Quà tặng cuộc sống

Tại Sao Lo Lắng? Hãy Vui Lên!

tai sao lo lang sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Teo Aik Cher

Download sách Tại Sao Lo Lắng? Hãy Vui Lên! ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Tựa

Khi được đề nghị viết lời tựa cho quyển sách này, tôi đã thốt lên: “Tuyệt!”. Thế rồi cả một tuần trôi qua, tôi chẳng viết được gì. Trang giấy trống trơn – không một từ, một vệt mực, cũng không một ý tưởng nào. Tại sao lại như vậy? Bởi vì tôi cứ lo lắng về những gì mình phải viết. Chiếc bình sáng tạo trong tôi cạn khô!

Khi chúng ta lo lắng, mọi thứ dường như chẳng có gì nên hồn. Chúng ta lạc lối trong mớ bòng bong rắc rối của mình và chẳng thấy được giải pháp nào. Chỉ khi bứt mình ra khỏi vấn đề, chúng ta mới có được cái nhìn đúng đắn hơn và mới có thể tìm thấy câu trả lời.

Đó là lý do tôi gần như chẳng bao giờ lo lắng (trừ lúc tôi phải viết lời tựa này đây!). Lo lắng chẳng giúp được gì. Tất cả những gì bạn nhận được từ sự lo lắng là những cơn đau đầu và vài nếp nhăn hằn thêm trên trán.

Điều này không có nghĩa là bạn không nên lo lắng bao giờ. Có hai dạng lo lắng. Một là dạng tiêu cực, tức lo lắng âu sầu – “Ôi trời ơi, mình không thể làm được điều này. Trời sập mất!”. Dạng thứ hai là lo lắng tích cực, tức là sự bận tâm một cách bình tĩnh và có chọn lọc – “Ừm, đây quả thực là vấn đề đây. Mình giải quyết nó cách nào tốt nhất nhỉ?”. Theo tôi, đây là dạng lo lắng tích cực mà mọi người cần hướng theo.

Tôi đã học được rằng: không nên lo lắng khi đối mặt với những vấn đề nơi công sở. Kinh nghiệm cho tôi thấy óc hài hước lúc nào cũng có ích cả. Khi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực truyền hình vào năm 1994, tôi nhanh chóng nhận ra làm nghệ sĩ là một công việc cực kỳ áp lực. Mọi người đều mệt mỏi, căng thẳng và lo âu. Không khí làm việc căng thẳng như thể chúng tôi đang đi trong một bãi mìn đang chực chờ nổ bất kỳ lúc nào vậy!

Nhưng khi tôi bắt đầu mang sự hài hước vào trong mối quan hệ của mình với mọi người, không khí làm việc giảm hẳn sự u ám và mọi người bắt đầu làm việc hiệu quả hơn, sáng tạo hơn. Vì chọn cách suy nghĩ không lo lắng nên tôi đã có ảnh hưởng tốt đến mọi người xung quanh. Điều này cũng có ảnh hưởng tốt đến bản thân tôi.

Tôi không thể không lặp lại câu: Lo lắng chẳng giúp ích gì cho bạn cả.

Quyển sách nhỏ này chứa đựng rất nhiều vấn đề để bạn suy ngẫm. Nó sẽ giúp bạn nhận ra rằng cuộc sống mới mẻ hơn nhiều khi ta ngừng lo lắng. Với rất nhiều lời khuyên hữu ích, những trích dẫn và những mẩu chuyện thú vị, Tại sao lo lắng? Hãy vui lên! sẽ dẫn dắt bạn trên con đường vui sống không lo âu.

Gurmit Singh

Nghệ sĩ hài, người dẫn chương trình nổi tiếng thuộc Tập đoàn MediaCorp, Singapore

Lời giới thiệu

Cuộc sống cũng giống như một chiếc cốc còn một nửa lượng nước. Một số người sống với tâm tình biết ơn nhìn thấy nước đầy đến nửa cốc. Kẻ cảm thấy mình thiếu may mắn lại chỉ nhìn thấy nước đã vơi đến phân nửa. Như vậy đấy, vấn đề là ở chỗ con người nhìn nhận mọi việc xung quanh họ như thế nào mà thôi.

Wikipedia định nghĩa hạnh phúc là “một trạng thái tinh thần hay cảm giác đặc trưng bởi sự thỏa lòng, tình yêu thương, niềm thỏa mãn, lòng hân hoan, hay sự thích thú”.

