Review

Cuộc Đời Của Pi

Thể loại Sách kinh điển
Tác giả Yann Martel
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 446
Ngày xuất bản 01-2017
Giá bánXem giá bán

Nội dung

“Mọi việc ở đời có bao giờ diễn ra như ta vẫn tưởng, nhưng biết làm sao. Cuộc đời đem cho ta cái gì thì ta phải nhận cái đó và chỉ còn cách làm cho chúng tốt đẹp nhất mà thôi.”.

Cuộc đời của Pi mở đầu với lời chào ấn tượng của tác giả, Yan Martel và hành trình tưởng như bế tắc khi ông mò mẫm đi tìm một câu chuyện cho sự nghiệp của mình. Lời chào ngắn ngủi ấy giúp người đọc hình dung được hoàn cảnh ra đời của cuốn sách và chẳng cần thắc mắc gì nhiều đến bối cảnh của câu chuyện. Và như thế, một Ấn Độ từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước sống dậy cùng Pi, cùng vườn thú Poddicherry và cùng những ngày thơ ấu rối rắm và kỳ lạ.

Piscine Molitor Patel, hay bị gọi nhầm thành Pissing cho đến khi cậu tự đặt cho mình biệt danh Pi – con số 3,14 huyền thoại. Ngẫu nhiên thay, cái tên ấy cùng những biến cố sau này đã biến cuộc đời Pi trở thành huyền thoại. Mà ngay cả nếu không phải huyền thoại thì Pi đã là một cậu bé kỳ lạ, đứa trẻ lớn lên cùng những người bạn trong vườn thú và có niềm tin mạnh mẽ vào Thượng đế. Chắc hẳn trên thế giới này, Pi là cậu bé duy nhất theo đến ba tôn giáo: Hindu, đạo Hồi và đạo Cơ đốc. Trong con người Pi, tôn giáo cũng như dân tộc, như quốc tịch và nếu như chúng ta đều tôn thờ Thượng đế thì tại sao lại không thể tin theo nhiều đạo.

Gandhi đã dạy, mọi tín ngưỡng đều là chân lý. Tôn giáo là để giúp chúng ta giữ được nhân phẩm của mình chứ không phải để hạ nhục nó.

Sự thật đã chứng minh rằng chính niềm tin tôn giáo có phần kỳ dị trong mắt người khác ấy của Pi đã giúp cậu sống sót và tồn tại mà vẫn giữ được sự tỉnh táo, thông minh và cứng rắn sau biến cố tưởng như có thể vắt kiệt mọi sinh mạng sống.

Piscine Molitor Patel, tên thường gọi là Pi, quốc tịch Ấn Độ, là người sống sót duy nhất trong vụ đắm tàu Tsimtsum ngày 2 tháng 7 năm 1977, đã lênh đênh trên biển suốt 227 ngày với xuồng cứu hộ và một con hổ Bengal tên là Richard Parker. Nói như Ravi – anh trai của Pi, thì là “Phiêu lưu đang vẫy gọi”, chỉ có điều 227 ngày phiêu lưu này cũng là 227 ngày đấu tranh và giành giật sự sống trên bề mặt mênh mông của Thái Bình Dương.

Cuộc Đời Của Pi là một cuốn sách nhỏ, không quá dày và không nổi bật với bìa sách màu xanh biển mênh mông có đàn cá làm nền cho chiếc xuồng cứu hộ. Pi và Richard Parker nằm trên hai đầu của chiếc xuồng ấy, lặng lẽ và tuyệt vọng với cái chết rình rập quanh mình.

“Lí do sự chết cứ bám riết lấy sự sống như vậy ko phải là vì nhu cầu sinh học – đó là sự ghen tị. Sự sống đẹp đến nỗi sự chết đã phải lòng nó, một mối tình tư vị đầy ghen tuông quắp chặt lấy bất cứ thứ gì nó có thể động đến.”

Pi và Richard Parker tồn tại bên nhau, duy trì sự sống cho nhau và khuất phục nhau. Pi cho Richard Parker đồ ăn, thức uống để sống. Richard Parker cho Pi lý do để không buông mình tuyệt vọng nhưng cũng chẳng hề hi vọng (thật khó để giữ cho mình hy vọng sau chuỗi ngày dài cô đơn trên biển cả mờ mịt). Cứ thế, cặp đôi đồng hành lăn qua lăn lại giữa lằn ranh sống chết, quật qua quăng lại giữa bão biển và những cơn đói mặn chát… để trở về và chia ly không một lời từ biệt.

Cuộc Đời Của Pi, hay đúng hơn, là câu chuyện Pi Patel tự thuật về cuộc đời mình và Yan Martel là người ghi lại cảm xúc, hành động, khát vọng sống,… Trong câu chuyện ấy không có phép lạ, không có điều kỳ diệu, Pi chỉ có đức tin và lời cầu nguyện để giữ lại cái phần người cho chính mình.

