Quà tặng cuộc sống

Mẹ Teresa – Nguồn Sáng Từ Trái Tim

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Meg Greene

Download sách Mẹ Teresa – Nguồn Sáng Từ Trái Tim ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Xét trên nhiều phương diện, viết tiểu sử Mẹ Teresa là một thách thức lớn đối với các nhà tiểu sử học chúng tôi. Trước đây, hầu hết các quyển tiểu sử về bà đều được viết dưới cái nhìn tôn kính, một chiều, khiến người ta dễ quên rằng bà cũng là con người bình thường bằng xương bằng thịt, sống ngay trong thời đại của chúng ta. Có cả một danh sách dài về những gì Mẹ Teresa đã làm được và những giải thưởng bà đã nhận, nhưng tất cả không thể hiện đời sống nội tâm của bà. Tuy nhiên, chính sự bình dị ở Mẹ Teresa là điểm khởi đầu cho một nhà tiểu sử học bắt đầu câu chuyện cuộc đời bà theo một cách khác. Làm thế nào một người phụ nữ bình thường lại có thể làm say mê và mang đến sự bình an trong tâm hồn cho hàng triệu con người đủ các màu da, sắc tộc, tôn giáo và trở thành một trong những tượng đài lớn nhất của thời đại?

Dù không tìm kiếm hay mong đợi một sự công nhận hay tưởng thưởng công trạng nào, nhưng Mẹ Teresa có một tầm ảnh hưởng vô cùng lớn khắp toàn cầu. Công việc truyền đạo của bà trên danh nghĩa những người bần cùng nhất trong xã hội Ấn Độ ấn tượng đến mức nhiều người đặt câu hỏi rằng kinh nghiệm cá nhân đã giúp bà làm tất cả những việc ấy ra sao. Xét

một cách toàn diện, Mẹ Teresa thông minh, khiêm tốn nhưng thụ động. Bà là một giáo viên không có gì nổi trội và là một nữ tu sĩ bình thường, hay làm đổ nến trong các buổi lễ. Tuy nhiên, bà có một đức tính làm bà trở nên khác biệt trong cái thế giới rất đỗi đời thường này: bà có một niềm tin sắt đá vào Chúa.

Nhưng, sự nổi tiếng khiến cho mỗi hành động, mỗi lời nói của Mẹ Teresa đều bị dư luận chú ý. Niềm tin đối với những học thuyết Cơ đốc giáo và cái nhìn truyền thống xem nhẹ vị trí của phụ nữ trong xã hội khiến bà trở thành mục tiêu chỉ trích của những người theo học thuyết tự do. Nhưng trước tất cả những sóng gió do sự nổi tiếng đem lại, Mẹ Teresa vẫn luôn giữ vững lập trường rằng mình chỉ là một công cụ của Chúa.

Năm 2003, Giáo hoàng John Paul II tuyên chân phước cho Mẹ Teresa, nghi thức cuối cùng trên con đường trở thành một vị thánh của bà. Đối với những người yêu mến bà thì đây là một thủ tục đương nhiên phải có vì trong tim họ, Mẹ Teresa từ lâu đã là một vị thánh. Tuy nhiên, việc phong thánh này cũng gây xôn xao dư luận một thời. Nhiều người thậm chí còn lớn tiếng phản đối nhằm trì hoãn việc phong thánh cho bà. Do đó, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tiếp tục tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của bà. Cuốn tiểu sử này không chỉ nghiên cứu về cuộc đời của Mẹ Teresa, mà còn tìm hiểu về những niềm tin đã giúp định hình cuộc đời đó. Cuộc đời và niềm tin của bà liên quan chặt chẽ tới nhau, nếu không nghiên cứu song song cả hai, chúng ta rất dễ bỏ qua những điểm quan trọng về người phụ nữ vừa bình thường vừa phi thường này.

– Meg Greene

NHỮNG MỐC QUAN TRỌNG TRONG CUỘC ĐỜI MẸ TERESA

1900 Nikola Bojaxhiu (cha) và Drana (mẹ) chuyển tới thành phố Skopje ở Macedonia. Nikola khởi nghiệp bằng việc thành lập một công ty xây dựng, làm ăn phát đạt và đưa gia đình tới sinh sống tại một ngôi nhà gần sông Vardar.

