Review

Ba Người Thầy Vĩ Đại

Thể loại Sách hay về cuộc sống
Tác giả Robin Sharma
NXB Nhà Xuất Bản Dân Trí
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 356
Ngày xuất bản 05-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

“Tôi đã nếm trải nhiều thất bại trong hành trình đi qua những tháng ngày của mình. Thế nhưng, mỗi chướng ngại cuối cùng đều lại chính là một bàn đạp đưa tôi gần hơn nữa tới chân lý trong tâm khảm và cuộc đời tốt đẹp nhất của mình.

Cho dù tôi có thu thập được bao nhiêu tài sản vật chất đi chăng nữa thì cái thằng người mà tôi nhìn thấy trong tấm gương phòng tắm mỗi buổi sáng vẫn y nguyên – tôi không hề hạnh phúc hơn và không hề cảm thấy tốt hơn tí nào. Suy ngẫm nhiều hơn về thực trạng cuộc sống của mình, tôi bắt đầu nhận thức được sự trống rỗng ngay trong tim mình. Tôi bắt đầu chú ý đến những tiếng thầm thì lặng lẽ của con tim, những điều chỉ dẫn tôi rời bỏ nghề nghiệp mình đã chọn và bắt đầu quá trình tìm kiếm tâm hồn một cách nghiêm túc. Tôi bắt đầu suy nghĩ về lý do tại sao tôi lại ở đây, trên hành tinh này, và nhiệm vụ cụ thể của tôi là gì. Tôi tự hỏi tại sao cuộc đời mình lại không có tác dụng và cần phải thực hiện những thay đổi sâu sắc nào để giúp mình đi đúng hướng. Tôi xem xét những niềm tin cốt lõi, những giả định, và những lăng kính mà mình nhìn ra thế giới, và tôi tự cam kết làm sạch những lăng kính không lành mạnh.”

“Cuốn sách này là một tác phẩm hư cấu. Đây là câu chuyện về một người đàn ông có tên Jack Valentine mà đường đời có nhiều điểm giống với tôi. Có cảm nhận rất không đầy đủ với tư cách một con người, anh ấy lên kế hoạch tìm kiếm tri thức để sống một cuộc sống hạnh phúc hơn, khoẻ khoắn hơn và đẹp hơn.”

Những “Câu hỏi cuối cùng” là một điều kì lạ mà Jack nghe được từ người bệnh nhân già nằm cùng phòng với anh – ông Cal. Chỉ sau một buổi tối trò chuyện cùng ông, Jack đã nhận thấy những sự thay đổi đang diễn ra trong mình. Và từ đây, chuyến hành trình đến Rome, Hawaii và New York cùng những khám phá mới mẻ mà anh học được từ ba người thầy vĩ đại trong cuộc đời đã giúp anh trả lời được ba câu hỏi mà cha anh – Cal Valentine đã nói trước khi ông qua đời:

– Ta đã SỐNG một cách KHÔN NGOAN chưa?

– Ta đã YÊU THƯƠNG chưa?

– Ta đã CỐNG HIẾN thật nhiều chưa?’

Cuốn sổ mà cha Mike – người thầy đầu tiên ở Rome đưa cho Jack đã đúc kết 10 điều mà anh đã học được trong suốt cuộc hành trình:

1. Công việc chính của mọi con người là công việc nội tâm.

2. Hãy xem cuộc sống của mình như một trường học dạy cách trưởng thành.

3. Hãy thành thật với chính mình – cuộc sống tốt đẹp nhất là cuộc sống chân thật.

4. Hãy nhớ rằng chúng ta thu nhận những gì chúng ta phát ra.

5. Chúng ta nhìn nhận thế giới không như chính nó mà như chúng ta nghĩ.

6. Hãy sống bằng trái tim của ban – tri thức của nó không bao giờ nói dối.

7. Hãy đắm mình trong sự tò mò của cuộc đời bạn.

8. Hãy chăm lo cho chính bạn.

9. Hãy xây dựng những kết nối của con người.

10. Hãy để lại một di sản.

[taq_review]

Trích dẫn

SỐNG ĐÚNG VỚI BẢN NGÃ ĐÍCH THỰC CỦA MÌNH

“Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bóng tối. Bi kịch thật sự của cuộc đời là khi một người lớn sợ ánh sáng. ”

– Plato

“Đằng sau tất cả những điều nhìn thấy được đều ẩn chứa gì đó lớn lao hơn; mọi thứ chỉ là một con đường; một cánh cổng, hoặc một ô của sổ mở ra một điều gì đó khác.”

