Review

Cây Bút Thần Kỳ

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Shin Soo Hyeon
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 169
Ngày xuất bản 07-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Cây Bút Thần Kỳ được dịch từ tác phẩm “Red Pencil” của nhà văn Shin Soo Hyeon, đã nhận được giải thưởng văn học danh tiếng Hwanggum Doggaepi lần thứ 17, năm 2011 và được đánh giá là tác phẩm văn học hay nhất dành cho thiếu nhi của Hàn Quốc hiện nay. Tác phẩm đã khai thác thành công và hiệu quả đề tài đối mặt với những cám dỗ khó tránh nhất. Nhưng trên tất cả, cuốn sách đã xây dựng một hình ảnh nhân vật có tính độc lập cao, có thể tự quyết định vấn đề mà không cần đến sự trợ giúp của người khác.

Trước khi có chiếc bút chì màu đỏ, Min-ho chỉ là một cậu học sinh bình thường, điểm số không xuất sắc. Trong các bài tập viết nhật ký, trang nhật ký của Min-ho vẫn thường được đóng mộc xanh dương, dành cho những bài trung bình và yếu. Và tuyệt nhiên, từ trước tới nay cậu chưa bao giờ được mộc đỏ.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Min-ho nhặt được chiếc bút chì màu đỏ tại trường học. Cầm cây bút lên viết như mọi khi, cậu nhận ra đây là một cây bút thần kỳ, chỉ cần đưa bút lên trang giấy nó sẽ chuyển động và viết lên những lời hay ý đẹp. Đặc biệt, cây bút không bị mòn dù Min-ho có sử dụng nhiều đến đâu.

Không chỉ thầy giáo và bạn bè trong lớp bất ngờ mà ngay cả bản thân Min-ho cũng bất ngờ khi những bài văn của cậu nhận được những lời khen ngợi, thậm chí còn được giải vàng văn hay cấp trường, điều mà Min-ho chưa từng nghĩ tới.

Ngòi bút của Shin Soo Hyeon khá tinh tế khi miêu tả tâm lý của những cô cậu học trò, đặc biệt là sự chuyển biến trong tâm lý của Min-ho từ khi nhặt được chiếc bút thần kỳ đến lúc sống trong vinh quang mà chiếc bút chì đỏ mang lại; hay lúc Min-ho phải dằn vặt và đấu tranh giữa việc giữ lại hay vứt bỏ chiếc bút chì. Cuộc đấu tranh của Min-ho diễn ra trong nội tâm một cách đầy dai dẳng cũng là cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa sự thật và dối trá.

Không ít lần Min-ho muốn vứt bỏ chiếc bút chì đỏ nhưng rồi cậu lại cảm thấy lo sợ vì không có nó, liệu cậu có thể sống tốt được hay không. Và thực tế, Min-ho đã từng tìm cách thoát ra khỏi “bí mật” của mình bằng cách hủy bỏ chiếc bút chì đỏ nhưng sau đó, cây bút chì lại trở lại hình dáng ban đầu như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Lòng trung thực của Min-ho tiếp tục được thử thách trong cuộc thi viết toàn quốc. Cuộc thi với tên gọi Đấu trường một trăm mang tính quyết định với không chỉ Min-ho mà với nhiều học sinh của Hàn Quốc. Nhưng chính lúc này, một phần do Jae-gyu bí mật giấu đi chiếc bút chì đỏ; phần khác, quyết tâm rời bỏ chiếc bút thần kỳ dâng lên mạnh mẽ và Min-ho quyết định viết bằng thực lực của mình.

Đương nhiên, bài văn đó đã không đạt giải nhưng đó cũng chính là minh chứng cho lòng dũng cảm và trung thực của Min-ho. Và như một lẽ tất yếu, lòng dũng cảm và trung thực luôn xứng đáng được ngợi ca và trân trọng. Cây bút thần kỳ đã biến mất. Phần thưởng cho lòng trung thực của Min-ho là cậu đã được nhận vào ngôi trường danh tiếng Nalara của nhà văn Song Ji-ah dù bài thi của cậu bị lạc đề.

Chính bởi ý nghĩa nhân văn này mà tác phẩm Cây Bút Thần Kỳ được dành cho không chỉ thiếu nhi mà các bậc phụ huynh cũng có thể đọc để hiểu con, đồng thời có cách quan tâm cũng như dạy dỗ con đúng mực. Các bậc phụ huynh và con có thể cùng đọc và trao đổi về cuốn sách này trong bữa ăn hoặc lúc nằm cạnh nhau, từ đó giúp con nhận thức rõ hơn về giá trị sống cũng như giá trị của bản thân.

