Review

Con Đường Đói Khổ

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Ben Okri
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 640
Ngày xuất bản 03-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Tác phẩm Con Đường Đói Khổ của tác giả Ben Okri người Nigeria, dựa trên huyền thoại dân gian Yoruba về Abiku (hay Spirit child), là câu chuyện của đứa con lộn (chết đi rồi cứ lại tái sinh vô số kiếp). Cuốn tiểu thuyết được kể qua cái nhìn của Azaro, một đứa trẻ con lộn luôn xoay xở để giữ một chân trong cõi giới những bóng ma, mặc dù đến cuối truyện, người đọc bị thấm đẫm bởi số lượng mênh mông của mùi, vị và lối dệt cảm xúc của đời thường…

Cuốn tiểu thuyết được thuật lại bằng ngôi thứ nhất. Người tường thuật duy trì mối liên lạc của cậu bé với cõi giới của bóng ma qua sự chết đi, không chỉ một lần mà nhiều lần. Với một chuỗi hình ảnh gây sửng sốt, Con Đường Đói Khổ được đọc như một tác phẩm thơ sử thi, và nó thực sự đã mang được phương diện thơ sử thi vào văn xuôi. Người đọc được dẫn dắt liên tục giữa cái hư và cái thực, giữa cõi tâm linh và cuộc sống đói khổ của những người nghèo trên một vùng thuộc đất nước Nigeria.

Cuốn sách đạt giải Booker năm 1991, được Jeremy Treglowan – Chủ tịch ban thẩm định giải nhận định như sau: “Cách viết đẹp, kết hợp khả năng tưởng tượng gây cảm động lạ thường! Qua thị kiến của một đứa trẻ, Ben Okri đã dung sự diêu nhiên và cái hiện thời để truyền đạt đời sống nông dân Nigeria trong một thế giới biến đổi. Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết được thực hiện trọn vẹn nhất trong năm nay, nó mang cách viết đặc sắc và cách nhìn sự vật của châu Phi da đen thuộc dòng chủ lưu của tiểu thuyết châu Âu”

[taq_review]

Trích dẫn

CHÍN

SAU KHI TÔI ĐÃ TẮM VÀ ĂN NO, ba mẹ đặt tôi ngồi vào chiếc ghế mà ba thường ngồi và biểu tôi kể câu chuyện của mình. Tôi bắt đầu kể cho đến khi ánh sáng trong phòng biến đổi rồi đôi tay mạnh mẽ ẵm tôi đặt lên giường. Tôi thấy nụ cười của ba dưới dải băng dính máu. Mẹ dời bàn ghế, rồi trải chiếu ngủ trên sàn. Ba tôi nằm trên cái ghế gỗ của ông, lặng lẽ hút thuốc và đốt một khoanh nhang muỗi. Tôi lắng nghe ông nói chuyện với căn phòng yên ắng, hỏi những điều bí ẩn mà chỉ có người chết mới trả lời được.

Tôi ngủ cả đêm rồi cả ngày. Khi tôi tỉnh dậy đã là buổi chiều. Căn phòng vắng vẻ. Cây đèn dầu sáng đều giữa bàn. Lúc mới mở mắt, mắt tôi tiếp xúc với thế giới mới của mái ấm mà mọi thứ đều khác lạ. Những cái bóng lớn khắp nơi làm không gian nhỏ đi. Nền nhà gồ ghề. Một hàng kiến bò dọc theo các bức tường. Có mấy tổ kiến gần tủ chè. Một con trùn bò qua giày ba. Tắc kè và thằn lằn bò nhanh qua lại trên tường. Ở sâu trong góc phòng là sợi dây phơi đồ bị chùng xuống do sức nặng của quá nhiều áo quần. Vật dụng bán hàng của mẹ khắp nơi. Các bao tải của bà dồn thành đống quanh tủ chè. Nồi niêu đen bẩn, chén bát sành và thau chậu lộn xộn khắp nơi. Giống như ba mẹ đã chuyển đến, vứt tài sản ở bất cứ chỗ nào trống và không có thời giờ sắp xếp thứ gì. Tôi nhận ra rằng khi tôi càng hiểu rõ tiếng rọt rẹt trong các bức tường, các lỗ hở trên mái tôn, mạng nhện, mùi đất và garri[4], mùi thuốc lá, khói nhang muỗi, thì dường như chúng tôi càng không thể chuyển đi đâu được nữa. Mọi thứ thật đơn điệu. Khác biệt duy nhất là tôi không quen với tính đơn điệu.

