Review

Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối

Thể loại Kỹ Năng – Chuyên Ngành
Tác giả John C. Maxwell
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 347
Ngày xuất bản 10-2014
Giá bánXem giá bán

Tháng trước, Sangeeth Varghese, tác giả, nhà báo chuyên mục kiêm người sáng lập LeadCap, một tổ chức đào tạo các nhà lãnh đạo ở Ấn Độ đã gọi cho tôi từ nước ngoài. Ông phỏng vấn tôi cho bài đăng trên Tạp chí Forbes. Tôi rất thích trò chuyện với Sangeeth, nhưng chúng tôi đã gặp chút trục trặc vì đường truyền điện thoại không được tốt lắm. Chúng tôi đã bị ngắt kết nối đến gần 10 lần. Phút trước, chúng tôi còn đang nói rôm rả về nghệ thuật lãnh đạo, thì ngay phút sau đã là những tiếng tút dài báo ngắt kết nối.

Ai cũng từng gặp vấn đề này khi trò chuyện qua điện thoại. Đó là lý do Verizon đã thực hiện một chiến dịch mang tên “Các bạn có nghe thấy tôi nói gì không?” Khi cuộc gọi bị gián đoạn, các bạn có biết không? Các bạn phản ứng thế nào? Các bạn cảm thấy ra sao? Khó chịu? Thất vọng? Hay tức giận?

Bạn đã bao giờ nghĩ đến các nguyên nhân khiến kết nối bị gián đoạn chưa? Kết nối bị gián đoạn làm mất thời gian, gián đoạn mạch thông tin và làm giảm năng suất của bạn. Như vậy, kết nối là mạch nguồn của giao tiếp.

Kết nối gián đoạn qua điện thoại có thể dễ dàng nhận biết, vậy khi bạn giao tiếp trực tiếp với mọi người thì sao? Bạn có biết khi nào kết nối được tạo ra? Hay khi nào kết nối bắt đầu xấu đi? Bạn có xác định được thời điểm giao tiếp có dấu hiệu bị gián đoạn không? Sự thật là hầu hết mọi người đều mù mờ về các yếu tố này khi kết nối trong các tình huống giao tiếp hàng ngày.

Đối với tôi, khi tương tác với mọi người, dù là một người, một nhóm, hay đám đông khán giả, tôi biết mình vừa kết nối khi cảm nhận được:

  • Nỗ lực đặc biệt – mọi người đều nỗ lực.
  • Sự đánh giá tự nguyện – họ nói những điều tích cực.
  • Sự cởi mở – họ thể hiện sự tin tưởng.
  • Giao tiếp tăng cường – họ mở lòng hơn.
  • Trải nghiệm thú vị – mọi người cảm thấy thú vị về những gì họ đang làm.
  • Sự gắn bó về mặt tình cảm – họ giao tiếp bằng cảm xúc.
  • Nhiệt huyết – “pin” năng lượng cảm xúc của họ được sạc đầy khi chúng tôi ở cùng nhau.
  • Sự đồng tâm hiệp lực ngày càng tăng – hiệu quả làm việc của họ đạt mức cao nhất.
  • Tình yêu vô điều kiện – họ chấp thuận mà không có bất cứ sự đề phòng nào.

Bất cứ khi nào tương tác với mọi người và nhận thấy những dấu hiệu này, tôi biết mình đang kết nối. Tôi biết mình cần gì để kết nối với người khác và phán đoán được thời điểm thành công.

Còn bạn, khi tương tác trực tiếp với một người nào đó quan trọng trong cuộc sống, bạn có nhận thấy những tín hiệu này không? Khi chủ trì một cuộc họp hay tham dự một hoạt động nhóm, bạn có thấy rõ những đặc điểm kết nối này không? Khi nói chuyện với khán giả, bạn có kết nối với họ, có mang lại hiệu quả về giao tiếp và trải nghiệm thú vị cho bạn và cả họ không? Nếu không thể trả lời “có” cho những câu hỏi trên một cách dứt khoát, thì có nghĩa bạn cần phải cải thiện khả năng kết nối với mọi người. Chúng ta trò chuyện, giao tiếp hằng ngày, hằng giờ, thậm chí hằng phút, nhưng không mấy ai biết kết nối. Số ít người biết kết nối sẽ đưa các mối quan hệ, công việc và cuộc sống của họ lên một tầm cao mới.

