Quà tặng cuộc sống

Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Thích Nhất Hạnh

Download sách Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách hay về cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Trọn bộ ebook :             

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Tôi đã từng đọc rất nhiều sách self-help (tôn giáo lẫn phi tôn giáo), và để ý rằng hầu hết đều đưa ra những tư tưởng thú vị cùng một vài ví dụ để tạo cảm hứng cho người đọc, thế nhưng rất ít cuốn nào đưa ra những bài tập có thể dễ dàng áp dụng vào cuộc sống hằng ngày như cuốn “Phép lạ của sự tỉnh thức” này. Từ cách đi, cách thở, cách trị liệu đối với cơn giận, v.v.. quyển sách đều đưa ra những bài tập ngắn và thực tế, không yêu cầu nhiều thời gian (vốn quý hơn vàng trong cuộc sống hiện đại bận rộn này!). Tôi có thử áp dụng các bài tập của thiền sư và cảm thấy tính cách của mình được ôn hòa hơn chút đỉnh – và tôi tin rằng chỉ cần áp dụng những bài tập dù rất đơn giản trong cuốn sách này thôi, thì với thời gian sẽ tạo được những thay đổi lớn theo hướng tính cực trong tính cách và thói quen ở mỗi người.

“Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức là những phương pháp nhiệm màu thực tập thiền quán trong đời sống hằng ngày. Đọc nó, chúng ta cảm nhận được từng sát na hạnh phúc trong cuộc sống. Từ một bác sĩ, một người công nhân, một thợ may, một người thợ tiện, một bà nội trợ đến một kỹ sư…Tất cả những công việc thường nhật đó bỗng trở nên phép lạ khi thắp lên ánh sáng chánh niệm.

Sách đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng trên thế giới, được mọi độc giả, mọi thành phần trong xã hội nhiệt liệt hoan nghênh. Có thể thấy rằng đây không chỉ là một cuốn sách mà là những chia sẻ kinh nghiệm nếp sống chánh niệm trong đời sống hằng ngày, là bài học căn bản thực tập thiền quán của Thiền sư Nhất Hạnh.

NGUYÊN TẮC RỬA BÁT ĐỂ MÀ RỬA BÁT

Thứ bảy tuần rồi, tôi có đem chuyện Steve kể lại cho những người tham dự buổi giảng kinh, có một anh nói: “Steve đã tìm ra nguyên tắc nhưng chưa tìm ra phương pháp”. Tôi nói: “Tìm ra nguyên tắc được thì cũng tìm ra phương pháp được”. Nếu Steve tìm được hứng thú trong lúc học bài với Mickey thì tức là Steve áp dụng hữu hiệu một vài phương pháp nào đó mà Steve đã tự tìm ra một mình. Đâu có phải chỉ có kinh Quán niệm hơi thở mới cung cấp được cho mình những phương pháp. Steve tuy có học Phật và đọc được Sanscrit, nhưng Steve không phải là người đã qui y. Nhưng không ai cấm người không phải là Phật tử thực hành những phương pháp Phật giáo, với lại phương pháp Phật giáo không phải là những phương pháp duy nhất. Lại còn điều này nữa, không phải chỉ những Phật tử mới tìm ra phương pháp Phật giáo. Đức Thích Ca Mâu Ni, các bậc Duyên giác và Bích chi Phật cũng đâu có là Phật tử trước khi tìm được con đường và những phương pháp đạt đạo, phải không?