1905 Aga Bojaxhiu (chị gái) ra đời.

1908 Lazar Bojaxhiu (anh trai) ra đời.

26/8/1910 Agnes Gonxha Bojaxhiu, cô con gái út của Nikola và Drana được sinh ra tại Skopje, thủ phủ của Cộng Hòa An-ba-ni thuộc Macedonia. Ngày 27 tháng 8, Agnes được làm lễ rửa tội tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

1913 Chiến tranh Balkan kết thúc; Macedonia bị phân chia thành các phần của Serbia, Hy Lạp và Bulgaria.

1919 Nikola Bojaxhiu qua đời một cách đáng ngờ.

1925 Gonxha bắt đầu có hứng thú với công việc truyền đạo và đặc biệt quan tâm tới Ấn Độ.

29/11/1928 Gonxha rời nhà để gia nhập Dòng Nữ tu Loreto, bà đến nữ tu viện tại thị trấn Rathfarnham thuộc vùng ngoại ô của thành phố Dublin, Ireland.

6/1/1929 Gonxha được cử đến Ấn Độ, bắt đầu cuộc đời tu hành tại thị trấn Darjeeling.

24/5/1931 Sau hai năm làm nữ tu tập sinh, Gonxha nhận lễ tiên khấn và trở thành nữ tu với tên thánh là Teresa.

24/5/1937 Lễ khấn trọn của sơ Teresa diễn ra tại trường Loreto, thị trấn Darjeeling, Ấn Độ.

1938-1948 Sơ Teresa bắt đầu dạy môn Địa lý tại trường trung học Thánh Mary, thành phố Calcutta, nơi sau này bà trở thành hiệu trưởng.

1946 Ngày 10 tháng 9, bà nhận được ơn gọi cách riêng của Chúa.

15/8/1947 Ấn Độ thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Anh.

Kết quả là ba quốc gia mới được thành lập, bao gồm Ấn Độ, Pakistan và Ceylon (Sri Lanka ngày nay).

1948 Sơ Teresa xin phép rời Dòng Loreto để sống và làm việc độc lập cho những người nghèo trong thành phố Calcutta. Đồng thời, bà chọn bộ áo sari trắng viền xanh với mong muốn trở thành người phụ nữ nghèo khó nhất tại Ấn Độ, và cũng nói lên khát vọng noi gương Mẹ Maria Đồng trinh. Việc làm đầu tiên của bà là mở một ngôi trường trong khu ổ chuột Motijhil. Ngày 12 tháng 4 cùng năm, Giáo hoàng Pius XII cho phép bà tiếp tục tu hành và dưới quyền quản lý trực tiếp của Tổng giám mục thành Calcutta. Vào tháng Tám, bà tới Patna – thủ phủ bang Bihar, Ấn Độ. Tại đây, trong ba tháng, bà đã học một khóa huấn luyện cấp tốc về chăm sóc người bệnh tại Hội Nữ tu Truyền giáo Y học. Tháng 12, bà trở lại Calcutta và trở thành công dân Ấn Độ.

1949 Tháng 2, bà chuyển vào sinh sống cùng gia đình Gomes tại số 14 đường Creek. Tháng 3, một cô gái trẻ người vùng Bengal tên là Subashini Das xin được đi theo Mẹ Teresa và trở thành môn đệ đầu tiên của bà.

7/10/1950 Dòng Thừa sai Bác ái được thành lập với 10 chí nguyện sinh đầu tiên.

1952 Ngôi nhà số 54A đường Lower Circular trở thành trụ sở đầu tiên của Dòng Thừa sai Bác ái. Đây cũng là ngôi nhà đầu tiên chăm sóc những người hấp hối, cạnh ngôi đền ở Kalighat, với tên gọi Nirmal Hriday. Sơ Teresa trở thành Mẹ Teresa.

1953 Dòng Thừa sai Bác ái đã có buổi lễ tiên khấn cho những người mới gia nhập; Shishu Bhavan – ngôi nhà đầu tiên dành cho trẻ em khuyết tật và bị bỏ rơi được mở cửa.

