Quà tặng cuộc sống

Thức Tỉnh Mục Đích Sống

thuc tinh muc dich song1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Eckhart Tolle

Download sách Thức Tỉnh Mục Đích Sống ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách hay về cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Bạn đọc cảm nhận

Sách hay nhưng không dễ để hiểu hết

Không một chút nghi ngờ gì về sự hiểu biết cũng như tính uyên thâm mà sách mang lại, tuy nhiên nó cũng là con dao hai lưỡi cho tầm hạn hiểu biết vốn có biên. Thật sự, nếu là người chưa từng đọc qua những thể loại sách như thế này, bạn sẽ vô cùng khó nắm bắt mạch ý – thứ chất keo liên kết cho sự hiểu. Và nếu khó hiểu, không hiểu hoặc thậm chí hiểu sai thi vô cùng là tai hại. Tất nhiên, vì tính đa nghĩa và hình tượng của ngôn từ, mấy ai có thể biết rõ mình đã hiểu đúng hay chưa! Thứ hai, sách khá là dài, trọng tâm các ý được diễn giải khá dàn trải, bắt buộc người đọc phải có khả năng tóm được ý chính, cô đọng được nội dung, điều này biến cuốn sách thành một chuỗi những thứ cần lý giải và cô đọng. Lẽ thường nếu bạn giỏi, kiến thức thâm sâu thì điều đó vốn không khó với bạn, nhưng ngược lại thì tùy vào mức độ hấp thu của bạn, nhưng ít nhiều giá trị sách bị suy giảm.

Nói tóm lại, mình khá hài lòng nội dung và tư tưởng sách, chỉ khuyên bạn trước khi đọc cuốn này, hãy tìm đọc vài cuốn tương tự nhưng dễ hiểu hơn để làm quen. Ngoài ra, mình không hài lòng hệ thống chú thích của sách, thiết nghĩ, nên để chú thích cuối trang, ngay dưới từ cần được diễn giải, hay cuối chương, như thế thì tốt hơn nhiều so với để cuối sách (nhất là đối với những cuốn day như cuốn này)

Đánh thức con người bên trong bạn

Mình công nhận các sách của First News cực kì hay, mình thích nhất các cuốn sách dạy làm người hoặc kĩ năng sống như thế này, mình đã đọc rất nhiều sách của First News và thấy là chúng thật sự rất bổ ích.

Cuốn sách “Thức tỉnh mục đích sống” của Eckhart Toll là một cuốn sách khá dễ đọc mà ai cũng có thể đọc và hiểu được. Theo như tác giả thì ngày càng có nhiều bạn mất đi ý thức về cuộc sống của mình, họ không nhận thức được cuộc sống này mang lại cho họ những gì chính điều đó làm họ không xác định đưuợc hướng đi của mình. Cuốn sách này như một lời hướng dẫn để bạn có thể đi đúng đường vậy đó. Nó sẽ giúp bạn đánh thức những suy nghĩ hay lí tưởng trong mỗi người, đọc và trải nghiệm nó sẽ có nhiều điều thú vị đó.

Cuốn sách làm bừng tỉnh

Lúc trước mình có đọc được một phần của quyển sách này bằng ebook. Sau thấy đây chính xác là thứ mình trăn trở bấy lâu nay thì mình mua một lúc trọn bộ 3 quyển của tác giả Eckhart Tolle luôn để đọc cho thỏa nỗi lòng.

Với mình những gì tác giả muốn truyền đạt đúng là những phần nền, phần căn bản nhất cho những tư tưởng, triết lý, đạo đức,… giữa đời mà chúng ta vẫn thường sử dụng. Ngày trước mình thường băn khoăn về những đạo lý nhân sinh, và thấy nó rất phức tạp và mờ mịt về căn nguyên. Đọc sách này, mọi thứ trở nên nhất quán, kết nối lại với nhau.

Tuy cách diễn đạt có phần rối và dàn trải nhưng những “bản chỉ dẫn” cốt yếu được lặp lại nhiều lần giúp nhấn mạnh phần quan trọng nhất rất tốt.

Đây là cuốn sách mang đến tư tưởng “không tư tưởng” của bản chất chân thật của chúng ta.

