Quà tặng cuộc sống

Khi đức tin chiến thắng

Khi duc tin chien thang - Don Piper & Cecil Murphey1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Don Piper & Cecil Murphey

Download sách Khi đức tin chiến thắng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

 

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Đôi khi chúng ta hay tự kêu thán rằng, cuộc đời này thật chẳng có gì đáng tin cậy, chẳng gì có thể làm chỗ dựa cho lòng tin và rằng chúng ta đã mất hết niềm tin. Nhưng hình như tất cả sự kêu ca, phàn nàn đó chỉ là một thói quen mà thôi. Bởi lẽ, nếu bạn đã mất hết niềm tin vào cuộc sống, chắc chắn, bạn đã chẳng thể sống được đến giờ phút này. Niềm tin, có chứa đựng một sức mạnh diệu kì, có khả năng tạo nên những bất ngờ lớn lao mà chúng ta không thể hình dung ra hết. Câu chuyện dưới đây mà các bạn sắp đọc mang đến cho mỗi người thêm một ví dụ sâu sắc và cảm động. Khi đức tin chiến thắng không chỉ là niềm tin của mục sư Don Piper, không chỉ là niềm tin của Dick – người bạn đã cầu nguyện cho vị mục sư ngay tại hiện trường của tai nạn, mà còn là niềm tin của tất cả những người thân trong gia đình Don, bạn bè của anh và cả những người nghe kể về anh mà chưa từng gặp mặt đã thầm lặng giúp đỡ và kiên trì cầu nguyện. Niềm tin mà bạn cảm nhận được từ câu chuyện này mang một sắc thái thiêng liêng ở những con chiên của Chúa. Đó là đức tin.

Mới nghe tên sách, chúng ta nghĩ rằng có thể tìm thấy ở đây các tưởng tượng hoang đường về thế giới tâm linh thì khi đi đến trang cuối cùng của cuốn sách, chúng ta chỉ thấy thấm đẫm tinh thần nhân bản, một tình cảm thương yêu nồng hậu của con người với nhau. Có lẽ, đó chính là thông điệp sâu sắc mà tác giả muốn chuyển tới mỗi chúng ta. Bởi vậy, tôi tin rằng cuốn sách sẽ là món quà tinh thần ý nghĩa cho mỗi người, đặc biệt là những người đang phải đối diện với thách thức cam go của cuộc sống.

Thực ra, cuốn sách này còn có một chiều kích đặc biệt khác, tác giả cuốn sách đã thể hiện sự trải nghiệm của mình về những khoảnh khắc của “cuộc sống sau cái chết”, một chủ đề lớn mà hàng ngàn năm nay con người cũng như các tôn giáo băn khoăn tìm lời giải đáp.

Với kinh nghiệm nghiên cứu của bản thân, cùng mong muốn được chia sẻ tinh thần nhân văn vô cùng cảm động, tôi xin trân trong giới thiệu cuốn sách Khi đức tin chiến thắng cùng bạn đọc.

Mở đầu

Tôi đã chết vào ngày 18 tháng 01 năm 1989.

Các nhân viên cứu hộ tới hiện trường chỉ vài phút sau vụ tai nạn. Họ không đo được mạch đập và tuyên bố là tôi đã chết. Họ đắp một tấm vải dầu lên người tôi. Vì thế, những người ngoài không thể nào nhìn thấy tôi nữa trong khi họ đang chú ý đến những người bị thương khác trong vụ tai nạn. Tôi hoàn toàn không hề biết đến sự có mặt của những nhân viên cứu hộ hay bất kỳ ai ở xung quanh tôi.

Ngay sau khi chết, tôi đã lên đến tận thiên đàng.

Trong khi tôi ở trên thiên đàng, một cha xứ Tin Lành đến hiện trường của vụ tai nạn. Mặc dù biết là tôi đã chết, ông vẫn lao đến chỗ xác tôi và cầu nguyện cho tôi. Mặc những lời chế nhạo của các nhân viên cứu hộ thuộc đội cứu hộ EMT (Emergency Medical Technicians) ông vẫn không ngừng cầu nguyện.

Ít nhất là 90 phút sau khi đội cứu hộ tai nạn tuyên bố tôi đã chết, Chúa đã trả lời những lời cầu nguyện của ông.

Tôi đã trở lại trái đất.

