Review

Chữ A Màu Đỏ

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Nathaniel Hawthorne
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Trí Việt
Số trang 420
Ngày xuất bản 07-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Chữ A Màu Đỏ, tiểu thuyết của Nathaniel Hawthorne, xuất bản năm 1850, đã được nhiều nhà phê bình đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất của nền văn học thế giới.

Câu chuyện xảy ra ở Boston, thủ phủ bang Massachusetts (thuộc New England vùng đông bắc nước Mỹ) trong những năm 1640, vào một thời mà xã hội vùng này bị giam hãm trong vòng luật lệ và giáo lý nghiệt ngã của nhà thờ Thanh giáo.

Một người phụ nữ tên là Hester Prynne, vì một đứa con hoang, đã bị kết án bêu trên bục tội nhân ba tiếng đồng hồ trước công chúng và chịu hình phạt mang một chữ A màu đỏ cài trên ngực cho đến hết đời. Chữ A màu đỏ là dấu sỉ nhục về tội ngoại tình (chữ A là chữ đầu của từ Adultery – tội ngoại tình).

Không ai ngờ được rằng người bố của đứa con hoang ấy lại là người đảm nhiệm phần hồn của Hester Prynne, mục sư Arthur Dimmesdale, một giáo sĩ trẻ đầy tài năng, được con chiên ngưỡng mộ như một vị thiên thần.

Hester Prynne chịu đựng nỗi nhục nhã đau đớn. Còn Arthur Dimmesdale, bị sự giày vò khủng khiếp của lòng hối hận, ngày một gầy mòn xanh xao. Thế nhưng, quần chúng không hề hay biết gì cả, vẫn sùng kính anh như một vị thánh sống.

Giữa lúc đó, xuất hiện thêm một nhân vật, hình thành đủ bộ ba trong diễn biến xung đột của câu chuyện. Đó là chồng của Hester, một con người tuổi đã xế chiều, ngoại hình dị dạng, mà Hester không hề yêu. Lão đã sống cuộc đời lang bạt, nay vừa đến đây thì thấy vợ trên cái bục ô nhục. Lão bắt đầu một cuộc săn tìm kẻ tình địch để báo thù. Buộc vợ thề khống bao giờ lộ tung tích của lão ra. Lão đội cái tên giả – Roger Chillingworths, xuất hiện giữa cộng đồng Thanh giáo Boston với danh nghĩa là một thầy thuốc…

[taq_review]

Trích dẫn


Một hôm, Hester Prynne đến tòa dinh thự của ngài Thống đốc Bellingham, mang tới một đôi tất tay mà chị đã thêu theo yêu cầu của ngài, để ngài sẽ dùng trong một dịp lễ trọng thể nào đó. Chả là vị cựu nguyên thủ này vẫn giữ một địa vị đầy danh vọng và thế lực trong hàng ngũ quan chức khu định cư này, mặc dù lá phiếu bầu của dân đã ngẫu nhiên làm ngài bị tụt từ nấc thang tột đỉnh xuống một hai bậc gì đấy.

