Review

Bốn Thỏa Ước

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Don Miguel Ruiz
NXB NXB Hà Nội
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 165
Ngày xuất bản 11-2015
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Nhà văn Mexico Don Miguel Ruiz, người đứng giữa những vẻ đẹp của nhiều nền văn minh tinh thần khác nhau, hậu duệ của Toltec nổi danh, đã cô đọng nhiều chứng nghiệm của ông về tồn tại và hạnh phúc của con người trong cuốn sách Bốn thoả ước – những dẫn giải và thực hành cơ bản nhất để đạt tới tự do tinh thần cũng như sự khai phóng cá nhân.

Cuốn sách đã 6 năm liền đứng trong Top best – seller của tạp chí văn hoá The New York Times, bán được hơn bốn triệu bản và được giới thiệu trên show truyền hình đắt giá Oprah. Xuất phát từ triết lý tinh hoa về vũ trụ và con người của nền văn minh Toltec cổ xưa, xuất hiện tại vùng Trung Mỹ cách đây hàng nghìn năm, Don Miguel đưa ra một quan niệm về “cái tôi, như bạn vốn là”, rất gần gũi với triết lý con người của phương Đông, “ bản lai diện mục”, cái tôi ấy là tâm điểm để khám phá thế giới và là điểm đến của hạnh phúc. Bốn thỏa ước được tóm tắt ngắn gọn như sau:

“Không phạm tội với lời nói của bạn”. Được hiểu là không dễ dãi, máy móc lặp lại những quan niệm và thành kiến của mọi người xung quanh khi nhìn nhận một vấn đề hay con người nào đó, hoặc khi đánh giá chính mình. Hãy nhìn sự vật theo cảm nhận của bản thân, đừng để vị quan toà vô hình với những thành kiến về “đúng- sai”, “ thưởng- phạt” mà thực chất là những quan niệm “truyền đời” của xã hội duy ý chí, dẫn dắt và làm khổ bạn. Đừng dùng lời nói của mình làm lan truyền những thiên kiến đó ra mọi người chung quanh.

“Không vơ mọi chuyện vào mình”, nói khác đi là không ngộ nhận. Những người bên ngoài bạn chỉ có khả năng tư duy, khát vọng, quan tâm và thực hiện những điều thuộc về họ và chỉ thoả mãn tư duy, khát vọng, quan tâm, hành động của bản thân họ mà thôi. Không có sự đánh giá nào từ bên ngoài lại thực sự phù hợp với bạn và có thể tác động lên chính cuộc sống của bạn.

“Không giả định, phỏng đoán”, vì giả định phỏng đoán thực chất cũng chỉ là lặp lại những thiên kiến, thành kiến sẵn có về sự vật, không gì khác, nó không thể cho bạn biết ý nghĩa đích thực của điều đang diễn ra. Hãy can đảm đặt câu hỏi về những gì chưa được biết rõ và hãy bày tỏ điều bạn muốn. Cần thông tin cho người khác minh bạch, rõ ràng để loại bỏ những cơ hội bị hiểu lầm, cường điệu.

“Hãy làm hết khả năng của mình” là thoả ước thứ tư, nó chính là nguyên lý thực hành căn bản để khai phóng “cái tôi” mà bạn vừa giác ngộ sau ba thoả ước khởi đầu, một cách mạnh mẽ nhất. Làm hết khả năng đồng nghĩa với làm mọi việc trong phạm vi cuộc sống của bạn bằng tình yêu chứ không phải bị bắt buộc hay để đối phó, hoặc dùng để trao đổi. Tình yêu là nguồn động lực mạnh mẽ duy nhất giúp bạn tiếp cận và thực hành triệt để một công việc. Chỉ tình yêu mới giúp bạn nhìn ra và thực hiện được hết mọi – khả- năng của một vấn đề. Tình yêu mở ra nguồn năng lượng vô hạn của con người và vũ trụ, vì nó chính là bản chất của mọi tồn tại trên thế giới này, cũng giống như quan niệm vô ngã, vị tha, từ bi hỉ xả của đạo Phật.