Trích dẫn

SỰ NỞ HOA CỦA TÂM THỨC NHÂN LOẠI

HỒI TƯỞNG

Địa cầu, cách đây 114 triệu năm, một buổi sáng kia, sau khi mặt trời vừa hé dạng, bỗng nhiên có một bông hoa duy nhất xuất hiện lần đầu tiên trên hành tinh này; những cánh hoa hé nở, đón chào những tia nắng sớm. Đây quả là một sự kiện quan trọng trong quá trình tiến hóa của thực vật, mở đầu cho một thời kỳ chuyển hóa đời sống của những loài cỏ cây vốn đã xuất hiện trên trái đất từ hàng triệu năm trước. Đóa hoa đầu tiên đó hẳn đã không tồn tại được lâu, vì có lẽ đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ hiếm hoi và có lẽ vì giai đoạn ấy chưa phải là thời kỳ thuận lợi cho các loài hoa nở rộ. Tuy nhiên, đến một ngày nào đó, bước chuyển hướng quyết định ấy hẳn cũng phải đến, và nếu có ai đó có mặt vào giờ phút đó để chứng kiến, hẳn họ đã nhìn thấy một sự bùng vỡ của hương hoa và sắc màu lan tràn khắp hành tinh.

Mãi về sau này, những sinh thể mong manh đầy hương sắc mà ta gọi là hoa ấy đã đóng một vai trò trọng yếu trong quá trình tiến hóa về mặt nhận thức ở một loài khác: ở con người. Thực vậy, con người ngày càng cảm thấy bị hấp dẫn và thu hút trước hấp lực của những cánh hoa. Khi nhận thức của con người càng trở nên tinh tế hơn, rất có thể bông hoa là thứ đầu tiên mà họ đem lòng quý trọng, mặc dù hoa không phục vụ cho một mục đích thực tiễn nào của họ, tức là không liên quan gì đến chuyện sinh kế, sống còn. Nhưng đóa hoa đã là nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu nghệ sĩ, thi nhân và các nhà huyền học(1). Chúa Jesus đã khuyên chúng ta nên để thì giờ chiêm nghiệm về hoa và học cách sống như một bông hoa(2). Tương truyền rằng Đức Phật cũng đã có một bài thuyết pháp trong im lặng, trong đó Ngài cầm một bông hoa trên tay và ngắm nhìn đóa hoa ấy trong yên lặng. Một lát sau, một trong những tỳ-kheo có mặt hôm đó là Ngài Ma-Ha Ca-Diếp (Mahakasyapa) đã nở trên môi một nụ cười. Có thể ngài Ma-Ha Ca-Diếp là người đệ tử duy nhất hôm ấy hiểu được ngụ ý của bài pháp vô ngôn(3) của Đức Phật. Tương truyền rằng, nụ cười đó (tức là sự trao truyền Tâm ấn giác ngộ) đã được Đức Phật và chư Tổ truyền qua 28 đời liên tiếp và sau này đã trở thành nguồn gốc của Thiền Tông.

Khi ta nhìn ngắm vẻ đẹp của một bông hoa, bông hoa ấy có thể đánh thức, dù chỉ trong thoáng chốc, cảm nhận về cái đẹp ở trong ta, phần hiện hữu sâu xa nhất, và cũng là bản chất thực của chính mình. Giây phút đầu tiên khi cảm nhận cái đẹp là một biến cố có ý nghĩa nhất trong quá trình tiến hóa về nhận thức của loài người. Khi đó ta cũng cảm nhận được tình yêu và sự im lắng ở nội tâm mình. Dù ta không nhận thức được hết tầm quan trọng của biến cố đó, hoa vẫn là một biểu tượng, qua hình tướng(4), những gì thiêng liêng, cao quý nhất(5), dù phần cao quý ấy thực chất là cái không có hình tướng(6). So với những loài cây cỏ đã có mặt trước đó thì hoa có vẻ mong manh, chóng tàn hơn. Nhưng hoa đã trở thành sứ giả từ một cõi khác, như là một chiếc cầu nối liền thế giới của hình hài vật chất với thế giới vô hình. Hoa không chỉ cho ta mùi hương thanh khiết và êm dịu, mà hoa còn mang lại mùi hương của cõi thiêng liêng. Nếu ta có thể dùng từ “tỉnh thức” với nghĩa rộng thì ta có thể ví rằng hoa là sự tỉnh thức của loài cỏ cây.

