Quà tặng cuộc sống

Thuật Tư Tưởng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Download sách Thuật Tư Tưởng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách hay về cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

“Con người là một cọng sậy yếu đuối hơn hết trong mọi tạo vật. nhưng là một cọng sậy có tư tưởng. Có cần gì tất cả hoàn vũ hợp sức lại để tiêu diệt nó: Một hơi khí, một giọt nước cũng đủ giết chết nó rồi. Nhưng, nếu hoàn vũ nghiền nát nó đi, con người vẫn cao trọng hơn kẻ giết nó, bởi nó biết nó chết, còn thế lực của hoàn vũ đàn áp nó, hoàn vũ không biết gì hết… Tất cả phẩm giá của ta là nơi tư tưởng… Và nhất là tư tưởng cho đúng”.

… Con người sở dĩ khác vạn vật là nhờ nơi tư tưởng. Đừng nói chi đến chỗ phân biệt giữa người và vật làm gì, ngay giữa người và người, kẻ văn minh bản khai, kẻ trí thức người chậm hiểu cũng do nơi tư tưởng mà phân cao thấp.

Tập tư tưởng cho đúng, là điều cần thiết hơn nữa, là một phận sự khẩn cấp của tất cả những người hữu tâm đến danh dự làm người của mình, đến trách nhiệm của mình trong gia đình, trong quê hương, trong nhân loại. làm cha mẹ mà tư tưởng sai, là hại cho cả một gia đình. Làm thầy mà tư tưởng sai, là hại cho chả nhóm học sinh. Làm chủ một nước mà tư tưởng sai, là hại cho cả một nước ấy.

Kẻ thiếu quan năng của tư tưởng là kẻ sống dưới quyền chỉ huy của dục vọng, của thói quen… sống như một con vật. Cho nên, đối với mình, tư tưởng là phương pháp duy nhất để tự giải thoát vậy.

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:

Nguyễn Duy Cần (1907-1998), hiệu Thu Giang, là một học giả, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20. Ông nổi bật không chỉ về số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu của học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức của ông.

Ông sinh ngày 15 tháng 7 năm 1907 tại làng Điều Hoà, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
Không có nhiều thông tin về cuộc đời và sự học của ông. Có lẽ ông tự học, thể hiện qua tác phẩm “Tôi tự học”. Một vài thông tin khác cho biết ông từng làm giáo sư kiêm Hiệu trưởng một trường Trung học tư thục tại Sài Gòn, nhưng không thể kiểm chứng được.
Sự nghiệp nghiên cứu và trước tác của ông bắt đầu từ năm 1931 với việc xuất bản quyển Triết học đầu tiên “Toàn chân”, gây nên một cuộc bút chiến sôi nổi trên báo Mai. Trong những năm sau đó, ông tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm khá đều đặn. Năm 1937, ông tham gia xuất bản nguyệt san “Nay”. Năm 1941, ông làm chủ bút báo Tiến và năm 1944, chủ bút báo Thanh niên, sau đó còn làm chủ bút báo Tự do.
Sau khi Chiến tranh Đông Dương nổ ra, năm 1946, ông lánh nạn lên Sài Gòn, ở ẩn để tiếp tục viết sách. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, việc xuất bản các tác phẩm của ông bị gián đoạn mãi đến năm 1951 mới bắt đầu trở lại với tác phẩm “Cái dũng của Thánh nhân”. Từ đó về sau ông tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm khá đều đặn cho đến tận năm 1975. Ngoài việc trước tác và tham gia viết báo, ông từng là giáo sư của trường Đại học Vạn Hạnh và là Trưởng ban Triết Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Những năm cuối đời, ông không tiếp tục viết sách mà lui về ở ẩn. Năm 1991, ông chuyển về sống ở quận Bình Thạnh và mất tại đây vào năm 1998, để lại cho đời nhiều bộ sách có giá trị.

