Quà tặng cuộc sống

Yêu Thương Mẹ Kể

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phan Thị Hồ Điệp

Download sách Yêu Thương Mẹ Kể ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Quà tặng cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Tôi gặp Đỗ Nhật Nam cách đây bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng là bấy nhiêu thời gian tôi biết đến mẹ Phan Thị Hồ Điệp của bé. Chúng tôi trở thành người quen, bạn bè, rồi thành thân thiết từ khi nào chẳng biết (Tôi gặp và quen thân với anh Thảo, bố của bé Nhật Nam vài tháng sau đó, để rồi tôi thấy hình như chúng tôi là bốn thành viên của một gia đình bị thất lạc nhau từ kiếp trước mới tìm được nhau!).

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Phan Thị Hồ Điệp là cảm nhận về một cô gái nhẹ nhàng, dịu dàng, dễ thương, rất nữ tính. Từ Phan Thị Hồ Điệp toát lên một cái gì đó rất rất thật thà, thật thà đến ngây ngô và đáng yêu. Chẳng biết những cảm nhận đó đúng bao nhiêu phần trăm nhưng đến ngày hôm nay nó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.

Ấn tượng tiếp theo giúp tôi hiểu rằng đây là một người mẹ tuyệt vời. Tình yêu của Phan Thị Hồ Điệp dành cho con trai Nhật Nam rất rất mẹ, khác xa và hơn tình yêu của bất cứ bà mẹ nào vốn vẫn luôn dành cho con của mình. Ngày đó Nhật Nam vẫn còn bé tí, mới sáu bảy tuổi đầu. Ngày đó Nhật Nam chưa nổi tiếng. Con đang bước những bước đầu tiên trong cuộc đời này.

Không biết tại sao mà sau khi quen biết hai mẹ con Phan Thị Hồ Điệp – Đỗ Nhật Nam trong tâm trí tôi luôn văng vẳng câu nói “Có một tình yêu duy nhất, lớn mênh mông, không bờ bến, không đòi hỏi đền đáp, không có sự mặc cả, đó là tình yêu của người mẹ dành cho con”. Có lẽ bởi tình yêu của mẹ Điệp dành cho Nhật Nam đã khắc quá sâu vào tâm tôi từ ngay những lần gặp đầu ấy. Bây giờ ngẫm lại hình như thấy đúng: Các loại tình yêu khác trên thế gian này, kể cả vợ chồng, nhiều khi vẫn bị xen vào ít nhiều tính chất đổi trao, mặc cả ngầm!

Tôi nhớ, tôi đã bị hút hồn bởi những câu chuyện về tình yêu thương Phan Thị Hồ Điệp dành cho Nhật Nam. Tôi không thể quên những bài học về cách dạy con rất nghiêm khắc nhưng đầy bao dung của chị dành cho con.

Tôi vẫn sẽ nhớ mãi những tâm sự của chị, không chỉ với chúng tôi, mà còn với hàng trăm bạn đọc và các ông bố, bà mẹ trong các buổi giao lưu: Tình cảm của chị và anh Thảo đối với Nhật Nam như là những NGƯỜI BẠN. Tôi sẽ vẫn cứ muốn kể tiếp về bé Nhật Nam như người thầy giáo nhỏ bé của chị và và cả anh nữa trong nhiều bài học đơn giản, thực tế mà rất quý giá. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh hai mẹ con Phan Thị Hồ Điệp – Đỗ Nhật Nam ríu rít bên nhau trước và sau mỗi lần chúng tôi gặp nhau, nhất là các tọa đàm, giao lưu. Hình như họ là một. Hình như họ nằm trong nhau, xen vào nhau, xuyên sâu vào nhau, interbeing.

Tôi bị hút hồn, thậm chí là bị mê hoặc bởi những câu chuyện xung quanh mẹ con Phan Thị Hồ Điệp. Nhờ có sự quen biết với gia đình chị, tôi đã phải nhiều lúc ngồi trầm tư một mình trong góc phòng thờ Phật hay nơi ban công hoặc bên bàn làm việc để nhớ về và biết ơn mẹ tôi. Mẹ tôi cũng là một Phan Thị Hồ Điệp, nhưng chỉ có điều tôi bận bịu quá không có thời gian, không hề nhận ra. (Và mẹ bạn cũng vậy. Bạn sẽ nhận ra điều này, nếu như đọc kỹ cuốn sách Yêu thương mẹ kể và dành ít phút nhớ về mẹ mình).

