễ mừng thọ của bà cố. Nhân dịp này, các dì, các bác và lũ con cháu, anh em họ ăn mặc như đi dự hội hè. Một khiếu thẩm mỹ tốt thể hiện qua một bộ quần áo nhiều lớp và qua sự lựa chọn một loại vải tông màu tinh tế. Phong cách thể hiện qua những viên đá quý hiếm mà kiểu cọ và màu sắc làm tôn lên vẻ đặc biệt của mái tóc. Sự tỉ mỉ có thể thấy nhờ vào mùi dễ chịu phảng phất quanh những tay áo dài. Các thành viên của gia tộc sưu tầm các loại hương thảo, gỗ trầm, xạ hương và các loại hương khác. Cái đẹp phải được cảm nhận bằng cả năm giác quan. Giống như một thi sĩ chạm khắc nên bài thơ của mình, cha mẹ quý tộc của nàng nghiền nhỏ, hòa trộn và chưng cất để tạo ra nhang trầm có mùi hương phảng phất. Khi được đặt trên một đĩa bạc đun nóng nhẹ trên than gỗ đàn hương, nhang sẽ cháy theo hình vòng cung theo đúng hình dạng của bình xông. Bốn nàng hầu, mỗi người hơ một chiếc áo đã là thẳng thớm rồi đưa qua đưa lại trong khói cho đến khi mùi hương trầm quyện sâu đến tận lớp lót trong cùng.

Mặt dặm phấn trắng, môi tô son hồng, khách mời đến sẽ mang theo các món quà và những lời chúc thượng thọ. Khi họ lướt đi trên những đôi giày cao gót, những viên ngọc thạch đính ở dây thắt lưng bằng lụa đánh leng keng. Họ cầm trên tay một cây quạt lông chim quý hiếm hay một cây chổi phủi bụi có tay cầm bằng ngọc thạch. Bên cạnh hồ, dọc theo con thuyền chiến được sơn vẽ, mọi người bàn về triết lý của các yếu tố tạo nên trời đất; trong nhà, ở tầng thượng, phụ nữ nghe một bản nhạc và ngắm trăng tròn vành vạnh. Mỗi thực khách họa một câu thơ trên một thanh tre, vần điệu ngẫu hứng phải hòa hợp nhau, nối tiếp nhau và tạo thành một bài thơ xiển dương duy nhất… Lúc thức dậy, Bà Mẹ Trẻ nhận ra mình đang ở giữa một công trường khổng lồ, nơi bụi bặm bay tứ tung và tiếng búa tạ, tiếng cuốc xẻng ầm ầm.

Quân triều đình đã đẩy quân Đạo giáo nổi loạn đến bước đường cùng. Trên dòng Dương Tử, hôn phu của nàng truy đuổi thủ lĩnh Tôn Ân, người thủ lĩnh tinh thần sáng chói của quân phiến loạn, đến tận biển Đông. Bị bao vây trên một hòn đảo, không còn ai thân tín, Tôn Ân đã nhảy xuống một vực sâu tự sát. Sau chiến thắng này, ngoài chức vụ tướng quân, hôn phu của nàng còn được phong chức tổng đốc. Trong vòng hai năm chiến đấu chống lại quân phiến loạn, từ vị trí một quan lại vô danh tiểu tốt, chàng đã leo lên hàng cao cấp trong quân đội và từ bây giờ đã là một trong những ông tổng quyền lực nhất.

Bà Mẹ Trẻ cố giấu niềm kiêu hãnh và niềm vui. Chiến tranh đã kết thúc, những cơn ác mộng không còn xâm lấn đêm thâu của nàng! Chồng nàng sẽ trở về và không còn cảnh mũ áo ra đi nữa. Họ sẽ có một cuộc đời bình yên và những đứa bé kháu khỉnh. Họ sẽ mở cửa chào đón các nhà hiền triết, thi sĩ, họa sĩ và nhạc công. Tiếng cười, tiếng nhạc, những dạ khúc sẽ không ngừng vang lên trong hoa viên của dinh thự.

Mỗi ngày, Bà Mẹ Trẻ đều cho một con hầu ra cửa thành, chỉ chực thấy bóng hôn phu nàng là tức tốc về báo tin. Nàng sẽ bỏ qua cho chàng vì đã ăn mà không rửa tay và súc miệng! Nàng cũng sẽ bỏ qua cái kiểu ngồi thô lỗ và giọng nói như gầm thét của chàng, cái giọng ngày xưa nàng chỉ nghe từ miệng của những kẻ đầu bếp mà thôi! Nàng sẽ không còn xấu hổ khi nghĩ tới việc chàng không biết đọc văn tự cổ và viết sai chính tả!

Nhờ nàng khấn trời khấn Phật, cuối cùng chàng cũng trở về trong đoàn hộ tống đông nghẹt những tham mưu và quan lại. Dù cấp bậc mới cho phép dùng gấm vóc lụa là, tổng đốc Lưu luôn mặc một bộ đồ cũ kĩ bằng vải và mang đôi ủng da đã sờn màu. Chàng tiếp tục nói chuyện với quân lính như nói chuyện với những người anh em. Không giữ kiểu cách, chàng nằm đè lên vợ mình trên giường. Nàng xấu hổ nghĩ rằng từ đây họ sẽ chỉ còn là một thân thể duy nhất, một cuộc đời duy nhất. Chàng nói với nàng lần này chàng muốn có con trai.