Có thể nói là bất cứ dạng vật chất nào ở bất kỳ hình thức nào – như khoáng chất, thực vật, động vật, con người… – đều đang đi qua quá trình “tỉnh thức”. Tuy nhiên, để dạng vật chất ấy thực sự đạt đến trạng thái tỉnh thức là một điều rất hiếm khi xảy ra vì đó không hẳn là một tiến bộ thông thường trong quá trình tiến hóa mà còn là sự gián đoạn trong quá trình phát triển bình thường, và là một bước nhảy vọt lên một cấp độ hoàn toàn khác của Hiện Hữu, mà quan trọng hơn hết là một sự giảm bớt về mức độ nặng nề và dày đặc của vật chất.

Còn gì nặng hơn và khó xuyên thủng hơn là một tảng đá, vật thể dày đặc nhất trong các vật thể, thế mà một vài loại đá, khi trải qua một quá trình thay đổi cấu trúc phân tử lại trở thành pha lê, một tinh thể trong suốt mà ánh sáng có thể xuyên qua dễ dàng. Vài loại khoáng chất, dưới áp suất và nhiệt độ cực cao lại biến thành kim cương, trong khi vài loại khoáng chất khác lại trở thành đá quý.

Hầu hết các loài bò sát vẫn chưa biến đổi nhiều từ hàng triệu năm qua. Trong khi một số loài khác thì lại mọc cánh, có lông vũ và hóa thành chim, từ đó vượt lên khỏi lực hấp dẫn của trái đất đã từng níu chân chúng từ bấy lâu nay. Hóa thành chim chẳng phải để đi hay trườn mình trên mặt đất một cách thành thạo hơn, mà thực ra là để hoàn toàn vượt thoát khỏi chuyện phải đi hay trườn.

Từ thời xa xưa, hoa, pha lê, đá quý và những loài chim chóc đã mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó trong tâm thức của loài người. Cũng như tất cả các thể sống khác, chúng cũng chỉ là sự thể hiện có tính chất tạm thời của Nhất Thể(7), của Tâm(8) luôn tiềm ẩn ở phía sau. Chính những phẩm chất mong manh của hoa giải thích tại sao chúng mang một ý nghĩa đặc biệt và là lý do tại sao con người lại tìm thấy sự tương đồng và sức thu hút ở hoa.

Khi ta có một mức độ Có Mặt, im lắng và sự chú tâm tỉnh táo ở bên trong thì ta mới có thể cảm nhận được bản chất siêu nhiên của sự sống, cái thần thái và linh hồn trong mỗi tạo vật, mỗi thể sống, và ta bỗng nhận ra rằng bản chất siêu nhiên trong mỗi tạo vật cũng đã chứa sẵn trong mỗi con người, khiến ta cảm thấy yêu quý tạo vật như yêu quý chính mình. Cho đến khi nhận thức được điều này, đa số chúng ta chỉ nhìn ra được những hình hài cạn cợt ở bên ngoài mà không thấy được bản chất thần thánh ở bên trong, cũng như ta không nhận thức được bản chất siêu nhiên của chính mình, nên ta thường tự đồng nhất mình với hình hài vật chất và những trạng thái tâm lý khổ đau của mình(9).

Đôi lúc, một người dù có rất ít hoặc không có khả năng Hiện Diện nào cả cũng có thể nhìn thấy ở một bông hoa, một hòn đá quý, một tinh thể pha lê hay ở một con chim một điều gì đó nằm đằng sau những hình hài vật chất ấy, dù anh ta không biết rằng đó chính là cái đã tạo nên sức hút và làm cho mình cảm thấy có mối liên hệ nào đó với những vật thể ấy. So với các thể sống khác thì một bông hoa có bản chất mong manh hơn và do đó hoa ít che khuất cái tinh túy ở bên trong của chính nó hơn là những sinh thể sống khác. (Ngoại trừ các sinh vật còn sơ sinh, như một em bé, con chó con, hoặc một con cừu non… vì chúng mong manh, dễ bị tổn thương vì chưa phát triển hết tính đông đặc của vật chất). Ở đó, ta vẫn còn thấy vẻ ngây thơ, cái đẹp và vẻ dịu dàng như không thuộc về thế giới này. Chúng làm mềm lòng ngay cả những con người vô cảm.

