Quà tặng cuộc sống

Những Quy Tắc Trong Đời Sống Vợ Chồng

nhung quy tac trong doi song vo chong sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đang cập nhật

Download sách Những Quy Tắc Trong Đời Sống Vợ Chồng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Khi một đôi nam nữ gặp nhau, tình yêu có thể đến như sét đánh, nhưng cũng có thể sau một thời gian khá dài tìm hiểu, và ít nhiều thì các bạn cũng tự trang bị cho mình những kỹ năng để chinh phục nửa kia của mình. Không những thế mà các bạn còn hăng hái “nâng cấp” từ bên trong lẫn bên ngoài để đi đến thành quả cuối cùng: Một đám cưới!

Sau cuộc “trường chinh” vất vả ấy, cả hai trải qua thời kỳ trăng mật, hạnh phúc, vui vẻ bên nhau để rồi sau đó dần bộc lộ ra hầu hết bản chất thực của mình, từ những phẩm chất tốt cho đến những hạn chế và cả những thái độ bê bối trong cuộc sống, với quan niệm bây giờ “ván đã đóng thuyền, chim đã vào lồng” thì mình cứ tự nhiên như “ở nhà” vậy! Điều đó không sai, chúng ta phải sống với con người thực của mình, nhưng điều đó cũng có thể đem lại những thách thức cho cuộc sống vợ chồng, vì đó là điều mà không phải “đối tác” nào cũng có thể chấp nhận hay thông cảm được.

Để khắc phục, không cần bạn phải thay đổi tính cách hay phải tiếp tục che dấu con người thực, vì điều đó là không thể, mà cần phải học hỏi và chứng tỏ được sự quan tâm và tôn trọng đối với người mình yêu thương, vì đôi khi sự thiếu hiểu biết những biện pháp ứng xử hợp tình, hợp lý lại trở thành những yếu tố phá hoại hạnh phúc gia đình.

Từ thành công của Bộ Quy tắc , Alpha Books đã tiến hành biên soạn cuốn Những quy tắc trong đời sống vợ chồng với sự cộng tác của nhà báo Song Nhi và bạn Diễm Hằng. Bằng những kinh nghiệm và hiểu biết trong cuộc sống, các tác giả đã trình bầy với các bạn rất gãy gọn nhưng đầy đủ từ các quy tắc cần thiết trong việc ứng xử giữa vợ chồng, ứng xử với những người thân của hai gia đình, cách chi tiêu trong nhà cho đến việc nuôi dạy con cái đến những quy tắc để có được sự hòa hợp trong đời sống tình dục, một vấn đề tế nhị mà chúng ta ít khi muốn nói ra, nhưng đây lại là một trong những yếu tố rất quan trọng trong đời sống vợ chồng. Nhiều đôi vợ chồng phải nói lời ly dị cũng chỉ vì chuyện hai vợ chồng không hòa hợp với nhau trong đời sống tình dục.

Với 100 quy tắc trong cuộc sống vợ chồng, với cách hành văn tự nhiên, và chân tình các tác giả đã dẫn dắt chúng ta đi từ sự thú vị này đến sự thú vị khác, từ khám phá này đến khám phá khác, dù đôi khi chỉ là những nguyên tắc hết sức đời thường mà chúng ta đã vô tình quên, khiến chúng ta nhận ra rằng đó chính là những quy tắc rất thiết yếu để làm cho cuộc sống gia đình luôn bền vững.

Chúng tôi rất hân hạnh được giới thiệu với độc giả cuốn sách này, trong bộ sách Quy tắc mà Alpha Books sẽ lần lượt ấn hành, và mong rằng cũng như các quy tắc khác trong cuộc sống, sẽ giúp chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình để tìm ra được những kỹ năng hiệu quả, đơn giản góp phần vào việc nâng cao giá trị bản thân, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người thân yêu. Được như thế, cũng là một phần thưởng rất lớn cho các tác giả và cho những người biên soạn các bộ sách này.

