Review

Ba Ơi Mình Đi Đâu

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Jean-Louis Fournier
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 178
Ngày xuất bản 12-2013
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Câu hỏi ngỡ như bâng quơ của một đứa trẻ không biết suy nghĩ “Ba ơi, mình đi đâu?” lặp lại như lời chất vấn dai dẳng về ý nghĩa tồn tại của một đời người: chúng ta từ đâu đến? chúng ta làm gì? chúng ta đi về đâu?…

Jean-Louis Fournier –

Ba ơi, mình đi đâu? là một câu chuyện buồn và hơn cả nỗi buồn nhưng lại không thấm đẫm nước mắt. Cuốn sách khiến người đọc cảm thấy đau nhói mọi nơi song không vùi sâu trong ủy mị. Bởi đó là cách lựa chọn của Jean-Louis Fournier trong suốt cuộc đời làm cha của mình. Uất hận, than trách cuộc đời, nổi điên lên hay buồn bã… cũng không thể làm khác đi sự hiện diện của hai cậu bé luôn uống thuốc an thần mỗi ngày để yên lặng. Những đứa trẻ mắt nhìn không rõ, tai điếc, chân khoèo, lưng gù, xương yếu. Một đứa chỉ biết nhắc đi nhắc lại một câu hỏi “Ba ơi, mình đi đâu?”. Một đứa suốt ngày nghĩ mình là một động cơ nên cứ kêu “brừm, brừm”… Sống trong thế giới ấy, người cha cần phải làm thế nào?

Ông, Jean-Louis Fournier không giấu giếm những phút quẫn trí mình đã từng nốc rượu rồi phóng xe như điên để mong một tai nạn sẽ ập đến, từng có ý định vứt những đứa con ra ngoài cửa sổ. Ông chưa bao giờ nhận mình là một thiên thần để chịu đựng từng ấy nỗi niềm tan nát. Song người cha ấy không gục ngã. Hay nói đúng hơn hai đứa trẻ tật nguyền thúc giục ông cần phải vượt qua. Đó là cách người cha nhìn vào những thử thách khắc nghiệt bằng một cặp mắt khác. Đó là sự hài hước trong những điều cay đắng. Ông thấy các con mình không phải đi học, không phải nghe giảng, không phải làm bài kiểm tra, không phải chịu phạt. Ông nhìn thấy mình nhờ con được phóng những chiếc xe lớn, tránh được việc nộp phạt, có tiền từ trợ cấp tật nguyền của con, không phải lo lắng về định hướng nghề nghiệp tương lai… Ông, Jean-Louis Fournier luôn cố mỉm cười khi kể câu chuyện về hai đứa con, dẫu nụ cười ấy thấm đẫm vị mặn chát.

Bằng thứ dư vị rất riêng ấy, ông, Jean-Louis Fournier, viết nên câu chuyện về hai đứa con tật nguyền. Thomas và Mathieu không bé nhỏ, không vô nghĩa bởi sự hiện diện của chúng buộc người cha ý thức về tình cảnh cuộc đời mình. Câu hỏi ngỡ như bâng quơ của một đứa trẻ không biết suy nghĩ “Ba ơi, mình đi đâu?” lặp lại như lời chất vấn dai dẳng về ý nghĩa tồn tại của một đời người: chúng ta từ đâu đến? chúng ta làm gì? chúng ta đi về đâu? Jean-Louis Fournier khiêm nhường trong câu chuyện của mình, không cố tô vẽ bản thân là một người cha mạnh mẽ. Ở cuối cuốn sách, đó là những lời tắc nghẹn “Tôi đã không may mắn. Tôi đã chơi trò xổ số di truyền học, tôi đã thua”, “Cuối con đường tôi đi là ngõ cụt, phần kết cuộc đời tôi là bế tắc”… Nhưng, giống như Thomas và Mathieu, cuốn sách và nỗi bất hạnh của ông lại mang tới những nghị lực để nâng đỡ nhiều người. Như lời nhận xét của Christine Jordis, Trưởng ban giám khảo giải Fémina: “Một cuốn sách hướng con người đến cái Thiện”.

