Review

Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can

Thể loại Sách Kỹ Năng
Tác giả Đặng Hoàng Giang
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 221
Ngày xuất bản 11-2015
Giá bánXem giá bán

“Từ chỗ vô danh cách đây bảy, tám năm, bây giờ, nếu gõ “bức xúc” vào Google, ta sẽ được 29 triệu kết quả, gấp gần 10 lần “Ngọc Trinh” một con số ấn tượng cho một làn da xấu xí như vậy.”

Đây là một trong rất nhiều các quan sát thú vị, kèm theo các giải mãi hóm hỉnh, không kém phần chua xót song cũng rất giàu nhân văn trong tuyển tập BỨC XÚC KHÔNG LÀM TA VÔ CAN của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. 26 bài viết là 26 câu chuyện từ quen thuộc như thịt chó, ấn đền Trần, phẫu thuật thẩm mỹ, từ thiện câu like…đến ngỡ như vĩ mô xa xôi nhưng lại ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống từng cá nhân như sự tàn phá của kinh tế thị trường, lí do khiến quốc gia thất bại, du lịch đại trà, hay các vấn đề văn hóa không bao giờ hết nóng như sính ngoại, truyền hình thực tế…Không chỉ phân tích khách quan và bình luận sắc sảo, tác giả còn đề xuất nhiều giài pháp bất ngờ và đầy trách nhiệm, khiến các bài viết, trước khi được tập hợp lại trong tuyển tập này, đã nhận được hàng trăm nghìn lượt xem và rất nhiều chia sẻ từ đông đảo cư dân mạng.

“Một góc nhìn thằng thắn và tỉnh táo, xoáy vào những vấn đề bằng những con dao mổ sắc cạnh của tri thức… Từ lâu, những cây viết của nước ta vẫn dùng dao gọt hoa quả có lưỡi lượn sóng để mổ xẻ các vấn đề. Chúng ta thiếu những con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm.”

[taq_review]

Trích đoạn

LỜI NÓI ĐẦU

Descartes, triết gia Pháp thế kỷ 17, nổi tiếng với lời khẳng định: “Tôi tư duy do đó tôi tồn tại”. Đương nhiên tư duy và suy nghĩ đơn thuần là hai việc khác nhau. Trong một ngày chúng ta thật sự tư duy, động não, suy nghĩ tập trung bao nhiêu giờ hay thậm chí bao nhiêu phút? Cái gì kích thích chúng ta tư duy? Đó có thể là một cuốn sách, như Bức xúc không làm ta vô can – tuyển tập các bài viết của tác giả Đặng Hoàng Giang – chẳng hạn.

Các bài trong cuốn sách được chia thành ba chương. Chương I có chủ đề về quan hệ giữa cá nhân và đám đông trong xã hội hiện đại. Chương II bàn về một số vấn đề phát triển như môi trường, công lý và phân biệt giàu nghèo. Các bài trong Chương III bàn tới một số hiện tượng xã hội và trào lưu văn hóa đương đại. Với lăng kính đa chiều, tư duy tự do phản biện, cách tiếp cận vững chắc của một nhà chuyên môn, tác giả đã mổ xẻ xuyên qua các lớp lang văn hóa, xã hội, đời thường mà hầu hết tất cả chúng ta đều biết để tìm đến thực chất, ý nghĩa đích thực của hiện tượng. Đây thật sự là tác phẩm của một nhà phê bình xã hội (như chúng ta hiểu về cụm từ “nhà phê bình nghệ thuật”, “nhà phê bình văn học”) mà hiện nay Việt Nam còn thiếu. Và khi xã hội đang trong vòng xoáy của một sự chuyển dịch dồn dập, lộn xộn như tại Việt Nam thì rất cần những cá nhân có công cụ sắc bén để giúp giải mã những trào lưu xã hội và hiện tượng văn hóa đang xuất hiện hằng ngày quanh chúng ta. Tôi đặc biệt tâm đắc với lựa chọn chủ đề của Chương I về tâm lý đám đông, một chủ đề đến nay vẫn chưa được mổ xẻ kịp thời và đủ sâu và trúng tại Việt Nam.

