Quà tặng cuộc sống

Những Điều Sáng Suốt Nhất Mẹ Dạy Chúng Ta

Nhung dieu sang suot nhat me day chung ta - Le Hanh1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả :  Lê Hạnh

Download sách Những Điều Sáng Suốt Nhất Mẹ Dạy Chúng Ta ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Những điều sáng suốt nhất mẹ dạy chúng ta thuộc Tủ sách Khi ta lớn, tập hợp những câu chuyện được chọn lọc với những bài học kinh nghiệm bổ ích về cuộc sống từ cổ chí kim cả trong và ngoài nước như lời nhắn nhủ yêu thương của ông bà, cha mẹ, của những người thân yêu gửi tới bạn.

Tuổi hai mươi, một chân trời mới đầy thú vị đang rộng mở chào đón bạn, bạn háo hức trước một thế giới mới, thế giới của những người trưởng thành, bỡ ngỡ trước những tình cảm mới mẻ, bối rối giữa tình bạn và tình yêu, những điều mới lạ về cuộc sống.

Mỗi khi bạn cảm thấy buồn, cô đơn, hay những lúc gặp khó khăn, hãy đọc những trang sách này, chắc chắn bạn sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp và đáng yêu biết bao. Bạn sẽ cảm nhận được những lời động viên chia sẻ, lời khuyên chân thành nhất ẩn sâu trong mỗi câu chuyện.

Hy vọng cuốn sách Những điều sáng suốt nhất mẹ dạy chúng ta sẽ là người bạn tâm tình cùng bạn trải qua những vui buồn trong cuộc sống, là người bạn thân thiết cùng bạn vững bước vào đời.

BỨC THÔNG ĐIỆP YÊU THƯƠNG THẦM LẶNG

Thời gian đầu khi mới làm mẹ, tôi đã khám phá ra một điều thú vị mà sau này nó đã trở thành một bí mật nhỏ của gia đình tôi, đó là sức mạnh của những lời yêu thương.

Lúc mới chập chững tập đi, cũng giống như những đứa trẻ khác, bé con của tôi thường hay níu lấy tôi. Nó sợ ngã. Những lúc như vậy, tôi thường nắm chặt bàn tay nhỏ xíu của bé trong tay mình, khẽ vân vê và thì thầm: “Mẹ yêu con”. Trẻ con thường thấy thích thú với những gì có vẻ bí mật. Thế nên, hành động này vô tình đã trở thành một dấu hiệu riêng của hai mẹ con tôi.

Năm tháng trôi qua, bé con của tôi đến tuổi đi học. Nó giờ đã là một cô bé, có lẽ nó không cần những dấu hiệu riêng ngày xưa nữa… Tôi nghĩ vậy.

Hôm đó, trường mẫu giáo của bé tổ chức hội diễn văn nghệ. Con bé sẽ tham gia trong một vở kịch ngắn với các bạn cùng lớp. Trong vở kịch ấy, cô bé chỉ đóng một vai nhỏ, nhưng điều đó cũng trở thành một sự kiện đối với con bé và gia đình tôi. Từ hàng ghế khán giả, tôi nhìn thấy con bé cứ lấp ló bên cánh gà, mặt mày ra chiều “căng thẳng” lắm. Tôi muốn trấn an nó, nhưng tôi biết những lời tôi nói lúc này chỉ làm con bé cảm thấy lo lắng hơn thôi. Chợt nhớ đến dấu hiệu bí mật, tôi rời chỗ ngồi của mình và bước đến chỗ con bé. Chẳng nói gì cả, tôi nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay đang run lên của nó và vân vê. Mắt bé con chạm vào mắt tôi. Và tôi biết, con bé đã nhận ra… Ngày hôm đó, bé con và các bạn của nó đã biểu diễn thật xuất sắc.

