Review

Chó Hoang Dingo, Hay Là Câu Chuyện Mối Tình Đầu

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Ruvim Ixaevich Phraerman
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 238
Ngày xuất bản 01-2015
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

“Và ở đó, ở cái phương xa không nhìn thấy được, hiện lên trước mắt các em một miền đất khác, miền đất huyền ảo, một vùng sáng trải dài.” – Chó hoang Dingo

Ở một thành phương Bắc xa xôi của nước Nga, Tanhia sống cùng mẹ. Em đang lớn lên. Và những cậu bé cũng lớn lên. Lúc nào bên cạnh Tanhia cũng có Phinca, người bạn thửa thiếu thời trung hậu, dũng cảm và vô cùng ngưỡng mộ cô. Một ngày kia bố Tanhia trở về, cùng người vợ mới và cậu con trai nuôi – mọi kịch tính của câu chuyện bắt đầu âm ỉ từ đây, để cuối cùng cháy bùng thành ngọn lửa của tính yêu đầu tiên êm đềm, dữ dội…

Như bông tuyết đầu mùa dịu nhẹ sớm tan, để lại giọt nước trong vắt trên lòng bàn tay, những cảm xúc thuần khiết, lẫn lộn buồn vui của tuổi 15 dẫu qua đi, nhưng vĩnh viễn còn đó trong tâm hồn nỗi bâng khuâng như có làn gió buốt trong lành vừa bay đến từ một vùng biển xa khắc nghiệt và tuyệt đẹp.

Giản dị và nên thơ, Chó hoang Dingo, hay là Câu chuyện mối tình đầu của Rumvim Phraerman từ lâu đã trở thành một tuyệt tác kinh điển của văn học thiếu nhi Nga, làm lay động bao trái tim bạn đọc, những ai đã, đang và sẽ bước qua khúc quanh của cuộc đời, khi tuổi thơ từ giã họ.

[taq_review]

Trích dẫn

Đêm giao thừa thường đến thành phố một cách êm ả, không có bão tuyết, khi thì với một bầu trời quang đãng, khi thì với một màn sương nhè nhẹ thường sáng rực lên dưới ánh sao nhấp nháy. Ở cao hơn, phía trên màn sương này, trong khoảng không mênh mông, mặt trăng đang đi trên con đường của mình.

Tanhia thích đêm ấy hơn cả đêm ấm áp nhất của mùa hè. Đêm ấy em được phép không ngủ. Đó là ngày lễ của em. Thực ra em sinh ra không phải vào đúng đêm giao thừa mà là trước đó, nhưng điều đó thì có ý nghĩa gì! Ngày lễ chỉ là ngày lễ khi nó là của bạn và xung quanh bạn mọi người đều vui mừng. Mà trong đêm ấy ở thành phố không ai ngủ cả. Người ta xúc tuyết trên vỉa hè xuống đường, đi đến nhà nhau chơi, và giữa đêm khuya, những bài hát vang lên, những bước chân kêu lép trên tuyết.

Vào ngày hôm ấy, mẹ không bao giờ làm việc cả, còn Tanhia ở trường về thường kêu toáng lên từ ngưỡng cửa:

– Ngừng lại đã nào, mẹ đừng làm bánh rán vắng con!

Mẹ đứng giữa phòng, tay đầy bột. Đôi bàn tay bà đưa về phía sau giống như đôi cánh sắp nâng bà bay vào không trung.

Nhưng mẹ vẫn ở lại mặt đất. Bà cúi xuống Tanhia, hôn trán em và nói với em:

– Tanhia, chúc mừng con nhân ngày lễ, nhân kỳ nghỉ đông. Mẹ đã làm gì đâu, mẹ vẫn đợi con đấy chứ.

Tanhia quẳng cặp sách lên giá rồi vội vàng mặc chiếc áo chấm đen đã cũ vào người. Em chui vào áo một cách vất vả. Sau một năm, người em lớn hẳn lên, làm chiếc áo căng ra như cánh buồm được ngọn gió thuận chiều thổi căng. Mẹ vừa nhìn vào vai Tanhia vừa lắc đầu:

– Lớn quá, lớn quá!

Không sợ bị dính bẩn bột, Tanhia chộp lấy bàn tay mẹ và nâng bổng mẹ lên, mang đi khắp phòng.

