Review

Ánh Sao Trong Lòng Bố

Nội dung

Ánh sao trong lòng bố gồm có 3 phần: Vũ trụ bé con, Những ngôi sao xanh và Những vì sao không ngủ. Ở phần một, tác giả dường như biến mình thành một tiểu hành tinh xoay quanh cái vũ trụ bé con đáng yêu của mình. Tiểu hành tinh này quay suốt trong nhịp điệu của Nhớ nhung – Thương yêu – Lo lắng. Anh viết về những câu chuyện nho nhỏ trong cuộc sống, những cái ngoắc tay của con và những hồi ức khi từng ngày được sống bên con, nhìn con khôn lớn. Những bài viết với đẫm nỗi nhớ mong, với dạt dào kỷ niệm và chan chứa những lời dặn dò tha thiết, dịu dàng. Từng trang văn mang đến người đọc thông điệp rằng với mỗi người cha, điều hạnh phúc nhất là được thấy con lớn lên từng ngày và luôn hiện hữu ngay trong lòng mình, bằng ánh sáng của những vì sao, bằng ánh sáng của tình yêu thương máu thịt…

Phần hai Những ngôi sao xanh kể về những người thân mà anh Đỗ Xuân Thảo gắn bó bằng cả trái tim mình, đó là bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, là em trai, em gái… Giọng văn vẫn nhẹ nhàng, giản dị nhưng đằng sau đó là nỗi lòng tri ân, là cách sống thấm thía máu thịt, là tình cảm gia đình tận cùng chia sẻ. Đặc biệt phần hai dành không ít những trang văn viết về người vợ mà anh đặt biệt danh là “Cô dâu 8 tuổi”. Lúc này giọng văn trở nên dí dỏm và bông phèng. Cái việc chậm chạp, hay lạc đường, thích mua sắm, thích làm đẹp, dễ thay đổi của “cô dâu 8 tuổi”… dưới giọng văn “dìm hàng” của anh khiến người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và không thể không bật cười nghiêng ngả.

Cuối cùng, phần ba Những vì sao không ngủ là những câu chuyện về nhân tình thế thái, về chị giúp việc, về những mối tình đã qua, về công việc dạy học…. Ẩn sau từng câu chữ là suy nghĩ kín đáo của một người đàn ông chân thành, tinh tế, biết nhìn ra những điều dung dị và cảm thông thấu hiểu với muôn nỗi của cuộc đời đa diện.

Gần 300 trang sách là ba phần với ba câu chuyện và những thông điệp khác nhau nhưng xuyên suốt trong cả cuốn sách nhỏ này là rất nhiều yêu thương – những yêu thương trong trẻo, nhẹ nhàng.

Mong bạn đọc hãy cầm trên tay cuốn sách để cảm nhận và trân trọng hơn nữa cuộc sống này.

Thể loạiSách về gia đình
Tác giảĐỗ Xuân Thảo
NXBLao Động
Số trang276
Năm2016

Trích đoạn

Thư gửi con

Con trai yêu thương của bố! Hôm qua, tình cờ bố được một người bạn thân gửi cho xem một đường link Facebook, trên đó có một status “khẳng định”: Bài thơ Tháng Bảy mùa thi con viết tặng những ông bố, bà mẹ cho con đi thi Đại học không phải là của con, là do bố viết rồi để con đăng! Đại loại là như thế.

Bố lặng lẽ xem rồi lặng lẽ đóng Facebook lại. Lúc ấy, bố đã rất sợ con sẽ đọc được lời “khẳng định” đó, sợ con nhìn thấy hiện lên trên danh sách những người bấm “like” cho ý kiến này có cả người mà con vẫn luôn yêu quý và ngưỡng mộ. Bố sợ làm tan vỡ những cảm xúc trong veo, thánh thiện của con. Bố sợ con buồn… Nhưng rồi bố lại nghĩ, bố vẫn nên cho con biết những điều này. Bởi cuộc sống luôn là như thế con à!

Trong status đó, người viết cũng nói, họ đã chừng ấy tuổi đầu rồi mà còn chưa hiểu thế nào là “bùn lầm ruộng ngấu” thì sao con, một đứa trẻ mười mấy tuổi đầu, quen sống ở thành phố lại có thể hiểu nổi. Lạ nhỉ, cứ cái gì người lớn không biết thì trẻ con ắt là không được biết sao? Con ơi, bố đã nuôi nấng, chăm bẵm con bằng những điệu ru con cò, bằng bàn tay của một người cha yêu ruộng yêu đồng, bằng kí ức của một ông bố quê mùa luôn đau đáu tình cha, nghĩa mẹ. Từ thuở nằm nôi, con lớn lên lành lẽ trong dòng chảy chân quê tự nhiên từ máu thịt. Bố đã từng ngỡ ngàng khi con viết về tuổi thơ của bố bằng những từ ngữ đậm chất quê: “Thả câu, buông lờ, đơm đó”. Những động từ ấy đã miêu tả quá chân thật hành động của người dân vùng chiêm trũng. Bố đã nhiều lần giải thích cho mẹ thế nào là “đó, lờ, nơm…” mà mẹ vẫn không phân biệt được. Mẹ thì lúc nào cũng ngơ ngác thế. Nhưng con thì thẩm thấu tự nhiên, như hạt mưa xuân nằm trên đất, tan vào nhau để nuôi lớn những điều tốt đẹp, nhân hậu trong lòng con.

