Review

Câu Chuyện Do Thái

Thể loại Sách lịch sử
Tác giả Đặng Hoàng Xa
NXB NXB Hồng Đức
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 297
Ngày tái bản 02-2015
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Tại sao Issrael ngày nay lại là một điểm “nóng” tại Trung Đông và là tâm điểm chú ý của toàn thế giới , cả về những xung đột đầy bạo lực cũng như những thành tựu về kinh tế, văn hóa và con người đến ngạc nhiên như thế?

Tuy rằng Israel hiện đại khởi nguồn từ một trong những nền móng xã hội và văn hóa lâu đời nhất trên trái đất, di sản cổ xưa của nó đã không giúp cho công cuộc xây dựng quốc gia Israel hiện đại dễ dàng hơn. Ngược lại, tôn giáo và chủ nghĩa duy vật, ngôn ngữ đa dạng, dân chúng với nhiều trình độ phát triển kinh tế, kinh nghiệm lịch sử khác nhau, trong số các yếu tố khác, đã khiến cho cuông cuộc xây dựng quốc gia của Israel đặc biệt phức tạp và đầy thử thách. Một mảnh đất nhỏ bé và khô cằn, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, bao quanh bởi các nước làng giềng thù địch, cùng với những câu chuyện thành công ngoạn mục đã làm cho Israel trở nên một đất nước như huyền thoại.Vậy thì chìa khóa của những thành tựu của người Do Thái nằm ở đâu nếu không phải là nằm ở nơi những cổ vật quý giá hay ở kích thước địa lý của đất nước và lịch sử? Lần theo câu hỏi này chúng ta phát hiện ra rằng cái đã nâng người Do Thái từ tăm tối lên tới vĩ đại chính là sự khao khát của họ trong việc truy cầu những ý nghĩa lớn lao của cuộc sống.Chúng ta hãy cùng nhau quay lại cuốn phim lịch sử, lần bước theo hành trình kinh ngạc của dân tộc đáng ngưỡng mộ này qua cuốn sách “Câu chuyện Do Thái: Lịch sử thăng trầm của một dân tộc”.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Ngoại giao, Học viện ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã viết trong lời giới thiệu rằng: “Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới đa dạng, nhiều sắc màu. Có những dân tộc bị vùi dập xuống tận bùn đen, rồi ngậm ngùi cho đó là “số phận”. Có những dân tộc luôn sẵn sàng tiến về phía trước, chấp nhận thách thức và nhờ vậy đã thành công, có những phát kiến, đóng góp vĩ đại cho nhân loại.

Người Do Thái và Quốc gia Do Thái Israel là một trong số rất ít các ví dụ điển hình. Trên thế giới có lẽ chưa có trường hợp nào như người Do Thái, cả một dân tộc chịu cảnh “thiên di”, sống lưu vong, phiêu bạt khăp nơi trên thế giới trên 2000 năm nhưng vẫn phục quốc thành công với nguyên bản sắc và tôn giáo của mình. Không chỉ có vậy, với tổng số 16 triệu người, tức chiếm khoảng 0,2% dân số thế giới, người Do Thái đã đứng ở đỉnh cao trong rất nhiều lĩnh vực và có đóng góp to lớn cho nhân loại, thể hiện rõ nhất qua việc họ giành được khoảng 30% tổng giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế và y học từ trước đến nay.

Với một cuốn khảo cứu chưa đầy 300 trang dưới tiêu đề “Câu chuyện Do Thái: Lịch sử thăng trầm của một dân tộc”, tác giả Đặng Hoàng Xa, người đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức cho đề tài này, đã vẽ nên một bức tranh lịch sử sống động trải dài qua 4000 năm đầy bi thương, nhưng cũng đầy quả cảm của dân tộc Do Thái. Với óc quan sát tinh tế, cộng với tư duy logic của người làm khoa học, tác giả Đặng Hoàng Xa đã đưa ra cách nhìn đa chiều về các yếu tố tôn giáo, văn hóa, kinh tế, chính trị, lịch sử và có những lý giải khá thuyết phục về câu chuyện thành công của người Do Thái cũng như quá trình hình thành và xây dựng đất nước của Nhà nước Israel hiện đại ngày nay.

