Review

Cô Gái Văn Chương Và Tên Hề Thích Chết

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Nomura Mizuki
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 344
Ngày xuất bản 03-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Cô gái văn chương là một series light novel nổi tiếng của nữ tác giả Nomura Mizuki, một trong những hiện tượng light novel được nhắc đến nhiều nhất tại Nhật Bản cũng như trên thế giới. Lượng tiêu thụ của bộ sách này lên tới vài triệu bản, những diễn đàn và cộng đồng mạng tại Nhật đánh giá nó như là một trong những series hay nhất từ trước đến giờ, đặc biệt là giải thưởng Kono Light Novel ga Sugoi! danh giá của Nhật đã xếp Cô gái văn chương lên vị trí thứ 8 vào năm 2007, thứ 3 vào năm 2008 và thứ nhất vào năm 2009 trong bảng xếp hạng light novel của mình. Amano Tooko – nhân vật chính trong Cô gái văn chương – cũng đã đoạt giải Nhân vật nữ hay nhất của năm 2009. Bộ light novel này đã được chuyển thể thành cả truyện tranh và phim hoạt hình. Series Cô gái văn chương gồm 8 cuốn, mỗi cuốn là môt câu chuyện riêng biệt, nhưng tuyến nhân vật chính vẫn xuyên suốt cả bộ sách, và mỗi tập đều đan xen trong âm hưởng của một tác phẩm văn học nổi tiếng.

Cô gái văn chương và tên hề thích chết là tập đầu tiên trong series light novel này, xoay quanh tác phẩm kinh điển Ningen Shikkaku (Mất tư cách làm người) của Osamu Dazai. Lấy bối cảnh học đường, cuốn sách đi vào những góc khuất tâm hồn con người, xoay quanh đời sống nội tâm phức tạp của một số bạn trẻ, xây dựng nên một câu chuyện bí ẩn, li kì, có đôi khi u uẩn, nhưng sau tất cả,Cô gái văn chương và tên hề thích chết vẫn truyền tải một thông điệp tươi sáng về tình bạn, về những mối rung động đầu đời , về niềm tin vào tương lai và sự sống.

Cô gái văn chương và Tên hề thích chết là một câu chuyệnthú vị, đáng yêu và lôi cuốn dành cho lứa tuổi teen. Truyện được viết với một văn phong mềm mại uyển chuyển,hài hước và nhẹ nhàng, những bí ẩn từ từ được giải đáp và phơi bày, những lời tự sự đầy cảm xúc của các nhân vật, những lời bày tỏ và thú tội đan xen, khiến cho câu chuyện trở nên vô cùng hấp dẫn và li kì. Các nhân vật trong truyện luôn cảm thấy lạc lõng và xa cách với thế giới, giống như nhân vật chính trong Mất tư cách làm người, họ phải đeo lên mình chiếc mặt nạ, diễn những trò cười cho mọi người xem, để không ai nhận ra rằng đằng sau lớp mặt nạ ấy là một trái tim khao khát muốn biết thế nào là tình yêu thương, sự tử tế, lòng thương xót.

Cô gái văn chương và tên hề thích chết có sức hút mạnh mẽ đến kỳ lạ đối với người đọc. “Bạn đã sống một cuộc sống thế nào?”, “Bạn có may mắn được thật sự sống đúng với cảm xúc của mình, hay bạn cũng giống như những nhân vật kia, khoác lên mình một lớp mặt nạ, diễn những trò hề để không ai biết được bạn đang nghĩ gì?”. Khi đọc Cô gái văn chương và Tên hề thích chết, dường như ai cũng phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi như vậy. Và nếu bạn cảm thấy mình cũng giống như những nhân vật ấy, mình có thể hiểu được một chút những cảm xúc, những nỗi đau mà họ phải chịu – một điều mà không phải ai khi đọc Mất tư cách làm người hay Cô gái văn chương và tên hề thích chết cũng hiểu – thì bạn đã bị thu hút bởi ma lực ngòi bút của Nomura Mizuki cũng như Osamu Dazai.

