Review

Cô Gái Hà Nội Mập Mặc Burqa

Thể loại Truyện ngắn
Tác giả Nguyễn Hải Nhật Huy
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành Phoenix Books
Số trang 338
Ngày tái bản 10-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Cô Gái Hà Nội Mập Mặc Burqa kể về chuyến phiêu lưu đổi đời của một cô gái Sài Gòn đến Pakistan tìm gặp người mình yêu. Câu chuyện là bức tranh, kiểu, siêu nhiều màu sắc được vẽ lên bởi tình yêu, tôn giáo, khát vọng tự do cá nhân, sự chia ly và tái hợp. Nó khắc hoạ thân phận của hàng đống tầng lớp trong xã hội loài người: tiểu thương Instagram, bà bán chè bưởi, nhân viên văn phòng, nhà kinh doanh địa ốc, pêđê, Taliban fan club, mèo, lái xe taxi, phóng viên vân vân và vân vân.

[taq_review]

Review

Pennie P

Đã lâu lắm rồi mình mới lại đọc một tác phẩm văn học Việt, khi thấy một người bạn trên facebook review cuốn sách này, mình đã phải mua ngay nó về để đọc, và quả thật “Cô gái Hà Nội mập mặc Burqa” đã không khiến cho mình thất vọng.

Từ cái tên, tác giả đã khiến cho người đọc cảm thấy tò mò rồi, nhân vật chính mà lại mập ư? Còn Burqa là cái khỉ gì? Thì đây, cuốn tiểu thuyết này nói về một cô gái gốc Hà Nội nhưng lại sinh ra tại Sài Gòn, cô ấy tên là Thanh Nhàn (và cô ấy hay than thở rằng mình đã không Thanh lại chẳng Nhàn), cô ấy rất chi là mập (và điều này cộng điểm cho cuốn truyện trong lòng mình vì mình thấy đồng cảm haha), rất diêm dúa, rất “bánh bèo” và làm nghề bán dây thun cột tóc trên Instagram. Mẹ cô là một người Tràng An chính hiệu, và việc con gái mình không thanh lịch như gái Hà Nội là một chuyện khiến cho bà phiền lòng nhất. Nhàn cảm thấy rất áp lực về chuyện này. Một ngày nọ, cô quyết định đi theo tiếng gọi trái tim và trốn nhà bỏ sang Pakistan để tìm người mà cô thầm thương trộm nhớ. Kể từ đó, biết bao nhiêu chuyện bi hài đã xảy ra.

Câu chuyện được kể theo lối rất hài hước, khiến cho việc đọc cuốn sách này trở nên khá dễ dàng. Bạn sẽ không thể rời mắt khỏi những con chữ kể về tính cách thú vị của Thanh Nhàn và hành trình rất chi là trời ơi đất hỡi mà cũng hay ho không tưởng của cô, xem cô đối đấu với những hiểm nguy và giải quyết chúng nhờ vào sự liều mạng và may mắn của mình. Trong quá trình đó, Nhàn đã nhận ra được rằng con người dù ở đâu thì cũng có suy nghĩ giống nhau, có những xung đột giống nhau mà mỗi người cần phải giải quyết, nhưng quan trọng là họ có dám hành động, hay chỉ đơn giản là cất tiếng nói để giải quyết những xung đột đó hay không? Đây là một cuốn tiểu thuyết đọc rất vui, nhưng cũng để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ.

Tóm lại thì đây là một cuốn sách hay và xứng đáng có mặt trên kệ sách nhà bạn, nhất là với những ai thích thể loại sách phiêu lưu. Bạn đã đọc nó chưa? Hãy chia sẻ cảm xúc cho mình biết với nhé!

Hà Dương Khánh

Trước giờ đọc truyện của các tác giả Việt Nam thì đa số là tản văn thoi, truyện dài như truyện này khá ít và sau khi đọc xong thì tôi hoàn toàn thích thú trước tác phẩm này. Cuộc sống của cô gái mập ở quận nhứt thích ăn uống, bán hàng online, bán hội chợ…tất cả đều rất thật, cuộc phiêu lưu của cô đến Pakistan chỉ vì mê trai cũng hay không kém. Đặc biệt mình thích cách viết của tác giả, chân thật, hài hước, đơn giản nhưng vẫn rất thu hút. Cách suy nghĩ của Nhàn trước khi dấng thân vào cuộc phiêu lưu cũng khá giống với những gì tôi đã trải qua. Tôi thật sự muốn tác giả viết tiếp câu chuyện, cặp đôi thích phiêu lưu Nhàn – Thái khi gặp nhau ở Delhi sẽ diễn biến ntn, Alism và bạn gái mới sẽ ra sao khi anh bị vướng vào khủng bố .v.v., tò mò chết đi được.

