Review

Bắt Trẻ Đồng Xanh

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả J. D. Salinger
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Nhã Nam
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Bắt Trẻ Đồng Xanh là một cuốn sách nhỏ, mỏng và chẳng giống ai. Điều đó cũng là tính cách của nhân vật chính, Holden – nổi loạn, thiếu giáo dục, và lạ lùng.

Holden không thích cái gì cả, cậu chỉ muốn đứng trên mép vực của một cánh đồng bao la, để trông chừng lũ trẻ con đang chơi đùa. Holden chán ghét mọi thứ, cậu lan man, lảm nhảm hàng giờ về những thói hư, tật xấu, những trò giả dối tầm thường mà người đời đang diễn cho nhau xem. Holden thô thiển, tục tĩu và chẳng tuân theo khuôn mẫu nào của cuộc sống, cậu cứ là chính cậu thôi.

Bắt Trẻ Đồng Xanh đã mượn suy nghĩ của một chàng trai trẻ để nhìn về cuộc sống một cách hài hước và thông minh. Ngôn từ đơn giản, đôi khi rất thô tục thể hiện con người nhân vật, cuốn sách đi vào lòng người bởi những triết lý giản đơn vẫn đang hiện hữu từng ngày trong cuộc sống. Và rồi sẽ đọng lại trong lòng người đọc một ý nghĩ tưởng như đã quên mất từ lâu: Mình là chính mình.

[taq_review]

Review

Nguyen Thanh Nhan

Một vài cuốn sách, sau khi đọc xong, sẽ giữ lại cảm nhận cho riêng mình. Nhưng đây là 1 trong những cuốn, có lẽ, cần phải để lại vài dòng. Phải nói là đôi ba chương đầu quá khó hiểu, giọng văn ( hoặc giả là “giọng dịch” ) lại rất xấc, một vài từ ngữ khá thô và xoàng xĩnh, đặc biệt là “các thứ, các thứ”, ” gì gì đó”… Ấy thế nhưng càng đọc lại càng thấy chính chất văn đó, và những từ vốn rất thường đó lại làm nên tính cách của nhân vật, sự nổi loạn của anh chàng mới lớn, tuổi teen hay chính như thời nay thường gọi với từ ngữ rất tếu: ” trẻ trâu”. Cuốn sách là những suy nghĩ, à – phải gọi là sự giằng xé, hoang mang và lạc lối của một cậu chàng tiêu biểu cho lứa tuổi dậy thì: tưởng như đầu bò đầu bướu khi bị 3 trường đuổi học, nhưng hoá ra lại rất nhát, rất mong manh và dễ gãy. Chỉ một milimet thôi có thể đẩy cậu rẽ sang một hướng khác mà chắc đường về sẽ mịt mờ và hun hút. Nhưng rồi, rất bất ngờ, điều duy nhất và thực sự níu cậu lại, kim chỉ đường cho cậu lại là cô em gái 10 tuổi với vẻ bướng bỉnh và trong sáng của mình.

Phải đọc tới 3/4 cuốn sách mới lờ mờ hiện lên hình ảnh “bắt trẻ đồng xanh”, một hình ảnh vụt qua, tưởng sẽ biến mất nhưng lại hiện lên rõ nét trong hình ảnh cuối cùng của cuốn sách.

Các bạn còn trẻ, các bạn tuổi teen, các bạn đang muốn bỏ dở con đường, muốn quẹo qua một ngả khác, hay thậm chí các vị phụ huynh có con đang ở tuổi này…hãy kiên nhẫn cho một cuốn sách tưởng chừng nhảm nhí, coi đó như một trò đuổi bắt xem nào.

Còn tôi, tôi đã bắt được anh chàng trên cánh đồng xanh đó. 

Tôn Huỳnh Khiết Đan

Mình biết đến tác phẩm này nhờ review khá tích cực của đọc giả, những người được cuốn sách gây tầm ảnh hưởng. Cuốn sách này quả thật rất khó nuốt một phần vì dịch thuật khá tệ và cái cách Holden suy nghĩ tiêu cực và chửi thề liên tục. Tuy nhiên càng đọc về sau cuốn sách đã tác động tới tôi khá nhiều. Tôi thấy mình trong Holden, cậu nhóc tuổi teen nổi loạn và bất cần nhưng ẩn sâu là trái tim trong sáng và ánh nhìn đời rất sâu sắc. Có lẽ câu chữ không hoa mĩ và nhưng câu chửi thề khiến người ta ghét cậu nhưng giá trị nhân văn của sách thì không bàn cãi được. Nếu các bạn yêu cầu một cuốn sách kịch tính, hấp dẫn thì nên bỏ qua “Bắt trẻ đồng xanh” nhưng muốn chiêm nghiệm và nghiền ngẫm thì đừng bỏ qua nó. À một điều yêu thích là thiết kế bìa rất đẹp và lạ. Mình bị thu hút ngay cái nhìn đầu tiên đó.

