Review

Ba Người Lính Ngự Lâm

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Alexandre Dumas
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Khang Việt Book
Số trang Đang cập nhật
Ngày xuất bản 06-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Đây là một trong những tiểu thuyết lãng mạn lịch sử nổi tiếng nhất thế giới. Ba người lính ngự lâm kể về cuộc phưu lưu của chàng quý tộc trẻ tuổi D’ Artagnan cùng ba người bạn thuộc đội Ngự lâm của VuaLouis VIII: Athos, Porthos và Aramis. Dưới sự che chở của ông De Treville – đại úy chỉ huy Ngự lâm quân, bốn người kề vai sát cánh vượt qua bao thử thách từ chốn cung đình, ngoài xã hội đến nơi trận tiền, phò tá Hoàng hậu Anne gia tộc Australia chống lại những mưu mô thâm hiểm của Giáo chủ Richelieu. Địch thủ đáng gờm nhất của họ là Milady, người đàn bà gian xảo, độc ác đồng thời là nữ gián điệp cự phách dưới tay Giáo chủ. Đây cũng được coi là một trong những nhân vật nữ phản diện nổi bật trong lịch sử văn học cổ điển.

Trong suốt chiều dài cuốn sách, Alexandre Dumas duy trì nhịp kể chuyện nhanh đầy hứng khởi và gây cấn; xây dựng nên một thế giới nhân vật sống động với tính cách độc đáo, sắc sảo. Bối cảnh lịch sử nước Pháp thế kỷ mười bảy với các nhân vật, chi tiết, biến cố có thật mà người đọc có thể dễ dàng tra cứu cũng góp phần đem lại sức hấp dẫn cho cuốn tiểu thuyết mơ mộng, hài hước, phóng khoáng và đầy kịch tính này.

[taq_review]

Trích dẫn

Ông Bonacieux

Trong mọi chuyện vừa xảy ra, có một nhân vật, mặc dầu trong tình thế không an toàn, lại không được quan tâm mấy, đó là ông Bonacieux, kẻ tử đạo đáng kính của những âm mưu chính trị và tình yêu đan xen nhau chặt chẽ trong cái thời buổi vừa rất hiệp sĩ vừa rất phong tình này.
May sao, chúng tôi đã hứa không bỏ quên ông ta.
Bọn sai nha đã bắt giữ ông rồi dẫn thẳng đến ngục Bastille, ở đó họ đưa ông còn đang run sợ đến trước một tiểu đội lính đang nhồi thuốc vào súng hỏa mai của họ. Từ chỗ đó, ông lại bị đưa đến một hầm nửa ngầm dưới đất và bị bọn dẫn đi chửi bới thô tục nhất, đối xử dã man nhất. Bọn cảnh vệ thấy ông chẳng phải một nhà quý tộc do đó, chúng đối xử với ông như kẻ ăn mày thực thụ.
Khoảng nửa giờ sau, một viên lục sự đến chấm dứt những trò tra khảo, nhưng không chấm dứt những mối lo lắng của ông khi ra lệnh dẫn ông vào phòng hỏi cung. Thường thường người ta hỏi cung tù nhân ngay tại nhà họ, nhưng với ông Bonacieux, họ không mất công làm theo cung cách ấy.
Hai tên lính gác túm lấy ông hàng xén, lôi ông qua một cái sân, rồi lôi vào một hành lang có ba lính tuần tra, mở một chiếc cửa, và đẩy ông vào một phòng thấp, ở đó đồ đạc chỉ có mỗi cái bàn, một cái ghế và một viên đồn trưởng cảnh sát. Viên đồn trưởng đang ngồi ở ghế và hý hoáy viết trên bàn.
Hai tên gác dẫn tù nhân đến trước cái bàn. Viên đồn trưởng ra hiệu cho họ đi xa ra khỏi tầm nghe rõ tiếng nói. Viên cảnh sát này cho tới lúc đó vẫn cắm cúi vào đống giấy tờ, bây giờ mới ngẩng đầu lên xem phải làm việc với ai. Đó là một con người mặt quằm quặm, mũi nhọn, gò má vàng và gồ cao, mắt nhỏ nhưng soi mói và lanh lợi, vẻ mặt vừa giống chồn, vừa giống cáo. Đầu hắn thò ra khỏi chiếc áo đen rộng lắc lư trên cái cổ dài ngoẵng, hơi giống như một con rùa thò đầu ra khỏi mai.
Hắn bắt đầu bằng việc hỏi ông Bonacieux tên, họ, tuổi, nghề nghiệp và chỗ ở. Bị cáo trả lời ông tên là Jacques Michel Bonacieux, năm mốt tuổi, chủ hàng tạp hóa đã nghỉ buôn, ở số nhà 11, phố Phu Đào Huyệt.
Đến đây, đáng lẽ tiếp tục thẩm vấn ông, hắn lại làm một bài diễn văn dài dòng về mối nguy đối với gã thị dân ngu tối can dự vào những việc công. Hắn còn làm phức tạp thêm phần mào đề bằng việc phô trương quyền lực và hành động của Giáo Chủ, vị Thủ Tướng không ai sánh nổi, vị Thủ Tướng vượt xa những vị trước đây, một tấm gương của những Thủ Tướng sau này. Những hành động và quyền lực của Thủ Tướng mà không ai chống đối không bị trừng phạt.
Sau phần hai của bài diễn văn, găm con mắt diều hâu vào ông Bonacieux khốn khổ, hắn giục ông suy nghĩ về mức nghiêm trọng tình thế của ông. Ông đã nghĩ trước cả rồi. Ông nguyền rủa cái khoảnh khắc mà ông De la Porte có ý định gả cho ông cô con gái đỡ đầu, và nhất là cái khoảnh khắc cô con gái đỡ đầu đó được nhận làm người lo khăn áo cho Hoàng Hậu.
Điều căn bản trong tính cách của ông Bonacieux là tính ích kỷ sâu xa hòa lẫn tính keo cú bần tiện, trộn thêm tính hèn nhát cực điểm. Tình yêu người vợ trẻ gợi cho ông là một tình cảm hoàn toàn thứ yếu, không thể nào chống nổi những tình cảm bẩm sinh mà chúng ta vừa liệt kê ra.

