Quà tặng cuộc sống

Khoảnh Khắc Cầu Vồng

khoanh khac cau vong sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Betty McLellan

Download sách Khoảnh Khắc Cầu Vồng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

DOWNLOAD

Định dạng ebook                 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

NƠI TÌNH YÊU TRƯỜNG TỒN

Cuộc đời chỉ là một chuỗi những sự kiện có thể bị lãng quên, nếu chúng ta sống thiếu đi tình yêu. Ý nghĩa của cuộc sống được hình thành bằng cách trao gửi thật nhiều yêu thương, từ việc yêu một con người, yêu một quyển sách, một chú cún, một ý tưởng, một nơi chốn thân thương nào đấy, cho đến việc yêu thương vạn vật trong thiên nhiên. Bằng tình yêu, chúng ta mang đến cho từng khoảnh khắc nhất định một sức mạnh và ý nghĩa đặc biệt. Với tình yêu và người anh em họ của nó là trí tưởng tượng, chúng ta khơi gợi lên sự giàu có và sức mạnh chinh phục vốn ẩn chìm bên dưới dòng chảy bình lặng của cuộc sống thường nhật. Thông qua sức mạnh của tình yêu và trí tưởng tượng, chúng ta biến những khoảnh khắc tầm thường, vô vị thành những khoảnh khắc lung linh. Những khoảnh khắc ấy xuất hiện khi chúng ta cảm thấy được kết nối với mọi người và thế giới rộng lớn ngoài kia hay khi có sự hiện diện của những sự kiện quan trọng mà nhờ đó ta hiểu được ý nghĩa của sự sống hơn bao giờ hết.

Chỉ trong những mối quan hệ, trong sự kết nối ta mới có thể dễ dàng thấy được những khoảnh khắc ấy. Dĩ nhiên là tôi không có ý nói đến những mối quan hệ làm ăn, mà là sự kết nối trên phương diện tình cảm với những con người và nơi chốn mà bạn yêu thích, những phần việc mà bạn thật sự quan tâm, những đứa con mà bạn nuôi nấng và những đứa cháu đáng yêu, những người bạn thân tín, mấy con thú cưng, khu vườn mà bạn chăm chút, hoặc một thú tiêu khiển nào đó, thậm chí là đội bóng mà bạn hâm mộ.

Tất cả những sự kết nối ấy sẽ mang đến những khoảnh khắc vĩnh cửu. Chúng ta giữ những khoảnh khắc ấy trong tim, rất lâu sau khi chúng xuất hiện và đó là nguồn sức mạnh vô giá nâng đỡ tinh thần ta. Tôi rất tâm đắc với câu nói mà nhà thơ John Keats(1) đã viết cách đây hai thế kỷ: “Tôi không dám chắc về bất cứ điều gì, ngoại trừ sự thiêng liêng của tình cảm từ con tim và sự thật của trí tưởng tượng”.

Đó là chủ đề của quyển sách này: sự thiêng liêng của tình cảm từ trái tim, tầm quan trọng của sự kết nối và những khoảnh khắc mà sự sống mang đến cho ta mỗi ngày theo những cách mà ta không thể ngờ tới.

Sự kết nối của trái tim cùng với sức sống mãnh liệt từ những khoảnh khắc mà tôi gọi là “khoảnh khắc cầu vồng” ấy chính là nguồn mạch cho cây đời nở hoa. Chúng ta phải tạo ra sự kết nối ngay bây giờ, ngay hôm nay. Chúng ta cần phải chăm chút nuôi dưỡng từng khoảnh khắc, từng sự kiện tạo thành cuộc đời mình để chúng trở thành nguồn sinh lực mạnh mẽ soi sáng một đời. Nhưng bằng cách nào? Giữa lời nói và hành động luôn có một khoảng cách rất lớn.

Thông qua quyển sách này, tôi muốn thôi thúc chúng ta sống sâu sắc hơn với những gì chúng ta đang có, chứ đừng chờ đợi đến khi “có thêm” – thêm tiền, thêm thời gian, thêm tự do.Chúng ta cần dành thời gian cho tất cả những con người, nơi chốn và những kế hoạch có vị trí quan trọng trong lòng mình. Để làm được việc ấy, ta cần dẹp bỏ hết những điều không quan trọng. Chúng ta phải tự giải thoát mình khỏi những điều làm tổn thương ta, hoặc làm lãng phí thời gian quý báu của ta, để ta có thể dành toàn tâm toàn ý cho những người mà ta thật sự yêu thương. Đây là bí quyết để có được cuộc sống hạnh phúc.

