Review

Bước Đường Cùng

Thể loại Văn Học Việt Nam
Tác giả Nguyễn Công Hoan
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Minh Thắng
Số trang 252
Ngày tái bản 09-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Tác phẩm phản ánh chân thực xã hội phong kiến địa chủ của Việt Nam. Những con người nghèo khổ luôn bị các thế lực phong kiến đàn áp, để họ phải vào bước đường cùng, phải uất hận và căm phẫn tột độ. Cái chế độ quan lại tham nhũng, “những cái bất công của chế độ thối nát chốn hương thôn” đã đẩy biết bao con người gia đình nông dân nghèo đi đến bước đường cùng. Với ngòi bút miêu tả chân thực và sắc sảo của mình, Nguyễn Công Hoan đã cho chúng ta thấy được bức tranh đời sống chế độ xưa. Một tác phẩm hay nên đọc.

[taq_review]

Review

Anh Thơ

Thật sự, đọc “Bước đường cùng” có lẽ nó còn gây ức chế cảm xúc hơn “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố. Cảm xúc của tôi giờ đây đong đầy những hỉ nộ ái ố đối với cảnh ngô của người dân đen cơ cực, ngày ngày chịu cảnh bóc lột từ mấy tên quan đội lốt quỷ dạ xoa. Từng trang giấy là từng cảnh nghèo túng bần hèn hiện ra trước mắt người đọc. Ngòi bút của Nguyễn Công Hoan miêu tả chân thực lối sống xa hoa phung phí đầy rẫy sự dơ bẩn, bỉ ổi của bọn quan Nghị Lại, lý trưởng, ông hộ,… qua đó lột tả bộ mặt của giới thượng lưu quý tộc trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ, và đánh bật cái gọi là “quan phụ mẫu” trong suy nghĩ thông thường của nhiều người. Những cuộc ăn chơi hút thuốc phiện, đánh mạt chược thâu đêm, những buổi tiệc tùng vô cớ, những đám lễ giỗ… thật chất đều lấy từ những giọt mồ hôi nước mắt cay đắng của từng hộ gia đình. Vợ chồng chị Pha, bác San,… đều rơi vào cảnh tay trắng trắng tay cũng bởi sự bòn rút của quan phụ mẫu địa phương. Và cái kết cho viễn cảnh đau thương ấy là những con người vô tội phải vùng lên đấu với bọn quan lại để rồi tù túng, mất tự do, đến cả vợ chết, con chết, ruộng nương bị tịch thu… Mình rất tâm đắc câu nói cuối cùng của nhân vật Dự, rằng: “Chúng ta sống để làm gì? Không để ăn ngon, không để mặc đẹp, không để sướng nhưng là để chịu nhũng sự bóc lột của địa chủ tàn nhẫn, những nỗi áp bức của quan lại tham nhũng, những cái bất công của chế độ thối nát chốn hương thân, để bước đường cùng là đi đến chỗ phá sản”. Đồng thời, cái triết lí sâu xa mà tác giả gửi đến qua truyện ngắn của mình đã chạm vào trái tim của tất cả người đọc, đó là cái nghèo – cái dốt. Sự nghèo sẽ bòn rút tinh thần, thể lực của mỗi người, còn cái dốt, nó như con sâu bọ gặm nhắm lí trí của con người, dẫn đưa họ rơi vào một chốn bế tắc không thể thoát. Và rồi, cái nghèo – cái dốt đến cuối cùng vẫn chỉ đem linh hồn của dân đen đến vực thẳm sâu khôn cùng mang tên “Bóc lột”, ngẫu nhiên, bất ngờ đẩy ta rơi xuống đó, rơi mãi, lơ lững mãi trong cái khoảng không vô tận kia… Thế là chấm dứt một kiếp người.

Mọt Sách

Cái triết lí sâu xa mà tác giả gửi đến qua truyện ngắn của mình đã chạm vào trái tim của tất cả người đọc, đó là cái nghèo – cái dốt. Sự nghèo sẽ bòn rút tinh thần, thể lực của mỗi người, còn cái dốt, nó như con sâu bọ gặm nhắm lí trí của con người, dẫn đưa họ rơi vào một chốn bế tắc không thể thoát. Và rồi, cái nghèo – cái dốt đến cuối cùng vẫn chỉ đem linh hồn của dân đen đến vực thẳm sâu khôn cùng mang tên “Bóc lột”, ngẫu nhiên, bất ngờ đẩy ta rơi xuống đó, rơi mãi, lơ lững mãi trong cái khoảng không vô tận kia… Thế là chấm dứt một kiếp người.