“Khi chính cuộc sống của ta bị đe dọa, ý thức thương cảm bị cùn đi bởi một thèm khát sống đầy ích kỷ”. Và, trong một phiên bản nhân hóa đáng tin hơn thì câu chuyện của Pi kỳ lạ, hoang đường, trần trụi đến tàn khốc khi mô tả bản năng của con người qua hình ảnh những con vật. Nhân hóa ấy hợp nhất Pi – một cậu bé ăn chay 16 tuổi với đức tin vào Thượng đế, cầu nguyện ba lần một ngày – với Richard Parker – một con hổ Bengal nặng 450 pound mạnh mẽ, tàn bạo và hoang dã.

Khi trang sách khép lại, những gì còn lại cho người đọc hẳn không nhiều, bởi, câu chuyện về sinh tồn trong tuyệt vọng vốn không còn xa lạ trong phim ảnh, sách báo nữa. Yan Martel đã hoàn thành trọng trách của một người kể chuyện, còn Pi – đã trưởng thành và sống hạnh phúc cùng gia đình nhỏ của mình – không còn là huyền thoại xa vời mà chỉ như một dấu ấn mờ mịt trong muôn ngàn sinh mạng đang tồn tại trên thế giới này. Đến cuối cùng, đâu là thực, đâu là ảo giác? – Chắc chẳng quan trọng nữa rồi. Pi vẫn sống cùng niềm tin đa tôn giáo, cùng triết lý kỳ lạ về con người và sự sống, cùng gia đình nhỏ bên người vợ xinh đẹp và hai đứa con – Một cái kết có hậu cho người đã mất đi tất cả trong cuộc phiêu lưu đáng sợ nhất đời mình.

[taq_review]

Review

Đỗ Thanh Trúc

Xuất phát điểm từ một vườn thú ở Ấn Độ, sau đó là chuỗi ngày lênh đênh trên đại dương sau khi tàu bị đắm và cuối cùng là trôi dạt vào Mexico, cuộc đời của Pi Pantel thật khác lạ và đầy nghị lực sống.

Dũng cảm không có nghĩa là không biết sợ mà chỉ là làm cho nỗi sợ ấy biến đổi theo cách nào đó tốt hơn, Pi là một người như vậy. Những điều bắt gặp trong những ngày tháng trôi dạt trên biển của Pi là những điều đã biến đổi suy nghĩ và cuộc sống của Pi: con ngựa vằn gãy một chân, cọp Bengal, cá dorado, rùa biển, cá bay, đảo kết bằng tảo ăn thịt lúc về đêm, chồn biển, người bạn vô tình gặp….

Tôi thấy Pi là một cậu bé khá thông minh, thích ứng rất nhanh chóng và suy nghĩ rất thực tế. Chỉ 16 tuổi mà phải trải qua những thử thách lớn lao như vậy thì thật là đáng ngưỡng mộ. Đọc đến đoạn kết, sau khi cậu bé dạt vào bờ biển của Mexico, được hai người Nhật hỏi thăm nhằm tìm ra nguyên nhân tại sao chiếc tàu lại bị đắm, thật bực mình. Cho dù không tin câu chuyện của người khác thì cũng nên tôn trọng những gì người ta nói chứ, có đâu mà hết mỉa mai bằng ngôn ngữ của mình, lại vừa tranh luận theo hướng ta đây là đúng, lố bịch không tin được.

Một tác phẩm hay về ý chí, nghị lực của con người. Khi lâm vào bước đường cùng thì bản năng sinh tồn sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, đẩy con người vượt xa những giới hạn của bản thân. Ngòi bút của tác giả thật tài tình, rất thực và khá triết lý (3 tôn giáo). Tôi hài lòng sau khi đọc xong tác phẩm này!

Trần Chí Thiện

Gần 2 năm trời ko đụng tới 1 cuốn tiểu thuyết. Trong một đêm buồn chán ko có gì làm, ra nhà sách mua “Cuộc đời của Pi” về đọc cho dễ ngủ (vì nghe đồn sắp ra phim). Ai ngờ, ko những ko ngủ mà còn thức luôn tới sáng vì muốn đọc cho hết cuốn truyện :)))

Nói sao nhĩ…”Cuộc đờ của Pi” là 1 cuốn tiểu thuyết khá kì lạ & thú vị theo một cách rất riêng. Câu chuyện xoay quanh Pi, một anh chàng người Ấn, con của một chủ vườn thú. Hơn 1/3 đoạn đầu là nói về cuộc sống của Pi ở vườn thú & nhân sinh quan của anh ta. Nhất là về tôn giáo. Đoạn này đặc biệt hơi dài & khá ngán ngẩm nếu như bạn ko có chút hứng thú gì về chủ đề này. Skip cũng được nhưng ko nên.

