Review

Con Đường Thoát Hạn

Nội dung

con-duong-thoat-han-ebook

Nhắc đến Israel, người ta sẽ nghĩ ngay đến tinh thần “khởi nghiệp” của những người dân Do Thái bất diệt, bền bỉ. Dù ngoại cảnh có hỗn loạn đến đâu, dù thiên nhiên không ưu đãi cho họ nhiều điều kiện thuận lợi, Israel vẫn vươn lên mạnh mẽ qua biết bao hành trình khó khăn, khắc nghiệt từ những ngày đầu phục quốc cho đến khi xây dựng đời sống xã hội. Câu chuyện về “Quốc gia khởi nghiệp” Israel lại được kể tiếp trong những trang văn giản dị chứa đựng những thông điệp lớn lao trong tác phẩm “Con đường thoát hạn” – một anh hùng ca về “thung lũng Silicon” của thế giới.

Không giống như Việt Nam, Israel không sở hữu nguồn tài nguyên nước dồi dào và hệ thống sông ngòi, kênh rạch phong phú – mà ngược lại, có tới 60% diện tích là hoang mạc, lại bị bao vây ba bề bốn bên bởi những quốc gia thù địch. Thế nhưng, người Israel đã tìm ra cách tự “sản xuất” ra nước thông qua những biện pháp sáng tạo và liều lĩnh. Đó là Nước sạch được khử mặn từ nước biển, là nước lợ đã qua một hệ thống lọc phức tạp, thậm chí là nước thải sinh hoạt (nước cống) được xử lý tinh vi để có thể dùng tưới tiêu cho nông nghiệp hay cho những mục đích sinh hoạt thông thường khác… Năm 2013, người Israel đã tuyên bố : nguồn nước của họ không còn phụ thuộc vào thiên nhiên nữa ! Nước chính là cứu cánh, là phép màu mở ra cánh cửa nông nghiệp, kinh tế, ngoại giao cho Israel. Israel hiện sản xuất nước dư thừa cho nhu cầu nội tại và còn xuất khẩu đều đặn 24/7 sang cho các nước láng giềng, Palestine và Jordan, là vũ khí hòa bình của Israel cho tình trạng đối đầu Iran-Israel, Israel-Trung Quốc và một số các quốc gia khác, trở thành một « ngành kinh doanh toàn cầu », đòn bẩy cho kinh tế Israel phát triển.

Bằng những nghiên cứu tỉ mỉ và với hàng trăm cuộc phỏng vấn, Siegel đã mô tả sinh động cách mà Israel đã vượt qua các cuộc khủng hoảng nước của riêng mình, biến bất lợi thành lợi thế, đồng thời hỗ trợ các quốc gia khác trong việc xử lý và bảo tồn nguồn nước. Với 12 chương sách được bố cục một cách khoa học, cuốn sách kể về cả một lịch sử và hành trình thần kỳ của Israel trong hành trình chinh phục thiên nhiên, mang đến cho bạn những góc nhìn bao quát, một tư duy nhất quán, là kim chỉ nam về một nền quản trị nước đầy trí tuệ.

Cũng như lời của Shimon Tal, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Nước Israel đã nói: “Cách thức quản lý nước của một quốc gia nói lên nhiều điều về quốc gia đó.”, đây là câu chuyện không chỉ dành cho những người nghiên cứu về thủy lợi và nông nghiệp, nó còn là câu chuyện dành cho tất cả những người quan tâm về việc kiến tạo một tương lai phát triển và bền vững cho đất nước.

Thể loạiSách về nông nghiệp
Tác giảSeith M. Siegel
NXBThế Giới
Số trang504
Năm2016

Review

Huyền Trang

Tôi tìm đọc cuốn này lúc đầu chỉ đơn giản là nó viết về Israel. Nhưng thật sự là đọc càng thấm đậm nhiều thứ hay ho trên đời.

Người Israel thật sự tuyệt vời không chỉ về tư duy vô cùng tiến bộ, làm mọi thứ họ cần và muốn bất chấp mọi rủi ro thử thách. Họ còn có một tâm hồn tuyệt vời, chia sẻ mọi thứ mà họ biết. Nước là nguồn tài nguyên quý giá, và Israel ý thức được điều đó nên họ không chỉ làm cho đất nước tiến bộ với nước mà còn dùng nước để giải hòa chiến tranh và gắn kết láng giềng. Tuyệt!