Thế giới ngày nay vừa thúc đẩy lại vừa đe dọa sự kết nối. Nhờ có công nghệ hiện đại mà chúng ta dễ dàng giữ liên lạc với nhau hơn bất cứ thời kỳ nào khác trong lịch sử nhân loại. Thế giới công nghệ đã mang đến cho chúng ta những công cụ kỳ diệu để kết nối. Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự kết nối cần thiết để nuôi dưỡng trái tim và tâm hồn lại đang dần bị phá vỡ. Bởi vì chúng ta không còn dành đủ thời gian bên nhau. Chúng ta đang có nguy cơ đánh mất khoảnh khắc quý giá của đời người nếu không quan tâm đến nó. Chúng ta cần khoảnh khắc ấy cũng như cơ thể cần các loại vitamin vậy. Là một bác sĩ, tôi cho rằng mối liên hệ giữa con người với nhau là một loại vitamin. Nó không phải là axit ascorbic trong loại vitamin C thông thường, mà là Vitamin Kết nối (Vitamin Connect).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có mối quan hệ tốt với mọi người sống lâu hơn những người cô độc. Hơn nữa, họ lại dễ dàng tìm thấy sự hài lòng với cuộc sống và nhìn chung là họ cảm thấy khỏe khoắn, vui vẻ hơn.

Trong đời một con người có vô vàn cung bậc, sắc màu của những khoảnh khắc cầu vồng. Rất khó để định nghĩa những khoảnh khắc ấy một cách chính xác theo cách thông thường như trong sách giáo khoa hay trong từ điển. Trong quyển sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy ý nghĩa và sức mạnh từ những khoảnh khắc của trái tim ấy thông qua những câu chuyện có thật.

Ông ngoại tôi tên là Skipper. Ông chẳng bao giờ có nhiều tiền, nhưng là người giàu có theo một ý nghĩa khác. Ông thực sự là một người tốt. Ông là người đã dạy tôi một kỹ năng hết sức thiết yếu trong cuộc sống: cách bắt tay. Ông luôn bảo rằng: “Hãy nhìn thẳng vào mắt người đối diện và bắt tay họ một cách thật mạnh mẽ, bằng cả tấm lòng của mình”. Chúng tôi thường thực hành kỹ năng này. Sau một cái bắt tay tôi cố thực hiện mà ông cho là chưa đủ chặt, tôi thường lấy hết sức bóp chặt tay ông. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi cái siết tay chặt nhất của tôi luôn khiến ông mỉm cười hài lòng, nụ cười rạng ngời trong cả ánh mắt. Ông sẽ khen: “Cừ lắm, cháu trai! Giờ thì đó là cái bắt tay thật sự rồi đấy!”. Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng người khác vẫn nhăn mặt mỗi khi tôi bắt tay họ.

Ông tôi sống ở Newton, Massachusetts, làm việc trong lĩnh vực tài chính và thường có những chuyến công tác đến New York. Tại đây, ông từng giành chiến thắng trong cuộc thi khiêu vũ điệu Waltz cùng với con gái ông (tức dì Duckie của tôi) với những bản nhạc của Guy Lombardo(2). (Mọi người thường bảo hai người họ trông giống như Ginger Rogers và Fred Astaire(3) vậy). Ông làm bạn với Guy Lombardo và gần như với tất cả mọi người mà ông gặp. Skipper – được mọi người biết đến với cái tên John McKey(4) – là tấm gương đạo đức đầu tiên cho tôi về hình mẫu một người đàn ông chân chính. Vẻ ngoài của ông tạo nên phong cách riêng nhưng vẫn giữ được vẻ chân phương: tóc bạc, đeo kính đồi mồi, bộ com-lê sờn cũ và chiếc cà-vạt thắt gọn gàng làm cho thân hình gầy gò cao một mét chín của ông thêm duyên dáng. Trông ông cứ như một quý ông chính hiệu. Ông ngoại Skipper của tôi rất quý trọng bạn bè. Ông thích khiêu vũ, yêu môn bóng chày, thích đón xe lửa đi New York và ông yêu “sự vụng trộm” của mình – đó là cách ông dùng để chỉ món rượu uýtky mà ông thường nhấm nháp và tất cả những thú vui xung quanh mình. Tôi đoán là ông uống nhiều rượu hơn so với lượng cồn mà bác sĩ cho phép, nhưng với tôi, ông luôn là một người tốt bụng và có phẩm cách cao đẹp.

