Thể loại | Văn học nước ngoài |
Tác giả | Tessa De Loo |
NXB | NXB Hội Nhà Văn |
Công ty phát hành | Nhã Nam |
Số trang | 407 |
Ngày xuất bản | 09-2015 |
Giá bán | Xem giá bán |
Giới thiệu sách
Đó là một bi kịch trong cuộc Thế chiến II đã lùi xa hàng thập kỷ. Hai chị em sinh đôi Anna – Lotte, 3 tuổi mồ côi mẹ, 6 tuổi mồ côi cha, bị chia cắt, rồi hơn 70 năm sau tình cờ gặp gỡ. Anna, sống ở Đức – đã là một sĩ quan SS, còn Lotte lớn lên ở Hà Lan – từng yêu thương, che giấu một chàng trai Do Thái trước quân Đức phát xít. Vốn là ruột thịt nhưng những tổn thương khốc hại đã khoét sâu giữa hai chị em một hố ngăn cách.
Liệu cuộc đời đau xót của Anna, hay chính là nỗi thống khổ của người dân Đức bình thường trong Thế chiến II, có thể làm tan chảy khối băng giá thù địch đối với cả một đất nước trong lòng Lotte? Và liệu họ có thể trở về hoà nhập như định mệnh vốn là chị em song sinh của mình?
Nguyen Phuong
Tôi chọn mua quyển sách này vì hai điểm: thứ nhất, nó nói về đề tài chiến tranh nhưng lại xoay quanh hai chị em, rất đặc biệt, và thứ hai, tôi tin tưởng vào giọng dịch của bác Lê Chu Cầu. Quả nhiên tôi đã không thất vọng. Chúng ta đã gần như không còn xa lạ gì với khái niệm chiến tranh, đi kèm theo chủ đề này là số phận con người, sự chia ly tử biệt, đấu tranh để sinh tồn. Đã có chiến tranh thì sẽ có bi kịch, mà bi kịch ở đây đã nhắm tới Anna và Lotte – hai chị em sinh đôi trong lòng thế chiến II. Mồ côi từ khi còn rất nhỏ và bị chia cắt cũng ngay sau đó: Anna sống tại một nông trang ở Đức, Lotte chuyển sang Hà Lan, họ bị chiến tranh đẩy ra xa thật xa, không chỉ về không gian mà còn về tình cảm, không chỉ về suy nghĩ, tư tưởng mà còn về hoàn cảnh dẫn đến mọi bi kịch sau này.Họ không hề quên nhau nhưng chiến tranh nổ ra đã thách thức mọi lòng tin của họ, gây ra những vết thương xấu xí cho họ và những người mà họ yêu thương. Anna không may mắn như Lotte, cuộc đời cô nhiều đau xót và gai góc hơn, cũng vì vậy cô cảm nhận được và sống trong những góc khuất tăm tối hơn, thậm chí là từng trải qua tổn thương, lờ mờ suýt bắt tay với thần chết. Sự đổ nát và tuyệt vọng đến phũ phàng mà cô chứng kiến trong bất lực khiến tôi rùng mình, nhưng có lẽ chỉ rùng mình thôi là chưa đủ vì bản thân chưa từng trải qua những sự kiện ấy. Chiến tranh là nỗi ám ảnh, là lòng nhân đạo bị bóp méo, là chính trị đội lốt ác quỷ, là nỗi đau không lời của hàng triệu con người, mà chỉ có người chết có lẽ mới là kẻ nhìn thấu rõ nhất. Giống như suy nghĩ này của Anna vậy: “Nàng đã trông thấy điều không hiện hữu – mặt trái của vai trò vĩ đại về quân sự của sự đe dọa động binh và của huân chương, của những lời lẽ anh hùng. Có người lính nào được cảnh báo rằng ngoài cái chết anh hùng, có thể nơi đây sẽ là hậu phương của anh ta?”
Quyển sách đã ngốn mất của tôi hai tháng này, có lẽ là một trong những câu chuyện thú vị, không dễ đọc, đa nghĩa, đau khổ nhưng cũng sâu sắc và trầm lắng nhất về hai bờ thế chiến mà tôi từng biết. Bạn sẽ bị thách thức với kiến thức lịch sử và khả năng thấu hiểu cũng như tầm nhìn của mình, nhưng điều đó có là gì so với trải nghiệm xương máu của các nhân vật của chúng ta?