“Trạng thái tinh thần” khiến chúng ta cảm thấy mình hạnh phúc hay trở thành một kẻ luôn lo lắng âu sầu. Người hạnh phúc lúc nào cũng nhìn thấy mặt tích cực của sự việc, trong khi người hay lo lại thường bị thu hút về phía những khía cạnh tiêu cực. Nói cho công bằng, lo lắng có thể là một điều tốt. Nó có thể là một phương pháp hữu ích dẫn chúng ta tiến gần đến những giải pháp cho các vấn đề mình gặp phải. Lấy ví dụ, khi chúng ta lo lắng về kỳ thi sắp tới, thì lo lắng chính là động lực khiến chúng ta học chăm và ôn luyện kỹ càng hơn. Càng chuẩn bị sẵn sàng cho bài thi, chúng ta càng đỡ lo hơn.

Tuy nhiên, khi lo lắng quá nhiều, chúng ta trở thành người lo lắng mãn tính. Nó có thể khiến chúng ta mất ngủ, ăn không ngon miệng, thậm chí còn bị rụng tóc hàng loạt nữa! Bạn đừng vội cười, vì thực ra lo lắng mãn tính là một chứng bệnh đấy. Nó được gọi tên là GAD hay Chứng rối loạn lo âu (Generalised anxiety disorder). Căn bệnh này có thể gây hại, bởi nó làm ngưng trệ cuộc sống của chúng ta và làm cản trở mọi tiến triển. Nó có thể trở nặng, và thậm chí còn gây ra chứng trầm cảm.

Với nhịp sống hối hả như hiện nay, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ cũng bị cuốn vào vòng xoáy của sự lo lắng, từ những mối lo ở trường đến những mối lo ở nhà và ngoài xã hội. Với những bạn này, họ thường tự hỏi những câu hỏi “nghiêm trọng” như:

  • Mình có thực sự hạnh phúc với vẻ ngoài của mình không?
  • Mình có thỏa mãn với điểm số ở trường?
  • Mình có hòa thuận với cha mẹ và anh em trong nhà?
  • Mình có thực sự hài lòng với đám bạn?
  • “Đằng ấy” của mình có hạnh phúc với mình không?
  • Mình có hài lòng với số tiền tiêu vặt ba mẹ cho không?
  • Mình có hạnh phúc với cuộc sống này không?

Nếu dạng câu hỏi này vẫn thường xuyên làm phiền bạn, thì quyển sách này đích thực là dành cho bạn. Thông qua các chữ cái của từ WORRY (Lo lắng), chúng ta sẽ lần lượt khám phá về các lĩnh vực khiến mình thường phải bận tâm, còn với các chữ cái trong từ HAPPY (Hạnh phúc), chúng ta sẽ khám phá các cách khác nhau để khiến cho mình cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Có ai đó từng nói rằng ta chỉ có thể tìm thấy những người hoàn toàn không còn lo lắng gì nữa trong các nghĩa trang. Đúng là như vậy. Chỉ những ai đã rời bỏ thế giới này mới không còn bận tâm về bất cứ điều gì. Chừng nào còn sống, còn hít thở không khí, chúng ta vẫn còn có những vấn đề của mình và vẫn phải lo lắng. Thế nên lo lắng không có gì sai, chỉ cần chúng ta biết cách xử lý nó một cách hợp lý nhất!

ĐỌC THỬ

LO LẮNG VÌ DÁNG VẺ BỀ NGOÀI

“Vẻ bề ngoài = hình dáng thể chất chúng ta trưng ra cho người khác nhìn vào. Vấn đề là: hình ảnh chúng ta nhìn thấy ở bản thân mình có thể chẳng giống chút nào với hình ảnh mà mọi người nhìn thấy ở chúng ta.”

Tầm quan trọng của vẻ bề ngoài

Hãy nhìn mình trong gương. Bạn thấy gì nào?

– Mình mập ghê vậy trời?

– Trời ơi, nhìn cái mụn khổng lồ trên mặt mình nè!

– Sao tôi lại không có thân hình đồng hồ cát như cô bạn tôi cơ chứ?

– Sao mình không có cơ thể rắn chắc như cậu ta?

Những câu này có quen thuộc với bạn không? Đó là những lời than thở muôn thuở của đa số bạn trẻ về dáng vẻ bề ngoài của mình. Trong một chừng mực nào đó, vẻ ngoài “vừa mắt” cho chúng ta sự tự tin, vui vẻ hơn, khiến chúng ta nhìn nhận về bản thân mình một cách tích cực hơn. Ngoài ra, nhiều lý do khác cũng khiến ta quan tâm đến hình ảnh bản thân: áp lực bạn bè, ảnh hưởng của truyền thông, v.v. và v.v.