Bonacieux quả có suy nghĩ về những gì người ta vừa nói với ông ta.
— Nhưng thưa ông đồn trưởng – Ông lạnh lùng nói – Ông hãy tin chắc là tôi biết và tôi đánh giá cao hơn bất cứ ai, tài đức của Đức Ông bất khả so sánh, mà chúng ta có vinh dự được ngài cai trị.
— Thật ư? – Viên đồn trưởng hỏi bằng vẻ nghi ngờ – nhưng nếu như thực sự như vậy, làm sao ông lại ở ngục Bastille?
— Làm sao tôi ở đây hoặc đúng hơn tại sao tôi ở đây? – Bonacieux đáp – đó là điều tôi hoàn toàn không thể nói được với ông bởi vì bản thân tôi, tôi cũng chẳng hiểu gì. Nhưng có điều chắc chắn không phải vì đã cố ý xúc phạm Đức Giáo Chủ.
— Song ông phải mắc một hình tội chứ, vì ở đây ông bị cáo buộc tội phản bội lớn.
— Phản bội lớn! – Bonacieux hoảng hồn kêu lên – Phản bội lớn! Và làm sao ông lại muốn một chủ hàng tạp hóa khốn khổ ghét bọn giáo phái Calvin và thâm thù bọn Tây Ban Nha lại bị cáo buộc tội phản bội lớn được? Xin hãy nghĩ kỹ đi, thưa ông việc ấy thực tế là không thể được.