Trần Phạm Yên Bình

Mình rất thích sự hài hước trong lời văn cũng như hoàn cảnh của các nhân vật trong truyện. Nó vừa đời thực mà lại hài hước kiểu siêu thực, đôi lúc còn có cảm giác đang đọc truyện tranh nhưng nội dung thì không hề hời hợt một tí nào hết. Cuốn sách kể về một cuộc phiêu lưu kỳ lạ ở Pakistan nhưng nó cũng nói lên rất nhiều điều về một cuộc phiêu lưu trong suy nghĩ sống của các bạn trẻ ngay tại Việt Nam. Mình đã rất vui khi gấp lại cuốn sách, hi vọng sẽ có nhiều bạn như mình.

Le Trang

Cô gái Hà Nội mập mặc Burqa là kiểu tiểu thuyết mà khi bạn đọc xong là muốn quên béng hết thời cuộc rối ren lừa trên lọc dưới ô nhiễm đầu độc giao thông tai nạn các kiểu để được sống một lần cho ra sống và đi đến những nơi mà ai tự xưng là tuổi trẻ đều muốn đi. Tui đọc mất hơn tháng mới xong cuốn sách dày gần 400 trang của nó cả bìa cả lời tác giả lời cám ơn và cả những trang trắng nữa, thành thử ra tự động mà giọng văn tui thành ra bị lịu theo nó luôn. Đang trong những ngày nảy lửa phải đấu tranh cho tình yêu thiên nhiên to bự nhưng mỗi tối muộn tui đều muốn mở cuốn tiểu thuyết của nó ra để ráng được phiêu lưu theo con nhỏ Thanh Nhàn vài bận, để đầu óc được phiêu chút như khi người ta tìm đến cần sa thuốc phiện để giải quyết nỗi buồn ở hiện tại. Tui nói thiệt là tui không dám tin nó viết đầu tay như này luôn, quá xuất sắc. Tui nói thiệt vì tui thuộc loại kén đọc, không phải cứ mua sách tặng tui hay tán vô mặt tui là tui đọc, xưa giờ tui đọc các loại sách hiện đại chỉ thích vài người như Phan Việt, Đặng Hoàng Giang và Huyền Chíp mà mấy người này lại lười viết lắm tui đợi hoài có vài cuốn đọc tới đọc lui mắc mệt. Tui đọc Phan Việt xong đã quyết tâm mò qua Mỹ, chừ đọc cuốn cô gái mập của thằng Huy xong chuyến này chắc phải đi mấy cái nước stan stan đó thôi. Thằng lợi hại thiệt.

A.M

Nếu bạn là một người chỉ tìm đến quyển sách vì sự mới lạ, trẻ trung, thơ mộng thì vâng nó dành cho bạn. Còn mình, một người từng sống và làm việc ở Pakistan hơn một năm thì nó quá khó để chấp nhận. Việc một cô gái (đơn thân) xách ba lô và đến một nước Hồi Giáo (Cai trị bởi luật Hồi Giáo) một cách vô kế hoạch, vô tổ chức và không đặt trước phòng, an ninh và những điều cần thiết. Phụ nữ ở Pakistan dù là du khách hay người dân khi ra đường đều cần một THẰNG ĐÀN ÔNG đi kèm hoặc an ninh. Đặc biệt đối với một phụ nữ mặc burqua. Mình không tài nào đọc nhiều hơn được nữa vì một sự thiếu hiểu biết từ tác giả.