Cho nên khi nào bạn đang tỉnh táo và nhìn ngắm một bông hoa, một tinh thể pha lê hay một con chim mà đầu óc bạn không bận rộn muốn gọi tên những vật ấy, thì những vật đó sẽ mở ra một cánh cửa đưa bạn vào cõi Vô Tướng. Có một sự khai mở ở bên trong, dù rất bé, để đưa bạn đi vào cõi tâm linh. Điều này giải thích tại sao ba vật thể đã “giác ngộ” này đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển tâm thức của con người từ thuở xa xưa; đó cũng là lý do tại sao đài sen là biểu tượng của Phật giáo, còn chim bồ câu trắng tượng trưng cho Đức Chúa Thánh Thần (Holy Spirit) trong đạo Cơ đốc. Chính ba vật quý này đã và đang tạo cơ sở cho một sự chuyển hướng sâu sắc trong tâm thức của hành tinh, sự chuyển hướng này nhất định sẽ xảy ra với tâm thức của loài người. Đây là quá trình tỉnh thức tâm linh mà chúng ta đang bắt đầu chứng kiến.

ĐỌC THỬ

MỤC ĐÍCH CỦA CUỐN SÁCH NÀY

Nhân loại đã thật sự sẵn sàng cho một quá trình chuyển biến nhận thức, một quá trình nở hoa sâu sắc và triệt để của tâm thức đến độ, so với quá trình này thì việc cây cỏ nở hoa 114 triệu năm trước đây, dầu cho đẹp đến mấy thì đấy cũng chỉ là một sự phản ánh nhạt nhòa? Liệu con người có thể từ bỏ tầng tầng lớp lớp những cách nghĩ bị bó buộc cũ và trở nên giống như những tinh thể pha lê trong suốt để ánh sáng nhận thức xuyên qua dễ dàng? Liệu con người có thể thoát ra khỏi trường hấp dẫn của chủ nghĩa vật chất, thoát ra khỏi tình trạng tự đồng nhất mình với hình tướng(10)?

Khả năng chuyển hóa này cũng là thông điệp chính của những giáo lý sâu sắc để khai thị cho con người. Những người phát đi thông điệp này – như Đức Phật, Chúa Jesus và nhiều người khác – là những bông hoa đầu tiên của nhân loại. Họ là những vị thầy tiên phong, rất hiếm hoi và quý giá vô ngần. Tuy vậy, một sự chuyển hóa rộng khắp chưa thể xảy ra vào thời đó được, nên thông điệp của họ thường bị hiểu sai và bị bóp méo đi rất nhiều. Ngoại trừ ở một số ít người, tâm thức của con người thời ấy nói chung chưa được chuyển hóa nhiều.

Bây giờ thì nhân loại đã sẵn sàng để chuyển hóa chưa? Tại sao lúc này mới thực là thời cơ? Bạn có thể làm gì để thúc đẩy quá trình chuyển hóa nội tại này? Đặc điểm của nhận thức cũ đầy tính bản ngã là gì và đâu là dấu hiệu của một tâm thức mới đang trỗi dậy? Những câu hỏi này và một số câu hỏi khác sẽ được đề cập đến trong cuốn sách này. Quan trọng hơn, cuốn sách cũng chính là một công cụ có tính chuyển hóa xuất phát từ một nhận thức mới đang trỗi dậy. Những ý tưởng và khái niệm ở đây tuy quan trọng, nhưng đó cũng chỉ là thứ yếu. Chúng như những tấm bảng chỉ đường giúp bạn đi đến trạng thái tỉnh thức. Trong lúc đọc cuốn sách này, một sự chuyển hóa sẽ xảy ra trong bạn.