Hoàng Trần Minh Anh

Đọc ” Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan mà mình xót xa, thương thay và thậm chí khóc thay cho cái sự đời, cái hoàn cảnh éo le của vợ chồng anh Pha. Chịu bao nhiêu tủi nhục của cuộc đời, chỉ phải tội chẳng là quan lớn, chẳng là nhà giàu nên bọn quan lớn ,bọn nhà giàu nó cứ chèn ép mãi..đau nhất là vụ lừa lấy ruộng của Nghị Lại. Hai vợ chồng anh mắc bẫy tên Nghị Lại hết lần này đến lần khác.Vâng! cái bọn quan tham, cái bọn nhà giàu ấy chúng móc tiền của dân thì làm gì có sơ hở màn “bóp” lại, tố cáo lại chúng cơ chứ..thật là oan nghiệt thay

Nguyễn Thị Vy

Trong một lần học về những tác phẩm thuộc dòng văn học hiện thực của Việt Nam, mình đã biết đến “Bước đường cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Cuốn sách này lôi cuốn mình ngoài sức tưởng tượng, làm mình không thể bỏ xuống mà phải đọc một mạch từ đầu đến cuối, bất chấp những cảm xúc đau thương mà tác giả đem đến trong mỗi trang sách. Chính Anh Pha – một người nông dân chịu cảnh chèn ép, đàn áp của tầng lớp địa chủ, là nhân vật để lại nhiều ám ảnh cho mình nhất. Cuộc sống với anh dường như chẳng là gì khác ngoài những chuỗi ngày chịu cảnh bần hàn, chịu cảnh đói khổ, chịu sự bất lực trước những đau đớn giáng xuống gia đình mình. Nguyễn Công Hoan đã diễn tả đầy đủ nhất những khía cạnh trong cuộc đời nhân vật, khiến người đọc không khỏi bàng hoàng và xót thương. Truyện khép lại với một cái kết đau thương, đầy tiếc nuối, nhưng lại là một cái kết hợp lý trong bối cảnh xã hội nước ta bấy giờ.

“Bước đường cùng” là một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Không chỉ mang những giá trị về nghệ thuật văn chương, nó còn kết nối được con người thuộc những thế hệ khác nhau, hoàn cảnh khác nhau trong một mối đồng cảm sâu sắc.

Phạm Thị Kim Loan

Chấm nước mắt đang chảy dài trên má để làm dịu trái tim đang thổn thức cùng những số phận éo le trong cuộc đời. Tôi tìm đến những con chữ như một sự sẻ chia với những kiếp người nhọc nhằn sương gió…

Anh Pha là người mà tôi thương cảm nhất, cái cảnh nghèo đói túng quẫn với những chèn ép của tầng lớp địa chủ càng khiến cho cuộc đời anh trở nên đày đọa, xót xa, cuộc sống mà anh bon chen từng ngày để nuôi đủ ba miệng ăn trong căn nhà rách nát và ẩm ương đó, khiến cho người ta chạnh lòng mà nghĩ đến những ngày tháng cùng cực của một xã hội kéo dài hàng thập kỉ. Bất bình đẳng hay sự quá đáng của chính quyền đã đẩy người dân vào con đường cụt, chỉ biết nhẫn tâm nhìn những người xung quanh mình lần lượt ra đi vì nghèo, vì đói, vì dịch bệnh và vì bị ức hiếp. Nhà văn đã kể một cách khéo léo những câu chuyện thường ngày vẫn xảy ra , để rồi từ đó, cuốn hút người đọc bằng chính sự cảm thương, xa xót của mình.

Nguyễn Công Hoan đã không hề ác độc khi cho nhân vật của mình phải chịu những oan ức như vậy, bởi vì xã hội ấy mới chính là thủ phạm gây nên bước đường cùng. Ở cuối truyện, tôi đã vô cùng đau đớn khi biết vợ và con của Pha đã bỏ anh mà ra đi vì căn bệnh dịch tả, nhưng suy nghĩ lại, có lẽ đó là lối thoát duy nhất cho chính gia đình anh, vợ con anh.

Trích đoạn

Pha định với lấy cái ô, nhưng người lính cứ kéo bừa anh xuống trại. Từ thuở bé, anh chưa hề gặp hoạn nạn to, nên lần này anh mê lên, như người mất hồn. Anh không hiểu sẽ ra sao. Anh chỉ biết rằng tại anh bỡ ngỡ nên mới thành nông nỗi.