Thu Thanh

Quyển sách này cùng với Quốc gia khởi nghiệp là hai quyển sách viết về đất nước Irasel mà mình thấy rất hay. Nội dung được trình bày rất dễ hiểu, dễ tiếp thu. Khác với các quốc gia chú trọng vào công nghiệp, Irasel coi nông nghiệp làm gốc. Tuy nhiên, nằm trong một khu vực luôn vây quanh bởi khủng bố, vũ lực, chiến tranh, khí hậu lại khắc nghiệt lại chính là động lực để người Irasel sáng tạo ra Con đường thoát hạn

Gin Phạmg

Sách rất hay, nói về công cuộc tìm-tạo-tái tạo lại nguồn nước của người Do Thái. Đọc xong cuốn sách cảm thấy mình nên trở nên một người có ý thức cao về việc sử dụng nước.

Trích đoạn

QUẢN LÝ HỆ THỐNG NƯỚC QUỐC GIA

Cách thức quản lý nước của một quốc gia nói lên nhiều điều về quốc gia đó.

– Shimon Tal, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nước Israel –

SAU KHI LUẬT NƯỚC TOÀN DIỆN NĂM 1959 – trong đó quyền sở hữu và kiểm soát nước sạch quốc gia được tập trung vào tay nhà nước – được thông qua và Đường dẫn Nước Quốc gia được hoàn thành, trọng tâm của việc điều hành Đường dẫn Nước quốc gia Israel dịch chuyển sang giai đoạn thực thi. Trong khi nền tảng pháp lý vững chắc và cơ sở hạ tầng quốc gia đều có ý nghĩa tối quan trọng, thì việc quản trị trong thực tế hằng ngày là theo dõi xem những người Israel trung bình sẽ trải nghiệm hệ thống nước quốc gia như thế nào.

Israel đã có những nhà quản lý chất lượng cao ngay từ ban đầu. Với nhiều bên liên quan quan tâm đến quản trị nước, và thậm chí rộng hơn, phân bổ các tài nguyên, điều đáng chú ý là trong nhiều thập kỷ kể từ khi thông qua Luật Nước, tham nhũng về cơ bản không hề tồn tại, và công chúng cực kỳ hài lòng với các nhà quản lý ngành nước của họ, cho dù không phải luôn có thái độ như vậy đối với các chính trị gia cấp trên của các nhà quản lý này.

Luật về Nước năm 1959 bổ nhiệm một ủy viên nước có quyền lực lớn để phát triển và thực thi chính sách nước quốc gia dưới sự bảo trợ của Hội đồng Nước. Dù ủy viên nước này có quyền lực lớn và có vai trò phi chính trị như vậy, nhưng chính phủ vẫn đóng một vai trò tích cực trong việc giám sát – tức là bởi một nhân vật chính trị nào đó. Hội đồng Nước được đặt dưới sự giám sát và kiểm soát của Bộ trưởng Nông nghiệp.[1]

Nông dân ở Israel, cũng giống như ở khắp nơi trên thế giới, là những người tiêu thụ nước nhiều nhất, và, đặt nước trong phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp là điều hợp lý, ít nhất là ban đầu. Nhưng khi Israel đã phát triển thành một nhà nước hiện đại với nền kinh tế tiên tiến, việc này đã trở nên vô lý hơn bao giờ hết khi thông qua việc gắn chính sách nước với chính sách nông nghiệp, sẽ có sự thiên vị trong kết quả phân bổ nước. Nước, tất nhiên, là mối quan tâm đặc biệt của nông dân nhưng không phải chỉ của riêng cho họ.