Đó là câu chuyện của tôi.

VỤ TAI NẠN

Nên chúng ta mạnh dạn nói: “Chúa phù hộ tôi, tôi sẽ không sợ hãi; người đời làm gì được tôi?”.

Hebrew 13:6

Hiệp hội dòng Tin Lành bang Texas thường tổ chức các hội nghị hàng năm trên toàn bang. Vào tháng Giêng năm 1989, Hiệp hội đã chọn một địa điểm ở phía Bắc của khu vực hồ Livingston nơi Hiệp hội Tin Lành, bao gồm tất cả các nhà thờ của khu vực Houston, tổ chức một hội nghị quy mô lớn có tên là Trinity Pines. Hội nghị tập trung vào việc phát triển nhà thờ, và tôi đã đến tham dự vì tôi thực sự quan tâm tới việc xây dựng một nhà thờ mới.

Hội nghị bắt đầu vào thứ Hai và dự kiến kết thúc vào trưa thứ Tư. Vào đêm thứ Ba, tôi cùng đi dạo với một người bạn và cũng là một thành viên điều hành Hiệp hội BGCT tên là J.V. Thomas. Anh thường xuyên đi bộ sau khi phát hiện mình bị bệnh tim, vì thế chúng tôi cùng nhau đi bộ vào đêm cuối cùng của hội nghị.

Vài tháng trước đó, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc tôi cần phải tạo lập một giáo đoàn mới. Trước khi tiến hành, tôi cần càng nhiều thông tin càng tốt. Tôi biết là J.V có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về việc thành lập một nhà thờ mới, như bất kỳ ai trong BGCT. Bởi vì anh là người đã tạo dựng thành công rất nhiều nhà thờ tại Texas, hầu hết chúng tôi đều công nhận anh là chuyên gia về lĩnh vực này. Khi chúng tôi đi bộ cùng nhau trong đêm hôm đó, chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều với nhau về việc tạo dựng nhà thờ mới của tôi, khi nào nên bắt đầu, và xây dựng ở đâu. Tôi muốn biết về những khó khăn cũng như nguy cơ có thể gặp để phòng tránh. Anh không những đã trả lời hàng nghìn câu hỏi của tôi mà còn đưa ra nhiều vấn đề mà tôi không ngờ tới.

Chúng tôi đã đi bộ và nói chuyện trong suốt một giờ đồng hồ. Mặc cho thời tiết hôm đó rất lạnh và mưa chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau. J.V nhớ rất rõ thời khắc đó.

Tôi cũng vậy, nhưng vì một lý do khác: Đó là lần cuối cùng tôi có thể đi bộ bình thường.

Sáng thứ Tư, thời tiết rất xấu. Trời mưa không dứt. Nếu nhiệt độ chỉ xuống thêm vài độ nữa là chúng tôi không thể di chuyển được bởi mọi thứ dường như đóng băng.

Những cuộc họp vào buổi sáng diễn ra đúng kế hoạch. Diễn giả cuối cùng đã làm một việc rất ít tu sĩ Tin Lành khác thường làm – đó là ông kết thúc bài diễn thuyết của mình sớm hơn dự kiến. Thay vì ăn sáng, các nhân viên phục vụ tại Trinity Pines phục vụ bữa ăn giữa buổi vào lúc 10 giờ 30 phút sáng. Tôi thu xếp hành lý của mình từ tối hôm trước, vì thế mọi thứ đã sẵn sàng trong chiếc Ford màu đỏ đời 1986 của mình.

Ngay sau khi kết thúc bữa ăn giữa buổi, tôi chào tạm biệt bạn bè và lên đường tới nhà thờ Tin Lành South Park ở Alvin – nơi tôi là mục sư.

Khi khởi động xe, tôi nhớ lại ba tuần trước đó tôi đã bị phạt vì không chịu thắt dây an toàn. Lúc đó, tôi đang trên đường đến cầu nguyện cho một người bạn người đang trải qua ca phẫu thuật cổ họng hiểm nghèo. Cảnh sát Texas đã chặn xe tôi lại. Tờ giấy phạt vẫn còn đang ở trên ghế sau, nhắc tôi phải nộp phạt càng sớm càng tốt khi tôi trở về Alvin. Tôi thường không thắt dây an toàn cho tới khi nhận được tờ giấy phạt này, nhưng sau đó tôi đã thay đổi.

