Review

Bóng Tối Thiên Đường

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Erich Maria Remarque
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Đông A
Số trang 404
Ngày xuất bản 12-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Sau những năm tháng bị hành hạ trong trại tập trung tàn khốc trên chính quê hương mình, nhân vật chính của Bóng tối thiên đường, Robert Ross cuối cùng cũng được an toàn ở Hoa Kỳ. Chính trên miền đất mơ ước của những người tị nạn chiến tranh này, anh đã tìm thấy những gì mà mình hằng mơ ước: một tình yêu cuồng nhiệt với nàng Natasha xinh đẹp và quyến rũ, một công việc với đồng lương hậu hĩnh, một cuộc sống tự do không còn nguy hiểm rình rập… Những tưởng tất cả điều đó sẽ mang lại cho Ross hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng bóng đen quá khứ vẫn lẩn khuất trong những giấc mơ hằng đêm; chúng bám lấy anh, thôi thúc anh đi đến quyết định trọng đại nhất cho cuộc đời mình.

Là tiểu thuyết sau cùng được viết trong những năm tháng cuối đời ở Thụy Sĩ, Bóng tối thiên đường chính là niềm nhớ thương da diết hướng về quê hương của nhà văn Remarque. Thông qua tác phẩm, ông gửi gắm tình yêu bất tận dành cho đất nước của mình, dù chính mảnh đất ấy đã từng chối bỏ ông.

[taq_review]

Bạn đọc cảm nhận

Winny Nguyễn

Erich Maria Remarque (1898 – 1970) sinh tại thành phố Osnabruck thuộc miền tây nước Đức. Sau khi giải ngũ từ chiến tranh thế giới thứ nhất, Remarque phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau: chơi đàn tại viện tâm thần, bán vải, khắc bia mộ, lái xe đua – những công việc về sau đều được tác giả đưa vào tác phẩm của mình. 1924, ông trở thành phóng viên và trợ lý biên tập cho một tạp chí. Trong thời gian này, ông có cho ra mắt hai tác phẩm song không gây được sự chú ý. Cho đến năm 1929 với tác phẩm “Phía Tây không có gì lạ”, ông mới được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều quốc gia. Tác phẩm được dịch ra 22 thứ tiếng, ngay sau đó được chuyển thể thành phim và giành 2 giải Oscar. Năm 1931, Remarque được đề cử giải Nobel Văn chương và Hòa bình.

Tuy nhiên tác phẩm này bị Đức quốc xã cấm lưu hành khiến Remarque buộc phải rời khỏi Đức và phải sống lưu vong tại nước ngoài. Trong thời gian này ông đã tiếp tục sáng tác những thiên truyện đầy bi ai về thân phận những mảnh đời lưu vong như “Khải Hoàn Môn”, “Đêm Lisbon”, “Bóng tối thiên đường”…

Robert Ross đang gặp khó khăn trong vấn đề nhập cư trên đất Mỹ sau khi đã rong ruổi khắp châu Âu trong hành trình chạy trốn bọn Gestapo của chế độ Đức Quốc xã. Sau một vài sự giúp đỡ của những bạn bè cố hương và cả những người mới quen, Ross đã tìm được một công việc ở cửa hàng bán tranh, kết bạn cùng những người Đức tha hương khác như anh, yêu một nàng người mẫu xinh đẹp Natasha Petrovna. So với những ngày tháng bị hành hạ thống khổ trong trại tập trung hay những ngày trốn chạy thấp thỏm qua Pháp, Bỉ, Hà Lan thì tại nơi đây, nước Mỹ chính là thiên đường: không có chiến tranh, bọn Đức Quốc xã không thể chạm đến được, dễ tìm được một công việc nào đó để làm, và tuy giấy tờ có khó khăn nhưng Mỹ vẫn dang tay chào đón những con người lưu vong tứ xứ. Với Ross, nước Mỹ đã cho anh khá nhiều thứ: một công việc phù hợp sở trường nghệ thuật, một cô gái đẹp tuyệt vời để san sẻ buồn vui, những mối quan hệ với giới thượng lưu. Nhưng chỉ Ross biết, trong mỗi giấc mơ hoang hoải, cái quá khứ hãi hùng về trại tập trung, về cái chết và về những cuộc trốn chạy vẫn đang lẩn khuất trong từng ngóc ngách cuộc sống, bám riết lấy theo từng bước chân. “Những mảng bóng đen kia bò lan tới những nơi mà tôi không thể nào ngăn cản nổi, bò lan vào trong những giấc mơ của tôi, vào tiềm thức của tôi mỗi đêm, dệt nên những thế giới kỳ quái để đến sáng hôm sau lại sụp đổ tất cả. Nhưng hôm nay, những thế giới mù mờ, kỳ quặc kia không chịu biến đi, chúng quấn chặt quanh tôi tựa như những luồng khói đặc quánh, ẩm ướt. Và từ đám khói này những đàn kiến bò ra, chạy dọc trên lưng tôi, cảm giác nhầy nhụa, ngòn ngọt đến buồn nôn. Thứ khói bốc ra từ các lò hỏa táng.”

