Review

Bộ Ba Xuất Chúng Nhật Bản

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả Jung Hyuk June
NXB NXB Khoa học xã hội
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 288
Ngày tái bản 06-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Chân dung những nhà sáng lập tập đoàn Matsushita, Honda và Kyocera. Câu chuyện về ba vị doanh nhân huyền thoại của nước Nhật.

Matsushita Konosuke, Honda Soichiro và Inamori Kazuo là những con người có xuất thân bình thường, nếu không muốn là nghèo khó trong xã hội Nhật Bản. Matsushita là con nhà nông dân, Honda có cha là thợ rèn, còn Inamori là con thợ in. Nhưng họ đã không ngừng thách thức những giới hạn, vượt qua mọi trở ngại để xây dựng nên những công ty thành công nhất trong tại Nhật Bản, đó là Tập đoàn Matsushita, Tập đoàn Honda và Tập đoàn Kyocera. Bài học mà người ta có thể rút ra từ ba vị doanh nhân huyền thoại của nước Nhật là gì? Đó là xuất thân chỉ là điều kiện, không phải cơ hội. Người có xuất thân cao quý, giàu sang chưa chắc có thể làm nên sự nghiệp lớn. Ngược lại, nếu có lòng quyết tâm, khát khao học hỏi và một trái tim rộng mở, thì chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ tương lai của mình và trở nên vĩ đại. Sẽ thế nào nếu Matsushita Konosuke chịu an phận làm nhân viên cho một cửa hàng xe đạp tại Osaka? Ngành công nghiệp xe máy và xe hơi Nhật sẽ ra sao nếu Honda Soichiro chỉ mãi ở lại quê nhà tại Shizuoka? Và nếu Inamori Kazuo cứ mãi tự ti vì mình chỉ là một cậu học trò trường tỉnh, thì liệu có một Tập đoàn Kyocera lừng lẫy như ngày nay?

Với lối kể chuyện hấp dẫn và luôn đưa ra những bài học đúc kết sau mỗi chương, cuốn sách Bộ ba xuất chúng Nhật Bản sẽ giúp bạn đọc nhìn lại hành trình cuộc đời của những bậc doanh nhân được cả thế giới trọng vọng – Matsushita Konosuke, Honda Soichiro và Inamori Kazuo. Bạn sẽ học thêm được nhiều bài học về tinh thần và triết lý kinh doanh của người Nhật từ cuộc đời và thành tựu của ba vị doanh nhân này.

[taq_review]

Trích đoạn

Honda: Thách thức và sáng kiến là năng lực của người đến sau

“Không cần những thứ như tình yêu công ty. Hãy làm việc vì chính bản thân mình!”

Đây là câu nói của Honda Soichiro. Nó có nghĩa là sẽ bồi dưỡng nhân tài, những người sẽ hoạt động tự do và không bó buộc vào một khái niệm hay khuôn mẫu sẵn có.

Trong thị trường xe máy và xe hơi, Honda đều là người đến sau. Nếu muốn đối đầu với những công ty đã có chỗ đứng trên thị trường như Toyota, Nissan, ông phải bồi dưỡng nhân tài có cá tính và tự do. Chỉ khi có tinh thần quyết tâm, không sợ thất bại và có những sáng kiến mới, không bị bó buộc bởi những quan niệm hiện tại thì người đi sau mới có thể đuổi kịp những người đi trước.

Honda ủng hộ những thách thức đến mức ông được trao giải cho người có nhiều thất bại nhất và chấp nhận thất bại đó. Thay vì truy cứu trách nhiệm của đề án thất bại, ông trao giải cao hơn cho nhân viên tìm ra được nguyên nhân của thất bại đó. Nhờ đó mà Honda có thể nắm giữ vị trí số một thế giới trong lĩnh vực động cơ xe hơi. Khen ngợi nhân viên cấp dưới vô điều kiện và công nhận thất bại là bước chuyển đổi về suy nghĩ rõ ràng nhất.