Nhiều Bộ bắt đầu lên tiếng giành quyền của mình trong phương trình của bài toán nước này. Hội đồng Nước (sau này đổi thành Ủy ban Nước) vì thế đã được chuyển sang đặt dưới sự kiểm soát hành chính của Bộ Cơ sở Hạ tầng, nhưng rất nhiều các bộ trưởng nội các khác cũng đưa ra các yêu sách của mình. Một số yêu sách này hướng đến các mục tiêu chính sách hợp lý, nhưng trong sự bế tắc quan liêu đang nảy sinh, chính trị hoặc các mục tiêu chính sách xung đột nhau bắt đầu tạo ra các cuộc chiến tranh giành địa bàn [turf wars]. Mục đích của bộ luật năm 1959 là tạo ra các chính sách nước đơn thuần phục vụ lợi ích của nhân dân Israel, nhưng có lúc lại phục vụ lợi ích của các chính trị gia.

Danh sách các bộ phận khác nhau của chính phủ đòi chia phần “chiếc bánh quản trị nước” sau đây sẽ cho ta hình dung về quy mô bài toán hành chính này. Bộ Tài chính quy định giá nước, ngoại trừ giá áp cho nông dân; Bộ Nông nghiệp thiết lập mức giá cho nông dân. (Bộ Nội vụ đóng vai trò trong việc định giá nước hộ gia đình.) Nước thải và xử lý nước thải đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Cơ sở Hạ tầng và Bộ Bảo vệ Môi trường. Cả Bộ Y Tế và Bộ Bảo vệ Môi trường đều đóng góp đầu vào đối với tiêu chí về chất lượng và an toàn nước; Bộ Nội vụ, ngoài vai trò định mức giá trong nước, còn kiểm soát việc phân phối nước trong các đô thị; Bộ Tư pháp tham gia xét xử các tranh chấp về nước; Bộ Quốc phòng giám sát các vấn đề liên quan tới an ninh tài nguyên nước ở khu vực Bờ Tây; Bộ Ngoại giao là địa chỉ cho các vấn đề chia sẻ nguồn nước với Vương quốc Jordan; Ủy ban Tài chính Quốc hội Israel cũng tham gia giám sát.[2]

Một nhà quan sát sắc sảo, David Pargament, cho biết, “Lấy thí dụ quyết định về việc quản lý cây cối, một bộ thì kiểm soát lá, một bộ kiểm soát cành, một bộ kiểm soát vỏ, một bộ khác kiểm soát thân, một bộ kiểm soát rễ, và một bộ nữa kiểm soát bóng mát. Mọi thứ ở đây đang là như thế đấy.”[3]

Đến đầu những năm 2000, áp lực tăng lên về việc tháo gỡ những nút thắt đã trói buộc tất cả các bộ và bộ trưởng này lại với nhau. Trong một hành động rõ ràng không mang tính cá nhân, một số lãnh đạo chính trị đã quyết định thúc đẩy một sự thay đổi vì lợi ích quốc gia, chứ không phải vì các chính trị gia và các nhóm quyền lực của những người đang tại vị.

Vào năm 2006, sau một báo cáo được đánh giá cao của một ủy ban điều tra của Quốc hội kêu gọi những thay đổi mang tính hệ thống, Luật Nước năm 1959 đã được sửa đổi.[4] Ủy ban Nước được đổi tên thành Cơ quan Quản lý Nước của Israel, và cơ quan này đã được trao quyền lực thực sự. Quyền lực đã được chuyển giao từ cấp chính trị sang kỹ trị.[5] Bằng việc tách chính trị ra khỏi quá trình ra quyết định, cơ quan mới được trao quyền có thể đưa ra quyết định mà không sợ bị lấn lướt bởi các chính trị gia, những người muốn ghi điểm với cử tri hoặc chỉ đơn giản là tích lũy quyền lực.

“Giá cả là biện pháp khuyến khích hiệu quả nhất với mọi người”

Từ những ngày đầu thành lập nhà nước, sử dụng nước cẩn trọng đã là một nguyên tắc cốt lõi trong đời sống dân sự. Dù là trong nhà hay ngoài trang trại, người Israel tự hào mình là những người cẩn trọng với việc dùng nước và đang phát triển các công nghệ – như tưới nhỏ giọt – để quán triệt hơn việc sử dụng nước. Cứ vài năm lại có một đợt hạn hán xảy ra ở vùng này, và người Israel chấp nhận ý tưởng rằng họ sẽ cần phải nỗ lực hơn để bảo vệ nguồn nước. Nhưng, ý tưởng cho rằng không thể đẩy xa thêm giới hạn tiết kiệm nước của người Israel nhanh chóng được thể nghiệm trong thế giới thực. Vào năm 2008, Cơ quan Quản lý Nước công bố rằng mọi người sẽ phải trả đúng giá trị thực cho lượng nước mà họ sử dụng.