Tuy câu chuyện là của người Do Thái và Nhà nước Israel, nhưng qua đây chúng ta cũng thấy có nhiều nét tương đồng về tinh thuần bất khuất, không chịu lùi bước trước gian khó của người Việt và người Do Thái. Cái còn lại là câu hỏi còn bỏ ngỏ cho bạn đọc là liệu chúng ta có thể học gì để thành công trong công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước như người Do Thái?

[taq_review]

Review

Trần Trung Kiên

Nhà nước Do thái israel hiện đại ngày nay tuy có lịch sử phát triển không dài nhưng đã trải qua biết bao nhiêu biến cố. Từ vấn đề tôn giáo, lãnh thỗ, dân tộc, kinh tế, văn hóa, chính trị….đến cả vấn đề chiến tranh, lịch sử lập quốc. Tác giả Đặng Hoàng Xa đã đưa người đọc tìm hiểu qua tất cả các vấn đề nói trên 1 cách cô đọng nhưng sâu sắc nhất. Cách thức nhà nước Do thái vuợt qua khó khăn là bài học kinh nghiệm sâu sắc mà Việt Nam chúng ta có thể nghiên cứu và hoc hỏi. Đây là 1 tác phẩm không chỉ có giá trị văn học mà còn có cả giá trị xã hội đáng để suy ngẫm trong đó.

Như Thoa

Cuốn sách viết khá rõ về nguồn gốc của nhà nước Do Thái. Mở rộng nhiều vấn đề như kinh tế, nguồn gốc, đạo giáo, chính trị … Đặt biệt phần tôn giáo viết rất kỹ không những về tôn giáo của người Do Thái mà còn cho người đọc một số thông tin về Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Sách không đưa ra ý kiến cá nhân, không áp đặc suy nghĩ cho người đọc mà để người đọc tự suy ngẫm. Cho thấy được tính hình thế giới bên ngoài Việt Nam, về một nhà nước xây dựng trên cơ sở là một tôn giáo. Tuy nhiên sách sử dụng ngôn ngữ hàn lâm nên có một số chổ khá khó hiểu. tôi mua cuốn sách vì ngưỡng mộ nền kinh tế sáng tạo và hiện đại của họ nhưng phần kinh tế không thật sự hấp dẫn nên khuyên những người như tôi nên mua thêm cuốn quốc gia khởi nghiệp.

Kim Tại Trung

Tôi được một người bạn giới thiệu cho cuốn sách này khi vô tình nhắc đến “Quốc gia khởi nghiệp”. Với tôi, dân tộc Do Thái luôn là một dân tộc kỳ lạ. Từ cách họ chiến đấu kiên cường để giành lấy đất tổ, giữ gìn nền văn minh của một dân tộc “được chúa chọn”, đến cách họ dám nghĩ, dám làm và dám phá vỡ mọi nguyên tắc mà những quốc gia khác xem là tôn ti, trật tự. Chỉ có thể gói gọn trong hai từ khi nói về Do Thái và Israel – “Phi thường”. Cuốn sách được viết vô cùng chi tiết, và những phần về sau được tác giả Đặng Hoàng Xa phân tích rất logic, từ cách đặt vấn đề, đến sự lý giải cho những thành công hiện tại và những trở ngại trong tương lai. Cuốn sách không chỉ là kho thông tin bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về đất nước, con người Israel hay dân tộc Do Thái nói chung, mà còn như một cuốn cẩm nang cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp, muốn thử và đặt ra những thử thách cho chính bản thân, và lớn lao hơn là sự suy xét, nghĩ về cho nền kinh tế, tiềm lực quốc gia.

