Review

Chiếc Lá Cuối Cùng

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả O. Henry
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Trí Việt
Số trang 342
Ngày xuất bản 01-2015
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Cuốn sách tuyển tập những truyện ngắn đặc sắc của O. Henry. Ông được biết đến là tác giả truyện ngắn có ảnh hưởng không nhỏ đến bản sắc văn chương Mỹ. Văn phong O. Henry nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng ẩn sau đó là những bi kịch nghiệt ngã của số mệnh, của cuộc sống. Nhiều độc giả không khỏi sửng sốt với những cái kết đầy bất ngờ trong trang văn của ông. Một xã hội Mỹ đa dạng với thân phận của nhiều tầng lớp khác nhau đã được phản ánh sinh động bằng bút lực dồi dào. Điều này lý giải vì sao, truyện ngắn O. Henry được xem như mẫu mực của truyện ngắn hiện đại: cấu trúc ngắn gọn, giọng văn tự nhiên, hài hước, cốt truyện giản dị nhưng không kém phần kịch tính.

[taq_review]

Trích dẫn


DẤU VẾT CỦA BIN ĐEN

Một người gầy lêu đêu, khoẻ mạnh, mặt đỏ rực, có cái mũi khoằm của tướng Oenlinhtơn, đôi mắt đã đỏ lại được đôi lông mi đỏ hoe tôn lên làm cho đỏ như cội, ngồi trên sân ga Lôt Pinôtx, hai chân đung đưa. Ngồi bên cạnh là một người to béo, trầm tư, dáng buồn, hình như họ là bạn thân của nhau. Họ mang dáng dấp của những người mà cuộc đời như một cái áo khoác mặc được cả hai mặt – mặt nào cũng là trái được.
– Không gặp cậu đến bốn năm nay rồi, Ham ạ, – người ủ rũ nói. – Cậu đi những đâu thế?
– Bang Têchdát, – người mặt đỏ nói. – Ở Alaxka lạnh lắm, còn ở Têchdát tôi thấy ấm áp. Tôi sẽ kể cậu nghe về một vụ nóng mà tôi đã trải qua ở đó.
*
* *
Vào một buổi sáng, tôi xuống xe tốc hành bên một hồ chứa nước và để mặc cho xe đi tiếp không cần có tôi. Chỗ đây là một trang trại nhà cửa nhiều hơn ở thành phố Niu-Yooc. Chỉ có điều người ta xây cách xa nhau khoảng hai chục dặm để có ngồi ăn thì nhà khác không ngửi thấy mùi, còn hơn là chỉ xây cách cửa nhà ông hàng xóm một tí.
Chẳng thấy đường sá gì cả, vì vậy tôi đành phải cuốc bộ qua đồng quê. Cỏ mọc lún mắt cá chân và cây mexkit mọc trồng như một vườn đào. Trông hệt như cơ ngơi của một nhà quý tộc, nên lúc nào ta cũng có cảm tưởng bị đàn chó xồ ra đớp. Phải đi mất đến hai mươi dặm tôi mới nhìn thấy một căn nhà nhỏ, to độ bằng một nhà ga nổi.
Dưới gốc cây trước cửa nhà có một người nhỏ bé mặc áo sơ mi trắng và bộ quần áo lao động màu nâu, cổ thắt một chiếc khăn tay màu hồng.
“Xin chào”, tôi nói. “Có gì cho uống, tiền thù lao hay một công việc cho một người khách tương đối lạ hay không?”
“Ồ, xin mời vào”, người đó nói, giọng nghe tao nhã. “Xin mời ngồi xuống cái ghế đẩukia. Tôi không nghe thấy có tiếng ngựa”.
“Còn xa”, tôi nói. “Tôi đi bộ đến đây. Tôi không muốn phiền ông, nhưng giá ông cho tôi xin xô nước thì tốt quá”
“Trông anh bẩn ghê”, ông ta nói, “mà việc thu xếp để tắm thì…”
“Tôi chỉ cần nước để uống thôi”, tôi nói. “Ồ, bụi bặm bên ngoài, ngại gì”.
Ông ta lấy cho tôi độ một môi nước ở trên cái bình đỏ treo lủng lẳng, rồi nói tiếp:
“Ông cần có việc làm à?”
“Tạm thời thôi”, tôi nói. “Nơi này kể cũng khá vắng vẻ đấy nhỉ?”

