Review

Con Hoang

Thể loại Văn Học Việt Nam
Tác giả Lê Hồng Nguyên
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Đinh Tị
Số trang 207
Ngày tái bản 10-2015
Giá bánXem giá bán

Nội dung

“Con hoang” là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Lê Hồng Nguyên.

Ấn tượng đầu tiên khi đọc “Con hoang” chính là những kiếp người bị giăng mắc trong những định kiến truyền đời đầy những phi lí, bất công, tàn nhẫn. Khép lại 202 trang sách vui buồn cùng với các nhân vật, sẽ vương vấn lại trong ta cảm giác vừa khép lại một bài ca buồn, nỗi đau xé lòng, tiếng than da diết của người phụ nữ sau lũy tre làng với ham ước được sống, nhu cầu được yêu thương, quyền bình đẳng với chính mình. Mỗi số phận trong cuốn tiểu thuyết là sự giày vò với những khát vọng ấy, là ham muốn giải tỏa bản năng của mình đang bị chôn kín, bị đày ải trong bức tường vô hình mà đáng sợ của cái gọi là định kiến, là dư luận xã hội. Văn chương Lê Hồng Nguyên đẹp, buồn, nhưng chứa chan nỗi yêu thương da diết của một ngòi bút nữ. Thiên nhiên trong tiểu thuyết của chị cũng rất đẹp, sống động, và chắc chắn phải khởi thủy từ một tâm hồn lãng mạn tha thiết với cuộc đời chị mới có thể dành cho thiên nhiên những áng văn mềm mại và có sức gợi cảm như vậy.

…“Lại đêm nữa, bà đơn phương vùi khát thèm bằng trắng đêm giã gạo. Những đêm trăng quê yên tĩnh trải rộng miên man dài. Những đêm giã gạo toát mồ hôi, gió vừa đủ lạnh thấm lỗ chân lông gời gợi. Những đêm không chịu nổi, bà ôm chặt cái thân cối giã gạo, òa khóc cho hả lòng hả dạ, cho bớt tủi nhục cô đơn. Trong đêm, cái khúc gỗ nhãn làm thân cối giã gạo được bào nhẵn vuông tròn mịn màng hiển hiện như một thân thể đàn ông. Tại sao không cho bà được yêu thương, được ôm ấp, được giận hờn”…

[taq_review]

Review

Bùi Việt Thắng

Tôi chợt nhớ tới câu tục ngữ “Canh tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn” khi đọc “Con hoang”, nên thích câu chuyện được kể lại từ nhân vật người kể chuyện tự xưng: “Tôi là một đứa con hoang”. Câu văn mở đầu chỉ có sáu chữ, ngắn gọn, hàm súc lòng tự tin vào nhân phẩm ở đời khi kể lại đường hoàng dưới thanh thiên bạch nhật cho nhiều người khác nghe câu chuyện của gia đình mình. Có gì đáng hổ thẹn nếu là con hoang thì cũng là một con người được sinh thành bởi một người đàn ông và một người đàn bà. Không ai chọn được bố mẹ và nơi mình sinh ra. Đó là sự sắp đặt của số phận. Đó là kiếp người trong một vũ điệu thời gian có vẻ bình thường (về vật lý) nhưng đầy những bất thường (về tâm lí): “Cuộc đời xô đẩy mẹ tôi bằng một buổi chiều như mọi buổi chiều bình thường trên thế gian này”. Đã có lúc tưởng chừng như: “Thời gian đã rêu phong chuyện cũ”, nhưng trái lại nó càng khắc sâu, ám ảnh tâm thế con người từng can dự vào biết bao sự kiện nhiều phần đắng cay hơn ngọt ngào.

Ấn tượng đầu tiên khi đọc “Con hoang” chính là những kiếp người bị giăng mắc trong những định kiến truyền đời đầy những phi lí, bất công, tàn nhẫn. Mẹ con chị Thắm, hai trong bốn nhân vật chính của tiểu thuyết, đã phải gồng mình lên sống, đã cố vượt lên thoát cái lưới khổng lồ vô hình và tàn nhẫn là định kiến, trong rất nhiều trường hợp là một thế lực độc ác. Định kiến vô lí và lạc hậu đến mù quáng, tàn độc không chỉ làm một đứa con bị gọi là “con hoang” đau khổ, mà nỗi đau khổ đó còn leo ngược lên đến đời mẹ, đời bà ngoại (và có lẽ còn đến cả đời cụ kỵ!?).