Khi nhìn vào tờ hoá đơn phạt tôi thầm nghĩ: “Mình không muốn bị phạt thêm một lần nữa”. Vì thế, tôi cẩn thận thắt dây an toàn. Hành động nhỏ này có lẽ là một quyết định vô cùng quan trọng.

Có hai con đường về Houston và đi đến Alvin. Ngay khi tôi đến cổng của Trinity Pines, tôi đã chọn hoặc là xuyên qua Livingston và xuống đường cao tốc 59 hoặc là đi theo hướng Tây đến Huntsville và thẳng đường I-45, thường được gọi là đường cao tốc vùng Vịnh (Gulf Freeway). Con đường nào cũng xa như nhau. Mỗi lần đến và rời Trinity Pines tôi thường lái xe theo Đại lộ 59. Sáng hôm đó, tôi lại chọn đường cao tốc vùng Vịnh.

Tôi thấy nhẹ nhõm khi chúng tôi đã kết thúc sớm. Đó là khoảng gần 11 giờ trưa, vì thế tôi có thể về đến nhà thờ của mình lúc 2 giờ. Một vị mục sư đáng kính đã dẫn đầu một đoàn đến Miền Đất Thánh nên tôi phải có trách nhiệm tiến hành buổi lễ giữa tuần tại nhà thờ South Park. Ông cũng yêu cầu tôi giảng bài trong hai Chủ nhật tiếp theo. Tối hôm đó sẽ là buổi cầu nguyện nên việc chuẩn bị rất ít, nhưng hai buổi giảng vào ngày Chủ nhật thì tôi cần có nhiều thời gian hơn.

Trước khi rời Alvin, tôi đã viết một bản sơ lược cho buổi giảng vào Chủ nhật đầu tiên với tiêu đề là: “Tôi tin tưởng vào Người”. Khi lái xe tôi đã dự định sẽ xem lại bài kinh và đánh giá bài viết mà tôi đã chuẩn bị từ trước.

Rất nhiều lần từ đó trở về sau, tôi suy nghĩ về quyết định chọn con đường vùng Vịnh. Thật ngạc nhiên là hầu như chúng ta không bao giờ để ý đến những điều chúng ta đã quyết định. Tuy nhiên, tôi luôn nhắc nhở mình rằng ngay cả quyết định nhỏ nhất cũng luôn để lại kết quả lâu dài về sau. Đây cũng là một quyết định như vậy.

Tôi rời Trinity Pines, rẽ phải, và hướng xuống đường cao tốc 19. Con đường này sẽ dẫn tôi tới Huntsville và giao với đường I-45, hướng về Houston. Tôi lái xe một lát thì tới vùng hồ Livingston – một cái hồ nhân tạo nhờ việc xây dựng đập ngăn sông Trinity. Trước đây nó là đáy sông, giờ trở thành một vùng hồ rộng lớn tuyệt đẹp. Bắc ngang qua hồ Livingston là con đường hai làn xe. Con đường không có rào chắn nên nó rất hẹp. Tôi phải lái xe qua một hồ nước lớn trên con đường dài và hẹp để sang được bờ bên kia. Tôi chẳng có linh cảm gì khi đi qua con đường này, ngoại trừ ý nghĩ con đường không có rào chắn.

Cuối đường cao tốc vượt qua hồ là cây cầu cũ bắc qua sông Trinity. Ngay sau cây cầu, con đưòng trở nên rất dốc, gần như dựng đứng vì đây là lòng sông Trinity. Chính vì độ dốc này mà tầm nhìn trên đường hầu như bằng không, gây khó khăn rất nhiều cho lái xe từ cả hai hướng.

Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây cầu, nó đẹp tuyệt vời. Tôi không hiểu biết nhiều về các nhịp cầu nhưng tôi nhận thấy đây là cây cầu khá dài. Đó là một cây cầu rất lớn, đã cũ với cấu trúc thép to đã gỉ sét. Tôi hầu như không nhìn thấy gì ngoài một phần con đường phía trước, và dĩ nhiên là tôi cũng không có ý niệm về bất kỳ chiếc xe nào phía trước. Đó là một cây cầu nguy hiểm, như tôi phát hiện ra sau này, rất nhiều tai nạn đã xảy ra tại đây. (Bây giờ cây cầu không được sử dụng nữa nhưng nó vẫn đứng đó. Chính quyền bang đã cho xây dựng cây cầu khác ở bên cạnh cây cầu này).