Nhờ nàng khấn trời khấn Phật, cuối cùng chàng cũng trở về trong đoàn hộ tống đông nghẹt những tham mưu và quan lại. Dù cấp bậc mới cho phép dùng gấm vóc lụa là, tổng đốc Lưu luôn mặc một bộ đồ cũ kĩ bằng vải và mang đôi ủng da đã sờn màu. Chàng tiếp tục nói chuyện với quân lính như nói chuyện với những người anh em. Không giữ kiểu cách, chàng nằm đè lên vợ mình trên giường. Nàng xấu hổ nghĩ rằng từ đây họ sẽ chỉ còn là một thân thể duy nhất, một cuộc đời duy nhất. Chàng nói với nàng lần này chàng muốn có con trai.

Năm 403

Những viên sỏi lấy từ đáy hồ Vĩnh Cửu đã về tới. Đứng trước điếm, sau bức màn the, Bà Mẹ Trẻ điều hành nhân công sắp xếp đá theo đúng bản vẽ của nàng quanh hồ. Một hòn non bộ hiện ra. Cùng với những con đại bàng bay lượn quanh những mỏm núi là một hang động và một lối đi lên đến tận đỉnh.

– Tướng Lưu đang trong thành!

Những người hầu chạy lại đón chàng. Bà Mẹ Trẻ bối rối. Nàng không ngờ chàng sớm trở lại như vậy. Nàng vội vàng vấn tóc trước gương rồi điểm những hạt lụa vàng trên gò má. Chàng đã tới tự lúc nào, mình đầy đất và khói bụi, lông mày nhíu lại và khuôn mặt căng thẳng. Nàng cúi đầu chào. Tim nàng run bần bật. Nàng sợ chàng sẽ mắng nàng vì để cho mọi thứ lộn xộn như vậy.

Nàng ngước lên, theo dõi phản ứng của chàng và định buông lời giải thích. Nhưng không quan tâm đến hai gò má đang bối rối của nàng, chàng nói:

– Hãy chuẩn bị một bữa tối cho mười một người trong dinh thự của nàng.

Nàng nghẹn lời.

– Ta muốn nó diễn ra trong bí mật, – chàng nói thêm rồi đi ra.

Chàng trở lại khi đêm xuống, mời khách vào bằng cửa dành cho người hầu. Những ngọn đèn yếu ớt rọi vào mái hiên, bóng đen nhảy múa và tòa dinh thự ồn ào. Sau những rèm cửa cuốn, nàng trông coi lũ gia nhân mang rượu và thịt đến.

Sau những trao đổi khách sáo, buổi thảo luận bắt đầu. Nàng nghe giọng chồng mình:

– Lợi dụng sự vắng mặt của các tướng quân lo truy đuổi quân Đạo giáo, tướng Hoàn Huyền đã soán ngôi và tống giam Hoàng đế nhà Tấn. Trên danh nghĩa Hoàng đế, y đã gọi ta về kinh đô. Các ngươi nghĩ thế nào? Ta có phải về không?

Một giọng nói nhanh chóng vang lên:

– Tướng Hoàn Huyền mang mưu đồ soán ngôi triều đình. Hắn cần sự ủng hộ của các tổng đốc khác. Tổng đốc Lưu đã chiến đấu với bọn phản tặc hữu hiệu và quyết tâm. Trong số những phòng tuyến được mở ở dọc sông Dương Tử, chiến thắng của tổng đốc có tính quyết định. Hoàn Huyền không phải không biết sự ảnh hưởng của tổng đốc. Hắn không muốn tổng đốc chống lại hắn nên mới mời tổng đốc về cùng mưu đồ việc lớn. Tổng đốc phải đòi hắn một lãnh địa riêng và một vị trí cao trong triều đình mới được.

Ai đó trả lời:

– Tổng đốc Lưu không thể bị chỉ tay năm ngón bởi một kẻ bất trung! Tổng đốc không thể phản bội Hoàng đế nhà Tấn và sẽ không thể thề trung thành với kẻ soán ngôi.

Một giọng khác giễu cợt:

– Hoàn Huyền muốn tự xưng hoàng đế và lập nên triều đại mới mang tên hắn. Không ai không biết mưu đồ của hắn. Hắn chỉ xem tổng đốc Lưu như một đối thủ, chứ không phải là một đồng minh. Theo ý ta, hắn mời tổng đốc về kinh thành Kiến Giang để giăng bẫy đó. Một khi đã lên ngôi hoàng đế, hắn hoàn toàn có thể ra chiếu chỉ bắt nhốt tổng đốc khi hắn ra chầu triều.

