Review

Chuyến Phiêu Lưu Diệu Kỳ Của Edward Tulane

Thể loại Sách Văn Học – Tiểu Thuyết
Tác giả Kate Di Camillo
NXB NXB Mỹ Thuật
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 370
Ngày xuất bản 04-2014
Giá bánXem giá bán

Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane do nhà văn Mỹ Kate DiCamilo – người “săn” giải thưởng sách thiếu nhi – viết được đánh giá là “quyển sách tuyệt vời được viết bằng văn phong giản dị nhưng đầy sức lay chuyển”.

Ngày xửa ngày xưa, trong ngôi nhà trên phố Ai Cập, có một chú thỏ bằng sứ tên là Edward Tulane. Chú được làm ra bởi một người chế tác đồ chơi bậc thầy, được mặc trên người những bộ quần áo tuyệt hảo đặt may riêng. Chú tự yêu và đề cao bản thân, không màng tới cô chủ Abilene đang vô cùng nâng niu chú.

Thế nhưng, trên chuyến đi lênh đênh vượt đại dương, một thằng bé bất kham đã vô tình quăng chú khỏi mạn tàu. Và từ đó hành trình lưu lạc, cũng là hành trình học nói tiếng Yêu Thương của Edward Tulane bắt đầu.

Chú phải trải qua qua những ngày dài dưới lòng đại dương khi trên người chẳng có được một bộ cánh bảnh bao nào. Sau một cơn bão, chú được ông lão đánh cá Lawrence kéo lên và mang về nhà và được đổi tên thành một cô thỏ Nellie. Phút chốc chú trở thành nguồn vui của đôi vợ chồng già. Nhưng sau cái nhìn của Lolly – con gái của vợ chồng Lawrence – chú lại bị vùi dập trong mớ rác hỗn độn dưới bàn tay tàn nhẫn của cô.

Edward lại tiếp tục chịu đựng những ngày dài nơi bãi rác, nhưng đó lại là điểm khởi đầu cho những tháng ngày thong dong suốt bảy năm sau lưng gã nhà nghèo Bull và được đặt một cái tên mới: Malone.

Một chú thỏ bằng sứ còn có thể đi tới những đâu? Một chú thỏi bằng sứ có thể sống và yêu như thế nào? Tình yêu mang vị gì? Nếu là vị đau, chú có nên tiếp tục thương yêu và được thương yêu? Tất cả được trả lời với bút pháp đầy chất thơ trong Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Eward Tulane.

Có thể nói rằng, với câu chuyện viết cho thiếu nhi nhưng không chỉ dành riêng cho thiếu nhi này, tác giả Kate Di Camillo cũng đã vượt qua một hành trình phi thường để giành trọn say mê và mở rộng trái tim cho độc giả. Bên cạnh đó, nét vẽ minh họa tinh tế của Bagram Ibatoullines góp phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm.

[taq_review]

Trích đoạn

LỜI MỞ ĐẦU

Đã bao lâu rồi bạn không lắng nghe trọn vẹn một câu chuyện cổ tích? Đã bao lâu rồi những công chúa, những hoàng tử và những phép màu lạ kì đã nhuốm bụi lãng quên trong trí nhớ bạn? Đừng vội nói rằng cổ tích chỉ dành cho con trẻ, hãy thử một lần lắng nghe câu chuyện về chú thỏ bằng sứ tên là Edward Tulane của tác giả Kate DiCamillo. Khi đó, dù bạn ở bất kì độ tuổi nào thì chắc chắn bạn sẽ muốn mãi đắm mình trong câu chuyện ngọt dịu và trong trẻo đó, câu chuyện của những ngày xửa ngày xưa, của ánh sáng, của tình yêu diệu kỳ. Lối kể chuyện tinh tế, duyên dáng, dí dỏm, nhẹ nhàng nhưng đầy sức lay chuyển của nhà văn Kate DiCamillo sẽ khiến bạn thích thú và ngạc nhiên khi lật giở từng trang sách. Một trí tưởng tượng tuyệt vời cho một câu chuyện thú vị, mê hoặc người đọc khám phá, khiến người đọc cảm thấy vui vẻ, hài hước, suy nghĩ, tò mò, bất ngờ,… Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane đích thực là một câu chuyện cổ tích hiện đại mà bạn không thể bỏ lỡ!

Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane khai thác một đề tài khá quen thuộc về thế giới đồ chơi. Nhân vật trung tâm là chú thỏ sứ tuyệt đẹp có đôi mắt thờ ơ với tất thảy xung quanh, ngoại trừ lòng ngưỡng mộ vô tận dành cho bản thân. Chú được làm ra bởi một người chế tác đồ chơi bậc thầy, được mặc trên người những bộ quần áo tuyệt hảo đặt may riêng. Chú tự yêu và đề cao bản thân, không màng tới cô chủ Abilene đang vô cùng nâng niu chú. Thế rồi, trên chuyến đi lênh đênh vượt đại dương, một thằng bé bất kham đã vô tình quăng chú khỏi mạn tàu. Và từ đó hành trình lưu lạc, cũng là hành trình học nói tiếng “yêu thương” của Edward Tulane bắt đầu…

Chú phải trải qua qua những ngày dài dưới lòng đại dương khi trên người chẳng có được một bộ cánh bảnh bao nào. Sau một cơn bão, chú được ông lão đánh cá Lawrence kéo lên và mang về nhà và được đổi tên thành một cô thỏ Nellie. Phút chốc chú trở thành nguồn vui của đôi vợ chồng già, nhưng sau cái nhìn của Lolly – con gái của vợ chồng Lawrence – chú lại bị vùi dập trong mớ rác hỗn độn dưới bàn tay tàn nhẫn của cô. Edward lại tiếp tục chịu đựng những ngày dài nơi bãi rác, nhưng đó lại là điểm khởi đầu cho những tháng ngày thong dong suốt bảy năm sau lưng gã nhà nghèo Bull và được đặt một cái tên mới: Malone…

Một chú thỏ bằng sứ còn có thể đi tới những đâu? Một chú thỏ bằng sứ có thể sống và yêu như thế nào? Tình yêu mang vị gì? Nếu là vị đau, chú có nên tiếp tục thương yêu và được thương yêu? Tất cả được trả lời với bút pháp đầy chất thơ trong Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane…

Cũng như nhiều cuốn sách khác, trong tập sách này, Kate DiCamillo cũng đề cập đến và xoáy sâu vào đề tài mất mát. Được kể với bút pháp giàu chất thơ, những tình huống phiêu lưu được tiếp nối dồn dập cùng trái tim mở rộng dần dần của chú thỏ sứ. Nhờ các thử thách, chú thỏ mới nhận ra mình đã có những gì trước đó. Và hành trình với quá nhiều thử thách, khổ đau ấy đã trở thành hành trình với nhiều xúc cảm. Khó khăn và mất mát là hình ảnh về những bài học cuộc sống, dạy chú thỏ sứ học cách yêu thương và biết chấp nhận vị đau của tình yêu thương. Đó cũng là chân lý sâu sắc mà mỗi đứa trẻ cần phải hiểu để lớn lên. Hành trình của chú thỏ Edward Tulane cũng chính là hành trình của tác giả Kate DiCamillo để giành trọn say mê và mở rộng trái tim cho độc giả. Bên cạnh đó, nét vẽ minh họa tinh tế của Bagram Ibatoullines góp phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm…

CHƯƠNG MỘT

Ngày xưa, trong một ngôi nhà trên đường phố Ai Cập, có một chú thỏ được làm gần như hoàn toàn băng sứ. Chú có tay sứ và chân sứ, các ngón chân sứ, cái đầu sứ, thân mình và cái mũi sứ. Chân tay được khâu và ráp lại bằng sợi kim loại nên khuỷu tay và đầu gối bằng sứ của chú có thể gập lại, cho chú được tự do chuyển động dễ dàng.