Tôi thích những câu chuyện rất đời, rất người của chị Phan Thị Hồ Điệp dành cho con. Mà không chỉ mình tôi – phần lớn các học trò ở Thái Hà Books và những người thân quen của tôi đều “mê” Phan Thị Hồ Điệp. Ấy vậy mà mẹ Điệp không biết. Ấy vậy mà “ba ngọn nến lung linh” của ngôi nhà ấm cúng kia không hay. Họ cũng không hề biết rằng những câu chuyện rất bình thường của họ đã thành “giáo trình” dạy con của biết bao ông bố, bà mẹ. Và tôi xin cam kết rằng, rất nhiều cháu bé đã được hưởng lợi từ cách sống, cách dạy dỗ và yêu thương Nhật Nam của người mẹ hiền hậu và thông tuệ này.

Tôi rất thích cách nuôi dạy con của chị và đã đặt vấn đề với Phan Thị Hồ Điệp (và cả anh Thảo, bố của Nhật Nam nữa) rằng hãy viết ra những câu chuyện rất bình dị hàng ngày. Viết ra để chia sẻ cho các ông bố và bà mẹ của đất nước 90 triệu dân Việt Nam ta. Bởi, tôi luôn nghĩ và sẽ nói đến cả ngàn lần nữa, rằng các ông bố, bà mẹ (và cả các quý ông bà nữa) có thể nuối tiếc về tuổi thơ của mình nhưng không thể cho con, cho cháu mình có một tuổi thơ đầy nuối tiếc. Và rằng, nếu như thật sự biết cách nuôi, dạy các con, Việt Nam ta có thể có nguồn TÀI NGUYÊN NHÂN TÀI vô tận. Không chỉ để sử dụng và làm giàu mà có thể xuất khẩu thay cho khoáng sản hay hàng hóa vật chất thông thường.

Khi bản thảo cuốn sách này chưa hoàn thiện tôi đã đòi đọc ngay. Tôi đọc vào buổi đêm thanh vắng. Đọc một mạch không ngừng nghỉ. Đọc xong tôi đóng máy tính lại, ngồi nhớ về những câu chuyện, những tâm tình, những yêu thương do Phan Thị Hồ Điệp viết ra. Tôi nhắm mắt lại ngồi trên ghế chừng mười phút. Một nguồn năng lượng bình an đến kỳ lạ tuôn chảy trong tôi, chạy từ huyệt bách hội đi khắp cơ thể, đến tận từng ngón tay, ngón chân tôi. Tôi phát hiện ra rằng, năng lượng yêu thương có thể tràn từ người này sang người khác, trực tiếp và gián tiếp. Tôi nhận thêm ra rằng năng lượng hoàn toàn có thể được truyền tải qua những con chữ, chứ không chỉ qua các động tác, âm thanh hay suy nghĩ mà chúng ta vốn vẫn thực hành. Giấc ngủ của tôi vô cùng nhẹ nhàng, rất sâu và bình an. Buổi sáng, người thấy khỏe và tỉnh táo, tôi bỏ qua giờ thiền sớm mai, vào bàn đọc ngay thêm lần nữa. Tôi đọc không phải để hiểu thêm các câu chuyện hay những gì mẹ Phan Thị Hồ Điệp đã viết ra mà đơn giản là muốn nạp năng lượng cho ngày mới. Thật buồn cười, thật ích kỷ đúng không bạn? (Tôi cũng mong bạn thử làm như tôi xem kết quả thế nào nhé).

Yêu thương trong Yêu thương mẹ kể nhiều lắm. Tôi định làm một khảo sát nhỏ: Đếm số từ yêu, thương, mến, vui, cười, ôm, an lành… và cả ba từ khác nữa là mẹ, bốvà con. Tôi thích nhất là ba từ “Con yêu mẹ” có lẽ bởi tôi đã được nghe từ này nhiều lần bằng giọng nói và ánh mắt rất đẹp và dịu hiền từ cả hai mẹ con Phan Thị Hồ Điệp và Đỗ Nhật Nam. Ngay cả khi gõ những dòng chữ này thì âm vang của ba từ này vẫn còn nguyên vẹn.