Trích đoạn

2007: Hamas giành quyền kiểm soát dải Gaza

Vào thời gian này, tín nhiệm của Hamas trong cộng đồng người Palestine lên cao do cảm nhận rằng, trái ngược với đảng đối thủ Fatah, Hamas không dính vào tham nhũng. Trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Palestine (Quốc hội) vào ngày 25 tháng Một năm 2006, Hamas giành chiến thắng, với 76 ghế trong tổng số 132 ghế, và trở thành người lãnh đạo trong chính phủ Đoàn kết Dân tộc Palestine. Phe thiểu số là Fatah. Do tính chất của hệ thống nghị viện của Palestine, điều này có nghĩa là Hamas cũng kiểm soát các vị trí điều hành của chính quyền Palestine, trong đó có vị trí Thủ tướng chính phủ và nội các. Ismail Haniyeh của Hamas được đề cử cho vị trí Thủ tướng mới của chính quyền Palestine. Mahmoud Abbas của Fatah vẫn là Tổng thống. Tuy nhiên, chính phủ Đoàn kết Dân tộc Palestine đã sụp đổ khi cuộc xung đột bạo lực giữa Hamas và Fatah nổ ra sau đó, chủ yếu là ở dải Gaza. Sau khi Hamas chiếm quyền kiểm soát dải Gaza vào ngày 14 tháng Sáu năm 2007, Tổng thống Mahmoud Abbas của chính quyền Palestine đã giải tán chính phủ do Hamas lãnh đạo và thành lập một chính phủ khẩn cấp do Fatah lãnh đạo ở Bờ Tây do Salam Fayyad làm Thủ tướng.

Sự việc này đã chia đôi chính quyền Palestine thành hai chính thể và cả hai đều tuyên bố rằng mình là đại diện thực sự của người dân Palestine. Fatah kiểm soát Palestine ở Bờ Tây và Hamas kiểm soát dải Gaza. Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ vẫn coi Hamas là tổ chức “khủng bố”, và chiến thắng bầu cử của Hamas dẫn đến một cuộc tẩy chay viện trợ của các chính phủ phương Tây.

2007: Hội nghị Annapolis

Nhận thức toàn cầu từ trung tâm của cuộc xung đột Israel- Palestine tới các sự kiện ở Iraq, Lebanon, và “cuộc chiến chống khủng bố”, cùng với lo ngại về sự xuất hiện của hai đối thủ Fatah và Hamas trong các vùng lãnh thổ Palestine, đã làm sống lại sự quan tâm của lãnh đạo phương Tây trong nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Từ tháng Mười Hai năm 2006 đến giữa tháng Chín năm 2008, Thủ tướng Israel Ehud Olmert và Tổng thống Mahmoud Abbas của chính quyền Palestine đã gặp nhau 36 lần; cũng có những cuộc hội đàm cấp thấp hơn.

Tháng Mười Một năm 2007, tại một hội nghị do Hoa Kỳ tổ chức ở Annapolis, Maryland, các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã nối lại các cuộc đàm phán hòa bình chính thức đầu tiên sau bảy năm. Trong nỗ lực của mình để thương lượng một hiệp ước hòa bình và thiết lập một nhà nước Palestine, Olmert đã đề xuất một kế hoạch cho người Palestine. Trung tâm của đề xuất của Olmert là một đường biên giới vĩnh viễn, dựa vào đó Israel sẽ rút khỏi phần lớn Bờ Tây. Đổi lại phần đất mà Israel giữ lại ở Bờ Tây, người Palestine sẽ được nhận đất thay thế ở Negev, tiếp giáp với dải Gaza, cũng như đường liên kết lãnh thổ cho tự do đi lại giữa dải Gaza và Bờ Tây. Theo đề nghị của Tổng thống Abbas, hơn 60% những người định cư sẽ ở lại tại chỗ. Olmert, về phần mình, đã trình bày một kế hoạch trong đó các khu định cư thưa thớt nhất sẽ được sơ tán. Olmert và Abbas cả hai thừa nhận rằng mối quan hệ tương hỗ là cần thiết, không tách biệt đóng kín. Họ cũng thừa nhận sự cần thiết phải chia sẻ một hệ sinh thái kinh doanh duy nhất, trong khi hợp tác mạnh mẽ trên mặt nước, an ninh, băng thông, ngân hàng, du lịch và các lĩnh vực khác. Về Jerusalem, các nhà lãnh đạo đồng ý rằng khu dân cư của người Do Thái vẫn nên thuộc chủ quyền của Israel, trong khi các khu dân cư Ả Rập sẽ thuộc chủ quyền của Palestine. Cuối cùng người Palestine bác bỏ kế hoạch của Olmert với lý do rằng nhà nước Palestine như hình dung sẽ thiếu sự liên tục về lãnh thổ cũng như thủ đô của nó là Jerusalem.