ĐỌC THỬ

QUY TẮC 1

LUÔN ĐẶT BẠN ĐỜI LÊN VỊ TRÍ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU

Khi kết hôn với ai đó, tức là bạn đã chấp nhận gắn kết phần còn lại của cuộc đời mình cho họ và đương nhiên, vợ/chồng phải là người quan trọng nhất đối với bạn. Dù trong hoàn cảnh nào, bạn đời phải luôn được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Có thể bạn nghĩ rằng cha mẹ, người thân trong gia đình mình mới là quan trọng, ưu tiên hơn cả. Tuy nhiên, gia đình thân thuộc nhất của bạn lúc này không ai khác ngoài vợ/chồng của mình.

Trước khi lập gia đình, bạn có nhiều mối quan hệ khác ngoài gia đình như bạn bè, đồng nghiệp, v.v… Nhưng khi đã kết hôn, tôi cho rằng việc điều chỉnh sự ưu tiên trong các mối quan hệ đó rất cần thiết để tạo hạnh phúc, sự bền vững cho hôn nhân. Không người chồng, người vợ nào thấy vui vẻ, được tôn trọng khi họ bị xếp thứ hai hoặc thứ ba, tư trong danh sách ưu tiên của người kia.

Có rất nhiều người thường đặt cha mẹ ruột, bạn bè thân thiết lên trên cả bạn đời mình. Nếu có vấn đề gì, họ sẽ tâm sự với những người đó để tìm ra giải pháp mà không phải là bạn đời của mình. Điều này thật sai lầm! Không ai hiểu rõ cuộc sống hôn nhân của bạn ngoài hai bạn, kể cả cha mẹ bạn.

Do đó, những ý kiến, lời khuyên, v.v… từ bên ngoài sẽ không chính xác và hợp lý. Đôi khi nó không giúp gì, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến hôn nhân của bạn. Hoặc là khi bạn đang ở nhà, một người bạn thân gọi điện cho bạn nhờ bạn giúp chuyện gì đó trong khi vợ/chồng bạn đang cần bạn. Cách cư xử đúng là bạn phải ở bên bạn đời trước, đảm bảo là mọi thứ ổn thỏa cho anh ấy/cô ấy rồi mới đến giúp bạn của mình. Trong khi rất nhiều người làm ngược lại. Có thể một hay hai lần như vậy, bạn đời sẽ không lấy làm giận hờn hay trách bạn, tuy nhiên, anh ấy/cô ấy vẫn có cảm giác hơi buồn, tủi thân. Và nếu cứ lặp lại, cảm giác đó sẽ ngày càng nhiều, bạn đời sẽ bị tổn thương. Từ đó, tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ.

Ngoài ra, khi hai vợ chồng đều là ưu tiên số một trong lòng người kia thì mối quan hệ của hai người sẽ luôn gắn bó và khăng khít, ít bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài như gia đình hai bên, bạn bè, v.v… Rất nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ chỉ vì chồng hoặc vợ xem trọng người khác hơn bạn đời của mình, và đưa ra quyết định sai lầm dựa trên những ý kiến từ bên ngoài.

Một vấn đề nữa đó là việc quan tâm đến bạn đời ngay cả sau khi có con cái. Tôi biết bạn biết điều này. Nhưng biết và thực hiện là hai chuyện khác nhau. Có nhiều người hiểu rất rõ nhưng vẫn không làm được.

Bạn đời luôn phải là người quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn, và phải luôn giữ tình yêu, sự quan tâm đến họ như trước khi các bạn có con. Bạn yêu người ta nhiều đến mức có con cái với họ, vậy thì không có lý do gì họ trở nên ít quan trọng hơn sau khi con cái ra đời. Vả lại, sau khi con cái trưởng thành, lập gia đình và sống cuộc sống riêng thì sẽ chỉ còn bạn với người bạn đời của mình. Và nếu họ không là ưu tiên, quan tâm hàng đầu của bạn thì khi đó, bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng đấy.

Đặc biệt với người đàn ông, họ thường có tâm lý ganh tỵ với con và trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Họ thấy hụt hẫng và tủi thân khi vợ dồn hết sự quan tâm và yêu thương vào con cái. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và lợi ích của con. Đứa trẻ phải được nuôi dạy và lớn lên trong môi trường hạnh phúc, trong tình yêu thương của cha mẹ thì mới phát triển toàn diện về tâm sinh lý. Vì vậy, bạn không nên lơ là với bạn đời, họ có thể cần ít thời gian và sự chú ý của bạn hơn các con nhưng họ phải là người quan trọng nhất đối với bạn và luôn luôn là như vậy.