Một chị nói: “Thế thì một hôm nào đó, mình sẽ mời Steve tới nói về kinh nghiệm của Steve cho mình nghe, mình có thể học hỏi những kinh nghiệm của Steve”. Tôi nghĩ khi chị ấy nói như thế, chị xác nhận một điều quan trọng: Người Phật tử không nắm hết chân lý, người Phật tử có thể học được kinh nghiệm của những người không phải Phật tử và quan hệ hơn nữa, người Phật tử có thể học hỏi Phật pháp với những người không phải Phật tử. Tôi nhớ lại câu nói quen thuộc trong Phật giáo Đại thừa: “Phật pháp tức là thế gian pháp”. (Phương pháp của Phật cũng là phương pháp của cuộc sống) và “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” (Phương pháp của Phật áp dụng trong cuộc sống không thể tách ra ngoài sự thức tỉnh của cuộc sống). Vậy ta có thể nói: Phương pháp của kinh Quán niệm hơi thở cũng dính líu tới sự thức tỉnh của Steve phải không?

Nhưng mà Steve cũng có thể áp dụng những phương pháp dạy trong kinh Quán niệm hơi thở, nếu Steve muốn, chắc đâu là những phương pháp mà Steve tìm ra đã đủ để đưa Steve tới chỗ thành công hoàn toàn. Mỗi đêm mà phải thức dậy chừng mười lần để xem thử bé Zoe còn thở không, điều đó cũng hơi làm mình bực mình đấy chứ. Nhiều người mới nghe đã có thể gắt lên rồi, huống hồ là tự họ phải làm như Steve. Biết đâu trong kinh Quán niệm hơi thở lại chẳng có phương pháp giúp Steve xem thì giờ ngủ và thì giờ thức của bé Zoe là một.

Các tác viên xã hội của trường chắc hẳn cũng muốn biết xem thành quả của Steve đạt được lớn lao tới chừng nào, có phải không? Có tác viên nào mà lại chẳng thấy thời giờ dành riêng cho mình quá ít ỏi.

Tôi cũng là một loại tác viên. Thiều cũng là một loại tác viên. Chúng mình cùng muốn biết làm thế nào Steve đã giật được vô khối thì giờ cho Steve. Steve đã đạt được “vô khối thì giờ” thật chưa! Hay chỉ mới đạt trên nguyên tắc?

Bên Mỹ có một anh chàng rất thân với tôi. Tên anh là Jim Forest. Anh ta ở trong tổ chức Catholic Peace Fellowship. Ngày xưa anh ta đã đốt thẻ trưng binh chống chiến tranh và đi tù hơn 1 năm. Hồi đó, nghe anh ta ở tù, tôi hơi ngại, bởi tánh anh ta rất hoạt động, nôn nóng muốn hành động, sợ không kham nổi sự tù túng trong phòng giam. Tôi viết cho anh một lá thư rất ngắn rằng: “Hãy nếm trái quýt của anh, hãy hợp nhất với trái quýt của anh, bởi vì ngày mai trái quýt ấy không còn nữa”. Tôi không ngờ câu nói của tôi có hiệu quả. Ba năm sau hồi tưởng lại chuyện ấy, Jim viết: “Câu ấy giúp cho tôi nhiều hơn là thầy có thể tưởng tượng! Nhờ câu ấy mà tôi tìm được sự an lạc nơi lao tù, làm bạn được với lao tù và sống trong lao tù những ngày lợi lạc”. Jim đã tìm được tự do trong lao tù, khôi phục được thì giờ và sự sống của mình ngay trong lao tù. Jim cũng khá đấy chứ, phải không Thiều?

Mùa đông năm kia Jim qua đây chơi. Tôi thường hay rửa bát sau khi ăn cơm xong trước khi lên ngồi uống trà. Một tối Jim đòi rửa bát. Tôi nói: “Rửa thì rửa nhưng phải biết cách rửa”. Jim nói: “Bộ thầy nói tôi không biết cách rửa chén hay sao?”. Tôi nói: “Có hai cách rửa chén. Cách thứ nhất là rửa để cho rửa xong, cách thứ hai là rửa không phải để cho rửa xong”. Jim thích quá nói: “Tôi sẽ chọn cách thứ hai, rửa chỉ để rửa mà thôi”. Từ đấy Jim hay giành rửa chén. Tôi giao “trách nhiệm” cho anh ta trong cả tuần. Sau đó về xứ, anh đã tuyên truyền “chủ nghĩa rửa chén để mà rửa chén” trong nhiều bài báo. Anh ta tuyên truyền nhiều quá, ngay cả trong gia đình nữa. Khiến Laura cười bảo anh: “Ở dưới bếp chỉ còn chén bát sạch, nếu anh thích rửa bát để mà rửa bát quá như vậy thì sao anh không xuống đem chén bát sạch ra mà rửa lại một lần nữa đi”.