Giới thiệu tác giả

Nomura Mizuki – Cô sinh ra và lớn lên tại tỉnh Fukushima, một tỉnh nằm ở phía đông bắc Nhật Bản được mệnh danh là “Vương quốc của những bài hợp xướng”. Từ khi còn nhỏ, cô đã rất yêu thích sáng tác truyện, ước mơ của cô là trở thành một nhà văn.

Với tác phẩm đầu tay Tiếng ca tại sân bóng bàn trên đỉnh Akagi, cô đã đoạt giải nhất dành cho hạng mục tiểu thuyết của giải thưởng Entame lần thứ 3 do Famitsu Entertainment tổ chức. Sở thích của cô là sáng ngủ, chiều ngủ, tối ngủ, nói chung là tất cả những gì liên quan tới ngủ. Những tác phẩm đã được xuất bản của cô là loạt truyện Sân bóng bàn, Bad! Daddy và Tình yêu thỏ bông.

[taq_review]

Trích dẫn

Còn giờ nghỉ trưa ngày hôm sau. Tôi tới thư viện tìm album, lưu niệm của các niên khóa trước.

Ngồi trên một chiếc ghế tại phòng đọc, tôi lật từng trang của quyển album đã 10 năm tuổi.

Trên đó có dán hình câu lạc bộ bắn cung lúc họ đoạt chức á quân Đại hội Thể thao toàn quốc. Có anh Manabe khi còn trẻ vẫn chưa để râu, có ông anh đeo kính, có cả chị Rihoko, tất cả bọn họ đều đang cười, tay nâng cúp và bằng khen.

Tuy nhiên, tôi không tìm thấy người nào trông có vẻ giống Kataoka Shuuji.

Không từ bỏ, tôi tiếp tục nhìn qua hình chụp tập thể của các lớp.

Cái cảm giác nhìn chăm chú vào khuôn mặt của từng anh chị đã tốt nghiệp để tìm ra một người giống với bản thân thật là kì lạ.

12-A, 12-B, 12-C, 12-D…

Dường như có một bàn tay lạnh buốt đang vuốt ve cổ tôi khi tôi lật từng trang của quyển album.

Đây rồi.

Hình chụp chung của lớp 12-E.

Trong danh sách học sinh ở bên dưới có tên Takaoka Shuuji.

Tuy nhiên, trong tấm hình chụp chung lại không có sự hiện diện của anh ta. Ngoài ra, ở góc phía trên của trang album có một khoảng trống mà theo hình dạng của nó, tôi đoán trước kia ở đó được dán một tấm hình.

Nó đã được cắt rất ngọt.

Tấm hình đáng lẽ phải tồn tại ở đó đã bị cắt bỏ… điều này có ý nghĩa gì?

Còn nữa, rốt cuộc thì ai là người đã cắt và lấy đi bức hình đó?

Cơ thể tôi khẽ run.

(Chẳng lẽ Kataoka Shuuji đã chuyển trường trước khi tốt nghiệp sao… hay là … anh ta bị ốm hay bị thương gì đó phải nhập viện nên anh ta đã không thể xuất hiện trong ảnh chụp tập thể của lớp… hay là…)

Tôi khép quyển album lại, đi tới khu máy tính và thử tìm trên mạng với các từ khóa “10 năm trước”, “Kataoka Shuuji” và “trường cấp ba Seijou”.

Một bài báo cũ hiện ra.

Đầu óc tôi trở nên choáng váng khi đọc bài báo đó.

Tháng Năm, 10 năm trước… Kataoka Shuuji (17 tuổi), nam sinh lớp 12 trường cấp ba Seijou đã tử vong sau khi nhảy lầu tự tử từ trên sân thượng.

Những từ ngữ “sân thượng,” “nhảy lầu” bấu chặt lấy trái tim tôi, cánh cửa kí ức xưa cũ trong tôi rung lên bần bật.