Ngoài mục đích giao đôi tất tay đã thêu xong, còn có một lý do khác quan trọng hơn nhiều buộc Hester lúc này phải tìm gặp mặt một nhân vật có uy quyền và vai trò lớn lao như vậy trong việc điều hành công cụ, ở khu định cư. Chị nghe người ta đồn rằng một số vị lãnh đạo, với lòng thiết tha mong muốn áp dụng những nguyên tắc cứng rắn hơn trong tôn giáo và chính quyền, đã có ý đồ tách con chị ra khỏi chị. Trên cơ sở giả định rằng bé Pearl, như người ta đã phán đoán, là một đứa trẻ từ ma quỷ sinh ra, các nhà chức trách đức hạnh ấy lập luận một cách không phải là không có lý rằng vì mối quan tâm của người Cơ đốc đối với linh hồn người mẹ, họ cần phải dời đi một vật chướng ngại như vậy khỏi con đường của Hester. Còn đứa con, nếu như nó thực sự có khả năng phát triển về mặt đạo đức và tôn giáo và có những nhân tố trong bản chất giúp cho linh hồn nó cuối cùng sẽ được cứu rỗi, thì việc giao nó cho một bàn tay giám hộ khác lịch lãm và đáng tin cậy hơn Hester chắc chắn sẽ làm cho những khả năng thuận lợi ấy có triển vọng nảy nở tốt đẹp hơn. Người ta bảo rằng trong số những người có ý đồ ấy. Thống đốc Bellingham là một trong những kẻ để tâm đến nhiều nhất. Kể cũng kỳ dị và quả cũng khá buồn cười, là một việc thuộc loại đó, nếu vào thời gần đây thì người ta giao cho các vị thẩm phán thành phố giải quyết chứ chả phải cấp nào cao hơn, vậy mà hồi ấy lại là một vấn đề được đưa ra bàn bạc chung, và các nhà chính khách quyền cao chức trọng dúng tay vao tán thanh hay phản đối. Trong thời đại của tính mộc mạc ban sơ ấy, cả những vấn đề mà công chúng quan tâm đến còn ít hơn, mà trọng lượng thực chất còn nhẹ hơn nhiều so với vấn đề phúc phận của Hester và con chị, đều được trộn lẫn một cách kỳ quặc với những đầu đề nghiên cứu bàn cãi của những nhà lập pháp và với những đạo luật của quốc gia. Có một lần, trước câu chuyện này chẳng bao lâu, nếu quả là trước, đã xảy ra một vụ tranh chấp quyền sở hữu một con lợn, không những gây nên một cuộc tranh cãi dữ dội và quyết liệt trong hội đồng lập pháp của khu định cư, mà còn dẫn đến một sự sửa đổi quan trọng trong chính cơ cấu tổ chức của cơ quan lập pháp.

Bởi vậy, lòng nặng trĩu lo âu, – nhưng lại ý thức rõ quyền chính đáng của bản thân mình, đến nỗi dường như không có sự bất cân xứng nào trong thế so sánh giữa một bên là tập thể cộng đồng và một bên là người đàn bà cô độc được sự thương cảm của thiên nhiên ủng hộ – trong tâm trạng ấy Hester Prynne từ ngôi nhà nhỏ hiu quạnh của mình ra đi. Tất nhiên Pearl cùng đi với mẹ. Pearl bây giờ đã đến tuổi có thể chạy nhảy nhẹ nhàng bên mẹ, và với đôi tay đôi chân liên tục vận động từ sáng đến tối, bé có khả năng đi được những quãng đường dài hơn nhiều so với đoạn đường mà hai mẹ con phải đi hôm nay. Tuy vậy thỉnh thoảng bé vẫn bắt bế, vì làm nũng hơn là vì sự cần thiết, nhưng chỉ trong chốc lát, cũng với thái độ nằng nặc như khi đòi bế, bé lại đòi thả xuống đất, nhảy cỡn lao tới phía trước trên lối đi đầy cỏ, nhiều lần vấp ngã nhưng không sao cả. Chúng tôi đã có dịp nói đến sắc đẹp tuyệt vời lộng lẫy của bé Pearl – một sắc đẹp rạng lên những màu sắc tươi thắm và rực rỡ, một nước da hồng hào, đôi mắt vừa sâu thẳm vừa sáng ngời làn tóc nâu bóng nhoáng hiện đã rất thẫm màu, sau này sẽ có thể trở thành gần như đen nhánh. Ở bé, và khắp toàn bộ con người của bé như có một ngọn lửa : dường như bé là hiện thân của một sự bột phát bắt nguồn rừ một giây phút sôi nổi bùng cháy. Chiếc áo bé mặc, một công trình sáng tạo tuyệt mỹ của đầu óc tưởng tượng thả sức bay bổng của người mẹ, là một chiếc áo bằng nhung dỏ thắm được may cắt theo kiểu đặc biệt, đầy những hình trang trí kỳ lạ và những đường thêu hoa mỹ bằng kim tuyến. Những món trang sức rực rỡ đến như vậy hẳn đã không hợp với đôi gò má nào kém phần tươi thắm, có thể làm cho chúng đâm ra có vẻ xanh xao nhợt nhạt đi. Đằng này những thứ tô điểm ấy lại thích ứng tuyệt vời với sắc đẹp của bé Pearl, khiến cho bé trở thành tia lửa nhỏ rực rỡ nhất mà người ta đã từng được nhìn thấy nhảy múa trên cõi trần này.