Một xã hội nhân văn là một xã hội khai phóng, triệt tiêu định kiến, giải phóng năng lượng của từng cá nhân. Đọc “Con hoang”, thêm một ấn tượng về cái lẽ đời “tâm” và “thân” ít khi giữ được sự hài hòa. Thậm chí chúng hay đối chọi nhau quyết liệt ở mỗi thân phận. Nhân vật chị Thắm (mẹ của nhân vật xưng Tôi, tên Hoàng, người kể chuyện) luôn bị giằng xé giữa “tâm” và “thân”. Thân thì bị Mã (Chủ tịch xã) chiếm đoạt, thoạt đầu là cưỡng bức, nhưng về cuối thì ít nhiều chấp nhận, thậm chí có khi bằng lòng. Nhưng “tâm” thì đeo đẳng với người đàn ông hàng xóm hơn mình vài tuổi, tên Hạnh. Mỗi lần bị Mã dụ dỗ, “thân” bị cưỡng đoạt thì trong “tâm” lại vang lên lời kêu cứu: “Hạnh ơi cứu em!”. Và trong con mắt của đứa con trai thì: “Cả cuộc đời mẹ tôi yêu Hạnh”.

Chẳng riêng gì Thắm mà cả mẹ Thắm, quá nửa đời người cũng khổ vì hai chữ “thân” và “tâm” không khi nào chịu hòa hợp. Bà là vợ hai, “tâm” thì yêu và tôn thờ chồng nhưng “thân” thì trơ trọi, trống vắng, khát khao bản năng để cuối cùng bĩ cực mà trao thân cho thằng ở là Mã. Chính nhân vật này đã gây ấn tượng về cái ác đầy tính bản năng, hoang dã, có sức hủy hoại đạo đức cổ truyền. Mã là sản phẩm của một “thời xa vắng” – xã hội bị o bế, tăm tối, lạc hậu, đã khi vô tình, khi cố ý tước đoạt quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của những con người tốt đẹp như Thắm.

Một kết cục buồn không tránh khỏi khiến người đọc thương cảm Hạnh, thoát ra khỏi chiến tranh nhưng tàn phế về tinh thần. Anh đã chết vì di hại của chiến tranh. Mã rồi cũng chết vì tuổi già và bệnh tật theo quy luật “sinh lão bệnh tử”. Cái chết của nhân vật này vớt vát lại những gì không thiện cảm trước đó bởi hành xử bất nhẫn của anh ta với đồng loại. Nhưng cũng cần thể tất vì anh ta đã mất tất cả để chỉ nhằm theo đuổi Thắm. Kể cả Mã, kể cả Thắm, kể cả Hạnh và cả Tôi (con trai mẹ Thắm, người xưng Tôi kể chuyện), tất cả đều là nạn nhân của đói nghèo, lạc hậu, giặc giã, chiến tranh và thiên tai và những định kiến đã ăn vào thâm căn cố đế trong nếp sống, cách suy nghĩ, hành xử bao đời nay ở những vùng quê nghèo. Đọc “Con hoang”, tôi chợt ngẫm đến câu nói của một triết gia, đại ý, con người là một cây sậy (yếu đuối biết bao) biết suy nghĩ (kiêu hãnh biết bao)!

Thường khi đọc tiểu thuyết, số đông độc giả thường chú tâm đến “chuyện” (cũng không có gì không đúng nếu tiểu thuyết có một cốt truyện hấp dẫn), mà thường ít chú ý đến các yếu tố nghệ thuật khác của tác phẩm. Tôi nghiêng về phe quan tâm đến cùng lúc nhiều phương diện nghệ thuật tiểu thuyết. Vì thế trước hết thấy thoải mái khi cầm đọc một cuốn tiểu thuyết chỉ có 202 trang. Đây đích thực là một cuốn tiểu thuyết ngắn, nó không “ngoạm” mất nhiều thời gian quý báu của chúng ta trong cái thời mọi thứ đều “phi mã”. Tiểu thuyết ngắn thường dồn nén dung lượng, giản lược cốt truyện và nhân vật và có một kết cấu theo lối khái quát hóa nghệ thuật theo chiều sâu (tính đến hiệu quả là chính).

