Quà tặng cuộc sống

Không Gian Gia Vị Sài Gòn

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Tiến Dũng

Download sách Không Gian Gia Vị Sài Gòn ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Quà tặng cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

1 – Cà phê cóc Sài Gòn, đầu nguồn thông tin ngày mới

Luôn luôn có một Sài Gòn qua suốt nhiều thế hệ con người đang chuyển động hướng mọi bước chân đi và về, gọi mở các quán cà phê cóc nép mình ở mọi hẻm phố, vỉa hè.

Người đô thị gần như sẽ lâm vào cảnh khó nhận biết được sự tỉnh thức từng buổi ban mai nếu không bắt đầu hương cà phê và được nguồn hương kỳ tuyệt này mở ra cho cuộc sống cổng thông tin cần thiết.

Ở đây, từng hương cà phê đen, cà phê sữa, cà phê đá hay thậm chí chỉ một ít cà phê tạo hương cho ly bạc xỉu; nguồn hương cà phê thật sự bất tử và lan tỏa để loan tin về một thế giới mới cho một ngày sống, làm việc trong gió và ánh sáng tinh mơ mỗi đời người thị dân.

Ở mỗi quán cà phê cóc, từng thị dân được đối thoại và chia sẻ không ngừng với cộng đồng hàng xóm, bà con, với cả khách phương xa đang ngồi cùng bàn cà phê đơn sơ và để yên cho hương cà phê thơm ngát, truyền tải thông tin từ người này qua người khác về những điều chưa biết, chưa thể nhìn thấy.

Người Sài Gòn ngày xưa thức giấc sớm, cứ tầm bốn, năm giờ sáng là bếp ở tiệm nước hoặc bếp ở quán cóc lại đỏ lửa nấu nước pha cà phê. Hình ảnh phổ biến nhất là cách pha cà phê vợt, cái vợt bằng vải dài như chiếc vớ của người đi giày bốt và cái siêu gốm hay cái ấm bằng nhôm hình ống.

Người bán cà phê dùng nước sôi để trụng sạch vợt rồi cho loại cà phê xay nhuyễn vô. Cái vợt chứa cà phê được cầm để trên miệng cái siêu trước khi chế nước sôi vào; vậy là dòng cà phê đen nâu chảy ra từ cái vợt tỏa khói thơm nghi ngút.

Có một thời chưa xa, không gian quán cóc cà phê chốn Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định họp thành nhất thể với thông tin về thế giới muôn màu qua các câu chuyện, tin tức truyền miệng, các tờ báo cả cũ lẫn mới, các vách tường ghi đôi dòng tin nhắn, các áp phích quảng cáo cải lương, phim ảnh và có khi với các mẩu giấy học trò ghi đôi dòng tìm thân nhân hay hậu tạ nếu giúp tìm được giấy tờ đánh rơi…

Bạn và tôi hãy cùng nhau nhìn lại không gian đầm ấm chân tình ở quán cà phê cóc để biết cách mở rộng lòng cùng chuyện đời, truyền tin thế sự, chia sẻ kiến thức… giống hệt như cách người chủ quán pha cà phê cho khách, cái siêu cà phê được đưa lên cao rồi để cho dòng cà phê chảy ra từ cái vòi siêu xuống tràn miệng ly cà phê, đọng lại trong cái dĩa. Cái ngón nghề rót tràn ly này sao khéo quá, tràn chút xíu, để dư cà phê cho khách chút xíu thôi, vậy mà thành một phong cách người bán hào sảng, khách uống không câu nệ kề môi miệng vô cái dĩa vừa thổi vừa húp vừa nói cười đủ về thứ chuyện trên đời.

Ngày nay, có thể các quán cóc và cách truyền tin cổ điển đã chết bởi trào lưu laptop và Smart phone. Hiện tượng người người vào quán, bất kể quán sang hay quán hèn, đều cúi mặt vào các phương tiện di động thông minh để được rơi vào guồng kết nối với thế giới mạng xã hội, đã không còn lạ lẫm, bởi chúng tôi và bạn, nếu vào quán mà không có wifi hoặc 3G thì như máu và dưỡng khí không lưu chuyển qua não.