– Khéo con gãy xương sống mất! – mẹ sợ hãi kêu lên.

Nhưng mẹ rất nhẹ. Đối với Tanhia, mẹ còn nhẹ hơn cả bó cỏ khô.

Em thận trọng đặt mẹ xuống sàn, và hai mẹ con bối rối nhìn bà vú già đứng bên cánh cửa.

– Hai mẹ con điên thật, – vú già nói – hay là đã quên mất bột bánh rồi

Và khi ấy những giờ phút dễ chịu nhất đã đến. Tất cả những thức mà buổi tối Tanhia ăn uống và đem thết bạn đều do em tự tay làm. Em nén những hạt anh túc đen, ép ra một thứ nước trắng giống như sữa cây bồ công anh. Chốc chốc em lại chạy vào kho. Mà trong kho thì lạnh khủng khiếp! Tất cả đều đông cứng lại. Mọi vật đều thay đổi hình dạng và trạng thái mà thiên nhiên đã định cho nó. Thịt lạo xạo như đá, Tanhia xẻ thịt bằng một chiếc cưa nhỏ. Trong ngăn tủ, sữa đông lại thành từng miếng. Tanhia lấy dao băm vụn ra, từ dưới dao, những sợi sữa và bụi sữa giống bụi nhựa thông rơi đầy tay em. Sau đó, em mang bánh mì ra. Bánh mì trắng bạc đi trong kho như một ông già. Từ một lỗ nhỏ của nó đều phảng phất cái chết. Nhưng Tanhia biết là nó sống, tất cả mọi thứ đều sống trong kho của em. Cô bé đặt bánh mì và thịt lên bếp lửa, đem lại cho chúng sự sống. Thịt mềm đi và tiết ra một thứ nước đặc sệt, sữa sủi bọt, còn bánh mì bắt đầu bốc hơi.

Sau đó Tanhia đi đôi bàn trượt tuyết ra cánh rừng nhỏ. Em chạy xuống dưới một bờ dốc thoai thoải, ở đó có cả những ngọn linh sam non ló ra dưới tuyết. Em chọn lấy một cây non nhất, có lá xanh hơn các cây khác. Em chặt cây bằng dao sắc rồi đặt lên vai mang về nhà.

Đó là cái cây non mà Tanhia đem đặt lên ghế đẩu. Cả ở cây linh sam nhỏ này, em cũng tìm được mấy giọt nhựa mà em vẫn thích nhai. Và hương nhựa vương vấn mãi khắp căn nhà.

Việc trang trí cây linh sam không mất công nhiều: trên tán lá xanh của nó, kim tuyến lấp lánh dưới ánh nến; những chiếc xe tăng màu bạc bò trên những cành cây; những ngôi sao vàng nhảy dù xuống phía dưới. Chỉ có vậy thôi.

Nhưng trong cái ngày hạnh phúc ấy, mọi thứ mới tuyệt làm sao! Khách khứa đến, và Tanhia rất vui sướng có bạn bè. Mẹ mc máy hát mang từ bệnh viện về cho các em nghe.

Và hôm nay chắc cũng sẽ chẳng tồi hơn chút nào. Bố sẽ đến, Côlia sẽ đến… Cậu ấy có đến không nhỉ?

“Hình như mình lại làm cho cậu ấy giận rồi – Tanhia nghĩ – Để làm gì cơ chứ? Người đâu mà lạ thế, chỉ vì vài câu nói của cái cậu Phinca ngốc nghếch ấy mà cũng có thể làm cho cậu ta mất vui, giết chết những lời nói tốt lành sắp thốt lên từ đáy lòng, ngăn lại bàn tay đang chìa ra cho tình bạn!”

Và Tanhia cảm thấy muốn nhìn lên vai mình, nơi cánh tay Côlia ngày hôm nay đã đặt lên chốc lát.

Không có một dấu vết nào trên vai Tanhia.

Tuy nhiên, khi quay đầu lại, Tanhia nhận thấy mẹ đang chăm chú nhìn em.

Mẹ cầm cuốn sổ liên lạc của Tanhia. Trong quyển sổ ấy, không phải tất cả các điểm đều xuất sắc như trước kia, nhưng lần này mẹ im lặng. Cái nhìn của bà hướng về con gái đượm vẻ trầm ngâm và xót thương. Dường như không phải bà đang chăm chú nhìn Tanhia mà nhìn một sinh vật tí hon đã từng có lúc ngọ nguậy trên lòng bàn tay bà.