Nếu bạn muốn kết nối để giành thế chủ động hơn trong mọi việc, bạn có thể học nó ngay từ hôm nay dù hôm qua bạn không giỏi kết nối chút nào. Và đó cũng là lý do bạn nên đọc cuốn sách này. Tôi đã học được cách kết nối hiệu quả với mọi người và nó là một trong những điểm mạnh nhất của tôi. Đó là một trong những lý do chính tôi có thể giao tiếp với mọi người − một phần cơ bản trong khả năng lãnh đạo của tôi. Và tôi còn học hỏi thêm cách kết nối với những người tiên tiến hơn. Tôi đã đưa bản thảo này lên blog của tôi, JohnMaxwellOnLeadership.com, để tôi có thể kết nối với mọi người về chủ đề này và nhận được những nhận xét cũng như phản hồi của họ. Cuốn sách đã nhận được hơn 100.000 lượt xem trong 11 tuần sau khi được đăng tải. Tôi đã thực hiện hàng trăm thay đổi và chỉnh sửa cho bản thảo dựa trên ý kiến của họ, hơn 70 trích dẫn, câu chuyện cùng giai thoại từ độc giả đã được đưa vào cuốn sách.

Nhưng đó không phải là động lực chính để tôi đăng tải bản thảo lên blog, hay đưa lên Twitter. Tôi làm tất cả những điều này bởi tôi muốn đem lại giá trị nhiều hơn cho mọi người. Vào năm 1979, tôi bắt đầu viết sách với mong muốn có chút ảnh hưởng nào đó đến những người tôi sẽ không bao giờ có cơ hội gặp mặt. Năm 2009, tôi bắt đầu viết blog và sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để mở rộng vòng kết nối với mọi người hơn nữa. Giờ đây, tôi đã có thể bổ sung giá trị cho cả những người không bao giờ đọc sách của tôi. Đó là một cách trong những cách khác để kết nối với mọi người.

Tôi tin mình có thể giúp bạn học cách kết nối. Đó là lý do tôi viết cuốn sách này. Trong phần đầu của cuốn sách, tôi sẽ đưa ra năm nguyên tắc nền tảng để bạn hiểu rõ hơn về cách kết nối với mọi người. Trong phần hai, bạn sẽ biết được năm hành động mà bất cứ ai cũng có thể làm để kết nối với những người khác – bất kể tuổi tác, kinh nghiệm hay khả năng giao tiếp. Học cách kết nối với mọi người có thể sẽ thay đổi cuộc sống của bạn.

[taq_review]

Trích dẫn

01: KẾT NỐI LÀM TĂNG ẢNH HƯỞNG CỦA BẠN TRONG MỌI HOÀN CẢNH

Theo các chuyên gia thống kê, mỗi người chúng ta gửi đi khoảng 35.000 thông điệp mỗi ngày. Dù chúng ta đi đâu, nhìn gì, thì ai đó cũng có thể đang cố gắng thu hút sự chú ý của chúng ta. Mọi chính trị gia, nhà quảng cáo, nhà báo, người thân và người quen đều cần nói gì đó với chúng ta. Chúng ta tiếp xúc với các e-mail, tin nhắn văn bản, các bảng quảng cáo, tivi, phim ảnh, đài phát thanh, các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook và các blog mỗi ngày. Thêm vào đó, còn có cả báo, tạp chí và sách vở nữa. Thế giới của chúng ta được bao trùm bởi ngôn ngữ. Chúng ta chọn lựa tiếp nhận hay đào thải thông điệp bằng cách nào?