KHI HAI VỢ CHỒNG ĐỀU LÀ ƯU TIÊN SỐ MỘT TRONG LÒNG NGƯỜI KIA THÌ MỐI QUAN HỆ CỦA HAI NGƯỜI SẼ LUÔN GẮN BÓ VÀ KHĂNG KHÍT.

QUY TẮC 2

LẮNG NGHE, TÔN TRỌNG Ý KIẾN CỦA NHAU ĐỂ CÙNG TÌM RA TIẾNG NÓI CHUNG

Trong cuộc sống hôn nhân, không thể tránh khỏi xảy ra xung đột trong quan điểm, suy nghĩ. Để giải quyết xung đột này và cùng đi đến giải pháp chung hợp lý cho cả hai không khó, nó chỉ đòi hỏi sự thông cảm, tế nhị và ý thức từ hai phía. Có thể bạn là người rất có cá tính, có lập trường, có quan điểm riêng và bạn có những lập luận chặt chẽ, hợp lý để bảo vệ quan điểm, ý kiến của mình. Điều đó không sai, không phải là không tốt. Nhưng trong đời sống vợ chồng, bạn cần linh động và nên nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, thậm chí là đặt mình vào vị trí của bạn đời để nhìn vấn đề sao cho hợp lý nhất.

Hãy lắng nghe bạn đời bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của họ, không ngắt lời, không phản bác theo kiểu “Thôi dẹp đi, anh/em nghĩ sao mà nói vậy’’, v.v… cho dù ý kiến của họ có trái ý của bạn đến đâu. Việc gạt phắt phát biểu của bạn đời như vậy không những làm anh ấy/cô ấy tự ái, bị tổn thương mà còn làm cuộc xung đột căng thẳng hơn. Thậm chí, do tự ái, họ sẽ càng cố bảo vệ quan điểm của mình bất chấp điều đó đúng hay sai.

Do đó, thay vì gạt phắt, bạn hãy nhỏ nhẹ, bình tĩnh phân tích một cách tế nhị, nhưng vẫn không quên bày tỏ sự đánh giá cao của bạn về quan điểm đó dù nó không hợp lý lắm như “Em/ anh thì nghĩ như vậy…’’ hoặc “Ý kiến của anh/em cũng hay nhưng em/anh nghĩ là chưa hợp lý lắm, em/anh thấy sao nếu mình làm như vậy…’’. Tôi bảo đảm là với cách nói như vậy, bạn đời vừa không bị tự ái, lại vừa vui vẻ lắng nghe bạn nói.

Tuyệt đối không nên chê bai, hạ thấp quan điểm, ý kiến của bạn đời cho dù ý kiến đó tệ và ngốc nghếch đến đâu. Hãy luôn tôn trọng mọi lời nói, suy nghĩ của họ.

Đừng bao giờ lờ đi hoặc bỏ ngoài tai ý kiến của bạn đời. Chẳng hạn như nếu bạn thích nhuộm tóc nhưng chồng lại không thích. Vậy trong trường hợp này, bạn sẽ làm gì?! Vẫn đi nhuộm mặc kệ chồng không thích? Hay nghe lời chồng nhưng trong lòng lại ấm ức? Cách khôn ngoan nhất là thuyết phục chồng để anh ấy thay đổi suy nghĩ và vui vẻ để bạn đi nhuộm tóc.

Hãy quan tâm đến suy nghĩ, ý kiến của bạn đời trong mọi việc. Ví dụ như bạn muốn mua một bộ váy mới, bạn nên tham khảo ý kiến của chồng như “Anh thấy bộ này hợp với em không?’’, hoặc cuối tuần này bạn muốn mời vài người bạn về nhà ăn tối và nhậu lai rai, bạn không nên hẹn với bạn trước khi hỏi ý vợ, vì biết đâu hôm đó cô ấy có kế hoạch gì khác thì sao. Việc thường xuyên thăm hỏi, quan tâm và coi trọng ý kiến của nhau sẽ làm hai bạn cảm thấy luôn được tôn trọng và thấy mình quan trọng với người kia đến dường nào.

Tôi bảo đảm với bạn rằng khi hỏi ý kiến nhau, thông thường bạn đời sẽ ít khi từ chối ý muốn của bạn, tâm lý chung của họ là muốn chiều bạn để làm bạn vui vì bạn tỏ ra coi trọng họ hơn ai hết.

