Quà tặng cuộc sống

Sống theo sở thích sẽ sống lâu

song theo so thich se song lau1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Hiến Lê

Download sách Sống theo sở thích sẽ sống lâu ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Mới đọc lời giới thiệu bản tiếng Pháp, tôi nghĩ bụng: “Anh chàng này lập dị chăng? Là “lang băm chăng?” Bác sĩ gì mà viết sách khuyên người ta “cứ sống theo sở thích”, muốn ăn cho sướng miệng thì ăn, muốn uống rượu thì uống. Muốn hút thì hút. Mà muốn nằm dài ra suốt ngày thì cứ nằm! Từ xưa tới nay Bác sĩ nào cũng cấm chúng ta đủ thứ, bắt chúng ta phải sống đúng phép vệ sinh mà sao ông Peter J. Steincrohn này lại ăn nói ngược đời như vậy?”

Nhưng đọc xong “Lời mở đầu” tôi thấy ông không phải là “lang băm”, ông đã hành nghề trong mấy chục năm, đông thân chủ – điều đó chưa đủ đảm bảo gì cả – ông lại diễn thuyết, viết báo viết sách dạy người ta đề phòng bệnh tật. Có “lang băm” nào lại nghĩ tới việc “trứ thư lập ngôn” đó?

Rồi khi đọc hết cả mười chương, chương nào cũng thích thú – vì giọng ông rất hóm hỉnh – tôi nhận ra rằng mình đã ngờ oan ông. Ông can đảm chống lại ý kiến đại đa số các bạn đồng nghiệp của ông, làm cái “đích” cho bao nhiêu mũi tên tẩm độc mà không sờn lòng, nhưng chống lại một cách có lý, đầy lương thức, chứ không lập dị.

Trong mười chương bàn về mười vấn đề, vấn đề nào ông cũng xét cả hai phương diện: Lợi và hại, khi nào lợi, khi nào hại, lợi cho ai, hại cho ai? Tại sao? Chẳng hạn “vấn đề uống rượu”, uống nhiều thì có hại, tuổi trẻ không nên tập uống, nhưng đã ngoài bốn mươi tuổi mà chưa hề thích rượu thì không sợ thành nghiện nữa, và nếu hay ưu tư, kém ăn, khó ngủ thì có thể uống mỗi ngày một vài ly nhỏ, miễn là không bị những bệnh đau tim, loét bao tử, động mạch viêm v.v…

Về “vấn đề thể thao” cũng vậy, dưới 30 nên tập thể thao – hồi trẻ ông là một thể thao gia – nhưng từ 40 tuổi nếu không thích vận động mà thích nằm ghế xích đu thì đừng nên đua đòi người ta, đừng sợ dư luận, mà miễn cưỡng chạy nhảy tập tành, hại hơn là lợi.

Chủ trương của ông là không có một quy tắc bất di bất dịch nào áp dụng cho mọi người được mà cũng không có phương pháp trị bệnh nào công hiệu cho mọi bệnh nhân. Mập quá thì hại cho tim, cho động mạch, cần phải bớt ăn cho sút cân, nhưng một bà già 70 tuổi dù có dư hai ba chục ký lô thì cũng đừng nên bắt bà ta thay đổi cách ăn uống và lối sống. Hóa công đã cho bà mập mà vẫn thọ thì công trình của Hóa công tuyệt hảo rồi, đừng theo sở kiến hẹp hòi, nông cạn của ta mà đòi sửa đổi, chỉ “lợn lành” hóa “lợn toi” thôi. Trong sách toàn những lời khuyên khá sáng suốt, xác đáng như vậy. Ông không lập dị chút nào cả!

Đáng quý hơn nữa là ông có một nhân sinh quan rất khoáng đạt. Trong “Lời mở đầu” ông viết:

“Triết lý của tôi như vầy: chúng ta chỉ sống có một lần thôi. Hôm qua là dĩ vãng, ngày mai là hy vọng, hôm nay là đời sống. Mỗi ngày chúng ta cứ sống cho thỏa thích, nếu không thì không phải là sống. Chỉ có mỗi một quy tắc mà bạn phải theo là quy tắc của cổ nhân: Đừng thái quá”.

Trong chương VII, xét về bệnh ưu tư của thời đại, ông khuyên:

“Khi bạn kiếm được nhiều tiền quá, danh vọng cao quá, thiên hạ cúi rạp xuống chào bạn, bạn thử đặt lên bàn cân xem: một bên là sự thành công, một bên là sức khoẻ bị tiêu mòn, gia đình không vui, bạn bè thưa thớt, bên nào nặng, bên nào nhẹ? Bây giờ đã thành công rồi, bạn có chịu trả một giá đắt như vậy để mua cái danh lợi hão huyền kia nữa không?