– Antoine de Saint-Exupéry

***

Tôi ngủ say hơn bất kỳ giấc ngủ nào tôi đã có trong cả một thời gian dài và mơ một giấc mơ tuyệt vời – rằng tôi lại là một đứa trẻ, đầy vui sướng, ham mê, và ngây thơ. Tôi đang nhảy chân trần trên một bãi cỏ ở một vùng núi nhỏ, xung quanh là những đỉnh núi phủ tuyết và những thung lũng toàn hoa. Tôi có thể nghe thấy tiếng những đứa trẻ khác cười đùa trong khi tôi nhảy, say sưa trong sự kỳ thú của khoảnh khắc ấy. Lòng tôi thấy hạnh phúc, tâm trí tôi tĩnh lặng, và tôi hoàn toàn bình an.

Tôi choàng tỉnh do một bàn tay dịu dàng đang lay gọi tôi. Cha Mike đang đánh thức tôi dậy. Ông đang mỉm cười, và đôi mắt ông long lanh khi ông bày tỏ lòng biết ơn vì một buổi sáng tuyệt vời ở ngoài kia.

“Thêm một ngày tuyệt vời nữa, Jack ạ,” ông nói. “Chúng ta đừng bỏ lỡ dù chỉ một khắc. Ta có rất nhiều điều muốn chia sẻ với con. Tại sao con lại không sẵn sàng và gặp ta dưới nhà chứ? Chúng ta có thể ăn điểm tâm thật nhanh và ngồi trò chuyện ở bậc tam cấp đằng trước.”

“Tuyệt vời,” tôi đáp. “Sau cuộc nói chuyện với Cha ngày hôm qua, con có vài câu hỏi rất muốn hỏi Cha.”

“Rất tốt,” Cha Mike đáp.

Thật sự là một buổi sáng tuyệt đẹp, và bậc tam cấp giáo đường là một nơi tuyệt vời để ngồi trò chuyện. Mùi hương hoa hồng phảng phất quanh chúng tôi, và việc nhìn ngắm tất cả mọi người đi lại trên phố càng làm tăng thêm mối liên hệ của tôi với thành phố Rome cổ kính, nơi rất nhiều tri thức của thế giới được sáng tạo ra.

“Ngày hôm qua Cha nói với con rằng cuộc sống là một trường học trưởng thành, thưa Cha Mike. Mọi người và mọi trải nghiệm đến với chúng ta để dạy chúng ta bài học chúng ta cần học nhất ở thời điểm cụ thể đó của cuộc đời. Chúng ta có thể nhận thức được hành động này của tự nhiên, hoặc chúng ta có thể nhắm chặt mắt lại, và làm như vậy, chúng ta tiếp tục lặp lại những sai lầm của quá khứ cho tới khi nỗi đau lớn đến mức chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài thay đổi.”

“Đúc kết hay lắm,” Cha Mike nói trong khi nhẩn nha ăn một miếng bánh mỳ mới ra lò có phết pho mát Gorgonzola. “Sớm muộn cậu học trò cũng trở thành thầy giáo thôi,” ông ấy nói thêm đầy khích lệ.

“Chà, con đang thắc mắc, liệu có phải tất cả mọi người đều phải theo đúng giáo trình mà cha đã nói đến không? Ý con là, mỗi người trong chúng ta đều phải học những bài học như nhau và tiếp nhận các môn học như nhau trong ngôi trường trưởng thành này phải không ạ?”

“Câu hỏi rất hay, Jack. Ở đây với ta, con sẽ rất tiến bộ – chắc chắn là như thế,” Cha Mike nói trong khi chúng tôi thư giãn trong nắng. Đó là một trong những ngày mà, cho dù mặt trời chói chang, thì người ta vẫn có thể nhìn thấy mặt trăng trên bầu trời trong xanh.

“Để trả lời cho câu hỏi của con, tất cả mọi người và từng người trên hành tinh này đều có một giáo trình khác nhau dành cho họ – đó là quá trình học tập riêng biệt cho từng người. Những bài học ta cần học trong đời mình, có thể rất khác với những bài học mà số phận định sẵn cho con. Giáo trình của ta có thể được vạch ra để dạy ta biết giảm bớt công kích và biết chấp nhận hơn. Và những bài học cuộc đời của ta có thể dạy ta biết cho đi nhiều hơn, quên đi cảm giác thiếu thốn, vứt bỏ nhu cầu kiểm soát, và chấp nhận dòng chảy của cuộc đời.”