Thành phố New York tưởng như muốn gì thì có ngay đó: muốn yên ả thanh bình thì có yên ả thanh bình, muốn phù phiếm xa hoa thì có phù phiếm xa hoa. Mỹ như một miền đất hứa cho những cánh chim tị nạn, nhưng New York không có gì dành cho Ross. Ross chỉ thuộc một cộng đồng những người không có Tổ quốc, ngắc ngứ với mỗi một câu chữ tiếng Anh, là một kẻ lạc lõng nơi thiên đường và Ross tự gọi mình là “giống ký sinh ăn bám”. Càng dấn thân vào những hạnh phúc xa hoa của cuộc sống New York, Ross càng nhận ra bóng đen quá khứ càng đậm đặc và dày hơn, giày vò khủng khiếp hiện tại của anh. Nó diễn ra một cách chậm rãi, bám tủa, lan toản, bao trùm cả cuộc sống. Ross đắm mình vào mối tình với Natasha bên cạnh những ly vodka cháy bỏng đầu óc hòng tìm cho mình một cái neo đậu, một niềm hy vọng chắc chắn, một chút ánh sáng để có thể đi qua cái bóng đêm lẩn khuất kia. Ross cố sống một cuộc sống bình thường, cố gắng cân bằng giữa giấc mơ thiên đường Mỹ và bóng tối địa ngục Đức. Mỹ là thiên đường, nhưng chỉ là một thiên đường tạm bợ và nhất thời, là một nơi trú đông mờ mịt. Trong những giấc mơ, Ross đã kêu thét lên không biết bao nhiêu lần. Rồi anh nhận ra, Mỹ có thể cho anh một cuộc sống mới và một tình yêu nồng nhiệt nhưng Mỹ không thể chữa lành những thương tổn sâu sắc trong tâm hồn anh, không thể mang đến cho anh sự bình yên trong tâm hồn. “Tôi không buộc phải chấp nhận một quyết định nào cả. Mọi điều cứ tự nhiên đến, tựa như đọc xong trang sách này sẽ tới trang sách kia. Bây giờ thì tôi hoàn toàn vững tin là tôi dứt khoát phải rời bỏ xứ sở này để ra đi. Tôi không thể nào hành động khác được. Tôi sẽ trở về nơi ấy, không phải để báo thù. Điều đó đã qua rồi. Tất cả đơn giản hơn nhiều. Tôi sẽ trở về nơi ấy để tìm ra mảnh đất dưới chân mình. Chừng nào tôi còn chưa thực hiện được sự trở về kia, không ở một nơi nào tôi tìm thấy sự bằng an. Nếu không làm thế, tôi chỉ còn độc một ý nghĩ phải quyên sinh, phải tự tiêu diệt đi sự hèn hạ, nhút nhát của chính tôi, và một nỗi ăn năn, hối hận khốn khổ, khốn nạn sẽ mãi mãi đeo đẳng theo tôi cho tới giây phút chót của cuộc đời. Tôi không thể không ra đi được”. Và rồi, từ bỏ tất cả mọi thứ kể cả tình yêu với nàng Natasha, Ross đã quyết định phải trở về nước Đức nhằm đối diện với quá khứ, để tìm kiếm câu trả lời cho hiện tại và hy vọng sự bình yên cho tương lai.

Những người như Ross bị chính quê hương của mình chối bỏ và săn đuổi, nhưng sâu trong thâm tâm, họ vẫn dành một mối quan tâm đặc biệt cho nước Đức và không ngừng mong mỏi một ngày được trở về. Có người có cơ hội trở về, có người đến tận lúc chết vẫn thấp thỏm theo dõi tình hình chiến sự ở Đức, và cũng có người không tìm được niềm hy vọng ở Mỹ và là kẻ thù của Đức đã đi đến quyết định tự sát. Chính tác giả cũng mang trong lòng nỗi nhớ quê hương đau đáu dù ông chưa một lần trở về, thì tác phẩm cuối cùng của cuộc đời Remarque như là một quyển nhật ký bày tỏ nỗi lòng. Remarque đã tỉ mỉ kể và tả những câu chuyện đời thường, những chiêm nghiệm suy tư về cuộc sống khiến người đọc như đang sống trong thời đại đó, cảm nhận rõ rệt từng suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật. Remarque cũng là một trong số ít các tác giả có thể biến mọi trải nghiệm trong cuộc sống thực của chính mình trở thành các chất liệu cho tiểu thuyết, vì thế mà rất gần gũi và chân thực. Dù Đức Quốc xã đã khiến ông phải tha hương khắp Mỹ và châu Âu, dù nó đã cướp đi mạng sống của em gái ông, nhưng sau cùng, ông vẫn dành cho nước Đức một tình yêu tha thiết, vẫn dành những áng văn u buồn tuyệt đẹp, vẫn dành những cái nhìn thông cảm và trân trọng cho những con người nước Đức, và vẫn không thôi nỗi hoài nhớ quê hương.

Đánh giá: 4/5.
Yêu thích: 4/5.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button