Lý do tăng giá không chỉ đơn thuần là để tiết kiệm nước. Thay vào đó, các nhà quản lý nước muốn tối đa hóa việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nước cả hiện có lẫn xây mới. Công chúng được hứa hẹn là tiền thu phí sẽ chỉ được dành hoàn toàn cho nhu cầu nước quốc gia, chứ không bị lái sang để cân đối các phần ngân sách khác của thành phố hay quốc gia.

Giống như người nộp thuế ở các nơi khác, việc tăng giá nước không dễ dàng được chấp nhận. “Người dân ở đây hiểu nước là tài sản quý, nhưng họ vẫn không hiểu sao lại cần phải trả tiền cho nó,” một quan chức cao cấp của Cơ quan Quản lý Nước nói. “Nhìn mưa và họ cho rằng nước là miễn phí. Họ đúng. Loại nước đó là miễn phí. Nhưng loại nước an toàn, đáng tin cậy, và luôn sẵn có thì không miễn phí và không thể miễn phí. Xây dựng cơ sở hạ tầng để có nước sạch tới ngôi nhà của bạn không phải là miễn phí, xử lý nước thải để miễn trừ bệnh tật là không phải miễn phí, và phát triển các nhà máy khử mặn để giúp chúng ta vượt qua hạn hán cũng không phải miễn phí.”[6] Trước khi giá nước được đội lên, tiền cước này chủ yếu phản ánh chi phí bơm để đưa nước đến nhà người dân. Nông dân thậm chí không phải trả toàn bộ giá thành vận chuyển nước. Luôn có các trường hợp ngoại lệ được hưởng trợ cấp thanh toán, và các chính trị gia thường xuyên tạo ra các khoản trợ cấp cho các cử tri quan trọng hoặc các dự án ưu tiên.

Giáo sư Uri Shani, người đứng đầu của Cơ quan Quản lý Nước, nói với các bộ trưởng nội các, “Các vị muốn trợ cấp cho nông dân hoặc người tàn tật, mang nước cho các nước láng giềng? Không có vấn đề gì. Các vị có thể chiết khấu hay miễn phí hoàn toàn như các vị muốn. Nhưng bất cứ những gì các vị lấy đi hoặc phân bổ ra ngoài, chính phủ phải hoàn trả tiền cho tổng công ty nước ứng với lượng nước đã sử dụng.” Sẽ không còn nước miễn phí, giá rẻ, hoặc được trợ giá, ông nói với họ. “Mọi người sẽ đều chịu chung một luật chơi. Ai cũng trả tiền.”[7]

Tính chung, giá nước sinh hoạt tăng lên 40%. Công chúng gào lên, điều này cũng dễ hiểu. Không có thay đổi nào rõ rệt trong nguồn nước dẫn vào nhà họ. Mọi người đều phải trả nhiều hơn cho một dịch vụ dường như không thay đổi gì. Nếu cơ sở hạ tầng luôn là chi phí của chính phủ – chẳng hạn sửa chữa một con đường – thì không có lý do nào rõ rệt về việc tại sao cần phải điều chỉnh giá nước.