ĐỌC THỬ

1. Thị dục:[4] Ta chỉ thừa nhận những ý kiến nào thuận với sự ta thèm thuồng ao ước mà thôi, không kể gì nó có đúng với sự thật hay không. Ở đây, cũng không có lý lẽ nào vô đánh đổ đức tin của ta cho được.
Người mẹ quá yêu con không bao giờ chịu tin rằng con mình là một người dở dang hèn hạ, mặc dầu sự thật đã đem đến cho bà nhiều bằng cứ xác đáng. Bà ao ước con bà là một người tốt, cho nên, chỉ có những ai khen con bà, thì bà thích và nhận là thật mà thôi. Ngoài ra, những tin gì có thể hại đến danh giá con bà, thì bà loại ra một bên, không bao giờ ai đánh đổ được đức tin của bà cả. Hoặc bà sẽ có những lý luận của bà để bênh vực, để gột rửa sự ngờ vực không tốt của bà.
Những người ham đi coi bói, thường thích những ông thầy bói nói họ sẽ làm giàu, làm quan, chỉ có nhiều phước đẹp duyên lành… Bao nhiêu lời nói vừa với lòng ao ước của họ, là họ ghi nhớ, họ thừa nhận đúng cả, mặc dầu họ không biết sẽ có thật như thế không. Trái lại, những lời đoán sai với lòng ao ước của họ, là họ không chịu tin, hoặc nửa ngờ, có khi lại đem lòng oán hận là khác.
Nếu sự ao ước kia lại thành một thị dục (une passion) mãnh liệt, nó sẽ xô đẩy người ta vào sự cuồng tín (fanatisme) như chơi. Tỉ như lòng ái quốc tăng đến cực điểm, có thể làm cho người si mê. Óc bè phái, óc tôn giáo có lẽ cũng như thế.
Người ta không dùng đến lý trí nữa, mà chỉ tin những cái gì thuận với lòng mình ao ước thôi, và tìm những lý lẽ để bênh vực nó.

2. Ảnh hưởng của xã hội
Một ý tưởng nào mà được xã hội đồng thanh quả quyết và tin tưởng, thì khó lòng mà ta không cùng chia sẻ được. Bởi vậy, phong tục, tập quán là những tin tưởng mà ta nhắm mắt làm theo không suy nghĩ gì cả. Người ta thường thấy trong xã hội có những phong trào tư tưởng là thế.
Nói hẹp lại thời ảnh hưởng gia đình cũng không phải nhỏ. Hễ ông bà cha mẹ là người theo đạo Gia Tô, thì con cháu cũng theo đạo Gia Tô. Họ tin theo, là vì cả gia đình hay dòng họ tin như thế. Họ đâu có suy nghĩ chi nữa mà làm gì. Chung quanh họ, đều đồng thanh quả quyết và tin tưởng một cách triệt để, lại không bao giờ gặp hoặc nghe có sự phản đối, thảo nào họ không tin theo. Một ý tưởng mà được đại đa số tín ngưỡng là một sức mạnh phi thường, không có một lý lẽ nào đánh đổ nổi.