Hồi tôi còn làm “Điệu” tại chùa Từ Hiếu, cách đây 30 năm, rửa chén bát không phải là một việc làm dễ chịu lắm đâu nhé! Vào những mùa an cư, hai người trực nhật phải nấu cơm và rửa bát có khi cho hơn 100 thầy. Xà phòng không có, chỉ có tro trấu và bẹ dừa mà thôi. Ngồi trước một đống chén bát lớn như vậy rất nản. Nhất là nhằm mùa đông phải nấu một nồi nước nóng khá lớn mới rửa được vì nước lạnh, lạnh buốt. Bây giờ đứng rửa bát trong bếp, có xà phòng nước, có tissus Metalliques, có nước ấm chảy dưới tay mình, thật là dễ chịu hơn nhiều quá. Ấy vậy mà ai đã rửa bát ai cũng muốn rửa thật mau cho xong, để mà lên ngồi chơi, có nhiều bà đòi chồng mua cho được cái máy rửa chén. Thiều à! Cái máy giặt tôi còn chịu được (Mấy năm ở ngoại quốc tôi chỉ giặt bằng tay) chứ còn cái máy rửa chén thật tình tôi không chịu nổi. Các bà ở quê mình sẽ chép miệng “Mèn đéc ơi, làm biếng đến vậy là cùng…”.

Theo tinh thần của kinh Quán niệm hơi thở thì trong khi rửa bát mình chỉ nên rửa bát mà thôi: Có nghĩa là khi rửa bát mình có ý thức được rằng sự kiện chính mình đang rửa bát? Mới nghe qua thì thấy buồn cười. Rửa bát thì có gì hay ho đâu mà tập trung ý lực vào đấy nhiều như thế. Nhưng quả thực tất cả sự hay ho là nằm chỗ đó nghe Thiều. Sự kiện tôi đứng đây rửa và rửa những cái bát này là một sự kiện mầu nhiệm. Tôi hoàn toàn là tôi, làm chủ được hơi thở tôi, ý thức được sự có mặt, ý thức tâm, ý thức ý và hành động của tôi. Tôi không bị động trong hoàn cảnh như một cái nút chai bị những đợt sóng trên mặt biển vùi dập và lôi kéo, tâm ý tôi không tán thất trong loạn tưởng như một mớ bọt biển trên đầu sóng, tan nát thảm thương khi làn sóng đập đầu vào ghềnh đá.

ĐỌC THỬ

LÀM HÒA VỚI MÚI QUÝT

Nếu trong lúc rửa bát mà ta chỉ nghĩ tới tách trà, nghĩ tới sự nghỉ ngơi hay bất cứ một công chuyện nào trong tương lai, và chỉ muốn cho việc rửa bát qua mau, xem việc rửa bát như một cực hình thì ta không “rửa bát để mà rửa bát”, ta không sống trong thời gian rửa bát, ta không chứng thật được phép lạ của sự sống trong thời gian rửa bát.