Áp lực trang lứa

Bạn bè đồng trang lứa có khả năng ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta nhìn nhận sự việc. Theo từ điển Cambridge trực tuyến, áp lực trang lứa được định nghĩa là: “sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nhóm lên các thành viên của nhóm khiến họ phải cư xử giống như mọi người khác”. Áp lực trang lứa, hay ảnh hưởng bạn bè, là cách mà lũ bạn của chúng ta ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận sự việc, cách chúng ta cư xử theo hướng tương đồng với chúng.

Không được chơi chung nhóm

Tại sao chúng ta lại chịu áp lực từ bạn bè đồng trang lứa? Lý do rất đơn giản là bởi không ai trong chúng ta muốn mình là một hoang đảo tách biệt. Con người là một thực thể xã hội, nên tất cả chúng ta đều muốn phụ thuộc vào nhau. Ai lại muốn mình trông lùi xùi, luộm thuộm hay trông như một kẻ lạc bầy giữa bạn bè?

Nghiên cứu chỉ ra rằng có một mối tương quan đáng kể giữa áp lực trang lứa với chế độ ăn uống không điều độ, đặc biệt là ở các bạn gái. Nhiều bạn thực hiện chế độ ăn kiêng thật kinh khủng. Vài bạn chỉ ăn độc mỗi món rau, bạn khác hạn chế khẩu phần của mình chỉ gồm vài muỗng cơm nhỏ. Thậm chí có bạn chỉ ăn mỗi thịt, hoàn toàn loại bỏ tinh bột khỏi bữa ăn.

Tôi chắc rằng phần lớn chúng ta đều đã được nghe về tháp cân bằng dinh dưỡng. Tinh bột là nền tảng và cũng là phần lớn nhất trong tháp thực phẩm bổ dưỡng. Chúng ta khỏe thế nào được nếu từ chối nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất ấy? Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những người ăn kiêng thái quá thường kết thúc bằng việc trở thành người ăn uống vô tội vạ hoặc kẻ biếng ăn kinh niên. Vì vậy, bạn hãy thưởng thức các món ăn của mình, nhưng đừng bao giờ nuông chiều bản thân một cách thái quá.

Việc giảm cân để được chấp nhận trong nhóm chẳng có gì là tốt đẹp trừ khi bạn bị béo phì và cần phải giảm cân để có một sức khỏe tốt. Hãy tự tin với dáng vẻ của mình. Mỗi người là một cá thể riêng biệt. Tình bạn không phải là lý do để biến mình thành bản sao vô tính của bạn mình. Tình bạn là khả năng kết nối và chia sẻ suy nghĩ, quan điểm của mình với người khác. Nếu người bạn của bạn không thích bạn chỉ vì bạn không thon thả như cô ấy, hay không cơ bắp như chàng ta, thì người ấy không phải là bạn thực sự.

Ảnh hưởng của truyền thông

Lướt sơ qua các tạp chí thời trang hay giải trí, chúng ta có thể thấy vô số những người mẫu, diễn viên mặc những trang phục lộng lẫy của những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Họ trông mới đẹp đẽ, chói lóa làm sao, và điều này khiến chúng ta muốn được trở nên giống họ. Nhưng đừng quên rằng những bức ảnh ấy có thể được làm cho lung linh lên bởi ánh sáng, bởi góc chụp và nhờ các phần mềm xử lý. Những cách này vẫn thường được sử dụng để khiến một người bình thường trở nên đẹp đẽ hẳn lên trên tạp chí hay trên màn ảnh.

Việc sử dụng hình ảnh của những người mẫu siêu mỏng đã bị lên án một cách mạnh mẽ. Chúng khiến những bạn gái trẻ dễ bị ảnh hưởng có cái nhìn tiêu cực về bản thân, và điều này có thể dẫn đến chứng thèm ăn hoặc chán ăn. Những cuộc kêu gọi cấm những người mẫu size zero ngày càng gia tăng sau khi cặp chị em siêu mẫu mỏng bị đột tử(*). Size zero là kích cỡ của Mỹ, dành cho những người có vòng eo nhỏ hơn 60 cm hay 23 inches – thường là số đo của một đứa trẻ.

Với những cải tiến của kỹ thuật y khoa và sự sung túc về vật chất, một số bạn trẻ còn đi xa hơn việc mát xa mặt hay mát xa toàn thân. Họ tìm đến bác sĩ để chỉnh sửa thẩm mỹ hay phẫu thuật tạo hình – một sự lựa chọn tai hại và thường khiến họ hối hận về sau.