***

Viên đồn trưởng vừa nói vừa nhìn bị cáo như thể đôi mắt ti hí của hắn có khả năng đọc sâu trong trái tim người khác.
— Ông Bonacieux, ông có một bà vợ chứ?
— Vâng thưa ông – Ông chủ hàng xén trả lời mà người cứ run hết lên, cảm thấy đến đây mọi việc sắp trở nên rắc rối – nghĩa là tôi đã từng có một người vợ.
— Thế nào? Ông đã từng có một người vợ ư? Vậy ông đã làm thế nào về việc này, nếu như ông không có nữa.
— Người ta đã bắt cóc mất của tôi, thưa ông.
— Người ta đã bắt cóc mất của ông? Viên đồn trưởng nói – Lại thế nữa!
Bonacieux cảm thấy ở cái tiếng “Lại thế nữa!”, mọi cái mỗi lúc một rắc rối hơn.
— Người ta đã bắt cóc vợ ông? Viên đồn trưởng lặp lại – và ông có biết người nào đã phạm tội bắt cóc ấy không?
— Tôi tin là biết hắn.
— Hắn là ai?
— Thưa ông đồn trưởng, tôi không khẳng định gì hết mà chỉ nghi ngờ thôi.
— Ông nghi ngờ ai? Nào, cứ trả lời béng ra.
Ông Bonacieux rơi vào tình trạng hết sức bối rối. Chối hết hay nói hết ra đây? Chối hết, người ta có thể tưởng là mình biết quá nhiều không dám thú nhận. Nói hết chứng tỏ có thiện chí. Cho nên ông quyết định nói hết. Ông nói:
— Tôi ngờ một người cao lớn, tóc nâu, dáng vẻ kiêu kỳ, hoàn toàn ra dáng một vị đại vương tôn. Hắn đã theo dõi chúng tôi nhiều lần, hình như thế, khi tôi đợi vợ tôi ở trước cửa trạm gác điện Louvre để đưa vợ tôi về nhà.
Viên đội trưởng hình như tỏ ra lo ngại hỏi:
— Và tên hắn?
— Ồ, về tên hắn, tôi chẳng biết tí nào, nhưng nếu bao giờ gặp hắn, tôi nhận ra hắn ngay, xin trả lời ông như vậy, dù cho hắn đứng lẫn trong hàng ngàn người khác.
Trán viên đồn trưởng sa sầm lại:
— Ông bảo, lẫn trong ngàn người ông cũng nhận ra?
— Nghĩa là… – Ông Bonacieux thấy đã trót lỡ lời, lặp lại “nghĩa là.”
— Ông đã trả lời rằng ông sẽ nhận ra hắn – viên đồn trưởng nói – tốt lắm, hôm nay tạm thế đã. Trước khi chúng ta đi xa hơn, cần để ai đó được báo trước rằng ông biết tên bắt cóc vợ ông.
— Nhưng tôi không nói với ông là tôi quen biết hắn! – Ông Bonacieux thất vọng kêu lên – Tôi đã nói với ông trái lại…
— Giải tù nhân đi – Viên đồn trưởng bảo hai người gác.
— Và giải nó đến đâu? – Viên lục sư hỏi.
— Vào ngục tối.

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Vân

Đọc mà cảm thấy buồn cười cho những hình tượng lính ngự lâm ngày xưa, không phải anh hùng tất cả mà toàn là những con người bằng xương bằng thịt, có đủ phẩm chất và sự yếu mềm của con người có lúc họ rất anh dũng, nhưng có lúc họ lại có những tật xấu khiến mình khó chịu thật sự, nó khác với việc mô tả bây giờ tán tụng họ lên mây xanh. đọc cả truyện dài, mình biết thêm được nhiều điều về lịch sử Pháp, khá đặc biệt và đầy tính phóng khoáng, có chất lãng mạn ở trong nữa, y như ngừời Pháp hiện đại vậy….

Mạc Trọng Tín

Cảm nhận đầu tiên của mình khi vừa nhận được quyển sách này thì hoàn toàn hài lòng rất xứng đáng đồng tiền đã bỏ ra. Tiểu thuyết “Ba người lính ngự lâm” của Alexander Dumas này không hổ danh là một trong những tiểu thuyết kinh điển. Không hiểu sao nó cứ làm cho tôi phải đọc thật kỹ, nhớ từng chi tiết các nhân vật trong truyện. Tuy đã xem phim rồi nhưng khi đọc vẫn có cái gì đó khác khác. Một quyển sách nhất định phải đọc cho những ai đam mê tác phẩm kinh điển trên thế giới.

Sam

“Ba người lính ngự lâm” là một trong những tác phẩm kinh điển và được các nhà làm phim dựng lên thành bản điện ảnh, truyền hình…. Điều đó khiến cho câu chuyện được biết đến nhiều hơn, nhưng cũng khiến cho nhiều người bị nhầm lẫn hoang mang không biết đâu là chi tiết trong bản gốc và đâu là cải biên. Lúc nhận sách trên tay mình thấy hơi choáng vì mức độ “đồ sộ” của nó, dày hơn mình tưởng tượng …thế nhưng bìa sách lại khá mỏng so với số lượng trang sách , khiến mình cứ cảm thấy hơi lo vì lỡ cầm đọc không cẩn thận có thể dễ dàng làm rách cuốn sách…ngoài khuyết điểm nhỏ này ra thì mình thấy chất lượng in khá rõ, mực in đều ko lem luốc, sắp xếp nội dung cũng rõ ràng nữa.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button