Thiên về chỉ dẫn thực hành, nhưng Bốn thoả ước của Don Miguel vẫn bao hàm một hệ thống triết lý về vũ trụ và nhân sinh minh bạch, giản dị, trong đó con người là một phần của tự nhiên, hài hoà, sòng phẳng và không giới hạn. Bốn thoả ước có phần nào rất gần gũi với “Tứ diệu đế”- Khổ, Tập, Diệt, Đạo, bốn chân lý kỳ diệu của triết học phương Đông, chỉ dẫn con đường sống đầy đủ, hạnh phúc và tự do trong khả năng thiên phú của mỗi cá nhân, tránh khỏi ngộ nhận, ham muốn quá đà mà bỏ lơi chân tính.

[taq_review]

Trích dẫn

Không vơ mọi chuyện vào mình

BA THỎA ƯỚC TIẾP THEO THỰC SỰ ĐƯỢC SINH RA từ thỏa ước đầu tiên. Thỏa ước thứ hai là: Không vơ mọi chuyện vào mình.

Bất cứ điều gì xảy ra quanh bạn, đừng vơ nó vào mình. Sử dụng một thí dụ trên đây, nếu tôi gặp bạn trên đường phố và tôi nói: “Ê, mày khờ quá!” mà tôi không quen bạn thì câu ấy không phải là nói về bạn đâu. Đó là nói về tôi đấy. Nếu bạn xem câu nói ấy quan trọng, khi ấy có lẽ bạn tin rằng bạn ngớ ngẩn thật. Có lẽ bạn tự nghĩ: “Sao hắn biết nhỉ? Hắn là thám tử, hay ai cũng có thể thấy mình khờ?”

Bạn vơ lấy câu ấy vào mình vì bạn đồng ý với những gì được nói ra. Ngay lúc bạn đồng ý, nọc độc truyền sang bạn và bạn bị sập bẫy vào giấc mơ hỏa ngục. Cái đã làm bạn bị mắc bẫy là cái mà chúng ta gọi là tầm quan trọng cá nhân. Tầm quan trọng cá nhân, hay việc xem mọi thứ đều quan trọng, là biểu hiện cao nhất của tính ích kỷ, vì chúng ta giả định rằng mọi thứ đều nói về “tôi”. Trong suốt thời gian giáo dục, hoặc quá trình thuần hóa chúng ta, chúng ta học xem mọi sự đều có liên quan đến mình. Chúng ta nghĩ rằng mình có trách nhiệm về mọi thứ. Tôi, tôi, tôi, luôn luôn là tôi!

Không có gì người khác làm mà lại vì bạn cả. Chỉ vì họ thôi. Mọi người sống trong giấc mơ riêng của họ, trong tâm trí họ; họ sống trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới ta đang sống. Khi vơ một cái gì đó vào mình, chúng ta giả định rằng họ biết trong thế giới của chúng ta có gì và chúng ta tìm cách áp đặt thế giới của chúng ta lên thế giới của họ.

Ngay cả trong một tình huống có vẻ rất cá nhân, ngay cả khi người khác trực tiếp lăng nhục bạn thì điều đó cũng không hên quan gì đến bạn. Những điều họ nói, những gì họ làm và những ý kiến họ đưa ra đều tương ứng với những thỏa ước mà họ có trong đầu. Quan điểm của họ đến từ mọi cách lập trình họ đã nhận được trong quá trình thuần hóa.

Nếu ai đó cho bạn một ý kiến và nói: “Này, mi mập quá đấy!” bạn đừng xem câu nói ấy là nói về mình, vì sự thật là người này đang liên hệ với những cảm xúc, niềm tin và ý kiến của chính họ. Người ấy tìm cách truyền nọc độc cho bạn, và nếu bạn xem nó là của mình, khi ấy bạn nhận lấy nọc độc và nó trở thành của bạn. Vơ hết mọi sự vào mình khiến bạn trở thành miếng mồi ngon cho những con kền kền, những tay phù thủy ấy. Họ có thể dễ dàng tóm lấy bạn bằng một ý kiến cỏn con, nuôi bạn bằng mọi thứ nọc độc mà họ muốn, và vì bạn nhận nó về mình nên bạn nuốt vào.