Trần Nguyễn Thanh Trúc

Đọc nửa quyển sách, mình thấy hơi mệt vì cách triển khai ý của tác giả. Thật sự thì cốt truyện không quá phức tạp. Nó kể về một cậu trai 16 tuổi bị đuổi học vì rớt quá nhiều môn. Nhưng cuộc ẩu đả với người bạn chung phòng khiến cậu bạn này phải rời khỏi KTX sớm hơn dự định. Cậu lang thang ở thành phố New York trước khi về nhà. Tuy nhiên, điều khiến tác phẩm này kéo dài gần 350 trang là những hồi tưởng của nhân vật. Ban đầu, mình hơi khó chịu vì những từ ngữ khác thô tục được đưa vào trong truyện khá nhiều. Tuy nhiên, càng đọc qua những hồi tưởng ấy, bạn sẽ càng cảm thấy đây là một nhân vật thú vị, và bạn không thể đánh giá nhân vật qua câu chữ được. Đó chính là cái hay của tác giả trong việc bộc lộ dần tính cách nhân vật. Mình thấy nhiều bạn cmt cho rằng do bản dịch không mang lại đúng tinh thần của tác phẩm nên khiến nhiều bạn khó đọc. Bản thân mình thấy thì đúng là hơi thô nhưng nhìn chung thì vẫn “cảm” được nếu bạn chịu khó và kiên nhẫn. Nếu có thời gian, mình sẽ thử tìm đọc bản tiếng anh xem sao.

An

Mình đã đắn đo rất lâu không biết nên mua cuốn này không vì thấy khá nhiều bạn chê cuốn sách này, nhưng mình lại thấy nó là một trong những cuốn sách hay nhất. Lúc đầu mình đọc thì không mặn mà lắm, còn bỏ dở nữa, nhưng vài tuần sau mình đọc tiếp và thấy thật sự là nó hay. Mình thấy Holden – nhân vật chính, 16 tuổi mặc dù có bị đuổi học nhiều lần, uống rượu hút thuốc,… nhưng thật ra nhân cách cậu không tồi, cậu biết yêu thương anh em mình, lo lắng cho em gái Phoebe sợ là nó sẽ bị hư khi nhìn thấy chữ “Đù má” ai viết bậy lên tường trong trường em học, cũng nhớ thằng bạn mà đã từng đánh nhau với cậu, ghét những ai thích làm bộ,… Đối với riêng mình thì đây đúng là một cuốn sách thật sự rất hay.

Hiếu Chan

Đừng tiết tiền khi mua nó… Đây là một cuốn sách hay giúp cho những bạn bắt đầu bước vào thời kì tiêu cực. Ghét mọi thứ. Ghét mọi người. Ghét mọi sự việc. Suy nghĩ ngông cuồng. Và chắc chắn rằn nếu bạn đang có những yếu tố trẻ đảm bảo bạn sẽ cảm thấy trong mình cần phải làm gì, cần phải thay đổi ra sao về những cái nhìn về mọi sự việc sung quanh, từng hành đọng một sao cho có thể vượt qua được nó. Nói chung đây là một cuốn sách hay ( đoạn đầu khó đọc vì méo hiểu chi cả nhưng đến late thì bạn có thể thay đổi suy nghĩ về nó đấy)