Mục đích chính của cuốn sách không phải là để cung cấp thêm thông tin hay những niềm tin mù quáng cho trí năng của bạn, hay cố thuyết phục bạn về một điều gì, mà nó mang đến cho bạn một sự chuyển hóa trong nhận thức, tức là thức tỉnh bạn ra khỏi những dòng suy nghĩ miên man ở trong đầu. Nếu được như vậy thì bạn sẽ không chỉ thấy cuốn sách là “thú vị”. Vì thú vị có nghĩa là bạn còn đứng ở bên ngoài, tìm vui với những ý nghĩ, và khái niệm ở trong đầu bạn để tư duy rằng mình đồng ý hay không nên đồng ý với cuốn sách. Vì cuốn sách này được viết cho bạn, do đó cuốn sách hoặc rất vô nghĩa đối với bạn, hoặc nó làm cho nhận thức của bạn có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên cuốn sách này chỉ có thể thức tỉnh những người đã sẵn sàng để tỉnh thức. Mà không phải ai cũng sẵn sàng để tỉnh thức. Tuy nhiên, khi có một người vừa tỉnh thức thì biến cố này sẽ tạo nên một quán tính trong tâm thức của tập thể, giúp cho sự tỉnh thức xảy ra dễ dàng hơn ở những người khác. Nếu trong lúc này bạn chưa rõ tỉnh thức có nghĩa là gì, thì bạn cũng không cần bận tâm nhiều về nghĩa của từ ấy, hãy cứ tiếp tục đọc và khi nào trong bạn có sự tỉnh thức, thì bạn sẽ hiểu “tỉnh thức” có nghĩa là gì. Quá trình tỉnh thức một khi đã bắt đầu ở trong bạn rồi thì không thể đảo ngược lại; và để cho quá trình này được bắt đầu, bạn chỉ cần trải qua trạng thái tỉnh thức – dù chỉ trong một thoáng chốc. Đối với một số người thì một thoáng chốc của trạng thái tỉnh thức đó sẽ xảy đến khi họ đọc cuốn sách này. Còn đối với những người khác thì cuốn sách sẽ giúp cho họ nhận ra rằng quá trình tỉnh thức đã xảy ra ở trong họ rồi, nhưng bây giờ họ mới nhận ra. Ở một số người thì quá trình tỉnh thức chỉ xảy ra khi họ gặp phải những mất mát hay khổ đau lớn.

Trong khi ở những người khác, là khi họ tiếp xúc với những bậc thầy hay những giáo lý về tâm linh, hay do đọc cuốn “Sức Mạnh của Hiện Tại” hay những cuốn sách có giá trị tâm linh sống động khác. Hoặc có thể là sự tổng hợp của tất cả những điều ấy. Tuy nhiên, một khi sự tỉnh thức đã bắt đầu ở trong bạn thì cuốn sách này sẽ giúp cho bạn đẩy nhanh và gia tăng cường độ tỉnh thức.

Điều căn bản nhất của quá trình tỉnh thức là:

Nhận ra sự mê mờ đang tồn tại ở trong bạn,

Nhận diện bản ngã(11) của bạn khi nó đang nói, đang nghĩ, đang làm một việc nào đó,

Nhận ra thói quen suy tư đầy tính băng hoại trong tâm thức của tập thể đang thẩm thấu vào mọi khía cạnh của đời sống, kéo dài thêm tình trạng chưa thức tỉnh.

Đó là lý do tôi viết cuốn sách này: để nêu lên những khía cạnh chính của bản ngã và cách bản ngã hoạt động trong bạn cũng như trong tâm thức tập thể. Điều này có ý nghĩa quan trọng, vì hai lý do chính. Trước hết, nếu bạn không nhận ra được những cơ cấu hoạt động của bản ngã, bạn sẽ không nhận diện được nó, và sẽ nhầm lẫn mà liên tục tự đồng nhất mình với bản ngã, tức là vô tình bạn để cho bản ngã chế ngự lấy bạn, mạo danh là bạn. Thứ hai, tự thân việc nhận diện bản ngã ở trong bạn chính là một trong những phương cách giúp cho sự tỉnh thức ở trong bạn được diễn ra. Khi bạn nhận ra sự mê lầm của mình, thì cái làm cho sự nhận biết ấy có thể diễn ra chính là thứ nhận thức mới đang trỗi dậy, đó cũng chính là tỉnh thức. Tuy nhiên, ta không nên có thái độ đấu tranh, hay kình chống với bản ngã cũng như ta không thể đấu tranh chống lại bóng tối, hay chống lại sự mê mờ. Điều mà ta cần làm là mang ánh sáng của nhận thức vào những nơi tối tăm này. Và bạn chính là ánh sáng đó.