Mình đọc rất nhiều sách về hồi giáo, những quốc gia hồi giáo và phụ nữ (dưới lớp burqua) trong nước hồi giáo ( các sách điểm hình như Infedel và Heretic của Ayaan, I speak for myself,etc.) và đã từng sống dưới môi trường hồi giáo khắc nghiệt hơn một năm trước khi về lại Mỹ, cho nên mình hiểu được sự tai hại khi tác giả kể về một cô gái Hà Nội lang thang trên nước Hồi Giáo truy tìm tình yêu của mình mang đến sự lầm tưởng lớn lao đến nhường nào. Trong sách là một khoảng trời màu hồng, hướng thiện, truyền tải thông điệp yêu và bất chấp, dám yêu dám liều, nhưng lại che đi sự thật rành rành và khiến nhiều độc giản (những người ko hiểu về cuộc sống của những người phụ nữ dưới chế độ Hồi Giáo, mặc trên người burqua) hướng tới. Mình tự hỏi đang giả đã từng trải nghiệm chưa hay chỉ nghe đây nghe đó từ những chuyện vụn vặt từ người xung quang rồi viết thành sách?

Mình chưa kể đến câu từ trọng truyện, nhưng lối diễn đạt của tác giả vẫn mang theo sự ngông nghênh và thiếu tính liên kết (đặc biệt là những cung bậc cảm xúc). Nhân vật nữ chính trong truyện phản ánh rõ một số tầng lớp trẻ theo đuổi những cuộc tình trong mơ, đầy sắc thái và luôn có một happy ending.

Phương Thảo

Cuốn sách mang tính chất là tiểu thuyết tình yêu nhưng lại có màu sắc khá mới mẻ. Không soái ca, không nhà lầu xe hơi, đó là một cô gái mập chạy sang tận pakistan để tìm người mình yêu. Tuy có một sốc hi tiết chưa thật sự cuốn hút, những điểm cao trào diễn ra quá nhanh nhưng nhìn chung nó khá là ổn khi đây mới chỉ là tiểu thuyết đầu tay.

Đặc biệt là đọc xong không bị hoang tưởng như ngôn tình

Trích đoạn

Anh Thái là con dì Bảy bán chè bưởi hay ngồi góc ngã ba Đồng Khởi – Nguyễn Thiệp, gần nhà tôi. Dì Bảy bán ở đó từ hồi tôi còn nhỏ xíu. Tôi ăn chè của dì tính tới nay là hơn mười lăm năm. Có thể gọi dì là bà bán chè của đời tôi. Hồi đó, thỉnh thoảng anh Thái ra ngồi rửa ly, lau ly giúp má, chính nhờ sự hiếu thảo đó của ảnh mà bọn tôi mới quen biết nhau. Sẽ là hơi ba xạo nếu tôi nói hồi đó tôi với ảnh chơi thân với nhau. Đối với tôi ảnh đơn giản là con bà bán chè. Đối với ảnh, tôi là một bạn hàng, cái bụng của tôi góp một phần không nhỏ tiền học phí hàng tháng của ảnh. Tôi còn nhớ, ảnh là thằng con trai im im, ít nói, lúc nào cũng cười hiền hiền. Da ảnh đen cháy và quần áo thì cũ xì, luộm thuộm, nhiều lúc còn cài lệch cả cúc áo, ngố hết sức. Trái ngược hẳn với tôi, diêm dúa từ lúc còn chưa thò đầu ra khỏi bụng bà má.

Hồi đó, lúc nào ảnh cũng mang theo sau lưng một thanh gỗ giả làm kiếm, như kiểu ninja, thỉnh thoảng lại rút ra chém loạn xạ. Có lần ảnh phang trúng mặt tôi một cái, toạc cả da, chảy máu, chỗ lông mày. Giờ nếu bạn cạo lông mày tôi đi thì rất có thể bạn vẫn còn thấy vết sẹo đó. Lần đó má tôi la ảnh dữ lắm, làm rùm beng lên, dì Bảy phải đưa tôi đi bịnh viện, và cho tôi ăn chè miễn phí suốt một tuần. Lần đó tôi khóc cũng dữ. Chính vì vậy mà má tôi về sau hơi có ác cảm với má con ảnh. Nhưng tôi thì không ghét ảnh, bởi vì từ đó về sau ảnh đối xử với tôi rất tử tế, không dám trêu gì hết, dù cho trước đó ảnh cũng chỉ trêu tôi có vài lần. Tôi nhớ, ảnh đền bù lại cho tôi bằng cách dạy tôi một chiêu võ mà ảnh học được trong phim Hồng Kông. Ảnh nói khi tôi vật ngã được đối phương rồi thì nên ngồi đè lên người nó, đấm thẳng vô mũi nó một cái. Tôi hỏi ảnh vậy thì làm sao để vật đối phương ngã xuống. Ảnh nói anh không biết, tuỳ em. Từ đó trở đi, tôi nhớ hình như tôi coi phim hành động nhiều hơn hẳn.
Năm tôi học lớp sáu, tôi nghe bác Ba chạy xe ôm kể, ba anh Thái mất từ hồi ảnh chưa lọt lòng. Dì Bảy vốn là con một gia đình giàu có cỡ bự. Hồi cỡ bằng tuổi tôi bây giờ, dì Bảy đem lòng yêu ba anh Thái, lúc đó là giúp việc cho gia đình dì. Nhưng gia đình dì không cho, nhứt quyết cấm cản, đuổi việc luôn. Thế mà dì Bảy vẫn không chịu bỏ cuộc, vẫn lén lút tìm gặp. Sau mấy năm vụng trộm thì dì Bảy có bầu. Ba dì biết được, mắng chửi đánh đập ba anh Thái quá tay tới mức mất mạng. Sinh anh Thái ra xong, dì Bảy bồng ảnh bỏ đi, bán chè bưởi kiếm sống các kiểu, nuôi ảnh khôn lớn. Biết chuyện đó, tôi nhìn mẹ con ảnh với một ánh mắt khác lắm. Hồi đó còn nhỏ, tôi không định nghĩa được cái sự khác đó. Đến giờ tôi chỉ nhớ là, tôi cảm thấy họ rất chai lì và thô ráp.