Bạn xơi vào tất cả cảm xúc rác rưởi của họ, và bây giờ nó trở thành rác rưởi của bạn. Nhưng nếu bạn không vơ nó vào mình, bạn sẽ được miễn nhiễm ngay giữa lòng hỏa ngục. Miễn nhiễm với nọc độc ngay giữa hỏa ngục là quà tặng của thỏa ước này.

Khi bạn xem mọi thứ đều hên quan đến mình, rồi bạn cảm thấy bị xúc phạm thì phản ứng của bạn là bảo vệ niềm tin của mình và gây xung đột. Bạn khiến mọi chuyện từ bé xíu thành ra lớn lao, vì bạn có nhu cầu đúng và chứng tỏ mọi người khác sai. Bạn cũng tìm cách tỏ ra đúng bằng cách cho họ ý kiến của riêng bạn. Tương tự, bất cứ điều gì bạn cảm thấy và làm chỉ là sự phóng chiếu giấc mơ của chính bạn, một ảnh phản chiếu những thỏa ước của bạn. Điều bạn nói, điều bạn làm, và mọi ý kiến bạn có đều tùy thuộc vào những thỏa ước bạn đã đặt ra – và những ý kiến này không liên quan gì đến tôi cả.

Bạn nghĩ gì về tôi, điều đó không quan trọng đối với tôi, và tôi không vơ lấy điều bạn nghĩ về mình. Tôi không vơ vào mình khi người ta nói: “Miguel này, cậu là người tốt nhất trên đời.” và tôi cũng không vơ vào mình nếu họ nói: “Miguel, mi là thằng tồi.” Tôi biết rằng khi bạn hạnh phúc, bạn sẽ bảo tôi: “Miguel, cậu thật giống một thiên thần!” Nhưng khi bạn đang tức giận tôi, bạn sẽ nói: “Miguel, mi đúng là thằng quỷ sứ! Đồ kinh tởm. Sao mi phun ra được những lời như thế?” Đằng nào nó cũng không ảnh hưởng đến tôi, vì tôi biết tôi là gì. Tôi không có nhu cầu được nhìn nhận. Tôi không có nhu cầu phải có ai bảo tôi: “Miguel, bạn làm việc thật tốt!” hoặc “Sao mi dám làm điều đó!” Không, tôi không nhận nó về mình. Bất kể bạn nghĩ gì, bất kể bạn cảm thấy gì, tôi biết đó là vấn đề của bạn chứ không phải của tôi. Đó là cách bạn nhìn thế giới. Nó chẳng phải là cái gì mang tính cá nhân cả, vì bạn đang hành động với chính bạn chứ không phải với tôi. Những người khác sẽ có ý kiến của riêng họ tùy theo hệ thống niềm tin của họ, vì thế chẳng điều gì họ nghĩ về tôi là sự thực về tôi cả, mà là sự thực về họ.

Thậm chí bạn có thể nói với tôi: “Này Miguel, câu nói của cậu làm tôi bị tổn thương.” Nhưng không phải điều tôi đang nói làm tổn thương bạn đâu; chính là bạn đã có những vết thương mà tôi chạm vào khi tôi nói những điều đó. Bạn đang tự làm tổn thương mình đấy. Chẳng có cách nào để tôi xem đây là việc của tôi hết. Không phải vì tôi không tin bạn hoặc tôi không tín nhiệm bạn, nhưng vì tôi biết rằng bạn nhìn thế giới bằng cặp mắt khác, cặp mắt của bạn. Bạn tạo ra một bức tranh toàn vẹn hoặc một cuốn phim trong tâm trí bạn, trong đó bạn là đạo diễn, bạn là nhà sản xuất, bạn là diễn viên chính. Mọi người khác đều là diễn viên phụ. Đó là cuốn phim của bạn.