Lần thứ ba đọc cuốn sách này tôi lại đọc chương 3 Kể con nghe những câu chuyện vu vơ trước. Tôi biết rằng, phần lớn bạn đọc sẽ đọc ngay chương 2 Kể con nghe thơ ấu của con. Nhưng tôi thành tâm khuyên bạn hãy đọc chương 1 Kể con nghe cuộc sống quanh con trước. Lần đầu tiên đọc, bạn nên đọc tuần tự các chương theo đúng trình tự trong sách. Lý do tại sao, bạn sẽ hiểu sau khi đọc xong. Thật mà.

Thêm một điều kỳ diệu nữa tôi muốn chia sẻ với riêng bạn: Cả gia đình Đỗ Nhật Nam cùng ra sách lần này. Khi mẹ Điệp ra cuốn Yêu thương mẹ kể thì Nhật Nam có tác phẩm thứ tư Đường xa con hát còn bố Thảo có cuốn Tròn một vòng yêu thương. Thật tuyệt vời đúng không bạn? Và tôi sẽ chúc mừng bạn thêm thật nhiều lần nếu như bạn may mắn được sở hữu cả ba cuốn sách này như bạn đã từng có trên giá sách của mình tất cả sách của Đỗ Nhật Nam mến thương.

Cuối cùng, xin mượn câu viết của tác giả “Nhận từ mẹ một vòng ôm thật chặt nhé, con trai!” tôi xin gửi tâm tôi đến bạn và muốn nói rằng “Hãy nhận một vòng yêu thương nồng ấm nhất từ gia đình mẹ Phan Thị Hồ Điệp”. Bởi nếu bạn hỏi tôi nghề nghiệp của mẹ Phan Thị Hồ Điệp là gì tôi nhất định trả lời “LÀM MẸ”. Cả đời chị hình như chỉ làm một nghề duy nhất: LÀM MẸ. Ôi sự nghiệp làm mẹ đẹp đến nhường nào, trân quý biết bao, hạnh phúc như vô biên không bút nào tả nổi.

Nguyễn Mạnh Hùng

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà

Lời nói đầu

Mình là mẹ của một cậu bé con tròn trĩnh, tình cảm, hay ríu ra ríu rít kể cho mẹ nghe những chuyện không đầu không cuối. Chỉ bấy nhiêu thôi đủ làm mình thấy mình là người Hạnh phúc nhất trần đời. Mỗi ngày nuôi con, nhìn con lớn lên, mình ngập chìm trong thứ tình cảm mênh mông của tình mẫu tử.

Và mình mong muốn ghi lại thứ cảm xúc “ma mị” đầy men say đó qua những trang Facebook. Mình không ngờ là có nhiều bà mẹ yêu thích những bài viết của mình. Chắc mọi người tìm được trong đó sự gắn kết của những trái tim làm mẹ.

Những trang viết như một lời kể về quá trình lớn lên của Nam, về những câu chuyện tản mạn dọc đường. Đôi khi là viết cho con khi con ở gần hay khi con đang cách xa ngàn dặm.

Đôi khi là nói chuyện với các bà mẹ về cách nuôi dạy con từ khi con còn trứng nước. Đôi khi là tự nói với chính mình về cách sống ở đời. Bởi vậy, xin bạn đọc lượng thứ nếu đại từ nhân xưng không thống nhất.

Mình cũng không hề chau chuốt về câu chữ. Chỉ là những lời thủ thỉ từ tâm.

Được các cô chú trong Công ty CP Sách Thái Hà thương mến và động viên, mình chuyển những bài viết đó thành cuốn sách bạn đang cầm trên tay. Mình không muốn sửa chữa gì nhiều so với những bài đã đăng, vì mình nghĩ, yêu thương thật thà dễ làm rung động những tấm lòng.

Cảm ơn bạn đã mang “yêu thương thật thà” của mình về trong lòng bạn.