Ánh sáng trong phòng lờ mờ vào buổi chiều. Muỗi và đom đóm bay vào. Một con ruồi sắp chết vo ve bài hát cuối cùng trên trần nhà, giữa mạng nhện. Ngọn lửa đèn vẫn rẩy khói đen phủ lên trần nhà. Mùi tim đèn cháy và khói dầu làm yên lòng tôi. Tôi đang ở nhà, và ở nhà khác hẳn được ở trong căn nhà tiện nghi của viên cảnh sát. Không tinh linh nào làm phiền tôi. Không có con ma nào ở mấy chỗ tối. Người nghèo cũng thuộc về một xứ sở. Môi trường quanh chúng tôi là sự nghèo nàn. Chúng tôi không có một phòng tắm đáng nói đến, còn nhà vệ sinh thì thô sơ. Nhưng ở căn phòng đó, trong mái ấm mới, tôi hạnh phúc vì cảm được sự hiện diện ấm áp và nơi nào cũng có sinh khí dịu dàng của ba mẹ.

Ở cây đinh xoắn trên tường là các khung hình ngả nâu của ba mẹ. Trong một tấm thì mẹ ngồi một bên ghế, mặt đầy phấn, và có nụ cười bẽn lẽn của một cô thôn nữ. Ba đứng cạnh mẹ. Ông mặc cái quần rộng thùng thình, áo sơ-mi trắng và cà-vạt xiên xẹo. Cái áo khoác quá nhỏ so với ông. Ông biểu lộ vẻ mạnh mẽ và hùng dũng trên khuôn mặt, đôi mắt khỏe khoắn và quai hàm rắn chắc thách thức ống kính. Ông trông có kiểu cách của mấy tay quyền anh trước khi họ trở nên nổi tiếng. Trong tấm khác thì tôi đang ngồi giữa họ, bé bỏng giữa hai vệ sĩ. Nụ cười dịu ngọt pha chút ngại ngùng trên gương mặt chúng tôi. Lúc tôi chăm chú vào bức hình trong căn phòng nhỏ nơi cái đèn tạo ra thêm khói đen hơn là việc chiếu sáng, thì tôi tự hỏi sự dịu ngọt đã biến đâu mất.

