Review

Bụi Đường Tuổi Trẻ

Thể loạiSách du ký
Tác giảTâm Bùi
NXBKim Đồng
Số trang152
Năm2017
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Tâm Bùi là mẫu hình tiêu biểu của thế hệ millennials Việt Nam: Trưởng thành trong bầu khí quyển Internet, khát khao mãnh liệt thể hiện cái tôi, hành động dưới mách bảo của con tim lẫn lí trí, và theo đuổi con đường đã chọn đến cùng.

Từng ngờ vực bản thân, từng chạm đáy thất vọng, thế rồi, trong một khoảnh khắc lóe sáng, Tâm quyết định thay đổi, bằng cách giản dị nhưng cũng đầy thách thức: Lên đường!

Băng qua những đường mòn heo hút dưới chân dãy Himalaya ở Ấn Độ, theo dòng sông Li tìm gặp một nhân vật đặc biệt ở Trung Quốc, vượt qua hiểm nguy đặt chân lên cao nguyên huyền bí Tây Tạng… những câu chuyện của Tâm đầy ắp thông tin, xúc cảm, cùng vô số phát hiện bất ngờ.

Bụi đường tuổi trẻ là hành trình song đôi của ngôn từ và hình ảnh. Ngôn từ tin cậy mà dịu dàng. Hình ảnh chân thực mà bay bổng. Theo từng trang sách, ta cùng Tâm băng qua những biên giới địa lí, vượt lên các rào cản đời thường, để chạm vào niềm đam mê và khao khát tự do – thứ tinh chất cuộc sống trao tặng duy nhất một lần, khi ta còn trẻ.

[taq_review]

Review

Lê Xinh

Bạn nào thích đi du lịch nên mua cuốn này. Cuốn này chủ yếu nói về hành trình khám phá, cảm nhận các nơi mà Tác giả đã đi qua. Hành trình tìm kiếm được đam mê, sự yêu thích, lòng đam mê, và sự nhiệt huyết của tháng ngày tuổi trẻ.

Hải Đặng

Câu chuyện đầy sắc màu của Tâm Bùi là một ẩn dụ cho cuộc trưởng thành, đầy sắc màu và bỡ ngỡ.

Chỉ khi đi qua nó, chúng ta mới chín chắn và mạnh mẽ, mới thêm khao khát đương đầu với cuộc sống ngoài kia. Chất lượng hình ảnh đẹp, những ghi chép thú vị, đầy cảm hứng. Quyển sách này sẽ là hành trang xứng đáng cho những ai dám tiến lên, không kể trẻ hay già, vì cuộc đời vĩ đại sẽ chờ đợi và hậu thưởng cho những ai dám dấn thân và không ngại vấp ngã để học hỏi.

Tuấn Thanh

Bằng những ngôn từ bình dị, đầy màu sắc trong mỗi bức tranh, Tâm Bùi như tiếp thêm những tia nắng về khát vọng trải nghiệm trong tôi. Dù bạn là ai hãy một lần đọc cuốn sách này, bạn sẽ không thất vọng một khi đã cầm trên tay.

Trích đoạn

Chúng tôi dành ba ngày trọ lại Varanasi, một thành phố nhỏ ở Bắc Ấn nơi con sông Hằng linh thiêng chảy qua.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là loài bò. Bò ở Ấn được cho là loài động vật linh thiêng nên rất được tôn thờ. Người ta không ăn thịt chúng. Bò được thả đi đầy đường, hiên ngang chễm chệ, ai đi ngang cũng phải cúi đầu chào hoặc nhường đường cho chúng.

Tôi ở một căn gác nhỏ, cách sông Hằng chỉ vài trăm bước chân. Đoạn sông này dài khoảng 5 km, chia thành nhiều khu nhỏ có bậc thang thấp dần về hướng bờ sông mà người ta gọi là ghat. Varanasi có tầm 87 ghat lớn nhỏ khác nhau. Có chỗ thì người ta tụ tập tắm sông và giặt giũ, chỗ thì làm lễ mỗi đêm. Nhưng điều đặc biệt nhất cuốn hút tôi là ghat đốt xác người. Mỗi ngày, tôi đi bộ qua tất cả ghat này ba lần sáng, trưa và chiều tối, nên tính tổng cộng tôi đi được chín lần.