Con ơi! Bố từng đọc cho con nghe nhiều lần hai câu nói trong cuốn Quà của bố: “Bất cứ điều gì con có, một ai đó sẽ vượt qua. Nhưng nếu con trung thực, chẳng bao giờ có ai trung thực hơn vì bản chất của sự trung thực là trung thực”. Bố chẳng mong con sẽ thành ông này bà nọ, bố chỉ mong con là con với tâm hồn hướng thiện, sống tử tế, thẳng ngay. Bố mong đắp bồi nhân cách cho con như hết thảy những ông bố yêu con trên thế gian này.

Tất cả những việc con làm là tự nguyện từ tâm của con – một cái tâm trong veo, hồn hậu. Còn bố và mẹ chỉ mong một sáng đẹp trời nào đó, khi tỉnh dậy trong vòng tay của bố mẹ, con sẽ nói: “Bố mẹ ơi, con quyết định rồi, con sẽ ở nhà với bố mẹ, không đi học bên Mỹ nữa đâu!”. Thật thế! Bố dấn thân cho con đi du học xa chỉ là vì đam mê của con. Khi con đi, bố giao hẹn, con không được FA (Financial Aid) thì về với bố mẹ nhé. Và nói thật, bố chỉ cầu con… không được. Bố ghi nhận những nỗ lực của con nhưng thực trong lòng bố, chỉ muốn được gần con… Muôn đời nước mắt chảy xuôi mà con!

Con trai của bố! Đêm qua là một đêm dài với bố. Bố trăn trở về cuộc đời muôn nẻo. Bố nghĩ về con. Và thương đầm đìa gối. Con ngủ ngoan trong vòng tay của bố. Ngoài kia là bầu trời. Yên ả đó mà bão giông cũng đó. Rồi sẽ đến lúc bố chẳng được ở gần con mà ầu ơ ru con ngon giấc. Rồi sẽ đến lúc con chẳng còn được nằm ghếch chân lên người bố nghe bố kể chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện cậu bé nghèo đến cùng cực mò cua bắt cáy ven ao làng mơ đỗ đạt. Con sẽ một mình chống chọi với bão táp mưa sa. Con bước ra cuộc đời với tâm hồn con trong vắt như mảnh trăng thu. Thương đến nhói lòng…

Bố nhớ có lần cả nhà mình đi nghỉ trong khu nghỉ mát. Nơi đó yên tĩnh, cuộc sống cứ chầm chậm trôi đi. Và chỉ một vài ngày là con thấy chán. Con thèm nhớ những ồn ào sôi động ngoài kia. Cuộc sống với con là trải nghiệm, là biến cố. Con lớn lên từ những biến cố của cuộc đời. Không ai ngăn được điều đó cả. Và con không sợ đối mặt với những biến cố đó, phải không con?

Con trai của bố! Mỗi khi con về nhà, con sà vào ôm bố, ôm mẹ. Con trêu đùa, con chạy ngang chạy dọc. Gia đình với con như một tấm gương soi trong lặng để con được nhìn lại chính mình. Luôn là nụ cười. Luôn là những bài học mới mẻ và đáng quý. Luôn là hành trang cho con mang theo đến cuối đất cùng trời. Nơi đó, cho con nhiều thứ đáng giá để con lớn lên mà không phải “trả giá” như ngoài đời. Nơi đó con được trải nghiệm mà không phải chịu đớn đau. Nơi đó ngập tràn tình yêu thương trong trẻo. Nơi đó con được bao dung tha thứ cho mọi sự “quẫy đạp” để trưởng thành.

Nhưng cuộc đời thì không thế đâu con. Không phải con yêu ai thì người ta cũng yêu con. Không phải con tin ai thì người ta cũng tin con. Không phải con chia sẻ với ai thì họ cũng đồng cảm với con. Nhưng con ơi! Hãy cứ yêu đời sống này. Hãy cứ thích thì làm thơ để bố mẹ vẫn được chui vào một góc nào đó đọc thơ con và… khóc. Hãy cứ lớn lên trong sự khoan dung và tha thứ. Khi mình trung thực, mình sẽ chẳng sợ hãi điều gì!

Hôm nọ bác Chu Sơn, Vân Anh yêu quý tặng con cuốn Lượng tử và Hoa sen. Sáng nay, hình như biết bố mẹ buồn, vừa ngủ dậy con đã gọi bố mẹ ngồi lại và đọc cho bố mẹ nghe một đoạn trong cuốn sách này: “Tốt và xấu tồn tại duy nhất dưới dạng hạnh phúc và đau khổ mà con người tạo ra cho chính mình hay cho người khác. Nếu chúng ta chọn thái độ vị tha thực sự, hẳn chúng ta đã quan tâm đến hạnh phúc của người khác”.

Bố mẹ nghe xong, lặng lẽ nhìn nhau. Hình như những cái chấp nê nhỏ mọn đã tan biến trong sự tinh tế của con.

Và bố chỉ cần có thế!

Và bố chỉ ước, nếu có cuộc đời lần thứ hai, bố sẽ lại được làm bạn với con – người bạn thủy chung, tri âm, tri kỷ.

Bố nhớ một câu trong bài hát của Trịnh Công Sơn: “Em cứ hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Con cứ vui đùa đi. Rồi bình yên sẽ đến. Thả những nỗi buồn bay lên như một nắm tơ trời…

Bố yêu con vô cùng, con trai của bố!

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button