1957 Mẹ Teresa bắt đầu chăm sóc những người phong hủi tại Calcutta.

1959 Những căn nhà tình thương đầu tiên nằm ngoài Calcutta được mở cửa.

1960 Lần đầu tiên kể từ khi đặt chân tới Ấn Độ năm 1929, Mẹ Teresa bắt đầu ra nước ngoài để mở rộng hoạt động từ thiện.

1962 Mẹ Teresa là người đầu tiên không phải người Ấn Độ được nhận giải thưởng uy tín Padma Shri.

1963 Dòng Thừa sai Bác ái cho nam tu sĩ được thành lập.

1965 Shantinagar – Nơi Bình yên cho Người Phong hủi, được mở cửa.

1969 Hội Cộng sự viên Thừa sai Bác ái chính thức được thành lập và trở thành một tổ chức quốc tế của các anh chị em phi giáo hội – một thực thể tinh thần, một yếu tố quan trọng hỗ trợ hoạt động của Dòng Thừa sai Bác ái.

1979 Mẹ Teresa được trao giải Nobel Hòa bình.

1980 Thái tử Charles Anh Quốc thực hiện chuyến viếng thăm đặc biệt Dòng Thừa sai Bác ái tại Calcutta.

1983 Khi đến thăm Rome, bà bị một cơn đau tim.

1985 Được Hoa Kỳ trao tặng Huân chương Tự do.

1987 Dòng Thừa sai Bác ái mở nhiều viện xá chăm sóc những người nhiễm HIV – AIDS.

1989 Bà bị cơn đau tim thứ hai và được bác sĩ gắn máy trợ tim.

1991 Bất chấp mong muốn được rút lui vì lý do sức khỏe của Mẹ Teresa, các nữ tu vẫn nhất trí tiếp tục tôn Mẹ Teresa là Mẹ Bề trên.

1992 Công nương Diana của Anh Quốc đến thăm Mẹ đang dưỡng bệnh tại Rome.

1994 Ngày 1 tháng 4 Mẹ Teresa đến Việt Nam, đây là quốc gia thứ 111 có sự hoạt động của Dòng Thừa sai Bác ái. Hai nhà dòng tại Việt Nam là nhà thứ 501 và 502.

1994 Bộ phim tài liệu “Thiên thần của Địa ngục” được trình chiếu trên Kênh 4 BBC.

1996 Bà được trao tặng danh hiệu Công dân Danh dự Hoa Kỳ. Cũng trong năm này, Mẹ Teresa bắt đầu bị các cơn đau tim nặng.

1997 Sơ Nirmala được chọn làm người kế nhiệm Mẹ Teresa với vị trí Mẹ Bề trên của Dòng Thừa sai Bác ái.

5/9/1997, đúng vào đêm trước lễ truy điệu Công nương Diana của Anh Quốc, Mẹ Teresa qua đời tại Calcutta.

ĐỌC THỬ

THÀNH PHỐ SKOPJE

Trước đây, thành phố Skopje thuộc Macedonia(*), là một phần của An-ba-ni và là một trung tâm thương mại sầm uất đầu thế kỷ 20. Nằm bên bờ thượng lưu của sông Vardar, Skopje cao hơn mực nước biển hơn 240 mét. Mùa hè ở đây kéo dài và khô hanh, trong khi mùa đông ẩm ướt, lạnh lẽo và đầy sương mù. Skopje không phải là một thành phố lớn thời bấy giờ; vào đầu thế kỷ, dân số nơi đây vào khoảng 25.000 người.

* Macedonia: Nằm trên bán đảo Balkan, thuộc Hy Lạp cổ đại và là quê hương của Alexander Đại đế.

Thành phố Skopje được người Dardan – tổ tiên của người An-ba-ni hiện đại đến từ Illyna thuộc miền Tây bán đảo Balkan và người Thrace sống ở phía Bắc Hy Lạp cổ đại xây dựng vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Thời đó, Skopje được biết đến với tên gọi Skupi, sau này thuộc sự kiểm soát của người Rumani. Đến thế kỷ thứ 6, khu vực này chịu sự thống trị của Beregheziti, một nhóm người Slavic, chính họ đã đặt cho thành phố tên gọi như ngày nay.

Đến thế kỷ thứ 9, do sự suy yếu của Đế chế Byzantine, An-ba-ni bắt đầu rơi vào sự thống trị của các thế lực ngoại bang hùng mạnh gồm người Bulgari, quân thập tự chinh Norman đến từ Pháp, người Angenvis đến từ Nam Ý, người Venetian và người Serb. Sự chiếm đóng hà khắc của người Serbia bắt đầu từ năm 1347 khiến một số lớn người An-ba-ni phải di cư tới Hy Lạp và các đảo Aegean.