Thực thích thú mà đươc nghe một bác sĩ nổi tiếng là duy vật nói như vậy. Ông Steincrohn không phải chỉ là một bác sĩ mà còn là một triết gia nữa.

Tôi nhận thấy khoa học Tây phương sau một hai thế kỷ thắng được thiên nhiên trong vài khu vực mà sinh ra tự hào, coi thường thiên nhiên, thì từ sau thế chiến vừa rồi đã bắt đầu tự nhận là lầm lẫn, đôi khi muốn trở về với thiên nhiên, chẳng hạn trong việc trồng trọt, chăn nuôi, người ta đã ngờ rằng dùng nhiều chất hóa học để diệt trùng, bồi bổ cho cây và súc vật mau lớn, chưa chắc là có lợi mà có thể có hại. Về sự nuôi trẻ, xưa người ta khuyên phải cho bú, cho ngủ đúng giờ, cấm trò bú tay, ngày nay người ta chủ trương ngược lại, như các ông bà ta hồi xưa: trẻ đòi bú thì cho bú, buồn ngủ thì cho ngủ, tha hồ được nút cái núm vú cao su. Về y khoa, nhiều bác sĩ đã cảnh cáo không nên mỗi mỗi đè bệnh nhân ra cắt “hạch hầu long” (amygdale), ruột dư, hoặc cắt cả trái mật, bao tử, như vậy trái với thiên nhiên, sẽ mang họa vì công trình nào của thiên nhiên cũng hoàn hảo. Phải tìm ra nguyên nhân của bệnh về thể chất và về tinh thần, tâm lý, do đó mà môn “tâm thể y học” (médecine psychosomatique) hiện nay đương được coi trọng.

Ông Steincrohn thuộc hạng bác sĩ tân tiến đó, khi ông khuyên người ta sống theo thiên nhiên, nghĩa là một cách điều độ và hợp với bản tính của mỗi người.

Tôi tin rằng đọc cuốn này, độc giả sẽ hiểu được phần nào xu hưởng tự nhiên của mình, tìm được một lối sống thích hợp với mình, vẫn tin khoa học nhưng không tận tin những thuyết chưa được chứng minh hẳn hòi, và nhờ vậy mà hết lo ngại, hưởng đời được nhiều hơn, sống lâu hơn.

Sau cùng tôi cần xin lỗi độc giả: Tôi không phải là nhà chuyên môn, nhiều danh từ y khoa dịch chắc chưa đúng, để độc giả khỏi hiểu lầm, tôi đã phải ghi thêm tiếng Pháp ở bên cạnh.

NGUYỄN HIẾN LÊ

HÃY QUÊN “MƯỜI ĐIỀU CẤM’’ VỀ SỨC KHỎE ĐI

Đừng làm cái này ư?
Đừng làm cái đó ư?

Mới rồi một ông bạn bảo tôi: “Mỗi lần ở phòng mạch một bác sĩ ra tôi đều ân hận. Rất ít khi tôi có cảm tưởng rằng mình đã theo đúng lời dặn của bác sĩ để công việc trị bệnh của ông được dễ dàng. Trái lại, tôi có cảm tưởng tội lỗi như một em bé không vâng lời”.

Không phải một mình ông bạn tôi như vậy đâu. Hầu hết mọi người đều ngán nghe các bác sĩ cấm đoán đủ thứ. Rồi đây các bệnh nhân sẽ như bọn trẻ khó trị, chống lại tất cả những điều người ta bảo họ làm. Phải nghe hoài những câu: “Đừng làm cái này, đừng làm cái nọ”, họ đâm ngán, riết rồi bịt tai lại, chẳng thèm nghe những lời khuyên nữa, bất kỳ là lời khuyên ra sao.

Chẳng hạn như một người thích hút thuốc lá một cách vừa phải, điều độ, ta gieo mối nghi vào trong đầu óc người đó, dọa rằng nếu không bỏ hút ngay sẽ đau, sẽ bị căng-xe[3] phổi, có chắc vậy không?