Cũng vào thời điểm giá nước tăng vọt đi vào hiệu lực, Cơ quan Quản lý Nước tước quyền quản lý nước và nước thải từ tất cả các đô thị, để tạo lập một hệ thống các công ty cấp nước đô thị mới, phi chính trị. Mọi khoản thu phí tiền nước và nước thải đều tập trung về các công ty mới lập này, làm cho các thị trưởng tức giận vì họ bị mất đi quyền sử dụng khoản tiền không-ai-hỏi-đến mà từ lâu nay họ đều được tùy ý sử dụng. Nếu ngân sách thành phố bị thâm hụt, doanh thu từ tiền nước luôn có sẵn như một khoản dự phòng. Việc bảo dưỡng đường ống rất dễ bị trì hoãn, nhường chỗ cho các ưu tiên cấp bách được người dân và cử tri chú ý hơn.[11]

Cơ quan Quản lý Nước muốn 55 công ty nước địa phương mới lập này tập trung vào khắc phục rò rỉ, cải thiện dịch vụ, tạo “lồng ấp” cho các công nghệ mới, và nghĩ cách tiết kiệm nước hoặc các khoản chi như thế nào. Toàn bộ tiền phí thu từ nước hiện nay sẽ được chi tiêu vào những mục tiêu kể trên, cùng với đó là việc lo đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng nước quốc gia.

Trong khi các thị trưởng có một động lực ngược là chi tiêu ít nhất có thể vào việc khắc phục các vấn đề về nước và dành tất cả các khoản thu phí nước chưa sử dụng cho các dự án đô thị khác, thì các công ty nước mới lập phải dành tất cả các khoản thu này cho các dự án nước, nếu không sẽ chịu phạt bởi Cơ quan Quản lý Nước. Trước đây, giống như nhiều nơi khác trên thế giới, việc xử lý rò rỉ thường bị trì hoãn cho đến khi nào không thể đừng được nữa. Đào xới đường dễ làm mất uy tín của thị trưởng, và lại chẳng thu được đồng nào từ lượng nước thất thoát do rò rỉ. Công ty nước mới lập nào không đạt được mục tiêu trong việc giảm rò rỉ sẽ bị xử phạt bởi Cơ quan Quản lý Nước.[12]

Giờ đây, nếu thị trưởng muốn các công viên trong thành phố của mình được tưới nước hằng đêm, ông ta phải lấy tiền ngân sách thành phố ra chi trả cho việc này. Sẽ không còn nước “miễn phí” cho các công viên công cộng.[13]

Chủ sở hữu nhà không phải là đối tượng duy nhất phải trả phí cao hơn trong cơ cấu mới. Nông dân cũng được thông báo về giá nước sắp tăng. Vì khoảng thời gian chết là khá dài giữa mỗi lần chuyển mùa vụ và nỗi gian nan của việc giá tăng đột ngột, một lịch trình đã được đàm phán với nông dân theo đó sẽ chia nhỏ từng giai đoạn tăng giá. Họ cũng không vui, nhưng được an ủi bằng lời hứa từ Cơ quan Quản lý Nước rằng từ nay họ sẽ nhận được nước thỏa thuê một khi họ bắt đầu trả chi phí nước thực tế. Trong những đợt hạn hán vừa qua, nông dân đã chứng kiến việc phân phối nước bị cắt, còn từ nay họ được đảm bảo rằng họ sẽ có thể nhận được tất cả lượng nước mà họ muốn mua.[14]

Hiệu quả của việc đưa ra giá mới cho các trang trại và hộ gia đình là gần như ngay lập tức làm thay đổi mức độ sử dụng. Cùng với việc không bị phân phối hoặc giới hạn nguồn cung, việc áp giá thực tế đã tác động khiến cho người tiêu dùng cắt giảm sử dụng nước sinh hoạt lên tới 16%. Nông dân không cần một lộ trình tăng giá kéo dài nhiều năm, nhiều giai đoạn để họ có thời gian chuyển đổi canh tác. Họ bắt đầu thay đổi mô hình sử dụng nước ngay trong mùa gieo trồng đầu tiên, sau khi được thông báo.[15]

“Vài năm trước khi cơ chế giá được sử dụng,” Shimon Tal, nguyên ủy viên nước, cho biết, “chúng tôi đang ở giữa một đợt hạn hán tồi tệ. Ủy ban Nước đã phát động một chiến dịch giáo dục người tiêu dùng liên tục và tích cực về lý do tại sao tất cả mọi người cần phải tiết kiệm nước. Đó là một thành công thực sự. Lượng nước tiêu thụ giảm 8%. Sau đó, chúng tôi sử dụng giá làm động lực. Gần như sau một đêm, người tiêu dùng tìm ra cách tiết kiệm gần gấp đôi lượng nước mà họ vốn đã tiết kiệm thông qua chiến dịch kéo dài nhiều năm của chúng tôi. Hóa ra, giá cả chính là biện pháp khuyến khích hiệu quả nhất trong số tất cả các biện pháp.”[16]