Tuy nhiên, từ đoạn con tàu chở gia đình Pi vượt biển tới Canada bị đắm trở đi, sự hấp dẫn mới thực sự bắt đầu & bảo đảm sẽ cuốn hút bạn đến hết truyện.

Thành thực mà nói, những câu chuyện về đắm tàu, sinh sống trên đảo hoang ko hiếm, nếu ko nói là đầy rẫy. Vậy “Cuộc đời của Pi” hay ở điểm nào? Theo tôi, có 3 điểm nổi bật nhất:

Thứ 1: tác giả miêu tả rất THẬT cuộc sống của 1 người bị lênh đênh trên biển suốt 200 mấy ngày. Những chi tiết nhỏ như cách lấy nước ngọt, giết rùa để lấy thịt hút máu, bắt cá chuồn bay đều được Yan Martel kể lại rất sinh động & thuyết phục. Ko có giả tạo hay hời hợt như những câu chuyện khác.

Thứ 2: nếu bạn lênh đênh trên biển lâu ngày, bạn sẽ bị tự kỷ & dễ dàng tìm đến cái chết. Đó là khuynh hướng tâm lý bình thường. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như trên tàu cứu sinh còn có 1 con HỔ??? Ko hợp lý lắm & cũng khó có thể xảy ra trên thực tế, nhưng nếu bạn thả trí tưởng tượng đi xa hơn 1 chút thì chấp nhận cũng ko đến nỗi khó.

Vậy là có 1 con Hổ sống sát bên bạn. Bản năng sinh tồn theo đó sẽ bật dậy & mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cuộc chiến đấu giữa Pi với con Hổ và sự khắt nghiệt của biển cả đã khiến tôi ko rời mắt ra được khỏi cuốn truyện. Rất hay!

Thứ 3: với 1 khối lượng lớn kiến thức về tôn giáo, động vật học, địa lý…”Life of Pi” rõ ràng là 1 cuốn sách khó dịch. Vậy mà dịch giả nổi tiếng Trịnh Lữ đã xuất sắc trong việc truyền tải nội dung cuốn truyện sang tiếng Việt. Hoàn hảo đến khó tin. Và sau này mới biết, Trịnh Lữ đã đoạt giải “Dịch giả của năm” cho cuốn truyện này 😀

Tuần sau sẽ ra mắt phim. Tôi khuyên mọi người hãy đọc sách trước khi xem phim. Bởi vì coi trailer thấy nó thay đổi hơi bị nhiều. Mà thực sự mà nói, cái hay của “Life of Pi” khó có thể thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh ^^

Hàn Băng Vũ

Không biết những người ăn mặn cảm thấy thế nào khi đọc đoạn Pi Patel lênh đênh trên sóng nước, bị bản năng sống buộc phải bẻ gãy cổ con cá bay, câu cá rồi buộc phải ăn mặn sau một đời chay tịnh trong sạch. Riêng mình, mình cảm thấy xúc động mạnh từ lúc Pi nhắm mắt, bỏ qua phiền toái (thực sự là vấn đề lớn) là phát hiện hộp bánh quy cấp cứu được nướng bằng mỡ động vật, ăn cái bánh và thốt lên “đồ ăn Na Uy ngon nhất thế giới”. Hiểu cảm xúc ấy là một chuyện nhưng bị xúc động mạnh và thấu hiểu rõ ràng lại là chuyện khác. Khi Pi khóc và tưởng tượng chính mình là một con vật bị cuộn trong chăn len giãy giua và bị bẻ cổ, tuy mình không khóc nhưng thấy thương Pi ghê gớm. Nhất là sau khi Pi cay đắng chấp nhận rằng tay mình đã nhuốm máu… Pi tính mình là một con vật nhưng cảm xúc của Pi không thể như một loài vật. Là loài vật bình thường, chắc Pi sẽ không cổ vũ con Richard Parker màu da cam, nặng hai tạ rưỡi với móng vuốt mà tát một cái, Pi sẽ mất đầu, miệng rộng như cái hang với hàm răng to nhọn như nhũ thạch mà Pi nghĩ mình sắp được vào đó chơi.
Life of Pi là cuốn sách hấp dẫn, cuốn hút một cách sinh động và rất người.

Trích đoạn

Ta thấy đấy, nếu ta ngã vào một chuồng nhốt sư tử, cái lí do để một con sư tử sẽ xé xác ta không phải là vì nó đói – vườn thú luôn cho chúng ăn thừa mứa – cũng không phải vì nó là đồ khát máu, mà chỉ vì ta đã xâm phạm lãnh thổ của nó.