Buổi sáng, bờ sông mờ ảo trong sương sớm, thành phố vẫn chưa ngủ dậy, chỉ có vài người dân ra tập yoga và thiền định. Vài chủ thuyền du lịch bắt đầu mời gọi khách. Ngày đầu tiên, tôi từ chối không đi thuyền, để hết thời gian thăm thú, nghe ngóng và nhất là đi hết một vòng xem giá cả các dịch vụ ở đây như thế nào, so sánh xem chỗ nào tốt và giá mềm nhất.

Ngang qua một ghat vắng vẻ, tôi thấy một vị aghori – thầy tu của đạo Hindu – đang ngồi trầm mặc. Ông ta bôi tro lên khắp người. Loại tro này được cho là lấy từ tro thiêu xác người chết, ở đây rất nhiều vì mỗi ngày hơn 300 xác người được thiêu. Ông dùng sọ người và xương người như vật trang sức, ăn cả thịt người chết để tồn tại. Công việc hàng ngày của một aghori “chính cống” là ngồi mặc tưởng, thiền định để tìm đến sự hoà nhập với các đấng thần linh tối cao. Nhưng dọc theo đoạn sông này khó mà tìm được một aghori “xịn” vì thường các ông ấy sống ẩn dật, lánh đời. Còn những vị “dỏm” này ngồi đây để xin tiền khách du lịch hoặc sẽ tính tiền khi ai đó muốn chụp ảnh với ông ta. Aghori “xịn” thường không mặc gì cả để gần với thiên nhiên và họ thường là đàn ông.

Kumbh Mela là một lễ hội lớn nhất Ấn Độ được tổ chức 12 năm một lần. Hoặc một lễ hội tương tự với quy mô nhỏ hơn được tổ chức ba năm một lần. Gần đây nhất là năm 2016. Đây là cuộc hành hương của hàng triệu aghori và các tín đồ Ấn Giáo khác đến ngã ba sông Sangam và sông Hằng. Nếu có dịp tham dự lễ hội này, bạn sẽ chứng kiến hàng triệu aghori từ khắp nơi trên đất nước Ấn Độ đổ về đây, diễu hành khắp các ngã đường trong tình trạng không quần áo. Họ cắm trại khắp nơi, cầu nguyện, thiền định và cùng đầm mình dưới dòng sông Hằng linh thiêng để được thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Hy vọng vào năm 2019 tôi sẽ có cơ hội quay lại Ấn Độ vào đúng dịp Kumbh Mela để thực hiện loạt ảnh về các vị aghori này.

Tầm 8 giờ sáng, hàng nghìn người hành hương bắt đầu đổ về các ghat để tắm. Đủ mọi độ tuổi. Đủ mọi giới tính. Tất cả chen nhau để được một lần đầm mình trong dòng sông linh thiêng.

Hàng trăm loại dịch vụ, buôn bán nhang đèn, vòng hoa phục vụ nhu cầu cúng bái. Thi thoảng có vài anh làm nghề hớt tóc với một chiếc ghế tựa và miếng kính treo trên tường làm tôi liên tưởng tới bác hớt tóc quen trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Sài Gòn. Dọc theo lối đi, các hàng quán bán trà nước và thức ăn đủ cả.

Trẻ em cũng được đưa đến đây. Hầu hết sẽ được ba mẹ cạo đầu và cho tắm sông Hằng lần đầu tiên trong đời. Đây là nghi lễ để cầu mong cho đứa bé luôn khoẻ mạnh.

Đến trưa, khi nắng đã lên cao, tôi bắt đầu chạy vào những con hẻm sâu để tránh nóng. Ở Varanasi, con hẻm nào cũng dẫn đến sông Hằng.

Một xã hội Ấn thu nhỏ hiện ra trước mắt tôi. Trong cửa hàng tạp hóa nho nhỏ như ở phố cổ Hà Nội, một bà chủ già tóc bạc như cước ngồi ngắm dòng người hành hương qua lại. Hay những quán ăn toàn mùi cà ri với các thực khách người Ấn ăn bốc bằng tay. Chúng tôi cũng thử ăn một đĩa cơm xem cà ri Ấn Độ nguyên bản như thế nào. Quả thật là quá khó ăn vì người ta dùng một loại gia vị rất lạ, mùi hăng nồng mà nếu không quen thì không thể cho vào mồm được. Thứ gia vị này phổ biến và được yêu thích, giống như nước mắm với người Việt vậy, vì đi quán ăn nào tôi cũng ngửi thấy nó, đến nỗi cửa hàng Mc Donald ở New Delhi thức ăn cũng có mùi này. Đến là “bấn loạn” nên mỗi lần tới giờ ăn, tôi thủ sẵn chai nước mắm, tương ớt và muối tiêu chỉ để ăn cơm trắng với trứng luộc cho dễ nuốt.