Và khi điều đau buồn không thể tránh khỏi đến – khi ông hấp hối – ông ngoại Skipper của tôi vẫn có phong cách của một quý ông. Khi ấy, tôi vẫn còn là một cậu bé. Ông bị bệnh phổi và phải cố gắng giành giật từng hơi thở. Ông nằm trên chiếc trường kỷ, có ống dẫn ôxy cắm vào mũi. Tôi choàng tay ôm lấy ông. Nhưng rồi ông chìa bàn tay ra để bắt tay tôi lần cuối. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông như lời ông đã dạy. Tay ông rung lên khi siết chặt tay tôi, rất chặt. Khi tôi lấy hết sức siết lấy bàn tay ông, tôi thấy đôi mắt ông ngời sáng trong giây lát – tia sáng lấp lánh quen thuộc mà tôi biết rất rõ ấy lại xuất hiện như thể cái bắt tay của tôi có công dụng kỳ diệu. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nói lời từ biệt với ông ngoại Skipper lần sau cuối.

Những gì làm cho cuộc sống này trở nên kỳ diệu không phải khó tìm, chỉ là chúng ở trạng thái vô hình mà thôi. Đó là cảm xúc được tìm thấy trong những mối quan hệ thân thiết. Chính cảm xúc ấy sẽ đánh bật cái khóa đang giữ chặt trái tim ta, để ta mở lòng ra với những gì thật sự quan trọng với tâm hồn mình.

Tất cả những câu chuyện trong quyển sách này đều là chuyện có thật. Mỗi câu chuyện cung cấp một lượng vitamin đặc biệt – loại Vitamin Kết nối vô cùng cần thiết cho đời sống tình cảm của chúng ta. Khi có đủ loại vitamin này trong cơ thể,bạn hoàn toàn có thể tạo nên những điều kỳ diệu.

ĐỌC THỬ

ÁNH SÁNG CUỘC ĐỜI

Tôi xuất thân trong một gia đình có dòng máu nổi loạn có truyền thống lâu đời ở vùng New England. Đó là một gia đình vừa bị nguyền rủa lại vừa được chúc phúc (theo cách nào đấy) bởi gia đình tôi có một đặc điểm mà tôi gọi là “bộ ba đặc tính của những người da trắng theo đạo Tin Lành”: nghiện rượu, bệnh tâm thần và tính khiêm nhường. Cha mẹ, ông bà và các bậc tổ tiên, những người đã xây dựng nên gia phả gia đình tôi đều ít nhiều mang trong mình bộ ba đặc tính ấy.

Người mẹ thân yêu dịu dàng nhưng lại mắc chứng nghiện rượu của tôi đã ly hôn đến hai lần. Cha tôi đã phải nhập viện nhiều lần vì chứng loạn thần kinh. Cha dượng tôi là một kẻ nghiện rượu và tàn bạo. Và hậu quả từ tất cả những vấn đề trên cộng lại là tôi có hai khuyết tật về trí não: khả năng đọc và khả năng tập trung của tôi bị hạn chế. Bởi vì mọi người ở nhà không thể trông nom tôi nên năm lên mười tuổi tôi bị gửi đi học ở trường nội trú, lúc đó tôi học lớp năm. Thời niên thiếu của tôi chủ yếu trải qua tại đó.

Như các bạn có thể thấy, gia đình tôi không hội tụ đủ những điều kiện để được xếp vào danh sách những gia đình hạnh phúc. Họ nhà Hallowell chúng tôi đã cố gắng sống lạc quan, nhưng phía sau những nỗ lực ấy lại ẩn giấu nhiều chông chênh, bất trắc.

Vào năm học lớp mười hay mười một, bất cứ khi nào suy nghĩ một cách thực tế về tương lai, tôi thường nhận ra rằng mình sẽ chẳng thể nào trở thành người hạnh phúc được. Tôi hy vọng mình sẽ tìm được hạnh phúc, nhưng tôi lại không nghĩ rằng nó được dành sẵn cho tôi trong những lá bài số phận, hay nói chính xác hơn là trong mã gen di truyền.

Tôi đã quyết định con đường duy nhất của tôi là phải thực hiện thật tốt nghĩa vụ của mình, không gây ra rắc rối để tránh tạo nên gánh nặng cho người khác. Tôi cố gắng tìm cách dung hòa thế giới nội tâm chất chứa bao u sầu của mình với thế giới rộng lớn ngoài kia – một thế giới với biết bao điều kỳ bí mà trí óc non nớt của tôi khi ấy chưa thể hiểu hết được.