Cũng chính vì thế mà người dạy hổ trong rạp xiếc luôn luôn phải vào trong vòng diễn trước, và phải để cho bầy sư tử nhìn thấy hẳn hoi. Làm như vậy, anh ta khẳng định rằng cái vòng diễn ấy là lãnh thổ của anh ta, không phải của chúng, một sự khẳng định được củng cố liên tục bằng những tiếng quát tháo, dậm chân, và quất roi đen đét. Bọn sư tử bị ấn tượng mạnh. Thế yếu đè nặng lên chúng. Cứ để ý mà xem, khi chúng vào vòng diễn, đường đường là “vua của muôn loài”, sức dài vai rộng là thế, mà len lét cụp đuôi bò vào vòng diễn mà cứ dúi và mép vòng, không nơi ẩn náu. Chúng đang phải trình diện trước một con đực đầy thế áp đảo, một con đực siêu quần, và chúng phải phục tòng những nghi thức của con đực ấy. Thế là chúng há miệng cho to, ngồi cho thẳng, nhảy cho lọt vào các vòng tròn phất giấy, bò cho qua những ống, đi giật lùi cho khéo, lăn dưới sàn cho giỏi. “Thật là một tay kỳ lạ,” chúng lờ mờ suy nghĩ. “Chưa thấy một sư tử đầu đàn nào như tay này. Nhưng hắn thật kỳ vĩ. Túi thức ăn bao giờ cũng đầy và – cứ nói thật đi các cậu – các trò tinh quái của hắn cũng khiến chúng ta bận rộn đấy chứ. Chí ít thì chúng ta cũng không phải đi xe đạp như bọn gấu dở hơi hoặc đón bắt những cái đĩa bay như bọn khỉ độc.”

Chỉ có điều người dạy hổ lúc nào cũng phải duy trì địa vị độc tôn của mình. Giá phải trả sẽ rất đắt nếu anh ta vô tìnhđể mình tụt xuống hàng thứ hai. Nhiều hành vi thù địch và hung dữ của thú vật chỉ là biểu hiện của tâm lý xã hội không an toàn. Con thú trước mặt ta phải biết rõ nó đứng ở đâu, bên trên hay bên dưới ta. Địa vị xã hội là trung tâm điều khiển cuộc sống của nó. Chỗ đứng quyết định nó có thể giao tiếp với ai và như thế nào, lúc nào và chỗ nào có thể uống nước, vân vân và vân vân. Khi nó chưa biết rõđịa vị xã hội của mình, con thú sống một cuộc đời vô chính phủ không thể chịu nổi. Nó lo lắng, sợ sệt, cáu bẳn và nguy hiểm. Ngay cho người dạy thú ở một điểm là đối với các loài thú bậc cao, địa vị xã hội không phải lúc nào cũng được xác định bởi sức mạnh hung dữ của chúng. Tác giả Hegiger (1950) viết, “Khi hai con thú gặp nhau, con nào có thể đe dọa được đối thủ sẽ được gặp nhau, con nào có thể đe dọa được đối thủ sẽ được công nhận có địa vị cao hơn, và điều này không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào một cuộc đánh nhau; có nhiều khi chỉ cần một cuộc đối mặt là đủ.” Thật là những lời của người nghiên cứu thú vật, thông thái. Ông Hediger làm giám đốc vườn thú tron gnhiều năm, đầu tiên là vườn thú Basel rồi sau đó là vườn thú Zurich. Ông là một người thông thạo lối sống của thú vật.

Đó là vấn đề đầu óc cao hơn bắp thịt. Bản chất ưu thế của người dạy thú là ở tâm lý. Khung cảnh lạ lẫm, dáng dấp thẳng thắn của anh ta, thái độ bình thản, cái nhìn thẳng thắn và tập trung, những bước chân quả quyết, những tiếng thét kỳ lạ (ví dụ tiếng roi quất và tiếng còi thổi) – đó là những yếu tố ào ạt tác động vào tâm lý con thú khiến cho nó phải nghi ngại, sợ hãi, khiến cho nó thấy rõ nó đứng ở đâu, là điều mà nó khao khát muốn biết nhất. Biết thế rồi, số Hai sẽ lùi bước và số Một sẽ quay ra phía khán giả và lên tiếng, “Chúng tôi xin bắt đầu buổi diễn! Và bây giờ, thưa quý ông quý bà, qua những vòng lửa thật kia…”

***

Sáng hôm sau, tôi không đến nỗi ướt lắm và cảm thấy khỏe khoắn. Tôi nghĩ điều đó rất đáng nói, nếu xét đến những khó khăn lo lắng mà tôi đang phải chịu đựng lúc bấy giờ, cũng như việc tôi đã ăn rất ít trong nhiều ngày liền.

