Review

Báo Ứng

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Philip Roth
NXB NXB Trẻ
Công ty phát hành NXB Trẻ
Số trang 250
Ngày xuất bản 03-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Báo Ứng lấy bối cảnh là một trận dịch bại liệt ở Newark năm 1944; trận dịch đã nhấn chìm cả một vùng đất vào sự sợ hãi, tang tóc, và đẩy chàng thanh niên tên Bucky Cantor vào một cuộc phiêu lưu quái gở của một “chủ nghĩa anh hùng hụt” và của những mất mát không thể ngờ tới.

Cantor điều hành một sân chơi dành cho trẻ em ở Weequahic, anh là tấm gương mẫu mực về sự rèn luyện sức khỏe, ý chí, và là một con người trung thực, can đảm. Cantor chứng kiến những bệnh nhân đầu tiên của chứng bại liệt trong vùng – là những đứa trẻ mà anh yêu quý và rất ngưỡng mộ anh – hoặc chết, hoặc bị tàn tật vĩnh viễn. Cantor quyết định ở lại đây và coi đó như một hành động đương nhiên trong tình thế này, nhưng rồi cô vợ sắp cưới Marcia của Cantor thuyết phục được anh đến một nơi an toàn là trại hè Indian Hill. Tưởng chừng như ở đây anh thoát khỏi mọi nguy hiểm, nhưng đó mới thực là nơi xảy ra thảm họa, dẫn cuộc đời của Cantor vào sự trầm luân không lối thoát.

[taq_review]

Trích dẫn

“Em sẽ không nói gì với ông ấy đâu,” Marcia đáp. “Em sẽ đợi. Em cho anh một ngày để suy nghĩ. Tối mai em sẽ gọi lại. Bucky, anh tuyệt nhiên không hề lẩn trốn trách nhiệm của người thầy. Rời bỏ Newark lúc này không phải là một việc hèn nhát. Em hiểu anh mà. Em biết anh đang nghĩ gì. Anh quả là can đảm, nhất là trong tình hình như thế này, anh yêu ạ. Em cảm thấy bủn rủn chân tay khi nghĩ về việc anh can đảm như thế nào. Nếu anh tới Indian Hill, thực ra chỉ là anh sẽ làm một công việc khác chứ không hề bớt chút tận tâm nào. Và anh sẽ thực thi một nghĩa vụ khác mà anh phải tự đáp ứng với chính mình – ấy là thấy hạnh phúc. Bucky, đây chỉ đơn thuần là một sự khôn ngoan khi đối diện với hiểm họa – ai cũng thế mà!”

“Anh sẽ không đổi ý đâu. Anh muốn ở cùng em, ngày nào anh cũng mong nhớ em, nhưng anh không thể rời bỏ nơi đây lúc này.”

“Nhưng anh phải nghĩ đến sức khỏe của bản thân mình chứ. Để chuyện này đến mai nhé, anh yêu, nhé, xin anh đấy.”

Bà ngoại đang ngồi ngoài trời với hai gia đình nhà Einneman và nhà Fisher. Ông Fisher là thợ điện, hai vợ chồng tuổi đều đã gần năm mươi, có một cậu con trai mười tám tuổi là lính thủy đánh bộ, đang chờ tàu khởi hành từ California đến vùng Thái Bình Dương, và một cô con gái là nhân viên bán hàng trong cửa hàng bách hóa trên phố, đó cũng là cửa hàng nơi ngày xưa bố của anh thụt két – một sự thật không thể rũ bỏ luôn hiện diện trong tâm trí Bucky mỗi khi họ tình cờ gặp nhau lúc rời nhà đi làm mỗi sáng. Cặp vợ chồng trẻ nhà Einneman mới sinh em bé, sống trong căn hộ ngay phía dưới tầng nhà Bucky. Đứa nhỏ ở ngoài cùng với bố mẹ, đang ngủ trong nôi; kể từ lúc nó chào đời, bà ngoại của Bucky phụ giúp chăm bẵm thằng bé.