Tuy nhiên tác giả không chỉ dừng lại ở sự quan sát tỉnh táo và diễn giải lạnh lùng của một nhà khoa học thuần túy. Các bài trong tuyển tập còn toát ra lòng nhân ái của một người dấn thân với số phận mọi người và mỗi người, đặc biệt những tầng lớp, những con người kém may mắn, thua thiệt trong xã hội.

Tôi không hoàn toàn chia sẻ quan điểm và phân tích của tác giả Đặng Hoàng Giang đối với mọi đề tài trong cuốn sách. Nếu như tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm trong bài Ngó Mỹ, dòm Nhật, hóng Do Thái: lựa chọn nào cho ta?, bài Văn hóa không phải là lý do khiến quốc gia thất bại, hay bài Những người khốn khổ ở Tiên Lãng chẳng hạn, thì trái lại tôi khó thông với lời nhắn nhủ “để công chúng là người quyết định cuối cùng số phận của các sản phẩm văn hóa và nghệ thuật” trong bài Sự trỗi dậy của tư duy phong kiến và bảo thủ. Vì theo cách tiếp cận của tác giả trong nhiều bài khác, số đông “công chúng” có thể bị chi phối, định hướng bởi những tổ chức đặt lợi ích thương mại lên trên hết, khai thác sự thèm khát hào nhoáng, danh vọng của một bộ phận đáng kể trong công chúng, từ đó không thật sự làm chủ lựa chọn của mình.

Phải chăng độc giả cuốn sách này chỉ bó hẹp trong giới học thuật và hoạt động xã hội chuyên nghiệp? Tôi không nghĩ như vậy và kêu gọi mọi người, bất kể già trẻ, nam nữ, dù thuộc tầng lớp hoặc nghề nghiệp nào, cũng hãy đến với cuốn sách. Không hề khô khan, không hề nhàm chán, cuốn sách kết hợp một cách sống động và hấp dẫn hơi thở của cuộc sống với tia sáng của học thuật. Và tôi hết sức thích thú với cách tác giả lồng ghép khéo léo sự hóm hỉnh và châm biếm sắc sảo nhưng tinh tế(1) vào việc phê bình xã hội của mình, khiến tác phẩm đến được với nhiều độc giả hơn.

TÔN NỮ THỊ NINH

HỌ PHÁ PHÁCH VÔ PHƯƠNG HƯỚNG VÀ VÔ NGHĨA

Vì sao những người dân Đồng Nai vốn bình thường hiền lành, thân ái với nhau, lại trong tích tắc trở nên khác hẳn, hăm hở lao vào núi bia đổ, lễ mễ khuân ra mấy bịch, rồi háo hức quay lại làm đợt nữa. Điều gì làm cho những thanh niên Nghệ An, cuối tuần vừa đi chơi với bạn gái, bỗng hăng lên lao vào “đánh hôi” kẻ trộm chó như đi trẩy hội. Lý do nào khiến những công nhân xây dựng ở Thái Nguyên, hằng ngày chăm chỉ mang cặp lồng cơm đi làm, bỗng trở nên hung hãn và đập phá chính ngay công việc đem lại miếng cơm manh áo cho mình? Sẽ hời hợt nếu ta chỉ đưa ra những bình luận chung chung về sự suy đồi của đạo đức, về sự xuống cấp của xã hội, về niềm tin bị đánh mất, về người Việt thiếu văn hóa, vân vân và vân vân. Để có thể hiểu được những hiện tượng này và truy tìm nguyên nhân, chúng ta cần phải nhìn sâu hơn vào tâm lý đám đông và xem nó vận hành như thế nào.