Honda cũng nổi tiếng là công ty không coi trọng học vấn. Nếu so sánh về số lượng nhân viên tốt nghiệp Đại học Tokyo ở ba công ty lớn của Nhật Bản là Toyota, Nissan, Honda thì Toyota chiếm 39%, Nissan 60% và Honda khoảng 10%. Bởi những người tốt nghiệp các trường danh tiếng nhất ở Nhật Bản không muốn vào làm tại Công ty Honda, một công ty từng là hậu bối của các công ty lớn khác. Nhưng Honda Soichiro không hề để ý đến điều này. Ngược lại, ông trọng dụng những người có năng lực mà không quan tâm đến học vấn của họ. Trong tầng lớp lãnh đạo của Honda luôn có một hoặc hai người tốt nghiệp trung học phổ thông.

Bản thân Honda Soichiro cũng chưa học hết cấp một. Thay vào đó, ông lại có niềm say mê mãnh liệt với việc chế tạo máy móc và có nhiều ý tưởng mới mẻ. Dù trái ngược hoàn toàn với những sinh viên ưu tú, nhưng ông vẫn trở thành một vị CEO lỗi lạc. Ông hiểu rõ người như mình phải khó khăn thế nào khi phát huy năng lực ở các doanh nghiệp lớn. Cho nên ông đã tạo dựng nên một công ty khác biệt, hội tụ nhân tài có cá tính riêng, một công ty mà người tài như bản thân ông có thể phát huy đầy đủ thực lực của mình.

“Nếu không thay đổi thì không tiến bộ. Đối với cá nhân hay với công ty thì đều như nhau cả.” Đó là một câu nói vui của ông.

Honda nhấn mạnh tầm quan trọng của giác quan thứ sáu và kinh nghiệm của bản thân với các nhân viên của ông. Vào xưởng sản xuất, khi gặp nhân viên nào làm sai điều gì, ông thường hay hét lớn “bakayaro” (này tên ngốc) rồi giơ nắm đấm ra đe dọa. Cũng có lúc, Honda không kiềm chế được cá tính nóng nảy của mình nên đã vung tay ném cả cờ-lê và búa. Trong môi trường bạo lực như vậy thì chỉ người chịu đựng tốt mới có thể học được việc.

Tuy nóng tính nhưng ông lại là một kỹ thuật viên thấu đáo. Mọi hành động của Honda đều bắt nguồn từ tinh thần hăng say với máy móc thiết bị. Đó cũng chính là phương pháp ứng phó với mọi vấn đề xảy ra trong sản xuất của ông. Trước mặt, ông tỏ ra là một vị Tổng Giám đốc đáng sợ nhưng đằng sau, ông là một kỹ thuật viên luôn làm cho người ta thể hiện sự kính trọng và ngưỡng mộ bởi lòng nhiệt huyết của ông.

Matsushita: Nhân tài phải phù hợp với tổ chức

Nếu Honda Soichiro tìm kiếm nhân tài có cá tính tự do thì Matsushita Konosuke lại tuyển dụng triệt để những nhân tài thích hợp với tổ chức.

Ông nhấn mạnh rằng những người nghĩ chỉ có mình thông minh và không chịu lắng nghe ý kiến của người khác thì không những không hỗ trợ được tổ chức mà còn gây ảnh hưởng xấu đến cả bộ máy tổ chức.

Trước đây, có một người tốt nghiệp đại học đầu quân vào Công ty Matsushita trong thời kỳ đầu khi ông vừa mới xây dựng công ty. Cử nhân đó thực sự là một nhân tài nhưng ông lại bố trí cho nhân viên mới đó làm phụ trách bếp.

Nếu là một người bình thường thì chắc chắn người ấy sẽ phản kháng khi không được công nhận đúng năng lực của mình và có thể xin nghỉ việc. Nhưng người mới đó làm việc vô cùng chăm chỉ. Một năm sau, cậu được lệnh chuyển đến bộ phận nòng cốt của công ty. Matsushita đã theo dõi sát sao cậu nhân viên đó và bồi dưỡng cậu trở thành nhân tài phù hợp với tổ chức.

Ông còn nổi tiếng với việc trực tiếp phỏng vấn nhân viên mới. Câu hỏi mà ông thường xuyên đặt ra cho các ứng viên là: “Cho đến lúc này cậu có nghĩ rằng mình may mắn không?”