Chuyện này là sao?

Cổ họng tôi khát khô, tôi cảm thấy trời đất như đang quay cuồng.

Tại sao lại là sân thượng!?

Tại sao lại là nhảy lầu!?

Cảm giác này thật khó chịu.

Theo như bài báo này thì ngay trước khi nhảy xuống, Kataoka đã lấy dao tự đâm vào ngực mình. Ngoài ra, bởi vì anh ta cũng để lại trong nhà một bức di thư nên cảnh sát đã nhận định đây là một vụ tự tử.

Một cảm giác tuyệt vọng, hối hận cùng bất lực trào lên khiến tôi cảm thấy buồn nôn.

Trời ơi! Tại sao lúc nào cũng thế này vậy!?

Trước khi quyển sổ ghi chép thứ hai xuất hiện, Kataoka Shuuji đã tự kết liễu cuộc đời mình, giống như Dazai Osamu.

 

– Không thể nào! Cái anh Shuuji đó đã tự tử chết vào 10 năm trước ư?

Tan trường, tại câu lạc bộ Văn học, sau khi nghe tôi kể lại mọi chuyện, chị Tooko kinh ngạc thốt lên.

– Liệu Chia đã biết chuyện này chưa nhỉ?

– Em cũng không rõ.

Tôi bình tĩnh trả lời.

Khi tôi đọc được bài báo trên máy tính của thư viện viết về Kataoka Shuuji đã tự tử, cảm giác choáng váng buồn nôn bủa vây lấy tôi. Lúc tôi đang lo lắng chẳng lẽ “nó” lại bắt đầu sao thì sự hỗn loạn đã rút đi như một cơn thủy triều, chỉ để lại vô số nghi vấn.

– Cô bé không thể nào gặp được một người đã chết 10 năm trước, điều đó có nghĩa là Takeda đang nói dối chúng ta. Tại sao cô bé lại làm như vậy? Takeda được lợi gì khi làm thế?

– Chị nghĩ có lẽ chuyện này liên quan tới việc Konoha trông giống, cái anh Shuuji đó … Này Konoha, trong số họ hàng của em thật sự không có ai mang họ Kataoka sao?

– Không có. Ít nhất thì em chưa từng nghe nói về một người họ hàng nào như vậy.

Ngày mưa hôm đó, khi nhìn thấy tôi lúc đang bỏ chạy, Takeda đã gọi tôi là “anh Shuuji…”, như vậy Takeda đã biết việc tôi và cái anh Shuuji đó trông rất giống nhau sao?

Nếu vậy thì tại sao cô bé lại tiếp cận tôi?

Mỗi tay của chị Tooko đều đang cầm một bím tóc, đột nhiên chị ấy đứng bật dậy.

– Chị biết rồi! Có khi cái anh Shuuji đó và Konoha là anh em ruột thịt. Nhìn bề ngoài thì đó là một vụ tự sát, nhưng trên thực tế Kataoka Shuuji đã bị cuốn vào một âm mưu đen tối, những người thân thích ngấp nghé tài sản của anh ta vì thế đã liên tục phái thích khách tới ám sát Konoha, vốn là người thừa kế hợp pháp số tài sản kếch xù của một nhà tài phiệt. Còn Chia thực ra là vệ sĩ được phái tới bảo vệ Konoha, và thế là … và thế là …

– Chị làm ơn thôi đi được không? Tình tiết trong câu chuyện chị soạn ra nghe rẻ tiền quá đấy …

Nghe tôi nói vậy, chị Tooko ủ rũ mặt mày.

– Xin lỗi, chị nhịn không được nên…

– Em thấy do đầu chị hâm hấp vì cảm lạnh thì có.

– Đáng ghét! Chị hết cảm rồi nhé! Còn nữa, có khi suy luận của chị cũng không phải là hoàn toàn sai đâu à.