Phan Thị Hồ Điệp

ĐỌC THỬ

Mẹ yêu con

Mẹ yêu con vừa đủ để cứ vài ba phút quay lại nhìn con dù con ngồi ngay bên cạnh.

Mẹ yêu con vừa đủ để hàng đêm dậy tắt quạt, đắp chiếc chăn mỏng cho con khi trời lạnh dần về sáng.

Mẹ yêu con vừa đủ để thức đúng giờ vào mỗi sáng, đưa con ra xe đi học cho dù đêm trước mẹ có thức khuya cỡ nào.

Mẹ yêu con vừa đủ để lên mạng tìm cách làm một món ăn mới mà con thích, dù vừa nấu vừa lăm le đọc công thức.

Mẹ yêu con vừa đủ để ngồi cùng con giải một bài hình dù ngày xưa mẹ học Toán dở òm.

Mẹ yêu con vừa đủ để tra cứu, tìm hiểu những máy bay, tàu chiến, những thứ mà con mê mẩn dù đọc xong mẹ chẳng hiểu gì.

Mẹ yêu con vừa đủ để ngồi hàng giờ chăm sóc cho cây lan hồ điệp vì đó là món quà con tặng mẹ với mong ước hoa sẽ nở vào đúng ngày 8/3.

Mẹ yêu con vừa đủ để gửi thư vào hộp thư điện tử của con, đều đặn một tuần hai lần.

Mẹ yêu con vừa đủ để vượt qua những đau đớn, lo lắng, sợ hãi khi nằm trong bệnh viện, chỉ mong nhanh trở về nhà với con.

Mẹ yêu con vừa đủ để bất chợt nắm lấy bàn tay con, thấy tay con trong tay mẹ yên lành.

Mẹ yêu con vừa đủ để nhớ con mỗi ngày con đi học. Mẹ yêu con…

Happy Mother’s Day!

Mấy hôm trước mình đi làm thủ tục nhập viện cho bà nội Nam. Trời đầu hè, sau cơn mưa, nóng và oi khủng khiếp. Mình đứng vào một hàng dài. Nhìn sang bên cạnh thấy một dãy dài hơn toàn các cụ già. Hình như các cụ đứng xếp hàng để chờ phát thuốc bảo hiểm thì phải. Mặt ai cũng đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại. Người nọ vịn vào người kia trong dãy dài loằng ngoằng. Nóng từ trên mái tôn phả xuống hầm hập. Vậy mà có vẻ như không ai muốn bước ra khỏi hàng. Kiên nhẫn. Nhích lên từng chút, từng chút.

Một lát, thấy cô nhân viên thông báo bằng loa: “Đề nghị các cụ để sẵn tiền lẻ, nếu không có tiền lẻ thì mời đến người phía sau.” Cả một dãy dài các cụ, khi nghe xong thông báo mồ hôi còn chảy nhiều hơn trước. Các cụ đồng loạt cho tay vào túi, lần tìm tiền lẻ. Mình thấy những bàn tay lật bật, run run. Mình huy động hết tất cả tiền lẻ trong túi để đổi cho những cụ nào không có.

Một lát sau, vẫn từ loa, lại có thông báo tiếp: “Đề nghị các cụ viết sẵn họ tên vào giấy (giấy gì không biết).” Các cụ lại đồng loạt tìm bút. Lại những bàn tay lật bật run run. Mình đi cả hàng, điền xong cho các cụ mà vẫn không thấy cả hàng di chuyển được là bao.

Mình đứng lặng người, tự nhiên chợt nghĩ, không biết, bố mẹ mình có khi nào đi khám như thế này không? Chắc là có chứ. Con cái ở xa, các cụ tuyệt nhiên giấu không cho con biết ốm đau thế nào, sợ con phải lo lắng. Chắc trái gió trở trời cũng có những lần mòn mỏi đứng trong hàng như thế này chứ.

Trong chữ Hán, chữ “Hiếu” tượng hình là hình ảnh người con cõng mẹ trên lưng. Mình thì chưa cõng mẹ được ngày nào, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩ mà ứa nước mắt. Viết đến đây cũng thấy tay mình lật bật, run run.