Không biết rửa bát thì khi cầm tách trà lên, có thể ta cũng không biết uống trà. Cầm tách trà lên ta có thể chỉ nghĩ đến những chuyện khác mà không biết là ta đang nâng tách trà trong tay. Cứ như thế, ta bị thâu hút vào trong tương lai, bị con ma vị lai thâu hút hết hồn vía, đi ngang sự sống mà không sống được giây phút nào của sự sống. Câu chuyện múi quýt của Jim cũng đã xảy ra trong trường hợp này. Có lần, lâu lắm rồi, Jim ngồi ăn quýt với tôi mà cứ phóng tưởng về công việc trong tương lai. Hồi ấy mỗi khi nghĩ tới một dự tính nào có tánh cách hấp dẫn là Jim hoàn toàn bị thu hút vào đó và quên hẳn thực tại trong hiện tại. Tay Jim bóc vỏ quýt mà miệng Jim như nhai hết múi quýt này tới múi quýt nọ. Thế mà Jim đâu có biết mình đang ăn quýt. Tôi mới nói với chàng ta: “Thì anh hãy ăn múi quýt của anh đi đã”. Jim giật mình thức giấc. Lúc đó anh ta đang ăn hết múi quýt này đến múi quýt khác, không ngưng. Thế mà tôi lại nhắc anh ta ăn quýt, làm như anh ta đang không ăn quýt. Mà thực ra anh đâu có đang ăn quýt. Anh ta đang “ăn” cái dự tính của anh ta mà. Người xưa nói: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị” (Tâm ý không có mặt, thì nhìn mà không thấy, nghe mà không rõ, ăn mà không biết mùi vị). “Tâm bất tại”, tức là sự vắng mặt của ý thức. Một trái quýt có nhiều múi, ăn được một múi quýt thì có thể ăn được hết trái quýt, còn nếu một múi mà cũng không ăn được, thì cả trái quýt cũng không ăn được. Jim là một anh chàng thông minh. Anh ta dừng tay lại nghe sự có mặt của múi quýt trên lưỡi mình, ăn múi quýt một cách thật đàng hoàng và gật đầu trước khi đưa tay gỡ một múi khác. Sau cùng, như Thiều biết, anh ta đã có thể xem lao tù như một múi quýt và làm hòa bình với múi quýt đó.

Hồi tôi mới vào thiền viện, cách đây cũng đã trên ba mươi năm, các thầy trao cho tôi tập “Tỳ Ni Nhật Dụng thiết yếu” của thiền sư Độc Thể chùa Bảo Sơn và bảo tôi học thuộc lòng. Đây là một tập sách mỏng chừng bốn mươi trang thôi, ghi chép những ý tưởng mà thiền sư Độc Thể đã dùng để thắp sáng tâm ý của ông trong mọi cử chỉ, hành động. Ví dụ khi mới thức giấc vào lúc ban mai, ông cho khởi dậy ý tưởng này trong trí: “Vừa mới tỉnh giấc, tôi mong cho mọi người sớm đạt được trạng thái tỉnh thức lớn, hiểu biết thấu suốt mười phương”. Khi múc nước rửa tay, ông sử dụng ý tưởng này để tự đưa mình về trạng thái ý thức: “Múc nước rửa tay, tôi mong cho mọi người có những bàn tay trong sạch để đón nhận lấy chân lý”.

Toàn tập “Tỳ Ni Nhật Dụng thiết yếu” chỉ có những câu như thế. Mục đích là giúp người hành giả mới vào đạo nắm lấy được tâm ý mình. Thiền sư Độc Thể đã giúp cho hành giả mới vào đạo thực hiện những điều dạy trong kinh Quán niệm một cách tương đối dễ dàng. Mỗi khi mặc áo, rửa chân, đi cầu, trải chiếu, gánh nước, súc miệng… người hành giả đều có thể mượn một ý tưởng trong “Tỳ Ni Nhật Dụng” để nắm bắt tâm ý.