Hôm ấy trời đẹp. Tôi quyết định thử câu cá, lần đầu tiên trong đời. Sau bữa điểm tâm ba cái bánh qui và một hộp nước, tôi đọc những gì viết về chủđề này trong cuốn cẩm nang sống còn. Vấn đề đầu tiên: mồi câu. Tôi suy tính chuyện đó. Có thịt chết, nhưng lấy trộm đồ ăn ngay dưới mũi hổ thì tôi không dám. Nó không thể hiểu được rằng đó là một khoản đầu tư sẽ đem lại cho nó những món lãi tuyệt hảo. Tôi quyết định dùng da giày. Tôi chỉ còn một chiếc. Chiếc kia đã tuột mất khi tàu đắm.

Tôi bò lên xuồng và lấy từ thùng đồ lên một bộ đồ câu, con dao, và một cái xô để đựng cá câu được. Richard Parker đang nằm nghiêng một bên. Đuôi nó nhảy dựng lên khi tôi leo lên mũi xuồng nhưng đầu nó không động đậy. Tôi thả bè ra xa.

Tôi buộc lưỡi vào dây câu qua một đoạn thép dẫn mồi. Thêm mấy hòn chì. Tôi chọn 3 hòn có hình giống như thủy lôi. Rồi cởi giày và cắt nó thành từng mẩu nhỏ. Không phải dễ, vì da giày rất dai và cứng. Tôi cẩn thận luồn lưỡi câu và một mẩu da dẹt, không đâm xuyên qua mà cố gài nó vào trong sao cho đầu nhọn lưỡi câu không lộ ra ngoài. Tôi buông dây xuống thật sâu. Tối hôm trước tôi đã nhìn thấy biết bao nhiêu là cá và nghĩ rằng sẽ rất dễ cắn câu.

Thế mà chẳng được con nào. Cả chiếc giày biến dần từng mẩu một. Dây cứ thấy động hết cái này đến cái khác, cá cứ thi nhau ăn mà không mắc câu, tôi cứ liên tục thay mồi, cho đến lúc chỉ còn có cái đế và dây giày. Khi thấy đoạn dây giày không hấp dẫn như một con giun làm mồi câu, tôi sốt ruột quá, liền móc vào lưỡi cả cái đế giày tướng. Thật là một ý tưởng không hay. Tôi thấy dây câu bị kéo nhẹ một cái, rồi căng ra rất hồi hộp, sau đột nhiên nhẹ bỗng. Tôi kéo lên, chỉ còn có dây mà thôi. Tôi đã mất cả chì lẫn chài.

Mất mát đó không làm tôi nản lòng nhiều lắm. Trong bộ đồ câu vẫn còn nhiều lưỡi thép dẫn mồi và các hòn chì khác, và ngoài ra còn có cả một bộ đồ câu khác còn nguyên. Mà thật ra tôi câu cá đâu có phải cho mình ăn. Tôi có rất nhiều đồ ăn dự trữ mà.

Mặc dù vậy, một phần của trí khôn tôi, cái phần thường nói ra những điều ta không muốn nghe, la lối rầm rĩ, ”Ngu ngốc thì phải trả giá. Lần sau thì người nên thận trọng và thông minh hơn.”

Gần hết buổi sáng hôm đó thì con rùa thứ hai xuất hiện. Nó bơi thẳng đến bè. Nếu muốn, nó đã có thể đâm lên và cắn vào đít tôi. Khi nó quay người bơi đi, tôi với xuống định tóm lấy hai chân sau của nó, nhưng vừa chạm vào nó tôi đã rụt ngay tay lại vì sợ. Con rùa bơi đi mất.

Vẫn cái phần trí khôn đã la lối tôi trong vụ câu cá thất bại kia lúc này lại lên tiếng. ”Ngươi định nuôi cái con hổ kia bằng gì, nói rõ ra xem nào? Ngươi nghĩ nó sẽ sống được bao lâu với xác mấy con vật kia? Ta có thể nhắc người là hổ không phải là loài ăn thịt chết? Công nhận rằng lúc đói gần chết thì nó cũng sẽ bịt mũi nhắm mắt mà ăn. Nhưng ngươi có nghĩ rằng trước khi phải chén con ngựa vằn đã thối rữa ra kia, nó sẽ cố ăn thịt thằng cu ấn Độ vẫn còn tươi sống nguyên lành và chỉ cách nó vài sải bơi ngắn mà thôi không? Rồi còn tình hình nước uống thì sao? Ngươi biết là hổ không chịu được khát kéo dài. Ngươi có để ý mùi hôi từ mồm miệng nó phả ra không? Dấu hiệu xấu đấy. Chẳng nhẽ ngươi hy vọng nó sẽ uống cạn Thái Bình Dương để thỏa cơn khát và do vậy cho phép ngươi cứ thế đi bộ đến châu Mỹ hay sao? Phải công nhận khả năng uống nước biển đáng kinh ngạc của bầy hổ vùng Sundarbans. Có thể là vì chúng sống nhiều đời rồi trong các khu rừng chàm ngập mặn. Nhưng khả năng đó cũng chỉ có hạn mà thôi. Người ta đã chẳng viết rằng hổ phải uống nhiều nước muối quá sẽ thèm thịt người hay sao? Chao ôi, hãy nhìn kìa. Nhắc đến quỉ thì quỉ xuất hiện. Nó kia kìa. Nó đang ngáp kìa. Kinh chưa, cả một cái hang khổng lồ. Hãy nhìn những cái răng dài như nhũ đá kia của nó. Biết đâu hôm nay ngươi sẽ có dịp vào đó chơi.”

