Review

Cuộc Chiến Không Có Hồi Kết: The Clinton Vs Obama

Thể loại Sách chính trị
Tác giả Edward Klein
NXB NXB Hồng Đức
Công ty phát hành Bách Việt
Số trang 327
Ngày tái bản 03-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Trong Cuộc Chiến Không Hồi Kết: The Clintons VS The Obamas, tác giả Edward Klein đào sâu vào mối quan hệ đời tư giữa gia đình Obamas và Clintons. Là một phóng viên kỳ cựu có những mối liên lạc nội gián đáng tin, Klein đã tiết lộ cho công chúng về diễn biến mối cừu hận sâu sắc giữa họ, cùng thông tin đầy chắc chắn về những cuộc họp bí mật thông qua hàng trăm bài phỏng vấn. Tác phẩm là sự phơi bày những sự thật đầy choáng váng về sự đố kỵ, cạnh tranh, hận thù giữa cặp chính trị gia quyền lực nhất nước Mỹ.

Ngoài mặt, họ là những đồng minh, hai gia đình quyền lực nhất Đảng Dân chủ trên bức tranh chính trị, định hình chính sách của Mỹ trong nhiều năm tới. Phía sau hậu trường, họ là những những đối thủ được “tiếp thêm dầu” bằng những thù oán cá nhân vô cùng to lớn.

Cuộc Chiến Không Hồi Kết: The Clintons VS The Obamas đã rọi luồng ánh sáng mới lên bức tranh chính trị trong thời gian tới:

– Liệu những tham vọng chính trị của Michelle Obama có thể sánh ngang với tham vọng chính trị của Hillary Clinton?

– Tại sao Bill Clinton ủng hộ Barack Obama tái cử và cảm thấy mình bị phản bội?

– Barack Obama đã gài bẫy Hillary Clinton như thế nào nhằm đổ tội cho bà về sự sụp đổ của chiến dịch Benghazi?

– Bữa tối duy nhất tại Nhà Trắng giữa gia đình Obama và gia đình Clinton đã sôi sục với những căng thẳng và khinh miệt ra sao?

– Sức mạnh quyền lực thực sự phía sau Tổng thống Obama không phải từ Michelle, mà chính từ người bạn thân nhất của bà…

– Bí mật Hillary Clinton đang nắm giữ mà có thể khiến mục tiêu trở thành Tổng thống của bà là bất khả thi…

[taq_review]

Trích đoạn sách

ĐỈNH TRẬT TỰ XÃ HỘI

Chẳng mấy mà những người khác làm việc tại Nhà Trắng đều thấy rõ rằng Jarrett đứng ở đỉnh trật tự xã hội. Bà ấy có quyền hơn cả các Chánh văn phòng của tổng thống là Rahm Emanuel và William Daley.

Không lâu sau cuộc tranh cãi cuối cùng ở Phòng Bầu dục, Valerie Jarrett lên khoang chuyên cơ Air Force One cùng với Bo, chú chó giống Bồ Đào Nha bơi rất giỏi của Tổng thống Obama (chuyên gia huấn luyện riêng cho Bo được trả lương 102.000 đô la một năm); và một đội đông đảo nhân viên Sở Mật vụ. Trong suốt chặng bay dài 750 kilomet tới Cape Cod trên chiếc Boeing VC-25, Jarrett tìm tới khoang riêng của Obama và, ngồi đối diện tổng thống, bắt đầu rót vào tai ông kế hoạch đối phó với Bill Clinton của mình.

Jarrett nhắc cho Obama nhớ rằng những gì ông hứa hẹn với Clinton để đổi lại sự hợp tác của vị cựu tổng thống trong chiến dịch sắp tới đều không thành vấn đề. “Ngài là tổng thống; ngài đặt ra những quy định”, bà ấy nói. Trong trường hợp Obama có bất kỳ nghi ngại nào về chuyện đó, Jarrett nói với ông rằng bà ấy đã thảo luận vấn đề với Michelle và Michelle đồng ý với bà ấy.