“Đúng vậy”, ông ta nói. “Đôi lúc, người ta nói, có đến hàng tuần cũn không có một mống nào qua lại. Tôi mới ở đây có một tháng nay. Tôi mua cái trang trại này của một người định cư cũ. Ông ta muốn chuyển xa hơn nữa về phía tây”.

“Rất hợp với tôi”, tôi nói. “Yên tĩnh và an trí đôi lúc cũng tốt cho con người ta đấy. Nhưng tôi cần một việc làm. Tôi biết phục vụ bar, các mỏ muối, giảng bài, phát hành cổ phiếu, đấm bốc ở hạng trung, và chơi đàn pianô”.
“Anh biết chăn cừu chứ?”, viên chủ trại nhỏ bé hỏi.
“Ý ông muốn hỏi tôi đã chăn cừu chưa chứ gì?”, tôi hỏi.
“Anh có biết chăn không? Nghĩa là quản lí đàn cừu ấy?”, ông ta nói.
“Ồ”, tôi nói, “tôi hiểu ra rồi. Ý ông muốn nói là xua chúng và sủa chúng như chó côli sủa chứ gì. Ồ, tôi làm được”, tôi nói. “Thực ra tôi chưa bao giờ đi chăn cừu cả, nhưng qua cửa ô tô cũng thường hay nhìn thấy chúng nhai hoa cúc, trông không có gì dữ tợn cả nhỉ!”.
“Tôi thiếu một người chăn cừu”, viên chủ trại nói. “Đừng có bao giờ trông cậy gì được người Mêhicô đâu. Tôi chỉ có hai đàn cừu thôi. Buổi sáng anh đưa khoảng tám trăm con đi chăn cho tôi, có đáng mấy. Tôi trả anh hai mươi đôla một tháng và bao thêm cả ăn uống. Anh ở trong trại lều trên đồng cỏ với đàn cừu. Anh thổi nấu lấy, nhưng tôi cho người mang củi và nước đến cho anh. Công việc cũng chả có gì là vất vả”.
“Tôi đồng ý”, tôi nói. “Tôi xin nhận việc đó, dù cho tôi có phải quàng quanh trán một vòng hoa, tay bám vào cái gậy, mặc quần áo thụng và chơi kèn ống như những người chăn cừu trong các bức ảnh”.
Vậy là đến sáng hôm sau, viên chủ trại nhỏ bé giúp tôi dẫn đàn cừu từ bãi quây đến gặm cỏ bên sườn đồi nhỏ trên đồng cỏ cách đấy độ hai dặm. Ông ta dạy tôi nhiều điều, nào là đừng có để từng đám cừu tách khỏi đàn, nào là đến trưa phải đưa chúng về máng nước để uống nước.
“Tôi sẽ cho xe chở lều bạt, các đồ để cắm trại và thức ăn đến cho anh vào trước lúc trời tối”, ông ta nói.
“Được”, tôi nói. “Mà đừng có quên thức ăn đấy, cả các đồ cắm trại nữa. Nhớ mang cả lều nhé. Tên ông là Zôlicophơ phải không?”.
“Tên tôi là”, ông ta nói, “là Henri Ogđen”.
“Ồ, vậy là ông Ogđen”, tôi nói. “Tên tôi là Pecxivan Xanh Cơle”.
Tôi chăn đàn cừu được năm ngày ở trang trại Chikitô, lông cừu thấm cả vào lòng tôi. Con người mình sống hầu như gần với thiên nhiên. Tôi trở nên cô đơn hơn cả con dê của Cruxô (1). Tôi đã từng gặp bao người bạn đường thú vị hơn những con cừu đó. Tối tối tôi lùa chúng về bãi quây và nhốt chúng ở đó, rồi nấu ăn, có bánh ngô, thịt cừu và cà phê, sau đó vào nằm ngủ trong một cái lều to bằng cái khăn trải bàn, nghe chó sói sủa và chim đớp muỗi hót quanh lều. Đến buổi tối của ngày thứ năm, sau khi tôi đưa lũ cừu đắt tiền mà tẻ nhạt đó vào bãi quây, tôi đi về khu nhà trại và bước vào cửa.
“Ông Ogđen”, tôi nói, “tôi và ông cần phải đánh bạn với nhau. Lũ cừu cũng làm đẹp cho phong cảnh và giúp làm nên những bộ quần áo lông trị giá tám đôla cho con người đấy, nhưng để chuyện trò tâm đầu ý hợp, thì chúng chỉ ngang hàng những vật vô tích sự. Nếu ông có bộ bài hay cờ, hay sách thì mang ra đây cho chúng ta hoạt động trí óc một tí. Tôi phải làm một việc gì đó về mặt trí tuệ, dù chỉ là đấu trí, với ai đó”.