Một người khác, đã từ ba chục năm nay tự ý hạn chế, mỗi ngày chỉ uống một ly nhỏ rượu mà không thành một người nghiện rượu là vì vậy. Nhưng bác sĩ bảo người đó:

“Giá ông bỏ rượu đi thì hơn. Ông biết chứ, nếu cứ uống thì nhất định sẽ đau gan”. Có chắc vậy không?

Rồi người ta lại khuyên ta đừng ăn nhiều chất mỡ quá, phải vận động nhiều lên đừng để cho máu có nhiều choléstérol[4]. Mới đây, có người nghiên cứu rồi tuyên bố rằng, những thức ăn treo trên dàn bếp để “xông khói” có thể làm cho bao tử dễ bị căng-xe. Cũng may, trong trường hợp đó, người ta chỉ nói “có thể” thôi, chứ không phải là chắc chắn.

Thật ra chúng ta sống trong sự hoang mang lo lắng.

Bạn xét trường hợp những kẻ sợ vì những lời đe dọa về choléstérol. Họ kiêng ăn quá đỗi, không dám ăn uống như người thường nữa. Bạn lại xét cái thói nhịn ăn cho gầy, nó làm cho chúng ta thành một bầy cua khờ khạo, lúc nào cũng đói.

Còn bạn nữa, mỗi khi muốn nằm đưa võng để xả hơi, chứ không vận động như các bác sĩ dặn, bạn có thấy một chút mặc cảm tội lỗi không?

Rồi đôi khi nếm một thứ rượu cay, bạn có phải nghe người ta làm luân lý không?

Lại còn những kẻ sợ uống nhiều trà hoặc cà phê quá.

Và những kẻ nhịn cái hút một điếu xì gà sau bữa tối: những kẻ quá tin vào những bản thống kê, không dám mò tới điếu thuốc lá, những kẻ không dám ngậm ống điếu vì sợ người ta cười rằng lớn rồi mà vẫn còn cái nhu cầu của em bé phải mút một cái gì mới được.

Mới từ ít lâu nay, bọn bác sĩ chúng tôi có cái thói không khuyên bệnh nhân nên làm cái gì mà chỉ cấm họ làm cái này cái nọ, vì “cấm” bao giờ chẳng dễ dàng hơn là “khuyên”?

Có vô số lời cấm về sức khoẻ, dưới đây tôi chỉ xin kể “mười điều” thông thường trên khắp thế giới, ngày nào các bệnh nhân cũng phải nghe những lời “cấm” như vậy.

1 – Coi chừng đừng cho máu có nhiều choléstérol quá.
2 – Đừng biếng nhác, vận động lên.
3 – Đừng hút thuốc.
4 – Đừng uống rượu.
5 – Đừng ăn nhiều quá.
6 – Đừng lo lắng.
7 – Đừng để cho óc lúc nào cũng căng thẳng quá.
8 – Đừng dễ xúc động quá.
9 – Đừng đổi nhiều bác sĩ quá.
10 – Đừng “về vườn” sớm quá.

Họ muốn cấm gì thì cấm, bạn nên suy nghĩ, đừng nên vội tuân theo, sự dễ bảo, tuân lời là một tật lớn. Ai có muốn làm cừu thì làm, bạn nên làm sư tử. Phải biết chống đối một cách hợp lý.

Bạn nên nhớ rằng nhiều người ăn đủ các thứ kẹo và đồ ngọt mà không bị chứng đái đường. Có những người ăn mỡ thả cửa mà trong mạch máu không có nhiều choléstérol. Lại có nhiều người đàn ông cũng như đàn bà hút thuốc mà chẳng bị căng-xe. Chúng ta đều biết một số người có thể “nuốt đinh” mà chẳng hề đau bao tử. Cả trăm ngàn người ngày nào óc cũng bị căng thẳng mà huyết áp không cao, không đau tim, lại có nhiều người uống rượu mà không thành nghiện rượu…

Tôi biết có nhiều người nhịn ăn kem, ăn thịt, ăn bánh ngọt nếu họ biết chắc chắn rằng nếu máu không có nhiều choléstérol thì không bị chứng động mạch viêm (coronarite)[5] hoặc bị đứt mạch máu (attaque d’apoplexie)[6].

Chính bạn, bạn cũng sẽ ráng nhịn hút thuốc, mặc dầu là khổ sở lắm, nếu người ta có thể quyết chắc với bạn rằng thuốc lá gây ra bệnh căng-xe phổi.

Bạn sẽ chừa rượu nếu người ta chứng thực được rằng chừa rượu thì cứu được tim và gan.