Những người trả lời “Không” sẽ bị loại. Trái lại, những ai trả lời “Có” sẽ được tuyển chọn.

Matsushita coi trọng tinh thần hơn cả sự ưu tú. Bởi những người có thể nói ra bằng miệng rằng “tôi may mắn” thì trong tâm khảm của người này chắc chắn sẽ có hàm ý cảm ơn mọi người xung quanh rằng: “Thành công này không phải chỉ bằng công sức của riêng bản thân tôi.”

Matsushita Konosuke cho rằng người có lòng biết ơn dù không thể ngay lập tức trở nên xuất sắc nhưng chắc chắn sẽ trở thành một người tài giỏi và lương thiện.

Ông thường có những buổi nói chuyện với nhân viên của mình. Khi kết thúc bài phát biểu, ông thường hay hỏi: “Còn ai có câu hỏi nào không?”

Mỗi lần như thế, nhân viên nào giơ tay và đặt câu hỏi thì đều được cất nhắc. Ông giải thích hành động đó như sau.

“Tôi là một người bận rộn nên tôi không có thời gian để dành riêng cho từng nhân viên. Nếu không phải lúc này thì nhân viên chưa chắc đã có thể có cơ hội nói chuyện với những nhà quản lý cấp cao. Người tận dụng tốt cơ hội như thế chẳng phải là người sẽ làm tốt việc của công ty hay sao? Người giơ tay đặt câu hỏi có thể thấy đó là người có được nhận thức về vấn đề. Hơn nữa, giơ tay lên cũng là một hành động cần sự dũng cảm. Người mà năng lực làm việc không theo kịp thì không thể làm thế.”

Nếu khách hàng hỏi: “Công ty Điện khí Matsushita là công ty sản xuất cái gì?” thì các nhân viên sẽ trả lời rằng: “Công ty Điện khí Matsushita là công ty tạo nên con người song song với việc làm ra sản phẩm.”

Ông cho rằng niềm tin “khởi nguồn của lợi nhuận doanh nghiệp chính là con người” quý giá như vàng ngọc. Câu nói này không chỉ là một lời nói suông mà nó được kế thừa thành truyền thống xuyên suốt của Công ty Matsushita.

Inamori Kazuo: Hãy quyết tâm hoàn thiện

Inamori Kazuo đưa ra lời giải đáp vô cùng rõ ràng đối với quan điểm về nhân tài của bản thân. Quan điểm đó có độ chính xác tương đối về ý nghĩa, bản chất của thành công, kinh doanh, khả năng lãnh đạo, tổ chức, con người và công việc. Nhân tài khác nhau về “giá trị quan”, “thái độ”, “năng lực”. Năng lực là bẩm sinh nhưng lòng nhiệt tình thì có thể chứa được bao nhiêu là do ý chí của bản thân, nếu thái độ tăng gấp đôi thì kết quả cũng sẽ thay đổi.

Để trở thành một nhân tài xuất chúng thì giá trị quan phải lành mạnh, thái độ rõ ràng, năng lực cũng phải xuất sắc. Nếu một người thiếu một trong ba giá trị này, thì hai giá trị kia có nổi bật thế nào cũng khó được đánh giá là nhân tài. Có thể thấy, quan điểm về nhân tài của Inamori Kazuo vô cùng khắt khe.

Trường hợp xét để thăng chức cho đối tượng là cấp lãnh đạo ở doanh nghiệp lớn thì sau khi xét đến năng lực như kinh nghiệm và kết quả báo cáo thành tích trong quá khứ… thì sau đó sẽ phán đoán thái độ làm việc của ứng viên thông qua mọi người xung quanh. Cuối cùng, ứng viên sẽ được kiểm tra giá trị quan về cuộc sống và thế giới.

Theo đó, sự khác nhau giữa một người bình thường và nhân tài phụ thuộc vào việc giữ cân bằng giữa các mặt giá trị quan, thái độ và năng lực.

Để trở thành nhân tài hoàn hảo về các mặt giá trị quan, thái độ, năng lực thì cụ thể cần nỗ lực những gì?