Lưỡi của Richard Parker, to và có màu sắc như một cái túi cao su đựng nước nóng để chườm, lè ra rồi thụt vào sau khi nó ngáp. Nó nuốt khan.
Suốt ngày hôm ấy tôi lo lắng đến phát ốm. Tôi không dám đến gần chiếc xuồng. Nhưng khác với những nỗi lo lắng của tôi, Richard Parker yên ắng cả ngày hôm đó. Nó vẫn còn chỗ nước mưa và có vẻ chưa lo gì đến chuyện đói. Nhưng nó cũng đánh động theo nhiều cách – gầm, gừ, gằn giọng, rên rẩm theo kiểu hổ – nghĩa là không hề muốn làm cho tôi yên lòng. Câu đố có vẻ như không có lời giải: muốn câu thì tôi phải có mồi, mà muốn có mồi thì tôi phải câu được cá đã. Làm sao bây giờ? Lấy ngón chân ra làm mồi chăng? Hay cắt bớt một tai?

Một giải pháp tự nó xuất hiện cuối buổi chiều hôm đó một cách bất ngờ. Tôi đã kéo dây bè và lần vào cạnh xuồng. hơn nữa: tôi đã trèo hẳn lên xuồng và đang lục lọi cái tủ xem có tìm thấy ý tưởng gì có thể cứu được mình không. Tôi đã buộc bè cách xuồng chừng gần hai thước. Tôi tưởng tưởng rằng nếu Richard Parker giở trò gì thì mình sẽ có thể thoát thân chỉ bằng một cú nhảy và một cú giật tháo cái nút hờ của dây buộc bè. Tôi đã dám liều như thế chỉ vì chẳng còn cách nào khác.

Không tìm thấy gì, không mồi, không một ý tưởng nào mới, tôi ngồi dậy và lập tức thấy mình đang ở giữa tâm điểm của cái nhìn soi mói của nó. Nó ở đầu kia của xuồng, chỗ trước đây con ngựa vằn nằm chết, quay về phía tôi, có vẻ như đã kiên nhẫn đợi để tôi để ý đến nó. Làm sao tôi lại không nghe thấy những chuyển động của nó? Làm sao tôi lại có thể tự huyễn hoặc mình rằng tôi có thể đánh lừa được nó? Bất thình lình, tôi bị tát thẳng vào mặt. Tôi rú lên và nhắm nghiền mắt lại. Với tốc độ của loài mèo nó đã vừa nhảyvọt lên qua chiều dọc của xuồng và tát tôi. Mặt tôi sắp bị cào nát, đầu tôi sẽ rụng theo, chết như vậy thật hãi hùng. Đau đớn quá nên tôi lại không cảm thấy gì. Bị choáng cũng may. Và may mắn thay cái khả năng tự điều chỉnh đã cứu ta không phải chịu sự đau đớn và buồn khổ quá lớn. Trung tâm điểm của sự sống là một cái ổ cầu chì. Tôi rên rỉ, ”Làm tới đi, Richard Parker, kết thúc tao đi. Nhưng hãy làm ơn làm cho nhanh. Cầu chì đã đứt rồi, đừng thử nó thêm nữa.”

Nó chẳng vội gì. Nó ở ngay chân tôi, gầm gừ ầm ĩ. Chắc chắn nó đã phát hiện ra cái tủ và những của báu ở trong đó. Tôi kinh hoàng mở mắt.

Đó là một con cá. Có một con cá ở trong tủ. Nó đang quẫy ầm ĩ như bất kì một con cá nào khác khi mắc cạn. Nó dài khoảng hơn 30 phân và nó có cánh. Một con cá bay. Nó thon thả và có màu xanh xám đậm, với cặp cánh khô ráo không có lông, và cặp mắt tròn màu vàng không hề chớp.Chính con cá bay này đã đập vào mặt tôi, không phải Richard Parker. Con hổ vẫn ở cách tôi gần 5 thước, rõ ràng là nó đang ngạc nhiên không biết tôi đang bận chuyện gì đây. Nhưng nó đã nhìn thấy con cá. Tôi có thể đọc được vẻ tò mò sâu sắc trên mặt nó. Có vẻ nó sắp sửa muốn điều tra việc này.