“Mặt khác,” Cha Mike tiếp tục, “giáo trình của con có thể được thiết kế để dạy con biết thoát khỏi lý trí của mình và sống theo trái tim nhiều hơn – sống đúng lúc và cảm nhận chứ không phải chỉ suy ngẫm. Nó có thể là việc phải vứt bỏ thái độ bản ngã trung tâm và những cân nhắc xung quanh sự cạnh tranh – hãy hết lòng quên mình giúp đỡ người khác. Con đường học tập của con có thể là nhìn ra cái tốt trong mọi người chứ không phải chỉ tập trung vào những điểm yếu của họ. Nó thậm chí có thể là nhận biết giá trị của chính con và đừng để bất kỳ ai khiến con cảm thấy thấp kém.”

Thật sâu sắc, tôi nghĩ. Cứ như thể người đàn ông này biết rõ những vấn đề sâu kín nhất và những đấu tranh nội tâm riêng tư nhất của tôi. Cách ông ấy trình bày thật rõ ràng và dễ hiểu. Mẹ tôi cũng có khả năng tương tự – rất nhiều việc bà làm xuất phát từ trực giác của bà. Bà biết rõ mình cần phải làm gì trong bất kỳ tình huống nào và hoàn toàn tin tưởng vào điều này. Nếu tôi luôn đưa ra lựa chọn của mình dựa trên lí trí và lôgic, thì tôi cảm thấy rằng mẹ tôi luôn dựa trên những dự cảm sâu sắc và khôn ngoan hơn.

“Trong bất kỳ trường hợp nào,” Cha Mike tiếp tục trong khi miệng vẫn đầy bánh mỳ, “thì tất cả những gì ta thật sự muốn truyền đạt ngày hôm qua là mỗi sự kiện và mỗi con người bước vào cuộc đời chúng ta đều có một lý do nào đó. Hãy nhớ, không hề có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thế giới là một cỗ máy rađa khổng lồ, chuyên phát hiện những nhu cầu trưởng thành của chúng ta và sau đó gửi cho chúng ta những con người và sự kiện tương ứng để thúc đẩy sự trưởng thành này. Điểm uyên thâm liên quan đến việc này là những người xuất hiện trong cuộc đời ta chính là những tấm gương, phản chiếu cả những phần sáng nhất và tối nhất của chính chúng ta.”

“Cha nói nghiêm túc chứ?” Tôi hỏi.

“Phải. Con sẽ không thể nhìn thấy phẩm chất tuyệt vời của người khác trừ phi con biết phẩm chất đó ở chính mình.”

“Có thể là như vậy ạ. Con sẽ không thể nhận ra điều gì đó là tốt ở ai đó nếu như con không hề biết đó là gì.”

“Chính xác. Nếu con chưa từng thấy trứng cá muối trông như thế nào thì con không thể nhận ra nó trên đĩa thức ăn của người khác tại một buổi dạ tiệc. Tương tự, nếu con không nhận ra tài năng hoặc nét tích cực nào đó trong chính mình thì con không thể nhìn thấy điều đó ở người khác. Nếu con không biết thực sự yêu thương người khác là thế nào, thì con sẽ không có cách nào biết được khi nào ai đó thể hiện tình yêu với con. Nếu con không có tài năng cá nhân – chẳng hạn trí thông minh – thì con sẽ không thể đánh giá được nó ở người khác. Nhìn thấy điều gì đó vĩ đại ở người khác chính là nhìn thấy sự vĩ đại ngay trong chính mình. Ta cần nói rằng nguyên tắc này cũng đúng với cả những tính cách tiêu cực mà con không thể chịu được ở người khác.”

“Ý Cha là sao ạ?”

“Chà,” Cha Mike đáp, “để con nhận thấy một người khác đang có thái độ giận dữ thì trước hết con phải biết giận dữ thật sự là như thế nào. Để con gọi ai đó là đang giận dữ thì trong chính con phải có sự giận dữ. Để con nhận ra ai đó là ích kỷ thì con phải có chút ích kỷ trong mình. Để con gọi ai đó là hấp dẫn, thì con cũng phải có mặt hấp dẫn. Mặt khác, sẽ không có cách nào để con có thể nhận ra những đặc tính này. Toàn bộ cuộc sống chẳng là gì hơn ngoài sự phản chiếu. Như một chiếc máy chiếu phim khổng lồ, chúng ta chiếu ra thế giới bên ngoài xung quanh chúng ta chính con người chúng ta ở thế giới bên trong. Chúng ta tập hợp những gì chúng ta phản chiếu.”