[taq_review]

Trích dẫn

PHÒNG CỦA MẸ

Minho vừa về nhà đã mở máy tính lên ngay. Cậu tìm thông tin trường Nalara thì kết quả lại ra trang mạng cộng đồng do cô Song Ji-ah quản lý.

Hàng năm cô đều chọn ra 8 học sinh bậc tiểu học để bồi dưỡng kỹ năng nghị luận văn học và viết lách miễn phí trong suốt một năm. Và việc này đến nay đã hơn mười năm. Số ứng viên muốn vào Nalara nhiều vô kể, đến mức không thể nào đọc hết các nội dung đăng trên bản tin. Minho không ngờ rằng có quá nhiều người quan tâm đến văn chương như thế.

Vấn đề nằm ở chỗ tiêu chí tuyển chọn. Cô sẽ chọn ra 8 người theo “cách thức riêng biệt”. Cô cho biết rằng nếu từng đoạt giải thưởng viết văn thì tốt, nhưng không có cũng không sao. Thế cho nên các bà mẹ càng sốt ruột hơn. Có người thì bảo là có việc muốn nói riêng với cô, có người còn bảo sẽ tài trợ một khoản hậu hĩnh, xem như thay cho học phí. Trong số những học trò từng học cô, có vài người đã đỗ xuất sắc vào các trường danh tiếng, có người cũng đã trở thành nhà văn. Quả là có lý do để các bà mẹ phải xếp hàng dài chờ đợi như thế.

Minho bỗng ỉu xìu. Trường Nalara. Toàn quốc chọn ra 8 người. Đó là việc ngoài tầm với của cậu.

– Khi phát biểu con có run không?

– Cô nhà văn ấy có nói gì không?

– Phụ huynh học sinh đến có đông không?

– Sao con lại đi xin chữ ký trong sách giáo khoa thế? Con trai mẹ độc quá mà.

Mẹ cứ hỏi tới tấp mà chẳng thèm động đến chén cơm. Cứ như là mẹ hoàn toàn không tin được việc Minho phát biểu trước toàn trường vậy. Thu dọn mâm cơm, bước ra ngoài rồi mà mẹ vẫn chưa dứt câu hỏi.

– Con ấn tượng gì ở cô nhà văn ấy nhất?

– Ưm, cô đẹp. Giọng nói cũng nhẹ nhàng nữa.

– Cái thằng này.

Mẹ cười thật tươi và ôm lấy đầu Minho.

– Hôm nay con qua ngủ với mẹ nhé?

– Dạ.

Minho muốn hòa cùng cảm giác phấn khởi của mẹ. Khi đã tắt đèn, nằm sát nhau trên giường, mẹ hỏi:

– Cô nhà văn đẹp lắm con hả?

Mẹ lại lôi câu chuyện ấy ra. Nhưng giọng nói thì lại trầm tĩnh hơn khi nãy. Dường như mẹ đang thì thầm với chính mình hơn là hỏi Minho.

– Mẹ, sao mẹ hỏi hoài thế?

Ánh mắt mẹ không nhìn Minho mà đưa vào sâu hun hút trong bóng tối xa xăm.

– Hồi trước ấy, mẹ đã từng ước mơ thành nhà văn. Trong lời mẹ nói như ướt nhòe mưa phùn buổi sớm.

– Cho nên mẹ đã đọc sách và học hành rất chăm chỉ.

– Nhưng con thấy mẹ đâu có viết văn.

– Lúc trước thì có. Giờ chẳng viết, mà cũng không có thời gian để viết.

Giọng nói mẹ trĩu dần xuống.

– Lâu quá không viết rồi nên bây giờ có viết cũng chẳng biết viết gì. Mẹ chẳng nghĩ ra được gì để viết cả.

– Con cũng chẳng biết viết gì.

Minho nói rồi bật cười. Cậu cứ đinh ninh rằng mẹ sẽ cười theo, nhưng mẹ chẳng có phản ứng gì cả.

– Ơ, vậy sách mẹ đọc hồi đó đâu cả rồi?

– ……mẹ bỏ hết rồi.

– Sao thế ạ? Mẹ từng bảo là mẹ không bỏ sách cơ mà. Mẹ lặng thinh hồi lâu.

– Vì không có chỗ để con ạ. Nhà mới chật quá.