Tôi cúi xuống nhặt con cá và ném về phía nó. Đó là cách dạy nó phải thuần phục. Hết chuột thì sẽ có cá bay. Chẳng may, con cá bay đi thật. Trên không trung, ngay trước mõm Richard Parker, con cá lượn vù lên và nhào xuống nước, nhanh như chớp. Richard Parker quay đầu theo và đớp một cái, những lớp da dưới cổ nó rung lên, nhưng con cá quá nhanh. Nó có vẻ rất ngạc nhiên và khó chịu. Nó lại quay về phía tôi. ”Miếng ăn của tôi đâu?”, vẻ mặt nó có vẻ hỏi thế. Tôi vừa sợ vừa buồn. Rồi tôi quay người lại với hy vọng mong manh là có thể nhảy vội xuống bè trước khi nó nhào đến tôi.

Đúng lúc đó, không khí bỗng rung lên và chúng tôi bị cả một bầy cá bay tấn công. Chúng nhào tới như một bầy châu chấu hung dữ. Không những là do chúng đông, mà rõ ràng có cái gì đó rất giống với côn trùng trong những âm thanh cành cạch và vù vù của chúng. Chúng từ dưới nước phóng vụt lên, hàng chục con một lần, có những con vỗ cánh phành phạch trên không và bay đượic đến hàng trăm thước. Nhiều con nhào xuống nước ngay cạnh xuồng. Nhiều con khác bay vù qua. Một số đâm nhào vào mạn xuồng, nghe như tiếng pháo tép nổ. Nhiều con may mắn vùng quẫy trên mui bạt và quẫy được xuống biển. Các con khác, ít may mắn hơn, rơi thẳng xuống lòng xuồng, quẫy ầm ĩ. Và còn nhiều con cứ thể đâm thẳng vào chúng tôi. Đứng trơ trọi không có gì che chắn, tôi cảm thấy mình như đang trải qua cảnh tử vì đạo của thánh Sebastian (1). Mỗi con cá đâm và tôi như một mũi tên xuyên vào da thịt. Tôi ôm chặt lấy một cái chăn để tự vệ, đồng thời cố bắt lấy vài con cá. Người tôi đầy những vết bầm tím và sứt sẹo.

Lí do cuộc tấn công ấy lập tức lộ rõ: bọn cá bay đang bị bầy cá dorados rượt đuổi sát sạt. Bọn dorados to lớn hơn, không thể nhào lượn như cá bay, nhưng chúng bơi nhanh hơn nhiều và các cú vọt lên nhào xuống bất thần của chúng rất lợi hại. Chúng có thể chộp được bọn cá bay nếu cả hai cùng từ một điểm vọt lên không và cùng rơi xuống nước theo một hướng. Và là cá mập nên bọn dorados có khả năng vọt lên khỏi mặt nước rất mãnh liệt, mặc dù không bén giọt trơn tru như cá bay. Trận chiến trên mặt nước đó diễn ra không lâu, nhưng khi đang tiếp diễn, mặt biển sôi lên sùng sục, cá nhảy loạn xạ và đớp nhau phầm phập.

Richard Parker đối mặt với bọn cá cứng cỏi và có hiệu quả hơn tôi. Nó rướn người, chạy quanh, ngăn chặn, với bắt và đớp cắn tất cả những con cá nào nhào về phía nó. Nó nuốt tươi nhiều con, những cặp cánh cá còn quẫy ngay trong miệng. Một màn trình diễn sức mạnh và tốc độ thật đẹp mắt. Thực ra, không phải chỉ có tốc độ của nó, mà ấn tượng mạnh mẽ hơn là ở dáng vẻ tự tin thuần túy súc vật của nó, sự cuốn hút hoàn toàn của nó và giây phút hành động. Sự hòa trộn của tập trung và thả lỏng, cái tinh thần tự tại cao đến thế, quả đáng là niềm ghen tị của những tín đồ Yoga cao đạo nhất.
Khi trận chiến đó qua đi thì kết quả là, ngoài một thân thể đau nhừ đối với tôi, có 6 con cá bay nằm lại trong tủ và rất nhiều con khác dưới sàn xuồng. Tôi vội bọc một con cá vào cái chăn, vớ lấy một cái rìu và trở lại bè.

Tôi tiếp tục rất thận trọng. Việc để mất cả bộ đồ câu sáng hôm ấy đã có tác dụng làm cho tôi tỉnh táo hơn. Tôi không thể cho phép mình phạm sai lầm lần nữa. Tôi cẩn thận giở con cá ra, luôn giữ chặt nó xuống bằng một tay, bởi tôi thừa biết nó sẽ tìm cách nhảy thoát thân. Càng nhìn thấy con cá, tôi cáng cảm thấy khó chịu và sợ hãi. Cái đầu nó đã ló ra hết. Trong tư thế tôi giữ nó, con cá trông như một miếng kem cá bẩn thỉu trên một cái bỏ côn bằng chăn len. Nó đang ngáp ngáp tìm nước, miệng và mang phồng lên xẹp xuống. Có thể cảm thấy cặp cánh nó đang đẩy mạnh vào tay tôi. Tôi lật úp cái xô và đè đầu con cá xuống đáy xô. Tôi cầm lấy cái rìu và nhấc rìu lên.