Ấu thơ của mẹ

Tối nay trời lạnh nên mẹ có hứng xào rau với tóp mỡ. Dọn mâm cơm ra tự nhiên mẹ thấy rưng rưng vì nhớ tuổi thơ của mình quá đi mất.

Ngày ấy, ông bà ngoại còn ở Vĩnh Bảo (nơi này con chưa được về bao giờ). Mỗi lần nhớ đến nơi này, mẹ đều thấy lòng ngập tràn cảm giác ấm áp và thân yêu.

Nơi đó, mẹ, bác Tuấn, bác Thu đã cùng lớn lên, quấn quýt bên ông bà.

Nơi đó, mẹ thường hay chơi trò công an bắt gián điệp cùng bác Tuấn. Mỗi lần đến lượt mẹ đi tìm, bác thường chọn chỗ dễ nhìn thấy nhất để mẹ dễ tìm.

Nơi đó, mỗi buổi chiều bác Thu lại đi kiếm rau lợn và thế nào cũng tìm thêm cho mẹ mấy củ khoai vì biết mẹ thích ăn khoai.

Nơi đó, mỗi mùa hè ông thường chở mẹ lên phố huyện thi kể chuyện, khi về rẽ vào hàng nước mua cho mẹ cái bánh chưng.

Nơi đó có cây khế sau nhà, có tổ ong trên cây đào mà có lần bác Thu chọc bị ong đuổi tơi bời.

Và nơi đó, mỗi tối, cả nhà trải chiếu ngồi ăn cơm trước nhà. Hôm nào có rau xào tóp mỡ coi như “ăn tươi”. Đĩa rau chỉ có mấy miếng tóp mỡ thôi, nên ông ngoại bao giờ cũng chọn một miếng để gắp vào bát cho con gái út. Mẹ thì yêu bác Tuấn ơi là yêu vì bác hiền quá là hiền lại còn học giỏi nữa, thế nên mẹ gắp bỏ ngay vào bát của bác. Bác Tuấn lại gắp sang cho bà, bà lại gắp cho bác Thu. Cứ thế, miếng tóp mỡ đi một vòng quanh mâm. Cho nên, nhiều khi mâm cơm ít thức ăn mà vẫn thừa vì mọi người nhường nhau.

Giờ thì mẹ, bác Tuấn, bác Thu mỗi người ở một nơi. Ai cũng có một gia đình riêng để mà lo toan, mà đau đáu, mà vui buồn cùng nó. Những cơ hội gặp nhau ngày càng ít. Thể nào mà bà ngoại thường hay than thở: “Con lớn thì mừng nhưng mà cũng buồn thật là buồn vì chẳng ở cùng bố mẹ.”

Con ơi, đến lượt con rồi con cũng sẽ rời xa vòng tay của mẹ, sẽ có những chân trời mới chờ con, sẽ có những người “thương con hơn mẹ thương”. Âu đó là quy luật của cuộc sống rồi. Nhưng con nhé:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.”

(Chế Lan Viên)

Hải Phòng…

Hải Phòng trong mình là con đường dọc hồ Tam Bạc. Mùa hè ngập tràn hoa phượng. Hoa sà xuống nhuộm đỏ cả mặt hồ.

Hải Phòng trong mình là chợ Ga, chợ Cố Đạo – những nơi mình hay la cà sau buổi đi làm, ăn ốc, ăn chè rồi về nhà nhăn nhó “con mệt” làm mẹ cứ tưởng thật.

Hải Phòng trong mình là quán báo cạnh Nhà hát lớn, ngày nào mình cũng ghé qua, cười tí toét với anh bán báo vui tính, luôn miệng giải thích với anh vì sao mình đã lớn mà vẫn thích đọc báo Hoa Học Trò.

Hải Phòng trong mình là quán Cafe trên đường Điện Biên Phủ, mình thích ngồi ở đó vào mỗi buổi chiều, lắng nghe tim mình đập những nhịp thật bình yên.

Hải Phòng trong mình là quán bún chả trên đường Cát Cụt. Lần nào mua chả mình cũng được cô chủ quán “khuyến mại” thêm một miếng to đùng và một nụ cười xởi lởi theo đúng kiểu người Hải Phòng kèm lời nhắn: “Cháu Hải nhà này rất quý cô Điệp.” Cháu Hải đó là học sinh đã học mình từ nhiều năm về trước.