Mấy người họ vẫn đang bàn tán về bệnh bại liệt, giờ đang nhắc lại những chuyện hồi xưa đáng sợ về nó. Bà đang hồi tưởng những nạn nhân mắc bệnh ho gà được yêu cầu phải đeo băng tay và trước khi vắc-xin ra đời thì bệnh bạch hầu là căn bệnh kinh hoàng nhất trong thành phố ra sao. Bà nhớ lần được tiêm một trong những mũi vắc-xin đầu tiên phòng bệnh đậu mùa. Vết tiêm bị nhiễm trùng nghiêm trọng và kết quả là trên bắp tay phải của bà có một vết sẹo lớn, tròn tròn. Bà vén cao ống tay áo lửng mặc ở nhà và chìa cho mọi người xem vết sẹo ấy.

Góp mặt được một lúc, Bucky nói anh sẽ đi dạo, và rời gót. Đầu tiên, anh ghé hiệu thuốc trên đại lộ Avon mua một cây kem ốc quế tại máy bán nước ngọt. Anh chọn một chiếc ghế đẩu bên dưới cái quạt máy và ngồi đó vừa ăn kem vừa suy nghĩ. Mỗi khi có nhiệm vụ được đặt ra trước mắt anh đều thấy có trách nhiệm phải hoàn thành, và giờ đây, việc đó là trông nom những đứa trẻ đang lâm nguy nơi sân chơi. Và nhiệm vụ của anh không chỉ đơn thuần vì lũ trẻ mà còn bởi lòng trân trọng mớ ký ức về người chủ cửa hiệu tạp hóa ngoan cường, người bất chắp tính khí nóng nảy và những hạn chế của bản thân, đã vượt qua mọi khó khăn mà ông phải đối mặt. Marcia đã hoàn toàn sai lầm – với anh, sẽ chẳng có gì đáng khinh hơn việc chuồn đến vùng núi Pocono cùng với nàng để lẩn tránh trách nhiệm đối với công việc được giao phó.

Anh nghe thấy tiếng còi văng vẳng đằng xa. Giờ đây, tiếng còi chốc chốc lại vang lên bất kể ngày hay đêm. Đó không phải là những tiếng còi báo động của hệ thống phòng không – còi này chỉ cất lên mỗi tuần một lần vào trưa thứ Bảy, và chúng mang lại niềm an ủi rằng thành phố luôn sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào nhiều hơn là tạo ra tâm lý sợ hãi. Những tiếng còi báo động kia đến từ những chiếc xe cứu thương tới đón các nạn nhân mắc bệnh bại liệt và đưa họ tới bệnh viện, những tiếng còi rú lên đinh tai nhức óc, “Tránh đường nào – có một cuộc đời đang lâm nguy đây!” Gần đây mấy bệnh viện trong thành phố đã hết nhẵn máy trợ thở, và những bệnh nhân cần dùng đến thiết bị ấy được đưa đến những bệnh viện ở các thành phố Belleville, Kearny và Elizabeth cho tới khi chuyến hàng chuyên chở các máy trợ thở mới tới được Newark. Bucky chỉ mong sao chiếc xe cứu thương kia không hướng về khu phố Weequahic để đón đi một trong những đứa trẻ của mình.