Bạn sẽ chịu bớt ăn để cho gầy đi, nếu bạn biết chắc rằng mập lù thì nguy cho sinh mạng.

Bạn sẽ ráng tự chủ, không nổi giận nữa nếu biết chắc rằng tránh xúc động mạnh thì không bị đứt mạch máu trong óc.

Bạn sẽ vui lòng không oán hận ai nữa nếu người ta xác nhận rằng như vậy vết loét trong bao tử bạn sẽ bớt đau.

Nhưng bạn làm sao có thể tin chắc như vậy được, tin mà tôi làm nghề bác sĩ, và các bạn đồng nghiệp thành thực thắng thắn, vô tư của tôi, đều không dám tin chắc?

Tôi đã bỏ ra già nửa đời để dạy môn ngừa bệnh hoặc trực tiếp khi tiếp xúc với các bệnh nhân, hoặc gián tiếp khi diễn thuyết, viết sách, viết báo về môn đó. Vậy mà rốt cuộc tôi nghĩ rằng hễ các thuyết mới về sự nguy hại tới sinh mạng chưa được chứng thực chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa, thì vẫn không có lý do gì xác đáng, nghiêm trọng để cấm đoán, bắt bạn phải đề phòng kỹ lưỡng như vậy.

Nhân sinh quan của tôi như vậy: chúng ta chỉ sống có một lần thôi. Hôm qua là dĩ vãng, ngày mai là hy vọng, hôm nay là đời sống. Mỗi ngày chúng ta cứ sống cho thỏa thích, nếu không thì không phải là sống.

Chỉ có mỗi một quy tắc mà bạn phải theo là quy tắc của cổ nhân: Đừng thái quá.

Hết thảy chúng ta đều ưu tư, lo lắng về công việc làm ăn, về sức khoẻ, về tương lai. Tôi làm bác sĩ được nhận xét mọi hình thức, trạng huống của nỗi lo lắng.

Vì lo lắng nên nhiều người chỉ sống có một nửa, đôi khi chưa được một nửa nữa chứ!

Tôi là bác sĩ, có nhiệm vụ trừ cho bạn nỗi lo đó. Tôi muốn chỉ cho bạn một lối sống sáng suốt để được khoẻ mạnh, trong nhiều hoàn cảnh, bạn sẽ sung sướng biết cách nhận định được đúng trường hợp của mình. Tôi sẽ tặng bạn một hy vọng lớn.

Trong các chương sau tôi sẽ soát lại các phương diện tích cực và tiêu cực của “mười điều cấm đoán” tôi đã kể ở trên.

Tôi hứa với bạn đọc hết cuốn này, bạn sẽ nhận định được sâu sắc rằng bạn chỉ có một đời để sống thôi và có thể làm cho cuộc hành trình một đi không trở về đó thành một cuộc du lịch rất thích thú.

Để có tâm trạng đó, trước hết bạn nên quên mười điều cấm về sức khoẻ đã.

Đừng lo lắng nữa và nên nhớ rằng bạn phải yêu đời!

ĐỌC THỬ

ĐỪNG CHO MÁU CÓ NHIỀU CHOLÉSTÉROL QUÁ

Muốn khỏi chết thì phải sống.

Trong đời của ta mỗi ngày ta có thể hưởng vô số lạc thú, vậy mà tôi biết nhiều người, cả những bác sĩ, cứ bị cái ý ngừa bệnh ám ảnh hoài mà quên mất cái việc sống.

Tôi xin kể trường hợp bác sĩ X. Lần cuối cùng tôi gặp anh ta cách đây khoảng mười năm. Tôi không biết hiện nay anh ta còn sống không, nếu còn thì chắc chắn anh tin rằng tôi đã “chầu Diêm Vương” từ lâu rồi. Bác sĩ đó và tôi là hạn nội trú và cùng chuyên môn về tim, thường tranh luận với nhau.

Về y khoa, tôi phát biểu ý kiến một cách mềm mỏng, còn anh thì ngược lại, cũng như một thanh sắt, không sao uốn được.

Nếu bạn bị loét bao tử hoặc bị chứng động mạch viêm, mà anh ấy bắt gặp bạn hút thuốc thì đuổi ra khỏi phòng liền: “Đi bác sĩ khác!”.

Nếu huyết áp của bạn cao mà bạn ăn mặn quá thì cũng vậy: “Đi bác sĩ khác!”.

Nếu bạn phết bơ lên bánh mì thì cũng: “Đi bác sĩ khác!”.

