Review

Bóng Ma Nhà Mệ Hoát

Thể loại Văn Học Việt Nam
Tác giả Vũ Bằng
NXB NXB Hội Nhà văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 247
Ngày tái bản 12-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Bóng Ma Nhà Mệ Hoát là một câu chuyện mang tính liêu trai bởi trong đó có hồn ma bóng quế, là câu chuyện về hồn ma của mợ Hoát và cháu gái Phương Thảo.

[taq_review]

Review

Mai Hoàng

Đây là quyển gây thất vọng nhất trong những quyển của bộ vietnamdanhtac mình từng đọc. Quyển này thuộc thể loại huyền bí siêu nhiên hay nói cách khác kiểu truyện ma báo oán. Nếu đọc truyện Việt Nam thì mình sẽ thích kiểu hiện thực phê phán hơn là thể loại này dù nó cũng nói đến tội ác chiến tranh nhưng không thực sự nổi bật. Nói thẳng ra thì ở quyển này chẳng có cái đặc điểm gì thực sự gây ấn tượng, cách kể chuyện cứ đều đều chả đặc sắc gì nên mãi mới đọc xong được haizz mệt quá T.T

Trích đoạn

Chương Bảy

Ông Ômya đặt chén rượu xuống, hỏi:

– Nằm suy nghĩ như vậy, có lúc nào ông đã thử đặt lại vị trí ngôi nhà ông mới dọn đến ở, so sánh với Chợ Quán ngày trước không? Theo ông, nhà ông có nằm ở trong vùng Chùa Miên và xóm người Thổ không?

– Có. Nằm thao thức không ngủ được, tôi bật đèn ngồi dậy lục các sách cũ nói về cổ tích Sài Gòn, có cuốn mới viết năm 1968, có cuốn viết từ 1885, xem lại các bản đồ thì mang máng nhận ra rằng cái hẻm tôi ở đứng về phía Bắc ngôi nhà lầu của cố học giả Trương Vĩnh Ký chừng ba trăm thước và ở bìa xóm Thổ ngày trước, một đầu đi ra chùa Kim Chương, còn đầu kia đi mãi ra được đến Cầu Kho, trước đây nổi tiếng vì xóm ăn mày, tên chữ là “Tân Lộc Phương” mà người ta cho rằng nguyên thủy là ruộng lúa của người Khơ-me trồng trọt.

Thấy chỗ nào cũng nói đến dấu tích người Miên, đền chùa tượng Phật, nhang đèn… thú thực có một lúc tôi ngờ rằng cái nhà tôi đang ở có bao nhiêu người đến mướn mà không ở được có lẽ cũng vì những chuyện ân oán, choán đất chùa và ruộng lúa ngày trước chăng?

“Hừ, dị đoan… hoàn toàn là dị đoan”. Tôi tự nhủ thầm như vậy, nhưng thật tình tôi vẫn bán tín bán nghi. Tuy vậy, tôi tuyệt nhiên không sợ hãi, lo âu gì hết. “Một tiếng nói huyền bí bảo mình đến đây… rồi có gì thúc đẩy mình hỏi mướn căn nhà này. Chẳng lẽ nào bao nhiêu sự việc đó lại để đi đến một cái kết cục vô nghĩa vô lý, không đầu, không đuôi?”.

Từ thuở tôi còn nhỏ, cả họ cho tôi là một thằng lì lợm, chướng ách: ai làm gì thì tôi nhất định không làm như thế; ai khuyên tôi thế này thì tôi làm thế kia; ai chê tôi thì tôi hứng lấy và tôi lấy làm thích thú mỗi khi hành động trái ngược lại những người chung quanh. Hỏi làm như thế thì có lợi gì không? Tôi biết là có khi không có lợi, mà còn hại là khác nữa, nhưng cái thích của tôi như thế thì tôi cứ thế mà theo và cũng chính vì thế mà gần hết cả một đời người bị lao đao thất bại. Nhiều người đến lúc trời chiều bóng xế thường “nghĩ lại” và thay tâm đổi tính đi, nhưng tôi không thế.

Cái việc ở lì căn nhà Mệ Hoát, mặc dù bạn bè sa sả về đất chùa, tượng Phật của người Miên, không hề làm cho tôi lay chuyển. “Tái ông thất mã. Biết đâu ở trong cái dở lại chẳng có cái hay nẩy nở ra?” Tôi nghĩ thầm như vậy.