Thành phố là phòng thí nghiệm cho sự đổi mới

Các công ty nước đô thị hóa ra là những người quản lý nước ở các thành phố và thị trấn Israel tốt hơn các thị trưởng. Khi quyền điều hành nước và nước thải được tước khỏi các thị trưởng, thì mục tiêu bao quát là: giảm lượng nước thất thoát qua rò rỉ trong thành phố và lượng nước không xác định được. Cơ quan Quản lý Nước chắc chắn rằng các đường ống sẽ còn tiếp tục rò rỉ chừng nào không bổ sung thêm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và tập trung nhiều hơn vào việc cải tiến. Nếu một số thành phố nổi tiếng trên thế giới bị thất thoát 40% nước do rò rỉ,[********] Cơ quan Quản lý Nước Israel cũng chẳng xem trọng tỷ lệ thất thoát rơi vào khoảng 16% của Israel, vào năm 2006.[17] Theo quan điểm của Cơ quan này, lượng thất thoát này vẫn cao quá mức chấp nhận được.

“Hãy nghĩ về nó theo cách này,” Abraham Tenne, chuyên gia khử mặn của Cơ quan Quản lý Nước, nói. “Chúng tôi đang tiêu tốn hơn 400 triệu đô-la cho một nhà máy khử mặn. Nếu chúng tôi có thể chỉ cần cắt giảm thất thoát nước trên toàn quốc vài phần trăm, số lượng nước dôi ra sẽ tương đương với sản lượng đầu ra của một nhà máy khử mặn mới.”[18]

Ngay cả khi đã có xuất phát điểm là nếp suy nghĩ phải tiết kiệm nước, người dân cũng vẫn sẽ hưởng ứng tiếp với các biện pháp khuyến khích được đưa ra. Họ luôn luôn có thể làm tốt hơn nữa.

Đến năm 2013, lượng nước thất thoát của đô thị giảm xuống dưới 11% – tiết kiệm được gần chín tỷ gallon nước bị mất mỗi năm trước đây. Thành công này đã khích lệ Cơ quan Quản lý Nước đặt ra mục tiêu mới là giảm thất thoát nước xuống còn 7%.[19] Thành công này cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều công ty nước áp dụng một số phương thức kinh doanh mà Cơ quan Quản lý Nước trông đợi ở họ.

Hiếm có chuyện các công ty cấp nước dám chấp nhận rủi ro hay áp dụng các công nghệ tiên tiến. Cơ quan Quản lý Nước muốn thay đổi văn hóa này và lấy các thành phố của Israel làm các phòng thí nghiệm cho các ý tưởng mới về nước. Các nhà phát minh được mời đến để quảng bá các khái niệm cho các công ty cấp nước như thể các công ty này là các công ty công nghệ cao.

Nir Barlev, hiện đang là người đứng đầu công ty nước Ra’anana, một trong nhiều công ty cấp nước đô thị mới sáng lập. Ông có chất giọng sâu lắng, truyền cảm do trước đây làm ca sĩ opera. Sau đó ông học khoa học môi trường và rời sân khấu để dấn thân vào “nước thải”, ở đó ông đã trở thành người lãnh đạo đáng kính nhất của một trong số các công ty cấp nước đô thị. Một trong những điều ông thích nhất trong nghề này là cách thức các công dân của Ra’anana, một cộng đồng người làm công ở ven đô không xa Tel Aviv, đã tham gia vào việc giúp cắt giảm sử dụng nước.