Tay Henri Ogđen này là một chủ trại kì quái. Hắn ta đeo nhẫn và một cái đồng hồ vàng to bự, cổ đeo cà vạt cẩn thận. Bộ mặt hắn lúc nào cũng trầm tĩnh và cặp kính kẹp ở mũi lúc nào cũng bóng loáng. Có một lần ở Muxcôghi tôi đã nhìn thấy một kẻ ngoài vòng pháp luật bị treo cổ vì đã giết chết sáu người, tên này trông giống hệt hắn ta. Nhưng tôi lại còn biết một cha cố ở Ackandat, anh mà nhìn cứ tưởng đấy là ông anh hắn. Dù gì cũng mặc xác hắn; điều tôi cần là muốn có bạn cùng chung vui, dù là thánh thần hay là những kẻ tội lỗi không còn hi vọng hoán cải cũng mặc, không phải cừu là được.
“Ồ, ông Xanh Cơle”, hắn nói, đặt quyển sách đang đọc xuống. “Tôi nghĩ lúc đầu anh thấy hơi cô độc đấy. Mà tôi cũng không chối rằng tôi cũng thấy đơn điệu. Anh đã lùa cừu vào bãi quây cả rồi phải không? Không lạc mất con nào đấy chứ?”
“Chúng bị nhốt nghiêm ngặt như là một ban hội thẩm xử một tên giết nhà triệu phú”, tôi nói. “Và tôi sẽ quay lại ngay, trước khi cô y tá có qua lớp đào tạo đến”.
Vậy là Ogđen tráo bài và chúng tôi cùng chơi. Năm ngày năm đêm ở ngoài trại chăn cừu qua đi tựa như một tiếng còi ô tô trên đường Brôtuây. Lúc tôi thắng ván to, tôi cảm thấy hồi hộp như mình thắng đến hàng triệu đôla ở Tơriniti. Rồi hắn có vẻ hơi thoải mái nên ngồi kể chuyện về người đàn bà trên toa xe lửa làm tôi cười đến năm phút.
Điều đó chứng tỏ đời đâu có phải là cái gì tuyệt đối. Người ta mà nhìn đủ thứ chán mắt quá thì chẳng buồn quay đầu lại nhìn ngôi biệt thự bừng sáng ánh đèn trị giá đến ba triệu đôla hoặc ngắm biển Ađriatic. Nhưng cứ để hắn ta đi chăn cừu một vụ đi, và ta sẽ thấy hắn ta cười đến vỡ bụng trước bài ca “Tối nay lệnh giới nghiêm không ban hành”, hay thoả thích chơi bài với các bà các cô.
Dần dà Ogđen lôi ra một bình rượu buôcbông, và thế là đàn cừu bị lãng quên hẳn.
“Anh có nhớ đã đọc các báo cách đây một tháng”, hắn nói, “về một vụ tống tiền trên tàu thuộc Công ty Xe lửa K.T. không? Nhân viên an ninh của chuyến tàu bị bắn lủng cả vai và mất khoảng mười lăm nghìn đôla. Người ta đồn chỉ có một người hành động”.
“Hình như tôi có nhớ”, tôi nói, “nhưng những chuyện như thế xảy ra thường xuyên đến nỗi chẳng bao giờ ở lại lâu trong đầu người Têchdát. Thế họ có đuổi theo và tóm được tên ăn cướp không?”.
“Hắn chạy thoát”, Ogđen nói. “Và hôm nay tôi vừa đọc đến tin nói các viên cảnh sát đã truy lùng hắn ta đến tận nơi xó xỉnh này. Hình như tiền mà tên cướp cướp được đều là loại tiền phát hành lần đầu tiên của Nhà băng quốc gia Thứ hai của thành phố Expinôda. Người ta đã theo dõi dấu vết xem tiền đó được tiêu ở đâu, dấu vết ấy đưa họ theo lối này”.
Ogđen rót thêm rượu và đẩy cái chén đến chỗ tôi.
“Tôi thiết nghĩ”, tôi nói, sau khi uống một hơi cạn chút rượu ngon tuyệt vời, “tên cướp tàu hoả nào mà không chạy xuống ẩn náu ở đây một thời gian ngắn thì chẳng khôn ngoan chút nào. Một trang trại nuôi cừu bây giờ là nơi ẩn náu tuyệt nhất đấy. Ai ngờ được một kẻ đầu trâu mặt ngựa lại ở chỗ những con chim hót, đàn cừu và những đám hoa dại này cơ chứ? Nhân tiện đây”, tôi nói, nhìn khắp lượt H. Ogđen, “người ta có tả diện mạo tên khủng bố đơn thương độc mã đó không? Nét mặt hắn ra sao, cao hay thấp, béo hay gầy, răng như thế nào, quần áo kiểu gì, họ có in những cái đó trên báo không?”.