Mẹ mặc chiếc áo ngày lễ may bằng lụa đen. Hôm nay mẹ chải đầu thật đẹp, những món tóc nặng và lấp lánh nằm trên gáy. Chẳng lẽ trên trái đất này lại có người đẹp và dễ thương hơn mẹ sao?

“Sao bố lại không thể hiểu nổi điều này nhỉ? – Tanhia nghĩ.’’

Có mấy sợi bông bám vào áo mẹ. Tanhia thở mạnh để thổi chúng đi.

– Bố sắ đến – em nói.

– Ừ, mẹ đang đợi – mẹ bảo. Cả cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna cũng sẽ đến. Mẹ đã mời cô ấy.

– Ồ, tốt hơn hết là cô ấy đừng đến! – Tanhia bất giác thốt lên..

– Sao lại thế, Tanhia? – mẹ hỏi.

– Không cần.

– Nhưng tại sao lại thế hở con bé ngốc nghếch của mẹ?

Thay vào câu trả lời, Tanhia quay tròn mẹ quanh cây thông nhỏ. Em nghĩ, có lẽ cả người lớn cũng hay vờ vịt như trẻ con. Em quay tròn mẹ hồi lâu.

Tiếng bước chân, tiếng giày nện vang trên bậc thềm làm hai mẹ con ngừng nhảy.

– Bố đến đấy, – mẹ vừa cười vừa bảo – thôi không nhảy nữa.

Tanhia nhảy lùi vào một góc nhà.

– Côlia đến – em nói, mặt tái nhợt.

Nhưng không, đấy là những người khác – ba cô bạn cùng chi đội với Tanhia.

Tanhia từ góc nhà ra đón bạn.

– Ở nhà cậu có được nhảy không? – các cô bé hỏi, mặc dù vừa mới ở bên ngoài lạnh vào, mắt còn chưa nhìn rõ và mặt thì đỏ ửng.

– Được chứ. Hôm nay tất cả đều được! – Tanhia nói. – Mình mở đĩaay bây giờ đây.

Tiếng nhạc vang to tràn ngập khắp nhà, những âm thanh như ánh mặt trời đầy ắp lên mái.

Sau đó bố đến cùng cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna. Ông ôm lấy Tanhia mấy lần và chúc mừng em nhân ngày lễ, còn cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna thì tặng em đôi giày da hươu và một cái áo lông có thêu hạt cườm.

Nhưng không thấy Côlia.

Mẹ hỏi: “Thế Côlia đâu?”

– Thật là một thằng bé bướng bỉnh, – bố nói – nó nhất quyết không muốn đi cùng chúng tôi. Nó bảo: Con có quà riêng của con dành cho Tanhia, con sẽ tự mang đến.

Sau đó là Phinca cùng bố mẹ và ba em trai, họ đã đến thành phố với Phinca bằng xe chó kéo. Tất cả đều ngăm ngăm đen, họ đứng thành hàng trước mặt Tanhia và cúi thấp người chào em như chào bà chủ nhà. Sau đó tất cả đều rút trừ trong túi ra một chiếc khăn mùi soa gập bốn và lau mũi. Bác thợ săn rất tự hào về cách xử sự của họ, còn bà mẹ thì bình thản hút một chiếc tẩu viền đinh đồng. Dưới ánh nến, những chiếc đinh ấy ngời lên lấp lánh.

Lũ trẻ được bế bổng lên, Tanhia hôn tất cả không trừ em nào, thỉnh thoảng lại quay lại nhìn mẹ. Suốt buổi tối, mẹ đứng cạnh cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna và nắm tay cô, mặc dù mấy lần Tanhia đã cố thử tách họ ra: khi thì em nhờ mẹ cầm hộ áo lông, khi thì nhờ mẹ giúp em đi giày. Nhưng lần nào cũng vậy, mẹ mỉm cười vỗ vai Tanhia rồi lại trở về cạnh cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna và thân mật nói chuyện với cô.

Bọn trẻ lại yêu cầu nhảy

Tanhia đi ra máy quay đĩa, sung sướng vì có thể quay lưng về phía mọi người trong chốc lát.

