Review

Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm

Thể loại Nông nghiệp – Triết học
Tác giả Masanobu Fukuoka
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành CÔNG TY TNHH TA XANH
Số trang 259
Ngày xuất bản 08-2015
Giá bánXem giá bán

“Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.

Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.

Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một – cọng – rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.

Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.

Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.

Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.

Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì vậy.

Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.

[taq_review]

Trích dẫn

HÃY NHÌN HẠT LÚA NÀY

Tôi tin rằng chỉ một cọng rơm cũng có thể làm nên cả một cuộc cách mạng. Thoạt nhìn, cọng rơm có vẻ mỏng manh và không đáng kể gì. Khó có ai lại có thể tin rằng nó có thể khơi nguồn cho một cuộc cách mạng. Nhưng tôi đã đi đến chỗ nhận ra được sức nặng và quyền năng của cọng rơm này. Đối với tôi, cuộc cách mạng này rất thực.

Hãy nhìn những cánh đồng đại mạch và hắc mạch này. Khi chín, chúng sẽ đạt năng suất khoảng 22 giạ (gần 6 tạ) trên một nghìn mét vuông. Tôi tin rằng năng suất này ngang ngửa với tốp đầu ở tỉnh Ehime. Mà nếu ngang ngửa tốp đầu của tỉnh Ehime, thì nó có thể dễ dàng ngang bằng với sản lượng thu hoạch tốp đầu trên toàn quốc – vì đây là một trong các khu vực nông nghiệp trọng yếu của Nhật Bản. Thế mà những thửa ruộng này không hề được cày đất suốt hai mươi lăm năm qua.

Để trồng, tôi chỉ đơn giản rải hạt giống đại mạch và hắc mạch lên những thửa ruộng riêng rẽ vào mùa thu, trong lúc lúa[1] vẫn còn trên ruộng. Ít tuần sau đó, tôi thu hoạch lúa rồi rải rơm của chúng trở lại khắp đồng.

Với lúa thì cũng gieo tương tự. Ngũ cốc mùa đông sẽ được gặt vào khoảng 20 tháng năm. Chừng hai tuần trước khi ngũ cốc mùa đông chín hẳn, tôi vãi hạt giống lúa lên ruộng đại mạch và hắc mạch. Sau khi ngũ cốc mùa đông được thu hoạch và đập lấy hạt, tôi lại rải rơm đại mạch và hắc mạch lên khắp ruộng.

Tôi cho rằng việc sử dụng cùng phương pháp để trồng lúa và ngũ cốc mùa đông là điểm độc đáo chỉ có trong cách làm nông tự nhiên này. Nhưng có một cách còn dễ hơn. Khi sang tới thửa ruộng bên cạnh, tôi sẽ chỉ ra cho các bạn thấy rằng lúa ở đó đã được gieo vào mùa thu năm ngoái cùng lúc gieo ngũ cốc mùa đông. Trên thửa ruộng đó, việc gieo trồng của cả năm đã xong vào thời điểm đón chào năm mới.

Hẳn các bạn cũng để ý thấy rằng cỏ ba lá hoa trắng và cỏ dại đang sinh sống trên những cánh đồng này. Hạt giống cỏ ba lá được gieo giữa đám lúa vào đầu tháng mười, trước khi gieo đại mạch và hắc mạch một thời gian ngắn. Còn cỏ dại thì tôi chẳng cần phải lo gieo hạt, chúng tự làm việc đó khá dễ dàng.

Vậy là thứ tự trồng trọt trên cánh đồng này như sau: vào đầu tháng mười, cỏ ba lá được vãi vào đám lúa đang sinh trưởng; tới giữa tháng thì đến lượt gieo ngũ cốc mùa đông. Đầu tháng mười một, lúa được thu hoạch, sau đó gieo luôn hạt giống lúa cho năm sau rồi phủ rơm lên khắp ruộng. Chỗ đại mạch và hắc mạch mà các bạn đang thấy ở trước mắt được gieo trồng theo phương cách này.

Để chăm lo cho mỗi nghìn mét vuông ruộng, một hay hai người có thể làm tất tật công việc trồng lúa gạo và ngũ cốc mùa đông chỉ trong vòng một vài ngày. Có lẽ không có cách trồng ngũ cốc nào đơn giản hơn thế.