Hai tai chú được làm từ lông thỏ thật, và bên dưới lớp lông là những sợi kim loại rất chắc, có thể uốn cong, giúp đôi tai diễn được các tư thế thể hiện tâm trạng của chú thỏ – hớn hở, mệt mỏi, chán ngấy. Đuôi chú, cũng thế, được làm từ lông thỏ thật mềm mại, mượt mà và nom rất đẹp.

Tên chú thỏ là Edward Tulane, và chú rất cao. Từ chóp tai cho tới đầu ngón chân chú dài gần một mét, đôi mắt tô màu xanh của chú hết sức linh lợi và tình cảm.

Với tất cả điều đó, Edward Tulane cảm thấy mình là một nhân vật xuất chúng. Chỉ có mấy sợi râu khiến chú thấy ngần ngại. Chúng dài và trang nhã (chúng vốn phải thế), nhưng chất liệu thì chẳng rõ là gì nữa. Edward thấy rõ chúng không phải là râu thỏ. Bộ râu ấy từng thuộc về con vật nào – con vật có cái mùi đến là kinh – là một câu hỏi mà Edward không thể chịu nổi khi phải nghĩ đến quá nhiều. Vì thế chú chẳng nghĩ nữa. Gần như đã thành quy tắc, chú không thích suy nghĩ về những chuyện không vui.

Chủ của Edward là một cô bé mười tuổi, tóc sẫm màu, có tên là Abilene Tulane, người coi trọng Edward cũng chẳng thua gì chú coi trọng bản thân. Mỗi buổi sáng, sau khi đã diện quần áo đi học, Abilene lại thay đồ cho Edward.

Chú thỏ sứ sở hữu một tủ quần áo tuyệt tác với những bộ lễ phục bằng lụa làm thủ công, giày đặt hàng đóng bằng da hạng nhất được thiết kế riêng cho đôi chân thỏ của chú, và một kệ lớn đầy những chiếc mũ bằng chất liệu đặc biệt được khoét lỗ để dễ dàng đội qua hai chiếc tai to đầy biểu cảm. Mỗi chiếc quần được cắt may rất đẹp đều có một cái túi nhỏ để đặt chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng của Edward. Abilene lên dây cót cho chú mỗi buổi sáng.

“Nào, Edward,” cô bé nói với chú sau khi đã vặn dây cót, “khi nào kim to chỉ vào số mười hai và kim nhỏ chỉ vào số ba, chị sẽ về nhà với em.”

Cô bé để Edward lên chiếc ghế trong phòng ăn và đặt ghế gần cửa sổ để Edward có thể nhìn ra con đường dẫn tới cửa chính nhà Tulane. Abilene đặt chiếc đồng hồ trên chân trái của chú. Cô bé hôn chóp tai chú, rồi cô đi học và Edward dành cả ngày trông ra khu phố Ai Cập, lắng nghe tiếng tích tắc của đồng hồ và chờ đợi.

Trong tất cả các mùa, chú thỏ thích nhất mùa đông, khi hoàng hôn buông xuống sớm khiến cửa sổ phòng ăn tối dần và Edward có thể nhìn thấy hình phản chiếu của mình trên mặt kính. Và hình phản chiếu mới đẹp làm sao chứ! Hình dáng chú mới trang nhã làm sao chứ! Edward không ngừng kinh ngạc với vẻ tuyệt đẹp của chính mình.

Vào buổi tối, Edward ngồi ở bàn ăn cùng những thành viên khác của gia đình Tulane: Abilene, cha mẹ Abilene, và bà của Abilene, người được gọi là bà Pellegrina. Sự thật là, đôi tai của Edward chỉ hơi nhô lên khỏi mặt bàn, và sự thật nữa là, suốt bữa ăn chú cứ nhìn thẳng vào mỗi cái khăn trải bàn trắng sáng lóa. Nhưng chú đã ở đó, một chú thỏ ngồi tại bàn ăn.