Đọc kĩ sẽ thấy chủ đề tiểu thuyết thì mở bung ra nhưng kết cấu thì lại, theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Minh Châu, như nghệ thuật làm pháo – dồn nén tối đa để có sức nổ lớn nhất. Tiểu thuyết được phân ra thành 30 khúc, theo tôi, liên hoàn với nhau bằng một cái cấu tứ: đời người trong những cuộc bể dâu, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Viết tiểu thuyết, quan trọng nhất là phải tạo được không khí của câu chuyện được kể. Đọc “Con hoang” của Lê Hồng Nguyên, tôi thấy “đặc sệt” cái không khí làng quê Việt Nam trong một bối cảnh lịch sử hơn hai mươi năm (từ sau hòa bình 1954, qua cải cách ruộng đất, bước vào chiến tranh chống Mỹ, đến thời hậu chiến). Một cái làng quê điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ, có đặc sản nhãn, có xôi ruộng mật, có phù sa bãi bồi, ruộng đồng tươi tốt. Giữa một tự nhiên phì nhiêu ấy hà cớ gì con người lại cùng quẫn và khốn khổ? Hay là vì con người tự đày ải nhau? Đọc tiểu thuyết của Lê Hồng Nguyên thấy rõ ngay rằng, ẩn chứa đằng sau câu chữ là sự thổn thức và đôi khi cả nước mắt của nhà văn về kiếp người. Nhưng sao câu chuyện được kể lại gay cấn, khốc liệt, tàn nhẫn đến như thế. Nhân vật nào cũng bị tác giả đẩy tới “con đường cùng”. Để làm gì? Để dồn họ vào chân tường và để họ phải phát lộ tính cách. Nhưng dường như càng giẫy dụa, họ càng bị siết chặt lại bởi một sợi dây vô hình của cái phi lí.

Tôi thấy Lê Hồng Nguyên là nhà văn có ý thức chăm chút phần “văn” khi viết tiểu thuyết. Câu chuyện được kể có cốt, có hồn, có găm được vào trí nhớ độc giả nhiều hay ít, một phần còn nhờ vào văn phong. Văn Lê Hồng Nguyên đắm đuối (chị hay ướm mình vào các nhân vật nữ mà kể), đã đành, còn là lối văn có tốc độ. Câu văn ngắn, nhịp văn khẩn trương, kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa kể và tả, nên đã tạo được cái gọi là “nhịp điệu” (rythme) của văn xuôi. Tôi rất thích lối viết những câu văn ngắn, nhiều ấn tượng của Lê Hồng Nguyên, kiểu như: “Bác Hai phần phật chạy về phía cháu gái, tới nhà, ông sầm sập đập cửa”. Đó là lối chạy nhanh như thể đua với gió của một người đàn ông có tuổi khi muốn cháu mình tránh xa những sự nhơ nhuốc xấu xa mà con trẻ không nên chứng kiến. Một câu khác: “Mẹ chạy soàn soạt quạt vào lá ngô”. Đó là lối tháo chạy của Thắm, một cô gái mới lớn, băng mình qua bãi ngô để tránh một cuộc truy đuổi của một “con thú” là Mã, kẻ sau này gắn bó suốt đời với cô.

Khép lại 202 trang sách vui buồn cùng với các nhân vật, sẽ vương vấn lại trong ta cảm giác vừa khép lại một bài ca buồn, nỗi đau xé lòng, tiếng than da diết của người phụ nữ sau lũy tre làng với ham ước được sống, nhu cầu được yêu thương, quyền bình đẳng với chính mình. Mỗi số phận trong cuốn tiểu thuyết là sự giày vò với những khát vọng ấy, là ham muốn giải tỏa bản năng của mình đang bị chôn kín, bị đày ải trong bức tường vô hình mà đáng sợ của cái gọi là định kiến, là dư luận xã hội. Văn chương Lê Hồng Nguyên đẹp, buồn, nhưng chứa chan nỗi yêu thương da diết của một ngòi bút nữ. Thiên nhiên trong tiểu thuyết của chị cũng rất đẹp, sống động, và chắc chắn phải khởi thủy từ một tâm hồn lãng mạn tha thiết với cuộc đời chị mới có thể dành cho thiên nhiên những áng văn mềm mại và có sức gợi cảm như vậy.