HÃY QUAN TÂM ĐẾN SUY NGHĨ, Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỜI TRONG MỌI VIỆC.

QUY TẮC 3

TRIỆT ĐỂ THÀNH THẬT VỚI NHAU

Chắc hẳn bất cứ ai cũng từng ít nhất một vài lần nói dối bạn đời, tùy vào trường hợp mà lời nói dối đó có nghiêm trọng hay không và có làm người nói dối cảm thấy áy náy hay không. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ và thường nghĩ: “Chuyện đó không hề nghiêm trọng, nói dối một chút cũng không hại ai’’. Nhưng từ khi quen ông xã, tôi đã thay đổi suy nghĩ đó. Nói dối dù chỉ đối với một việc nhỏ nhặt cũng không tốt trong mối quan hệ. Vì nó sẽ tạo cho bạn thói quen nói dối một cách vô thức, điều này cực kỳ nguy hiểm.

Hãy luôn luôn thành thật với nhau trong mọi chuyện. Sự thành thật sẽ tạo niềm tin tuyệt đối vào nhau. Khi bạn đã có thói quen thành thật, bạn sẽ thấy là bạn không thể nói dối bạn đời nữa. Trong trường hợp đã nói dối, bạn cũng sẽ thấy rất áy náy và có lỗi (điều không bao giờ có nếu hai bạn thường xuyên nói dối nhau). Thử tưởng tượng bạn đời luôn tin tưởng bạn và không bao giờ nghi ngờ những gì bạn nói, nhưng bạn lại không thành thật với họ, nếu phát hiện ra bạn nói dối, họ sẽ có cảm giác không thể tin bạn nữa và bị tổn thương ghê gớm.

Sự thành thật luôn được đánh giá cao trong mọi trường hợp. Tôi rất hạnh phúc vì có một người chồng luôn thành thật với tôi, thậm chí có lần anh ấy thú nhận với tôi là đã đi quán bar thoát y với bạn. Tôi đã rất tức giận nhưng vẫn tha lỗi cho anh vì sự chân thành. Thực chất là anh có thể giấu tôi chuyện đó và tôi sẽ không bao giờ biết, nhưng anh đã không làm như vậy.

Quả thực, trong đời sống vợ chồng, thành thật là một cách bày tỏ tình yêu và do đó, nó luôn là điều thiết yếu. Người xưa có câu “Sự thật mất lòng’’, nhưng cũng có câu “Sự thật làm lành vết thương’’. Hãy tự hỏi chính mình, nếu bạn đời làm chuyện gì đó ngu ngốc và anh ấy/cô ấy tự kể với bạn một cách chân thành, có thể bạn sẽ rất bực tức khi nghe, nhưng sau đó, bạn có bỏ qua cho họ không? Tôi cam đoan là có.

Sự thành thật có nhiều mức độ. Trong vài trường hợp, mức độ thành thật trong câu nói của bạn hơi thấp nhưng vẫn chấp nhận được, chẳng hạn như khi người vợ hỏi “Anh thấy áo đầm này có làm em mập không?’’, dù thực tế cái áo đó làm cô ấy mập ra rất nhiều, nhưng người chồng có thể trả lời là “Em yêu, em đẹp lắm, nhưng đúng là chiếc áo đó làm em hơi mập ra một tý’’. Bạn đã nói dối nhưng mức độ không nhiều, và bạn vẫn thành thật trong câu trả lời của mình. Bạn đời sẽ không hề cảm thấy phật lòng với câu nói của bạn mà sẽ vui vẻ đi thay áo khác.

Hãy cố gắng thành thật triệt để với bạn đời và tế nhị nếu cần thiết. Sự thành thật là yếu tố rất quan trọng nếu bạn muốn có mối quan hệ chân thành và bền vững. Nói dối phải luôn nằm ngoài từ điển của cả hai.

SỰ THÀNH THẬT SẼ TẠO NIỀM TIN TUYỆT ĐỐI VÀO NHAU.

QUY TẮC 4

KHÔNG CÓ GÌ LÀ RIÊNG, MỌI THỨ PHẢI LÀ “CỦA CHÚNG TA”

Đã là vợ chồng thì không có gì là riêng, mọi thứ phải là “của chúng ta”, kể cả các vấn đề liên quan đến tiền bạc.