Thêm nữa, tôi yên chí mình là một người không căn bản mà đạo đức chẳng bằng ai, nhưng kiểm điểm lại tất cả các hành động từ khi còn nhỏ cho đến cho đến lúc gần kề miệng lỗ, không làm cho ai thất cơ lỡ vận, không giết chóc, tác hại ai, không phản trên lừa dưới làm cho âm hờn dương oán, hà cớ gì lại có người hại được tôi, dù người đó còn sống hay đã chết?

Ngoài thì giờ viết lách và đọc lảm nhảm hết sách nọ đến sách kia, tôi vẫn cứ triết lý vụn với mình như thế (cố nhiên là trong khi triết lý như vậy, bao nhiêu cái gì tốt đẹp cũng để về phía tôi).

Bao nhiêu ngày đã trôi qua? Có lẽ một tuần rồi, mà có lẽ được nửa tháng rồi cũng nên. Chẳng có gì lạ hết!

Không. Nói như thế không đúng hẳn. Trong những ngày đầu đến ở, tôi thấy có một sự khác lạ rất tầm thường, nhưng tôi không thể không lưu ý: công việc làm ăn suôn sẻ, kiếm tiền như vỗ tay, đánh bạc được hoài, lại có những món tiền từ đời kiếp nghiệp lai nào, cả trăm phần chắc mất, thì ở đâu lù lù dẫn lại… .

Sống trong tình trạng ấy tôi mới thấy rõ là tiền không làm cho người ta sung sướng (tôi thề không giả đạo đức lên lớp khuyên người ta coi thường tiền) nhưng quả đúng như thế thật: lúc chưa có tiền thì khổ quá chừng là khổ, nhưng nắm một mớ thật bộn ở trong tay, lập tức mình thấy không thiết tha, thú vị gì nữa; hơn thế lại chán nản hơn cả khi nào hết vì không còn thèm gì cả, không muốn gì cả mà đời sở dĩ còn hấp dẫn được người ta một phần lớn là tại người ta muốn thế này, ước thế kia. Những người thật sướng ở đời này, theo tôi, là những người rất khổ, rất túng, tự nhiên một hôm được thỏa mãn một cách nhỏ nhoi giai đoạn rồi lại khổ, rồi lại túng, rồi lại ước mong hy vọng… .

Tôi vẫn nói tôi là một người không có khoa học, hay tin bậy bạ. Thấy tiền bạc cứ thong thả đi vào nhà mình như vậy, tôi thú thực là có lúc tôi giật mình lo ngại. Là rằng tôi yên trí rằng đời là một cuộc biến chuyển thường xuyên: hết sáng thì tối, nắng lắm thì mưa, một người hay một nước mà đến tột độ giàu sang, sung sướng (theo trắc lượng của người ấy, nước ấy) thì phải xuống, cũng như trèo lên đỉnh ngọn cây rồi phải tụt xuống chớ không thể trèo lên cao hơn nữa.

Biết làm sao bây giờ? Tôi suy tính trăm nghìn cách, chưa biết sử sự thế nào thì một ý tưởng nảy ra trong đầu.

Một ý tưởng rất hủ lậu, có lẽ; một ý tưởng có nhiều chất dị đoan, nhưng tôi cứ tự cho mình là phải: sở dĩ tự độ đến ở đây được may mắn, chẳng qua là nhờ đất cát hết, chứ không phải là tháo vát, tài ba gì cả. Nhớ lại lúc còn đông đủ gia đình ở Bắc, bà nội tôi, bố mẹ tôi, tối tối ngồi trò chuyện với nhau, thường kể rằng có nhiều cái nhà tiền chủ rất dữ mà đến ở lại không việc gì, lại ăn nên làm ra thì khác vì nó “hợp” với mình, cần nhất là mình năng cúng vái để cho người ta phù hộ.

“Ờ phải. Mình quên mất hẳn điều đó. Hôm nào mình phải lập bàn thờ cúng ông thổ địa ở đây, ngày rằm mùng một lễ bà tiền chủ, khai quang tẩy uế mới được”.