Về tác giả

Jean-Louis Fournier là nhà văn ăn khách hàng đầu tại Pháp. Là nhà văn trào lộng kiêm đạo diễn phim truyền hình, nhà văn sinh năm 1938 này đã thành danh với các tác phẩm: Grammaire francaise et impertinente (1992),Il a jamais tué personne, mon papa (1999), Les mots des riches, les mots des pauvres (2004), Mon dernier cheveu noir (2006)… Ông còn được đánh giá cao qua các giải Liên hoan phim nghệ thuật Paris 1975, giải Liên hoan phim y học quốc tế Deauville 1981… Bi kịch giáng xuống cùng hai đứa con tật nguyền khiến con người tài ba và năng động này đối diện với những giới hạn nghiệt ngã. Với Ba ơi, mình đi đâu?, Jean-Louis Fournier kể về trải nghiệm ấy, và hơn cả thế, đó là câu chuyện về định mệnh và kiếp người.

[taq_review]

Trích đoạn

Trước mưa, Josée đưa bọn trẻ đi dạo sớm hơn thường lệ, cô ta đang cho Mathieu ăn.

Tôi không thấy Thomas. Tôi ra khỏi phòng. Trong hành lang, trên mắc áo, tôi thấy treo bộ quần áo liền tất của thằng bé, nó vẫn căng phồng lên, giữ đúng hình dạng một cơ thể. Tôi trở lại phòng với vẻ nghiêm khắc.

“Josée, tại sao cô lại treo Thomas lên mắc áo?”

Cô ta nhìn tôi không hiểu.

Tôi tiếp tục trò đùa của mình: “Không phải vì nó là một đứa trẻ tật nguyền mà người ta cần treo nó lên mắc áo như vậy.”

Josée không bối rối, cô ta trả lời:

“Thưa ông, tôi phơi một lúc cho nó khô, nó ướt sũng.”

~ * * * ~

Các con tôi rất tình cảm. Khi vào cửa hàng, Thomas muốn ôm hôn mọi người, người trẻ, người già, người giàu, người nghèo, vô sản, tư sản, da trắng, da đen, không hề phân biệt.

Một người hơi khó chịu mỗi lần họ thấy một thằng bé mười hai tuổi lao bổ vào họ để ôm hôn. Vài người lùi lại, những người khác để kệ và sau đó thì vừa dùng mùi soa lau mặt vừa nói: “Thằng bé dễ thương quá!”

Đúng, chúng rất dễ thương. Chúng chẳng thấy cái xấu ở bất kỳ nơi nào cả, như những người ngây thơ vậy. Chúng hiện hữu từ trước khi xuất hiện nguyên tội, vào thời mà thế giới toàn là người tốt, thiên nhiên rất nhân từ, mọi cây nấm đều có thể ăn được và người ta có thể vuốt ve lũ hổ mà không sợ gì nguy hiểm.

Khi đến sở thú, chúng rất muốn hôn lũ hổ. Khi chúng kéo đuôi con mèo, thật lạ là con mèo chẳng cào chúng, hẳn con mèo tự nhủ: “Đó là những đứa trẻ tật nguyền, cần phải khoan dung với chúng vì chúng hoàn toàn mất trí.”

Liệu một con hổ có phản ứng như thế nếu Thomas và Mathieu kéo đuôi nó không?

Tôi sẽ thử xem, nhưng trước đó, tôi phải cảnh báo con hổ đã.

~ * * * ~

Mỗi lần đi dạo với hai cậu con trai của mình, tôi lại có cảm giác đang mang trên tay những con rối hay những con búp bê bằng vải. Chúng nhẹ bẫng, xương chúng nhỏ bé mong manh, chúng không lớn lên, chúng không béo lên, ở tuổi mười bốn, trông chúng như ở tuổi lên bảy, đó là những chú yêu tinh bé bỏng. Chúng không nói tiếng Pháp, chúng nói tiếng yêu tinh, hoặc có khi chúng nghêu ngao, gầm gừ, ăng gẳng, ríu rít, quàng quạc, liến thoắng, gào rú hay kêu ken két. Không phải lúc nào tôi cũng hiểu chúng.