Thế rồi anh Thái lớn lên và biến đi đâu mất. Năm tôi học xong lớp tám, ảnh tốt nghiệp xong cấp ba rồi bỏ nhà đi biệt xứ. Dì Bảy nói ảnh đi làm xa. Trong mấy năm trời, từ lúc đó tới giờ, thỉnh thoảng lúc tôi ăn chè, dì Bảy hay khoe là ảnh đang xuất khẩu lao động ở nước nào đó nước nào đó vân vân và vân vân. Ảnh gửi tiền về cho dì rất đều đặn. Tôi cũng không bận tâm lắm, vì cuộc đời còn bao nhiêu là mối lo khác. Tôi lớn lên càng ngày càng diêm dúa.

Cho đến một bữa đùng cái ảnh xuất hiện trở lại. Và làm chấn động cả thế giới nhỏ bé của tôi.

Đó là một ngày nắng rực rỡ oi bức hồi mùa hè năm ngoái. Trên đường đi giao hàng về tôi ghé qua tính mua hai gói chè, thì thấy người ngồi sau gánh chè không phải dì Bảy mà là một anh con trai tóc dài búi củ hành trên đầu. Tôi còn đang ngờ ngợ thì ảnh đã reo lên vui mừng:

“Em Nhàn hả? Lâu ngày quá ha! Dạo này mập ghê vậy em?”

“Anh Thái?!”, giờ thì tôi đã nhận ra. Ảnh đẹp trai phát khiếp lên được. “Anh đi đâu bấy lâu nay. Dì Bảy nhắc anh suốt. Em nhớ anh quá trời.”, mặc dù hơi đau lòng vì ấn tượng đầu tiên sau nhiều năm gặp lại của ảnh là cái sự mập, tôi vẫn đủ bình tĩnh để đong đưa một chút.

“Anh đi chơi và đi làm, không biết đi đâu nữa, chẳng nhớ.”, ảnh cười nhe răng. Xong rồi bằng cái điệu bộ lúng túng như thời xa xưa, ảnh mời tôi ngồi. “Ngồi ăn chè đi em. Má anh đi chợ rồi. Em ăn mấy ly? Bốn hay năm?”