Tiểu thuyết của Lê Hồng nguyên không phải không có những khiếm khuyết thường tình. Để kể một câu chuyện cho thật liền mạch cần phải giữ cho bền chặt cái đường dây được gọi là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các chương/ khúc. Đã có những “vết nứt” nhỏ nhưng nhìn kĩ sẽ thấy: chẳng hạn khúc 14, tác giả không “kể” tiếp mà “luận” về sự kiện (cái chết của ông Hiểu, bố Hạnh). Xét trong tổng thể, khúc này là không cần thiết hiện diện. Là một ngòi bút nữ duy tình nên độc giả nhận thấy trên từng trang viết cái say mê, đắm đuối và cả thống thiết nữa trên từng con chữ, nhưng giá như có lúc nào đó tỉnh táo hơn, sẽ thấy sự “bài binh bố trận” của mình là thiếu logic (chẳng hạn việc Mã giấu nhẹm những bức thư của Hạnh gửi cho Thắm, coi đó là cách thức bao vây, chiếm đoạt người phụ nữ mình say mê). Trong ba nhân vật Hạnh – Thắm – Mã, theo tôi, cần thiết để cho một người “sống mà nhớ lấy”. Không nên để cả ba đều chết như phần kết đã thấy trong tiểu thuyết.

Hà Nội, tháng Mười năm 2015.

Ngoc Anh Nguyen

Đây là 1 tác phẩm viết về thân phận của người phụ nữ trong thời kì đất nước còn chiến tranh loạn lạc. 1 tác phẩm hay nhưng rất buồn, những người phụ nữ bị hãm hiếp bởi những ông có chức vụ rồi sau đó cuộc đời như bị đẩy xuống vực sâu. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã bám rễ vào làng quê Việt Nam từ xưa khó mà dứt ra được. Trong tác phẩm có nhiều cảnh người phụ nữ muốn được thoả mãn bản năng con người mình được tác giả miêu tả rất nghệ thuật, không bị phô.

Trích đoạn

Mỵ là một cô gái nghèo cùng trang lứa với những cô gái nghèo “Đội về Đội dựa vào mông” ấy. Những cô gái thôn quê cuộc sống đơn sơ, ước mơ hạn hẹp, mộc mạc thật thà như củ khoai hạt thóc. Mỵ lớn lên trong bầu không khí trong lành của thiên nhiên, dòng sông, bãi bồi, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay không phải của nhà cô, với những vườn cây, rặng nhãn bên đường, những hiểu biết về cuộc đời, về thế giới xung quanh có được tự bản năng, thu lượm được từ những buổi đi làm thuê làm mướn, từ câu chuyện bét nhè của ông bố say. Những cô gái thôn quê, những ước mơ nho nhỏ, ngày nối ngày mong sao đủ cơm ăn, áo mặc, đến tuổi hẹn hò có người đến ngỏ, lấy chồng, đó là hạnh phúc lớn nhất của một cuộc đời.

Không chỉ riêng Mỵ, mà cả tầng lớp nông dân như cô, những anh Đội về làng là sự kiện trọng đại đáng nhớ trong đời. Lần đầu tiên trong lịch sử, những cô gái con nhà nghèo khó như Mỵ được “lên ngôi”, được quan tâm, được ưu đãi. Cán bộ Đội về làng là cơ hội thay đổi số phận cô.

Cơ hội thay đổi số phận Mỵ?

Đêm đầu tiên bần nông tố khổ, trước đông đủ người làng, già trẻ, gái trai, Mỵ dám đứng lên cất giọng thẽ thọt khiến mọi người phải chăm chú lắng nghe:

– Thưa các anh Đội. Mẹ em đói quá. Bố em đói quá, đi mò cả ngày được một giỏ tép, không kịp mang về nhà, ăn sống hết…

Đội xót xa:

– Khổ quá, trời đất, thế thì khổ thật.

– …

– Khổ như vậy là do ai? Do ai em có biết không!

Mỵ ngừng nhai gấu áo, oà khóc.

Có tiếng người rỉ tai nhau:

– Cả đời đi làm thuê, được đồng nào thằng bố nốc rượu bằng sạch, có ruộng bao giờ.