Trong đầu những chú yêu tinh của tôi có gì nhỉ? Không có chì. Ngoài rơm ra thì hẳn là không có gì ghê gớm lắm, khá lắm là có một bộ óc chim, hay một cửa hiệu đồ cũ nơi bán mấy thứ máy cổ lỗ dùng ga len làm chất dò sóng hay một chiếc đài cũ kỹ không dùng được nữa. Vài sợi dây điện hàn ẩu, một cái máy thu thanh bán dẫn, một cái bóng điện nhỏ chập chờn thường xuyên tắt ngóm và một vài từ được ghi âm quay vòng vòng.

Với bộ óc như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi bọn trẻ không được hoàn thiện lắm. Chúng sẽ không bao giờ thành sinh viên Đại học Bách khoa, thật đáng tiếc, hẳn tôi sẽ phải tự hào lắm vì tôi vốn luôn học rất tệ môn toán.

Mới đây, tôi gặp một chuyện rất xúc động. Mathieu đã say sưa đọc một cuốn sách. Tôi lại gần, vô cùng hồi hộp.

Nó cầm quyển sách ngược.

~ * * * ~

Tôi từng rất thích tạp chí Hara-Kiri. Có lúc, tôi muốn đề xuất với tạp chí này một trang bìa. Tôi muốn mượn em trai tôi, sinh viên trường Bách khoa, bộ đồng phục rộng có mũ hai chóp của nó để mặc cho Mathieu và chụp ảnh thằng bé. Tôi nghĩ phần chú thích ảnh sẽ là: “Năm nay, thủ khoa trường Bách khoa là một cậu bé[9]”.

Xin lỗi, Mathieu. Không phải lỗi của ba nếu trong ba nảy sinh những ý tưởng gàn dở này. Ba không có ý định nhạo báng con, có lẽ là ba muốn nhạo báng chính ba. Muốn chứng tỏ rằng ba có khả năng cười trên nỗi đau khổ của mình.

~ * * * ~

Mathieu ngày càng còng. Liệu pháp vận động, áo chỉnh hình bằng kim loại, chẳng thứ gì có ích cả. Ở tuổi mười lăm, thằng bé mang dáng vẻ của một lão nông già nua đã dành cả đời cày xới đất. Khi chúng tôi đưa nó đi dạo, nó chỉ nhìn đôi bàn chân mình, nó thậm chí không thể thấy bầu trời.

Có lúc, tôi tưởng tượng ra mình cắm lên mũi giày nó những chiếc gương nhỏ, giống như những cái kính chiếu hậu phản chiếu giùm nó bầu trời…

Chứng vẹo cột sống của nó đã nặng thêm, chẳng mấy chốc nữa sẽ gây ra tình trạng khó thở. Một ca phẫu thuật cột sống cần được tính đến.

Ca phẫu thuật được tính đến, thằng bé lại hoàn toàn đứng thẳng được.

Ba ngày sau, nó chết trong tư thế đứng thẳng.

Rốt cuộc, ca phẫu thuật có mục đích giúp nó nhìn thấy bầu trời đã thành công.

~ * * * ~

Con trai bé nhỏ của tôi rất dễ thương, lúc nào thằng bé cũng cười, đôi mắt nó nhỏ, đen và sáng, như mắt chuột.

Tôi thường sợ mất nó. Nó cao hai centimet. Thế mà nó đã mười tuổi.

Khi nó chào đời, chúng tôi rất ngạc nhiên, hơi lo lắng một chút. Bác sĩ liền trấn an chúng tôi, ông ta nói: “Các vị cứ kiên nhẫn, nó hoàn toàn bình thường, chỉ hơi chậm phát triển thôi, nó sẽ lớn.” Chúng tôi kiên nhẫn, chúng tôi sốt ruột, chúng tôi không thấy nó lớn.

Mười năm sau, vết khắc trên chân tường để đánh dấu chiều cao của nó lúc nó một tuổi vẫn luôn có giá trị.

Không một ngôi trường nào chịu nhận nó với cái cớ là nó không như những đứa trẻ khác. Chúng tôi buộc phải giữ nó ở nhà. Chúng tôi đã phải tuyển người giúp việc. Thật khó có thể tìm được ai đó chịu chấp nhận. Một việc nhiều âu lo và trách nhiệm, nó quá nhỏ bé, người ta sợ làm mất nó.

Đặc biệt là nó rất hay đùa, nó thích đi trốn và không đáp lời khi người ta gọi nó. Chúng tôi phải bỏ thời gian tìm nó, phải dốc hết các túi quần túi áo và tìm trong tất cả các ngăn kéo, mở tung tất cả các loại hộp. Lần mới đây nhất, nó trốn trong một bao diêm.