“Sau khi ngài tái đắc cử”, Jarrett nói, theo lời bà ấy kể về cuộc trò chuyện với một người bạn, “ngài không phải cho Clinton cái gì cả. Điều cần nhớ là ngài sẽ không nợ ông ta cái quái gì hết”.

Không một ai, ngoại trừ Michelle, nói chuyện với tổng thống kiểu như vậy. Nhưng khi Jarrett ở riêng với Obama và ngoài tầm nghe của những người khác, bà ấy không phải tuân thủ những nghi thức thường lệ dành cho tổng thống. Với bà ấy, ông là “Barack”, không phải “Ngài tổng thống”, và họ bình đẳng như nhau.

Khi Jarrett trình bày ý đồ chơi nước đôi với Clinton, tổng thống lắng nghe nhưng không nói gì nhiều. Jarrett không dám chắc rằng mình có làm cho ông hiểu không. Khi bà ấy cảm thấy mình đã vắt kiệt sự kiên nhẫn của ông, bà ấy đổi chủ đề.

Bà ấy sẽ phải đợi và vận động ông sau.

* * *

Tại căn cứ không quân phòng vệ duyên hải ở Sandwich, Massachusetts, Obama được đón tiếp theo nghi lễ quân đội. Sau đó ông cùng đoàn tùy tùng chuyển sang một phi đội trực thăng phòng vệ duyên hải sơn ba màu đỏ, trắng, xanh lam để thực hiện chặng cuối cùng của chuyến đi tới khách sạn Martha’s Vineyard và bắt đầu kỳ nghỉ hè thường niên của mình.

Michelle Obama, người thường đi riêng mà không có chồng mình và đã sắp xếp bốn mươi hai ngày nghỉ trong một năm, không tham gia trong đoàn tùy tùng của tổng thống. Nhiều tiếng trước, bà và các con gái nhà Obama, Malia, mười ba tuổi, và Sasha, mười tuổi, đã rời Nhà Trắng trên một chiếc máy bay quân sự được thiết kế đặc biệt cùng với đội ngũ phục vụ và nhóm nhân viên Sở Mật vụ riêng của họ.

Xét trong bối cảnh suy thoái nặng nề kéo dài, và với tỷ lệ thất nghiệp ngấp nghé 10%, cuộc di chuyển riêng rẽ tốn kém không cần thiết của đệ nhất gia đình với vốn quốc gia càng làm tăng những cái cau mày chỉ trích.

“Năm ngoái, những người Anh phải nộp 57,8 triệu đô la tiền thuế để chu cấp cho hoàng gia”, Robert Keith Gray viết trong cuốn Presidential Perks Gone Royal (Những đặc quyền tổng thống thành kiểu hoàng gia). “Cũng năm đó, người Mỹ phải nộp khoảng 1,4 tỷ đô la tiền thuế để phục dịch gia đình Obama tại Nhà Trắng, cùng với gia đình, bạn bè của họ và các nhà tài trợ vận động tới thăm viếng.”

Obama tới điểm đến của mình, Trang trại Diệc Xanh (Blue Heron), với một đoàn xe hai mươi chiếc. Khu điền trang rộng gần mười hai héc ta ở Chilmark này được thuê với giá 50.000 đô la một tuần và có một khu nhà kiểu Victoria với năm phòng ngủ, một bể bơi, một bồn tắm nước nóng, một đường tròn để cưỡi ngựa, một điểm phát bóng golf, sân bóng bầu dục và bóng rổ, những khu vườn rộng, một nhà thuyền, và lối đi ra hồ Squibnocket.