Anh đã bắt đầu nghe thấy những lời đồn thổi rằng nếu như dịch bệnh lan rộng thêm, tất cả các sân chơi trong thành phố có thể sẽ bị đóng cửa nhằm ngăn không cho trẻ em tiếp xúc thường xuyên với nhau ở đấy. Thông thường, một quyết định kiểu như thế sẽ được ban hành bởi Ủy ban Y tế, nhưng với những trường hợp gây ra sự đảo lộn quá mức cuộc sống của các cậu bé, cô bé ở Newark trong mùa hè, thị trưởng có quyền phản đối và đích thân đưa ra quyết định cuối cùng. Ông đang làm tất cả mọi việc trong khả năng của mình để trấn an các bậc cha mẹ trong thành phố và theo báo chí đưa tin, ông đã đến từng tiểu khu để thông báo với những người dân đang âu lo về tất cả các biện pháp mà thành phố đang làm nhằm đảm bảo mọi rác rưởi, bụi bặm, đồ bẩn thỉu phải được thường xuyên dọn dẹp khỏi những nơi công cộng cũng như nhà riêng. Ông nhắc nhở mọi người dứt khoát phải dùng thùng rác có nắp đậy và tham gia chiến dịch “Đập ruồi” bằng cách sửa các tấm lưới chắn côn trùng trên cửa, đập và diệt ruồi – vật trung gian truyền bệnh luôn sinh sôi nảy nở trong điều kiện mất vệ sinh – khi thấy chúng bay vào nhà qua những cánh cửa mở hay qua những ô cửa sổ không lắp lưới. Rác thải sẽ được tăng cường lấy cách nhật và để đẩy mạnh chiến dịch diệt ruồi, vỉ đập ruồi sẽ được các “thanh tra vệ sinh dịch tễ” phát miễn phí khi đến thăm các cộng đồng dân cư để chắc chắn rằng tất cả các đường phố sạch bóng rác thải. Nhằm đảm bảo cho các bậc cha mẹ rằng mọi thứ đều trong tầm kiểm soát và nói chung vẫn an toàn, ngài thị trưởng đã đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Các sân chơi sẽ tiếp tục mở cửa. Trẻ em trong thành phố chúng ta cần có những sân chơi trong mùa hè. Cả hai công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential ở Newark và Metropolitan ở New York đều nói rằng không khí trong lành và ánh nắng mặt trời là những thứ vũ khí chủ yếu để tiêu trừ bệnh tật. Hãy cho con cái chúng ta tắm nắng và hít thở không khí trong lành ở các sân chơi và không một loại vi trùng nào có thể trụ lại được lâu dưới tác động của những thứ vũ khí ấy. Sau hết,” ông nói với các thính giả của mình, “hãy giữ cho các khoảnh sân và các tầng hầm của quý vị luôn sạch sẽ, đừng mất bình tĩnh, rồi chúng ta sẽ sớm thấy mức độ lây lan của tai họa này giảm bớt. Và hãy đập chết ruồi không thương tiếc. Ta không thể đánh giá được hết hiểm họa mà lũ ruồi mang lại.”

Bucky bắt đầu đi ngược đại lộ Avon lên khu trung tâm Belmont, không khí nóng hầm hập và mùi hôi thối nghẹt thở quẩn quanh anh. Trong những ngày có gió nam, từ trên phía nhà máy lọc dầu Rahway và Linden tỏa xuống mùi khét nồng, nhưng tối nay, luồng gió lại thổi về từ phía bắc, mang theo trong không khí thứ mùi hôi thối khủng khiếp, chắc chắn bốc ra từ trại nuôi lợn Secaucus nằm trên thượng lưu sông Hackensack, cách thành phố dăm cây số. Bucky không thấy có con phố nào hôi hám đến thế. Vào mỗi đợt nắng nóng, khi Newark dường như bị vắt đến cạn kiệt đến từng ngụm không khí trong lành, có những lúc, mùi hôi ấy trở nên kinh tởm đến mức chỉ cần hít phải một hơi thôi sẽ khiến người ta buồn nôn và chạy vội vào nhà. Mọi người đang đổ lỗi cho trại nuôi lợn Secaucus, được gọi một cách khinh miệt là “Thủ phủ lợn thiến của hạt Hudson”, vì nằm kề thành phố, và vì những đặc tính truyền nhiễm bệnh tật – tới những khu vực theo hướng gió – với thứ chướng khí bao phủ, một hỗn hợp độc hại, truyền nhiễm có mùi kinh tởm mà chỉ có Chúa mới biết là do những thành phần thối rữa, mục nát nào tạo nên. Nếu như điều mọi người nghi ngờ là đúng thì việc hô hấp luôn cần thiết cho sự sống sẽ là một hành vi nguy hiểm ở Newark – hít một hơi thật sâu là người ta có thể tiêu đời.