“Chúng tôi không chịu trách nhiệm tưới nước cho công viên địa phương. Đó là trách nhiệm của chính quyền thành phố Ra’anana,” ông nói. “Nhưng nếu đầu phun nước tại một trong những công viên ở đây phun nước ra lối đi, mọi người – rất nhiều người – sẽ gọi báo cho chúng tôi. Và nếu ai đó phát hiện ra có rò rỉ nước ở bất cứ nơi nào trong thành phố, thậm chí khi còn chưa lan thành vũng, chúng tôi đã nhận được hàng ngàn cuộc gọi.”[20]

Trong một thành phố chỉ có hơn 75.000 người, tuyên bố về “hàng ngàn” cuộc gọi cũng chỉ là một mỹ từ thậm xưng, nhưng nó cho thấy độ lớn của số người dân tham gia ngăn chặn sự thất thoát nước. Xu hướng tưới nước cho các bãi cỏ tư nhân giảm xuống, và xu hướng tu sửa vườn gia đình để sử dụng ít nước hoặc gần như không sử dụng nước đang gia tăng. Các tòa nhà chính quyền và công viên thành phố trước đây không bao giờ phải trả tiền nước, thì bây giờ, theo cơ cấu giá mới họ phải trả tiền. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cả lượng nước sử dụng cho tư nhân lẫn công cộng đều giảm đáng kể – gần 30% trên toàn thành phố.

Ngoài việc toàn dân tham gia, Barlev cũng khuyến khích việc tăng cường sử dụng công nghệ thông qua một chương trình của chính phủ. Trợ cấp lên tới 70% chi phí được trao cho các công ty cấp nước địa phương nếu họ sử dụng các công nghệ mới có tiềm năng tạo ra tác động lớn. “Cuộc khủng hoảng nước trên thế giới chỉ có thể được giải quyết bằng cách sử dụng nước một cách thông minh hơn,” Barlev nói. “Các công ty công nghệ Israel đã thay đổi thế giới trong lĩnh vực máy tính, điện thoại di động, chăm sóc sức khỏe, và các khu vực khác. Vậy, tại sao không phải là nước?”[21]

Một đổi mới quan trọng được Barlev thông qua trong nhiệm kỳ của ông là sử dụng công nghệ Đọc Đồng hồ Đo nước Từ xa (Distant Meter Reading – DMR). Barlev mô tả công nghệ này như là một cuộc kết duyên giữa điện thoại di động với đồng hồ đo nước trong nhà bạn, cứ mỗi bốn giờ đồng hồ sẽ thực hiện một cuộc gọi để báo cáo về tình hình sử dụng nước của bạn.

“Tất nhiên chúng tôi tiết kiệm bằng cách không lắp máy đọc đồng hồ đến từng hộ gia đình,” Barlev nói, “nhưng giá trị thực sự nằm ở dữ liệu truyền đi.” Phối hợp với một công ty liên doanh giữa IBM và một công ty công nghệ Israel tên là Miltel, DMR sử dụng một “dấu vân tay tiêu thụ” cho mỗi 27.000 đồng hồ nước trong khu vực Ra’anana. Hệ thống này sử dụng loại phân tích mà các công ty thẻ tín dụng dùng để phát hiện gian lận thẻ tín dụng. Nếu một hộ gia đình, một doanh nghiệp, một văn phòng hành chính, hoặc một trang trại, đột nhiên đi chệch ra khỏi quỹ đạo tiêu thụ thường thấy của nó, công ty cấp nước đô thị sẽ đoán rằng đó có thể là do rò rỉ. “Mỗi năm, cứ năm hộ gia đình và doanh nghiệp thì có một hộ/doanh nghiệp gặp phải sự cố đáng ngờ,” Barlev nói. “Hầu hết các sự cố đó đều là do vô tình, ví dụ có ai đó đang lấy nước vào ấm đun để đun. Nhưng nếu đó là sự cố rò rỉ, chúng tôi luôn biết trước người sử dụng và cảnh báo cho họ.”

Kết quả của việc phản ứng nhanh ngay tại sự cố là chấm dứt được hiện tượng các rò rỉ không được phát giác trong suốt nhiều tháng cho đến khi hóa đơn nước tăng cao một cách vô lý. Đôi khi những chỗ rò rỉ được xử lý chỉ trong vài giờ. “Người tiêu dùng biết ơn chúng tôi vì đã giúp họ tránh khỏi hóa đơn tiền nước cao hoặc những thiệt hại về tài sản, còn thành phố thì tiếp tục giảm được thất thoát nước do rò rỉ.” Tỷ lệ thất thoát nước quốc gia vốn đã thấp, 7%, vậy mà tỷ lệ này của Ra’anana còn thấp hơn, chỉ có 6%.