Hẳn nhiên, một khi thay đổi phương tiện sống, nhất là phương tiện sống thông minh, thì văn hóa ngồi quán cà phê cũng đổi khác. Có thể không thương cho một không gian quán cóc với cây mận, hàng me, bụi hoa dại… đang phủ xanh bốn mùa quán nhỏ, có thể không màng tới màu nắng xuyên qua cửa quán ân cần soi từng gương mặt hạnh phúc hoặc âu lo đang ngồi cạnh nhau, có thể không còn nhìn thấy ánh lửa than, lửa củi đang đun sôi nước pha cà phê, có thể hàng trăm lần ngồi quán mà không nhìn thấy bức tranh đẹp hoặc vài kỷ vật quý trưng bày… nhưng làm sao có thể phũ phàng với hương vị ly cà phê đang tận hiến cho chúng ta trọn vẹn cảm xúc tỉnh thức.

Không phải là chuyện phân biệt tình yêu cà phê của người Sài Gòn thời trước và thời nay. Nhưng nếu tìm đến cà phê chỉ để thỏa mãn nhu cầu tìm chất kích thích thì tự bạn đem ly cà phê của bạn ra khỏi không gian văn hóa cà phê. Chẳng khác nào khi bạn ngồi cạnh ly cà phê Cappuccino, Latte… mà không hề nhìn thấy cà phê, như cách bạn bỏ quên người tình đang ngồi cạnh mình. Làm sao bạn đành lòng cư xử hờ hững với nguồn hương cà phê tinh tế lúc nguồn hương này đang muốn chia sẻ cảm xúc về mối tình đẹp và sự quyến rũ từ tình nhân của bạn. Nếu bạn cứ uống cà phê theo cách như vậy chính bạn đã không còn biết cách gọi mở cổng thông tin sống hạnh phúc gần nhất và thật nhất của mình.

Không ai nói là phải quay về với quán cà phê cóc hay trở lại với phong cách ngồi quán cà phê ngày xưa để được sống trong không gian truyền tin cũ bởi có lẽ đó chỉ là văn minh cà phê bình dân của một thời đang dần lụi tàn. Nhưng người ta cũng có thể nói với nhau rằng, để không trở thành một cá nhân chai lỳ cảm xúc đang bị cuốn vào các đại lộ thông tin di động thông minh, hãy tha thiết hơn với ly cà phê ở ngay trước mặt, ly cà phê đang chập chờn thân phận mờ tỏ bên màn hình ảo.

Hãy sống chậm hơn với người tình cà phê một chút, để các ngón tay, đôi mắt bạn rời bàn phím lâu hơn một chút mà âu yếm tách cà phê đen ấm nóng dịu dàng, ly cà phê đá mát lạnh để cảm thụ trọn vẹn nguồn hương từ người tình cà phê.

Có người vợ, người chồng hay người tình qua đường nào thủy chung cho bằng người tình cà phê! Chẳng phải chính người tình cà phê luôn ở bên bạn suốt chân trời góc biển của không gian sống hay đến tận điểm cuối cùng của thời gian sống đó sao? Chẳng phải chúng ta, những công dân toàn cầu dù là nghệ sĩ, công nhân, doanh nhân hay chính khách… sẽ trở thành mù, câm, điếc và lơ mơ lờ mờ thông tin về nơi chốn tồn tại nếu thế giới hôm nay không còn nguồn cà phê để đặt môi hôn vào mỗi thời khắc sống? Thật đáng hoảng hốt nếu người tình cà phê chết đi và bỏ lại loài người bơ vơ!

Hầu như những thành tựu vĩ đại trong lịch sử cận đại của nhân loại đều là tác phẩm của sự tưởng tượng, không chút quá đáng khi tin, luôn luôn tin rằng, người tình cà phê chính là đôi cánh của năng lực tưởng tượng thấm đẫm cảm xúc và trí tuệ.

ĐỌC THỬ

2 – Cung cách người Sài Gòn dùng trà

Dân quê tôi thời đó thường uống một loại trà có tên là bánh ú. Trà bánh ú dở ẹt, được mấy ông Các Chú ở tiệm chạp phô(1) gói trong miếng giấy đỏ hình cái bánh ú. Nhưng nếu so với trà củi thời bao cấp, trà tẩm hương liệu hóa chất thời nay thì trà bánh ú vẫn ngon và an toàn hơn.

Nói như vậy không có nghĩa là người quê tôi không có văn hóa uống loại trà thượng hạng. Người Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và các tỉnh ven đô thị này vẫn có các loại trà nhất hạng như Long Tỉnh, Thiết Quan Âm, Đại Hồng Bào, Trúc Diệp Thanh… Từ ảnh hưởng của văn hóa Hoa kiều – Minh Hương, có mấy ai không biết thưởng thức trà ngon. Nhưng tánh khí người miền Nam hào sảng mà không cầu kỳ, uống trà ngon là để biết thấu đến tận chất quý của vị trà, hương trà; còn việc chế ra những cách thức pha, cung cách uống hay dựng bối cảnh thưởng trà thì không hợp với đời sống giản dị, chân chất của dân xứ này.