2008: Cuộc chiến Gaza 2008 (Operation Cast Lead)

Do tính chất cực đoan của Hamas, sự thù địch giữa Hamas và Israel ngày càng tăng. Ai Cập làm trung gian thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas 2008, kéo dài nửa năm bắt đầu từ ngày 19 tháng Sáu năm 2008 cho đến ngày 19 tháng Mười Hai năm 2008. Ngay sau đó Hamas tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công tên lửa sang đất Israel, lấy cớ là do các cuộc tấn công của Israel và việc Israel phong tỏa liên tục dải Gaza. Để đáp trả, Israel mở cuộc tấn công lớn nhất tại Gaza trong vòng bốn thập niên qua với mục tiêu là để ngăn chặn chiến binh Hamas bắn rocket vào Israel, mở đầu chiến dịch Operation Cast Lead kéo dài ba tuần từ ngày 27 tháng Mười Hai năm 2008 và kết thúc ngày 18 tháng Một năm 2009 với tuyên bố ngừng bắn đơn phương của Israel.

Theo Trung tâm Nhân quyền Palestine, 1.417 người trong đó có 926 dân thường thiệt mạng. Israel mất 10 binh sĩ và ba dân thường trong chiến đấu. Israel ước tính 1.166 người Palestine thiệt mạng, trong đó là 295 người dân thường.

Các cuộc không kích đã gây hư hại bệnh viện, hệ thống cấp nước, các tổ hợp của Liên Hợp Quốc, nhà thờ Hồi giáo và các tòa nhà chính phủ cũng như nhà riêng. Israel cáo buộc Hamas đã trú quân lẫn lộn trong các khu dân cư và sử dụng nhà thờ Hồi giáo và trường học làm các cứ điểm quân sự. Các quan chức chính phủ Israel cho biết mục tiêu của chiến dịch là nhằm làm suy yếu Hamas bằng cách tiêu diệt lực lượng chiến binh và phá hủy kho vũ khí tên lửa của Hamas. Israel cũng ném bom phá hủy mạng lưới các đường hầm đến Gaza từ nước láng giềng Ai Cập. Người Palestine sử dụng mạng lưới này để nhập lậu vũ khí. Israel rút quân ra khỏi dải Gaza hai ngày sau tức là ngày 21 tháng Một năm 2009.

2010: Hội đàm trực tiếp

Năm 2009, Thủ tướng mới của Israel Benjamin Netanyahu cam kết sẽ đàm phán với người Palestine và lần đầu tiên chấp nhận triển vọng của một nhà nước Palestine trong tương lai nhưng nhấn mạnh rằng người Palestine cần phải thể hiện những cử chỉ đối ứng và chấp nhận hai nguyên tắc: 1. công nhận Israel là nhà nước quốc gia của người Do Thái; 2. nhà nước Palestine trong tương lai phải là phi quân sự và chấp nhận những cam đoan về an ninh, bao gồm các đường biên giới phòng thủ cho Israel. Cuối năm đó, Nhà Trắng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp ba bên giữa Tổng thống Obama, Thủ tướng Netanyahu của Israel và Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine, trong một nỗ lực đặt nền móng cho các cuộc đàm phán mới về hòa bình Trung Đông.

Tháng Chín năm 2010, lần đầu tiên sau hai năm, chính quyền Obama lại thúc đẩy hồi sinh lại tiến trình hòa bình đang bị ngưng trệ bằng cách kéo các bên liên quan đồng ý ngồi xuống đàm phán trực tiếp. Mục đích của các cuộc đàm phán là tạo ra khuôn khổ cho một thỏa thuận cuối cùng trong vòng một năm, mặc dù kỳ vọng chung của thành công là rất thấp. Các cuộc đàm phán nhắm mục tiêu là đưa cuộc xung đột Israel-Palestine vào hồi kết thúc chính thức bằng cách hình thành một giải pháp hai nhà nước cho cả hai dân tộc Do Thái và Palestine, thúc đẩy ý tưởng về hòa bình vĩnh cửu và chính thức chấm dứt mọi khiếu nại về đất đai, cũng như chấp nhận bác bỏ bất cứ sự trừng phạt mạnh mẽ nếu bạo lực tái xuất hiện. Tuy nhiên hai nhóm Hồi giáo cực đoan Hamas tại Gaza và Hezbollah tại Lebanon vẫn tiếp tục đe dọa dùng bạo lực, đặc biệt là nếu Israel hoặc Palestine có biểu hiện thỏa hiệp để đạt tới thỏa thuận. Hamas luôn khăng khăng lên án các khái niệm về các cuộc đàm phán trực tiếp với Israel và không công nhận quyền tồn tại của Israel. Kết quả là, chính phủ Israel công khai tuyên bố rằng hòa bình không thể tồn tại ngay cả khi cả hai bên đã ký thỏa thuận, do lập trường quá cực đoan của Hamas và Hezbollah. Do đó, Hoa Kỳ buộc phải tái tập trung vào việc loại bỏ các mối đe dọa gây ra bởi lập trường của Hamas và Hezbollah như một phần của tiến trình hội đàm trực tiếp. Israel về phần mình, hoài nghi rằng một thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được và tình hình sẽ thay đổi, vì Hamas và Hezbollah vẫn sẽ nhận được hỗ trợ để châm lửa cho những bạo lực mới. Ngoài ra, chính phủ Israel bác bỏ bất kỳ thỏa thuận có thể với Palestine chừng nào Palestine vẫn từ chối công nhận Israel là một nhà nước Do Thái.

