Review

Bốn Mùa, Trời Và Đất

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Marai Sandor
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 569
Ngày xuất bản 07-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Bốn mùa (1938), Trời và Đất (1942), mượn ẩn dụ từ sự trải nghiệm cuộc sống, qua những quy luật linh thiêng mà hiển nhiên: đất- trời, cao- thấp, sự tuần hoàn luân chuyển của vạn vật qua nóng- lạnh, héo- tươi, sinh- diệt… để làm phát lộ những ẩn khuất trong mối tương quan giữa con người, giữa lý tưởng và bản năng, giữa những cách thức khác nhau để trở nên “vĩnh cửu” về mặt tinh thần, viết… Márai đã phát hiện khía cạnh nhân tính trong những ý niệm tưởng chừng vô luân, những giá trị cao cả trong điều vụn vặt. Một hình dung về F. R. Chateaubriand khi không mang “vòng hào quang” người đời gán ghép, nhanh nhảu rẽ vào nhà thổ. Một Goethe “cháu ông thợ may” chưa bao giờ thành đạt, ở Weirma. Lòng nhân từ trái khoáy khi mua được phẩm hạnh con người trong nhà chứa…

Bằng ngôn từ tinh tế nhưng sắc bén, khả năng theo đuổi những liên tưởng vừa trữ tình đáng kinh ngạc, Márai đồng thời tạo ra một thế giới ứ đầy chất thơ, với vẻ đẹp tráng lệ và não nùng của cuộc sống đang vận động đến sự lụi tàn sầu thảm tất yếu, nhưng kiêu hãnh với những giá trị tinh thần bền vững.

[taq_review]

Trích dẫn

Tháng Chín

Bắt đầu bằng tơ nhện, mùi lên men của nước nho, hoa thược dược, những buổi biểu diễn ra mắt trong nhà hát và chiến tranh Nhật – Trung; gần đây các mùa thời gian thường bắt đầu bằng chiến tranh. Chúng tôi nhìn bầu trời xanh thẫm, nghe tiếng vo vo của đàn ong say mật, tiếng nổ của những trái bom xa. Những quả bom nổ ở phương xa, ở Tây Ban Nha và Trung Quốc. Thiên nhiên đang tiến đến kết cục, và con người cũng không ngồi yên.

Bắt đầu bằng tiếng bom nổ và mạng nhện, và cuối cùng, cuối tháng Chín, tất nhiên kết thúc bằng một bài thơ(190), bài thơ ghi chép tất cả những gì có thể nói về thời khắc này. Bài thơ ấy lơ lửng một mình trong văn học thế giới, như một viên đạn lạc không liên quan gì tới hệ mặt trời, mà từ đó nó cất cánh bay lên. Nội dung của nó đơn giản. Chỉ nói về những bông hoa vườn nở dưới thung lũng, và một thi nhân hai mươi tư tuổi lắng nghe tuổi già, lắng nghe sự phù sinh, sự mong manh của ái tình. Ngoài những thứ đó còn có cả vạn vật, có tất cả những cảm nhận của con người liên quan tới sống và chết.

Tôi lẩm nhẩm bài thơ này trong khi dắt chó đi dạo, như một nhà văn Nga, trong mùa thu ngọt ngào mùi nước nho, và thoáng chút hơi mù tạt.

Trong nhà ép nho người ta đang rót đầy các thùng gỗ, trong các nhà máy người ta đang nạp bom, ở một nơi xa nào đó, khắp nơi trên thế giới già cỗi này. Bài thơ bắt đầu vang lên mạnh mẽ, cuối tháng Chín, hệt như đâu đó một dàn nhạc vô hình bắt đầu cất tiếng. Nó gần gũi tôi như một kỷ niệm riêng. Tôi thích từng từ trong bài thơ: kể cả nó viết hoa vườn thay cho hoa mùa thu, takara thay cho takarta, với những biến ảo bi lụy và xưa cũ. Nhạc điệu của bài thơ, cái nội hàm gần như độc lập với ý nghĩa của các từ, được ký thác huyền bí như được viết bằng những nốt nhạc. Cuối tháng Chín bài thơ bỗng vang lên, từ độ lùi xa đã trăm năm, đánh thức – trong thời gian và trong sự phù sinh – ký ức về một tình yêu và kiểu sợ hãi cái chết điệu đàng và sang trọng, thực thà và vô tư đến kinh ngạc. Với bài thơ ấy trong tim, chiếc gậy hèo trong tay, tôi dắt con chó đi giữa mùa thu. Trời chiều còn nóng. Thiên nhiên dùng đường nho bồi bổ thêm cho mạch đập đang yếu dần của nó. Chiếc hồ giếng phun nhấp nhoáng như mắt một ông lão, tinh ranh và giảo quyệt.