“Sao lâu ngày mới gặp lại mà anh nỡ nói lời cay độc vậy?”, tôi nổi cáu. Càng lớn tôi càng dễ cáu. Tôi dựng xe lề đường, kéo cái ghế đẩu ngồi xuống. Nhìn anh Thái múc chè, đập đá, tôi cứ thấy ngồ ngộ. Da ảnh đen nhẻm, còn đen hơn hồi xa xưa, mặt đầy tàn nhan, mắt thâm quầng, nhưng ảnh toát ra một thứ năng lượng vui tươi nào đó khiến tôi chỉ muốn ngồi đó ăn chè cả đời. Hôm đó, tôi ăn ba ly chè. Hôm đó, tôi ngồi thêm một lúc nghe ảnh kể những chuyện ảnh đã làm trong mấy năm đi xa. Hôm đó, ảnh kể ban đầu ảnh đi làm phục vụ trên một du thuyền đi vòng quanh thế giới này kia, xong ảnh chuyển qua làm phóng viên tự do cho một hãng tin nhỏ ở Mỹ, chủ yếu ảnh đi vòng vòng quanh Ấn Độ, Bangladesh, Nepal để viết bài, chụp ảnh này nọ. Tôi không rành mấy thứ đó lắm. Tôi hỏi ảnh sao anh thích để tóc dài. Ảnh nói do làm biếng cắt. Hôm đó, tôi về nhà trong lòng thấy có gì đó đang ngọ nguậy. Tôi kể nguyên cho Thư A nghe, nó nói mày nghĩ mày phi thường tới mức đó hả, mới gặp đã có bầu. Tôi nói, ý tao là một cảm giác gì đó. Thư A nói ờ nó biết, vì tôi thay vì phản pháo lại lời trêu ghẹo của nó như mọi ngày, thì lại đi thanh minh. Nói chung, nó rất hiểu tôi.

Dĩ nhiên mấy hôm sau tôi lại kiếm cớ ra ăn chè. Có bữa có ảnh ở đó, có bữa chỉ có dì Bảy. Có ảnh thì tôi ăn ba ly, không có thì chỉ hai. Dì Bảy khoe cái áo hoa hòe dài tới đầu gối mà ảnh đem về từ Ấn Độ cho dì. Có lần tôi cãi nhau với thằng Tuấn Anh ngay giữa đường, ngay góc phố, trong tầm mắt ảnh. Tôi cáu tới mức quăng cái mũ bảo hiểm xuống đường. Bà con cô bác đi qua ai cũng nhìn, tôi thoáng gặp ánh mắt ảnh, tôi thấy ảnh đang cười. Cũng có mấy lần ảnh thấy tôi đem dây cột tóc đưa chú Long xe ôm nhờ giao hàng giúp, ảnh cũng cười vẫy vẫy tay. Cũng có lần trời đột ngột mưa quá là mưa, tôi đi đâu về ngang qua, thấy ảnh đang lúi húi thu dọn gánh chè một mình, không thấy dì Bảy đâu. Thế là tôi dựng vội xe trên lề đường, chạy tới giúp ảnh thu ghém đồ đạt chạy trốn dưới cơn mưa hắc ám. Tôi ướt hết, nhưng trong lòng vui xao xuyến. Tôi hy vọng bữa đó tôi đã làm ảnh cảm động ghê hồn.

Mỗi lần ngồi ăn chè là tôi có dịp nói chuyện thêm với ảnh, nghe kể mấy câu chuyện nhỏ nhỏ trên đường phiêu lưu của ảnh. “Phiêu lưu” là từ mà ảnh hay dùng để chỉ tất cả những thứ ảnh làm. Ảnh kể chuyện ảnh mải nói chuyện với một đảng viên đảng Cộng Sản Ấn Độ tới mức trễ tàu. Ảnh kể chuyện tay ảnh bị tê cứng vì mưa đá trên dãy Himalaya. Ảnh kể chuyện ảnh lưu trú một tháng trong khu ổ chuột gì đó, lớn nhứt thế giới, ở Mumbai, ở đó ảnh cưỡi bò và chơi đá banh và hút cần sa búa xua. Ảnh kể chuyện ảnh đánh nhau giành ghế trên chuyến tàu dài ba ngày xuyên Ấn Độ. Ảnh như một ô cửa sổ mở ra một thế giới sôi động, bẩn và đầy những thứ bất tiện. Ảnh không như cái bọn bộ tịch kệch cỡm hay đi du lịch dăm bữa nửa tháng rồi về nói chuyện như kiểu chúng thuộc nằm lòng cả thế giới. Ảnh đơn giản, nhẹ nhàng và hiền hiền. Tôi mê chết đi được. Tôi kể ảnh nghe chuyện tôi buôn dây cột tóc siêu lời để dành được tới gần sáu chục triệu. Tôi kể ảnh chuyện tôi bán dây cột tóc ở hội chợ. Tôi kể ảnh nghe chuyện năm ngoái tôi đi học mà thi hoài thi hoài không qua được môn. Tôi kể ảnh nghe đủ chuyện. Tất cả những chuyện đó tôi kể lại cho Thư A. Mỗi lần vậy nó chỉ cười và vỗ mông tôi cái đét.