Những điều đặc biệt đáng chú ý ở chiếc áo này, hay nói cho đúng hơn, ở toàn bộ vẻ ngoài của đứa bé, là nó gợi cho bất kỳ ai nhìn ngắm bé lúc này cũng đều không thể không nghĩ đến cái dấu hiệu mà Hester Prynne bị buộc phải mang trên ngực. Đứa bé đúng là chữ A màu đỏ dưới một hình dạng khác, chữ A màu đỏ được phú cho sự sống. Chính người mẹ đã cẩn thận làm ra bản sao chép ấy – như thể cái dấu ô nhục nung chảy thành vết hằn quá sâu vào đầu óc chị đến nỗi mọi thứ chị hình dung ra đều mang hình dạng của nó – chị đã tiêu phí nhiều thì giờ công phu kỹ xảo trong tâm trạng bệnh hoạn để tạo ra một sự tương tự giữa đối tượng yêu thương của chị và cái biểu tượng của tội lỗi và hình phạt dày vò chị. Nhưng thực ra Pearl vừa là cái kia vừa là cái này ; và chính là chỉ do sự đồng nhất ấy mà Hester đã có thể sáng tạo ra được hoàn hảo như vậy để thực hiện chữ A màu đỏ ngay trong dáng vẻ bề ngoài của con mình.

Khi hai kẻ bộ hành đến ngoại ô thành phố, một đám trẻ con Thanh giáo đang nô nghịch ngẩng lên nhìn. Chúng dừng những trò chơi đùa của chúng – hoặc những thứ trò mà bọn nhóc con mặt mũi u tối ấy coi như là trò chơi đùa – và nghiêm nghị bảo nhau:

– Kìa chúng mày, mụ đàn bà đeo chữ A màu đỏ! Và lại đúng là có một chữ A màu đỏ nữa đang chạy bên cạnh mụ! Đến cho chúng nó ăn một trận bùn đi chúng mày ơi!

Nhưng Pearl, đứa trẻ gan dạ bất khuất, sau khi dùng cách trừng mắt cau mày, giậm chân, vung bàn tay lên đe dọa bằng nhiều động tác khác nhau, đột nhiên lao vút xông tới giữa bầy đối thủ đang túm tụm, làm cho tất cả bọn chúng hốt hoảng bỏ chạy. Bé hung tợn rượt đuổi chúng. Trông bé giống như một tiểu thần gieo bệnh dịch – có thể là thần bệnh tinh hồng nhiệt, hay một vị thiên sứ trừng phạt nào đó đang tung đôi cánh nhỏ – được Thượng đế giao cho việc trừng phạt trị những tội lỗi của thế hệ trẻ. Bé vừa đuổi vừa la hét, quát lên những tiếng vang động, khủng khiếp chắc hẳn phải làm rụng tim lũ chạy trốn. Kết thúc cuộc phản kích, giành được chiến thắng hoàn toàn, bé Pearl bình thản lui về bên mẹ, ngửng đầu lên nhìn mẹ, môi nở nụ cười.