Chúng tôi ôn lại chuyện gia đình thân thuộc của mình và phát hiện ra việc cúng trà với uống trà của người miền Nam là hai chuyện khác nhau. Cứ mỗi dịp Tết hoặc nhà có đám lớn, người miền Nam dù nghèo rớt vẫn mua cho được gói trà, hộp trà ngon để pha cúng trên bàn thờ.

Đám con nít chúng tôi hễ bị sai đi tiệm xa, chợ huyện mua trà ngon là bực mình vì không hiểu cái lý, cái tâm của việc dâng cúng trà ngon. Sau này, tìm hiểu được ý người lớn chúng tôi mới hay rằng, người nông dân hoặc người tỉnh lẻ bình dân làm gì có điều kiện mà đốt hương trầm cho cõi trên, những thoáng hương trà ngon của gia chủ là lòng thành kính tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.

Tôi tin rằng văn hóa dâng trà ngon lên Trời, Phật, tổ tiên rồi chọn cho mình ba cái thứ trà dở là đáng trọng, đúng với cốt cách khiêm nhường, giữ lễ của người quê tôi. Có cách gì, nghi thức gì trọng trà ngon cho bằng việc cung hiến trà ngon lên các bậc hiển thánh, tổ tiên?

Thậm chí người quê tôi sau khi dâng cúng trà ngon không cho phép mình hay người trong gia đình đặt môi uống trà cúng, họ trịnh trọng rưới lên mặt đất như một nghi thức sau cùng kính tưởng đến người khuất mặt khuất mày.

Trở lại với những thương hiệu trà nổi tiếng của Sài Gòn, để biết nhu cầu uống và cúng trà ngon của người Sài Gòn chúng ta nên nhớ lại rằng, một phần quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh ngày nay là vùng nguyên liệu trồng lấy hoa ngâu, hoa nhài, hoa sen để ướp trà. Các thương phẩm trà ngon do các chủ người Hoa giữ bí quyết không chỉ bán cho người miền Nam mà còn xuất qua các nước Đông Dương, Hong Kong, Đài Loan.

Có nhiều người coi trà là đạo, coi trọng các trường phái trà nhập khẩu, đã võ đoán cho là người miền Nam, dân Sài Gòn không có văn hóa trà. Không cần phải giải thích cũng dễ hiểu khi mà người dân ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa như người miền Nam coi trà như một thức uống giải khát đơn thuần. Có gì sảng khoái hơn khi sống giữa khí trời phân biệt rõ rệt hai mùa mưa, nắng mà dùng trà để giải cảm thân nhiệt, dùng trà để ấm tấm lòng. Người miền Nam không coi trọng thú uống trà hay nghệ thuật trà mà rất giản dị, coi trà như một thức uống gần gũi, thân thiết. Chẳng phải đến với trà với sự nhiệt tình như vậy chưa đủ thấm thía cốt cách của giá trị dưỡng sinh tinh túy từ trà hay sao!

Ngược lại, bình trà ở xứ tôi thì bình nào cũng đẹp: người bình dân thì xài bình gốm Lái Thiêu, Biên Hòa, người sang thì bình sứ Tây, Nhật. Vào cái thời vật dụng của người nhà quê miền Nam không chuộng cầu kỳ thì hoa văn, họa tiết của những bộ trà đúng là tác phẩm nghệ thuật ưng ý.

Hôm trước bạn Việt kiều hỏi tôi có nhớ bình trà ông Tiên – trái đào đựợc giữ ấm trong vỏ trái dừa khô không? Đúng là ở quê tôi, bà con nghèo ưa giữ ấm trà bằng vỏ dừa, nhà có của thì bỏ bình trà vào hộp gỗ.

Về cái vỏ dừa đựng bình trà thì có lẽ khắp thế giới chỉ quê tôi là bưng cả cái vỏ dừa khô ra rót trà mời khách.

3 – Lên xe đò ký ức ngược thời gian với cà phê Tây Sài Gòn

Ngày nay, không còn mấy người Sài Gòn từng có tuổi thanh niên diện đúng mốt, ngồi thưởng thức cà phê Tây ở các quán Brodard, La Pagode, Givral…

Thật vậy, nhiều thế hệ người Sài Gòn xưa đã ra đi và mang theo cả cảm giác ngồi giữa Sài Gòn nhiệt đới trong hương cà phê từ không gian kiến trúc Tây để tin rằng, Sài Gòn với các phố quanh đường Catinat đích thị là khu Saint Germain des Prés thứ hai của Paris.