Ba năm trước, “bé con” kết hôn với một chàng trai rất tuyệt. Gần đến giờ làm lễ, nhìn quanh, tôi chẳng thấy “bé con” đâu cả. Thì ra, cô con gái nhỏ của tôi đang đứng khóc thút thít bên hông nhà thờ: một sự thay đổi lớn trong cuộc đời. Tôi rất muốn chạy đến ôm lấy con bé, nói cho nó biết nó là một cô gái dễ thương như thế nào, rằng hai đứa thật xứng đôi, và rằng có cả một tương lai rộng mở đang chờ chúng phía trước. Hơn hết thảy, tôi muốn nói cho nó biết, tôi yêu nó biết nhường nào! Nhưng.. Tôi chỉ khẽ bước đến và cầm lấy đôi bàn tay của cô dâu bé nhỏ. Một lần nữa, tôi muốn nói lời yêu thương với “bé con” theo cách của mình. Tôi gọi đấy là bức thông điệp yêu thương thầm lặng.

ĐỌC THỬ

CÁI GƯƠNG VÙNG MATSU-YAMA

Tại vùng núi Matsu-Yama hẻo lánh, tỉnh Echigo, có đôi vợ chồng trẻ sống với nhau. Họ sinh được một cô con gái. Hai người rất mực thương con.

Một dạo, người chồng lên kinh đô có việc. Khi trở về, anh tặng vợ một cái hộp bằng gỗ trắng rất nhẵn. Mở hộp ra, chị thấy có một mảnh kim khí tròn; một mặt thì trắng như bạc khảm, điểm những nét vẽ hình chim và lá; còn mặt kia thì sáng như thủy tinh. Chị vợ xem, lấy làm thích thú và lạ lùng vì thấy trong gương có một khuôn mặt xinh đẹp với đôi môi hồng và đôi mắt sáng như đang mỉm cười với mình.

Anh chồng giải thích cho chị hiểu đó là cái gương. Khuôn mặt người phụ nữ trong gương ấy chính là khuôn mặt chị được phản ánh vào. Ở thành thị, mọi phụ nữ đều có một cái như thế này, còn ở đây chưa ai trông thấy.

Chị vợ say mê với món quà. Lần đầu tiên được thấy cái gương và cũng là lần đầu tiên chị thấy khuôn mặt xinh đẹp của mình. Chị đem ra dùng xong lại cất ngay nó vào hộp một cách cẩn thận cùng với những thứ quý giá khác.

Nhiều năm trôi qua, cô con gái của họ ngày càng lớn, giống mẹ như đúc. Cô bé rất đáng yêu, ngoan ngoãn, được mọi người thương mến. Nhớ lại mình đã có lúc kiêu hãnh vì tự biết có sắc đẹp, người mẹ bèn cất chiếc gương rất kỹ, sợ rằng con gái soi gương rồi sẽ có ý nghĩ tự kiêu.

Một hôm, người mẹ hiền dịu ấy lâm bệnh nặng. Biết không còn sống được bao lâu nữa, bà gọi con gái đến gần và dặn dò:

– Con gái yêu quý của mẹ, khi mẹ từ giã cõi trần này, con hãy hứa với mẹ, sớm sớm chiều chiều, soi gương này, con sẽ nhìn thấy mẹ và hiểu rằng mẹ sẽ ở mãi trong đó để phù hộ cho con.

Người mẹ lấy chiếc gương đưa cho con gái. Cô gái hứa vâng lời bà và khóc nức nở.

Từ đó, cô con gái ngoan ngoãn, không bao giờ quên lời trối trăng của mẹ. Niềm vui nhất của cô là ngắm hình ảnh của mẹ trong gương và nói rằng : “Mẹ ơi, hôm nay con đã làm được như mẹ mong muốn”.

CHA TÔI

Thứ bảy, ngày 17.