Kinh Quán niệm hơi thở nói: “Khi đi hành giả ý thức rằng mình đang đi, khi dừng ý thức rằng mình đang đứng, khi ngồi ý thức rằng mình đang ngồi, khi nằm ý thức rằng mình đang nằm, bất cứ thân thể mình đang được sử dụng trong tư thế nào, hành giả cũng ý thức được tư thế ấy của thân thể. Cứ như thế hành giả sống trong sự thường trực quán niệm thân thể… ý thức được những tư thế của thân thể.” Tuy vậy vẫn chưa đủ, kinh Quán niệm nói ta phải ý thức về mọi hơi thở, mọi động tác, mọi hiện tượng sinh lý, vật lý, cảm giác và tư duy liên hệ tới bản thân nữa.

Nhưng quán niệm như thế để làm gì? Thì giờ đâu mà quán niệm? Một tác viên nếu bỏ cả ngày để làm việc quán niệm thì còn thì giờ đâu nữa để làm công việc tác động quần chúng trong phạm vi tái thiết và phát triển xã hội? Anh chàng Steve của chúng ta làm thế nào mà có thì giờ để vừa làm việc vừa quán niệm, vừa học bài với Mickey, vừa đem tã lót của Zoe tới tiệm giặt.

PHÉP LẠ LÀ ĐI TRÊN MẶT ĐẤT

Steve có nói là từ khi biết lấy thì giờ của Mickey và của Marie làm thì giờ của mình thì chàng ta có “vô khối”, nhưng đó có thể là đứng trên nguyên tắc mà thôi. Bởi vì Steve có thể quên lãng trong khi học bài với Mickey. Steve có thể quên rằng thì giờ của Mickey cũng là thì giờ của mình, và như vậy Steve có thể đánh mất thì giờ như chơi. Steve có thể mong cho thì giờ ấy chóng qua hoặc sinh ra cáu kỉnh vì thì giờ ấy không thú vị, không phải là thì giờ của mình.

Vì vậy muốn thật sự có vô khối thì giờ (nghĩa là không chỉ trên nguyên tắc), Steve cần giữ ý thức “Đây là thì giờ của ta” sáng tỏ mãi trong suốt thời gian học bài với con. Trong khi ấy tâm ý con người hay buông lung và từ ý tưởng này, tâm ý bắt sang ý tưởng khác như con vượn chuyền cành. Muốn giữ cho ý thức hiện thực sáng tỏ (từ đây về sau tôi sẽ dùng danh từ “chánh niệm” để thay thế cho mệnh đề “ý thức sáng tỏ về hiện thực”) thì cần đôi chút luyện tập. Tập luyện ngay trong đời sống hàng ngày và thực tập trong những buổi thiền quán. Trong khi một tác viên đi bộ trên con đường đất đỏ để tới đầu làng, anh cũng có thể thực tập quán niệm. Anh đi từng bước vững chãi trên con đường đất đỏ hai bên có viền cỏ xanh và khởi chánh niệm trong trí anh, ý thức được là mình đang đi trên con đường đó, con đường dẫn tới làng. Anh tập trung ý tưởng vào đối tượng quán chiếu duy nhất ấy. Ta đi trên con đường đầu làng, trời lạnh hoặc trời mưa, đường khô hay con đường lầy lội. Anh cũng duy trì chánh niệm. Anh không lặp đi lặp lại trong trí một cách máy móc “Tôi đang đi trên con đường đầu làng!”. Máy móc là sự ngược lại của chánh niệm. Có người niệm Phật như một cái máy trong lúc tâm trí đi phiêu lưu xa thực tại ngoài ngàn dặm. Tôi nghĩ niệm Phật như thế còn tệ hơn là không niệm Phật. Nếu ta thực sự duy trì được chánh niệm trong khi ta đang bước trên con đường làng, ta sẽ thấy sự kiện ta đang bước trên con đường làng là một sự kiện mầu nhiệm. Một niềm vui nở ra từ tim ta như một đóa hoa và bao trùm lấy thế giới hiện thực. Tôi ưa đi bộ một mình trên những con đường quê, hai bên có những bông lúa hay cỏ dại và đặt từng bước chân ý thức trên đất, biết mình trong hiện tại đang đi trên hành tinh màu xanh kỳ diệu. Những lúc nh thế tôi thấy hiện hữu mầu nhiệm một cách lạ kỳ. Người ta thường nghĩ rằng đi trên mặt nước hay đi trên than hồng là thực hành phép lạ. Tôi nghĩ phép lạ không phải là đi trên mặt nước hay đi trên than hồng mà là đi trên mặt đất.