Một đám đông có những yếu tố đặc biệt. Thứ nhất, trong đám đông, các thành viên của nó vô danh. Khác với lúc đứng riêng rẽ một mình, cái vô danh trong đám đông đem lại cho người ta một sự an toàn và cảm giác được bảo vệ nhất định. Thứ hai, đám đông gây phấn khích. Những người đã từng ở trong một sân vận động khổng lồ đều biết cảm giác đó khác với cảm giác có được khi xem trận bóng trước màn hình ti vi. Số đông cộng hưởng và tạo ra một năng lượng đặc biệt, một sự hưng phấn có sức lây lan lớn. Lúc đó, cô gái nhút nhát nhất cũng có thể văng tục ngon ơ và cho ngón tay vào mồm, cùng huýt sáo la ó trọng tài.

Đám đông cũng đem lại cho các cá nhân trong nó một cảm giác về quyền lực. Trong đám đông, những người vốn thấp cổ bé họng bỗng có cảm giác mình mạnh mẽ. Chúng ta hẳn còn nhớ một người đàn ông Đồng Nai vừa bê bia vừa trừng mắt quát người tài xế xe tải: “Báo công an đi, ông thách đấy!”

Và cuối cùng, đám đông rùng rùng chuyển động và trăm người như một cùng làm một hành vi nào đấy, khi họ được một sự kiện bất ngờ châm ngòi. Giả sử như hàng trăm thùng bia ở Đồng Nai kia được xếp ngay ngắn ven đường, thì dù chỉ có một người trông coi thôi, chắc cũng không ai nghĩ tới chuyện xông vào lấy. Bia đổ tung tóe ra đường tạo ra một tình huống lạ, một điều bất thường, kết hợp với sự vô danh, phấn chấn lây lan, cảm giác quyền lực và an toàn, làm giảm đáng kể ý thức trách nhiệm của mỗi người về hành vi của mình, biến một bà mẹ mẫu mực thành một người hớt hải gom bia mặc dù trong nhà không có ai uống, để tới lúc tỉnh cơn say mới hối hận về hành động của mình. Trong đám đông, con người dễ đánh mất bản thân.

Tuy nhiên, chen chúc nhau để lượm mấy lon bia trên mặt đường, hay để bẻ mấy cành hoa trong một hội chợ vẫn khác xa với việc xông vào đánh đấm tới chết một kẻ trộm chó, hay châm lửa đốt rụi hàng chục cái xe máy. Điều gì khiến đám đông trở thành một sức mạnh phá hủy – nhiều khi phá hủy chính môi trường sống của bản thân họ? Những sự kiện trên có điểm gì chung với những lần các cổ động viên bóng đá ở Anh bỗng nhiên hỗn chiến và giật tung ghế của sân vận động, với làn sóng đập phá và hôi của ở London năm 2011 làm toàn thế giới kinh ngạc, hay với sáu ngày bạo lực và cướp bóc ở Los Angeles năm 1992 làm 53 người tử vong?

Điểm chung của Nghệ An 2014 (thanh niên nông thôn), Samsung Thái Nguyên 2014 (công nhân xây dựng), London 2011 (thanh niên nhập cư) và Los Angeles 1992 (thanh niên da đen) là: đám đông này là đám đông của những người ngoài lề, những người thấp bé trong xã hội, thu nhập thấp hoặc thất nghiệp, và không có cơ hội. Họ mang sẵn trong mình một sự cáu kỉnh và chán nản. Họ bực bội với bản thân, với cuộc đời mình, với những thứ xung quanh. Khi họ nhập vào một đám đông, như Gustave Le Bon nhận xét trong Tâm lý học đám đông (bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Tri thức năm 2006), họ đánh mất tính cá nhân, tính độc lập, khả năng đánh giá và phán xét đạo đức, họ bị cuốn vào ảnh hưởng phi lý của tập thể xung quanh. Do đó, đám đông có thể làm những hành động phá hủy và bạo lực mà mỗi cá nhân, nếu đứng riêng biệt, sẽ không bao giờ nghĩ là họ có thể làm. Chỉ cần một sự kiện nhỏ xảy ra: một công nhân bị bảo vệ đánh vào đầu, một con chó bị trộm.