Enricô ơi ! Chắc hẳn những bạn con như Côrêtti và Garônê không bao giờ trả lời cha mẹ một cách vô lễ như con đã trả lời cha chiều qua. Con phải hứa cùng mẹ rằng từ nay con sẽ không thế nữa. Mỗi khi cha con mắng con là y như con nói trả những câu rất vô lễ. Con nên tưởng tượng đến một ngày kia – mà ngày ấy không thể tránh được – cha con hấp hối trên giường bệnh gọi con lại giường để trối trăng. Khi đó, nghe những câu nói cuối cùng của cha, chắc lòng con sẽ phải thổn thức, ân hận vì đã có điều tệ bạcvới cha. Lúc bấy giờ con mới hiểu rằng: trước kia cha con thực là một người bạn tốt của con; mỗi khi bất đắc dĩ phải phạt con thì lòng cha đau đớn hơn con và chỉ muốn cho con sửa lỗi nên cha mới phải làm cho con khóc.

Trừ lòng yêu con, thương con, còn mọi tình cảm khác cha con giấu hết. Nào con có biết : những khi phải lao tâm lao lực quá, tưởng mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, cha con lại lo buồn cho con sau này sẽ phải bơ vơ, không nơi nương tựa! Nào con có biết: bao phen bị mỗi ưu phiền ấy ám ảnh, cha con đã vào giường con đang giấc ngủ say, đứng đó nhìn con mà nghĩ ngợi ! Nào con có biết: lắm khi cha con đang chán nản về việc đời không được như ý, chợt nhìn thấy con là mọi nỗi sầu đều tiêu tan cả vì người cha vất vả ấy cần đến tình yêu của con mới được yên lòng và trở nên can đảm.

Trong lúc cha con đang trông mong vào lòng hiếu thảo của con; bỗng thấy con mang lòng lãnh đạm, tệ bạc thì cha con thống khổ biết nhường nào ? Con đừng lầm lạc vào con đường bội nghĩa vong ân ấy. Con nên nghĩ rằng ở đời này không có cái gì là vững bền cả, con có thể mồ côi cha lúc còn bé… Con có thể mất cha trong một năm nữa, một tháng nữa hay ngay ngày mai cũng không biết chừng!

Ôi! Đến lúc bấy giờ con sẽ thấy cảnh vật ở xung quanh con thay đổi cả, con sẽ nhìn thấy nhà ta vắng vẻ quạnh hiu, con sẽ trông thấy mẹ con mái đầu tang tóc rối bời âm thầm chua xót ! Thôi, con ơi. Mẹ nói đã nhiều. Con hãy lên nhà tìm cha con, ôm gối cha mà xin lỗi đi con.

Mẹ yêu con.

CHA TỰ HÀO VỀ CON

Cha tôi là người con duy nhất của một dòng họ người Đức nhập cư ở Mỹ. Điều đó có nghĩa là gia đình chúng tôi có một nền giáo dục nghiêm khắc.

Cha lập gia đình năm 20 tuổi và tôi là đứa lớn nhất trong năm đứa con. Cha tôi hy vọng những đứa con của mình sẽ đạt kết quả xuất sắc tại trường học. Vì là con trưởng, tôi càng phải học hành chăm chỉ hơn để thỏa ước nguyện của cha.

Tôi nhớ đã cùng làm việc với cha được vài lần. Mỗi sớm mùa xuân, khi mặt đất vẫn còn hơi lạnh và ẩm ướt, cha lại cẩn thận đánh dấu từng luống đất riêng rẽ trong vườn nhà. Tôi và em trai mình đi theo cha chỉ để gieo những hạt đậu xuống đất. Tôi cũng biết cách trồng những cây con sao cho thật gọn gàng, thật đẹp khi đi cùng cha. Tôi cũng được cha cho đi câu cá trên chiếc thuyền gỗ cũ kỹ của gia đình. Những lúc như thế, tôi chỉ muốn được ôm cha và nói: “Con thương cha nhiều lắm!”, nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Liệu cha có chấp nhận cho tôi làm như thế hay không? Thật khó có thể tìm ra câu trả lời.