– Suy luận? Mấy thứ từ nãy đến giờ là suy luận của chị sao? Em thì lại cứ nghĩ đó là chị đang hoang tưởng chứ?

– Ư ~~~

Chị Tooko phồng mang trợn má, trông chị ấy hết sức bất mãn.

– Được rồi, em cứ chờ đấy. Sau khi chúng ta điều tra vụ việc này tới nơi tới chốn, em sẽ thấy suy luận của chị cũng có một chút chính xác.

– Chúng ta làm thế nào để điều tra một sự việc đã xảy ra 10 năm trước cơ chứ?

– Thì cứ gặp thầy cô nào đã dạy ở trường từ 10 năm trước hoặc là hỏi các anh chị đã tốt nghiệp từ câu lạc bộ Văn học chẳng hạn.

– Câu lạc bộ chúng ta mà cũng có cựu thành viên sao!?

Chị Tooko ưỡn cao bộ ngực phẳng lì của chị ấy lên sau đó lấy ra một quyển sổ.

– E hèm. Đây là danh sách thành viên của câu lạc bộ Văn học chúng ta, một câu lạc bộ có truyền thống ở trường cấp ba Seijou. Xem nào ~, tốt nghiệp vào 10 năm trước có … em xem nè! Có tới ba người lận!

“Nhiều” quá nhỉ…

– Chúng ta mau liên lạc với họ đi!

Chị Tooko hưng phấn lôi tôi ra khỏi câu lạc bộ. Một lúc sau, tại lầu 1, chị Tooko vừa nhìn vào số điện thoại ghi trong danh sách vừa bấm từng nút trên chiếc điện thoại công cộng. Bởi vì chị Tooko có thiên phú phá hỏng máy móc (?) nên chị ấy không có điện thoại di động. Còn tôi vì có ít bạn nên tôi cũng chẳng cảm thấy cần phải mang điện thoại theo người làm gì.

Người đầu tiên.

“Số máy này hiện không còn được sử dụng. Xin quý khách vui lòng xác nhận lại số máy…”

Người thứ hai.

“Hả? Kobayashi? Xin lỗi nhưng đây là nhà Kakimoto.”

Người thứ ba.

“Hô hô hô hô hô hô, Masaomi nhà bác đã qua công tác ở một phòng nghiên cứu tại Paris nước Pháp vào mùa xuân năm ngoái rồi. Ô hô hô hô hô hô hô.”

– V-Vẫn còn vài người hồi đó đang học lớp 10 và 11!

Chị Tooko vừa cười vừa lật quyển sổ.

Lớp 11, người đầu tiên.

“Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được …”

Lớp 11, người thứ hai.

“Hả? Câu lạc bộ Văn học? Bây giờ tôi đang bận túi bụi đây, nửa năm sau gọi lại nhé!” *Dập máy*!

Lớp 10.

– Không có … không có ai học lớp 10 cả… trắng tinh…

Nhìn quyển số trống rỗng không một cái tên, chị Tooko mếu máo như sắp khóc.

Tại sao câu lạc bộ của chúng tôi có thể hoạt động cả một năm trời không có thành viên nào mà lại không bị đóng cửa chứ? Đối với tôi thì vấn đề này còn thần bí hơn cả thân thế của Kataoka Shuuji.

Nhìn chị Tooko ủ rũ trước ống nghe, tay nghịch đuôi bím tóc, tôi nói một cách bình tĩnh.

– Từ bỏ thôi. Chúng ta không nên dính líu gì tới Takeda hay cái anh Shuuji đó nữa.

Thú thực, sau khi biết việc Kataoka Shuuji đã nhảy lầu tự tử, tôi rất sự hãi. Bất cứ thứ gì có liên quan đến sân thượng đều khiến tôi nhớ lại một hồi ức đáng ghét.

Chị Tooko quay người lại và nhìn tôi bằng ánh mắt có vẻ cô đơn.

– Konoha, em định cứ để mọi chuyện như vậy sao?