Cha mẹ Abilene thấy thật thú vị khi cô coi chú như thỏ thật, và khi thỉnh thoảng cô bé đòi mọi người phải nói lại hoặc kể lại một câu chuyện bởi Edward chưa kịp nghe.

“Cha,” Abilene sẽ nói, “con e rằng Edward chưa bắt kịp đoạn cuối.”

Cha Abilene sẽ quay sang phía tai Edward và nói thật chậm rãi, nhắc lại những gì ông vừa nói để làm hài lòng chú thỏ sứ. Edward vờ như đang lắng nghe để giữ lịch thiệp với Abilene. Nhưng, thực ra, chú không mấy hứng thú với những gì mọi người nói. Thêm nữa, chú cũng không quan tâm tới cha mẹ của Abilene và thái độ hạ cố của họ dành cho chú. Tất cả người lớn, trên thực tế, đều ra vẻ hạ cố với chú.

Chỉ có bà của Abilene nói chuyện với chú như cách Abilene thường nói, như một người ngang hàng. Bà Pellegrina già lắm rồi. Bà có cái mũi to, nhọn và đôi mắt đen sáng lấp lánh như vì sao. Pellegrina là người chịu trách nhiệm về sự tồn tại của chú. Bà là người đã đặt làm chú, là người đặt mua những bộ lễ phục bằng lụa và chiếc đồng hồ bỏ túi, những chiếc mũ vui nhộn và đôi tai có thể uốn cong, những đôi giày da xịn và đôi chân tay được ráp lại, tất cả đều từ một người thợ bậc thầy tại nước Pháp quê hương bà. Pellegrina là người đã tặng chú như một món quà nhân ngày sinh nhật bảy tuổi của Abilene.

Và chính Pellegrina là người đêm đêm đặt Abilene vào giường của cô và đặt Edward vào giường của chú.

“Bà sẽ kể cho chúng cháu nghe một câu chuyện chứ, bà Pellegrina?” Abilene hỏi bà mỗi đêm.

“Không phải đêm nay, tiểu thư ạ,” bà Pellegrina đáp.

“Vậy thì khi nào?” Abilene hỏi. “Đêm nào ạ?”

“Sớm thôi,” bà Pellegrina nói. “Sẽ sớm có một câu chuyện thôi.”

Rồi bà tắt đèn, và Edward cùng Abilene nằm trong bóng tối của phòng ngủ.

“Chị yêu em, Edward à,” Abilene nói thế hàng đêm sau khi bà Pellegrina đã đi. Cô bé nói những lời đó rồi chờ đợi như thể cô mong rằng Edward sẽ đáp lại gì đó.

Edward không đáp lại gì. Chú không đáp lại vì, tất nhiên rồi, chú không thể nói được. Chú nằm trong chiếc giường be bé cạnh chiếc giường lớn của Abilene. Chú nhìn chằm chằm lên trần nhà và lắng nghe tiếng hít vào thở ra của cô bé, biết rằng cô sẽ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Bởi vì mắt của Edward là đôi mắt vẽ nên chú không thể nhắm lại, chú luôn luôn thức.

Thỉnh thoảng, nếu Abilene đặt chú nằm nghiêng thay vì nằm thẳng, chú có thể nhìn xuyên qua những chấn song và tấm mành lên bầu trời đêm. Vào những đêm trời quang, các vì sao lấp lánh, và ánh sáng le lói của chúng khiến Edward thấy dễ chịu theo cách mà chú không hiểu rõ lắm. Thường thường, chú sẽ ngắm nhìn các vì sao suốt đêm cho tới khi cuối cùng bóng tối cũng nhường chỗ cho bình minh.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button