Tôi có nhiều bạn bè, bọn nó đứa nào cũng hay ho, đứa nào cũng vui vẻ và thú vị, nhưng không có đứa nào trong số đó kể tôi nghe những chuyện anh Thái kể, làm những việc như ảnh đã làm, thậm chí kể cả nghĩ đến cũng không. Tôi đâm ra thích ảnh lúc nào không hay. Tôi đánh bạo rủ ảnh đi chơi. Ảnh hỏi tôi muốn rủ ảnh đi đâu. Tôi nói tôi không biết. Thế là ảnh dắt tôi qua tận quận Hai tới một chỗ tối thui đầy muỗi nghe một bọn khùng đàn hát dở như hạch. Nhưng tôi vẫn rất chi là khoái. Bữa đó tôi nói dối thằng Tuấn Anh là tôi đi coi văn nghệ ở trường. Thiệt ra văn nghệ ở trường tôi bọn nó hát hò còn mắc ói hơn chỗ anh Thái dẫn tới nữa. Sau đó thỉnh thoảng ảnh có tạt ngang qua chỗ mấy quán cà phê tôi đang ngồi nếu hôm đó tôi ngồi một mình. Hoặc thỉnh thoảng tôi không chỉ dừng mua chè mà còn cho ảnh dăm ba thứ đồ ăn mà tôi luôn sẵn có bên mình.

Cũng có lúc tôi nghĩ tới chuyện bỏ quách thằng Tuấn Anh để mà theo đuổi ảnh. Nhưng tôi không bao giờ dám quyết đoán về việc đó, tôi để cơ hội trôi qua từ từ trong ngập ngừng, bởi vì tôi không muốn sự việc trở nên rắc rối. Với tính khí và quan điểm của má tôi, còn lâu bả mới để yên nếu tôi cặp kè với anh Thái. Đó là chưa kể tới chuyện thằng Tuấn Anh một phần vì thích tôi, một phần vì không dám cãi lời ba má nó, sẽ không bao giờ chịu dễ dàng để tôi ra đi. Cái chuyện tình yêu của tôi, nó cám cảnh và nó thảm hại vậy đó. Bản thân tôi cũng đầy sức ì, tôi không dám thay đổi cái gì. Nói chung, ngu lắm. Mà anh Thái thì, chắc gì ảnh đã thích tôi. Nhiều khi sự thân thiện chỉ là do tính cách của ảnh như vậy mà thôi. Chắc chắn việc ảnh múc nhiều chè hơn cho tôi không thể là dấu hiệu của chuyện ảnh thích tôi, việc ảnh đôi khi trêu trêu tôi lại càng không. Mà tôi thì mập thế này. Còn công việc của ảnh nữa, ảnh chỉ ở đây có ít lâu rồi lại đi. Lỡ tôi đang tán tỉnh mà ảnh bỏ đi tiếp thì sao? Ôi khổ quá!

Rồi cái ngày trọng đại mà tôi đưa ảnh vô friend list trên Facebook cũng đến. Tôi bỏ ra một tiếng đồng hồ duyệt hết tất cả hình và chữ ảnh đăng lên trong vòng ba năm. Qua đó mà tôi biết ảnh lại sắp lên đường. Ảnh sắp đi sang Pakistan, theo đuổi một dự án mới. Hôm ảnh đi, tôi đem tặng ảnh một bộ dây cột tóc năm màu tươi như mùa hè rực nắng. Hồng pastel, xanh chuối, xanh da trời nhạt, xanh da trời nhạt hơn nữa và trắng. Tôi còn nhớ đoạn ảnh giựt cái dây cột tóc cũ ra để cột lại bằng sợi màu xanh da trời nhạt tôi tặng. Mái tóc ảnh xoã ra mượt một cách siêu thực như trong quảng cáo Sunsilk, dài tới nửa lưng. Mà cái sợi chun cũ ảnh dùng để búi tóc á hả, nhìn tởm vô cùng tởm. Tôi nói ảnh vậy, xong ảnh vứt nó vô sọt rác luôn. Ảnh cám ơn, cắn môi dưới, rồi ôm tôi một cái nhè nhẹ. Ảnh nói, nếu rảnh thì qua thăm ảnh, ảnh sẽ dắt tôi đi chơi. Tôi thấy mừng trong lòng, mặc dù nghĩ tới cảnh một thân một mình qua bên đó tôi chỉ muốn khóc thét. Tôi đâu ngờ, cái ý tưởng qua thăm ảnh, nó cứ âm thầm bám rễ trong não tôi.