Tôi xem lịch kiếm một ngày thật tốt để nhân dịp ăn tân gia, thiết lập hai cái bàn thờ đó thì Mệ Hoát một đêm lững thững hiện ra, mờ mờ sương khói, như cái bóng.

Chương Tám

Nghe đến đây, ông Ômya, một người từng xông pha trăm nguy ngàn hiểm, vượt đạn trốn bom, một người đã từng một mình vào nơi rùng rợn hãi hùng hơn cả địa ngục để tìm một mảnh giấy, một hồ sơ mật, vậy mà bất thần giựt mình và hỏi:

– Ông nói gì? Mệ Hoát? Ông trông thấy thực hay là ảo giác?

Tôi nhớ lại câu chuyện con chuột khôn của ông Tô Ðông Pha và không lấy làm lạ về công việc ông Ômya giật mình khi nghe thấy nói đến bóng ma của Mệ Hoát hiện ra trong nhà tôi lúc nửa đêm.

“Người ta có thể đập nát viên ngọc bích đáng ngàn vàng mà không thể không sợ thất kinh khi nghe cái nồi đất vỡ, có thể đánh con hổ dữ mà không thể không biến sắc vì con ong đốt: đó là tại cái lòng không chuyên nhất vậy. Những điều ấy, mọi người vẫn thường nói mà quên rồi ư?”

Tôi cười một mình chậm rãi trả lời:

– Phải, cái bóng ma Mệ Hoát. Nhưng đó là thực hay ảo giác thì tôi không biết. Ông để cho tôi nói tiếp rồi ông suy luận lấy, bởi vì ông sẽ thấy không phải chỉ có một mình tôi trông thấy nhưng chính một đồng bào của ông, ông Tôkubê cũng trông thấy hai năm rõ mười. Không, tôi kể chuyện cho ông nghe, chớ tôi không có lợi lộc gì mà bịa đặt phải không?

Tôi không nhớ rõ đêm ấy là đêm thứ mười mấy kể từ khi tôi dọn đến ở căn nhà này. Chỉ biết rằng đáng lẽ đi ăn cơm với mấy người bạn ở xa về, tôi lại khước nằm khàn ở trên giường đọc báo. Lại xin thú thực với ông nữa: tôi là nhà văn kiêm ký giả nhưng ít khi đọc báo, trừ khi nào có tin tức đặc biệt gì ghê gớm lắm.

Nhưng đêm hôm ấy tôi nằm đọc báo vì một nguyên nhân khác hẳn: tại lười. Lười một cách vô nghĩa, lười không vì nguyên nhân gì hết, lười đến cái mức nằm một bên mỏi quá cũng không buồn trở mình.

Sợ rằng cứ nằm bề bệt như thế thì đau mất, tôi ngồi dậy bật cái đèn đêm ở đầu giường, đi thong thả ra cửa sổ ngồi nhìn xuống mấy cái mái nhà tôn ở sau vườn.

Hoa y lăng bây giờ trổ bông nhiều hơn; về đêm hương thơm tiết ra ngào ngạt cả không khí làm cho tôi buồn thê thiết trong lòng. Ấy là lúc tôi nhớ đến vợ con ở Bắc trước đây, vẫn dắt nhau đi chơi thong thả trên những con đường ngào ngạt hương thơm như thế này. Tôi hèn lắm, ông Ômya ạ. Tôi hèn vì tôi buồn hết sức là buồn và tôi ngồi ôm mặt khóc như đứa trẻ. Tất cả cuộc đời dĩ vãng của tôi hiện ra. Tôi nhớ lại từng li từng tí những sự việc tưởng đâu như đã chết không còn bao giờ quay trở lại; tôi tự hỏi không biết vợ con bây giờ no đói như thế nào, sống chết ra sao và tôi cố vẽ lại trong óc những đường lối đi về ngày trước, căn nhà Pháp Vân, vợ chồng con cái, cứ chiều thứ Bảy thì về đó nghỉ ngơi, có khi hợp nhau lại cầu cơ và xin thơ giáng bút.

Vào khoảng nửa đêm, gió thổi mạnh, kêu vù vù như gió mây ở Bắc. Lá cây y lăng đập vào nhau rào rào. Dưới bóng mờ của ngọn đèn đêm, tôi lấy một tờ giấy và cây viết ra định làm một bài thơ “Nhớ Nhà” nhưng nghĩ mãi không ra tứ lạ, tôi tiện có giấy bút đây vẽ bậy một hình đàn bà, vừa vẽ vừa ngâm lớn mấy câu thơ cũ:

Vạn Lí bi tha thuồng tác khách
Bách nhiên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đỏa tân đình ngọc tử bôi.