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi nằm dài trên giường ở trường nội trú, nhìn chằm chằm lên trần nhà và tự hỏi: Liệu tôi có được hạnh phúc hay không? Có nhiều khả năng câu trả lời là Không.

Giờ đây, sau khoảng ba mươi lăm năm, ở độ tuổi năm mươi, tôi đã có thể trả lời được câu hỏi đó. Thật đáng ngạc nhiên là tôi đã có thể tìm cho bản thân một cuộc sống tốt. (Sẽ tuyệt vời thế nào nếu tôi của hiện tại có thể quay ngược về quá khứ và thỏ thẻ vào tai của tôi lúc mười lăm tuổi rằng: “Đừng lo lắng, mọi thứ sẽ tốt đẹp cả thôi”? Nhưng tôi biết rằng điều đó là trái với quy luật của cuộc sống.) Tuy nhiên, về cơ bản, giờ đây tôi là một người hạnh phúc, hạnh phúc hơn rất nhiều so với lúc tôi nằm dài trên giường ở trường nội trú mà chán chường suy ngẫm về số phận của mình, và hạnh phúc hơn bội phần so với những gì mà người ta có thể dự đoán về tương lai tôi dựa vào những đặc điểm mang tính di truyền và những trải nghiệm trong thời thơ ấu của tôi.

Từ góc độ thống kê xã hội học thì những đứa trẻ từng bị ngược đãi như tôi thường trở thành người xấu. Chúng sẽ vào tù ra khám, hoặc phải vào viện tâm thần, rượu chè be bét, hoặc rơi vào cảnh khốn khổ triền miên.

Vậy điều gì đã cứu vớt tôi? Tôi sẽ trả lời câu hỏi ấy ngay sau đây.

Cuộc hôn nhân thứ hai của mẹ tôi đã đẩy tôi vào những năm tháng kinh hoàng nhất của đời mình, khoảng thời gian mà có lẽ tôi đã chẳng thể nào hồi phục được nếu không nhờ có sự giúp đỡ của người ngoài.

Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi lên bốn. Không lâu sau đó, mẹ tôi yêu một người đàn ông lớn tuổi hơn có tên là Noble Cathcart. Ông Noble cũng sống ở Chatham – một thị trấn nhỏ thuộc Cape Cod. Ông vốn có gốc gác từ miền Nam nhưng đã sống ở Chatham khá lâu. Ở phần sau tôi sẽ giới thiệu cụ thể hơn về thị trấn này.

Lần đầu tiên gặp ông là khi tôi đang sống rất hạnh phúc với mẹ và các anh chị họ của tôi: Lyn và Jamie, cùng với người dì mà tôi hay gọi là Duckie và dượng Jim. Cha mẹ tôi đã ly hôn, và tôi đã chấp nhận sự thật đó không chút ồn ào. Tôi yêu bố tôi, nhưng việc mẹ hẹn hò với ông Cathcart cũng chẳng khiến tôi khó chịu gì. Sự thật là tôi thích ông Cathcart vô cùng. Tôi bắt đầu gọi ông là dượng Noble và thường mong cho mau tới khi được cùng mẹ đến thăm ông. Tôi vẫn còn nhớ một lần nọ mẹ dỗ ngọt tôi đến nha sĩ để trám răng bằng phần thưởng là một chuyến đến thăm ông Cathcart ngay sau khi đi nha sĩ.

Một ngày nọ, mẹ hỏi tôi rằng liệu tôi cảm thấy thế nào nếu mẹ kết hôn với dượng Noble. Lúc đó tôi bảy tuổi, đang học lớp hai ở trường công lập ở Chatham. Bà còn nói với tôi rằng nếu bà kết hôn với ông ấy thì chúng tôi sẽ chuyển đến Charleston, South Carolina. Dẫu tôi rất thích dượng Noble, nhưng ý nghĩ phải rời bỏ Chatham, lìa xa Jamie và Lyn khiến tôi rất đau lòng. Vì thế, tôi đã nói với mẹ là tôi phản đối bà kết hôn cùng người đàn ông ấy, trừ phi tôi có thể ở lại Chatham.