– Cái này … em rất không thoải mái khi biết việc có một người giống hệt mình đã tự tử chết. Còn nữa, em cảm giác dường như Takeda và mấy thành viên cũ của câu lạc bộ bắn cung đang che giấu điều gì đó. Tất nhiên những chuyện đó cũng khiến em rất tò mò, nhưng nói thực là em hi vọng mình không phải dính líu gì với chúng nữa.

– …

Hai hàng lông mày của chị Tooko rũ xuống đầy vẻ thất vọng. Nhưng sau đó chị ấy lại lắc đầu quầy quậy. Hai bím tóc như đuôi mèo của chị ấy đung đưa qua lại.

– Không được. Có lẽ linh hồn của cái anh Shuuji đó vì muốn sự thật được phơi bày cho nên mới cất tiếng gọi chúng ta từ thế giới bên kia. Nếu chúng ta từ bỏ ở đây, Kataoka Shuuji sẽ không thể siêu thoát và chị cũng không nhận được bản báo cáo viết tay thơm ngon từ Chia.

Người ta phải siêu thoát rồi thì mới ở thế giới bên kia được chứ? Rốt cục thì mục đích cuối cùng của bà chị này vẫn là đồ ăn sao…

Khi tôi đang ủ rũ nghĩ như vậy, chị Tooko đã túm lấy tay của tôi và nói với một giọng đầy quyết tâm:

– Đúng thế, chúng ta không thể yếu đuối như vậy. Chúng ra phải điều tra vấn đề này thêm một chút nữa. Vì chuyện này … chị …. chị sẽ cởi!

Hả?

Hôm sau, chúng tôi tới thăm sảnh hòa nhạc nằm trong khuôn viên trường.

Nơi này vốn thuộc sở hữu của câu lạc bộ Nhạc giao hưởng chứ không phải cơ sở vật chất của trường. Tôi nghe nói là những thành viên cũ của câu lạc bộ đã góp vốn với một số nhà tài trợ để xây lên gian đại sảnh này.

Câu lạc bộ Nhạc giao hưởng có số lượng thành viên rất lớn, hàng năm họ đều tham dự Đại hội Âm nhạc Toàn quốc và giành được thành tích cao. Trong số những thành viên cũ của câu lạc bộ, có không ít người hiện đang lưu diễn trên khắp thế giới, ngay cả hiệu trưởng hiện tại của trường và con trai của ông cũng từng là thành viên của câu lạc bộ Nhạc giao hưởng.

Chính vì lẽ đó, trong vô số những câu lạc bộ ở trường cấp ba Seijou, câu lạc bộ Nhạc giao hưởng là một thành phần rất đặc biệt. So với câu lạc bộ Văn học chỉ có mỗi hai thành viên, phòng sinh hoạt thì may lắm được người ta rủ lòng thương chừa lại cho một gian nhà kho để sử dụng, ta có thể thấy sự khác biệt giữa hai câu lạc bộ lớn tới thế nào. Để cho dễ hình dung thì các bạn cứ tưởng tượng sự đối lập này nó như sự chênh lệch giữa một tòa biệt thự xa hoa được lắp đặt các trang thiết bị bảo vệ tối tân với một căn hộ xập xệ không có phòng tắm là ra ngay ấy mà.

Vừa đẩy cánh cửa cách âm dày và bước vào bên trong, một đại sảnh với sức chứa cả ngàn người đã đập vào mắt chúng tôi. Các thành viên câu lạc bộ với các loại nhạc khí như viôlông, viôla, viôlôngxen trên tay đang chăm chỉ luyện tập dưới sự chỉ đạo của các giảng viên chuyên nghiệp được mời đến từ bên ngoài.