Vài thập kỷ sau, người An-ba-ni lại phải đối đầu với một mối đe dọa mới. Người Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng đế chế của mình, với tên gọi Đế chế Ottoman, vươn tới thâu tóm bán đảo Balkan. Đế chế Ottoman bắt đầu chiếm đóng An-ba-ni vào năm 1388, và tới giữa thế kỷ 15, họ đã thôn tính toàn bộ vương quốc. Cho dù kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ, người Thổ Nhĩ Kỳ không mấy thành công trong việc quản lý người An-ba-ni. Vào năm 1443, Gjergj Kastrioti, còn được gọi là Skenderbeg, huy động các hoàng tử An-ba-ni đẩy lùi người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 25 năm tiếp theo, Skenderbeg cho dựng một pháo đài kiên cố trên núi nhằm đẩy lùi mọi nỗ lực tái chiếm đóng lãnh thổ An-ba-ni của người Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kháng cự dũng mãnh của Skenderbeg nhằm chống lại một trong những thế lực mạnh nhất thời bấy giờ đã khiến cả phương Tây nể phục. Thêm vào đó, ông còn giành được sự hậu thuẫn to lớn từ Vương quốc Naples, Giáo hoàng, Venice và Ragusa (một vùng thuộc phía Tây Nam Sicily). Tuy nhiên, cái chết của Skenderbeg vào năm 1468 đã khiến cuộc kháng chiến của An-ba-ni suy yếu dần. Đến năm 1506, quốc gia này lại bị người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng. Một lần nữa An-ba-ni bị sáp nhập vào Đế chế Ottoman. Tuy nhiên, tinh thần chiến đấu của Skenderbeg vẫn âm ỉ, người dân An-ba-ni vẫn kiên định giữ gìn bản sắc, duy trì ý thức độc lập. Đó cũng chính là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao giúp họ nỗ lực đấu tranh không ngừng cho sự thống nhất và độc lập đất nước.

MỘT DÂN TỘC BỊ LÃNG QUÊN

Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập sự thống trị đối với người An- ba-ni cùng lúc với sự bắt đầu thời kỳ Phục hưng tại Ý. Sự thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ tại bán đảo Balkan khiến cho khu vực này bị cô lập, không có điều kiện tiếp xúc, trao đổi với Tây Âu. Do đó, An-ba-ni đã không có cơ hội tham gia, hoặc hưởng lợi ích từ những thành tựu thời Phục hưng. Không những thế, sự thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ còn khiến đời sống người dân nơi đây hết sức khổ cực. Kinh tế, thương mại cũng như nghệ thuật và văn hóa đều bị tàn phá nặng nề. Để thoát khỏi sự đàn áp, khoảng một phần tư dân số An-ba-ni đã trốn tới miền Nam Ý, Sicily, và phía Bắc bờ biển Dalmatia. Vô số những người ở lại phải cải đạo theo Hồi giáo – quốc giáo của Đế chế Ottoman.

Mặc dù thống trị An-ba-ni hơn 400 năm nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thất bại trong việc mở rộng quyền lực trên khắp lãnh thổ. Tại các cao nguyên, người Thổ chỉ xây dựng được một chính quyền danh nghĩa. Nằm ngoài vùng kiểm soát của quân đội và chính phủ, người An-ba-ni trên cao nguyên không chịu đóng thuế, không phục vụ quân đội và không hàng phục. Họ chỉ nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ bằng một khoản nộp hàng năm cho Constantinople. Ngay cả những người An-ba-ni nằm dưới sự thống trị của người Thổ Nhĩ Kỳ cũng chứng tỏ rằng họ không dễ bị kiểm soát. Một lần nữa, họ lại nổi dậy chống lại quân xâm lược.