Thực chất, sự hung hãn của người nghèo, của những người ở đáy xã hội, tới từ cảm giác bất lực, ngoài lề, không làm chủ được cuộc đời mình. Họ thấy mình như kẻ lạ trên chính đất nước của mình, bị bỏ rơi, bị lãng quên. Họ thấy mình kém cỏi, vô giá trị. Cũng vì thế, khi đã ngấm cái say của một đám đông nổi loạn thì họ hân hoan như đang tham dự một cuộc vui điên dại. Một tờ báo đã rất chính xác khi chạy tít cho vụ Nghệ An “Đánh trộm chó đông như đi hội”. Ai xem những video quay cảnh bạo loạn ở nhà máy Samsung hẳn cũng nhận ra không khí vui vẻ, phấn khích, các bình luận xôn xao, tiếng huýt sáo, reo hò, tiếng cười sảng khoái, như ở một buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng mà ai cũng được tham gia góp vui. Ít nhất, trong khoảnh khắc đó, họ có cảm giác mình là người thắng, người mạnh, rằng cuộc sống thú vị, sôi động, làm họ quên đi cái mòn mỏi hằng ngày của mình. Đám đông cho họ một bản sắc, cho họ một nơi để thuộc về.

Đám đông “mới” của ngày nay khác đám đông “cũ” của năm 1945. Đám đông cũ, qua quá trình được “vận động” tham gia cách mạng, đã phát triển cho mình một ý thức hệ. Sau 30 năm kinh tế thị trường, công nhân và người nghèo bây giờ đã mất đi ý thức về bản thân như một giai cấp. Họ đơn giản bị kẹt trong cái bẫy nghèo truyền xuống từ thế hệ trước để lại. Họ là sản phẩm của văn hóa nghèo khổ, những người, mà như Oscar Lewis đã định nghĩa trong Văn hóa của nghèo khổ năm 1998, “có rất ít ý thức về lịch sử. Họ là những người bên lề, chỉ biết tới những vật lộn của bản thân, chỉ biết được hoàn cảnh của địa phương họ, thế giới hẹp của họ, cách sống riêng của họ. Thông thường, họ không có kiến thức, tầm nhìn hay ý thức hệ để nhận ra điểm tương đồng giữa những vấn đề của họ và vấn đề của những người giống họ trên thế giới. Nói một cách khác, họ không có ý thức giai cấp, mặc dù họ rất nhạy cảm với sự phân biệt về đẳng cấp.” Chúng ta, những người đã quen với các đại tự sự cách mạng, ngạc nhiên nhận ra rằng những đám đông nổi loạn bây giờ không có quan điểm xã hội hay thông điệp chính trị gì. Những công nhân đập phá ở Thái Nguyên không đưa ra một đòi hỏi cụ thể gì cho doanh nghiệp hay công đoàn; những người dân đánh trộm chó ở Nghệ An không có yêu cầu gì với công an hay chính quyền địa phương. Họ phá phách một cách vô phương hướng và vô nghĩa. Chính vì vậy, sự hung hãn bùng phát thường bất ngờ với các nhà bình luận xã hội và các nhà chức trách, lúc đó họ mới bối rối đi tìm lý do và lời giải thích.

Lời giải thích đơn giản nhất có lẽ đến từ Martin Luther King: “Không có gì nguy hiểm hơn là xây dựng một xã hội mà trong đó một nhóm lớn có cảm giác họ không được can dự, rằng họ không có gì để mất. Nếu người ta có quyền lợi trong xã hội, người ta sẽ bảo vệ xã hội, nhưng nếu không, họ sẽ vô thức muốn phá hủy nó.”

Chúng ta hãy dành cho đám đông những người nghèo đô thị, những thanh niên nông thôn, những công nhân ở các khu công nghiệp, một phần tử tế của miếng bánh, một cảm giác xã hội là của họ, phục vụ họ. Một cảm giác thực sự chứ không phải chỉ trên các khẩu hiệu và văn kiện.

Nếu không, họ sẽ không để cho những người khác yên.

Tháng Giêng 2014

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button