Thắm – tên mẹ, ít hơn Mỵ vài tuổi thấy khiếp quá, ăn sống nuốt tươi một con tép, hai con tép, ba con tép đã thấy ọe mật xanh mật vàng, huống hồ ăn sống cả một giỏ tép. Hình dung cảnh bố mẹ Mỵ ăn sống một giỏ tép, Thắm lợm giọng, nôn thốc nôn tháo. Mùi mít chín trong dạ dày thơm nức bay khắp sân đình. Mọi người ồ lên nháo nhác. Đội hít hít, hỏi:

– Có chuyện gì thế?

– Báo cáo Đội, con bé nhà tôi thương chị Mỵ quá… – Ông Hai giải thích – Nó khóc nghẹn, bữa tối ăn cái gì nôn hết ra cái nấy. Khổ quá, xin lỗi, tôi xin lỗi các vị!

– Ai cho phép các vị cho trẻ con đến đây? Đây đâu phải chỗ cho trẻ đến. Các vị rất vô tổ chức.

Ông Đội xuống tận nơi, đưa tay kéo má Thắm:

– Xinh xắn thế này mà hư. Trẻ con, biết gì mà theo đến đây?

Thắm sợ, đái cả ra quần, cầm cập run như con chuột ngập nước len lét nép vào ông Hai.

Ông Hai vội vàng dắt Thắm đứng dậy, về.

Đường cái quan dậy lên màu sáng nhạt của trăng. Rặng nhãn từng lùm từng lùm như những túp lều trầm ngâm trên con đường phờ phạc. Con đường bợt bạt với đôi bàn chân một trẻ một trung niên đang gằn bước. Cô cháu gái đôi bàn chân non dại dẫm phải những viên sỏi, hòn cuội lộm cộm mặt đường, đau, bàn chân khum nhúm lại sải những bước lò cò. Bác cô bé, người đàn ông trung niên đôi bàn chân dày dạn, viên sỏi hòn cuội co rúm dưới chân ông. Đầm, hồ dâng nước đầy, hương sen thoang thoảng trong làn gió. Sao trên trời thinh lặng thả ánh nhìn xa vắng xuống trần gian. Đình làng vốn là cõi thiêng yên ả bình lặng vậy mà đang phải chứng kiến cuộc tập trận đấu khẩu bất lương. Người nhà quê vốn giữ bản sắc “áo rách phải giữ lấy lề”, giờ, họ phải gồng mình lên, tập cho mình không biết xấu hổ, tập cho mình dám xưng xưng bịa đặt. Và điều này, hẳn chỉ lớp trẻ, những cô gái ngựa non háu đá, bất chấp sự thật, hám danh hám lợi như Mỵ mới nhăn nhở, háo hức mãnh liệt thực hiện. Mỵ không được dạy dỗ học hành, nông nổi, dễ tin. Mỵ chưa có độ từng trải nên chưa có khả năng ngẫm ngợi để mà hổ thẹn.

Đội chỉ định Mỵ làm tổ trưởng tổ chuỗi rễ. Mỵ bảo:

– Làm rễ là làm như thế nào, em không biết, em sợ lắm.

Anh Đội từ trên dãy ghế chủ tọa xuống tận chỗ Mỵ:

– Có ai làm gì em đâu mà sợ. Em cũng chẳng phải làm gì đâu mà lo. Nhiệm vụ của em là nắm bắt tình hình, khai báo. Nhà nào nhiều vàng nhiều ruộng, nhiều thóc, nhiều trâu, em khai báo cho chúng anh.

– Nhưng nếu người ta làm gì em, em biết làm sao?

“Người ta làm gì em thì em biết làm sao” cái miệng thiếu nữ mới đáng yêu làm sao, mái tóc đuôi bò, gương mặt khôi nguyên quyến rũ. Trái tim anh Đội giống cái vòi hút bụi thời nay, bắt gặp đối tượng, rung lên bần bật. Giữ vẻ bình thản trên gương mặt, nhưng ngôn từ phát ra từ cổ họng anh Đội không giấu nổi những dây ngân rung động:

– Còn có các anh. Không ai được phép làm gì em.