Hải Phòng trong mình là con đường từ nhà dẫn đến biển Đồ Sơn. Nơi đây mình đã đi nhiều lần, bằng xe đạp, bằng xe máy, ô tô nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là những lần cùng bạn đạp xe đạp. Gió biển, nắng biển quay ngập ngừng theo mỗi guồng xe, theo cả những điều chưa nói…

Hải Phòng trong mình là quán bún cá đầu ngõ, quán bánh nướng đường Cát Dài, quán bánh đa cua đường Cát Cụt.

Hải Phòng trong mình là đồi Thiên Văn xanh tím những kỉ niệm mênh mang, mênh mang…

Hải Phòng trong mình là hồ Hạnh Phúc, là hoa dâu da, là những ngôi trường mình học.

Hải Phòng trong mình là những yêu thương diệu vợi, là diết da nỗi nhớ, là sâu xa một điều gì đó khó gọi tên…

Hải Phòng trong mình là nơi có căn nhà nhỏ với giàn cây bốn mùa xanh lá. Hải Phòng thương yêu. Hải Phòng có MẸ.

Hôm nay ngày 13/5 – chắc Hải Phòng ngày này vui lắm. Hà Nội giữa bộn bề lo âu vẫn mơ màng ngồi nhớ Hải Phòng…

Chuyện ngày xưa 1

Mình ra trường, đi làm khi mới hơn 18 tuổi. Ít tuổi đến mức đáng ngạc nhiên. Trong đầu còn chưa có ý niệm gì về đi làm thì đã được phân công chủ nhiệm lớp 4 Văn. Lớp chuyên Văn, toàn các em ngoan, học giỏi và lanh dễ sợ. Lớp trưởng là bé Thúy, mái tóc dài buộc vắt vẻo sau lưng, mắt tròn xoe, tiếng vang lanh lảnh. Thúy mà quản lớp thì khỏi chê.

Nó cầm thước, đi lại dọc lớp, lừ mắt một cái là cả lũ ngồi im, hihi. Thúy thương mình lơ ngơ thì phải, nó luôn tận tình nói: “Cô ơi, bạn này thế này, bạn kia thế kia”, để mình biết đường mà “đối phó”.

Cả lớp đứa nào cũng tình cảm vô cùng, lại học giỏi nữa. Sau vài hôm lạ lẫm, mình có khối trò vui với tụi nhỏ. Giờ ra chơi nào chúng nó cũng rủ mình chơi cùng. Mình cũng chẳng nhớ mình là cô giáo, chơi luôn, hihi. Có hôm mẹ của Hằng đến tìm mình, lên văn phòng, nhà trường chỉ xuống lớp. Đến nơi, cô ấy cứ đi lại loanh quanh mãi mà vẫn không tìm ra mình mặc dù mình ở ngay trước mặt. Chả là lúc đó mình đang giữ dây cho tụi nhỏ nhảy, cô nhìn thấy rồi nhưng “không tin được”, cứ ngỡ là học sinh lớp lớn xuống chơi cùng, hehe. Lớp chuyên Văn nên toàn các em viết tốt. Mình mới ra trường, thời gian rảnh rỗi nên hay cho một đống bài tập, thế mà đứa nào cũng chịu khó làm cho kì hết, khổ thân, chắc trong bụng cũng oán mình lắm.

Mình nhớ Trung ngồi bàn thứ 2, hay cười tủm tỉm, chữ viết không đẹp lắm nhưng mà cẩn thận vô cùng, nhìn vào cả trang vở cứ gọi là đều tăm tắp. Trung hay lo lắng mỗi khi mình hu hi, y hệt như cái cách của một cậu con trai lo cho mẹ. Tức là không nói mà chỉ đi đi lại lại quanh mình, đưa mắt nhìn chờ mình nhờ gì là vọt đi làm ngay.

Mình nhớ Cường, mặt tròn, dáng người hơi đậm, hay được các bạn nữ tín nhiệm nhờ vả. Mình nhớ Vân, Vân hiền và ít nói, trắng trẻo, xinh xắn, nhà ngay sát cạnh trường. Mình nhớ Thanh, Thanh điệu và hay làm nũng, đi học thêm thế nào cũng tìm cớ để ngồi ngay sát cạnh mình, thỏ thẻ cô ơi, cô à.