Em hăng hái quay tay cầm, chiếc đĩa hát màu đen lấp loáng quay tròn trước mắt em, và chiếc kim lao cần mẫn như con ngựa trên đường rãnh. Ba giọng hát nổi lên rồi chỉ như một giọng, tiếng nhạc vang vang như một dàn hợp xướng của những cây sáo và những chiếc kèn đồng, như các vị thần vui tươi ngự trị trên mũi kim.

Nhưng không có Côlia.

“Cậu ấy ở đâu vậy nhỉ?” – Tanhia buồn bã nghĩ.

Sau lưng em, lũ trẻ vẫn đang nhảy, cây linh sam nhỏ lắc lư và chiếc chụp đèn to bằng giấy chao đi chao lại dưới trần nhà. Bố cũng nhảy với mọi người. Hôm nay ông rất vui và nhảy tuyệt đẹp, làm cho bọn trẻ rất phấn khởi.

– Xem kìa, Tanhia, bố con đang nhảy đấy! – chốc chốc mẹ lại nói.

– Vâng, – Tanhia trả lời, – con thấy rồi mẹ ạ, bố nhảy đẹp lắm.

Cô bé nhìn bố. Nhưng ý nghĩ và cái nhìn của em như để tận đâu đâu. Và rồi em nhận thấy rằng cả bố, cả điệu nhảy của ông, cả không khí vui vẻ lúc này rất ít làm em chú ý. Vậy mà mới đây thôi, bao nhiêu tình cảm vừa cay đắng vừa dịu ngọt ứ đầy trong trái tim em chỉ xoay quanh một ý nghĩ về cha. Có chuyện gì đã xảy ra với em vậy nhỉ? Em luôn luôn nghĩ về Côlia.

“Lúc này cậu ấy ở đâu? Nhà Giênhia hôm nay cũng có dạ hội cây thông”.

Phinca và lũ em đã bắt đầu nhẹ nhàng xo tròn, vòng tròn mỗi lúc một mở rộng. Bốn anh em đập chân khe khẽ trên sàn nhà, và hết người này đến người khác lần lượt mời Tanhia cùng nhảy. Họ nhảy điệu vũ mà những người dân Êvencơ vui tính trên bờ sông Tu-gur thường nhảy vào lúc trăng lên trên những cánh rừng.

Tanhia nhập vào vòng tròn của anh em Phinca. Em nhảy nhưng chốc chốc lại nhìn ra cửa.

– Cừ đấy! – bố phấn khởi reo lên. – Quỷ thật, chúng ta sẽ vui vẻ cả ngày hôm nay! Tanhia, con xin mẹ rượu đi. Bố hãy còn một món quà cho các con đấy.

Mẹ liền nói:

– Đừng gàn dở như thế, bố. Trẻ con không được uống rượu đâu.

– Tôi chỉ biết chắc chắn có một điều là trẻ con không được ăn quả sao hoa – bố nói. – Nhưng rượu thì có thể uống một chút chứ.

– Có thể uống một chút chứ – lũ trẻ đồng thanh lặp lại theo ông.

Bà vú nuôi bèn mang ra một cái khay lớn trên có đặt chai rượu ngọt. Bước theo sau bà là anh chiến sỹ hồng quân trẻ măng Phrô-lốp. Anh mặc chiếc áo lông của lái xe, mỉm cười với mọi người một cách ranh mãnh, trong tay có một cái xô.

– Phrôlốp này anh hãy cho lũ trẻ xem món quà của chúng mình đi.

Bọn trẻ liếc nhìn vào xô nhưng chỉ thấy tuyết trong đó.

– Gì thế này? – các em hỏi. – Ở đó chỉ có tuyết thôi, ngoài ra không còn gì nữa.

– Các em sẽ thấy ngay bây giờ đây – Phrôlốp trả lời.

Rồi anh thò tay vào trong xô, rút từ dưới tuyết ra một quả cam to, rồi hai quả và còn nữa. Lũ trẻ hò reo đón những trái cam. Chúng cầm cam trong tay và ngay lập tức lại bỏ ra vì cam cứng và lạnh. Cầm những quả cam này cũng khó như cầm miếng sắt để lâu trong băng giá vậy.

– Các cháu hãy đợi đã – bố vừa nói vừa cười. – Trước hết cần phải làm tan băng đi. Đến lúc đó các cháu sẽ thích cam cho mà xem.