– Thế sao mẹ không chất trong phòng mẹ này?

– Mẹ không có phòng.

Mẹ không khóc. Nhưng vẻ mặt buồn rười rượi hơn cả khóc. Minho dụi đầu vào trong lòng mẹ. Vì căn nhà chật chội mà không giữ được sách, mẹ đã xót xa biết bao nhiêu. Khi bỏ đi những quyển sách nâng niu, chắc mẹ đã khóc nhiều lắm.

Mẹ vòng tay ôm lấy Minho.

– Mẹ không sao. Đã có Minho của mẹ đây rồi mà. Minho cảm nhận được hơi ấm nồng của mẹ nên dần

khép mắt lại. Cây bút chì đỏ cứ chập chờn trước mắt.

– “Thật may mắn làm sao.”

Cây bút chì đỏ trong bóng tối càng đỏ dần lên và chiếu ánh sáng ngời.

– “Cám ơn……”

Minho mấp máy môi khe khẽ thốt lên.

BÚT CHÌ ĐỎ MỚI

Chủ đề viết lần này là viết về gia đình. Bài lần này sẽ được xét chọn bài viết hay của tháng, thế nên các em nhớ đăng nộp bài lên trang blog của lớp, hạn chót là chủ nhật nhá.

Thầy giáo họp cả lớp lại và thông báo cuối ngày. Jae-gyu giơ cao tay:

– Viết ở nhà thì nhỡ đâu có người viết giúp thì sao ạ. Trực tiếp làm bài trên lớp thì chắc sẽ công bằng hơn đó thầy.

Jae-gyu nói nhắm vào Minho. Jae-gyu đang nghĩ rằng chắc có giáo viên dạy thêm, hay cậu, dì gì đấy chỉ dẫn cho Minho. Bởi lẽ không lý nào một ngày nọ Minho lại đột nhiên viết văn hay như thế. Thật ra phần thưởng cho bài viết hay của tháng cũng chẳng thú vị gì. Cũng không phải do sự ganh đua, chỉ cần xem lại những lần trước là biết ai hơn ai rồi, vấn đề nằm ở chỗ lòng tự tôn. Jae-gyu quyết tâm giật lấy vị trí của Minho, người vốn dĩ không ngang tầm đối thủ của cậu.

– Được, vậy chúng ta sẽ làm bài viết trong giờ học ngày mai.

Thầy gõ nhẹ vào bàn và nói.

Minho chẳng ngại ngần chi việc viết ở trường hay viết ở nhà. Nhưng chủ đề lần này quả là gay go với cậu.

“Gia đình tôi”. Chẳng có gì đáng để viết về nhà của cậu. Minho chẳng muốn ghi vào đấy rằng ba cậu không ở nhà. Càng không muốn tả lại rằng mẹ phải đi làm công ty nên cậu đến trường rồi tự về nhà chỉ có một mình. Dĩ nhiên là cậu biết mẹ rất thương cậu, thế nhưng bấy nhiêu đó thì không thể lấp đầy vào bài viết về “Gia đình tôi” được. Lúc trước thì còn có thể viết rằng được dẫn đi chơi những đâu, ăn những món ngon nào, nhưng giờ thì đâu còn được như thế nữa. Muốn viết về “Gia đình tôi” thì phải có thêm bao nhiêu điều nữa.

Nhà tôi, trường tôi, giới thiệu về gia đình là những chủ đề mà thầy cô rất thích. Đến ngay cả người lớn cũng biết rằng không thể viết hết sự thật vào được cơ mà, sao cứ bắt bọn trẻ viết những chủ đề ấy mãi thế. Hay là người lớn đang lo lắng chăng. Họ luôn muốn khẳng định lại rằng mình là ông bố, bà mẹ tốt, là giáo viên mẫu mực.

Minho chậm chạp thu dọn cặp sách rồi bước ra khỏi lớp. Học sinh lớp lớn hơn bên cạnh túa ra đầy hành lang làm cậu khựng bước. Phía đằng kia, Minho trông thấy bóng dáng Jae-gyu đang tách khỏi đám đông nhốn nháo trên hành lang, bước đi ung dung. Từ lúc Jae-gyu rẽ bước ở góc hành lang cho đến khi khuất dạng, Minho cứ chôn chân tại chỗ.

Vào giờ quốc ngữ ngày hôm sau, Minho nhìn tờ giấy trắng mà lòng rối bời.