Tôi đến Manikarnika ghat vào buổi trưa. Tìm đến địa điểm này, vì là ghat đốt xác chính ở Varanasi. Tôi men theo dòng người để tiến sâu vào khu vực thiêu. Không khí ở đây tịch mịch, có vẻ do khói ám vào tường lâu ngày tạo nên nhiều mảng tối đen. Mùi củi cháy, mùi nhang đèn, mùi hơi người rầm rập và nhất là mùi thịt cháy làm tôi rợn tóc gáy và khó thở…

Tùng, cậu em trưởng đoàn của chúng tôi, khi đến chỗ này thì máu mũi tự phun ra ào ạt. Có lẽ người cậu hơi yếu nên không chịu nổi âm khí quá nặng. Những thành viên khác trong đoàn ai cũng cảm thấy buồn nôn. Hôm sau không ai quay lại đây nữa, chỉ có tôi và Nhị Đặng đều đều ngày hai lần qua lại. Tôi gặp rất nhiều anh “cò” đến giới thiệu dịch vụ thuyết minh các nghi thức mai táng ở đây. Thực ra những thông tin này có hết trên mạng, nhưng tôi vẫn muốn thử “dịch vụ” một lần nên thuê hẳn một anh hướng để tham quan hết vòng cho biết và cũng để thử trình độ tiếng Anh của bạn ấy như thế nào.

Người Ấn tin rằng, khi chết đi, nếu cơ thể được hỏa táng và thả xuống sông Hằng, linh hồn sẽ thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử để về cõi niết bàn. Khi người thân đưa xác đến đây, họ phải đóng các loại phí cho nhân công hỏa táng và nhất là phí mua củi. Đây có lẽ là khoản tốn kém nhất. Để tiết kiệm hơn, có hẳn một ghat để hỏa táng bằng gas cho gia đình nào không khá giả. Xác sau khi được vệ sinh, tẩm liệm, mặc quần áo đẹp thì trước khi thiêu, người ta rưới lên một lớp bơ làm từ sữa bò. Sau đó xác được đưa lên giàn hỏa dưới sự chứng kiến của gia đình và người thân. Khai hỏa được khoảng một tiếng, tất nhiên xác chưa hoàn toàn cháy hết, người ta dùng gậy đẩy hết phần còn lại xuống sông.

Còn nhớ một dạo, mạng xã hội Việt Nam lan truyền nhau hình ảnh xác người trương phình đầy rẫy trên sông Hằng. Lúc này tôi mới lý giải được vì họ không đốt cháy hoàn toàn thành tro mà xác mới cháy khoảng một nửa. Những xác này sẽ chìm xuống, trôi theo dòng nước, đến vùng hạ lưu nào đó sẽ trương lên, nổi lềnh bềnh cùng với hàng ngàn loại rác rến nơi đây.

Thật bất ngờ, ngay bên cạnh chỗ đốt xác là nhà máy lọc nước dùng cho cả thành phố. Đến đây thì tôi có hơi phân vân về đồ ăn, thức uống mấy ngày qua ở Varanasi, nhưng chỉ dám nghĩ tới đó rồi cho qua, biết làm sao giờ! Hàng trăm năm nay đã thế, người Ấn đã đốt xác thả xuống sông và dùng chính nước sông đó để ăn uống, tắm rửa, giặt giũ.

Có một giả thuyết cho rằng sông Hằng có thượng nguồn từ dãy núi tuyết Himalaya. Nước từ băng tuyết trên cao có lượng khoáng chất đặc biệt giúp cơ thể con người kháng lại bệnh tật nên người Ấn vẫn khỏe mạnh hàng bao thế kỷ qua dù sự ô nhiễm nguồn nước của sông Hằng đã ở mức báo động. Mấy hôm sau khi đi thuyền trên sông, tôi được anh lái thuyền mời uống một cốc trà được rót ra từ chiếc ấm nhôm. Đoán là nước sông Hằng đây, nhưng thôi tôi nhắm mắt uống cho vui cả nhà!

Chiều xuống là lúc bọn trẻ con đen nhẻm tụ tập tắm sông và thi nhau phô diễn những màn nhào lộn. Đa phần người Ấn rất thân thiện và thích chụp ảnh. Mỗi lần thấy máy ảnh là họ cười rất tươi. Chỉ có người Tạng quan niệm chụp ảnh sẽ làm họ tổn thọ nên rất khó khăn để có ảnh của họ.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button