Mỵ ỏn ẻn vân vê gấu áo. Sự e thẹn thôn nữ không một diễn viên nào có thể diễn đẹp như hiện thực, và không ngòi bút nào diễn tả nổi khoảnh khắc đẹp từ em. Ánh sáng đèn măng sông soi rõ gương mặt Mỵ. Đội đứng xa hơn một khoảng. Hắn muốn đặt bàn tay lên vai em nhưng hắn sợ tập quán, phong tục cổ hủ nhà quê. Hiểu tình đồng nghiệp, một anh cán bộ khác trong Đội xuống tận nơi “gỡ tình huống”. Hắn nhè nhẹ vỗ vai Mỵ:

– Ngồi xuống đi em.

Cuộc họp tan, Mỵ cũng được mời ở lại họp riêng cán bộ địa phương, thành viên cội, rễ và Đội.

Nghe nửa câu, nhìn nửa mắt, Mã nhận ra ngay mọi sự. Mã nghiêm nghị nói với mọi người nhưng mắt lại nhìn thẳng vào Mỵ:

– Cái gì cũng phải có lớp lang trình tự của nó. Mọi việc phải thông qua lãnh đạo địa phương sau mới đến Đội. Các đồng chí cán bộ Đội sao có thể hiểu địa phương bằng chính cán bộ địa phương! Mỗi một địa phương có những đặc thù riêng…

Mỵ là cội, rễ, được phân công làm liên lạc đưa đường dẫn lối cho Đội. Mỵ giúp việc cho Mã. Mỵ thường xuyên đi công cán đêm. Mỵ tham gia học lớp học ban đêm do cán bộ đội làm thầy dạy.

Đêm thôn quê yên tĩnh. Trăng trầm ngâm tỏa ánh sáng dịu dàng. Ánh sáng dịu dàng quyện vào mặt đất dậy lên dàn đồng ca da diết của đêm dài. Trăng dịu dàng. Thảnh thơi trăng. Ướt đẫm trăng. Nhờ trăng, trước gương trăng vạn vật mới thực sự được đối diện với chính mình. Đối diện với chính mình thấy được cái thực chất cốt lõi của chính mình, vạn vật trở nên khiêm tốn, suy tư, khiến cho đêm càng trở nên thâm nghiêm bí ẩn. Đống rơm bên những đống rơm. Mái gianh bên những mái gianh…

Người đi cùng Mỵ, anh ta không phải là người nhà quê nên có thể chế giễu Mỵ vô duyên vô học. Nhưng có thằng đàn ông nào xa nhà đi với một cô gái trong đêm mà không nảy sinh những ham muốn? Hắn đâu phải đá mà không rung động trước sự hồn nhiên trong sáng trẻ trung của người khác giới!

Mỵ vừa đi vừa hát. Anh Đội thầm thì hát theo. Anh ta tung tăng đi sau. Anh ta rộn ràng cùng hát. Anh ta nắm tay Mỵ, hân hoan.

– Mỏi chân không, nghỉ một lát đi em?

– Cán bộ ơi! Cán bộ giỏi hơn em cơ mà! Chỉ còn mấy cây số nữa là đến nơi rồi. Cố lên cán bộ ơi!

– Mấy cây số nữa em cho là ít à? Anh là chỉ huy chứ không phải là em. Anh mệt lắm, không thở được nữa rồi!

Trăng nhắm mắt, buông màn mây dày đặc. Đêm tràn ngập bóng tối. Gió lành lạnh đượm sương. Anh Đội duỗi mình nằm trên cỏ. Mỵ hồn nhiên dừng lại, vỗ vào vai anh:

– Này..!

Đội mở choàng đôi mắt, kéo em xuống lòng mình:

– Nghỉ một chút đi em.

Mỵ hất tay anh:

– Không được đâu!

– Thì cứ ngồi xuống đây nào.

– Anh thích em mất rồi!

Ánh mắt ấy, ngôn ngữ ấy, hành động ấy của Đội với Mỵ – cô gái nhà quê chưa đủ chín tạo nên rung động. Mỵ thấy chả khác gì những lời cưng nựng của mẹ cha những trưa hè nóng bỏng đi làm thuê nghỉ tạm dưới vòm cây giữa đồng hóng gió hay những khi nhổ tóc sâu cho mẹ. Cha mẹ ngắm nhìn con, chợt nhận thấy con gái mình lớn lên trông thấy thốt lời khen. Nhưng hình như âm thanh như dòng điện ngược chiều, như liều thuốc tăng lực, lời của anh Đội lại làm chính anh ta xúc động mạnh.

Anh Đội lại thốt lên:

– Trời ơi, anh thích em rồi. Thế có khổ thân anh không!