“Nhỡ đâu cây bút chì đỏ mang hết chuyện gia đình mình kể ra thì biết làm thế nào?”

Tiếng viết bài của các bạn xung quanh vang lên loạt soạt. Tất cả đều đang viết rất hăng say. Quay lại nhìn thì thấy Jae-gyu đã viết được hơn nửa trang giấy. Su-ah cũng đang tập trung vào bài viết. Chắc là Su-ah có rất nhiều điều để viết về gia đình hạnh phúc của mình. Jeong-ran hình như đang vẽ tranh lên phần góc bài làm. Chỉ có mỗi Minho là đang không làm gì cả.

Cây bút chì đỏ trong hộp viết hôm nay cũng bất chợt sáng bừng lên. Cây bút này Minho dùng để viết cũng đã độ mươi lần mà không bị mòn đi chút nào, cứ y nguyên như lúc mới cắt. Minho cầm lấy bút chì đỏ.

Ngòi đen vừa chạm giấy là thân bút cũng hí hoáy chuyển động. Thời gian gấp gáp quá rồi mà? Tốc độ của bút chì đỏ hôm nay cũng nhanh hơn hẳn mọi khi. Cứ như không thể chờ lâu hơn được nữa, cây bút đang dốc toàn tốc lực để viết nước rút. Giống như con ngựa bị đứt dây cương vậy.

Nhưng Minho cứ phập phồng lo sợ. Cậu dồn lực vào tay, định dừng bút lại nhưng không được. Một lần nữa dồn hết lực vào cánh tay. Thế nhưng cũng không thể ngừng lại. Cây bút chì đỏ cứ chạy liên hồi. Đầu Minho cứ rối lên như mớ bòng bong.

“Khỉ thật!”

Đột nhiên cây bút ngừng hẳn lại. Bài văn đã viết xong.

“Đây là sự dối trá.”

Minho run bần bật nên khó có thể đọc hết trọn vẹn bài văn của bút chì đỏ viết.

Nội dung là cậu chơi bóng chày cùng với ba, có ba canh chừng cho nên cứ ném bóng rất thoải mái, lần sau quyết tâm để ném một cú home run thật đẹp, cảm nhận rất đặc biệt từ chiếc mũ bóng chày cũ kỹ của ba, khi về đến nhà thì mẹ đang làm bánh quy, cả ba thành viên cùng quây quần bên nhau ăn bánh trong không khí ấm áp, cùng trò chuyện về kế hoạch ngày chủ nhật sẽ đi đào khoai lang ở nông trại ngoại ô.

Minho chưa bao giờ làm bất cứ việc nào đã nêu trong bài viết cả. Đây là những việc cậu hằng mong mỏi, nhưng giờ đây cậu đã từ bỏ phân nửa số đó rồi.

Không thể nộp bài này được. Minho định bụng sẽ viết lại bài văn khác.

– Còn năm phút nữa.

Giọng thầy vang vọng. Minho vứt bút chì đỏ vào hộp và lấy cây bút khác ra.

Ba của tôi

Ba tôi. Cậu chẳng thể nghĩ ra điều gì cả, đầu óc trống rỗng. Minho không viết được dòng nào. Để viết thêm một bài văn khác bây giờ là điều không thể. Cứ lấy bài văn của bút chì đỏ, sửa lại một chút rồi nộp thì có vẻ ổn hơn.

Cậu chưa bao giờ chơi bóng chày với ba. Đổi lại thành chơi Lego vậy. Mẹ cũng chưa bao giờ làm bánh quy, chỉ có mua về thì nhiều, thôi phần này cứ để y nguyên vậy. Trang trại hình dáng ra làm sao, cậu cũng chưa từng được thấy qua, đành đổi thành ra chợ mua khoai lang thôi.

Minho dùng cục tẩy bôi sột soạt vào chỗ bóng chày và nông trại. Cục tẩy rịn ra đầy những bột dày trên giấy. Thế nhưng không thể bôi đi được. Cục tẩy đã mòn đi rồi mà chữ của bút chì đỏ vẫn cứ trơ ra đấy, chẳng mờ một tí nào!

Minho cảm thấy ớn lạnh và toàn thân nổi da gà. Sột soạt, sột soạt. Chỉ có cảm giác như cây bút chì đỏ đang gặm nhấm trí óc cậu mà thôi.