Nhưng dượng Noble đã thắng. Mẹ đã kết hôn với ông ấy và cả ba chúng tôi cùng chuyển đi Charleston. Thế rồi bộ mặt thật của dượng Noble bắt đầu lộ ra. Mỗi ngày đi học về, tôi thường thấy ông say bí tỉ. Trường tan vào độ hai giờ chiều và khi tôi đạp xe về đến nhà thì là khoảng hai giờ rưỡi. Theo nếp sinh hoạt ở Charleston thì vào tầm đó tất cả chúng tôi sẽ cùng ngồi vào bàn để ăn “bữa tối” – bữa ăn chính trong ngày, thường diễn ra vào khoảng ba giờ chiều.

Vào những bữa ăn ấy, dượng Noble và tôi sẽ tiến hành những cuộc chiến tranh.

Tình cảm tốt đẹp tôi từng có với cha dượng trước đó không còn nữa và tôi chuyển sang căm ghét ông, không chỉ bởi vì ông đã khiến tôi phải rời bỏ Chatham, lìa xa các anh chị họ thân yêu, cùng dì và dượng của tôi, mà còn bởi vì ông đã ngược đãi mẹ tôi. Dượng Noble và mẹ tôi thường chơi một trò chơi trẻ con có tên gọi là “hòn đá – tờ giấy – cái kéo”. Đây là trò chơi hoàn toàn lành mạnh mà bọn trẻ con vẫn thường chơi, nhưng qua tay dượng Noble thì nó lại trở thành một trò xấu xa. Có một luật trong trò chơi là bạn có thể tát đối thủ bằng hai ngón tay (hình dạng hai ngón tay trông giống như cái kéo). Thế nhưng dượng Noble lại biến những cái tát bằng hai ngón tay thành những cú đánh trời giáng để lại những vết thâm tím trên người mẹ tôi suốt vài ngày mới hết. Ông ép mẹ tôi phải chơi trò đó suốt. Tôi khiếp sợ khi nhìn thấy niềm hân hoan trong ánh mắt ông mỗi lần đến lượt ông tát mẹ tôi. Tôi chẳng thể hiểu nổi vì sao mẹ lại không rời bỏ ông ta ngay lúc ấy.

Một lần nọ, lúc đó tôi khoảng tám tuổi, tôi gạt chân ông té khi ông đánh mẹ tôi vì bà đã châm thuốc cho ông hút theo cách mà ông cho là không đúng. Chẳng thèm để tâm đến tôi, ông tiếp tục ôm lấy chai martini của mình và đá tôi đi chỗ khác, nhưng ít ra thì ông cũng đã để cho mẹ tôi yên. Một đêm khác, khi tôi bước vào phòng khách, tôi thấy mẹ đang cố tự vệ khi ông ấy tiến về phía bà với thanh cời than. Khi thấy tôi, ông ném thanh cời trở lại vào chỗ để những dụng cụ dùng cho lò sưởi và nói: “Biến đi. Nếu mày không thích phải chứng kiến cảnh này thì tại sao mày không… biến đi!”.

Không lâu sau thì tôi thật sự muốn làm liều mà biến đi. Mẹ tôi đã bắt đầu cùng uống rượu với dượng Noble, vì thế mà cả hai người đều không thể làm những điều mà các bậc cha mẹ cần làm đối với con cái, chẳng hạn như: làm bài tập cùng con, tham gia các trò chơi, đi câu cá, hoặc chơi bóng. Cuộc đời tôi trở nên xoay quanh những việc: đi học, chiến đấu với dượng Noble, xem tivi một mình, rồi đi ngủ.

Điều làm cho việc ra đi của tôi khó khăn hơn đó là dượng Noble đôi khi cũng tốt bụng. Đó là phần lương thiện trong con người ông vẫn chưa bị đánh mất. Thỉnh thoảng ông cũng tốt với tôi, thậm chí cả sau khi chúng tôi bắt đầu chiến tranh. Ví dụ, khi tôi bị bệnh sởi năm lên chín tuổi, sức khỏe của tôi rất yếu. Bị sốt đến hơn 39OC, tôi chuyển sang mê sảng, vật vã với những cơn ác mộng. Tôi đổ mồ hôi nhiều đến nỗi ga giường của tôi ướt sũng và tôi sợ hãi vô cùng. Có lẽ chính trạng thái tâm thần bấn loạn lại giúp gia tăng trí nhớ. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh dượng Noble ngồi bên cạnh tôi, chờ cho cơn sốt hạ xuống. Dượng thức cùng tôi đến tận khuya. Dưới ánh trăng, ông lấy một chiếc khăn lạnh chặm mồ hôi trên trán tôi, trong khi kể cho tôi nghe những câu chuyện về cái thời dượng làm nhân viên tình báo… khi tôi còn đủ tỉnh táo để lắng nghe.