Phương pháp này hoàn toàn mâu thuẫn với kỹ thuật canh tác hiện đại. Nó vứt bỏ hoàn toàn các kiến thức khoa học và bí quyết làm nông truyền thống. Với kiểu làm nông không sử dụng đến máy móc, không chuẩn bị sẵn phân bón và không hoá chất này, sản lượng mà ta có thể thu hoạch được bằng hoặc cao hơn so với sản lượng của những nông trại trung bình ở Nhật Bản. Minh chứng đang rành rành trước mắt các bạn đấy thôi.

CHẲNG GÌ CẢ

Gần đây, mọi người hay hỏi tôi lý do tại sao nhiều năm trước đây tôi khởi sự làm nông theo kiểu này. Cho tới giờ, tôi chưa từng trao đổi về vấn đề này với bất cứ ai. Có thể nói điều đó là bất khả thuyết. Chỉ đơn giản là – nên nói thế nào nhỉ – một cú sốc, một ánh chớp, một trải nghiệm nhỏ đã khởi sự tất cả.

Sự nhận ra đó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi. Nó chẳng phải là thứ mà ta có thể thực sự nói tới, nhưng nó có thể được diễn đạt lại thế này: “Loài người chẳng biết gì hết. Chẳng có một giá trị nội tại sẵn có trong bất kỳ thứ gì, và mọi hành động đều là gắng công vô ích, vô nghĩa.” Điều này nghe có vẻ phi lý, nhưng nếu phải nói thành lời, thì đó là cách duy nhất để mô tả nó.

“Tư tưởng” này hình thành đột ngột trong đầu khi tôi còn khá trẻ. Tôi đã không biết liệu sự thấu triệt, rằng mọi hiểu biết và nỗ lực của con người đều vô dụng, là có đúng hay không, nhưng nếu tôi thẩm xét những tư tưởng này và cố tìm cách xua đuổi chúng đi thì tôi lại không nhận thấy có điều gì trong bản thân tôi mâu thuẫn với chúng cả. Chỉ có niềm tin đích xác này là còn cháy hoài trong tôi.

Người ta thường nghĩ rằng chẳng có gì tuyệt vời hơn trí tuệ con người, rằng con người là những tạo vật mang giá trị đặc biệt, và rằng những sáng tạo và thành tựu của họ, như được phản ánh trong văn hoá và lịch sử, là những điều kỳ diệu cần chiêm ngưỡng. Dù sao thì đấy là niềm tin phổ biến.

Vì điều tôi tin tưởng lại phủ định niềm tin trên của mọi người, nên tôi chẳng thể truyền đạt quan điểm của mình với bất cứ ai. Cuối cùng thì tôi đã quyết định phải tạo một hình hài cho những tư tưởng của mình, đưa chúng vào thực hành, để xem liệu sự hiểu biết của tôi là đúng hay sai. Dành cả cuộc đời mình để làm nông, trồng lúa gạo và ngũ cốc mùa đông, đấy là con đường mà tôi đã kiên định đi theo.

Vậy trải nghiệm đã thay đổi cuộc đời tôi là gì?

Bốn mươi năm trước, lúc hai mươi lăm tuổi, tôi làm việc cho Cục Hải quan Yokohama ở Bộ phận Thanh tra cây trồng. Công việc chính của tôi là kiểm tra các loại cây trồng được đưa tới và đưa đi để tìm các loại côn trùng mang bệnh. Thật may mắn là tôi có khá nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi dùng nó cho việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tiến hành những nghiên cứu trong chuyên ngành của mình về bệnh trên cây trồng. Phòng thí nghiệm này nằm cạnh công viên Yamate, chỗ triền dốc nhìn xuống cảng Yokohama. Ngay trước toà nhà là nhà thờ Công giáo, phía đông là trường nữ sinh Ferris. Ở đó rất yên tĩnh, xét về mọi mặt là môi trường hoàn hảo cho việc tiến hành nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu về bệnh học của phòng thí nghiệm này là Eiichi Kurosawa. Tôi đã từng học hỏi về bệnh học cây trồng dưới sự hướng dẫn của Makoto Okera, một giáo viên tại trường Trung học Nông nghiệp Gifu, và nhận được sự hướng dẫn từ Suehiko Igata ở Trung tâm Kiểm nghiệm Nông nghiệp tỉnh Okayama.