Trích đoạn

Nếu bạn thực tình muốn nghe, thì điều đầu tiên bạn muốn biết có lẽ là tôi sinh trưởng ở đâu, cái thời thơ ấu mắc dịch của tôi ra thế nào, cha mẹ tôi làm gì trước khi đẻ tôi ra, v.v… đại để thứ tiểu sử nhì nhằng lối David Copperfield ấy. Nhưng tôi không muốn đi vào những chuyện ấy, nói thật với bạn. Trước hết là vì những thứ đó đối với tôi không có gì là quyến rũ, sau nữa là vì cha mẹ tôi sẽ thổ huyết chừng hai chuyến nếu tôi kể ra điều gì hơi rõ ràng về họ. Họ rất nhạy cảm về những loại như thế, nhất là cha tôi. Họ cũng tử tế đấy – tôi không biết dùng tiếng gì – nhưng đồng thời cũng nhạy cảm khiếp. Ngoài ra tôi cũng không kể cho bạn nghe cái tiểu sử dở hơi của tôi hay gì hết. Tôi chỉ kể cho bạn cái chuyện điên khùng đã xảy đến với tôi vào khoảng cuối lễ Giáng sinh năm ngoái ngay trước khi tôi thành ra lụn bại tinh thần và phải ra đây xả hơi đôi chút. Nghĩa là cái chuyện mà tôi đã kể hết cho D.B nghe. D.B là anh tôi. Ảnh bây giờ ở Hollywood. Chỗ đó không xa cái nơi hạ tiện này bao nhiêu, và ảnh thường đến thăm tôi mỗi cuối tuần, gần như đều đều vậy. Ảnh có lẽ sẽ lái xe chở tôi về nhà khi tôi về vào cuối tháng này. Ảnh vừa mới tậu một chiếc Jaguar. Cái loại xe kiểu Anh chạy chừng hai trăm rưỡi cây số giờ ấy. Ảnh phải trả có đến gần bốn ngàn đồng là ít. Hiện giờ ảnh có khá nhiều xu. Trước kia thì ảnh không có. Hồi trước, lúc ở nhà, ảnh là một văn sĩ suốt ngày chỉ có viết lách. Ảnh có viết tập truyện ngắn cực đỉnh nhan đề là Con cá vàng bí mật (trong trường hợp bạn chưa hề nghe đến tên ảnh). Câu chuyện hay nhất trong ấy là chuyện “Con cá vàng bí mật”. Chuyện kể về chú bé con không chịu cho ai nhìn con cá thia vàng của chú bởi vì chú đã tự bỏ tiền ra mua nó. Tôi mê câu chuyện ấy đến chết được. Bây giờ thì ảnh ở Hollywood, anh chàng D.B ấy, đang đánh đĩ ngòi bút, nếu có một cái gì tôi chúa ghét, thì ấy chính là màn bạc. Bạn đừng có nhắc đến tên nó với tôi.

Chỗ tôi muốn khởi đầu câu chuyện là ngày tôi rời trường dự bị Pencey. Pencey là cái trường ở Agerstown, Pennsylvania. Có lẽ bạn đã nghe về nó. Mà có lẽ bạn đã xem quảng cáo cũng nên. Họ đăng quảng cáo trên chừng một ngàn tờ tạp chí, luôn luôn bày ra một thằng cha rất bảnh cỡi ngựa phóng qua hàng rào. Làm như là ở Pencey, bạn chỉ cưỡi ngựa đánh polo suốt ngày. Tôi chưa hề một lần thấy con ngựa nào cạnh chỗ ấy. Và dưới bức quảng cáo, luôn luôn là câu “Từ 1888 chúng tôi đã đào tạo các cậu con trai thành những thanh niên tráng kiện, minh mẫn.” Láo toét. Họ không đào tạo gì ở Pencey hơn bất cứ ở một trường nào khác và tôi cũng không thấy người nào ở đấy gọi là tráng kiện, minh mẫn gì hết. Có lẽ hai thằng. Nhiều nhất là chừng ấy. Và có lẽ chúng đã như vậy từ trước khi đến Pencey.

Nói chuyện ngày ấy là ngày thứ Bảy đấu banh với đội Saxon Hall. Trận đấu với Saxon Hall có tiếng là sôi nổi nhất ở Pencey. Đó là trận đấu cuối cùng của niên học, và bạn phải tự tử đi hay làm gì đó nếu trường Pencey không thắng. Tôi nhớ vào khoảng 3 giờ chiều hôm ấy, tôi đứng tuốt trên đỉnh đồi Thomsen, ngay cạnh khẩu súng đại bác dịch hạch nghe đâu từ thời chiến tranh cách mạng gì đó. Từ nơi này bạn có thể thấy toàn sân banh, và có thể thấy hai đội quyết chiến với nhau khắp sân. Bạn không thể thấy chỗ khán giả ngồi rõ cho lắm, nhưng bạn có thể nghe họ hò hét dữ dội rất lâu bên phía Pencey, vì toàn trường (chỉ trừ tôi) đều ở đấy, uể oải rời rạc bên phía Saxon Hall, vì đội bạn hiếm khi đem theo đông người.