Rồi tôi lớn lên, tốt nghiệp đại học, lập gia đình. Thật không may mắn khi tôi và chồng phải sống cách xa gia đình đến hàng trăm dặm. Nhiều lúc hai chúng tôi còn phải đi công tác nước ngoài nữa. Mẹ viết thư cho tôi hàng tuần, kể những gì đã xảy ra ở nông trại, những gì cha tôi làm và cả chuyện của các em tôi. Còn cha thì không bao giờ viết cho tôi dòng nào cả. Khi tôi quay trở về nông trại của gia đình, những lần thăm viếng bố mẹ trở nên nhiều hơn, nhưng cha và tôi cũng không bao giờ gần gũi, thân thiện như những gia đình khác.

Năm 1986, do vì công việc chúng tôi phải nói lời chia tay với những người thân trong gia đình. Chồng tôi, hai con và tôi, đứng cùng cha mẹ tôi, bắt tay chào mọi người. Chồng tôi cầu mong cho mọi chuyện xảy ra tốt đẹp khi chúng tôi lên đường. Sau đó, tôi ôm cha và nói: “Con yêu cha”. Thật là bất ngờ khi tôi nghe cha nói “Cha cũng yêu con”, tôi để ý thấy đôi mắt cha ngấn lệ. Ước gì chúng tôi đã luôn ở bên nhau trong suốt những năm qua. Cha mẹ tôi đã bước qua tuổi sáu mươi, tôi cũng mong rằng mình sẽ có thêm nhiều thời gian ở bên cha mẹ trong tương lai. Chúng tôi sẽ trở về sau bốn năm làm việc ở Úc.

Hai năm rưỡi sau, một cú điện thoại từ gia đình tôi gọi đến. Đó là một buổi trưa tháng tư, chủ nhật, cha đi trên một chiếc xe trượt tuyết để đi thăm những người hàng xóm và bị ngã trên đường về. Em rể tôi tìm thấy cha nằm trên tuyết, tắt thở vì lên cơn đau tim đột ngột. Bạn bè thúc giục tôi quay trở về Minesota để lo cho đám tang cha.

Tại tang lễ của cha, tôi đã được nghe mọi người kể những câu chuyện, những điều tuyệt vời về cha – một người chính trực được nhiều người nể trọng và tin cậy. Những câu chuyện mà họ kể đều mới mẻ với tôi, dường như họ biết rất nhiều điều về cha tôi. Lúc ấy, tôi chỉ ước thầm sao cho mình cũng có thể hiểu nhiều về cha như thế, và mối quan hệ giữa chúng tôi đã có thể tiến triển tốt hơn.

Ba năm sau ngày cha mất, mẹ tôi cũng ra đi. Sau lễ tang của mẹ, cả năm đứa chúng tôi quay trở lại nông trại và cùng phân chia những gì mà ba mẹ đã để lại. Trong lúc dọn dẹp trên tầng thượng, tôi vấp phải một chiếc hộp. Đó là chiếc hộp chứa đầy kỷ niệm ấu thơ của tôi. Chứa đựng bên trong nó là những bức vẽ đầu tiên của tôi, những lá thư và cả những tấm ảnh cũ kỹ nữa.

Ở ngay chính giữa chiếc hộp, tôi phát hiện ra có hai lá thư mà cha đã viết từ nhiều năm trước khi tôi vừa hoàn thành chương trình đại học – đó là những bức thư tay duy nhất mà cha viết cho tôi. Cớ sao tôi có thể quên rằng chúng tồn tại ở đấy nhỉ? Tôi cẩn thận mở những mảnh giấy đã vàng úa vì thời gian ra đọc.

Lá thư đầu tiên là những việc xảy ra ở nông trại. Lá thư thứ hai nói về cảm xúc của cha khi tôi được bầu vào hội sinh viên ưu tú của trường đại học. Khi tôi đọc dòng đầu tiên của bức thư thứ hai, mắt tôi nhòe lệ vì cha đã viết rằng: “Cha rất tự hào khi có một cô con gái như con!”…


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button