Thầy đội lệ đang nằm bên phản, thoáng trông thấy tội nhân bèn hốt hoảng chạy ra và hỏi lính:

– Quan bảo giam nó à? Có phải gì không đấy?

– Con không thấy quan truyền.

Thầy đội mở cửa buồng giam lúc ấy chưa có người nào, tống Pha vào. Pha giẫm lên một lượt đất ẩm, ghê cả chân. Cái cùm lim nặng nề nằm lù lù trước mặt làm anh giật mình. Thầy đội nhấc tấm gỗ lên, nói:

– Tao cứ cùm mày cho cẩn thận, ngồi xuống.

Pha không dám cưỡng, vì từ nãy đến giờ anh đã lịch duyệt chốn quyền môn. Anh muốn khóc nhưng lại sợ trái phép, đành giấu sợ buồn bã và ngấm ngầm thở dài. Anh ngồi trên lượt rơm đã nát cho khỏi bẩn quần, và duỗi hai chân lên trên phiến lim có khoét hình bán nguyệt. Thầy đội đặt tấm gỗ trên xuống. Anh đau đánh nhói. Cái cùm nặng nề nghiến vào xương như tiện cổ chân anh. Thầy đội khóa đầu chốt lại. Pha đau quá, nhăn nhó nói:

– Lạy thầy nới rộng cho con, buốt lắm.

Thầy đội không đáp, đứng ghếch chân trên mặt phiến lim hỏi:

– Mày tội gì? Nói cho thật.

– Bẩm thầy, con chẳng tội gì.

– Mày ăn cướp hay ăn trộm, cứ nói cho thật, tao liệu cách gỡ tội cho.

Pha tuy ngu dốt, nhưng đã biết nghi ngờ, vả anh nói có tội gì mà cần giấu, nên nói:

– Chỉ tại con chưa kịp đưa tiền trình nên quan giam con, có thế thôi.

Thầy đội không tin:

– Sao lại thế?

Muốn cho Thầy đội hiểu đầu đuôi việc của mình, mong thầy có thương hại chăng, Pha bèn kể lể rõ ràng cho thầy nghe. Nghe xong, thầy nói:

– Phải, thằng già ấy nó hay dắt mồi cho quan để làm hại các anh, mà anh phải biết nó cho cả thằng Thi vay ba chục để khấn quan đấy.

Pha sửng sốt cả người, song anh không tin. Anh nghi ngờ hết thảy những người trong huyện. Anh nhận thấy họ có ý ghét ông nghị hay sao, nên từ người lính cho đến Thầy đội, ai cũng nói xấu ông. Vả chăng qua cũng là cái mưu mô họ lừa anh, chứ đời nào ông Nghị Lại xử tệ với anh được.

Ngắm anh một lát, Thầy đội lại hỏi:

– Mày láo, chứ mày bảo chưa kịp nộp tiền trình quan mà quan giam. Hẳn mày đã hỗn láo gì hay có tội gì khác. Trăm thằng vào tù, thằng nào cũng xoen xoét rằng không biết tội gì.

– Bẩm thật.

Thầy đội vờ gắt:

– Mày nói dối là mày dại, con ạ. Mày muốn tao gỡ cho, thì cứ thú thực đi. Thú với tao chứ có phải thú với quan đâu. Nói với tao, tao bày kế cho liệu, mà khi có tốn cũng tốn ít thôi, chứ mày lên quan, hở cơ ra, ông ấy tóm được thì bỏ mẹ, con ạ. Mày phải biết một câu hớ hênh trước mắt quan là một năm tù. Tao bảo trước cho mà biết.

Nghe lời hăm dọa, Pha trố mắt nhìn, nao nao cả ruột gan. Nhưng xét tội mình chẳng qua chỉ chậm chạp nên anh quả quyết đáp:

– Bẩm quả chỉ vì con chậm đưa tiền trình.

Thầy đội nghĩ ra, bĩu môi nhạo:

– Bộ mày thế này mà dám nói có tiền. Mày là cậy có ông nghị làm thầy, nên mày ”tăng phú” quan.

Pha cãi:

– Bẩm thực con có mang tiền đi.

Thấy Pha bị trúng kế, Thầy đội nói khích để thách:

– Ừ, thì tiền mày đâu? Mày nói gian lòi đuôi ra rồi.