Ông bỏ một quả cam vào nước lạnh, trong chốc lát trên vỏ cam xuất hiện một lớp băng. Băng bao phủ quả cam bằng một cái màng mỏng, quả cam lấp lánh như quả cầu treo trên cây linh sam nhỏ. Bố dùng dao dập màng băng tan ra từng mảnh; từ những mảnh băng tan nhanh trên lòng bàn tay hiện ra một quả cam tròn tươi rói. Đối với phương bắc, mùi thơm và màu sắc của quả cam thật lạ lùng và kỳ diệu. Đứa em trai nhỏ của Phinca đâm ra sợ không dám ăn cam.

Phinca mang quả cam của mình đưa cho bố.

– Ăn đi con, – bác thợ săn vừa nói vừa nhìn trái cây kỳ lạ này không chút ngạc nhiên. – Bạn bè đã tặng con trái cây này thì nó không thể nào lại có chất độc được. Nhưng giá nó không to như thế này thì bố sẽ nhầm là quả thanh lương trà đấy, và bố sẽ dùng nó để đánh bóng cái tẩu thuốc mới của bố đã bị sương mù làm mờ đi. Tuy nhiên, – ông nói thêm một cách trang nghiêm – trước mùa băng giá thì quả thanh lương trà của chúng ta cũng có thể to được.

Nói rồi, bác thợ săn lấy tay gạt quả cam ra. Ông đã già rồi nên không muốn đề cao bất cứ cái gì không mọc trong cánh rừng quê hương ông.

Phinca bèn đút quả cam của mình dưới lần áo trước ngực để chia với Tanhia. Cậu không thể ăn cái gì một mình được -ể cả một cái rễ cây ngòn ngọt tìm được trong rừng lẫn những mảnh gỗ cây lipa mùa xuân, kể cả mật ong lẫn “mật” kiến.

Nhưng Tanhia không có trong đám khách của cô. Bạn ấy đã bỏ đi đâu rồi? Có chuyện gì đã xảy ra với bạn ấy nhỉ? Hôm nay, Tanhia thật buồn bã.

Phinca ngó vào một căn phòng tối, ở đó trên những chiếc giường có xếp những cái áo măng tô. Cũng không thấy Tanhia ở đây. Cậu bèn đi vào bếp và bắt gặp Tanhia ở mé ngoài. Cô bé đang len lén lách ra cửa. Em đã mặc áo khoác lông và đang cúi xuống buộc dây đôi giày da hươu mới của mình ở chỗ mắt cá chân.

Phinca im lặng lùi lại, che cho Tanhia khỏi những cái nhìn của khách khứa.

Tanhia đi ra bậc thềm. Không khí bốc hơi lên cao thành những cột khói, rồi ở trên cao tít tắp chúng biến thành những đám mây mỏng manh bay lang thang khắp bầu trời quang đãng. Xuyên qua những đám mây ấy, tựa như xuyên qua một tấm kính trong suốt bị hơi thở làm mờ đi, một vầng trăng nhỏ lạnh lẽo hiện ra.

Bạn đọc cảm nhận

Phương Thảo

Câu chuyện này khá tinh tế khi miêu tả tâm lí của một cô bé tuổi mười lăm. Ở cái tuổi mà cô đang dần trưởng thành hơn có nhiều vấn đề về tâm lí, nhiều câu chuyện và nhiều góc khuất liên quan tới bạn bè, gia đình và những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống. Tôi rất thích câu chuyện này bởi vì tác giả miêu tả câu chuyện này khá nhẹ nhàng mà tinh tế. Cô bé nhỏ Nathia của chúng ta chưa thật sự trưởng thành để có thể hiểu mọi chuyện. Chính vì cuộc hôn nhân đổ vỡ giữa mẹ và cha, cô luôn căm thù cha của mình và câu chuyện như dần được diễn biến dồn dập, dứt khoát khi gia đình mới của cha trở về ngay cái nơi chốn bình yên mà cô đang sống. Không chấp nhận sự thật, câu chuyện mới đi tới cao trào và kết thúc trong nỗi đau chia ly.

Chó hoang Dingo không phải là câu chuyện nói về một chú chó như tôi vẫn nghĩ mà kể về các cung bậc cảm xúc khác nhau giữa người với người. Có những lúc giận hờn, hiểu lầm, có những lúc dễ mến, đáng yêu,… tất cả góp phần làm câu chuyện hay hơn nữa.