Tôi bắt đầu hạ rìu nhiều lần, mà không thể kết thúc được nhát chặt. Tình trạng tâm lý mềm yếu ấy có vẻ vô lý nếu xét đến những gì tôi đã chứng kiến trong những ngày vừa qua, nhưng đó là hành vi của những kẻ khác, của bọn thú vật ăn thịt lẫn nhau. Có thể coi là tôi có một phần trách nhiệm trong cái chết của con chuột, nhưng tôi chỉ ném nó đi, chứ Richard Parker mới là kẻ giết chết nó. Cả một đời chay tịnh bình yên đang ngăn không cho tôi dám chặt đầu một con cá.

Tôi lấy chăn phủ lên cái đầu cá và xoay cái rìu ngược lại. Một lần nữa tôi vung tay. Nhưng tôi không thể chịu nỗi ý nghĩ mình đang lấy búa đập xuống một cái đầu mềm mại còn đang sống.

Tôi bỏ rìu xuống, quyết định sẽ bẻ cổ con cá mà không nhìn nó. Tôi cuốn nó chặt vào trong chăn rồi dùng cả hai tay bắt đầu bẻ cong nó. Càng bẻ, con cá càng gĩay khỏe. Tưởng tượng cảnh chính mình bị quấn vào chăn và có ai cố bẻ gãy mình như thế, tôi phát hoảng. Tôi dừng lại nhiều lần. Nhưng tôi vẫn biết rằng phải làm xong việc này, và càng lâu thì con cá càng phải chịu đau đớn nhiều hơn.

Nước mắt ròng ròng, tôi cố mãi cho tới lúc nghe thấy một tiếng rắc và không còn thấy động cựa gì trong tay mình nữa. Tôi giở chăn ra. Con cá bay đã chết. Nó bị bẻ gẫy rời, đẫm máu ở một bên mang.

Tôi khóc lóc đắng cay cho linh hồn của con vật nhỏ đáng thương. Đó là sinh linh đầu tiên đã bị tôi giết chết. Từ nay tôi đã thành kẻ sát sinh. Từ nay tôi đã mắc tội như Cain (2). Tôi 16 tuổi, một thằng bé vô hại, sách vở và tín ngưỡng, và giờ thì tay tôi đã vấy máu. Đó thật sự là một gánh nặng phải mang theo cho đến hết đời. Sinh linh nào cũng thiêng liêng cả. Tôi không bao giờ quên con cá đó trong những lời cầu nguyện của mình.

Sau đó thì dễ dàng hơn. Nó đã chết rồi. Con cá bay bấy giờ chỉ còn như những con cá tôi đã thấy ngoài chợ ở Pondicherry. Nó thành một cái gì khác rồi, một cái gì đó bên ngoài quá trình sáng tạo của thế giới. Tôi dùng rìu chặt nó thành từng miếng nhỏ rồi bỏ cả vào trong xô.

Những giờ còn lại của ngày hôm đó, tôi lại thử câu cả. Lúc đầu cũng chẳng may mắn gì hơn buổi sáng. Nhưng có vẻ như sẽ dễ có kết quả hơn. Cá đớp động dây câu vẻ hăng hái hơn. Rõ ràng là chúng thích. Tôi nhận ra rằng đó là những con cá nhỏ, quá nhỏ đối với lưỡi câu. Tôi quăng dây ra xa hơn và thả cho chìm xuống sâu hơn, ra ngoài phạm vi của bọn cá nhỏ lăng quăng sát cạnh bè và xuồng.

Chỉ đến khi tôi dùng cả cái đầu con cá bay làm mồi, quăng dây ra xa rồi nhanh chóng kéo về, khiến cho cái đầu lướt nẩy trên mặt nước, tôi mới có được cú cắn câu đầu tiên. Một con dorado nhào lên và lăn xả vào cái đầu cá. Tôi thả chùng dây một chút để đảm bảo cho con cá nuốt chửng được mồi, rồi lập tức giật mạnh. Con dorado vọt hẳn lên khỏi mặt nước như một viên đạn, kéo cái dây mạnh đến nỗi tôi tưởng mình sẽ bị kéo ngã xuống biển. Cái dây câu rất chắc. Nó sẽ không đứt. Tôi bắt đầu kéo con dorado vào bè. Nó chống cự với tất cả sức mạnh của nó, nhảy lên, nhào xuống, quẫy mạnh bên này bên kia. Dây câu cứa vào tay tôi. Tôi phải lót tay bằng cái chăn. Tim tôi đập thình thịch. Con cá khỏe như một con bò đực. Không biết tôi có đủ sức kéo nó vào không..

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button