Mùa thu bắt đầu từ Hővösvölgy, phía sau Vámház, đi vòng quanh bãi Nagykovácsi qua Szép Juhászné về phía thành phố. Khi tới Olaszfasor, nó đã mang vẻ phố phường, dưới một lớp áo choàng may bằng vải bông thô. Bắt đầu khoảng bốn năm giờ chiều, khi ở Veronika(191) có tiếng nhạc Digan, trong hàng kem Hővösvölgy, những triệu phú về hưu, đau ốm và cau có, bỏ đường vào cà phê. Ở đâu đó vang lên tiếng nhạc, một trích đoạn opera xưa cũ và bay bổng, ví như khúc dạo của vở Udine. Những lá nho màu đỏ như máu trang điểm mái tóc của các nàng tiên đá được đặt ven những con đường trong khu vườn. Tất cả hơi ngọt ngào, lòe loẹt, và dồn nén quá mức, như hồi kết trong một vở opera Ý. Tôi đi qua trước Veronika, và biết chắc rằng cuộc sống còn giữ cho mình điều gì đó vừa như thuốc đắng vừa như ngọt ngào, say ngất và lịm ngọt. Tôi dừng lại, nhìn quanh, và chờ đợi.

Những ngày

Bây giờ thì chắc chắn thứ Ba là “ngày tốt” và thứ Sáu – hệt như trong tiềm thức dân gian – là “ngày xấu”, còn lại là những ngày bình thường: thứ Hai và thứ Tư, ngày thứ Bảy đáng ngờ và ngày Chủ nhật tồi tệ… Trong chúng ta dần dần hình thành một thứ lịch không liên quan gì tới những quy luật của Lịch Gregorian(192), và nhiều lần phù hợp hơn lịch chính thức. Anh không chết vào ngày hai mươi tháng Tư mà vào một ngày, chỉ của mình anh, và anh không hạnh phúc vào thứ Tư, mà vào một khoảng tách biệt của thời gian, trước đó chưa hề có và sau đó sẽ không có nữa, và nó không có loại thứ cấp cũng như tên gọi. Phải sống gần như trong thời đồ đá: không có lịch, giữa sống và chết, trong thời gian.

Tù ngục

Tất cả những ai đã đến một nơi nào đó trong cuộc đời, người đã arrival(193), đến một ngày sẽ nhận ra cuộc đời mình trở thành tù ngục. Một ngục tù dễ chịu! Đầy những đồ gỗ đẹp, những trò giải trí sang trọng và tẻ nhạt, phạm nhân trò chuyện thầm thì với nhau bằng các tín hiệu, có ngày lễ và thời gian biểu nghiêm ngặt… Tay chân anh, tâm hồn và trái tim anh đã bị trói chặt từ khi nào? Anh không còn nhớ nữa. Kiếp tù đày sẽ kéo dài đến bao giờ? Tất nhiên là chung thân. Những con mắt vô hình dõi theo mỗi cử chỉ, mỗi bước chân anh. Đôi khi anh tự thoát bỏ ngục tù của mình, nhưng rồi lại nhẫn nhục lủi thủi quay về. Và một đêm bỗng anh thức dậy và nhận thấy mình mơ về cái chết thật gần gũi thân thiết, như một tù nhân mơ đến chiếc giũa và thang dây.

Đồng

Lão chuyên quấy rầy và than phiền với tôi. Lão ngán thế giới này, mà theo lão, cẩu thả và suy đồi, và không chịu tiến bộ. Tôi nghĩ chính lão cẩu thả và suy đồi, và không muốn tiến bộ, nhưng không thể nói với lão điều đó.

Sau khi chia tay lão, tôi xem xét lại những lời kết tội của lão và thấy thế giới vô can. Thế giới phát triển đâu có chậm như lão nói. Nghĩ mà xem, giả sử người ta phải mất ba bốn trăm ngàn năm để nhận ra rằng có thể mài được các viên đá, rồi lại mất một hai trăm ngàn năm nữa để phát hiện ra đồng, rồi lại mất hàng chục ngàn năm để phát hiện ra nếu trộn chín phần đồng với một phần thiếc thì sản phẩm đúc chảy sẽ là đồng đỏ. Thế nên những gì xảy ra trong khoảng giữa thời Caesar(194) và thời Lenin đúng ra là một cuộc chạy đua cuồng nộ, hơn là sự uể oải chậm chạp.