Được làm học trò của Giáo sư Kurosawa quả là một điều rất may mắn cho tôi. Mặc dù trong giới học thuật hầu như không được ai biết tới, nhưng ông chính là người đã tách và nuôi cấy được loại nấm gây ra bệnh bakanae[2] làm hại lúa. Ông trở thành người đầu tiên chiết xuất được hoc-môn tăng trưởng ở cây cối từ loại nấm nuôi cấy được này, đó là chất gibberellin. Khi cây lúa non hấp thụ một lượng nhỏ hoc-môn này, nó sẽ sinh trưởng cao đột biến. Tuy nhiên, khi hấp thụ quá nhiều, nó sẽ gây tác dụng ngược lại, khiến cho sự sinh trưởng của cây bị chậm lại. Tại Nhật Bản, chẳng mấy ai chú ý nhiều đến phát hiện này, nhưng ở nước ngoài, nó trở thành một chủ đề nghiên cứu thiết thực. Chẳng bao lâu sau đó, một người Mỹ đã tìm ra cách dùng chất gibberellin vào việc phát triển giống nho không hạt.

Tôi xem tiên sinh Kurosawa như cha của mình, và với sự hướng dẫn của ông, tôi đã ráp được một chiếc kính hiển vi giải phẫu và tận tâm nghiên cứu các chứng bệnh về nhựa cây gây thối rữa thân, cành, nhánh và quả ở những cây họ cam quýt Mỹ và Nhật.

Qua kính hiển vi, tôi đã quan sát những mẻ nấm nuôi cấy, lai tạp nhiều loại nấm với nhau và tạo ra những chủng loại nấm mới. Tôi phấn khích với công trình của mình. Do công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và liên tục, có khi tôi còn lăn ra bất tỉnh giữa lúc làm việc trong phòng thí nghiệm.

Đây cũng là thời kỳ tuổi trẻ đầy tinh thần phấn chấn, tôi không hề dành toàn bộ thời gian khoá mình trong phòng nghiên cứu. Nơi này là thành phố cảng của Yokohama, chẳng còn nơi nào tuyệt hơn để vui chơi và tận hưởng. Chính trong thời gian đó mà chương đời tiếp theo đây đã diễn ra. Hăng hái với chiếc máy chụp ảnh trong tay, tôi đi dọc theo bến tàu và trông thấy một người phụ nữ rất đẹp. Nghĩ rằng cô ấy sẽ trở thành chủ đề tuyệt vời cho một bức ảnh, nên tôi nhờ cô ấy làm dáng để tôi chụp. Tôi giúp cô gái lên lan can một chiếc tàu nước ngoài đang neo ở đó, bảo cô nhìn sang hướng này hướng khác rồi chụp nhiều bức. Cô ấy bảo tôi gửi ảnh tới cho cô khi rửa xong. Khi tôi hỏi cần gửi đến đâu, cô ấy chỉ nói “Đến Ofuna,” rồi bỏ đi mất mà chẳng hề nói tên.

Sau khi đem cuộn phim đi rửa, tôi cho một người bạn xem ảnh, hỏi cậu ta có nhận ra cô gái không. Cậu ta há hốc và nói, “Đó là Mieko Takamine, ngôi sao điện ảnh rất nổi tiếng!” Ngay lập tức, tôi gửi mười bức ảnh phóng to tới thành phố Ofuna cho cô ấy. Ít lâu sau, chỗ ảnh được gửi lại cho tôi bằng đường thư tín – kèm với chữ ký. Nhưng thiếu một tấm. Về sau khi nghĩ lại, tôi nhận ra đó là tấm ảnh chân dung chụp gần, hẳn là nó để lộ vài nếp nhăn trên gương mặt cô. Tôi rất phấn khởi, cảm thấy như mình đã có được chút ý niệm về tâm lý phụ nữ.

Những lần khác, dù khá vụng về và ngượng ngùng, tôi cũng hay đến một vũ trường ở khu Nankingai. Tại đó tôi thoáng thấy một ca sĩ nổi tiếng, Noriko Awaya, bèn mời cô cùng nhảy. Tôi không bao giờ quên được cảm giác của lần nhảy đó, vì tôi đã choáng ngợp bởi thân thể to lớn của cô nàng tới mức chẳng thể vòng tay trọn hết được vòng eo cô.