Điều này phù hợp với nguyên tắc của giải pháp hai nhà nước, lần đầu tiên được đề xuất vào những năm 1980. Khuynh hướng chính trong nội bộ PLO cho thấy họ chấp nhận nghiêm túc khái niệm về thỏa hiệp lãnh thổ và ngoại giao và cho thấy sự quan tâm nghiêm túc của họ về vấn đề này. Trong các cuộc hội đàm năm 2010, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng Palestine và Israel đã đồng ý trên nguyên tắc việc hoán đổi đất, nhưng Israel vẫn chưa xác nhận. Vấn đề còn tranh cãi là tỷ lệ đất Israel sẽ trao trả cho người Palestine để đổi lấy việc giữ lại các khu định cư, với người Palestine đòi hỏi tỷ lệ này là 1: 1, và Israel muốn ít hơn. Vào tháng Tư năm 2012, Mahmoud Abbas đã gửi thư đến Benjamin Netanyahu nhắc lại rằng để tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình, Israel phải ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem, và chấp nhận đường biên giới năm 1967 làm cơ sở cho giải pháp hai nhà nước. Tháng Năm nă m 2012, Tổng thống Abbas nhắc lại sự sẵn sàng làm việc với người Israel nếu Israel đề xuất “bất cứ điều gì hứa hẹn hay tích cực”. Netanyahu trả lời bức thư tháng Tư của Abbas chưa đầy một tuần sau đó và, lần đầu tiên, chính thức thừa nhận quyền của người Palestine để có nhà nước riêng của họ, mặc dù cũng như trước đây ông tuyên bố nhà nước Palestine sẽ phải là phi quân sự, và cho biết chính phủ đoàn kết dân tộc mới của Palestine phải tạo cơ hội nối lại các cuộc đàm phán và hướng về phía trước.

2012: Cuộc chiến Gaza 2012 (Operation Pillar of Defense)

Tháng Mười Một năm 2012, Israel phát độ ng chiến dịch Operation Pillar of Defense mở màn với việc tiêu diệt chỉ huy trưởng quân sự Ahmed Al-Jaabari của Hamas trong một cuộc không kích chính xác vào ngày 14 tháng Mười Một. Israel cho biết vụ tấn công này là để đáp trả lại các vụ leo thang tấn công tên lửa từ Gaza. Ngày hôm sau hai quả rocket từ Gaza nhắm vào mục tiêu Tel Aviv, đây là cuộc tấn công đầu tiên của Hamas vào thủ đô thương mại của Israel trong 20 năm. Israel tiếp tục cuộc tấn công của mình bằng cách bắn phá Gaza từ mặt đất, trên không và trên biển, và huy động hàng chục ngàn quân dự bị dọc biên giới với Gaza. Chiến binh Hamas và Thánh chiến Hồi giáo đã bắn 1.456 quả rocket sang đất Israel, và 142 rocket rơi trên đất Gaza.

Khoảng 133 người Palestine – trong đó có nhiều trẻ em – đã thiệt mạng, 840 người bị thương, nhiều gia đình đã mất nhà cửa, và sáu người Israel đã thiệt mạng do tên lửa trước khi một thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian có hiệu lực từ ngày 21 tháng Mười Một năm 2012.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button