Thứ nhất, “nếu không thể làm việc mình thích thì hãy làm việc mình phải làm”. Inamori sau khi tốt nghiệp đại học, dù phải chật vật mới xin được vào một công ty nhưng tình hình lúc đó rất khó khăn nên ông đã định nghỉ việc. Tuy nhiên, tình cảnh lại khiến ông bắt buộc ở lại công ty.

Vì Inamori đã rất gắn bó với công ty, nên ông luôn suy nghĩ một cách tích cực. Đến cả ăn ở cũng tại công ty, qua đó kiên trì, nỗ lực phát triển nguyên liệu nên ông đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Qua kinh nghiệm này, ông nhận ra rằng dù không phải là công việc bản thân muốn làm nhưng nếu không có sự lựa chọn nào khác thì cứ chăm chỉ làm việc rồi sẽ gặt hái được thành công.

Thứ hai, phải có ý thức của người làm chủ. Inamori luôn nói: “Người có thể tự bùng cháy ngọn lửa nhiệt huyết, người có thể truyền năng lượng của bản thân cho người khác và người luôn nuôi dưỡng sự cao đẹp trong tâm hồn là những người xứng đáng lãnh đạo công ty.” Cuối cùng, các yếu tố chủ yếu để tạo nên nhân tài như tính nhân văn, độ bền bỉ, lòng nhiệt tình và khi kết hợp năng lực nghề nghiệp thì sự kiệt xuất, xuất sắc sẽ được phát huy.

Thứ ba, đó chính là quyết tâm hoàn thiện. Inamori đã theo đuổi sự hoàn hảo về công việc và chế tạo. “Hãy làm ra một sản phẩm hoàn hảo đến mức không thể chê vào đâu được.”

Bạn đọc cảm nhận

Long Nobi

Mình luôn rất ấn tượng với tinh thần và triết lý kinh doanh của người Nhật. Cuốn sách này đã giúp mình hiểu rõ hơn con đường thành công của những vị doanh nhân nổi tiếng nhất xứ Mặt Trời mọc là Matsushita Konosuke, Honda Soichiro và Inamori Kazuo. Dù sinh ra ở những thời điểm khác nhau và gia cảnh cũng có những sự khác biệt, nhưng họ đều có điểm chung là tinh thần hướng đến sự hoàn hảo, toàn tâm toàn ý vì khách hàng và không bao giờ gục ngã trước thất bại. Vợ mình cũng là người đi du học Nhật và vợ mình từng kể lại rằng, trong ngành dịch vụ, người Nhật luôn chú ý đến mọi chi tiết nhỏ nhặt nhằm mang lại trải nghiệm hoàn hảo nhất cho khách hàng với suy nghĩ là “nếu mình phục vụ tốt cho khách thì đến khi mình được phục vụ, mình cũng sẽ nhận lại điều tương tự”. Bởi vậy, hầu hết những ai đã từng được trải nghiệm hàng hóa và dịch vụ Nhật Bản đều cảm thấy hài lòng. Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ được thấy những ví dụ điển hình cho tinh thần đó. Một cuốn sách hay, rất đáng đọc!

Phạm Gia Như

Đây là cuốn sách kể về hành trình lập nghiệp đầy những vất vả của ba nhà sáng lập ra ba tập đoàn lớn của xứ sở hoa Anh Đào. Họ đều không phải có tài năng bẩm sinh, không có bằng cấp và không có hậu thuẫn. Điểm chung của doanh nhân rài ba này là họ đều không hài lòng với những gì ở hiện tại. Họ siêng năng, kiên trì. Một khi đã quyết định lựa chọn một lĩnh vực nào đó, họ sẽ chuyên tâm nghiên cứu đến cùng cho đến khi am hiểu một cách tường tận mới thôi. Cuốn sách chứa đựng những bài học, kinh nghiệm hữu ích với những doanh nhân trẻ bước đầu lập nghiệp. Ngoài ra, nhìn vào ba doanh nhân ấy giới trẻ chúng ta như được tiếp thêm động lực để cố gắng vươn đến thành công.

Nguyễn Thanh Tùng

Đọc xong lần thứ nhất thấy hiểu sâu hơn về những người đã sáng lập nên những tập đoàn hùng mạnh hàng đầu thế giới. Và một điều đặc biệt là:”Họ đều xuất thân từ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống”. Chân thành cảm ơn tác giả.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button