Những câu chuyện ấy cứ như trong thần thoại; đến bây giờ tôi vẫn không biết liệu chúng có thật hay không, nhưng thật tuyệt khi nghe những câu chuyện ấy giữa cơn sốt cao. Rồi vào nửa đêm thì bác sĩ đến, cho tôi uống thuốc và thế là cơn sốt nhanh chóng qua đi. Ngày hôm sau, dượng Noble trở về là người như cũ – một kẻ nát rượu.

Tôi và dượng Noble luôn đối đầu với nhau. Chúng tôi khiêu khích nhau bằng cả lời nói lẫn hành động. Ông thường đét vào mông tôi nhưng chẳng bao giờ gây thương tích cho tôi như ông thường làm với mẹ tôi. Tôi muốn thương yêu ông, và tôi tin rằng ông cũng muốn thương yêu tôi, nhưng kết cục là chúng tôi lại gây đau khổ cho nhau. Tôi thấy phẫn nộ cho mẹ mình và tức giận vì chúng tôi đã không được sống ở Chatham, trong khi ông ấy thì… Ông ấy đang làm gì nhỉ? Tại sao ông lại quá tệ bạc với mẹ con tôi? Tại sao ông lại trở mặt sau khi cưới mẹ tôi? Và tại sao ông không yêu thương cậu bé đã từng ôm siết ông với vòng tay rộng mở trong lần đầu tiên gặp gỡ? Có thể ông sẽ bảo rằng đấy là vì tôi đã trở thành một đứa trẻ hỗn xược, còn tôi thì lại cho rằng đó là bởi vì ông đã biến thành một kẻ nát rượu tệ hại. Giờ thì ông đã mất rồi, nên tôi không thể hỏi ông vì sao. Nhưng tôi vẫn thắc mắc. Việc tôi là một đứa trẻ hư và ông là một kẻ nát rượu không hoàn toàn giải thích được vì sao ông và tôi đã đánh mất điều gì đấy mà đáng ra sẽ rất tuyệt vời cho cả hai.

Tôi đã có thể tìm thấy người cha thứ hai và ông cũng có được đứa con trai mà ông không bao giờ có. Thay vào đấy, chúng tôi lại trở thành oan gia. Cuối cùng, khi tôi lên mười, mẹ tôi quyết định gửi tôi đến trường nội trú Fessenden ở Massachusetts, gần Boston. Như vậy là tôi rời bỏ Charleston và thoát khỏi thế giới của dượng Noble.

Trận đấu giữa tôi với dượng Noble kết thúc bằng việc tôi ra đi. Từ nay ông ấy sẽ không thể gây ra những chuyện tồi tệ với tôi được nữa, và cơ hội hàn gắn giữa tôi và dượng Noble cũng không còn. Vài năm sau thì mẹ tôi ly dị ông. Nhưng bà đã không thể nào hồi phục lại từ sau cuộc hôn nhân đó. Bà sống độc thân cho đến cuối đời ở Chatham, cố gắng giữ cho tinh thần mình phấn chấn. Mẹ tôi vẫn là một người phụ nữ dịu dàng nhưng đã bị tổn thương sâu sắc và mắc chứng nghiện rượu.

Đây là bí mật của các gia đình: Tại sao nhiều điều lẽ ra có thể tốt đẹp lại trở nên thật tồi tệ? Và một điều bí ẩn hơn nữa: Tại sao dù mọi việc tồi tệ đến thế mà cuộc sống vẫn diễn ra tốt đẹp như nó đã diễn ra với tôi cho đến lúc này?

Dượng Noble đã không thể tiêu diệt tôi. Tôi đã sống sót. Hơn nữa, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người tốt, tôi đã thành công. Tôi không bao giờ gặp lại dượng Noble kể từ vụ ly hôn của mẹ và tôi cũng chẳng nói chuyện với ông, ngoại trừ một lần tôi gọi cho ông vào năm 1987. Khi ấy tôi ba mươi tám tuổi, còn ông khoảng chín mươi. Quyển sách đầu tiên của tôi vừa được ra mắt độc giả. Tôi muốn người đàn ông đã làm tổn thương mẹ tôi quá nhiều ấy biết rằng sự xấu xa của ông đã không thể hủy hoại tôi.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button