Hàng ngày ta thực hiện phép lạ mà ta thường không hay biết. Thiều nhìn thử lại xem trời xanh, mây trắng, lá lục và đôi mắt bé thơ Hải Triều Âm đen lay láy. Hai mắt của Thiều cũng là một phép lạ mà trời kia, mây ấy, lá nọ cũng là phép lạ phải không?

Thiền sư Độc Thể nói: “Khi ngồi nên ngồi thật ngay thẳng và khởi niệm”. Ngồi đây cũng như ngồi trên pháp tọa bồ đề. Pháp tọa bồ đề là chỗ một đức Phật đã ngồi mà chứng ngộ. Nếu có hằng hà sa số Phật tức là đã có sa số người đã giác ngộ, và chỗ bãi cỏ tôi ngồi hôm trước ấy thế nào cũng có một đức Phật đã ngồi.

Thi sĩ Nguyễn Công Trứ cũng có ý thức sáng khi ông ngồi xuống một chỗ ngồi và thấy được rằng ngày xưa, cổ nhân đã từng ngồi trên chỗ ông đang ngồi, và ngàn muôn năm sau cũng sẽ có người tới ngồi chỗ ấy.

“Ngã kim nhật tại tọa chi địa

Cổ chi ngân tằng tiên ngã tọa chi

(Ngàn muôn năm âu cũng thế ni

Ai hay hát mà ai hay nghe hát)”.

Chỗ ngồi và thời gian trong giờ phút ấy trở thành hợp nhất trong một hiện tại vĩnh cửu.

Nhưng người tác viên không phải có thì giờ để suốt ngày thong thả chơi trên những con đường cỏ xanh và ngồi dưới gốc cây. Người tác viên phải soạn thảo, dự án công tác, bàn bạc với dân làng, giải quyết trăm ngàn khó khăn lao động nơi ruộng vườn, đối phó với cường hào ác bá. Trong thời gian thực hiện công tác đó, anh hoặc chị phải để tâm ý vào công việc, đề cao cảnh giác, sẵn sàng phản ứng một cách thông minh và hữu hiệu. Tất cả những điều ấy chính là quán niệm. Thực tập quán cũng là để có thể để hết tâm ý vào công việc, đề cao cảnh giác và phản ứng thông minh. Trong lúc bàn cãi giải quyết và đối phó, sự bình tâm và tự chủ là những yếu tố cần thiết để đi tới kết quả tốt đẹp, anh chị tác viên nào cũng rõ điều ấy. Nếu ta không tự chủ mà để cho sự nóng giận hoặc đãng trí kéo đi thì hiệu năng của ta không còn bao năm nữa.

Quán niệm là một phép lạ mà ta có thể sử dụng để khôi phục và thâu hồi tự thân. Giả dụ một nhà ảo thuật nào đó đem thân thể ta chia làm nhiều phần và đặt mỗi phần ở một địa phương khác nhau. Bàn tay đặt phía Nam, bắp chân đặt ở Bắc, cánh tay đặt phía Đông… Rồi dùng phép lạ hô lên một tiếng. Mỗi phần của thân thể lặp tức liền lại với nhau, để thân thể ta trở nên toàn vẹn trở lại. Quán niệm cũng thế, đó là phép lạ để tụ họp trong chớp nhoáng tâm ý phiêu lưu, tản mát khắp chốn và thực hiện tự tâm toàn vẹn trong giây phút hiện tại của sự sống.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button