Theo hiểu biết trong vùng, Vineyard là khung cảnh cho quyết định tranh cử tổng thống của Barack Obama. Trở lại mùa hè năm 2004, sau khi Obama có bài phát biểu nổi tiếng tại Hội nghị toàn quốc Đảng Dân chủ ở Boston, Valerie Jarrettđã mời ông tới thăm Oak Bluffs, một khoảnh đất với những căn nhà gỗ xinh xắn và những ngôi nhà xây kiểu Victoria màu hồng trong khuôn viên Martha’s Vineyard, nơi những người Mỹ gốc Phi giàu có đã quần tụ nhiều thế hệ. Khi đó, Jarrett là đồng chủ tịch chiến dịch vận động vào Thượng viện của Obama, và bà ấy đã sắp xếp để ông xuất hiện tại nhà thờ Old Whaling của Edgartown, nơi vị giáo sư trước đây của ông ở trường luật Harvard là Charles Ogletree đang tổ chức diễn đàn mùa hè thường niên về các vấn đề chủng tộc. Obama đã được một giáo sư Harvard khác, Henry Louis “Skip” Gates, giới thiệu với công chúng là “người tôi chọn lựa làm tổng thống vào năm 2012”.

“Skip có phần lo lắng xét theo diễn biến mọi việc xảy ra”, Ogletree kể lại kèm theo tiếng cười. “Barack tiến vào nhà thờ Old Whaling qua cửa sau, địa điểm đó chật cứng và mọi người ồn ào hết cả lên. Tôi ngỡ ông ấy chỉ vẫy tay và cảm ơn mọi người, nhưng ông ấy đã có một bài nói chuyện rất tuyệt… Ông ấy khiến mọi người chú ý.”

Ngày hôm sau, Obama là khách quý tại một buổi đón tiếp ở nhà của Skip Gates tại Oak Bluffs.

“Đó là một buổi hội họp đặc biệt của những nhân vật kỳ cựu của Vineyard, những người thích thú khi biết rằng nhân vật này nổi tiếng vượt mọi khả năng đo đếm”, Ogletree nói.

Tất cả những việc này diễn ra ngay sau sinh nhật tuổi bốn mươi ba của Obama – và trước khi ông hoàn thành được bất kỳ việc gì đáng kể ngoài bài phát biểu tại Hội nghị Boston. Ông chưa bao giờ trải qua những ngày gian khó của Đảng Dân chủ, và suốt bảy năm là Thượng nghị sĩ của bang Illinois, ông đã từ chối nhiều vấn đề cam go bằng cách bỏ phiếu “có mặt” 129 lần8. Nhưng việc Obama thiếu kinh nghiệm và sự chuẩn bị cho vị trí cao hơn không hề làm Valerie Jarrett lúng túng, và trong thời gian ông nghỉ chân tại khách sạn Martha’s Vineyard, bà đã khích lệ ông tranh cử tổng thống.

Đúng như khi mọi việc ngã ngũ, hóa ra chuyện dỗ ngon dỗ ngọt Jarrett cũng không mất nhiều công sức lắm. Obama đã nghĩ về vị trí tổng thống từ lâu trước cả khi đến Martha’s Vineyard. Trong tầm nhìn của ông đã có hình ảnh Nhà Trắng.

8 Bỏ phiếu “có mặt”, thường gặp trong các cuộc bỏ phiếu thông qua luật tại Thượng viện Mỹ, có nghĩa là người bỏ phiếu không bỏ phiếu “chống” hay “thuận”, mà chỉ cho biết mình “có mặt” lúc diễn ra bỏ phiếu. Phiếu “có mặt” được hiểu là “cách nói ‘không’ nhẹ nhàng”. Phiếu này thường thấy khi nghị sĩ ủng hộ một ý tưởng, nhưng cho rằng dự luật có lỗi nghiêm trọng. Hoặc khi nghị sĩ gặp xung đột quyền lợi, hoặc muốn “hai mang”.