Nhằm lung lạc ý chí đấu tranh dưới sự dẫn dắt của tinh thần Ki-tô giáo cũng như khát vọng độc lập của người An-ba-ni, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề ra kế hoạch cải đạo, buộc người An-ba-ni theo đạo Hồi. Đến cuối thế kỷ 17, khoảng hai phần ba dân số An-ba-ni đã theo đạo Hồi. Cũng giống như những người từng cải đạo theo Thiên Chúa giáo trước đây, những người này theo đạo Hồi không phải xuất phát từ niềm xác tín tôn giáo, mà chỉ là để thoát khỏi tình trạng bạo lực và bóc lột của chính quyền đối với người Ki-tô giáo. Một ví dụ cụ thể là những người từ chối cải đạo sẽ phải đóng một loại thuế nặng nề, trong khi người Hồi giáo thì được miễn. Chính kế hoạch “Hồi giáo hóa” đã khiến sự rạn nứt tôn giáo trong xã hội An-ba-ni (hình thành từ thời Trung Cổ) ngày càng nặng nề. Những gì còn sót lại của sự chia rẽ tôn giáo này tiếp tục tồn tại đến thế kỷ thứ 19, khi những nhà lãnh đạo của phong trào thống nhất An-ba-ni dùng khẩu hiệu “tôn giáo của An-ba-ni là An-ba-ni giáo” để vượt qua rào cản tôn giáo và xây dựng một tinh thần thống nhất.

Đến giữa thế kỷ 19, Đế chế Ottoman suy yếu. Thổ Nhĩ Kỳ lúc này bị xem như “Con bệnh của châu Âu” và gặp khó khăn trong việc kiểm soát các lãnh thổ chiếm đóng. Nhận thấy đây là cơ hội thoát khỏi ách thống trị của Đế chế Ottoman, người An-ba-ni cùng với các dân tộc khác trên bán đảo Balkan đã tìm cách giành độc lập. Năm 1878, giới lãnh đạo phong trào độc lập An-ba-ni đã gặp nhau tại Prizren – một thị trấn thuộc Kosovo để thành lập Liên minh Prizren của An-ba-ni. Liên minh đề ra hai mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là thống nhất An-ba-ni, đang bị Thổ Nhĩ Kỳ chia rẽ thành bốn vùng: Kosovo, Shkodra, Monastir và Janina (Lúc đầu, Liên minh Prizren không chủ trương giành độc lập cho An-ba-ni mà chủ trương thành lập bốn bang tự trị thuộc Đế chế Ottoman). Mục tiêu thứ hai, liên minh phát động một phong trào đề cao văn hóa quốc gia An-ba-ni, làm nổi bật nét đặc trưng của ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật và giáo dục của An-ba-ni. Mặc dù liên minh bị đàn áp vào năm 1881, nhưng tinh thần yêu nước vẫn không ngừng sôi sục. Được liên minh truyền cảm hứng, năm 1908, giới lãnh đạo An-ba-ni đã họp tại Monastir để xây dựng hệ thống quốc ngữ cho dân tộc mình. Chủ yếu là dựa vào hệ chữ cái La-tinh, hệ thống chữ cái này thay thế cho một vài chữ khác bao gồm chữ Ả Rập và chữ Hy Lạp, rồi được đưa vào sử dụng. Không ai có thể xem thường giá trị quốc ngữ An-ba-ni trong phong trào giành lại độc lập và bản sắc dân tộc của An-ba-ni.

Để dập tắt hoàn toàn phong trào, giới cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ hứa hẹn cải tổ chính quyền của họ ở An-ba-ni và giành nhiều quyền hơn cho người An-ba-ni, như cho họ tự quyết định những vấn đề địa phương. Tuy nhiên, vào năm 1908 (cùng năm người An-ba-ni xây dựng hệ thống chữ quốc ngữ của riêng mình), một tổ chức với tên gọi Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ, với quyết tâm hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh của đế quốc đã chiếm đoạt chính quyền và lờ đi những lời hứa với người An-ba-ni. Tức giận trước việc làm ấy, người An-ba-ni đã nổi dậy và vào năm 1912, họ buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chấp nhận trao cho mình những quyền lợi gần như độc lập.

Nhận thức được triển vọng độc lập của An-ba-ni, các dân tộc láng giềng tại Balkan vốn đã chuẩn bị kỹ kế hoạch chia cắt lãnh thổ, chính thức tuyên bố chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 năm 1912. Để giúp đất nước tránh khỏi sự hủy diệt, các đại biểu An-ba-ni họp mặt tại Vlorë vào ngày 28 tháng 11 năm 1912 và cho ra đời bản Tuyên ngôn Vlorë, chính thức tuyên bố An-ba-ni độc lập.

Ngay giữa sự hỗn loạn về các mâu thuẫn sắc tộc, quốc gia và tôn giáo, một đứa trẻ đã ra đời tại Skopje để rồi một ngày kia, đứa trẻ ấy đã vượt qua tất cả những sự khác biệt này để “thực hiện công việc được Chúa giao phó nơi trần gian”.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button