Đồng thời, chúng ta cũng có những thông điệp muốn chuyển tới người khác. Trung bình, hầu hết mỗi người đều nói khoảng 16.000 từ mỗi ngày, tương đương 300 trang giấy mỗi tuần. Bạn sẽ có cả “một thư viện từ ngữ” trong đời. Nhưng bao nhiêu từ trong đó mang lại hiệu quả? Bao nhiêu từ tạo nên sự khác biệt? Bao nhiêu từ được tiếp nhận bởi những người khác?

Nhưng làm thế nào để những lời nói của bạn tạo ra ảnh hưởng lại không hề đơn giản? Làm thế nào bạn có thể thực sự giao tiếp với những người khác?

Kết nối SẼ GIÚP BẠN THÔI THẤT VỌNG

Mọi người không thể thành công trong cuộc sống nếu không giao tiếp hiệu quả. Nỗ lực thôi chưa đủ. Làm tốt công việc thôi chưa đủ. Để thành công, bạn cần phải học cách thực sự giao tiếp với người khác.

Bạn đã từng cảm thấy thất vọng khi thuyết trình nhưng không được mọi người đón nhận? Bạn có từng muốn sếp hiểu được những đóng góp của bạn đối với công ty, để được tăng lương hay thăng tiến? Nếu có con, bạn có muốn chúng lắng nghe để bạn có thể giúp chúng đưa ra những lựa chọn phù hợp? Bạn có muốn cải thiện mối quan hệ với một người bạn hay tác động tích cực đến cộng đồng? Nếu không thể tìm được cách giao tiếp hiệu quả, bạn sẽ không thể đạt được thành công như bạn mong muốn và sẽ mãi ôm nỗi thất vọng.

Bí mật ở đây chính là kết nối! Sau hơn 40 năm kết hôn, có một sự nghiệp vững vàng và thành công trong vai trò của một diễn giả, với hàng thập kỷ dẫn dắt các tổ chức hàng đầu, cùng những kinh nghiệm giúp đỡ mọi người phát triển trên khắp nước Mỹ và tại hàng chục quốc gia trên thế giới, tôi có thể nói với bạn rằng: nếu muốn thành công, bạn phải học cách kết nối với những người khác.

Nỗ lực thôi chưa đủ. Làm tốt công việc thôi chưa đủ. Để thành công, bạn cần phải học cách thực sự giao tiếp với người khác.

KẾT NỐI LÀ CHÌA KHÓA ĐỂ MỞ CÁNH CỬA BÍ MẬT

Tôi bị thuyết phục hoàn toàn rằng giao tiếp và lãnh đạo hiệu quả đều nhờ vào khả năng kết nối. Nếu bạn có thể kết nối với những người khác ở mọi cấp độ – trực tiếp với một người, theo nhóm và với khán giả – các mối quan hệ của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, độ nhạy bén của bạn về cộng đồng được cải thiện hơn, tăng khả năng tạo ra tinh thần đồng đội, ảnh hưởng và hiệu suất của bạn đương nhiên sẽ tăng vọt.

Kết nối là khả năng xác định đối tượng giao tiếp và dẫn dắt họ nhằm làm tăng ảnh hưởng của bạn đến họ. Tại sao điều đó lại quan trọng? Bởi khả năng giao tiếp và kết nối với những người khác là một yếu tố quyết định việc bạn có đạt tới điều mình kỳ vọng hay không. Để thành công, bạn phải cộng tác với những người khác, và để làm điều đó tốt nhất có thể, bạn phải học cách kết nối.

Nếu bạn giỏi kết nối, các mối quan hệ của bạn sẽ vững chắc đến mức nào? Hôn nhân và cuộc sống gia đình của bạn sẽ được cải thiện ra sao? Mối quan hệ của bạn với bạn bè sẽ tuyệt vời đến mức nào? Bạn sẽ sống hòa thuận với những người hàng xóm đến đâu nếu bạn có thể kết nối với họ?

Một kết nối tốt sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của bạn? Bạn sẽ đạt được điều gì nếu bạn kết nối được với các đồng nghiệp? Công việc của bạn sẽ thay đổi ra sao nếu bạn có thể kết nối với cấp trên của mình tốt hơn?