Bạn đọc cảm nhận

Thùy Trang

Chắc chắn một điều rằng ngay từ đầu ” cô gái văn chương” không phải là LN mình trông đợi, đón đọc vì mình thấy giá tiền không hề rẻ, hơn nữa đây còn là 1 LN có nhiều tập , Mình không đủ kiên nhẫn và kinh phí …

Mình tham gia vào group LN trên moesocial và nghe mọi người ko ngớt gt về cuốn LN này nên mới mua thử tập 1 để đọc và có cái kết như bao bạn khác …..

đây là một trong số ít LN khiến mình nghiền ngẫm, suy nghĩ , đọc đi đọc lại …

Dù đã đọc hết, tôi vẫn không ngừng nghĩ về kataoka shuuji và Daisamu. Tôi thấy bản thân thật nông cạn. Cũng giống như Chia , tôi ko thể hiểu nổi tài sao một còn người được người khác yêu thương, được sống đầy đủ , có một người bạn gái dễ thương, có nhiều bạn lại luôn cảm thấy nhục nhã, lại luôn nguyền rủa bản thân, tôi muốn biết nhiều hơn về Shuuji nhưng LN này vốn đã đầy đủ, không nên thêm phần nào nữa.

Mizuki sensei đã xây dựng LN , các nhân vật vô cùng xuất sắc , tôi ko thể ngừng suy ngẫm về họ , tác giả không nói quá nhiều về mỗi nv nhưng đủ để người đọc hình dung ra họ

Tuyệt vời lắm

Sammy

“Tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn” câu văn này làm tôi ấn tượng mạnh khi đọc trang sách đầu tiên! Như có một sức hút, câu văn đó đã hối thúc tôi lật từng trang từng trang tiếp theo, chờ đợi có một “vụ án” mở màn. Hai chương đầu, mạch truyện có chút chậm, cốt truyện cũng làm tôi suýt bị lừa vì vẫn chưa nghe “mùi chết chóc” đặc trưng cho thể loại trinh thám đâu cả. Chương thứ ba, khi biết được không có ai trong câu lạc bộ bắn cung tên Shuuji cả, từ lúc đó trở đi, tui hầu như hận mình vì đọc quá chậm. Mạch truyện dần trở nên lôi cuốn, bí ẩn, có phần u ám; những chi tiết kì lạ bắt đầu xuất hiện dồn dập làm người đọc khó hiểu, tò mò, buộc người đọc phải chăm chú, chỉ muốn lật nhanh trang sách nếu muốn biết được đáp án. Và rồi khi từng cánh cửa lần lượt được mở ra sẽ khiến bạn phải mở to đôi mắt vì không thể ngờ tới.

Ban đầu khi biết bộ truyện này có khá nhiều tập, tôi đã không định mua vì ngại chờ đợi, nhưng rồi lại tự thuyết phục mình mua thử một cuốn về đọc xem sao. Tới giờ thì… tôi nhất định sẽ mua tập tiếp theo của Cô gái văn chương!

Đinh Hà My

Đây là một bộ tiểu thuyết khá hay. Ban đầu đọc thì thấy không có gì đặc biệt, cảm giác hơi nhàm vì khá giống mấy manga shoujo học đường nhưng càng về sau càng bị thu hút. Mình rất bất ngờ vì hoàn toàn không đoán được kết cục, mọi chi tiết trong truyện ban đầu thấy rời rạc nhưng sau lại được xâu chuỗi rất tốt. Trước khi mua truyện không nghĩ tác giả lại có thể lái truyện theo hướng vừa kỳ bí vừa trinh thám như vậy. Ý tưởng của truyện rất lạ, lúc đầu đọc nhật ký của “tên hề” mình cảm thấy lạnh cả gáy vì loại người gì lại không đau khổ khi người thân mình mất, nhưng đến cuối mình lại cảm thông cho tâm trạng của những người như vậy, thì ra không thể cảm nhận vui buồn cũng là một loại đau khổ. Tri thức về văn học của tác giả cũng rất rộng, mình không đọc nhiều tiểu thuyết Nhật nhưng qua lời tác giả mình rất muốn tìm hiểu xem.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button