Không còn sự việc rắc rối gì xảy ra nữa, hai mẹ con tới dinh ngài Thống đốc Bellingham. Đó là một tòa nhà gỗ to lớn, xây dựng theo một kiểu mà hiện người ta vẫn còn tìm thấy ở một số nhà dọc phố phường của những đô thị cổ ; những ngôi nhà kiểu ấy này đã phủ đầy rêu, đang tàn tạ đổ nát, trông có vẻ như đau lòng sầu muộn vì bao nhiêu sự kiện buồn vui, còn ghi nhớ hay lãng quên rồi, đã xảy ra và qua đi bên trong những căn buồng mờ tối của chúng. Thế nhưng, hồi đó, tòa nhà ngài Thống đốc mới xây cất được một năm, đầy vẻ tươi tắn, những tia sáng của niềm vui tỏa ngời từ những khung cửa sổ rực ánh nắng của một tổ ấm của con người, nơi đây chưa bao giờ thần chết bước chân vào. Quả là tòa dinh thự này trông bên ngoài thật là vui mắt. Các bức tường được trát một thứ vữa xtuco trộn đầy những mảnh thủy tinh vỡ, để khi ánh mặt trời chênh chếch chiếu vào, mặt tiền tòa nhà sẽ lấp lánh óng ánh như thể người ta đã ném ào ạt bằng cả hai tay từng nắm hạt kin cương vào đấy. Chính ra sự rực rỡ chói lọi ấy thích hợp với tòa lâu đài của Alađanh hơn là với ngôi nhà của một vị lãnh đạo Thanh giáo già nghiêm nghị. Ngoài ra trên tường còn có những hình trang trí kỳ dị và có vẻ như chứa một pháp thuật thần bí nào đó, hợp với khẩu vị độc đáo của thời đại, vẽ lên vữa xtuco khi nó còn ướt, về sau cứng lại và trường tồn để cho người hậu thế vui thích ngắm nghía.

Nhìn thấy cả một kỳ quan rực sáng như vậy, bé Pearl nhảy cẫng lên, bắt đầu múa chân múa tay khoái trá, và nằng nặc đòi mẹ bóc toàn bộ mảng ánh nắng thênh thang trên mặt tiền tòa nhà xuống cho bé chơi.

– Chịu thôi! Bé Pearl của mẹ! – Người mẹ trả lời – Con phải tự nhặt lấy nắng ở ngay chỗ con ấy! Mẹ làm gì lấy được mà cho con?

Bạn đọc cảm nhận


PHONG LINH

Người phụ nữ trẻ Hester Prynne đã bị kết án và phải chịu hình phạt mang một chữ A màu đỏ trước ngực vì đã “không chồng mà chửa”. Cái chữ A ấy chính là chữ viết tắt của từ “Adulteru”, có nghĩa là ngoại tình. Vào cái thời ấy, tội danh ngoại tình chính là tội danh lớn nhất đối với một người phụ nữ. Người phụ nữ nào bị mang trên mình chữ A màu đỏ ấy sẽ phải chịu mức án cao nhất là tử hình, không một khoan nhượng nào hết. Nhưng trong câu chuyện này, Hester đã đấu tranh can đảm để không phải nhận lấy cái chết, nhưng rồi cái giá mà cô phải trả chính là sự khinh miệt, sự quay lưng của cả một cộng đồng người đối với cô. Tôi đã cảm nhận được sự đau đớn đến tận cùng của người phụ nữ ấy khi đơn độc sống với những ánh nhìn oán trách, soi mói, độc địa như xoáy sâu vào tâm can cô. Nhưng tôi cũng không thể ngừng khâm phục cô vì sự can đảm sống trong từng giây từng phút của cuộc đời mình để cho kết tinh tình yêu thực sự của cô và người đàn ông cô yêu có cơ hội được sống.