Muôn dặn thương thu, làm khách trọ
Trăm năm nhiều bệnh, dạo dài chơi
Sương in mái tóc đầy gian khổ
Nghiên ngã ngừng nâng chén rượu ôi.

(Bản dịch của Trần Ngọc San)

Bốn bề im lặng. Ngọn đèn để đêm cháy mù mù như một con mắt chột kèm nhèm. Ðặt bút xuống nhìn hình người đàn bà vừa nguệch ngoạc xong, tôi chột dạ trong một thoáng vì không hiểu tại sao cái đầu người đàn bà tôi vừa vẽ lại giống y hệt cái hình tôi lồng trong khung treo trên tường.

Tự nhiên tôi rùng mình, ngoảnh mặt đi không còn muốn nhìn cả bức hình treo lẫn bức vẽ nằm ở trên bàn viết. Thì chính giữa khi ấy tôi nghe thấy có tiếng dép đi khe khẽ ở cầu thang, sau khi cái cửa ở nhà dưới kêu két lên một tiếng mơ hồ. Tôi hỏi:

– Ông Yên mở cửa đấy à?

Không có tiếng trả lời.

Tôi ngồi im không động đậy, đầu óc tôi tỉnh táo lạ thường. Chiều hôm đó tôi không uống rượu, không ăn no, không nhức đầu. Mắt tôi nhìn tinh tường hết sức, có lẽ còn hơn cả bây giờ tôi đang nhìn ông, ông Ômya à… Tôi nhìn ra phía cầu thang và hỏi khẽ:

– Ai lên đó?

Tôi hỏi như thế là vì ở chỗ cầu thang lên phòng ngủ của tôi ở trên gác, lúc bấy giờ có một hàng chấn song cao làm bằng cây, treo một bức màn hoa. Kế đó là một cái cửa ra vào lắp kiếng mờ, thường đóng để cho đỡ bụi mà cũng là để cho cửa nhà kín đáo lúc đêm hôm.

Lúc ấy, trời khuya lắm. Tôi nghe rõ tiếng các bật thang cũ kỹ kêu óp ép một giây rồi sau đó, mặc dầu ngồi ở trong gác không nhìn được ra ngoài cầu thang, tôi thấy rõ rệt một người bước lên thong thả và rất nhẹ. Kỳ! Ai vậy? Mà tôi hỏi lại không trả lời? Có một lúc tôi ngỡ là ông Yên lên có việc gì, nhưng trong giây lát, tôi biết ngay là không phải. Tại sao? Tôi cảm thấy như thế, còn hỏi tại sao thì tôi không có cách gì để trả lời.

Tiếng dép đi khẽ trên sàn gần hơn một chút, gần hơn một chút. Từ ngực ra phía sau lưng tôi tự nhiên lạnh toát. Tóc ở gáy tôi không dựng đứng lên như người ta vẫn tả trong trường hợp gặp chuyện gì sợ hãi, nhưng rung động khe khẽ và làm nhột ở cổ một cách khác thường. Chính trong lúc bối rối chưa biết sử sự ra sao (chạy ra mở cửa xem sao hay cứ ngồi yên mà chờ đợi?) thì cái cửa kiếng đi xuống cầu thang mở ra từ từ êm ru, tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng động nhỏ nhoi nào hết. Tôi dồn hết sức mắt để nhìn: cái cửa kiếng tự nhiên mở ra thật; ở ngoài tối như bưng; một ngọn gió lạnh tê tê hiu hắt tạt vào phòng trong, chỗ tôi đang ngồi.

Tim tôi đập, đập như trống trận. Trong nháy mắt máu dồn lên cả thái dương, nhưng tôi cố ngồi yên và cố giữ bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Những chuyện ma chọc người, ma không nhát được những kẻ sĩ tâm hồn cứng rắn, ma muốn thế nào cũng không hại được những người ăn ngay ở thẳng… mà ông bà, cha mẹ vẫn kể cho tôi nghe lúc tôi còn nhỏ và đã nhiễm vào trong tim óc tôi và thành ra một chất đặt biệt hòa vào trí óc, huyết mạch, da thịt tôi rồi.