Tôi ra ngoài kiếm ba mẹ. Họ không có ở sân sau. Trong bếp, mấy phụ nữ ngồi trước đống lửa, mồ hôi nhỏ giọt trên mặt, những cánh tay dầy thịt và phần ngực hở trần trụi lấp lánh. Tôi quan sát lúc họ đang chiên bánh đậu, gà, cá và lúc họ chuẩn bị các món hầm ngon lành. Khi nhìn thấy tôi họ reo lên chào đón rạng ngời, còn tôi lủi mất. Trước nhà, ba đang thuật lại kinh nghiệm ở tù cho đám đàn ông đang tụ tập om sòm. Mẹ ở bên kia đường, mặc cả với một bà già. Ba đi vào trọng tâm tường thuật của ông, đoạn mà ông cho rằng cần minh họa bằng hành động tường tận. Ông nhảy qua cái ghế, gồng người lên với vẻ hài hước và bắt đầu diễu hành lên xuống, dậm đều chân xuống đất, một tay phe phẩy mạnh còn tay kia đưa ngang trán, miệng hô chiến lệnh bằng bảy loại ngôn ngữ. Đó là ông đang đóng vai một tên lính điên rồ chiến đấu trong cuộc chiến Anh quốc ở Burma. Đầu óc ông dời gần bên những tiếng nổ pháo xạ, những đêm ở bên xác chết, và với sự hoài nghi mê tín về chuyện đã giết quá nhiều người da trắng. Ông thành kẻ chỉ biết hai thứ, hành quân thế nào và tấn công ra sao. Ông đã hành quân cả ngày suốt lúc trong tù và tấn công cả đêm suốt lúc ngủ. Đám đàn ông cười sướng rơn xem trò đóng vai của ba, còn ông cười quá dữ đến nỗi miếng dán dính máu dãn ra trên dải băng quanh trán. Tôi vô ý gây ra một tiếng động. Ba quay lại thấy tôi, đột nhiên ông ngưng cười. Sau một lúc, ông bắt đầu đi đến bên tôi còn tôi thì chạy qua bên kia đường về hướng mẹ. Ngay giữa đường, tôi thấy một người đang hung hăng đạp xe nhắm vào mình. Mẹ hét lên, tôi té xuống. Người lái xe lảo đảo, sượt ngang đầu tôi, chửi rủa trong lúc vọt đi. Mẹ vội đến nâng tôi lên, mang tôi về lại phía trước nhà, rồi giao cho ba trông.

“Sao con cứ trốn ba hoài vậy?” Ba hỏi vẻ buồn bã.

Tôi không nói gì mà dòm gương mặt của những kẻ trọ, những gương mặt hằn lên vẻ khắc khổ và hài hước. Màn đêm chậm rãi buông xuống và những ngọn đèn dầu sáng lên, từng cái một, dọc theo con đường.

Chiều đó, ba thành vệ sĩ khổng lồ dẫn tôi đi khám phá thế giới của chúng tôi. Vây quanh chúng tôi là một khu rừng lớn. Những bụi rậm và tán cây thấp xen giữa nhà cửa. Các bụi cây rền vang tiếng chim và dế. Ba dẫn tôi vào một lối mòn hẹp. Chúng tôi đi qua nhóm phụ nữ đội củi trên đầu, buộc củi dọc thắt lưng và trò chuyện bằng ngôn ngữ lạ. Rồi đi qua nhóm thiếu nữ mới từ con suối đàng xa về, đội theo thùng nước trên đầu.
“Con thấy hết rồi chứ?” Ba nói, đưa tay chỉ khu rừng và các bụi lùm.

“Dạ”, tôi trả lời.

“Bây giờ nó là bụi cây, đúng không?”

“Dạ.”

“Nhưng không lâu nữa, sẽ chẳng còn cây nào đâu. Sẽ chẳng còn khu rừng nào sót lại, mà là những ngôi nhà tồi tàn ở khắp nơi. Đây là nơi cho người nghèo ở.”

Tôi ngạc nhiên nhìn lại, không thể hiểu thế nào mà một khu rừng sừng sững lại trở nên khác đi được. Ba cười thành tiếng rồi im lặng. Ông đưa tay xoa trán, rồi với giọng buồn bã của kẻ khổng lồ, ông nói:

“Đây cũng là nơi con sẽ ở. Nơi này sẽ có nhiều điều xảy đến cho mình. Lỡ lúc nào đó ba phải đi xa, lỡ bây giờ hay mai mốt ba có biến mất, thì hãy nhớ là linh hồn ba vẫn luôn ở đây để bảo vệ con.”
Giọng ba run run. Khi ông im lặng, tôi bắt đầu khóc. Ba nhấc tôi bằng đôi tay mạnh mẽ và công kênh tôi lên tảng vai săn chắc. Ông không cố dỗ tôi. Khi tôi ngưng khóc, ông cười khùng khục đầy bí ẩn. Chúng tôi dừng chân ở quán rượu cọ. Ông gọi bầu rượu cọ, ghẹo bà phục vụ mà bà vẫn đặt cái ly bé xíu của tôi xuống. Khi ba uống còn nửa bầu, tôi mới uống ly của mình. Điều đó làm ông vui. Ông nói:

“Con trai, học uống đi. Đàn ông phải biết uống rượu bởi kẻ say đôi khi cần thiết cho thế giới khốn khó này.”