Có lúc tôi tự hỏi, sức mạnh ở đâu có thể khiến người phụ nữ bé nhỏ ấy có thể đứng vững được sau biết bao nhiêu sóng gió đổ ập xuống đầu. Sức mạnh ở đâu mà cô dám một mình đối diện với cái luật lệ khắc nghiệt của xã hội này để mà sống. Ngắm nhìn cô, tôi mới thấu hiểu cái nhỏ bé quá chừng của hai người đàn ông trong cuộc đời cô. Một người tình là mục sư Arthur Dimmesdale tài năng được ngưỡng mộ như một vị thánh sống. Một người chồng là người đàn ông dị dạng, xấu xí, chỉ muốn khao khát săn tìm kẻ tình địch để báo thù. Hai người đàn ông của cô đều quá bé nhỏ và ích kỉ so với cô. Họ chỉ nghĩ cho sự sĩ diện, sự vinh hoa của mình, họ bỏ mặc cô loay hoay với cuộc sống khốn nạn và khó khăn. Cả hai người đàn ông ấy đều không đáng gì so với cuộc sống của cô.

Ngay khi bắt đầu đọc “chữ A màu đỏ” tôi đã ngưỡng mộ cô. Tôi chăm chú theo dõi từng bước chân của chị trên hành trình mà chị đang đi. Tôi không rời mắt khỏi con người chị và những người xung quanh chị dù chỉ một giây phút. Và tôi đã nhận ra rằng ánh mắt của những người bên cạnh chị khi nhìn theo chị đã dần khác. Tôi không còn cảm thấy cái ánh mắt ngột ngạt hằn học và căm giận nữa. Tôi bắt gặp một ánh mắt yêu thương, tha thứ, và đồng cảm. Quả thực cuộc sống, tình yêu và sự hi sinh trong sáng của cô đã khiến cho cộng đồng không thể quay lưng với cô nữa. Cô sống giản dị, điềm đạm như biết bao nhiêu người đàn bà khác. Người đời không còn trách cô nữa. Tôi nghĩ đó là điều đương nhiên cô đáng nhận được với những gì mà cô đã trải qua. Tấm lòng nhân hậu đã khiến cho chữ A màu đỏ trên người cô trở thành một dấu vết phai nhòa của quá khứ xa xôi, mà hiện tại khi nhìn về phía cô gái đã từng mang tiếng ngoại tình, chửa hoang ấy người ta chỉ cảm tháy lòng yêu thương, vị tha, và một nguồn an ủi đồng cảm vô tận với số phận của những người phụ nữ trong xã hội này.

Đọc tác phẩm “Chữ A màu đỏ” của Nathaniel từ đầu tới cuối tôi đều cảm thấy trong mình tràn dâng những cảm xúc mãnh liệt. Cái cách kể chuyện và miêu tả tâm lý nhân vật với những đoạn độc thoại nội tâm gay gắt của người phụ nữ ngoại tình chính là những trang văn in dấu sâu đậm nhất trong tôi. Tôi đã phải tập trung tất cả mọi trí lực và cảm xúc của mình để theo dõi câu chuyện hấp dẫn này. Một câu chuyện cảm động về nghị lực, sự can đảm và tình yêu cuộc sống vô bờ bến của một người phụ nữ trót mang tội trong xã hội.

Với tôi, nó cũng thật sự là một câu chuyện quá đẹp giữa cuộc sống này, nó đem lại cho tôi nhiều tin yêu, nhiều mạnh mẽ và nhiều hi vọng. Những cuốn sách đã trải qua thăng trầm của thời gian để còn lại, để sáng hơn và đem đến cho những độc giả của hôm nay nhiều trải nghiệm sâu sắc hơn. Một câu chuyện về “Chữ A màu đỏ” khép lại, nhưng đã đem lại cho tôi cái nhìn thấu hiểu hơn đối với số phận và nghị lực của những người phụ nữ ngoại tình. Những người phụ nữ ấy không phải ai cũng xấu xa và đáng trách. Họ có những tâm tư thầm kín mà chỉ khi có được sự thấu hiểu và đồng cảm thực sự chúng ta mới có thể hiểu được.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button