Làm vệ sinh cho nó rất khó, chúng tôi luôn sợ nó bị chết đuối trong chậu. Hoặc nó trôi mất qua lỗ thoát trên bồn rửa. Vất vả nhất, là cắt móng tay cho nó.

Để biết trọng lượng của nó, chúng tôi phải đi ra Bưu điện đặt nó lên cái cân thư.

Vừa rồi, nó bị đau răng dữ dội. Không nha sĩ nào muốn chữa cho nó, tôi đã phải đưa nó đến nhà ông thợ sửa đồng hồ.

Mỗi lần các bậc phụ huynh hay bè bạn thấy nó, họ đều bảo: “Nó mới lớn làm sao.” Tôi không tin họ, tôi biết họ nói vậy để làm vui lòng chúng tôi.

Một ngày kia, một vị bác sĩ can đảm hơn những vị khác nói với chúng tôi rằng nó sẽ không bao giờ lớn được. Cú đó thật tàn nhẫn.

Dần dần, chúng tôi cũng quen, chúng tôi đã thấy ích lợi.

Chúng tôi có thể giữ nó bên mình, chúng tôi luôn có nó trong tay, nó không cồng kềnh, chúng tôi nhanh chóng để nó vào túi, nó không mất phí vận chuyển công cộng, và đặc biệt nó rất tình cảm, nó thích bới chấy trên đầu chúng tôi.

Một ngày kia, chúng tôi mất nó.

Tôi thức thâu đêm lật từng chiếc lá rụng lên.

Đó là mùa thu.

Đó là một giấc mơ.

~ * * * ~

Không nên nghĩ rằng cái chết của một đứa trẻ tật nguyền thì ít buồn hơn. Nó cũng buồn như cái chết của một đứa trẻ bình thường vậy.

Thật khủng khiếp, cái chết của kẻ chưa bao giờ được hạnh phúc, kẻ đến Trái đất dạo thoáng qua một vòng chỉ để chịu đau khổ.

Từ kẻ ấy, chúng ta khó lòng giữ được ký ức nào về một nụ cười.

~ * * * ~

Dường như một ngày nào đó, cả ba chúng ta sẽ gặp lại nhau.

Liệu chúng ta có nhận ra nhau không? Các con nom sẽ thế nào? Các con sẽ mặc đồ gì? Ba vẫn luôn quen hình ảnh các con trong bộ quần yếm, biết đâu các con sẽ mặc com pê, hoặc áo lễ trắng như các thiên thần? Biết đâu các con sẽ có ria mép hoặc râu, để tạo vẻ nghiêm túc? Liệu các con có thay đổi không, liệu các con có lớn lên không?

Liệu các con có nhận ra ba không? Ba có nguy cơ đến trong tình trạng vô cùng tệ hại.

Ba sẽ không dám hỏi các con rằng các con còn tật nguyền không… Liệu trên Trời có tồn tại những kẻ tật nguyền? Biết đâu các con sẽ trở nên giống như những người khác?

Liệu rốt cuộc, chúng ta có thể trò chuyện với nhau như những người đàn ông, cùng bàn bạc những việc quan trọng, những việc ba không dám nói với các con khi còn trên Trái đất vì các con không hiểu tiếng Pháp, còn ba, ba không hiểu tiếng yêu tinh?

Có lẽ ở trên Trời, rốt cuộc chúng ta cũng hiểu nhau. Và rồi, đặc biệt là, chúng ta sẽ gặp lại ông của các con. Người mà ba chưa bao giờ nhắc đến với các con và các con chưa bao giờ quen biết. Các con sẽ thấy, đó là một người tuyệt vời, chắc chắn ông sẽ khiến các con hài lòng và làm các con bật cười.

Ông sẽ đưa chúng ta đi dạo trên chiếc Citroën đời cổ của ông, ông sẽ cho các con uống, trên đó, hẳn chúng ta phải uống nước trộn mất ong lên men.

Ông sẽ lái chiếc xe của mình nhanh, rất nhanh, quá nhanh. Chúng ta không phải sợ.

Chúng ta chẳng việc gì phải sợ cả, chúng ta đã chết.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button