Một tuần sau ảnh đăng một cái selfie lên Facebook, check-in ở Karachi, Pakistan. Một chỗ lạ hoắc, tôi mới nghe tên lần đầu. Nhưng tôi thấy tóc ảnh búi bằng một trong những sợi dây cột tóc tôi tặng, sợi màu hồng pastel. Tôi sướng khôn tả. Ảnh không đăng nhiều thứ lên Facebook lắm, cứ khoảng một tuần một lần, chủ yếu là những mẩu chuyện nhỏ nhỏ, kiểu, mua một chục trứng gà mà cái nào cũng có hai lòng đỏ. Sự hiện diện của ảnh trong lòng tôi và trên Facebook, như ly chè bưởi giữa ngày hè, mặc dù ảnh đã không còn ở gần tôi nữa. Tôi nhiều lúc tôi muốn nhắn tin cho ảnh, nhưng tôi ngại lắm, tôi cứ im im, âm thầm bấm like mỗi khi ảnh đăng cái gì đó lên. Ảnh cũng không lướt Facebook nhiều để mà like những thứ của tôi. Kiểu, tôi đang yêu thầm vậy đó. Tôi cứ nghe bài Say You Do của Tiên Tiên suốt. Tình cảm đó làm tôi lung lạc và tôi càng ngày càng ít để ý hơn tới thằng Tuấn Anh. Từ cỡ gần một tháng trước cái ngày tôi tạt tô nước lèo hủ tíu vô mặt nó, tôi đã không còn lén lén kiểm tra điện thoại nó coi thử nó có nhắn tin với con nào hay không. Thế cho nên, ngoài tức hộc máu ra, một phần nào đó trong tôi cũng mừng khi cuối cùng tôi cũng có cái cớ để từ bỏ. Đằng nào thì nó cũng không ra gì và đằng nào thì tôi cũng đã yêu người khác rồi.

Con người ấy mà, kiểu gì họ cũng ưu tiên chuyện trai gái trước, vì vậy cái việc đầu tiên tôi làm trong chương mới này của cuộc đời chính là đi thăm anh Thái. Kể cả cái giá phải trả là nói láo bà má tôi cũng đi. Giờ thì tôi ngồi trên máy bay, bay qua tận cái xứ Hồi Giáo xa xôi đó. Ban đầu tôi tính rủ Thư A đi, nhưng nghĩ lại tôi biết chắc nó sẽ không dám. Với lại, sự có mặt của nó sẽ như cục nước đá pha loãng không khí lãng mạn giữa tôi và anh Thái, nếu có. Thế nên tôi đánh liều đi một mình, sau một tuần ngồi nghĩ đi nghĩ lại và đọc mọi thứ tôi có thể đọc về Pakistan. Coi cả phim nữa. Tôi cũng có nghĩ tới chuyện báo trước cho anh Thái hay là tôi đang qua thăm, dù gì thì lúc tiễn biệt ảnh cũng đã gần như là rủ tôi qua thăm. Nhưng cuối cùng tôi lại muốn gây bất ngờ cho ảnh. Làm vậy có hơi cực một chút khi tôi phải đi một mình từ sân bay về nhà ảnh, trong tình trạng bỡ ngỡ. Nhưng dù sao người ta cũng đã phát minh ra taxi. Tôi sẽ đánh liều, tôi sẽ đi taxi.

Thực tế diễn ra rất đúng kế hoạch của tôi. Tôi giả vờ ngoan ngoãn nghe lời bà má ra Bắc thăm ông nội và ông trẻ, việc mà bình thường còn lâu tôi mới tự nguyện làm. Rồi tôi giả vờ xuống Đường Lâm ở với bà trẻ ít lâu, vì tôi biết, má sẽ chẳng đả động gì nhiều nếu tôi ở dưới đó. Bả biết, đó là nơi tôi thấy ít khó chịu nhứt ở miền Bắc. Tôi chỉ ở với bà trẻ vài bữa rồi tót lên Hà Nội xin visa Pakistan. Mất một tuần để hoàn thành thủ tục, tốn một mớ tiền khách sạn.