Tôi luôn quan niệm rằng vợ chồng là một. Khi bạn quyết định kết hôn với một người, tức là hai bạn đã trở thành một. Do đó, không nên phân chia rạch ròi cái này của anh hay cái này của tôi, mà nên là “cái này của chúng ta’’. Mọi thứ ở đây bao gồm cả về vật chất lẫn tinh thần. Tiền bạc luôn là vấn đề tế nhị đối với một số người. Và thậm chí, họ ngại nhắc tới và không muốn chung đụng trong chuyện tài chính với bạn đời. Để dễ dàng đề cập đến vấn đề nhạy cảm này và tiến tới góp chung, tôi xin chia sẻ một vài lưu ý sau:

  • Hãy tâm sự, chia sẻ thói quen chi tiêu. Ví dụ như bạn chỉ thích mua hàng giảm giá, bạn thích đồ hiệu, hay bạn có thói quen chỉ tiêu vào một thứ chủ yếu là đồ ăn, còn những thứ khác như quần áo là xa xỉ đối với bạn, v.v… Những điều này dường như là bình thường đối với bạn, nhưng có thể bạn đời không biết rõ. Hãy chia sẻ để cả hai biết rõ thói quen chi tiêu của nhau.
  • Thể hiện thái độ của bạn về tiền bạc. Hai bạn cần phải biết rõ người kia suy nghĩ, quan niệm thế nào trong việc chi tiêu tiền. Chẳng hạn như đối với bạn, tiền chỉ là một thứ cần có để mua đồ, sắm sửa, trong khi bạn đời lại xem nó như thứ gì đó quan trọng, có ý nghĩa bảo đảm an toàn cho tương lai. Do đó, hai người cần hiểu nhau để tránh xung đột, xích mích có thể xảy ra.
  • Không giấu giếm nhau về bất kỳ thông tin liên quan đến thu nhập, tài khoản tiết kiệm, tài sản,v.v… Như vậy, hai bạn dễ dàng biết tình hình tài chính trong gia đình đang ở mức nào và cùng có phương án chi tiêu, phân phối tài chính thích hợp.
  • Hãy lập ra các mục tiêu tài chính dài hạn trong tương lai cho gia đình. Ví dụ trong 5 năm, hai bạn muốn là sẽ có tiền mua xe mới, trong 10 năm sẽ góp xong cái nhà, hoặc hai năm nữa sẽ du lịch nước ngoài, v.v… Một khi cả hai có kế hoạch chung, hai bạn sẽ tự động có ý thức chung góp và cùng nhau nỗ lực thực hiện nó.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, có thể hai bạn hài lòng với cách cư xử như vậy. Song, cá nhân tôi lại cho rằng kể cả vấn đề tài chính, vợ chồng cũng nên chia sẻ và hãy xem đó là của chung, của “chúng ta’’. Khi mọi thứ luôn là của chung, bạn sẽ cảm thấy khăng khít hơn và mối quan hệ giữa hai vợ chồng rất gắn bó, không có bất kỳ khoảng cách nào nữa.

Nếu cái gì cũng phân định rạch ròi, thì chẳng khác nào hai vợ chồng chỉ sống dưới một mái nhà nhưng không chung một nhà. Vợ và chồng không có gì chung và dần dần hai bạn sẽ có cảm giác như đang sống trong hai thế giới khác nhau. Không chỉ trong tài chính, mà cả trong những vấn đề vô hình khác, chẳng hạn như gia đình chồng, gia đình vợ, những nguyên nhân gây ra xung đột giữa hai bạn, v.v… Tất cả các vấn đề trên đều phải được xem là của chung, của cả hai và phải cùng nhau giải quyết.

NẾU CÁI GÌ CŨNG PHÂN ĐỊNH RẠCH RÒI THÌ CHẲNG KHÁC NÀO HAI VỢ CHỒNG CHỈ SỐNG DƯỚI MỘT MÁI NHÀ NHƯNG KHÔNG CHUNG MỘT NHÀ.