Tôi ngồi cạnh ông trên ghế dài, uống lúc ông uống và để ý các mùi trong quán, mùi nồng rượu thiu, cháo tiêu và các bao tải cá. Ruồi hoan hỉ khắp nơi. Trong lúc nói chuyện, khách khứa cứ phải xua chúng khỏi mặt họ. Ở góc quán, trên ghế dài, trong ánh đèn lồng nhập nhòe, một gã ngồi dựa lưng vào tường, đầu lắc lư ngủ gục trong cơn say. Ba gọi thêm bầu rượu, vẻ mặt rực lên niềm khoái trá. Ba trao đổi chuyện tếu, chuyện vặt với khách khứa, những người lạ hoàn toàn. Rồi ông bắt đầu trò chơi cờ đam.

Mới đầu ông chơi giỡn thôi, chọc đùa suốt. Ông chơi một ván với tinh thần như thế và thắng. Ông chơi ván khác và thua. Ông càng giỡn ít thì càng thua nhiều. Giọng ông trở nên khích động hơn, rồi cùi chỏ nhọn hoắt của ông đụng trúng đầu tôi mà ông chẳng biết. Hai gã loạn lên vì ván cờ và bắt đầu tố cáo người kia ăn gian. Nắm đấm của họ vung ra đầy đe dọa trên bàn cờ. Giọng họ thành ra hậm hực. Những khán giả đã đặt cược vào họ, thậm chí còn nóng máu hơn họ. Ba thua liên miên, chửi mắng đối thủ thật độc địa. Đối thủ của ông trả đũa cũng dữ dội đến khó tin. Tôi đâm ra lo lắng. Ba đặt một cược vô lý cho mình còn đối thủ thì đặt gấp đôi. Mọi chuyện trong quán trở nên hết sức tồi tệ, ba uống quá nhiều, vã cả mồ hôi. Ông gọi thêm hai bầu rượu nữa. Không khí căng thẳng đến nỗi khi khán giả nói bất cứ điều gì, ba và gã đối thủ cũng đều nhao lên chống lại. Mất cả hồi lâu mới xoa dịu được lời qua tiếng lại đầy giận dữ. Ba tăng tiền cược lên và đầu ông lại rỉ máu. Đối thủ của ông là một gã to lớn nhưng cái đầu thì nhỏ, cứ nhìn ông chòng chọc với vẻ khinh miệt đến độ tôi muốn cắn ngón tay gã. Gã quay nhìn tôi với cặp mắt nhỏ nhừ rượu và nói:

“Ba mày không biết chơi.”

“Câm đi,” tôi ngắt lời.

Một sự yên lặng đến thót tim.

“Mày nói cái gì?” Gã hỏi lại đầy ngờ vực.

“Không có gì.”

Ba nói:

“Đừng đụng đến con tôi. Chơi đi. Xài cái đầu chứ đừng xài cái miệng.”

Đối thủ của ba căm phẫn tột độ, nói:
“Ý ông là cho phép thằng nhỏ chưa ráo máu đầu này chửi tôi à?”

“Chơi đi, ông bạn,” ba nói vẻ điềm tĩnh.

“Chỗ chúng tôi không dạy con nít kiểu này,” gã nói, quắc mắt nhìn tôi.

“Bạn ơi, chơi đi.”