Ra’anana là nơi đầu tiên trong 50 công ty cấp nước thành phố áp dụng DMR, nhưng hiện một số nơi khác cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ này. “Tôi đoán chắc trong vòng 10 năm tới, hầu như tất cả mọi người ở Israel đều sử dụng DMR, và trong vòng hai 20 năm nữa, DMR sẽ được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới,” Barlev nói.[22]

Trong khi Ra’anana là một thành phố trẻ với hệ thống đường ống còn tương đối mới, thì Jerusalem có một hệ thống nước đã có niên đại hàng trăm năm và một lịch sử tính từ buổi bình minh của thời đại. Trên thực tế, công ty cấp nước đô thị ở đây được gọi là Hagihon, như một sự tham chiếu đến cuộc vây hãm thành phố cổ Jerusalem bị chọc thủng do việc xây dựng một đường hầm dẫn tới suối nước Gihon, vào khoảng 2.900 năm trước đây.

Hagihon khởi đầu như một dự án thí điểm vào năm 1996, và sự khởi đầu này diễn ra sớm hơn ở các thành phố khác là do sự vận hành của nó có mức độ phức tạp cao hơn. Mỗi đường ống trong đại hệ thống phục vụ thành phố lớn nhất của Israel và các vùng lân cận có gắn một thẻ nhận dạng (ID) cùng với tiểu sử sơ lược và lịch sử rò rỉ. Robot camera tự động bên trong các ống cống của Jerusalem được sử dụng để xác định chắc chắn không có vết nứt nào cho phép nước thải rò rỉ xuống nền đất. Rất lâu trước khi nó trở thành vấn đề, các ống nước và nước thải sẽ được thay thế, đúng như cách thức hành động mà Cơ quan Quản lý Nước kỳ vọng ở các công ty cấp nước ngày nay. Mặc dù có nhiều bộ phận của hệ thống nước Jerusalem được xây từ thời kỳ tiền nhà nước – và thậm chí một số nơi từ thời Ottoman – tỷ lệ rò rỉ nước ở thành phố thủ đô này của Israel chỉ là 13%, trong đó tại nhiều nhánh hiện đại của thành phố, tỷ lệ nước rò rỉ ở mức 6%.[23]

Zohar Yinon, giám đốc điều hành Hagihon, sẵn sàng đảm nhiệm trọng trách lớn hơn là chỉ Jerusalem, và đã quản lý một số vùng ngoại ô Jerusalem. Nhưng ông muốn nhiều hơn việc chỉ mở rộng “dấu chân địa lý.” Ông muốn công ty cấp nước của mình trở thành một loại phòng thí nghiệm đặc biệt cho những cải tiến, điều này cũng là mong muốn của Cơ quan Quản lý Nước.

“Tôi không chỉ muốn thử nghiệm tất cả các loại đổi mới ở đây, tôi còn muốn các nhà cải cách Israel sử dụng chúng tôi làm nơi thử nghiệm ban đầu cho các ý tưởng của họ,” Yinon nói. “Ở đây trong thành phố này, chúng tôi có đủ mọi loại điều kiện, từ sa mạc đến núi cao, với độ cao lên tới 800 mét. Chúng tôi có các hệ thống nước cổ đại song song với các hệ thống hiện đại. Chúng tôi có các cộng đồng tôn giáo không muốn chúng tôi đào bới những nơi có thể là nghĩa địa lâu đời, và chúng tôi có các nhà khảo cổ học yêu cầu chúng tôi phải đi lại đường ống nhằm bảo tồn các khu vực thăm dò trong tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi phải cung cấp nước chất lượng cao cho nhu cầu của tất cả mọi người sống ở đây. Nếu tôi có thể giúp công ty phát triển một ý tưởng mới về nước, điều này tốt cho tôi, tốt cho họ, tốt cho Israel, và khi họ mang chúng đến với các quốc gia khác, điều này tốt cho cả thế giới.”[24]

List

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button