Rentier(195)

Ông ta bốn mươi ba tuổi. Được cha để lại cho mấy ngôi nhà. Ăn mặc đàng hoàng, tề chỉnh. Trên tấm danh thiếp, phía dưới tên, ghi là: Rentier.

Đó là nghề của ông ta, không có gì khác. Buổi sáng ông thức dậy, nhìn qua cửa sổ, ngáp dài, dụi mắt, rồi là rentier, tới khi ngủ. Ông là rentier đến mức không thể hiểu khác, giống như không thể không nhận ra người thợ nạo ống khói khi gặp anh ta mặc bộ đồ đen nhọ nhem, trên vai khoác cái nạo muội than và vác thang đi trên phố. Người ta thì vội vã, tranh thủ, xây nhà, đi chiến trận, tới hiệu cầm đồ, đốt lò tàu chiến. Ông ta thì làm rentier.

Nghề nghiệp hoàn toàn chiếm hết thời gian của ông. Một người hay than phiền. Ông chán ghét thời đại này, cái thời không biết tôn trọng các rentier, và nói nhiều về người lao động, thậm chí về những kẻ thiếu thốn hơn là về những rentier dẻo dai, không mệt mỏi, những người làm rentier không mệt mỏi suốt ngày đêm, thậm chí cả trong mưa bão. Như một phiên bản cuối cùng của một chủng nòi sang trọng đang tuyệt diệt, ông đi lại trong thế giới, mạnh mẽ và như bị xúc phạm. Ông không có thời gian làm gì, không can dự tích cực vào việc gì, làm rentier chiếm hết thời gian của ông.

Tôi nhìn vào mắt ông thông cảm, nghe ông phàn nàn, nắm chặt tay ông. Đương nhiên người ta dễ thương hại một thợ mỏ mắc bệnh phổi đã nhiều tháng nay mất việc. Nhưng hãy thương rentier, nếu anh là người có tài năng.

Những ngày không giấc mơ

Những giấc mơ của ta biến đi đâu khỏi ban ngày?

Ban đêm tôi còn mơ – nhưng ban đêm kẻ buôn lậu nào chẳng mơ. Cái giấc mơ khác kia, giấc mơ ban ngày theo ta suốt trên đường phố và trong salon, trong công xưởng và giữa đám đông, giấc mơ thực thấp thoáng và chập chờn, trên xe buýt, trong khi mua vé hay dưới hàng cây trên con đường trong vườn, sự váng vất khi ta đi từ phòng này sang phòng khác, cái chủ đích, sự thức tỉnh phi vật chất và hình ảnh, rằng ta sống, giữa hai chiều hư không, cái giấc mơ dai dẳng về cuộc đời: đã biến đi đâu?

Portia(196)

Giá như là tôi, tôi không lấy Portia làm vợ.

Valéria

Thỉnh thoảng, trong đám đông, nàng im lặng hàng giờ. Chốc chốc nàng đưa tay vuốt hai thái dương xinh đẹp, nàng kín đáo và vui vẻ. Rồi bất chợt nàng cất tiếng, giọng dứt khoát và có chủ ý, và nàng kể một câu chuyện không đầu không đuôi, cũng chẳng có khúc giữa và nội dung gì, nàng kể rất bạo dạn, kiêu hãnh, vui vẻ và có ý thức. Trong khi kể ở nàng toát ra vẻ kìm nén sự mãn nguyện. Rồi với vẻ hớn hở nàng im lặng hàng tuần liền.

Có lẽ nàng cũng đã quyết định lựa chọn người yêu như thế. Nàng đã im lặng hơn hai chục năm, rồi bất chợt với giọng rất phấn khích, nàng bảo: “Endre.” Chẳng ai hiểu. Tất cả hơi ngạc nhiên. Endre cũng vậy.

Nàng làm người ta nhớ đến cô chị nhà Rostov, trong tiểu thuyết của Tolstoy, vợ của chàng Berg. Nàng mang tên mình như đeo một thứ đồ trang sức. Trước khi đến gặp gỡ mọi người nàng cài nó lên trán. Cái tên lấp lánh. Giống như không phải một con người, mà là một cái tên xuất hiện. Mọi người nhìn lên, nhận ra nàng, và nói nhỏ: “A ha, Valéria.”

Việc riêng

Tôi có mang theo máy chữ; nhưng ở đây, trong khách sạn, mỗi tiếng động nhỏ đều lọt qua những bức tường giấy, tôi xấu hổ không dám viết; tôi sợ họ nghe thấy.

Chỉ có tác phẩm là chung. Viết là việc riêng tư.