Mặc tất cả những điều khó chịu trong tối ấy, vẫn có một đoàn con trai vừa đạp những chiếc xe cũ mèm hết tốc lực trên mặt đường rải đá gồ ghề giữa những đường ray tàu điện trên đại lộ Avon vừa gào vỡ họng “Húuu!” Vẫn có các cậu bé chơi đuổi bắt trước các cửa hàng bánh kẹo. Vẫn có những thanh niên ngồi chơi nơi bậc thềm trước nhà, vừa hút thuốc vừa tán gẫu. Giữa phố vẫn có những cậu trai thong dong tung bóng cho nhau dưới ánh đèn đường, ở một lô đất trống nơi góc đường, trên tường của tòa nhà bỏ hoang có một vành rổ được treo lên và một vài thanh niên đang luyện cú “ném bóng dưới vai” nhờ vào ánh đèn hắt từ quán rượu bên kia đường, chỗ những người vô gia cư đang loạng choạng vào ra. Anh đi ngang qua một góc phố khác, nơi vài cậu tụ tập quanh một thùng thư, chễm chệ trên nóc thùng là một cậu bé đang hát giọng kim để mua vui cho cả đám. Có những gia đình chuyển ra sống ở các lối thoát hiểm, dây điện của những đài thu thanh cắm lòng thòng nối vào đến trong nhà, và nhiều gia đình tụ họp trên những lối đi tối tân giữa các khối nhà. Ngang qua những khu tập thể, anh thấy phụ nữ đang phe phẩy những cái quạt giấy của một hiệu giặt khô tặng khách hàng, rồi anh thấy những người công nhân, mới về nhà sau giờ tan ca, mặc áo may-ô đang ngồi nói chuyện. Từ mà anh được nghe đi nghe lại ở những cuộc trò chuyện ấy, dĩ nhiên là “bại liệt”. Chỉ có đám trẻ là dường như còn có thể nghĩ về thứ nào đó khác. Chỉ có trẻ nhỏ (ôi lũ trẻ!) là sinh hoạt như thể, ít nhất bên ngoài khu Weequahic, kỳ nghỉ hè vẫn là một cuộc vui chơi vô tư lự.

Dù là ở những phố trong khu dân cư hay phía sau hiệu thuốc tây chỗ quầy bán kem, anh không gặp bất kỳ chàng thanh niên nào đã từng cùng lớn lên, cùng chơi bóng và cùng đi học với mình. Lúc này, ngoại trừ vài người cũng bị loại vì xếp hạng sức khỏe loại 4-F giống anh – họ đang làm việc tại các quân xưởng do có bệnh van tim, dãn dây chằng bàn chân hay mắt cũng kém như anh – còn tất cả đều đã nhận được lệnh gọi nhập ngũ.

Ở Belmont, Bucky băng ngang đại lộ Hawthorne, chỗ vài quầy kẹo bánh vẫn còn sáng đèn và nơi ấy anh còn nghe thấy tiếng lũ trẻ đi chơi ngoài phố gọi nhau í ới. Từ đây anh đi về hướng phố Bergen và vào khu vực những con phố phân cách Weequahic với các khu dân cư khác, nơi những người giàu có hơn cư ngụ bên triền dốc đổ xuống công viên Weequahic. Cuối cùng anh tới đại lộ Goldsmith. Chỉ khi thực sự đến đây, anh mới nhận thấy mình ra ngoài tản bộ đến cả nửa thành phố trong một tối hè oi ả không phải là vô định mà rõ ràng là anh đang hướng bước chân mình về phía nhà của Marcia. Có lẽ ý định của anh chỉ đơn giản là nhìn ngôi nhà gạch to đứng sừng sững giữa những ngôi nhà gạch to lớn khác và nghĩ về nàng rồi quay trở về nơi chốn của mình. Nhưng sau khi đi một vòng quanh dãy nhà, anh chợt nhận ra mình vừa bước qua cửa nhà ông Steinberg, anh bèn đi theo lối đi lát đá tới bấm chuông. Gian phòng phụ với cửa trượt mở ra bãi cỏ nơi Marcia và anh vẫn ngồi ôm ấp nhau khi đi xem phim về, cho đến tận khi mẹ nàng nói vọng từ tầng trên xuống nhắc khéo rằng bây giờ chẳng phải là lúc Bucky phải đi về sao.

Chính bác sĩ Steinberg ra mở của. Giờ thì anh đã hiểu vì sao mình lại lang thang xa tuốt từ khu tập thể trên phố Barclay, hít thở bầu không khí hôi hám của thành phố để đến tận nơi này.

“Bucky, anh bạn của tôi,” Bác sĩ Steinberg vừa nói vừa dang đôi tay và mỉm cười. “Thật là một sự ngạc nhiên lý thú. Vào đi, vào đi cháu.”

“Cháu đi mua ít kem rồi đi bộ đến đây ạ,” Bucky phân bua.

“Cháu đang nhớ người yêu đấy,” Bác sĩ Steinberg cười, nói. “Bác cũng thế. Bác nhớ cả ba chị em nó.”