Mặc dù tôi đem theo một cái vali bự và một cái balô nhưng vẫn thiệt quá khó để quyết định phải trang bị những gì cho một chuyến đi dài ngày dữ vậy. Bình thường mỗi tuần tôi bận hết tám bộ đồ, làm phép tính đơn giản, tôi gói ghém hai mươi bộ. Tôi trừ ra bốn bộ vì nghĩ mình có thể giặt và mặc lại được. Tôi để váy và đầm ở nhà, chỉ mang toàn áo sơmi hoặc áo thun đen rộng và quần đen rộng. Theo như tôi đọc được trên mạng thì tốt nhứt bạn nên ăn mặc thiệt là giản dị ở mấy chỗ như Pakistan, nếu không bạn sẽ thành tâm điểm của sự chú ý khi đi ngoài đường. Tôi không thiếu gì đồ đen, vì đó là xu hướng đợt trước. Đợt này đang môđen màu hồng nhạt, nên đây là dịp để xài cho hết cái đống màu đen tồn kho này. Tôi cực kỳ khoái hai hiệu Mango và Topshop, nhưng đồ của họ toàn kiểu váy và đầm, toàn hơi hở hở, nên tôi đành ngậm ngùi để ở nhà, chỉ dùng được đồ của mấy hiệu indie nhỏ nhỏ ở quận Nhứt. Tôi nghĩ sau này tôi cũng sẽ mở một hiệu kiểu vậy, vì tôi chẳng nghĩ ra trò làm ăn gì khác. Rồi tôi phải cố lắm mới bỏ bớt một đôi giày cao gót, chỉ mang một đôi giày Adidas Superstar đen yêu thích. Tôi thích giày Adidas. Tôi có những ba đôi Superstar, một trắng, một đỏ, một đen. Để cho chắc ăn, tôi phòng hờ một đôi dép có quai hậu. Để cho gọn bớt tôi chỉ cầm theo hai thỏi son thay vì ba. Một thỏi màu cam đỏ và một thỏi màu hồng phấn. Tôi nghĩ kiểu gì cũng không loại được thứ nào nữa trong bộ đồ nghề trang điểm, nên tôi mang theo tất cả. Kem dưỡng da và kem chống nắng và kem dưỡng da trước khi đi ngủ và sữa rửa mặt cũng không thể để ở nhà được. Tôi đem theo toàn bộ số đồ lót thể thao mà có một dạo tôi sắm về để đi tập gym. Toàn bộ hiệu Adidas. Tôi tập được hai buổi thì bỏ nên cái nào cũng còn như mới. Nói chung, tôi không chịu được mấy thằng huấn luyện viên mồ hôi bóng nhỡn đi sàng qua sàng lại trước mặt trong mấy phòng tập gym. Tuy nhiên, tôi không quên kèm theo hai bộ đồ lót bình thường đề phòng trường hợp tôi cưa đổ được anh Thái. Tôi bỏ luôn cuốn Đoạn Tuyệt mà Thư A cho vào vali, phòng khi cần đọc để lên tinh thần. Tôi đem theo cái kính mát Gentle Monster Illusion GR1 gọn màu xanh ngọc bích trong suốt. Tôi nghĩ một cái kính mát là đủ. Và không thể để cái túi xách chéo màu bạc óng ánh dạ quang hiệu Chanel thừa hưởng từ bà má ở nhà được. Một bà bạn của bả đã tặng bả cái túi này, nhưng bả không xài được do nó nhìn quá trẻ so với gu của bả. Thế là tôi hưởng. Tôi mê nó lắm, vì nó đẹp và đắt dữ dội. Tôi không thể đi đâu mà không có nó bên mình, bởi tôi chứa tất cả những thứ bảo bối sống chết trong đó: khăn giấy tẩy trang, sữa rửa mặt, iPhone, dây sạc, son, tiền lẻ, son bóng, khăn giấy, băng vệ sinh dự phòng, dây cột tóc, sữa rửa tay, nước hoa bỏ túi vân vân và vân vân. Ban đầu tôi định để cái ốp lưng điện thoại Pikachu ở nhà vì nó quá cồng kềnh, có hai tai dựng ngược và đuôi dài các kiểu, nhưng tháo ra thì tôi thấy cái iPhone trần truồng kỳ cục, thế là tôi lại mang theo.
Tóm lại hành lí của tôi chỉ đơn giản gọn gàng có vậy. Rồi tôi mua vé máy bay cả hai chiều. Chiều về sau chiều đi hai mươi ba ngày. Và tôi bay đi. Bay đi.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button