“Ồ, không”, Ogđen nói, “không ai nhận được mặt hắn ta vì hắn ta đeo mặt nạ. Nhưng họ biết tên cướp đó tên là Bin Đen, vì hắn luôn hành động một mình, và vì hắn đánh rơi chiếc khăn tay trên chuyến tàu tốc hành có ghi tên hắn trên đó”.

“Tôi cũng đồng ý với Bin Đen là nên chạy về các khu trại nuôi cừu. Đố ai tìm được hắn ta”.
“Người ta treo giải một nghìn đôla nếu ai bắt được hắn đấy”, Ogđen nói.
“Tôi không cần loại tiền ấy”, tôi nói, nhìn thẳng vào mặt người chủ cừu. “Một tháng ông trả cho tôi hai mươi đôla là đủ rồi. Tôi cần nghỉ ngơi, vả lại tôi có thể dành dụm đến khi đủ tiền để trả tiền tàu đi Techxakana, nơi bà mẹ goá bụa của tôi đang sống. Nếu Bin Đen”, tôi nói tiếp, nhìn Ogđen đầy ý nghĩa, “mà đi theo con đường này, giả dụ cách đây độ một tháng và mua một trang trại nuôi cừu và…”.
“Câm họng đi”, Ogđen nói, nhảy phắt khỏi ghế và nhìn dữ tợn. “Có phải anh định ám chỉ…”.
“Không”, tôi nói, “không ám chỉ gì hết. Cứ coi như một liều tiêm dưới da thôi. Tôi nói giả dụ Bin Đen mà đến đây và mua một trại nuôi cừu, đối xử với tôi thẳng thắn và tử tế như ông đây, thì ông ta chẳng có gì phải sợ tôi. Người vẫn là người, dù cho anh ta có mắc mứu gì với cừu hay với tàu hoả cũng không sao. Bây giờ ông biết lập trường của tôi rồi”.
Ogđen nhìn, mặt xám ngoét như món cà phê phải uống cho nhanh ở ngoài lều trại, rồi cười vui vẻ.
“Đúng, anh sẽ làm như vậy, Xanh Cơle ạ”, hắn nói. “Nếu tôi có là Bin Đen, tôi hoàn toàn tin ở anh, không có gì phải lo cả. Tối nay chúng ta chơi độ một, hai ván thôi. Ồ mà nếu anh thấy không có gì đáng ngại phải chơi với một tên cướp”.
“Tôi đã nói với ông tình cảm của tôi, không có gì mờ ám trong tình cảm đó cả”, tôi nói.
Trong lúc tôi còn đang chia bài sau ván thứ nhất, tôi hỏi Ogđen, làm như vô tình là hắn ta từ đâu tới.
“À”, hắn ta nói, “từ thung lũng sông Mitxixipi”.
“Chốn ấy cũng đẹp đấy chứ”, tôi nói. “Tôi cũng thường hay dừng chân ở đấy. Nhưng ông có thấy là ở đấy khá ẩm ướt, thức ăn thức uống nghèo nàn không? Tôi từ bờ Thái Bình Dương đến đây. Ông đã ở đấy bao giờ chưa?”.
“Chỉ rặt gió là gió”, Ogđen nói. “Nhưng nếu anh có đến miền Trung Tây, chỉ cần nhắc đến tôi là có chỗ sưởi chân và được uống cà phê phin ngay”.
“Ồ được”, tôi nói, “tôi không đi tìm số điện thoại riêng của ông và cái tên đệm giữa của bà cô đã quyến rũ viên mục sư giáo hội Trưởng lão Kămbơlen đâu. Không sao. Tôi chỉ muốn ông biết là ông được an toàn trong bàn tay của người chăn cừu của ông. Này, đừng có lấy quân cơ đánh quân bích, mà đừng có lo lắng thế”.
“Cứ lải nhải mãi”, Ogđen nói, lại cười. “Thế anh không cho rằng nếu tôi là Bin Đen và nghĩ rằng anh nghi ngờ tôi, mà trong tay tôi lại có viên đạn súng Uynchextơ thì tôi kết liễu đời anh và chấm dứt sự lo lắng của tôi sao?”.
“Không”, tôi nói. “Một người mà đã có gan cướp đoàn tàu một cách đơn độc không bao giờ lại chơi xỏ nhau thế cả. Tôi đã từng sống lang thang đây đó nên biết họ là loại người biết đánh giá bạn bè. Hơn nữa, tôi đâu dám coi mình là bạn của ông, ông Ogđen ạ. Tôi chỉ dám coi mình là người chăn cừu của ông thôi; nhưng trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn, biết đâu chúng ta có thể là bạn của nhau rồi”.
“Tôi yêu cầu tạm thời hãy quên đàn cừu đi”, Ogđen nói. “Thôi chia bài đi”.