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Mai Phương

Báo ứng? Tại sao nó lại có cái tên như thế? Thật là buồn cho những đứa trẻ vô tội phải xa lìa cuộc này khi mà trái tim còn chưa lớn. Khi mà chúng chưa hề biết yêu thương, chưa hề biết gì là xấu xa, là độc ác. Cantor. Khỏe mạnh. Ý chí. Gan góc. Can đảm. Và luôn trung thực. Đời cho anh những cái đó để làm gì? Có phải để anh được nhìn thấy những cái mất mát vô cùng đâu thương kia? Có phải để anh nhìn thấy cái chết luôn rình rập quanh con người? Để anh nhìn thấy toàn sự sợ hãi, tang tóc. Hay là để anh làm một người anh hùng. Philip Roth viết cuốn sách này có lẽ là để giải thích cho cái sự “báo ứng” kia. Nhưng dù sao thì với tôi, trong thế giới không lối thoát tối tăm kia vẫn luôn nhìn thấy ánh sáng. Ở những con người gan dạ, dũng cảm, đầy đức hi sinh như Cantor.

Trang Vũ

Tựa gốc của “Báo ứng” là Nemesis, tên của Nữ thần của sự báo thù trong thần thoại Hy Lạp. Với cái tên như vậy, tôi những tưởng Báo ứng xoay quanh câu chuyện về sự trả giá của những sai lầm, toan tính trong quá khứ. Nhưng không, Philip Roth đã đi đưa lên bàn cân một câu chuyện hoàn toàn khác, đó là sự tự dằn vặt, tự trách cứ vì những gì đã không làm, “giá như mà…”. Sẽ không có cái “giá như” nào sẽ trở thành hiện thực cả, cũng không có một tòa án nào, cũng không ai kết án, mà chỉ có bản thân Bucky – nhân vật chính của chúng ta, tự khoác lên mình trách nhiệm bằng chính chủ nghĩa anh hùng của bản thân. Lẽ ra anh phải được cầm súng ra chiến trường, lẽ ra anh phải ở lại sát cánh cùng lũ trẻ, lẽ ra và lẽ ra… Với một câu chuyện đơn giản xoay quanh một trận đại dịch bại liệt, Philip Roth đã tiếp cận với một hướng mới mẻ, nghiêm túc và đầy tự sự. Tôi tin rằng mỗi chúng ta cũng đã ít nhất một lần có những suy nghĩ như của Bucky. Nếu không thể thoát ra được, ta sẽ tự cô lập bản thân, như hình ảnh trái ngược của một Bucky đầy tự tin ném lao với một Bucky tật nguyền về thể chất lẫn tinh thần. Và cũng như những tác phẩm khác của mình, Roth thể hiện một cái nhìn hoài nghi của mình về Chúa: Chúa đã ở đâu và tại sao ông tạo ra căn bệnh bại liệt? Thế có công bằng không?

Liễu Hồ

Báo ứng là một câu chuyện dựa trên những tư liệu về y khoa một cách chính xác và tỉ mỉ. Truyện kể về căn bệnh bại liệt ở Neward vào năm 1944, căn bệnh không biết bắt nguồn từ đâu, phải chăng từ những kẻ đã nhiễm bệnh cố í rắc tâm phun nước bọt để lây nhiễm cho những đứa trẻ – học trò cưng của thầy giáo Cantor nơi sân chơi anh điều động. Căn bệnh dần lan tỏa và những đứa trẻ chết dần chết mòn và trở thành nỗi ám ảnh của tất cả các bậc phụ huynh. Và rồi chính Cantor cũng phải chạy trốn khỏi ổ dịch này với những lời động viên của người yêu cũng như sự tự an ủi bản thân mình. Nhưng ở nơi làm việc, căn bệnh kinh khủng này lại bùng phát và lấy đi mạng sống của nhiều người khác. Và trên hết Cantor xót xa khi nhận ra rằng mình là người mang mầm bệnh lây nhiễm cho những đứa trẻ vô tội kia. Anh đã dành cả phần đời còn lại để trốn tránh, để u uất và đau khổ, dằn vặt vì những gì mang trên mình không hề hay biết. Truyện khép lại thật buồn, dù rằng dịch bệnh đã đi qua và đã có vacxin phòng ngừa về căn bệnh quái ác này.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button