Vũ Phương

Trước hết, bìa sách rất tao nhã, tựa đề rất thu hút, đó chính là điểm đầu tiên khiến tôi muốn mua sản phẩm này (dù vậy tôi vẫn thấy cái font chữ tiêu đề xấu quá, nếu được chọn 1 font mượt hơn thì hay biết mấy).

Đây là 1 câu chuyện trong lành như bông tuyết, cũng có bi thương nhưng không nhiều (chủ yếu là cảm xúc của Tanhia và người mẹ và người bố về gia đình rạn nứt, nhưng cuối cùng mọi khúc mắc về vấn đề này đã được giải quyết êm thắm). Ban đầu tôi rất sợ nếu đây là 1 chuyện tình tay 3, vì dù sao các nhân vật chính của chúng ta đều còn nhỏ, chỉ mới 14, 15… Nhưng thật may cuốn sách chỉ là những cảm xúc của các cô cậu bé độ tuổi đa sầu đa cảm, là những kỷ niệm của một khoảng thời gian đáng nhớ trong hồi ức tuổi thơ mà chắc chắn sẽ đọng lại mãi trong những nhân vật của câu chuyện. Tanhia là 1 cô bé đa sầu đa cảm và thật sự thì hơi… khó hiểu. Đôi khi tôi cũng không rõ về cảm xúc thật sự của cô bé này. Nhân vật mà tôi thích nhất là cậu bạn Phinca, 1 cậu bé có thể chịu đựng tất cả vì Tanhia. Nhân vật Colia không được miêu tả nhiều về nội tâm nên tôi cũng không rõ lắm về bạn này. Lúc đang đọc tôi luôn tò mò không biết tình cảm giữa 3 nhân vật này sẽ đi đến đâu, nhưng cái kết đã làm cho tôi bất ngờ… Tình đầu chưa chắc là tình cuối, tình đầu cũng chưa chắc phải bên cạnh nhau thể hiện tình cảm với nhau mà đôi khi đó chỉ là những cảm xúc chớm nở khiến con người ta thấy vừa ngọt vừa đắng… Tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu là những điều mà ai cũng phải trải qua, chúng ta nên trân trọng nó và cũng phải suy nghĩ chọn lựa giữa các tình cảm đó cho đúng đắn.

Nhiều chỗ dịch giả dịch hơi lủng củng, khó hiểu, tôi đọc mà cảm thấy rất khó chịu, nhưng đáng khen ở chỗ dịch giả thể hiện được 1 bản dịch khá “đẹp”, nói đẹp là vì ở trong tác phẩm này có rất nhiều từ ngữ, câu chữ hết sức thơ mộng và tình cảm, giống như 1 bài thơ được viết dưới dạng văn xuôi vậy.

Đọc “Chó hoang Dingo, hay là câu chuyện mối tình đầu” đem lại cho tôi cảm xúc lạ lẫm khó diễn tả bằng lời, bối cảnh truyện thật lạnh (vì đây là nước Nga mà!) nhưng nội dung lại thật ấm… Tuy không phải là 1 câu chuyện hoàn hảo nhưng cũng xứng đáng để bạn nhấm nháp và suy ngẫm !

Bức Tranh Cây Cỏ

Cuốn sách được thiết kế vô cùng cuốn hút với màu chủ đạo vàng nhạc kết hợp với nét vẽ như chì tạo nên một khung cảnh bình yên , dịu nhẹ . Chó Hoang Dingo , Hay Là Câu Chuyện Mối Tình Đầu là một cuốn sách không có tình tiết cao trào kịch tính nhưng vẫn khiến người đọc chẳng thể dứt ra được . Có lẽ bởi nó nhẹ nhàng và ngọt ngào nên đã khiến người đọc chìm đắm trong đó chẳng thể bước ra được . Và tôi cũng vậy , tôi đã chìm đắm trong sự ngọt ngào và trong sáng của mối tình đầu ấy , và cũng thức tỉnh sau khi Tanhia tạm biệt chó hoàng Dingo . Kết truyện đã để lại trong ta là cảm giác đan xen giữa ngọt ngào và nỗi buồn thoảng nhẹ như hương hoa .

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button