Cách bạn xem cuốn phim ấy tùy theo những thỏa ước bạn đã đặt ra với cuộc đời. Quan điểm của bạn là chuyện riêng của bạn. Nó không phải là chân lý của ai cả, nó là của bạn. Khi ấy, nếu bạn tức giận tôi, tôi biết bạn đang tức giận với chính bạn. Tôi là lời bào chữa cho việc bạn tức giận. Bạn tức giận vì bạn sợ hãi, vì bạn thông đồng với nỗi sợ hãi. Nếu bạn không sợ, chẳng có lý do nào bạn tức giận tôi cả. Nếu bạn không sợ, không có lý gì để bạn ghét tôi cả. Nếu bạn không sợ, không có cách nào để bạn ganh tị hay buồn bã cả.

Nếu bạn sống mà không sợ hãi, nếu bạn yêu thương thì sẽ không còn chỗ nào cho những cảm xúc ấy nữa. Nếu bạn không cảm thấy những cảm xúc ấy, lẽ dĩ nhiên là bạn sẽ cảm thấy thoải mái. Khi bạn cảm thấy thoải mái, mọi sự quanh bạn đều tốt đẹp. Khi mọi chuyện quanh bạn đều tuyệt, mọi thứ sẽ làm bạn hạnh phúc. Bạn đang yêu mến mọi sự chung quanh bạn, vì bạn đang yêu thương chính mình. Vì bạn thích cách hiện hữu của bạn. Vì bạn hài lòng với chính bạn. Vì bạn hạnh phúc với cuộc sống của bạn. Bạn hạnh phúc với cuốn phim bạn đang sản xuất, hạnh phúc với những thỏa ước của đời bạn. Bạn bình an, và bạn hạnh phúc. Bạn sống trong tình trạng hoan lạc ấy, nơi mà mọi sự đều tuyệt vòi, và mọi sự đều quả tốt đẹp. Trong trạng thái ngất ngây ấy, bạn luôn yêu tất cả những gì bạn nhận thức được.

***

Bất kể người khác làm gì, cảm thấy gì, nghĩ gì và nói gì, đừng vơ nó vào mình. Nếu họ bảo bạn rằng bạn là người rất tuyệt vời, họ không nói điều ấy vì bạn đâu. Bạn biết bạn tuyệt vời. Không cần phải tin những người khác nói với bạn rằng bạn tuyệt vòi. Đừng vơ lấy bất cứ điều gì vào mình. Ngay cả nếu có ai cầm súng và bắn vào đầu bạn, chuyện ấy cũng không can hệ tới mình đâu. Đến độ như vậy cũng không.

Thậm chí cả những ý kiến của bạn về chính bạn cũng không nhất thiết là đúng. Vì thế, bạn không cần phải vơ lấy bất cứ điều gì bạn nghe được vào tâm trí bạn. Tâm trí có khả năng tự nói với mình, nhưng nó cũng có khả năng nghe được thông tin sẵn có từ những khu vực khác. Đôi khi bạn nghe được một tiếng nói trong đầu, và bạn có thể tự hỏi nó đến từ đâu. Tiếng nói ấy có thể đến từ một thực tại khác, nơi có những sinh thể rất tương đồng với tâm trí con người. Người Toltec gọi những sinh thể ấy là Allies. Ở châu Âu, châu Phi và Ấn Độ, người ta gọi là Thần linh.

Bạn đọc cảm nhận

Con Lửng

“4 thoả ứơc” là 1 cuốn sách tạm đựơc nhưng nếu so với “Nhà giả kim” như Nhã Nam giới thiệu thì khá miễn cữơng. Tác phẩm này giống như 1 cuốn sách triết lý làm ngừơi nên khá chán khi đọc mà triết lý của nó cũng chưa đủ sâu nên khó mà so với 1 trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới “Nhà giả kim” đựơc. Tuy nhiẽn mình cho một điểm cộng cho khâu thiết kế (vốn là một điểm mạnh) của Nhã Nam, đẹp, tinh tế, hơp tinh thần truyện. Giấy, in ấn thì khá tốt. Dịch thuật mình thấy nó chưa mựơt mấy. Giá cả khá tốt.