Gã đàn ông tức tối trước thái độ thờ ơ của ba đến nỗi mất hết cả tập trung. Gã vẫn cáu sườn với tôi, văng tục đủ kiểu. Ba thắng gã liên miên, uống càng ít thì có vẻ càng gần chiến thắng hơn. Và rồi với một chiêu tàn khốc, ba thắng nước cờ cuối, rồi quơ hết số tiền khó ăn của đối thủ vào túi mình. Đối thủ của ông, với cơn ức cực độ trong tâm trạng tồi tệ, uống hết rượu cọ trong trái bầu của mình, rồi trút lời lăng mạ lên chúng tôi, cay đắng rên rỉ quanh quẩn chuyện giáo dục trẻ con tồi tệ ngày nay, rồi lảo đảo ra ngoài bước vào bóng đêm đang xâm lấn.
Lại đến chuyện gã bỏ đi mà chưa trả tiền rượu và cháo tiêu. Bà chủ rượt theo và chúng tôi nghe họ cãi vã ầm ĩ. Ba uống cạn rượu trong ly nhỏ của tôi, trả tiền cho người phụ việc của bà chủ rồi chúng tôi đi.

Bên ngoài, đám đông tụ lại. Gã thua cuộc trong tâm trạng tồi tệ không chịu trả tiền cho bà chủ với lý do đơn giản rằng tôi đã nói ông ta câm miệng.
“Tôi không trả chừng nào bà nói thằng nhỏ xin lỗi tôi,” gã la lên.

“Đó chẳng phải việc của tôi,” bà gầm lên đáp lại, “Tôi chỉ muốn tiền của mình!”

“Thằng nhỏ lăng mạ tôi trong quán bà,” gã đáp lại.

Bà không thèm nghe nữa. Khi chúng tôi đi ngang đám đông, thì thấy bà đang kéo lê gã lòng vòng, nắm quanh quần gã giật. Gã cố vùng thoát khỏi gọng kìm tóm chặt cái quần mình, gọng kìm kẹp luôn chỗ kín của gã. Gã cố cạy các ngón tay bà ra, không được, gã đánh vào tay bà, la hét, lăng mạ mọi người. Rồi trước nỗi kinh ngạc của chúng tôi, bà chủ quán nắm cái quần nhấc người gã lên rồi ném xuống đất. Đám đông thét lên. Gã đàn ông bị té, ngồi dậy, la hét rồi nổi xung. Gã chộp lấy bà, đánh vào mặt bà. Ba bắt đầu đi về phía gã, nhưng nỗ lực giải cứu của ông bị gián đoạn, bởi bà chủ đã vồ lấy bộ hạ kẻ thua cuộc tệ hại, khiến gã la ỏm tỏi đến nỗi đám đông im phắc. Rồi vừa càu nhàu, bà vừa nhấc gã qua vai, quay gã một vòng, trình diễn vẻ “hùng tráng” của gã lên trời, rồi ném ầm gã xuống mặt đất cứng một cách man rợ. Gã bất tỉnh một hồi, miệng há hốc. Bà tiếp tục dốc ngược gã, dốc hết tiền trong mấy túi gã ra. Bà lấy đủ tiền của mình, cởi luôn quần dài gã ra, đi vô quán, rồi quay lại với trái bầu dơ dáy và trút cho gã uống rượu cọ thiu.

Gã tỉnh lại tức khắc. Khi thấy đủ cái nhục trước công cộng, gã hét lên không tin nổi rồi lủi mất vào rừng, cái quần gã ướt đẫm nỗi nhục nhã của rượu cọ thiu. Chúng tôi chẳng bao giờ gặp lại gã nữa. Đám đông quá sửng sốt trước màn trình diễn của bà chủ, đến độ họ cứ há hốc miệng dòm bà. Bà chủ về lại quán, lau chùi bàn như chẳng có chuyện gì xảy ra. Và lúc chúng tôi nhìn vào, thấy bà bẻ gãy bàn cờ đam làm đôi, liệng ra ngoài. Khi bà nhìn ra ngoài, thấy đám đông đang nhìn mình trong vẻ yên lặng mê hoặc, bà bước dài đến chúng tôi. Lớn giọng, tay chống nạnh, bà nói:

“Mấy người muốn uống hay muốn dòm hả?”