Mỵ cười khúc khích. Anh ta bế Mỵ, ép mái đầu Mỵ vào lòng. Mỵ e thẹn xấu hổ giống như đứa con gái mới lớn mà người cha vẫn âu yếm như còn trẻ con. Mỵ như con sâu đo, cố nhoài người ra khỏi vòng tay anh. Nhưng muộn mất rồi.

Những đám mây bồng bềnh. Những đám mây trôi nhanh. Hằng Nga không hé mắt. Đêm càng thêm mênh mông.

Chuyện Mỵ và cán bộ Đội đã có người trình báo với Mã.

Mã cho người gọi Mỵ về trụ sở để tra hỏi chuyện quan hệ bất chính với cán bộ Đội.

Nhiều năm giữ cương vị cán bộ chủ chốt, với nhiều sáng kiến, thành tích, Mã luôn được nhận danh hiệu cán bộ xuất sắc của huyện, tỉnh. Năm nào Mã cũng vinh dự báo cáo thành tích trong Đại hội đại biểu hợp tác xã tiên tiến điển hình của toàn huyện. Mã nói vo rất giỏi, dí dỏm, hấp dẫn. Mã là anh lực điền. Bản chất của anh nông dân lực điền là khỏe mạnh, là lao động giỏi, là giàu kinh nghiệm trong sản xuất và giỏi đoán định thiên nhiên. Nhưng, cái hạn chế lớn nhất của Mã là Mã chưa bao giờ được cắp sách tới trường. Thời gian trong quân ngũ Mã cũng có được học. Nhưng Mã biết chữ không nhiều, Mã đọc chữ cũng chưa được thạo. Vì thế, Mã chưa bao giờ viết báo cáo hay đọc duyệt báo cáo. Mã quen phê duyệt bằng mắt thấy tai nghe, bằng cảm nhận trực quan, bằng tất cả những gì phơi bày ra trước mắt, đoán định và dự cảm. Mã ghét văn bản, Mã ghét sự trình bày rối rắm lê thê.

Mã không bắt Mỵ phải viết bản tường trình. Mã đề nghị cô tự kể lại sự việc.

Mỵ, cô gái thôn quê chưa đủ trưởng thành để biết buồn nỗi buồn con gái. Mỵ thấy việc anh Đội gạ gẫm, đưa cô vào tình thế trai trên gái dưới cũng chỉ như con chó đực với con chó cái, con mèo đực với con mèo cái đến kỳ. Con mèo đực, con chó đực thấy con cái thì ve vãn làm quen rồi thản nhiên cưỡi lên con cái giữa thanh thiên ngoài đường làm trò chơi cho bọn trẻ thích thú. Bọn trẻ xúm xít hò hét đánh đuổi, đôi con chó ghẹo nhau cũng vẫn không rời nhau ra. Anh Đội khác với con chó đực, con mèo đực ở chỗ, anh ta không làm như vậy với Mỵ ở chỗ có người. Mỵ, giống như con chó cái bị cưỡng bức, bị anh Đội làm chuyện ấy, Mỵ chẳng có cảm xúc gì, nên, Mã bắt tường trình, Mỵ tuồn tuột kể hết sự tình trình tự.

Mã đập tay xuống bàn:

– Thôi đi! Đồ hư hỏng! Nam nữ thụ thụ bất thân. Con gái đi đêm với một người đàn ông không máu mủ, mặc người ta muốn làm gì mình thì làm. Mất dạy. Bố mẹ cô ngu dốt không biết dạy cô!

Con chim non hồn nhiên cao hứng hót, bất ngờ bị âm thanh từ Mã như tiếng sét sượt mang tai, Mỵ thảng thốt sợ. Mã gầm lên như hổ:

– Cô làm ô nhục danh làng! Tôi loại cô ra khỏi cội, rễ!

Mỵ tái mặt, nước mắt tứa ra, ròng ròng trên bầu má mũm mĩm. Mỵ như chim non mới ra ràng sung sướng tập bay, nào ngờ hậu quả lại là giông bão. Mỵ run rảy đưa tay quệt ngang má. Nước mắt nhòe nhoẹt ướt bệt những sợi tóc măng tơ chưa ngấm bụi trần.

Mã đập tay xuống bàn:

– Lũ khốn nạn! Nó phá hoại hết cả!