Ảnh hưởng của xã hội đối với tư tưởng và hành vi của chúng ta thật là mãnh liệt vô cùng. Nó làm cho ta không còn biết suy nghĩ là gì nữa. Những điều mà ta gọi là suy nghĩ, toàn thị là vô tâm theo một cái chiều nào mà ta không làm chủ được. Nó ám ảnh đầu óc ta, nó sai sự chỉ huy ta như một bộ máy. Sách vở, báo chí, những cuộc bàn cãi, những tình thế hưng vong xảy ra trong thời buổi… tạo thành một luồng sóng đưa đẩy ta vào một khuynh hướng nào… những luồng sóng ấy có khi là kết tinh của một tinh thần sáng suốt, thanh cao; lắm khi lại là cặn bã của một dục vọng, âm u hèn thấp cũng không chừng. Nhưng chắc chắn là nó sẽ đưa quần chúng đi vào một con đường vinh hiển hay bại vong.
Những ý tưởng do hoàn cảnh xã hội vun đúc thật là mạnh mẽ một cách rõ ràng, ai ai cũng có thể nhận thấy được. Mạnh mẽ đến, hễ một cá nhân nào bỏ hoàn cảnh xã hội của mình đi vào một hoàn cảnh xã hội khác, là thấy đã thay đổi cả tư tưởng chí hướng của mình liền.
Một nhà hoàn toàn thuộc về xã hội cách mạng, mà đến khi lên nắm chính quyền, liền thấy mình dễ dàng trở nên một nhà rất trung thành với phe bảo thủ. Lịch sử chỉ cho ta thấy rõ Napoléon khi lên ngôi, đem những tay thù nghịch của chính thể quân chủ mà ông chưa kịp đưa ra pháp trường, phong hầu cả thảy một cách hết sức dễ dàng, và những người ấy liền trở nên “quân chủ hơn đấng quân chủ” nữa[5].
Hoàn cảnh xã hội ảnh hưởng ta, tuy mãnh liệt như thế, nhưng không ảnh hưởng sâu nặng bằng cái xã hội của mình đang sống. Người ta phần đông suy nghĩ phán đoán toàn theo giai cấp, phe phái, tôn giáo hay nghiệp đoàn của mình. Những điều họ cho là phải hay quấy đều là những điều mà nhóm xã hội của họ cho như thế. Họ không cãi lại, hoặc không dám cãi lại. Họ tin tưởng nó như một tín điều thiêng liêng bất khả xâm phạm. Thật vậy, nếu người nào không nhận những ý tưởng của nhóm mình, thì không thể sống ở trong nhóm đó được nữa.
Một thị dục mà được phần đông công chúng hoan nghênh thừa nhận, sẽ là một tín ngưỡng có một lực lượng phi thường. Đối với tín ngưỡng của quần chúng – dầu là tín ngưỡng về chính trị hay tôn giáo cũng vậy, – thời không thể dùng đến lý luận đánh đổ được nữa. Bởi vậy, tín ngưỡng ấy là hiện thân của một Dục vọng không bờ bến, như một cuồng phong vô cùng mãnh liệt. Ảnh hưởng của nó rất to tát, vậy trước tình thế này, ta phải biết nhẫn nại mà chìu theo. Pascal nói: “Tại sao ta lại phải chìu theo phần đông? Đâu phải vì họ có lý hơn ta, mà chỉ vì họ mạnh hơn ta đó thôi”.
Chìu theo họ, là để mà sửa đổi họ, không phải để a dua, nếu mình là một bậc thức giả.