Tại mọi sự kiện, tôi luôn là chàng trai trẻ vô cùng bận rộn và may mắn, được sống những ngày choáng ngợp với thế giới tự nhiên được hé lộ qua ống kính hiển vi, choáng váng bởi sự tương tự của thế giới nhỏ bé đó với thế giới to lớn của vũ trụ khôn cùng. Vào buổi tối, dù đang yêu đương hay không, tôi đều vui chơi và tận hưởng. Tôi tin rằng chính cuộc sống vô chừng này, đi kèm với sự mệt mỏi do làm việc quá độ, cuối cùng đã dẫn tới những lần ngất xỉu trong phòng nghiên cứu. Hệ quả của mọi sự là tôi mắc chứng viêm phổi cấp, bị đưa vào phòng điều trị tràn khí màng phổi ở tầng trên cùng của bệnh viện Quân y.

Lúc đó là mùa đông. Qua khung cửa sổ vỡ, gió thổi những cuộn tuyết xoáy bay quanh phòng. Bên dưới chăn đắp thì ấm, nhưng mặt tôi lại lạnh như băng. Y tá tới kiểm tra nhiệt độ của tôi rồi đi ngay.

Vì đó là phòng bệnh riêng, nên gần như chẳng có ai ngó vào. Tôi cảm thấy như mình bị vứt ra ngoài, giữa cái lạnh đầy cay đắng, rồi đột nhiên bị ném vào một thế giới cô độc, lẻ loi. Tôi thấy mình kề cận với nỗi sợ chết. Giờ khi nghĩ lại, có vẻ nó là nỗi sợ vô ích, nhưng vào lúc đó, tôi sợ thực sự.

Cuối cùng tôi cũng được xuất viện, nhưng không tài nào kéo bản thân vượt ra khỏi cơn trầm cảm. Cho tới lúc đó, tôi đã đặt sự tự tin của tôi vào cái gì cơ chứ? Tôi đã chẳng lo nghĩ gì, và thoả mãn, nhưng bản chất của sự thoả mãn đấy là gì? Tôi rơi vào nỗi giằng xé, nghi ngờ về bản chất của sự sống và cái chết. Tôi không ngủ được, không thể buộc mình tập trung vào công việc. Những đêm lang thang nơi triền dốc và gần bến cảng cũng chẳng thể nào làm tôi nguôi ngoai.

Một buổi tối, trong lúc lang thang, tôi khuỵu xuống vì kiệt sức trên một ngọn đồi nhìn ra bến cảng, cuối cùng dựa được vào một gốc cây to. Tôi nằm đó, chẳng ngủ cũng chẳng thức, cho đến tận bình minh. Tôi vẫn còn nhớ đó là buổi sáng ngày 15 tháng năm. Trong cơn mê mụ tôi ngắm nhìn khu cảng sáng dần, nhìn mặt trời ló dạng, nhưng bằng cách nào đó lại chẳng thấy gì hết. Gió thổi lên từ dưới triền dốc, sương sớm bỗng dưng tan biến. Đúng khoảnh khắc đó, một con diệc ăn đêm xuất hiện, kêu lên một tiếng chói tai, rồi bay mất về phía xa. Tôi có thể nghe được tiếng nó đập cánh. Trong khoảnh khắc, toàn bộ nghi ngờ lẫn màn sương u tối trong tôi đều tan biến. Mọi thứ tôi vốn tin chắc, mọi thứ mà cho tới bấy giờ tôi thường trông cậy vào đều cuốn đi cùng với gió. Tôi cảm thấy mình chỉ hiểu được một điều duy nhất. Không nghĩ ngợi gì, lời lẽ từ miệng tôi bật ra: “Trong thế giới này chẳng có gì sất…” Tôi cảm thấy mình chẳng hiểu gì cả.

Tôi có thể nhận ra rằng mọi khái niệm mình đã từng bám víu vào, ngay chính cái ý niệm về bản thân sự tồn tại, cũng chỉ là những thêu dệt rỗng tuếch. Tâm trí tôi trở nên nhẹ nhàng, sáng sủa. Tôi nhảy nhót điên cuồng vì vui sướng. Tôi có thể nghe được tiếng những chú chim nhỏ kêu chiêm chiếp trên cây, và thấy những con sóng lấp lánh phía xa dưới vầng thái dương đang lên. Những chiếc lá cây nhảy múa, xanh và lóng lánh. Tôi cảm thấy rằng đây chính thực là thiên đường trên địa giới. Tất cả những thứ từng chiếm lấy tâm hồn tôi, mọi thống khổ, đều biến mất, tựa những giấc mơ, những ảo ảnh, và rồi một thứ gì đó mà người ta có thể gọi là “bản tính thực” hiển lộ.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button