Mình nhớ Hằng. Lớp có hai Hằng, cả hai Hằng đều học giỏi nhưng bạn Hằng nhỏ thì mình ấn tượng vô cùng. Hằng luôn nhìn mình bằng vẻ trìu mến đến nao cả người… Mình nhớ cả lớp.

Mình vốn đãng trí, hay quên, có người vừa mới gặp mấy hôm trước, gặp lại đã quên ấy thế mà riêng tập thể lớp 4 Văn thì mình nhớ từng chi tiết. Không chỉ nhớ các em, mình nhớ luôn cả bố mẹ các em và nhớ những kỉ niệm đầy ăm ắp. Cái lớp học đầu tiên trong nghề đó đã khiến mình yêu nghề dạy học, mà là dạy học sinh tiểu học, kinh khủng. Hồi mới chuyển sang môi trường mới, mình khóc suốt, đêm nào cũng nằm mơ thấy mình đang dạy ở trường Minh Khai.

Và kể từ đó, mỗi năm vào dịp khai giảng, sau khi đưa con đến trường, mình chọn một trường tiểu học nào đó, đứng ngơ ngác trước cổng trường, nhìn bọn trẻ con cầm bóng bay hớn hở mà nước mắt chỉ chực rơi.

Nhớ hệt như nhớ tình đầu, hihi.

Chuyện ngày xưa 2

Từ thời ấu thơ cho đến trước khi lấy chồng, có hai người đàn ông mà mình ngưỡng mộ và thần tượng, đó là bố và anh trai.

Trong nhà, mình chưa thấy bố to tiếng nặng lời bao giờ. Bực mình lắm cũng chỉ cau mày. Thế mà con cái đứa nào cũng sợ, cũng nghe theo răm rắp. Thế mới tài!

Đi làm thì thôi, về đến nhà là bố cùng mấy mẹ con làm tất cả những việc bếp núc với một khuôn mặt tươi rói, rạng rỡ như thể đó mới là công việc chính của bố. Đến tận bây giờ, mỗi lần về nhà, vẫn thấy bố vừa dạy mấy đứa trẻ, vừa thi thoảng chạy ra nhặt rau cho mẹ, rồi lại chạy vào giảng văn hay như đàn. Ôi trời, thật tuyệt!

Tuy dạy học nhưng ở bố có những điểm rất lạ. Bố chẳng bao giờ quan tâm đến điểm số của các con. Mình học cấp I và đầu cấp II thì cũng tạm nhưng bắt đầu từ cuối cấp II, có vài bạn trai để ý thế là học hành dở tệ. Bố biết hết mà chẳng lấy làm buồn. Duy chỉ có một việc mà bố chưa khi nào quên, đó là, hầu như cứ buổi tối là hai bố con lại bắc ghế ra ngoài sân ngồi nói chuyện. Thói quen này duy trì dễ đến hàng chục năm. Tuổi mới lớn nhiều biến động, mình kể cho bố chuyện bạn bè, những nỗi lo sợ, những nỗi thất vọng, cả những lỗi lầm. Bố im lặng lắng nghe. Trong bóng tối lờ mờ, bố nhìn chăm chú vào mặt mình. Chỉ nhìn vậy thôi, chẳng nói năng gì. Sau này học kĩ năng tư vấn, thấy người ta khuyên rằng, các chuyên gia trước hết phải là người biết lắng nghe, mình mới thấy, bố mình đích thực là một chuyên gia – chuyên gia biết lắng nghe. Thi thoảng bố dặn mình những thứ chẳng liên quan đến học hành, như: là con gái phải giữ vệ sinh thân thể cho tốt; khi nào đau bụng thì phải chườm nước nóng, không được ăn chua; bạn trai đến nhà nếu tiễn thì chỉ ra một đoạn rồi quay vào ngay, không được đi chơi về sau 9 giờ tối… Những lời dặn này mình chưa khi nào quên.

Mỗi lần mình ốm, bố lo lắng và khổ sở.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button