Thái độ phẫn nộ giận dữ của Mã làm Mỵ sợ hãi co rúm lại. Cô chui xuống gầm bàn nhi nhí khóc. Tiếng khóc như giun dế. Tiếng khóc trẻ con bị mẹ đánh, dội lên ký ức trong ông. Ông ngỡ tiếng khóc của Mỵ là tiếng khóc của con ông vậy. Mã bỗng thấy tội nghiệp! Tội nghiệp con bé, nó sợ quá. Sự sợ hãi của trẻ con như dòng suối làm mát mềm trái tim sắt đá đỏ lửa, mềm như vôi trong lồng ngực người đàn ông là Mã. Mã rời chỗ ngồi tiến đến chỗ em, kéo em chui ra khỏi gầm bàn. Mã dịu dàng in lên đỉnh đầu em một nụ hôn biết lỗi.

Mỵ đang lo lắng, sợ hãi, che gương mặt bằng sự cúi gằm, tóc tai lòa xòa không rõ mặt, nụ hôn của Mã đã khiến Mỵ thay đổi trạng thái. Không phải trạng thái của một đứa con vừa bị cha đánh mắng, xong, cha lại an ủi, dỗ dành. Mà ngược hẳn, từ trạng thái sợ hãi Mỵ chuyển sang e thẹn, ngượng ngùng và rồi rất nhanh cô giữ được thăng bằng, tự chủ, tấn công. Cô linh hoạt liên tưởng tới người đàn ông là Đội. Cô vơ đũa cả nắm, rằng “đàn ông cùng một giuộc, giống nhau cả thôi”. Và rồi, cô bài bản vén mái tóc bên này lộ nửa gương mặt yêu kiều ban nãy mang màu sáp nay đã chuyển sang hồng. Đôi môi Mỵ hơi hé nụ, gò má mũm mĩm hồng căng mọng. Mỵ thể hiện một màn trình diễn rất đàn bà, bài bản và chuyên nghiệp. Mỵ trở nên thiếu nữ đến không ngờ. Mã luồn tay vào mớ tóc cô ta, hôn lên cổ, lên khóe mắt rồi lên môi. Nụ hôn nhẹ nhàng, ấm áp, chuyển thể dần dà đẹp như một bài thơ. Mã nghe rõ nhịp đập trái tim trong lồng ngực Mỵ. Nhưng Mã không thể biết đó là nhịp đập của con tim hồi hộp, tò mò, lo lắng. Mỵ nhắm mắt, thứ nhắm mắt trẻ con chơi trốn tìm, theo dõi, đợi chờ cử chỉ, hành động tiếp theo của người đàn ông là Mã. Mỵ dự đoán sau nụ hôn, thế nào Mã cũng sẽ là, sẽ là…

Anh hùng không qua được ải mỹ nhân.

Thời trai non trẻ, Mã bị vẻ đẹp của đàn bà “gái một con” quyến rũ. Vẻ đẹp đàn bà dày dạn đã đưa Mã tới những mê cung những tưởng suốt đời Mã không thể quên được. Vậy mà Mã đã quên. Mã quên được là nhờ kỷ luật sắt của Quân đội. Quân đội là một trường học lớn. Gác tình riêng lo việc lớn kiên quyết loại trừ tư tưởng yếu đuối, ủy mị. Nhưng lúc này đây, dưới mái đình cổ kính thâm niên tĩnh mịch, chỉ có ông với cô gái trẻ là Mỵ, Mã thấy lòng lai láng. Hình ảnh người đàn bà xưa lại hiện về xáo động lòng ông. Ký ức trở về, rực rỡ và rành mạch. Cô gái đây, Mỵ, đánh thức tiềm thức tuổi thanh xuân, làm sống lại tuổi thanh xuân trong con người Mã hiện tại. Mã tự mình, cho phép mình buông thả mình vào những tưởng tượng hồi cố, và không ngừng chìm trong những mê cung nhằng nhịt. Sự buông thả của Mã, sự đồng lõa của Mỵ làm Mã nổi loạn, phát điên.

Và rồi, có tiếng bước chân người, tiếng cửa đình kẽo kẹt mở, ai đó hắng giọng đánh tiếng. Mã trở lại bàn làm việc, ra hiệu cho Mỵ ngồi xuống ghế đối diện.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button