“Ngày xưa tại một bản thượng du có một cây bàng xum xuê, thường hay có người đến thắt cổ ở trên cành, người ta đồn rằng có ma ở đấy.

Tại xóm ấy có một người học trò hay chữ tên là Lê Quý đêm nào cũng thắp đèn học đến tận sáng mới đi ngủ. Láng giềng có một người đàn bà còn trẻ cũng thường hay thức đêm để dệt cửi.

Một đêm vào khoảng cuối canh hai, trời sáng trăng suông mờ mờ, người học trò nghe có tiếng sột sột bên ngoài, mở cửa sổ trông ra thì thấy bóng một người đàn bà tay cầm một khúc dây chừng ba bốn thước đang giấu quanh giấu quẩn, để chỗ này rồi đem chỗ khác, như sợ có người biết, rồi sau cùng đến bỏ vào đóng rơm mà đi. Người học trò đem đèn ra soi, lấy cái dây thấy mùi hôi tanh, đoán chừng là của con ma thắt cổ, liền đem vào để trên án thư, lấy kinh sách đè lên rồi đóng cửa ngồi chờ thử xem ra làm sao… ”

Tôi cũng ngồi chờ thử xem ra làm sao, theo đúng tinh thần bất úy, bất khuất của người học trò trong truyện cổ.

Thế rồi cái cửa kiếng mở rộng: một cái bóng bé nhỏ mặc áo rộng và dài đi dép rất êm, hiện mờ mờ rồi rõ dần dần trong khuôn cửa. Một điều rất kỳ lạ nẩy ra trong óc tôi lúc đó, và chắc chắn không ai có cách gì thấu được: thay vì nghĩ: “Ủa! Ma à!” tôi lại nhớ ngay đến một câu Kiều, đoạn Kiều gặp Ðạm Tiên hôm đi tảo mộ về:

Sương in mặt, tuyết pha thân
Sen vàng lững thững như gần, như xa.

Quả đúng như thế. Cái bóng hiện ra ở trước mặt tôi lúc đó quả đúng y như thế. Sau khi đã nghĩ như thế rồi, tôi mới nhìn kỹ cái bóng đương tiến nhẹ như hơi gió đến trước tôi… Ðó là một người đàn bà không có tuổi, bới tóc cánh tiên, có một dáng điệu phong lưu tuyệt trần. Mặt bà hình trái soan, mọng và đỏ thắm, hai con mắt sáng và dài, nhưng toàn thể thì có vẻ xanh xao, mệt mỏi, chán nản không thiết tha gì hết.

Cái bóng tiến thêm lên một chút nữa.

Tôi nhìn kỹ hơn thì thấy ở chung quanh mắt bà có một quầng thâm, không linh động, nhìn thẳng phía trước mặt không mục đích mà đôi môi, măc dù mọng và đỏ thẩm nhưng không có lúc nào hé mở, trái lại luôn luôn mím chặt. Ở hai bên má, có hai hàng nếp nhăn lờ mờ.

Tôi nghĩ thầm: “Có lẽ là ma chớ không phải người”. Và tôi tự lý luận với chính mình trong một giây: “Phải là người thì bằng xương bằng thịt, chứ đằng này mờ mờ nhân ảnh như là khói sương. Thêm nữa, mình đóng cửa, người thường vào sao được, phải là ma mới biến thẳng vào đây thong thả như thế này!”.

Trong khi tôi nghĩ như thế, cái bóng đàn bà ấy lừ lừ lại gần, ngồi xuống cái ghế ở trước mặt tôi, cuối đầu chào một cách lạnh lùng rồi lặng im không nói gì.

Tôi lại nghĩ thầm: “Ðích là ma rồi. Mình phải can đảm đối phó thì ma nó sợ, chớ la lên hay chạy thì nó nhát và đuổi theo bóp cổ, hớp hồn mình chết”.

Tôi bèn thu hết cả lòng can đảm của tuyệt vọng, hỏi rất lớn (nhưng chính ra thì lí nhí ở trong miệng, không rõ rệt từng câu chữ):

– Thưa bà, có việc gì mà lại hạ cố tìm tôi vào giữa đêm khuya như vậy?

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button