Đám đông tỉnh khỏi bùa mê, nhao nhao giải tán. Một số đi vào quán để uống về huyền thoại của bà. Những người khác quay về những chỗ khác nhau, mang theo mình câu chuyện thêm thắt của vở kịch xúc động nhất mà họ được chứng kiến nãy giờ. Người đàn bà phục vụ khách hàng mới với vẻ lãnh đạm trang nghiêm. Buổi chiều hôm đó là khởi đầu cho tiếng thơm của bà. Mọi người nói về bà với giọng kính cẩn. Giai thoại của bà được thổi lên với hàng ngàn huyền ảo, được đẻ ra ở giữa chúng tôi – bắt nguồn từ các câu chuyện và tiếng đồn, đúng lúc lại trở thành một số hiện thực ngoạn mục nhất về đời sống chúng tôi.

Bạn đọc cảm nhận

Cao Hạnh

Chuyện có nhiều tình tiết huyền bí tâm linh nhưng lại nêu bật được đời sống “đói khổ” của con người.Cậu bé Azaro dù biết thế giới con người đầy bạo lực, nghèo đói, bệnh tật nhưng cậu vẫn luôn đấu tranh để được sống, ở thế giới đó cậu cảm nhận được “hạnh phúc vì cảm được sự hiện diện ấm áp và nơi nào cũng có sinh khí dịu dàng của ba mẹ”.

Tuy vậy trong từng suy nghĩ của mỗi nhân vật vẫn luôn hy vọng cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn. Như bố của Azaro vẫn luôn khẳng định: “Chúng ta chỉ nghèo, chứ không là nô lệ” và trong tiếng thở dài của mẹ đầy niềm tuyệt vọng, nhưng trong sâu thẳm của tiếng thở ấy vẫn là hy vọng, “niềm hy vọng như giấc ngủ ngay cả vào cuối ngày nắng bỏng rát nhất”.

T T

Từ tựa đề đến gương mặt của cậu bé trên bìa sách đã nói lên phần nào nội dung của “Con đường đói khổ”. Hiện thực đói khát nghèo khổ được khắc họa chân thực nhất có thể qua lời của cậu bé tinh linh Azaro đầu thai vào một gia đình nghèo ở Nigeria. Dưới những góc nhìn tâm linh qua lời kể của Azaro, một mặt tạo ra những yếu tố hư thực xen lẫn, mặc khác phơi bày rõ ràng những điều tồi tệ đang diễn ra với những con người hằng ngày phải đối mặt với những nguy cơ của đói nghèo, bệnh tật và cả cái chết. Liệu Azaro sẽ chọn bên nào, thế giới của chính cậu hay thế giới con người nhiều thiếu thốn, đe dọa đến tính mạng của cậu nhưng ấm áp tình người? Hãy thử đọc và cảm nhận!

Trần Phượng

Sức mạnh của người nghèo hình thành từ cái đói của họ.

Bối cảnh của tiểu thuyết “Con đường đói khổ” là đất nước Nigeria, bản thân quê hương của tác phẩm cũng đã gợi sự tò mò cho người đọc. Đi dọc tác phẩm là sự nghèo đói,bệnh tật, một sự ám ảnh, ám ảnh đối với những ai đi qua những ngày đói, đói đến mức không còn có thể khóc, ước mơ lớn nhất chỉ là một bữa cơm….

Yếu tố tâm linh trong truyện làm cho không gian của tiểu thuyết thêm huyễn hoặc, đan xen giữa hư và thực, làm cho sức cuốn hút của tác phẩm. “Con đường đói khổ” còn là lời đồng cảm với những người mẹ đã từng tuyệt vọng dỗ dành đứa con trong cơn đói….

Và, vượt lên trên tất cả là tình yêu thương của Mẹ.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button