Không bao giờ có nhiều con gái trong các trận đấu bóng. Chỉ có tụi học lớp trên được đem theo con gái. Thật là một cái trường quái gở, bất cứ bạn nhìn với khía cạnh nào. Tôi muốn ở một nơi mà ít nhất thỉnh thoảng bạn cũng có thể thấy một vài đứa con gái quanh quẩn, dù cho bạn chỉ thấy chúng đang gãi cánh tay hoặc hỉ mũi hoặc cười khúc khích hay làm gì cũng được. Cô ả Selma Thurmer – nàng là con gái ông hiệu trưởng – xuất đầu lộ diện khá nhiều lần trong các cuộc đấu bóng. Nhưng nó không hẳn là loại con gái mà bạn thèm chảy nước miếng. Dầu sao nàng cũng khá dễ thương. Tôi ngồi cạnh nàng một lần, trong xe buýt từ Agerstovvn và chúng tôi kiểu như khai mào ra một câu chuyện. Tôi thích nàng. Nàng có một lỗ mũi khá lớn và móng tay nàng bị cắn trụi trông như đều rướm máu, chưa kể mấy cái gọng xu chiêng chết tiệt chỉ chực lòi ra ngoài; nhưng bạn đại khái cảm thấy tội nghiệp cho nàng. Điều khiến tôi mến nàng là nàng không tuôn ra hàng tràng cứt đái về ông bố khả kính vĩ đại tuyệt vời của mình. Có lẽ nàng cũng biết ổng là một lão bộ tịch ngốc nghếch.

Lý do vì sao tôi đứng tuốt trên đỉnh đồi Thomsen thay vì đứng chung dưới ấy, là vì tôi vừa mới ở New York về cùng với đội đấu kiếm. Tôi là thằng đội trưởng phải gió của đội đấu kiếm ấy. Oách lắm nhá, chúng tôi đến New York buổi sáng đó để gặp đội của trường McBurney. Duy chúng tôi không đấu, vì tôi để quên tất cả dụng cụ đồ đạc trên tàu điện ngầm. Đó cũng không phải hoàn toàn lỗi tại tôi. Tôi phải liên tục đứng lên nhìn bản đồ để biết khi nào phải nhảy xuống. Thế nên chúng tôi về đến Pencey vào khoảng hai giờ rưỡi chiều thay vì vào giờ ăn tối. Cả đội tẩy chay tôi suốt trên đường về bằng tàu lửa. Kể ra cũng khá tức cười.

Lý do thứ hai làm tôi không xuống dưới để xem là vì đang trên đường đến chào từ giã ông già Spencer, thầy giáo sử. Ông đau cúm, và tôi nghĩ có lẽ không gặp lại ông được cho đến đầu Giáng sinh. Ông viết cho tôi một mảnh giấy nói muốn gặp tôi trước khi tôi về nhà. Ông biết rằng tôi sẽ không trở lại Pencey.

Tôi quên nói cho bạn nghe về chuyện đó. Tôi bị đuổi rồi. Tôi không được trở lại trường sau lễ Giáng sinh bởi vì tôi thi trượt bốn môn và học không chuyên cần chăm chỉ. Họ cảnh cáo tôi khá nhiều lần về sự phải bắt đầu chuyên chú – nhất là vào mỗi khoảng thi học kỳ, khi cha mẹ tôi đến nói chuyện với ông già Thurmer – nhưng tôi không làm. Cho nên tôi bị tống cổ. Họ tống cổ tụi con trai ở Pencey khá thường. Trường Pencey vốn có tiếng học hành giỏi giang mà lại.

Lại nói chuyện lúc ấy vào tháng chạp, và trời rét như cắt, nhất là trên đỉnh đồi mắc dịch ấy. Tôi chỉ mặc có một chiếc áo ấm ngắn và không mang găng tay gì hết. Tuần trước một thằng nào đã ăn cắp chiếc áo bành tô lông lạc đà của tôi để ngay trong phòng, cùng với đôi găng đệm lông ở ngay trong túi áo. Pencey có đầy kẻ cắp. Có nhiều thằng xuất thân từ những gia đình giàu có, nhưng vẫn có nhiều kẻ cắp như thường. Một trường có học phí đắt đỏ chừng nào thì lại có nhiều kẻ cắp chừng ấy – tôi không nói đùa đâu. Nói chuyện lúc ấy tôi cứ đứng cạnh cái súng đại bác dở hơi ấy, nhìn xuống xem trận đấu vừa run giật bắn người đi được. Chỉ có điều tôi không xem đấu chăm chỉ lắm. Lý do vì sao tôi quanh quẩn ở đấy, chính là để cố mường tượng một cảm giác từ biệt nào đó. Nghĩa là tôi đã từng từ giã nhiều trường học và nhiều nơi mà tôi thậm chí không biết rằng tôi đang từ giã. Tôi ghét chuyện đó. Tôi bất chấp đó là một sự từ biệt buồn thảm hay một cuộc từ biệt quấy quá thế nào cũng được, nhưng khi tôi từ biệt một nơi nào, tôi muốn biết rằng tôi đang từ biệt nó. Nếu bạn không biết, bạn cỏn cảm thấy khó chịu hơn.

