Review

Cái Bóng Của Bí Mật

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Kim Jung – Hyuk
NXB NXB Hà Nội
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 424
Ngày xuất bản 08-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Cái Bóng Của Bí Mật viết về một công việc lạ đời và một tính cách cũng nhiều phần quái lạ, ngày ngày Goo Dong Chi ngồi ở văn phòng trên tầng bốn tòa nhà Cá Sấu hờ hững chờ những cú gõ cửa đem tới đôi ba vị khách cùng một vài, hoặc rất nhiều, bí mật. Bí mật tìm đến gã không mong bị phanh phui mà cầu được lấp vùi. Gã lần theo bí mật không vì muốn vạch trần mà bởi cần chôn giấu. Nhưng một chuyến hành nghề lỗi, một chuỗi các mắt xích bung, một bí mật nằm sai chỗ đã xô gã ra khỏi vòng đuổi bắt an toàn mà gã vẫn ngỡ sẽ không bao giờ sai lệch, buộc gã phá vỡ các nguyên tắc của lý trí…

[taq_review]

Trích dẫn


Mùi ngấm vào mọi nơi trong tòa nhà Cá Sấu. Chỉ cần gí mũi vào bất cứ chỗ nào và đợi một chút, mùi sẽ tỏa ra ngay. Thứ mùi ấy là không khí của tòa nhà Cá Sấu, là dòng máu chảy giữa những bức tường bê tông, đường ống nước và cầu thang chật hẹp. Bởi không nhìn thấy nên không thể nắm bắt được hình dạng của nó, không thể miêu tả bằng lời nên sự tồn tại của nó lại càng thêm mơ hồ. Từ lòng đất hay các kẽ tường, từ tầng một hay tầng bốn, không ai biết nó bắt nguồn từ đâu. Cả nhà hàng dưới tầng hầm, cả cửa hàng sắt thép tầng một, cả võ đường Hapkido(1) tầng hai, cả quán game online tầng ba, cả văn phòng tầng bốn, cả trên sân thượng, đâu đâu cũng có mùi, nhưng tất cả mọi người đều vờ như không biết nó, vờ như nó không tồn tại. Ban đầu ngửi thì có chút khó chịu, nhưng lâu rồi cũng thành quen.

Có người từng thử lý giải thứ mùi này. Người ta nói đấy là mùi do đồ ăn hỏng, xác động vật, nấm mốc, mồ hôi người và những món đồ gỉ sét, tất cả được chôn chung dưới một cái hố sâu, ủ rữa trong suốt năm mươi năm mà ra. Người ở tòa nhà Cá Sấu không đáp lời, chỉ gật đầu.

Nơi có ít mùi nhất là trên tầng bốn. Ở đây, mỗi ngày đều diễn ra một cuộc chiến giữa mùi của tòa nhà Cá Sấu và không khí bên ngoài. Vào những ngày đẹp trời ánh nắng chan hòa, không khí bên ngoài sẽ chiến thắng, còn những ngày mưa dầm hay ẩm ướt thì thứ mùi đặc trưng của tòa nhà Cá Sấu lại nắm quyền thống trị.