Nguyễn Minh Nhân

Mục đích của quyển này là giúp người đọc tự giải phóng mình để đạt tới tự do, là một kiểu sách selfhelp nhưng thay vì như những sách khác – diễn giải những thứ phức tạp sang dễ hiểu để người đọc áp dụng cho chính mình – thì quyển sách lại làm điều ngược lại: biến những thứ đơn giản sang các khái niệm trừu tượng khó hiểu. Quyển sách chỉ dày 180 trang, khổ sách nhỏ, size chữ to lại chừa lề khá nhiều nên chỉ tương đương một cuốn sách size thường 140 trang thôi, có thể hoàn tất trong 1, 2 buổi đọc. Nhưng nếu đọc cuốn này như những cuốn sách văn học hay selfhelp khác thì bảo đảm khi đọc xong sẽ chẳng có gì đọng lại trong đầu. Vì tác giả dùng rất nhiều hình tượng khác nhau để thay thế cho những khái niệm thông thường. Thật ra đây cũng chỉ là những cách gọi khác của người Toltec không giống với cách gọi sự vật của chúng ta thôi. Mà việc này ngoài bê nguyên si văn hóa Toltec đến với người đọc thì mình thấy chẳng giúp ích gì cho mục tiêu của quyển sách cả. Chính vì vậy mình đã tốn khá nhiều thời gian cho quyển sách mỏng này chỉ để đọc hiểu những thứ vốn dĩ cũng chỉ là đơn giản. Đó là về mặt hình thức, còn về nội dung thực chất những gì quyển sách nói cũng không có gì mới. Bạn có thể đọc tóm tắt các thỏa ước ở phần bìa gập của sách, chưa đến nửa trang, và nội dung của sách cũng chỉ như vậy thôi, ngoài việc còn thêm phần rối rắm khó hiểu hơn. Cũng như các sách selfhelp khác, những chỉ dẫn này, mà sách gọi là các thỏa ước, rất đúng đắn, nhưng vấn đề là ở chỗ bản thân mình có thực hành được hay không. Và đọc sách xong mình vẫn chưa cảm thấy được sự thuyết phục thôi thúc bản thân phải thực hiện nó. Dung lượng sách ít nhưng lại nói suông quá nhiều, chỉ toàn hứa hẹn bạn sẽ đạt được thế này, thế kia một tràng dài, các dẫn chứng xuất hiện ít ỏi lại là những câu “chuyện kể bé nghe” mà thôi. Một điểm cuối nữa là bản dịch quá tệ, vốn bản gốc đã khó hiểu rồi mà qua cách diễn đạt của bản dịch còn khó hiểu hơn, người dịch không linh động trong việc chuyển tải ý của tác giả mà dùng từ, đặt câu quá cứng nhắc, đơn cử như câu “(Tự do đích thực) là tự do làm con người mà chúng ta thực sự là”@_@, đọc câu này mình còn tưởng tượng được bản gốc nó như thế nào để hiểu, còn những phần khác của quyển sách không biết có nên tin tưởng bản dịch hay không nữa.

Cầm Sư

Tớ mua Bốn thỏa ước vì lời giới thiệu cực kì hay và cuốn hút. Nhưng sau đó lại vô cùng thất vọng vì nội dung trong đó, rất khó đọc, khó hiểu, sau khi đã rất cố gắng đọc và suy nghĩ tớ đã đầu hàng và xếp nó lên giá sách, có lẽ tớ chưa đủ tuổi để đọc về những thứ mang đậm triết lí tâm linh đến vậy, nói chung tạm thời thì cuốn sách này có duy nhất một tác dụng là làm đẹp cái giá sách của tớ thôi 🙁

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button