* * *

Valerie Jarrett đã thổi bùng những tham vọng chính trị của Obama kể từ ngày họ gặp nhau, tại Chicago đầu thập niên 1990, khi Barack là một nhà tổ chức cộng đồng và vị hôn thê của ông, Michelle Robinson, làm việc cho Jarrett tại tòa thị chính của Thị trưởng Daley. Jarrett hầu như ngả hẳn về nhà Obama sau khi họ (Obama và Michelle) kết hôn và giới thiệu vị chính trị gia lính mới tò te cho các tay môi giới quyền lực của thành phố cùng những nhân vật gây quỹ triệu phú Lakefront, những người sẽ hậu thuẫn cho bước thăng tiến chính trị của ông.

Nhiều người tôi phỏng vấn để thực hiện cuốn sách này đã nói với tôi rằng, với suy nghĩ mình là nhất và tính tự phụ, Obama hiểu rất rõ rằng ông sẽ không bao giờ trở thành tổng thống nếu không nhờ Valerie Jarrett. Và sau khi vào được Nhà Trắng, Obama đã đền đáp Jarrett bằng cách cho bà ấy tiếp quản văn phòng khu Chái Tây ở tầng hai, nơi Karl Rove từng sử dụng, và trước đó là Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton.

Trên tường văn phòng của mình, Jarrett treo một món quà của Obama – một bản sao đóng khung Đơn thỉnh cầu nguyên bản năm 1866 đề nghị Quốc hội sửa đổi Hiến pháp để trao quyền bầu cử cho phụ nữ và, bên cạnh đó là nghị quyết cuối cùng được Quốc hội thông qua năm 1919 trao quyền đó cho phụ nữ. “Valerie”, Obama viết, “Chị mang theo di sản của những người phụ nữ mạnh mẽ đã làm nên lịch sử! Chúc mừng sinh nhật, Barack Obama!”.

“Valerie Jarrett có họ với vợ tôi”, Vernon Jordan kể với tôi. “Mẹ của Valerie và vợ tôi Ann là chị em họ. Tôi gặp Valerie trong các bữa tối gia đình ở Washington. Bà ấy rất có ảnh hưởng ở Nhà Trắng. Tổng thống vô cùng tin tưởng bà ấy và những lời khuyên của bà ấy.”

“Quyền lực của bà ấy xuất phát từ một thực tế rất đơn giản – sự gần cận”, Jordan tiếp tục. “Không ai ngoài Michelle Obama gần gũi với tổng thống hơn Valerie. Mọi thành viên của nội các và chính trị gia đều muốn được lên chuyên cơ Air Force One và vào Phòng Bầu dục, và tổng thống cho Valerie toàn quyền làm việc đó.”

Hồi đầu nhiệm kỳ của Obama, Jarrett thường ở lại trong Phòng ngủ Lincoln và mang theo một chiếc túi ngủ mà bà ấy cất giữ tại văn phòng riêng.

Nhưng ngủ lang đã trở thành thói quen đến mức bà ấy chuyển hẳn vào một phòng thuộc khu vực riêng dành cho gia đình tổng thống, nơi vẫn được đội ngũ nhân viên Nhà Trắng gọi là “Tư gia”. Bà ấy trang trí lại căn phòng cho hợp với sở thích của mình và có hẳn một tủ quần áo đầy đủ trang phục cho mọi thời điểm trong ngày, do con gái bà ấy, Laura, coi sóc, bao gồm cả những bộ váy áo đắt tiền được Badgley Mischka và Alexander McQueen may đo.

Chẳng mấy mà những người khác làm việc tại Nhà Trắng đều thấy rõ rằng Jarrett đứng ở đỉnh trật tự xã hội. Bà ấy có quyền hơn cả các Chánh văn phòng của tổng thống là Rahm Emanuel và William Daley.