Kết nối là khả năng xác định đối tượng giao tiếp và dẫn dắt họ nhằm làm tăng ảnh hưởng của bạn đến họ.

KẾT NỐI RẤT QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO

Tôi được mọi người biết đến nhiều nhất ở khả năng viết lách và chia sẻ về khả năng lãnh đạo. Nếu muốn làm việc hiệu quả và có tầm ảnh hưởng lớn hơn, hãy học cách để trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn bởi mọi thứ đều xoay quanh khả năng lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo giỏi nhất luôn là những người có khả năng kết nối tuyệt vời.

Nếu quan tâm đến một nghiên cứu tình huống về kết nối liên quan đến lãnh đạo, bạn nên quan sát các tổng thống của Hoa Kỳ trong khoảng 30 năm qua. Bởi mỗi động thái của họ đều được báo chí tại Mỹ và trên thế giới nhắc đến, nên hầu hết mọi người đều đã quen với chúng.

Sử gia về Tổng thống Robert Dallek đã nói rằng các tổng thống thành công cho thấy năm phẩm chất giúp họ đạt được những điều mà người khác không thể: tầm nhìn, chủ nghĩa thực dụng, khả năng xây dựng sự đồng thuận, uy tín và sự đáng tin. Nhà tư vấn lãnh đạo và giao tiếp John Baldoni đã chỉ ra rằng:

Bốn trong năm yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giao tiếp ở nhiều cấp độ. Các tổng thống, cũng như mọi nhà lãnh đạo, đều cần có khả năng mô tả đích đến (tầm nhìn), thuyết phục mọi người ủng hộ họ (sự đồng thuận), kết nối ở cấp độ cá nhân (uy tín) và chứng minh độ tin cậy, tức là biến lời nói thành hành động (sự tin tưởng). Ngay cả chủ nghĩa thực dụng cũng phụ thuộc vào cách giao tiếp… Vì vậy, hiệu quả lãnh đạo của các tổng thống hay bất cứ ai ở vị trí quyền lực, đều phụ thuộc vào các kỹ năng giao tiếp tốt ở một mức độ nào đó.

Và các kỹ năng giao tiếp này phụ thuộc phần nhiều vào kết nối!

Hãy tạm gác các ý kiến và thành kiến chính trị để quan sát các khả năng của một số tổng thống trong quá khứ. Chúng ta cùng xét đến những điểm khác biệt trong kỹ năng kết nối giữa Ronald Reagan và Jimmy Carter khi họ chạy đua với nhau. Trong cuộc đối đầu cuối cùng của họ vào ngày 28 tháng 10 năm 1980, Carter đã cho thấy mình là một người lạnh lùng và vô cảm. Ông đáp lại mọi câu hỏi được đặt ra bằng các sự kiện và con số. Walter Cronkite đã mô tả Carter là người không có khiếu hài hước. Dan Rather gọi Carter là người khắc kỷ và thảnh thơi. Và khi Carter vận động để tái đắc cử, ông như một con thoi giữa việc cố gắng để gây ấn tượng với mọi người bằng cách tuyên bố những sự thật thẳng thắn và cố gắng khiến mọi người đồng cảm với ông cùng những gánh nặng công việc của ông. Ông từng nói: “Tôi đã phải tự xác định lợi ích và các vấn đề liên quan của đất nước này,” và tuyên bố: “Đó là một công việc đơn độc.” Ông ấy không bao giờ quan tâm đến cử tri và mối bận tâm của họ.