QUY TẮC 5

HỌC CÁCH ĐIỀU KHIỂN VÀ CHI PHỐI TÌNH HUỐNG KHI CÓ XUNG ĐỘT

Mâu thuẫn, xung đột, cãi vã là điều không thể tránh khỏi trong hôn nhân, dù ít hay nhiều. Nó không phải là vấn đề gì nghiêm trọng vì mọi cuộc hôn nhân đều phải có xung đột. Đời sống vợ chồng mà không có đôi lần cãi nhau thì cũng kém phần thú vị. Nếu cư xử khôn khéo và hợp lý thì không những làm cuộc cãi vã mau kết thúc, mà còn làm tình cảm hai vợ chồng càng thắm thiết hơn.

Ngược lại, nếu bạn nóng nảy và không kìm chế cái tôi quá lớn trong mình, bạn sẽ dễ dàng đẩy cuộc tranh cãi vào ngõ cụt và làm tổn hại đến hôn nhân. Do đó, tôi có vài lời khuyên dành cho bạn để cuộc cãi vã nhanh chóng chấm dứt, cũng như để tranh cãi một cách có nghệ thuật:

  • Đừng lôi những chuyện nhỏ nhặt ra để chì chiết nhau hoặc đề cập đến những chuyện làm bạn bực mình hằng ngày mà bạn không nói ra, nhưng khi có tranh cãi, bạn lại lôi ra nói. Điều đó chỉ đổ thêm dầu vào lửa.
  • Tuyệt đối không ngắt lời bạn đời khi họ đang nói. Nghiêm túc lắng nghe những gì họ, chú ý đến ngôn ngữ cơ thể (giọng nói, ánh mắt, cử chỉ tay chân, v.v.)
  • Nếu bạn đời không muốn nói về điều gì ngay thời điểm đó, hãy sắp xếp lúc khác trong vòng 24h để cả hai cùng nói chuyện về nó.
  • Hãy nhớ, chỉ tập trung vào vấn đề đang tranh cãi. Tôi biết nhiều người khi có xung đột thường nghĩ tới những mâu thuẫn, lỗi lầm trong quá khứ của bạn đời và mang ra chì chiết. Đừng làm như vậy nếu bạn muốn có một cuộc tranh cãi công bằng.
  • Không đưa người thứ ba vào cuộc tranh cãi. Xung đột là của hai bạn, vậy chỉ hai bạn mới có thể giải quyết nó.
  • Không gọi nhau bằng những tên xấu, hay thậm chí nếu bạn gọi người kia bằng những cái tên dễ thương, tên thú nuôi nhưng với giọng mỉa mai, nhạo báng thì cũng làm tổn thương họ và cuộc tranh cãi càng không có hồi kết.
  • Cẩn thận khi bạn cố tỏ ra hài hước trong lời nói của mình. Có thể bạn đùa vui một tý để làm dịu tình hình, nhưng bạn đời có thể hiểu lầm và cho rằng bạn đang cố tình xúc phạm họ.
  • Không đổ lỗi để cố gắng buộc tội bạn đời.
  • Bật đèn xanh ngầm ra hiệu cho bạn đời biết là bạn sẵn lòng tha thứ hoặc muốn được tha thứ. Đừng ngại nói lời xin lỗi nếu đó là lỗi của bạn.
  • Không dùng từ ngữ, lời lẽ tục tĩu, xúc phạm để nói với nhau. Không la hét, quát mắng, chỉ vào mặt nhau, không nói chuyện bằng giọng đe dọa, thách thức.
  • Tránh dùng cụm từ “không bao giờ’’ trong câu nói.
  • Ngoài ra, bạn nên nhớ: Khi xung đột thì bạn đang cãi nhau cho mục đích hôn nhân của mình, chứ không phải cãi để thắng bạn đời, cãi để ăn thua nhau. Hai bạn nên thỏa thuận với nhau dù mâu thuẫn có lớn đến mấy thì cũng phải giải quyết và làm lành trong thời gian sớm nhất. Nếu đã quyết định tha thứ, hãy cố gắng tha thứ hoàn toàn, vì sự căm hận chỉ làm tổn hại cả về tinh thần và thể chất cho chính bạn và cho hôn nhân của bạn.

BẠN ĐANG CÃI NHAU CHO MỤC ĐÍCH HÔN NHÂN CỦA MÌNH, CHỨ KHÔNG PHẢI CÃI ĐỂ THẮNG BẠN ĐỜI, CÃI ĐỂ ĂN THUA NHAU.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button