“Rahm nghĩ ông ấy điều hành Nhà Trắng, nhưng không hề”, một đồng minh chính trị thân cận của Emanuel nói. “Lời khuyên của ông ấy thỉnh thoảng được chấp nhận và thỉnh thoảng không. Có những người còn gần gũi tổng thống hơn cả Rahm, đặc biệt là David Axelrod, Michelle, và Valerie Jarrett, Rahm thì không ăn cánh với hai người trong số đó – Michelle và Valerie. Có nhiều chuyện vận hành bất thường quanh tổng thống, và nói đồng ý với Rahm nghĩa là không đồng ý với Michelle và Valerie. Cuối cùng, Rahm bị mấy người phụ nữ này hất cẳng khỏi Nhà Trắng.”

Câu chuyện cũng y hệt với người kế nhiệm Rahm, Bill Daley. Khi Daley chán chường rời bỏ Nhà Trắng sau chưa đầy một năm, ông ấy kể với bạn bè việc Jarrett khiến công việc của ông ấy khó khả thi như thế nào. Ông ấy nói rằng mình và tổng thống thường xuyên nhất trí về một kế hoạch hành động, chẳng hạn lựa chọn một cố vấn chính sách nội địa mới. Thế rồi Jarrett xộc vào thang máy và lên khu Tư gia trên tầng hai, nơi bà ấy ăn tối với tổng thống và đệ nhất phu nhân. Khi bà ấy quay lại, quyết định đã đảo ngược hoàn toàn.

Jarrett có một đội ngũ nhân viên phục vụ khoảng bốn mươi người và nhóm nhân viên Sở Mật vụ của riêng mình. Bà ấy có thể lựa chọn tham gia các cuộc họp tại Nhà Trắng, và các vòi bạch tuộc của bà ấy còn vươn tới cả những ngóc ngách xa nhất trong chính quyền liên bang. Khi phát biểu tại một cuộc họp, bà ấy nói thẳng rằng mình đang nói nhân danh tổng thống hoặc đệ nhất phu nhân. Nếu cuộc họp diễn ra tại Phòng Bầu dục, bà ấy nán lại sau khi mọi người ra về hết và nói những nội dung chốt với tổng thống. Quý vị phải quay lại gần bảy mươi năm trước, thời chính quyền Franklin Roosevelt và người bạn nối khố của ông ấy, Harry Hopkins, thì mới thấy được một cố vấn của tổng thống nắm giữ quyền lực như Valerie Jarrett đang có.

“Bà ấy điều khiển mọi người như những quân cờ”, một phụ nữ thường làm việc với đội ngũ nhân viên của Jarrett ở Nhà Trắng nói. “Quý vị có thể ghét bà ấy, và hầu hết mọi người trong Nhà Trắng đều vậy, nhưng bà ấy giỏi rất nhiều việc, từ kinh tế tới chính trị và hành chính công. Bà ấy làm việc hàng giờ đằng đẵng, bảy ngày một tuần, có lẽ mười bốn tiếng một ngày. Thỉnh thoảng bà ấy ngủ gục ngay trên bàn làm việc.”

“Khả năng giải quyết cả tá việc một lúc của bà ấy thật đáng nể”, vị trợ lý cũ này của Jarrett nói tiếp. “Bà ấy không bao giờ quên một cái tên, một ngày tháng hay một chi tiết. Đó là cách duy nhất để có thể kiểm soát một thứ đồ sộ gọi là chính phủ liên bang.”

“Bà ấy bị ám ảnh với thói không trung thực và lười biếng, và bà ấy thấy cả hai điều đó ở mọi chỗ. Valerie cho rằng bạn lười nhác và không trung thực trừ khi bạn chứng minh được điều ngược lại trong suốt cả một thời gian dài. Thậm chí khi đó, thành tích của bạn cũng không là gì nếu bà ấy cho rằng bạn lười biếng và thiếu trung thực.”

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Huyền Phương

Đây không thực sự là cuộc chiến “Obamas” vs “Clintons” mà là cuộc chiến của “những người đứng đằng sau Obama” vs “Clintons”.