Cũng may cho tôi. Bỗng chốc tôi nghĩ đến một điều sẽ giúp tôi biết được tôi sắp cút khỏi nơi này. Tôi bỗng sực nhớ đến dạo nọ, vào khoảng tháng Mười, tôi cùng Robert Tichener và Paul Cambell đá một trái banh chơi quanh quẩn trước tòa lầu trường học. Mấy thằng đó đều dễ thương, nhất là Tichener. Lúc ấy là trước giờ ăn và trời đang sẩm tối, nhưng chúng tôi vẫn chơi đá banh như thường. Trời càng lúc càng tối đến nỗi chúng tôi không còn nhìn rõ trái banh nữa, nhưng chúng tôi vẫn không chịu ngừng lại. Cuối cùng chúng tôi phải ngừng. Ông thầy giáo dạy sinh vật học, ông Zambesi, thò đầu ra ngoài cửa sổ lầu học bảo chúng tôi trở về phòng ngủ để chuẩn bị ăn tối. Nếu tôi có dịp nhớ đến những lúc như vậy chẳng hạn, thì tôi có thể cảm thấy sự từ biệt những lúc tôi cần cảm thấy – ít ra là vài lúc. Khi tôi cảm thấy được nó rồi, tôi liền quay lui và co giò chạy một mạch xuống bên kia sườn đồi, về phía nhà ông Spencer. Ông không ở trong trường. Ông ở đường Anthony Wayne.

Tôi chạy suốt một mạch đến cổng chính và đứng thở một lát cho lại sức. Tôi chạy rất bết, nói thật với bạn. Tôi hút thuốc khá nhiều. Đó là một chuyện – nghĩa là trước kia. Bây giờ thì họ đã bắt tôi phải bỏ thuốc. Một chuyện nữa là năm ngoái tôi cao thêm mười hai phân rưỡi, chính trong lúc ấy tôi suýt bị nhiễm lao nên phải ra đây kiểm tra lại bộ phổi mắc dịch và những thứ khác. Có điều tôi cũng khá mạnh khỏe.

Lại nói chuyện khi đứng nghỉ vừa lại hơi thì tôi chạy qua đường Hai lẻ tư. Đường đóng giá trơn chết đi được, tôi suýt ngã lăn ra. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại chạy như thế – có lẽ chỉ vì tôi ưa chạy. Sau khi qua bên kia đường, tôi có cảm giác như tôi đang biến mất. Lúc ấy là buổi chiều, cái thứ chiều kỳ quặc, lạnh lùng khiếp sợ và không có mặt trời gì cả, và bạn có cảm tưởng bạn đang biến đi mỗi lần bạn qua đường.

Ôi giời, tôi rung chuông cửa liên tiếp khi vừa đến nhà ông già. Quả thật là cả người tôi đang cóng lại. Tai tôi đau muốn chết và tôi không tài nào nhúc nhích các ngón. “Nhanh lên, nhanh lên!” tôi nói thật to. “Ai ra mở cửa đi nào.” Cuối cùng bà già Spencer mở cửa. Họ chả có tôi tớ gì cả và luôn luôn tự mở cổng. Họ cũng không có nhiều xu lắm nữa.

“Holden!” bà Spencer nói. “Tuyệt quá, cậu đến thăm! Vào đây cậu! Có phải là cậu lạnh cóng rồi không?” Tôi nghĩ bà ta rất mừng khi gặp tôi. Bà thích tôi. Ít nhất, tôi nghĩ vậy.

Ôi chao, khỏi nói, tôi chui vào nhà nhanh như chớp. “Bà mạnh giỏi chứ, bà Spencer? còn ông Spencer thế nào?” tôi nói.

“Để tôi cất áo ngoài cho cậu,” bà ta bảo. Bà không nghe tôi hỏi bả ông Spencer thế nào. Bả hơi điếc.

Bả treo cái áo tôi trong tủ, và tôi vuốt tóc qua loa ra đằng sau với năm ngón tay. Tôi thường cắt tóc rất ngắn nên không bao giờ phải chải cho lắm. “Bà mạnh giỏi thế nào, bà Spencer?” Tôi lặp lại to hơn, để bà nghe rõ.

“Tôi vẫn mạnh, cậu Holden à.” Bà ta khép cửa tủ. “Còn cậu thế nào?”

Cứ xem cách bà ấy hỏi, tôi cũng biết ngay rằng ông già Spencer đã kể với bả chuyện tôi bị tống cổ.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button