Bạn đọc cảm nhận


Nguyễn Quang Huy

Lần đầu tiên mình biết đến truyện này là qua cuốn sách giáo khoa ngữ văn hồi cấp 2. Nội dung tác phẩm rất đơn giản, thế nhưng bài học của nó thì lại đầy ý nghĩa. Một con người trẻ tuổi đã rất cận kề với cái chết, tuyệt vọng đến nỗi gắn mạng sống của mình vào một chiếc lá mỏng manh. Thế nhưng, ngày qua ngày chiếc lá vẫn còn đó, giống như mạng sống của nhân vật kia vẫn tồn tại. Để rồi, người đọc phát hiện ra sự thật về chiếc lá cuối cùng kia và nhận ra những thông điệp sâu sắc mà O.Henry truyền tải. Có thể nói, đây là một tác phẩm rất hay về những con người trong cuộc sống, về cách suy nghĩ lạc quan, về lòng yêu thương và sự hi sinh cao cả.

Hà Mã

Không kịch tính, không gay cấn, hồi hộp, nhưng “Chiếc lá cuối cùng” lại luôn để lại trong lòng người đọc những xúc cảm khó phai mờ. Với chất văn nhẹ nhàng, từng câu chữ thấm đẫm tình yêu thương con người, truyện ngắn đã “mang trong nó chức năng sinh thành và tái tạo”. Câu chuyện đã mang lại cho em những bài học rất đáng quý trong cuộc sống. Mỗi người phải biết tin tưởng vào cuộc sống, hãy trân trọng cuộc sống bằng cách sống thật lạc quan, cống hiến cho đất nước. Mỗi người chỉ được sống một lần. hãy sống sao cho sau này, bạn sẽ không bao giờ phải hối hận với cuộc sống đó.

Thùy Trang Phạm

“Chiếc lá cuối cùng” là một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn O.Henry. Chiếc lá cuối cùng, đó là kiệt tác của một người họa sĩ già, cô độc và “không thành công trong nghệ thuật” dù đã “bốn mươi năm cầm cọ mà vẫn không chạm được đến gấu áo Nữ thần”. Nhưng chính kiệt tác duy nhất và cuối cùng của cuộc đời người họa sĩ ấy đó đã cướp lấy một sinh mạng từ tay thần chết trở về.Tác phẩm ấy đã ra đời trong một hoàn cảnh lao động vất vả, nó dũng cảm bất chấp quy luật, vươn lên tất cả để chiến thắng nghèo đói, bệnh tật. Tình người còn lớn hơn cả nghệ thuật, nó làm cho nghệ thuật trở thành sự sống bất tử. Và đó mới là tác phẩm “đáng thờ”, xứng đáng tồn tại với thời gian.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button