Ngược lại, Reagan lại gắn bó với các cử tri của mình và thậm chí với cả Carter. Trước cuộc đối đầu, Reagan bước về phía Carter và bắt tay ông ấy, hành động có vẻ khiến cựu tổng thống giật mình. Trong cuộc đối đầu, khi đối thủ của mình nói, Reagan lắng nghe và mỉm cười. Tới lượt ông, Reagan thường hướng lời kêu gọi của mình đến các cử tri. Ông không tìm cách xuất hiện như một chuyên gia, dù có trích dẫn số liệu và phản bác một số thực tế mà Carter đưa ra, ông đã cố gắng kết nối. Rất nhiều người nhớ những lời phát biểu bế mạc của ông, trong đó ông đã hỏi mọi người: “Các quý vị có sống tốt hơn so với 4 năm trước đây không?” Reagan đã nói với các cử tri rằng: “Quý vị đã khiến đất nước này trở nên tuyệt vời.” Khác với Carter, ông tập trung vào người nghe. Hẳn là không thể có sự tương phản nào khác lớn hơn giữa Nhà giao tiếp đại tài này và người tiền nhiệm của ông.

Một sự tương phản tương tự có thể được thấy giữa Bill Clinton và người kế nhiệm ông, George W. Bush. Clinton đã đưa giao tiếp lên cấp độ mới với cương vị tổng thống Hoa Kỳ. Ông có năng lực tương đương với Reagan trong việc kết nối trực tiếp hoặc qua máy quay. Khi ông nói: “Tôi cảm nhận được nỗi đau của quý vị,” hầu hết mọi người trên khắp nước Mỹ đều kết nối với ông. Clinton không chỉ sở hữu các kỹ năng kết nối của Reagan mà còn bổ sung vào đó khả năng bậc thầy về phỏng vấn và các dạng chương trình talk-show, vốn giữ vai trò rất quan trọng khi ông chạy đua vào Nhà Trắng. Dường như ông không bao giờ bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để kết nối. Cho đến nay, không có chính trị gia nào vượt qua được ông về khả năng kết nối với người khác.

Bush, trái lại, gần như bỏ lỡ mọi cơ hội kết nối với mọi người. Ông chỉ có một khoảnh khắc kết nối rõ ràng sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi ông phát biểu tại Ground Zero. Sau đó, ông thường dò dẫm và thất bại khi cố gắng nói chuyện với những người khác. Việc không có khả năng kết nối đã khiến mọi người xa lánh và phủ màu lên mọi thứ ông làm trong suốt thời gian tại nhiệm. Trong năm 2008, chuyên gia giao tiếp Bert Decker cũng đã viết về Tổng thống Bush: “Ngay sau ngày 11 tháng 9, ông ta trở lại trạng thái nhún vai, nhếch mép và lúng túng về ngôn từ. Khả năng ứng phó với cơn bão Katrina của ông ta kém thậm tệ, đó không phải là khả năng giao tiếp của một nhà lãnh đạo. Với rất ít ảnh hưởng trong năm qua, có thể nói tổng thống của chúng ta là nhà giao tiếp tồi tệ nhất năm 2008.”

Nếu xét về khía cạnh chính trị, mọi người có thể có quan điểm khác biệt về Jimmy Carter, Ronald Regan, Bill Clinton và George W. Bush. Bạn có thể nói với thái độ tích cực hay tiêu cực về tính cách, triết lý, hay các chính sách của họ. Nhưng tất cả sẽ có chung quan điểm khi nói về hiệu quả từ khả năng kết nối của các nhà lãnh đạo này.

Kết nối rất quan trọng cho dù bạn đang cố gắng dạy con hay điều hành một đất nước. Tổng thống Gerald Ford đã từng thừa nhận: “Nếu được trở lại trường đại học một lần nữa, tôi muốn tập trung vào hai lĩnh vực: học viết và thuyết trình. Không có gì quan trọng hơn khả năng giao tiếp hiệu quả.” Tài năng thôi là chưa đủ. Kinh nghiệm thôi cũng chưa đủ. Để lãnh đạo người khác, bạn phải có khả năng giao tiếp tốt và kết nối là yếu tố then chốt trong đó.

“Nếu được trở lại trường đại học một lần nữa, tôi muốn tập trung vào hai lĩnh vực: học viết và thuyết trình. Không có gì quan trọng hơn khả năng giao tiếp hiệu quả.”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button