Muốn chứng sự thực thà, Pha cởi nút thắt lưng lấy ra năm tờ giấy một đồng, xòe ra trước mặt Thầy đội.

– Bẩm đây, chứ con có dám nói dối đâu.

Bất đồ Thầy đội chộp ngay, bóc lấy một tờ, bỏ nghiến vào túi, vui sướng nói:

– Ừ, tóm được cậu rồi, có chạy đường trời, đang thiếu tiền góp tổ tôm tối nay đây.

Rồi không lý sự gì thêm nữa, thầy chạy ra như thằng ăn cắp giật và khóa tách cửa lại, rồi quay vào cười ha hả.

Hẳn thầy đắc chí về cách lấy tiền có nghệ thuật.

Bị mất tiền Pha quờ tay theo để vớ lại và đứng phắt dậy, nhưng đánh nhói, anh tưởng gãy chân về cái cùm. Anh ôm cẳng xuýt xoa, vừa đau, vừa tức, bất giác anh hu hu khóc. Anh không ngờ chốn công môn lại nhũng nhiễu hơn chợ. Mất một đồng bạc, anh có còn bốn. Anh lấy gì lễ quan, theo trong giấy ông nghị được? Như vậy anh không thể kêu oan nữa. Anh nói dối quan thật, vì anh có đủ đâu năm đồng? Thế này thì chiều nay hay mai anh cũng không mong gì được tha về. Mà tội lừa quan trên phải biết rằng không nhẹ. Lại nghĩ đến từ hôm qua đến nay, anh mất vào những chỗ không đáng mất gần hai đồng rồi. Anh tiếc món tiền mồ hôi nước mắt, có thể cứu sống gia đình anh ngót một tháng trời.

Pha ngồi trong buồng giam nhìn ra ngoài sáng. Bụng anh lo lắng không lúc nào ngơi. Anh thương vợ phải mong mỏi anh về, mà ngày về của anh, chưa biết chừng một tháng, hai tháng, hay đôi ba năm… Chẳng hay vợ anh có biết nông nỗi này mà tìm anh, cố lo cho anh khỏi tai nạn hay không.

Thỉnh thoảng những con muỗi to và những con kiến lửa kềnh lại đốt anh đánh nhói. Mà cả hai đùi tê liệt, máu đọng lại, bấm không thấy đau. Anh mỏi, nhưng càng cựa càng đau. Anh thấy ở đời không có cái dại nào giống cái dại nào, tự nhiên vô cớ đưa đầu vào tròng để nên tù nên tội. Anh chỉ mong trời phật run rủi, cho ông nghị có thể giải thoát cho anh được.

Bóng nắng ngoài hè càng rợp sân, anh càng nóng ruột. Rồi thấy bụng đói và thèm thuốc lào nữa. Nhất là khi lũ lính ăn cơm ở gian ngoài, anh càng cồn cào. Chắc là anh phải nhịn bữa chiều hôm nay.

Rồi đến sẩm tối, trong trại vắng tanh, anh nghĩ đến vợ anh ở nhà, bụng dạ lại cồn cào hơn đói. Một đêm nay nữa, một đêm lo sợ, không ngủ được, anh sẽ thấy nó dài là ngần nào. Nghĩ đến từ sáng hôm nay về trước anh được tự do mà thèm. Biết bao giờ anh lại được hưởng sự sung sướng như thế nữa. Nhìn cái tương lai mù mịt, anh chỉ thở dài.

Anh ngả lưng xuống nhắm mắt lại, cố ngủ cho quên đói, quên mong, quên khổ. Nhưng đất ẩm, anh xê dịch ra chỗ nào cũng không thoát. Muỗi vo ve như đàn ong.

Anh thấy gian ngoài người ta thắp đèn ba dây, Thầy đội lệ và bốn người nữa châu đầu vào ánh sáng đánh tổ tôm với nhau. Mỗi tiếng cười ròn rã của Thầy đội là một nhát dao nhọn nó đâm vào ngực anh.

Anh cố ngủ, song không tài nào ngủ được. Lúc về sáng, anh có chợp mắt hai ba dạo, nhưng lần nào cũng chiêm bao. Khi thấy như đang ở nhà với vợ con. Khi thấy phải đày ra một nơi rừng rú nước độc. Cho nên lúc tỉnh dậy, mình mỏi, hai chân đau liệt, anh bàng hoàng nghĩ đến ngày mai.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button