Một giọng trẻ hơn cất lên:

– Để tránh nhiều đối thủ, Hoàn Huyền có thể gọi tất cả về triều đình, mời tiệc rượu và cho họ uống rượu độc! Hoàn Huyền là một con rắn đã cướp mất chiến thắng của các tổng đốc chiến đấu với phiến quân. Tổng đốc Lưu phải tuyên chiến với hắn. Những tổng đốc khác sẽ theo ngài!

Ý kiến này nhận được sự đồng tình của một người lớn tuổi hơn:

– Từ khi man di xâm lấn, các triều đại Hoa Hạ cứ chập chờn như ngọn đèn dầu, các hoàng đế hết người này đến người khác lên ngôi rồi bị tiêu diệt. Trước Hoàn Huyền, những tổng đốc khác đã bị tấn công theo lệnh bề trên và ai cũng có tham vọng lập nên triều đại riêng. Tổng đốc Lưu có dáng đi như cọp và ánh mắt như rồng. Suy nghĩ và hành động của ngài khác hẳn với những quan lại bình thường. Ngài không thể làm nô lệ được…

Lúc đó chồng nàng nói vào và nhanh chóng kết thúc cuộc thảo luận:

– Tướng Hoàn Huyền mơ chiếm lại phương Bắc và thống nhất Trung Hoa. Y cần ta để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này. Y sẽ giết ta khi ta đã truy đuổi xong bọn man di và chiếm lại được Trung Nguyên, quê hương của tổ tiên chúng ta. Lúc này, ta vẫn còn thời gian.

Một người trong số họ nổi trận lôi đình:

– Hoàn Huyền dã man và tàn độc. Hôm nay, hắn còn cần ngài để chinh phạt những tổng đốc không tuân lệnh hắn. Ngày mai, khi hắn đã nắm chắc quyền hành, hắn sẽ loại bỏ ngài. Cuộc chiến phương Bắc là một lời hứa mà hắn vẽ vời ra để có được liên minh từ phương Nam thôi.

– Tổng đốc Lưu phải giương cờ tuyên bố độc lập!

Chồng nàng lại nói lớn để cắt lời:

– Các đại nhân, rượu lạnh rồi. Cạn chén!

Bạn đọc cảm nhận

Lê Linh

Tôi bị thu hút bởi nhan đề sách – “đàn cổ cầm khỏa thân” – một nhan đề khá lạ và đem đến cảm giác gì đó vừa dữ dội, vừa xót xa. Mối tình được Sơn Táp khắc họa là một mối tình đầy đau đớn giữa hai con người không những địa vị khác xa nhau mà đến cả triều đại cũng cách biệt, thế nhưng chỉ cần hai trái tim cùng hướng đến âm nhạc, cùng hướng đến đàn cổ thanh cao không vướng bụi trần thì chúng đã có chung nhịp đập rồi. Mối tình của hoàng hậu vốn không hạnh phúc và chàng trai đánh đàn khiến tôi cảm thấy mắt cay cay, nhưng chí ít, họ đã tìm thấy tình yêu cho mình, đúng không? Văn phong của tác giả cũng khiến tôi rất ấn tượng, vừa dịu nhẹ, vừa ấm áp, lại mang một nét buồn mang mác, nói chung là rất khó hình dung, nhưng lại vô cùng hấp dẫn.

Nguyễn Thị Thục Quyên

Sơn Táp, như thường lệ, lại chọn chiến tranh làm nền cho một chuyện tình đẹp đẽ mà bi thương. Nàng, con gái một thợ đàn trong giới quý tộc, vì chiến loạn mà phải làm vợ một người lính, phải rời xa tất cả, chỉ còn một cây cổ cầm ở bên. Chàng, người của hai trăm năm sau, một người thợ làm đàn sống giữa một triều đại điêu tàn, thời thế đảo điên. Trong cuộc đời hai người, tiếng cổ cầm u buồn ngân nga dẫn chuyện. Họ gặp nhau bằng một kết nối huyền ảo, yêu nhau, rồi chia ly trong phút chốc. Dở dang, nhưng đẹp đến hoàn mỹ. Sơn Táp đã thành công khắc họa một bối cảnh loạn lạc, tàn khốc nhưng lại chìm trong bầu không khí thanh tĩnh như một bản nhạc được tấu lên bởi cây cổ cầm.

Ding Carmilla

Đây là một tác phẩm không dễ đọc, nếu chỉ đọc sơ qua mọi người sẽ thấy rất chán câu chuyện cũng rất bình thường chỉ khi nào bạn đọc một cách chậm rãi thì mới cảm nhận cái hay trong đó. Cái hay trong câu chuyện ở chỗ huyền diệu ảo kỳ của từng câu chữ như những khúc nhạc nhẹ nhàng với tình yêu đau buồn nhưng có chút hoang dại của Bà Mẹ Trẻ và tên lính đã bắt cóc nàng mà sau này cùng nàng vượt qua bao khó khăn sẽ trở thành hoàng đế và nàng thì trở thành hoàng hậu.

Đọc nó như đang thưởng thức 1 tác phẩm nghệ thuật cổ điển pha chút yếu tố về âm nhạc được mô tả khéo léo len lỏi trong từng con chữ!

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button