SỰ BẢNG HOẠI BẨM SINH Ở TRONG TA

Nếu nghiên cứu kỹ về các tôn giáo và các trường phái tâm linh cổ xưa, ta thấy rằng dù cho bên ngoài có nhiều điểm khác biệt, nhưng hầu hết đều thống nhất ở hai điểm mấu chốt. Mỗi tôn giáo có cách dùng những ngôn từ tuy khác nhau nhưng tất thảy đều hướng đến một chân lý căn bản rằng trạng thái tâm lý “bình thường” ở hầu hết mọi người đều chứa đựng một yếu tố mạnh mẽ của một cái gì đó mà ta có thể gọi là sự tha hóa hay thậm chí có thể gọi là sự điên loạn. Một số điều răn dạy căn bản trong đạo Hindu ở Ấn Độ thậm chí đã xem sự băng hoại này là một dạng của căn bệnh tâm thần tập thể. Họ gọi đó là “Maya”, ảo tưởng, hoặc tấm màn của mê lầm, vô minh. Ramana Maharshi(12), một trong những nhà hiền triết Ấn Độ vĩ đại nhất đã từng thẳng thắn tuyên bố: “Trầm luân là khi bạn cả tin vào một ý nghĩ”(13).

Phật giáo thì đã sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để nêu ra vấn đề này. Đức Phật cho là tâm trí con người thường tự tạo ra nỗi khổ đau bất hạnh triền miên mà Ngài gọi là dukkha (khổ đế). Ngài xem đó là tính chất đặc trưng trong thân phận của con người và cho rằng dù ở đâu hay làm gì, cuối cùng rồi ta cũng phải đối diện với khổ đau, vì sớm muộn gì rồi khổ đau cũng thể hiện ra trong mọi tình huống.

Còn đạo Cơ đốc thì cho rằng trạng thái tâm lý bình thường của đa số con người là một trạng thái “tội lỗi nguyên thủy” – original sin. Tuy nhiên, trong kinh Tân Ước, viết bằng tiếng Hy Lạp cổ, chữ “sin” chỉ có nghĩa là “đi sai mục tiêu”, như một người bắn cung đã nhắm sai mục tiêu, nên “sin” có thể hiểu là “sai lầm” hay “không đi đúng con đường” của một kiếp người. Điều này có nghĩa là ta đã sống mù quáng, thiếu khôn ngoan, do đó phải gánh chịu khổ đau và gây khổ đau cho kẻ khác. Như vậy thì “sin” cũng hàm ý về sự tha hóa, vô minh cố hữu(14) trong thân phận con người.

Những thành tựu của loài người quả là rất lớn lao và không ai có thể chối cãi được. Chúng ta đã sáng tạo nên những tuyệt tác về âm nhạc, văn học, hội họa, kiến trúc và điêu khắc. Gần đây khoa học và kỹ thuật hiện đại đã mang lại những thay đổi tận gốc rễ cách chúng ta sinh hoạt, cho phép ta tạo ra những thứ mà cách đây chừng 200 năm hẳn người ta đã cho là những phép màu. Không sai, trí năng của con người rất thông minh. Tuy nhiên chính sự thông minh này đã bị ô nhiễm bởi sự điên loạn. Chính khoa học và kỹ thuật đã phóng đại thêm ảnh hưởng của khả năng hủy diệt – biểu hiện qua sự băng hoại trong cách suy nghĩ của con người trên hành tinh này – cho các thể sống và ngay cả cho chính con người. Điều đó giải thích tại sao thế kỷ 20 là lúc mà ta có thể nhận thấy rõ nhất sự tha hóa đó, như một sự mất trí có tính tập thể. Quả thực sự băng hoại này đang gia tăng tốc độ và cường độ.

Chỉ cần xem tin tức hằng ngày trên truyền hình là ta có thể thấy cơn điên thật sự chưa lắng xuống và nó còn đang tiếp diễn ở thế kỷ 21. Một khía cạnh khác của sự tha hóa tập thể do cách suy nghĩ sai lầm của con người là ở chỗ nhân loại đã và đang tiếp tục gây ra những tàn phá chưa từng có đối với các sinh vật khác và trên chính hành tinh mà chúng ta đang sống. Những cánh rừng, nơi cung cấp dưỡng khí đang bị hủy hoại cùng các loài động thực vật ở đó; các loài thú bị giam hãm và sống khốn khổ trong các nông trại; sự ô nhiễm của sông ngòi, đại dương và bầu khí quyển. Do lòng tham, do không nhận thức được mối liên quan giữa mình với vũ trụ nên con người cứ đeo đuổi những hành vi, mà nếu không kiểm soát được, sẽ dẫn đến sự diệt vong của chính chúng ta.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button