“Rất thú vị,” tôi đáp lại. “Cha có thể cho con một ví dụ nhanh không ạ?”

“Dĩ nhiên rồi. Giả sử con đang ở trong một cửa hàng băng đĩa. Con có mặt ở một trong những cửa hàng cho phép con nghe những đĩa nhạc mới nhất, và con đang thưởng thức những giai điệu con đang nghe. Đột nhiên, một nhân viên của cửa hàng đi tới chỗ con và yêu cầu con không được nghe quá nhiều như vậy. Ông ấy đề nghị rất lớn tiếng và khiếm nhã. Nếu con phản ứng bằng cách quát lại ông ta, thì với ta điều đó có nghĩa là trong con có gì đó cần phải xem xét và khắc phục.”

“Nhưng ông ta thô lỗ với con kia mà!” Tôi kêu lên. “Con có gây chuyện đâu.”

“Jack, con không thể có gì đó từ chỗ chẳng có gì cả. Tất cả những gì có thể nảy sinh từ con đều là những gì ở trong chính con – rốt cuộc, con không thể có sốt cà chua từ một quả chanh được. Thực tế người đàn ông này nhận được sự giận dữ từ con do điểm trúng huyệt của con có nghĩa là ngay bên trong con sự giận dữ đã tồn tại từ trước, phải không nào?”

“Con phải thừa nhận rằng cách giải thích đó rất thuyết phục.”

“Cho nên người đàn ông này chỉ khơi lên phần giận dữ của con. Nếu con không hiểu thực tế đó thì nó sẽ tiếp tục nắm bắt con. Tâm trạng giận dữ đó thực chất vẫn hiện diện từ trước khi ông ta bước vào cuộc đời con – đó chính là những gì ta gọi là điều kiện sẵn có. Con cần nhìn ra điều đó và chịu trách nhiệm với nó chứ không phải là trách cứ ông ta. Ông ta chỉ là một tác nhân. Nó giống như triết gia người Pháp Antoine de Saint-Exupéry[11] từng viết: ‘Không một sự kiện nào có thể đánh thức trong ta một kẻ xa lạ mà chúng ta hoàn toàn không biết. Sống chính là được sinh ra từ từ.’ Cho nên cách nhìn nhận sự việc trong cửa hàng âm nhạc một cách thông suốt chính là xem người nhân viên bán hàng khiếm nhã này là một món quà lớn. Có cả một cơ hội để trưởng thành và phát triển từ tình huống này nếu con khôn ngoan. Với cách hành xử khiếm nhã của mình, ông ta đã đưa con tới một phần của chính con vốn vẫn được giấu kín trước nhận thức của con.”

Cha Mike hít một hơi và tiếp tục. “Carl Jung[12] từng viết rằng: ‘Mọi thứ khiến chúng ta khó chịu với người khác đều có thể dẫn chúng ta tới việc hiểu về chính mình.’ Giờ đây, hãy có đủ can đảm và chín chắn để tiến hành công việc nội tại cần để giải phóng cơn giận sẵn có của con và chuyển tâm trí con sang một không gian yêu thương. Đó chính là mục đích mà tất cả chúng ta đều cần nhắm tới – không gì ngoài tình yêu thương thuần túy. Bởi vì một con người tràn ngập yêu thương sẽ nhìn thấy yêu thương từ những người xung quanh. Ta biết đây không phải là một quá trình có thể thực hiện một cách nhanh chóng – nó là một ý tưởng để phấn đấu, và thậm chí với nhiều người, có khi phải mất đến cả đời để thoát khỏi tâm lý giận dữ và sợ hãi để biết yêu thương và bao dung với những người xung quanh. Thực tế, đây chính là hành trình cuộc đời – tìm ra những khu vực yếu đuối của chúng ta và khắc phục chúng để cuối cùng chúng ta có thể tìm thấy cái bản ngã tốt nhất của mình. Đây là con đường duy nhất phải đi nếu mục đích của con là tìm thấy sự bình yên và tự do vĩnh hằng. Không có lựa chọn nào khác.”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button