Nếu trước bữa tối, bạn uống một ly rượu khai vị: “Đi bác sĩ khác!”.

Tôi nhớ lại hình dáng anh ta: má hóp, mặt sầu thảm, khô đét tựa một con mắm. Anh áp dụng thuyết của anh vào bản thân: coi chừng không cho máu có nhiều choléstérol, tập thể dục mỗi ngày, ghét rượu và thuốc lá: tóm lại anh sống theo những công thức toán học. Anh có thể nói mà không sợ sai: Không những phải làm như tôi khuyên mà còn phải noi gương tôi này.

Không có chứng cứ gì chắc chắn cả.

Cách đây khoảng mười lăm năm, nhân dự một hội nghị y học, chúng tôi gặp nhau trong một hành lang và cùng đi ăn sáng với nhau.

Anh ta bảo dọn cho anh một miếng bánh nướng không phết bơ, với một tách trà. Tôi ăn một chén trái lý với kem, bánh ngọt, ba miếng bơ, một miếng đùi thịt heo muối và uống một tách cà phê quấy với kem, đường.

Bảo rằng anh ta ghê tởm nhìn tôi thì còn là nhẹ đấy. Phải nói là anh đau khổ nữa, đau khổ đặc biệt khi tôi châm thuốc hút, mà tôi đã giữ ý chứ, đâu có dám phà khói về phía anh.

Anh hỏi tôi, giọng mỉa mai chua chát: “Anh tới nghe bài điều trần về chất choléstérol sáng nay không?”.

Tôi gật đầu, rồi chúng tôi bước vô phòng họp, ngồi gần nhau. Tôi không ngạc nhiên chút nào khi nghe tới kết luận của nhà bác học danh tiếng và của các vị có quyền uy khác về vấn đề “choléstérol”. Hết thảy đều thú thực chưa có một chứng cứ chắc chắn gì xác nhận rằng hễ trong máu có nhiều choléstérol thì mạch máu sẽ cứng mà sinh ra những bệnh trúng phong[7], động mạch viêm, vân vân. Hiện nay[8], cách nhiều năm rồi, mà vẫn chưa có gì chắc chắn. Vậy mà anh bạn tôi, cả bác sĩ và nhiều người khác nữa, cứ cho rằng đó là một chân lý không còn nghi ngờ gì cả.

Hậu quả: Cả ngàn con bệnh sống một cách chán nản, sợ sệt, chưa ngồi vào bàn ăn đã lo lắng nào là thức ăn có nhiều mỡ quá, nào là trong máu sẽ có nhiều choléstérol quá, sẽ sinh bệnh động mạch viêm mà chết lăn đùng ra mất.

Bạn có sợ choléstérol không?

Khi bạn bảo dọn cho bạn hai cái trứng tráng, nhìn hai lòng đỏ nó “trừng trừng ngó bạn”, bạn có thấy hoảng không? Có tưởng tượng ra rằng chất mỡ của hai lòng trứng vàng, nhầy nhầy đó, nuốt vào trong bụng, chạy vô mạch máu, rồi đóng lại thành một lớp dầy trong các huyết quản ở quanh trái tim và đưa bạn xuống huyệt trước kỳ hạn của bạn không?

Bơ, kem, trứng, thịt, mỡ, bánh ngọt, pho mát, hết thảy đều là những kẻ thù có thể sát hại bạn đấy, người ta bảo vậy. Trách gì mà, ngồi vào bàn ăn, nhiều người cảm thấy sợ sệt, thèm ăn muốn chết mà không dám ăn.

Tôi nhớ lại cái tuổi thơ sung sướng của tôi, buổi chiều nào tôi cũng quơ một miếng bánh bự, quết một lớp bơ thật dầy, rắc đường lên thật nhiều, và uống thêm một ly sữa nữa.

Và tôi thương hại cho bọn nhỏ ngày nay. Tôi đã đọc những cuốn sách khoa học trong đó người ta bảo phải đề phòng chứng “động mạch cố kết” (artérioclérose)[9] ngay từ hồi nhỏ. Một số bác sĩ còn bảo không nên cho trẻ ăn nhiều chất mỡ, ngay khi sữa trẻ thường uống cũng gây ra nhiều chứng bệnh về động mạch sau này.

Tôi chắc chắn rằng anh bác sĩ của tôi hoan nghênh thuyết đó lắm. Tôi thì không. Vì nghĩ coi, chỉ vì một lý thuyết mà bắt trẻ phải nhịn sữa thì kể cũng quá đáng.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button