Không ai kéo về được thời gian và không gian đã qua. Thậm chí những công trình kiến trúc Tây quý phái đang bị thói sính cao ốc trơ trẽn kiểu nhà giàu Tân Gia Ba phá bỏ không thương tiếc.

Nên thật đáng quý khi chủ nhân các quán cà phê Tây ở Sài Gòn hôm nay mở lại không gian cà phê có hương vị thời phim Người Tình (L’Amant) để người trẻ ngày nay thưởng thức.

Đến cà phê L’Usine ở đường Lê Lợi hay Đồng Khởi, quán Cửa Sổ Mặt Trời ở phố Lý Tự Trọng là người thưởng thức cà phê có cơ hội được đáp chuyến xe đò ngược dòng thời gian về phố quán cà phê Sài Gòn của những năm đầu thế kỷ trước.

Điều trước tiên ghi nhận ở các quán này là sự kỳ công sưu tầm, tân trang tranh ảnh, đồ thủ công và cả các món đồ kỹ nghệ kim khí tân thời, du nhập bằng tàu thủy từ các xứ châu Âu xưa.

Đến quán Tây L’Usine để biết sự kết hợp của cái máy se chỉ thô, thành tựu của thời tiền công nghiệp và bộ ghế salon gỗ được tay nghề thợ mộc Việt chế theo ý ông Tây bà Đầm.

Ở quán Tây Cửa Sổ Mặt Trời, chúng tôi gặp lại đúng bộ bàn ghế được người Việt xưa gọi đồ Louis, cùng các khung ảnh… chắc là đồ nhập cảng từ thời mới đóng tàu Titanic.

Nhưng mà thôi, đã là quán cà phê kiểu gì cũng phải nói rõ chỗ ngồi và bàn ghế. Tất nhiên, cà phê Tây thời nay có đủ loại khách hàng Ta và Tây nên không còn cái phong cách ngồi cùng quán với dân sang trọng như chính khách, nhà văn, ký giả như xưa. Chuyện ngồi chung quán với ai không còn được lưu tâm như thời trước.

Có khi ngồi quán Tây bị giới nhà giàu mới học làm sang ồn ào khoe thói trưởng giả, khách tử tế cũng đành tự an ủi, coi như đang ngồi quán cà phê sân vườn rồi ngó vô laptop hoặc rờ smartphone mơ màng với cõi ảo chỉ có ta và bạn ta.

Ở L’Usine Đồng Khởi, ấn tượng nhất là cái bộ phản gỗ được kê chân sắt. Ngồi uống cà phê với bộ phản gỗ giống kiểu của các đình chùa dùng làm sạp để dạy học chữ Nho, rồi có mấy khung ảnh lớn, lộng ảnh trắng đen ghi lại chân dung của người, của phố bên Tây trong thời cuốc bộ, cuốc xe đạp… thử hỏi làm sao không có cảm giác được quên trong chốc lát những cơn sóng tiếng ồn xe gắn máy của Sài Gòn đời nay đang quay cuồng dưới phố?

Ở quán Cửa Sổ Mặt Trời, khách được ngồi bên khung cửa gỗ và gạch xây thô để ngắm phố Sài Gòn dưới thấp, được điệu ru xanh của hàng me vỗ về, sẽ hứng được cho chính mình cảm giác dễ chịu có một không hai…

Nếu các bạn hỏi, liệu các quán cà phê Tây hôm nay phục vụ cà phê đúng gu cà phê thế kỷ trước không thì khó ai có thể trả lời được. Chỉ chắc ăn một chuyện là bạn có thể uống cà phê Latte, Cappuccino, Espresso… đúng kiểu Tây thời nay.

Tôi là người Sài Gòn, cà phê đen và cà phê đá là gu của tôi. Ở L’Usine tôi uống cà phê đá trong cái ly cối mà thời trước dùng để uống bia. Ở Cửa Sổ Mặt Trời tôi lại uống cà phê đen pha bằng phin trong cái tách bằng sứ trắng cũ rích. Vậy thì liệu hương vị cà phê quán Tây thời nay tôi được thưởng thức gợi cho tôi ký ức gì?

Nói thiệt, lúc thưởng thức cà phê ở hai quán Tây này tôi có ao ước: Không gian Tây cổ điển mà uống được ly cà phê pha vợt đúng kiểu Sài Gòn xưa thì tuyệt vời biết mấy!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button