Khi đó, Jea-gyu đã làm xong bài và đang dò xét động thái của Minho thì được một phen kinh ngạc. Minho rất kỳ quặc. Cậu cứ ngồi nhìn tờ giấy mãi mà chẳng viết gì, rồi nhìn vào hộp bút. Thế rồi cậu ấy vơ chặt lấy một cây bút chì. Vừa đặt bút xuống, Minho đã thay đổi hoàn toàn. Cậu viết với một tốc độ thần kỳ như được tiếp thêm sức mạnh. Cậu viết một mạch chỉ trong tích tắc, không một chút bối rối, không dùng đến cục tẩy lấy một lần. Jae-gyu rất sửng sốt. Vì dẫu cho là nhà văn tài ba đến mức nào cũng không thể viết nhanh được như thế. Trông cứ như chữ tự động tuôn ra vậy. Viết xong, Minho có vẻ mệt mỏi, kiệt sức. Và Minho cũng nghi ngờ về bài văn mình vừa viết xong.

Nghe thầy hô hiệu lệnh còn năm phút nữa nộp bài, Jae-gyu cũng chuyển hướng nhìn rời khỏi Minho. Cậu hít một hơi thật sâu rồi thở phào, làm dịu bớt sự hưng phấn rồi tập trung xem lại bài. Bài viết đã hoàn hảo, nội dung không có vấn đề gì, lỗi chính tả cũng không.

Jae-gyu tự tin tiến lên để nộp bài. Quay lại liếc sang chỗ Minho, cậu ấy đang ngồi tại chỗ, mặt trắng bệt. Minho đến phút cuối vẫn chưa nộp bài. Chắc chắn là cậu ta không làm bài được rồi. Jae-gyu bất giác nhếch một nụ cười thầm.

Bạn đọc cảm nhận

Thanh Võ

Những mẫu chuyện vụn vụt quanh cuộc sống hằng ngày của Minho trong Cây Bút Thần Kỳ cho mình nhiều bài học quý giá trong cuộc sống.

Những bài học về tình người mang tính nhân văn vô cùng sâu sắc. Trong đó nổi bật lên là bài học về lòng trung thực của Minho. Phải qua bao nhiêu giằng vặt từ nội tâm, qua bao nhiều đấu tranh trong tư tưởng cậu mới có quyết định đúng đắn ấy 🙂 Một sự quyết định sáng suốt và đầy cao thượng!

Quyển sách không phải là những câu chuyện quá hay, không quá nhiều tình tiết nhưng để lại những giá trị to lớn về bài học làm người.

Với văn phong tinh tế, cách kể truyện chậm rãi và có hồn, khắc họa tâm lý cũng như nội tâm nhân vật với những giằng xé đầy tinh tế, Cây Bút Thần Kỳ đã tạo nên một quyển sách hay và đáng để trân trọng nó!

Nguyễn Cao Phát

Câu chuyện ca ngợi lòng dũng cảm và thật thà của cậu bé Minho. Cậu đã dám viết lên sự thật lòng mình, dám đấu tranh nội tâm để cuối cùng quyết định vứt bỏ món bảo bối có thể giúp cậu được khen thưởng, được nổi tiếng. Đó là một quyết định đúng đắn và vô cùng mạnh mẽ, vì cậu không muốn lừa dối người khác, càng không muốn lừa dối chính mình. Và phần thưởng cho lòng dũng cảm đó là món quà đầy bất ngờ và tuyệt vời mà cậu ko dám mong ước. Đây là một câu chuyện dành cho thiếu nhi nhưng cũng đáng cho người lớn suy ngẫm. Vì người lớn đôi khi hành động và suy nghĩ ko bằng trẻ nhỏ. Truyện viết khá được, mình khuyến khích cho 5 sao 🙂

Nguyễn Văn Hoàn

Công nhận đây là một cuốn truyện thiếu nhi hay và ý nghĩa. Tác giả đã lấy đề tài ngay từ cuộc sống xung quanh: các em học trò viết văn chỉ cốt để được điểm cao, những người chỉ hay nói những gì người khác muốn nghe chứ không dám giãi bày thật lòng. Cậu bé Min-ho đã trải qua một cuộc đấu tranh với chính mình để có thể nói lên suy nghĩ bản thân, gửi gắm tâm nguyện đến người cậu yêu thương, vì cậu đã hiểu được rằng những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim.

Mình hài lòng với cách dịch nhưng phải nói thật là khâu thiết kế bìa cẩu thả đã làm tụt 50% độ hấp dẫn của cuốn sách. Mình ghét cay ghét đắng người nào đã chọn duyệt cái bìa này.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button