Vịt con xấu xí

Tôi chắc là ai trong chúng ta cũng đã từng biết đến câu chuyện về vịt con xấu xí. Đó là một cô vịt con luôn nghĩ mình là nhân vật xấu xí nhất trong gia đình nhà vịt, nhưng hóa ra nàng ta lại là một cô thiên nga xinh đẹp.

Câu chuyện này có một kết thúc có hậu, nhưng điều đáng phải suy nghĩ ở đây là cô vịt đã rất buồn khổ bởi dáng vẻ bên ngoài của mình, bởi việc không được chấp nhận trong bầy đàn. Cô chỉ hạnh phúc khi nhận ra mình là một nàng thiên nga xinh đẹp.

Vẻ bề ngoài được nhiều người đánh giá cao, nhưng còn cái đẹp bên trong như tình yêu thương, lòng tốt bụng, sự quan tâm thì sao? Vẻ đẹp chỉ ở ngoài da thôi sao? Hoàn toàn không. Vẻ ngoài quan trọng thật đấy, nhưng cái đẹp bên trong càng đáng giá hơn khi chính nó tạo nên tính cách của bạn, là cốt lõi con người bạn. Vì vậy, hãy chú ý tôn tạo vẻ đẹp bên trong của mình nữa, bạn nhé!

Ấn tượng đầu tiên

Bạn có biết ấn tượng ban đầu được hình thành chỉ trong vòng vài giây khi bạn gặp một người lạ nào đó? Trong vòng vài giây ngắn ngủi đó, trí óc ta chụp cận cảnh người đó trong trí não và hình thành nên những ý kiến dựa trên cái mình nhìn thấy. Dù những ấn tượng ban đầu không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng chúng luôn quẩn quanh trong tâm trí ta và rất khó để thay đổi.

Vậy cách nào chúng ta có thể làm để gây ấn tượng đẹp ngay lần đầu gặp mặt? Câu trả lời hết sức đơn giản – ăn mặc phù hợp, chỉnh tề.

Ăn mặc phù hợp nghĩa là chúng ta mặc đồ đúng dịp. Bạn không cần tiêu hết tiền dành để chi xài trong tháng cho một bộ đầm hay chiếc áo hàng hiệu đâu. Ví dụ khi đi phỏng vấn cho công việc dịch vụ, hãy mặc đồ công sở thay vì quần jeans, áo thun. Nhưng khi phỏng vấn cho một công việc mang tính sáng tạo, bộ đồ công sở trang trọng có thể không phù hợp cho lắm. Quan trọng là ăn mặc đứng đắn và lịch thiệp.

Ăn mặc chỉnh tề đóng một vai trò then chốt trong việc tạo nên ấn tượng tốt lúc gặp gỡ ban đầu. Chúng ta không thể thay đổi hình dáng bên ngoài của mình, nhưng chúng ta có thể, và rất nên luôn luôn trưng ra góc nhìn tươi tắn nhất của bản thân. (Được rồi, chúng ta có thể thay đổi dáng vẻ bên ngoài bằng cách nhân tạo: phẫu thuật thẫm mỹ, nhưng đừng nên suy nghĩ về chuyện này). Vẻ sạch sẽ, gọn gàng luôn giúp ích rất nhiều. Hãy cắt kiểu tóc phù hợp và chải tóc gọn gàng. Hãy chải răng cho sạch và chắc rằng không có mẩu thức ăn thừa nào mắc ở kẽ răng nữa nhé. Với các chàng, đừng quên cạo râu. Với các nàng, kiểu trang điểm nhẹ nhàng, đơn giản sẽ gây ấn tượng tốt đấy. Hãy dành phong cách trang điểm lộng lẫy cho những bữa tiệc đêm, bữa hẹn ăn tối hay tiệc khiêu vũ. (Dù rằng không cần thiết cho lắm, nhưng bạn có thể đến các tiệm làm tóc để được chuyên gia trang điểm giúp, vấn đề là bạn phải trả tiền cho dịch vụ này đấy!).

Thử tưởng tượng một ứng cử viên xin việc đi phỏng vấn với vẻ ngoài lôi thôi – đầu tóc rối bù, cằm lún phún râu, áo sơ mi lem luốc và quần tây nhăn nhúm. Liệu người phỏng vấn có ấn tượng tốt và chấp nhận anh ta hay không? Tôi nghĩ là không đâu. Vẻ ngoài luộm thuộm khiến người khác có ấn tượng rằng anh ta hoàn toàn không nghiêm túc chút nào với công việc.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button