Cá nhân mình trước khi đọc cuốn này, không ủng hộ Hillary và rất thích Barrack, nhưng cuốn sách này đã khiến cho mình có một cái nhìn toàn diện hơn. Ai cũng có hai mặt tốt xấu, và Obama thực sự không có tài lãnh đạo thực sự như mình nghĩ. Ông ấy là một con người xuất sắc, đúng. Ông ấy là một chính trị gia, đúng. Ông ấy là một tổng thống giỏi, không hẳn. Khủng hoảng 2008, nhiệm kỳ đầu của ông đã chứng minh điều đó. Những sơ suất của ông không được khắc phục, và ông thường xuyên có cách nhìn khinh suất với cặp Clintons. Ngoài ra, ông rất dễ bị thay đổi, bị ảnh hưởng bởi hai người phụ nữ, một là cố vấn Jarrett, hai là vợ Michelle của ông.

Còn về Hillary, bà ấy là một chính trị gia giỏi, chồng bà ấy cũng thật tuyệt vời. Nhưng chưa chắc bà ấy cũng phù hợp với cương vị tổng thống. Bà ấy thể hiện cảm xúc quá rõ ràng, gần như là bốc đồng. Riêng phần này phải tìm đến The Truth About Hillary mới hiểu được rõ hơn.

Cuốn sách này nhắc đến việc Bill Clinton phù hợp với cương vị đó khá nhiều, khiến cho mình cảm thấy tác giả có vẻ như có thành kiến với Obama. Tác giả cũng có tác phẩm The Amateur: Barrack Obama In The White House khiến cho thành kiến của ông rõ ràng hơn.

Xích mích giữa The Clintons và The Obamas có rất nhiều lý do, nhưng có vài lý do mình ấn tượng:

1. Obama không giữ lời hứa về việc ủng hộ Hillary cho cuộc tranh cử 2016 này
2. Obama bị ảnh hưởng bởi vợ và các cố vấn quá nhiều, đặc biệt là Jarrett
3. Tuy cùng đảng Dân Chủ nhưng cách làm việc của họ khác nhau
4. Clintons không tin vào năng lực của Obama
5. Cả đôi bên đều hiếu chiến và cho mình là nhất

Mình không thích tác giả cũng như cuốn sách này, có lẽ vì mình không tin tưởng vào văn phong báo chí (tác giả từng là tổng biên tập NYT). Cũng có thể do hiểu biết của mình nông cạn và có thành kiến với phe đối lập Obama ngay từ đầu. Trên thực tế, tác giả đưa ra các bằng chứng thuyết phục qua những cuộc phỏng vấn để chứng minh sự không thiên vị.

Cái kết của cuộc chiến này là The Clintons thắng.

Tuy mình không thích cách nhìn của tác giả, nhưng thông tin cuốn sách đem lại mình đánh giá rất cao.

Bản dịch này mình k hài lòng lắm do có vài chỗ dùng từ khó hiểu, có lỗi chính tả dù đếm trên đầu ngón tay thôi.

Nguyen Hai Truong An

Tôi mua cuốn sách này cũng đã lâu nhưng giờ mới có dịp để đọc. Nội dung sách cuốn hút với sự đan xen câu chuyện giữa hai gia đình Clintons và Obamas tìm cách ứng xử với đối phương. Tuy nhiên, đọc tác phẩm tôi cảm thấy tác giả có lẽ là người ủng hộ thiên về phía nhà Clintons nhiều hơn khi có những chỉ trích và lời phán xét nặng nề dành cho Obamas. Đây cũng là một tác phẩm hay để chúng ta hiểu hơn về chính trường Mỹ và có cái nhìn cân bằng hơn là thiên lệch cho bất kỳ ai.

Điểm trừ là cuốn sách gần cuối đến đoạn hay thì cứ bị mất 02 trang liên tục, 02 lần như vậy làm cắt ngang và mất hứng khi đọc vì thiếu dữ liệu. 🙁

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button