3. Dốt nát và Hoài nghi
Dốt nát, cũng là một nguyên nhân làm cho ta tin tưởng một cách mê muội.
Thật vậy, đã dốt nát thì làm gì tìm thấy được những tư tưởng đối đích đánh đổ sự quả quyết và tin tưởng của ta. Lẽ cố nhiên là ta tín ngưỡng một cách êm đềm không phải có một cái chi đến lung lạc đức tin của ta cả. Một người dốt nát làm gì biết đến những hiện tượng của điện khí là gì. Bởi vậy, họ tin “trời đánh” (sét đánh) là có lôi công cầm búa đi tìm người gian ngụy để giết chết. Đức tin ấy của họ, có làm gì gặp được những bằng cứ đối đích của khoa học phản đối. Cho nên họ vẫn yên tâm mãi trong sự mê tín của họ. Sự lầm lạc của ta, một phần rất lớn đều do nơi sự ngu dốt của ta mà gây nên cả.
Muốn phá những tập quán, thành kiến đã ăn sâu vào trí não con người, không có phương pháp nào hay hơn là gợi sự ngờ vực nghi nan trong lòng người. Cái đó, André Gide gọi là sự “ngờ vực phá hoại” (le doute destructeur). Léon Pierre Quint trong quyển André Gide có câu: “Không một tiếng kêu gọi lớn lao, không một chút bạo động nào cả. Gide chỉ dùng phương pháp “ngờ vực phá hoại” để lung lạc đức tin con người đối với cổ tục, tập quán… Phản đối một cách đột ngột, hùng hồn, không bằng khêu gợi mối hoài nghi trong lòng người. Những quyển sách có kết luận đàng hoàng, thời hỏng mất. Gide cho rằng, những tiểu thuyết có luận đề (roman à these) vì muốn chứng giải mà thành ra mất cả sức mạnh của nó đi. Một quyển sách cần phải để lại nơi lòng người một mối nghi ngờ không giải quyết, một câu hỏi không có tiếng trả lời. Điều mà con người không thể chịu nổi là đối với điều mình tôn sùng ngưỡng mộ mà phải có sự ngờ vực nghi nan. Làm cho con người không sống đặng êm đềm trong sự tin tưởng của họ nữa, thời mới mong cải cách được việc gì”.[6] Socrate, với cái tài hùng biện riêng của ông, chỉ hạch hỏi mà thôi, gợi cho các đệ tử một mối nghi ngờ… để phá cái lòng mê tín của họ.[7] Phật, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng dùng một phương pháp ấy để cảnh tỉnh đệ tử ruột của mình là A Nan.
Phán đoán thì tất nhiên phải quả quyết.
Quả quyết thì cố nhiên là tin tưởng, mà hễ tin tưởng nhiều rồi thì lại biến thành Tín ngưỡng. Đó là con đường tự nhiên, ai ai cũng phải trải qua.
Tuy nhiên, tín ngưỡng cũng có nhiều thứ: Có thứ tín ngưỡng mà mê muội, có thứ tín ngưỡng mà sáng suốt.
Nếu biết đem óc phê bình mà kiểm tra những quyết đoán của ta, thì sự tin tưởng hay tín ngưỡng của ta kia, được gọi là chánh tín (Croyance rèflechie). Nhược bằng để cho thị dục, xã hội và sự ngu dốt điều khiển tư tưởng ta, thì tín ngưỡng của ta gọi là mê tín.
Những tín ngưỡng đem ra xem xét chu đáo, dùng lý trí điểm tra lại, lấy sự thực để đối chứng; đó là những quyết đoán có khoa học, nghĩa là có phương pháp và được kiểm soát một cách vô tư. Để tự nhiên, thời người ta ai ai cũng tin tưởng theo lòng ao ước, theo thị dục, hoặc theo xã hội chung quanh ám thị.
Nếu có óc phê bình, người ta sẽ không còn bị lôi cuốn theo những lối tin tưởng vu vơ như thế nữa; người ta sẽ tin khi nào đã lựa chọn, kiểm điểm kĩ lưỡng rồi, nghĩa là sau khi tìm được những tư tưởng phản nghịch mà cũng vẫn thấy nó có đủ lẽ đứng vững được nữa.
Goblot nói: “Một tin tưởng mà mình ao ước hay ưa thích, đó là nguồn gốc của sự lạc lầm”.[8] Muốn ngừa sự lạc lầm trong khi ta tư tưởng hay phán đoán, điều kiện đầu hết là phải biết hoài nghi. Hoài nghi để khỏi phải sa vào cái bẫy của Tình cảm và Ý chí.[9] Ở đời phải có một lý tưởng để làm phương châm cho hành động hàng ngày của mình. Ai ai cũng có quyền có tín ngưỡng cả. Nhưng không nên đem những tín ngưỡng của mình mà cho nó là những chân lý khách quan. Người mà được gọi là có một cơ sở triết học và giáo dục hoàn toàn, là người biết dùng một cách đúng đắn, không lầm lẫn với nhau những câu nói này:
Tôi biết;
Tôi tưởng rằng tôi biết; và
Tôi tin.[10]

Kẻ thiếu óc phê bình, thiếu học thức, là kẻ không đủ sức phân biệt được cách dùng những tiếng nói trên đây. Điều mình tưởng là biết chưa phải là điều mình biết, mà điều mình tin chưa ắt là điều mình biết. Biết đâu mình tin là vì nó thuận với lòng ao ước hay thị dục của mình, hoặc vì mình bị ảnh hưởng gia đình, xã hội chứ không phải vì đã dò xét rõ ràng rồi mà tin, tin như nhà khoa học.

Cổ nhân có nói: “Biết, thì biết là mình biết; không biết, thì biết là mình không biết, mới thật là biết vậy” (Tri chi vi tri chi; bất tri vi bất tri, thị tri dã).[11]

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button