Tầng bốn được chia làm hai hộ, chủ nhân của nhà 4-B là Goo Dong Chi. Trên cửa sắt nhà gã có treo một bảng hiệu nhỏ dài ghi dòng chữ “Văn phòng Goo Dong Chi”, ngay cả vị trí đặt tấm bảng hiệu này cũng thể hiện suy nghĩ sâu sắc của gã. Tấm bảng được treo ngang ngực, còn ở phía trên, ngang tầm mắt, được dán như kiểu danh ngôn mỗi ngày là một tấm biển nhỏ hơn với dòng chữ “Cốc! Cốc!”. Nếu theo tư duy thông thường đáng ra hai tấm đó phải đổi chỗ cho nhau, nhưng Goo Dong Chi thì nghĩ biển chỉ dẫn “Cốc! Cốc!” kia cần được ở phía trên bảng hiệu văn phòng. Gã cho rằng, đã lên đến tầng bốn thì đương nhiên là người ta tìm đến văn phòng gã rồi, vì vậy cái từ “Cốc!” kia nên nằm ở chỗ dễ nhìn hơn mới phải. Goo Dong Chi không thể chấp nhận được việc người khác tự tiện vào văn phòng gã mà không gõ cửa. Nhưng ngay cả khi đã treo tấm biển “Cốc! Cốc!” ở trên, vẫn có rất nhiều người chẳng nói chẳng rằng cứ thế xoay nắm cửa đi vào. Văn phòng Goo Dong Chi hầu như luôn khóa cửa. Toàn bộ đồ đạc trong văn phòng của Goo Dong Chi chỉ gồm có một bàn làm việc bằng sắt, một ghế cao cấp có thể ngả ra sau, một tủ đựng tài liệu cao ngang đầu người che kín một bên tường, một tủ quần áo nhựa vinyl rộng chưa đầy một mét, và một giường gấp đơn giản. Trong tủ quần áo là ba cái jacket đen cùng một kiểu, mười cái áo phông đen không họa tiết, và ba cái quần dài được gấp gọn gàng ngăn nắp. Trên bàn đặt một máy phát nhạc loại nhỏ có duy nhất một loa, Goo Dong Chi gọi nó là cái “máy nhạc Chột Mắt”. Trong phòng lúc nào cũng vang lên những ca khúc aria được thu âm kiểu mono của các ca sĩ Ý giọng nam cao những năm 1920. Không cần đến dàn âm thanh stereo. Được thu âm từ những năm 1920 nên nhạc có lẫn khá nhiều tạp âm rè rè, quá hoàn hảo để lấp đầy văn phòng trống trải. Thứ mùi khó chịu trong không khí cũng thật hợp với những tạp âm.

Goo Dong Chi thích nhất là những khi gác cả hai chân lên bàn, dựa vào lưng ghế ngả ra phía sau, vừa đọc
tài liệu bí mật của khách hàng vừa nghe những bài aria phát ra từ cái máy nhạc Chột Mắt. Mỗi khi một bài hát kết thúc, gã lại nhìn chằm chằm vào cái máy và đợi đến bài tiếp theo. Trong vài giây vắng lặng tạp âm, thế giới bỗng cô quạnh vô cùng. Đến khi tiếng nhạc bài hát tiếp theo cất lên cùng những tạp âm rè rè, Goo Dong Chi mới yên lòng đảo mắt nhìn tài liệu.

Goo Dong Chi cũng hát theo những ca khúc aria. Gã kết hợp giai điệu phát ra từ cái máy nhạc với những câu chữ trong tài liệu mình đang đọc. Gã lắng nghe những câu chuyện cấp bách của khách hàng vang lên một cách êm ái. Như thể tất cả mọi buồn khổ hay đau thương chẳng là gì. Mọi sự tình đều có thể được âm nhạc bao bọc trở nên đẹp đẽ. Ở văn phòng trống trải luôn khiến tâm trạng người ca hát vui vẻ ấy, Goo Dong Chi lúc nào cũng ngâm nga. Khi hát, ngay cả thứ mùi kia gã cũng chẳng bận tâm. Goo Dong Chi tưởng tượng ra cảnh bọn mùi lùa nhau dồn hết về một góc phòng, rồi như những thính giả opera, chúng ngoan ngoãn xếp hàng trong không trung để thưởng thức nghệ thuật. Gã rất hài lòng với giọng hát thì thầm của chính mình. Nàng đến tìm ta vào một ngày thứ Hai nhạt thếch. Hỡi người hiểu hết sự vô thường của thế gian, hãy nói bí mật của nàng cho ta. Cái bóng của bí mật vượt khỏi biên giới và băng qua biển cả. Chỉ tình yêu của chúng ta là có thể chiến thắng được sự vô thường của thế gian, hãy nói bí mật của nàng cho ta đi nào. Cái bóng của bí mật dài đằng đẵng như một ngày thứ Hai.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button