Nghi lễ

Ông Z. vào bể tắm, trưa nào ông cũng chịu nạn dưới cái vòi phun lớn đổ nước vào bể tắm chung. Người nhìn qua chỉ thấy ông Z. mặc quần bơi, thân trần hết cúi lại ngửa dưới dòng nước. Nhưng ai hay để ý và nhìn kỹ sẽ thấy trong nhịp điệu ông Z. cúi xuống rồi ngẩng lên, rồi vục đầu xuống nước có sự thể hiện của một nghi thức tượng trưng và hữu ý. Ông dang rộng hai tay, gập đầu xuống ngực, cúi chào. Miệng ông mấp máy dưới dòng nước xối. Có thể thấy ông đang sám hối.

Những lúc như thế ông nhớ tới sông Hằng hay có thể là sông Nin. Trưa nào ông cũng gột rửa tâm hồn như thế, đúng một tiếng, và bao giờ cũng với những động tác ấy. Lúc đó nom ông cổ xưa, bình dị và trịnh trọng. Rồi ông mặc quần áo, và quay về nhà máy sản xuất bàn chải.

Cửa sổ

Chiều tối, trong một thành phố lạ, từ một khung cửa sổ xa lạ thò ra một cánh tay phụ nữ, kéo những cánh cửa khép lại.

Trong các phòng đang sáng, đèn bỗng tắt. Phía sau cửa người ta bắt đầu sống cho buổi tối, cho gia đình, cho tình yêu hay một ý nghĩ, cũng có thể chỉ là bữa ăn tối bắt đầu. Bằng động tác ấy, cánh tay phụ nữ kia đã khép lại cả một thế giới. Trong kia đã bắt đầu một điều gì đó riêng tư và đầy những cảm xúc cao quý, một điều gì đó cố hữu và bí ẩn. Một bữa ăn tối cũng có thể huyền bí sau những cánh cửa sổ đã khép.

Người lữ khách dừng chân bên cửa sổ vừa khép lại. Phố xá đã tối và có sương rơi. Người châm thuốc hút, nhìn lên khung cửa, biết rằng mọi cố gắng để nhích gần lại thế giới kia đều lố bịch và vô vọng. Người có thể đi lên và gõ cửa. Nhưng người chợt nhớ ra mình đã quên tín hiệu gõ cửa bí mật.

Bạn đọc cảm nhận

Tran Thi Nhung

Những ngày đọc Bốn Mùa, Trời & Đất, tôi lại ngồi chiêm nghiệm nhớ lại tất cả những mùa xuân mình từng đi qua, nhớ về bầu trời ở những nơi đặc biệt mà tôi từng đến… Tôi nghĩ về tình bạn, tình yêu, về 101 cái na ná giống tình nhưng không phải là tình. Chiêm nghiệm về đàn ông, về đàn bà về chuyện đàn bà nói về đàn ông, về chuyện đàn ông nói về đàn bà. Rồi bất chợt nhận ra cách đây 100 năm, đàn ông và đàn bà đã bế tắc đã tuyệt vọng vì cũng đã say mê cuống cuồng ngã đổ vào nhau để rồi ghét nhau thù nhau khinh bỉ nhau….đến nỗi trước khi cái chết chạm vào tim, thì mới nhận ra đó được gọi là yêu, yêu đến chết.

Cái vòng tròn đó , 100 năm sau cũng sẽ vậy, 1000 năm nữa chắc cũng vẫn như thế. Vòng sinh tử, vòng yêu ghét, vòng tròn của bốn mùa, xuân hạ thu đông…rồi lại xuân. Bởi tất cả những gì xảy ra trong vòng tròn đều là những việc cần thiết, giúp chúng ta tồn tại, giúp chúng ta trưởng thành, giúp chúng ta nhìn thấy thật rõ bên trong mỗi chúng ta có màu đen màu tím màu hồng. Nhìn thấy bên trong cơ thể mình tồn tại một cái cây mang tên ta. Cây mà từ lúc cha mẹ sinh ra , cơ thể mỗi chúng ta đã có sẵn một hạt giống nằm đâu đó ở tim. Hạt giống được mang tên “tâm hồn” Và cái cây đó cần đủ loại cảm xúc để lớn lên. Do vậy, chúng ta phải đau, phải vui, phải khóc, phải cười, phải tuyệt vọng, phải hy vọng …phải trãi qua sự khắc nghiệt cũng như sự hân hoan cũng chỉ để ta mạnh mẽ hơn, ta can đảm hơn và ta đi thật thẳng về phía tương lai.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button