Tôi lái xe chừng 30 giờ vì con đường này khá nguy hiểm và không quen với tôi. Tôi hơi co vai lại vì không khí khá lạnh ngoài trời. Gió mạnh khiến cho buổi sáng trở nên lạnh hơn bình thường. Trời mưa và mây đen xám xịt. Tôi cảm thấy vui vì cuối cùng cũng đã tới được Alvin. Đó là lúc 11 giờ 45 phút sáng, ngay khi tiến gần tới phía đông cây cầu thì một chiếc xe tải hạng nặng 18 bánh do một người tù lái xe của Cơ quan Truy lùng Tội phạm thuộc bang Texas vượt qua đường kẻ chắn ở giữa và đâm vào xe của tôi. Chiếc xe tải ép chiếc xe hơi nhỏ của tôi vào giữa đường ray của cầu và bên kia của xe. Toàn bộ bánh trước của xe tải trùm lên phía trên chiếc xe hơi nhỏ và nghiền nát nó.

Tôi chỉ nhớ một phần tai nạn, còn hầu hết thông tin là do mọi người kể lại cho tôi nghe.

Từ miêu tả của những người chứng kiến tai nạn, chiếc xe tải đổi hướng sang một bên cầu và va chạm vào hai chiếc xe khác. Cả hai chiếc này đều ở phía trước của xe tải và chạy vượt qua xe tôi theo hướng ngược lại. Báo cáo của cảnh sát cho biết, xe tải đi rất nhanh và vận tốc gây tai nạn là ít nhất là 36 km/giờ, người lái xe thiếu kinh nghiệm nên gần đến cuối cầu mới dừng xe được.

Một thanh niên gốc Việt Nam đang lái chiếc xe bị đâm và một người đàn ông gốc Cáp-ca điều khiển chiếc xe còn lại. Mặc dù cả hai lái xe đều bị choáng nhưng họ chỉ bị xây sát, thâm tím nhẹ. Họ từ chối cứu chữa nên các nhân viên y tế không chuyển họ tới bệnh viện.

Các báo cáo về vụ tai nạn cho thấy tốc độ va chạm tại thời điểm đó là 66 km/giờ. Vì vậy, khi chiếc xe đâm vào tôi chạy với tốc độ là 36 km/giờ, và xe của tôi thì đang đi ở tốc độ 30 km/giờ. Người lái xe thiếu kinh nghiệm đã bị phạt vì tội không thể làm chủ tốc độ xe. Thông tin sau này cho thấy anh ta không hề có bằng lái xe tải. Người phụ trách của nhà tù đã hỏi ai xung phong lái chiếc xe tải đi lấy thức ăn. Và bởi vì người đàn ông này là người duy nhất xung phong, nên anh ta được chọn. Có hai người bảo vệ đi theo anh ta trong chuyến đi lấy thực phẩm này.

Sau tai nạn, người lái xe tải không bị thương. Xe tải của nhà tù cũng không bị hư hại nhiều. Tuy thế, chiếc xe tải hạng nặng đã đâm vào chiếc xe Ford của tôi và đẩy nó ra khỏi con đường hẹp nhưng rào chắn trên cầu đã ngăn chiếc xe của tôi khỏi lao xuống hồ.

Theo những người có mặt tại hiện trường, hai người bảo vệ trên chiếc xe tù đã gọi cho bộ phận y tế của nhà tù, và họ đến chỉ sau vài phút. Một nhân viên y tế kiểm tra tình trạng của tôi, không thấy mạch đập và tuyên bố rằng tôi đã chết ngay.

Tôi cũng không nhớ chút gì về vụ va chạm của tai nạn hay những gì xảy ra sau đó.

Trong giây phút vô cùng mãnh liệt và chấn động, tôi đã chết.

ĐỌC THỬ

THỜI GIAN TRÊN THIÊN ĐÀNG

Ông sợ hãi nói: “Nơi này thật đáng kính sợ. Đây chính là nhà của Đức Chúa Trời, là cổng trời!”.

Genesis 28:17

Khi chết, tôi đã không trôi theo đường hầm dài và tối đen nào cả. Tôi không có cảm giác nhoà đi hay quay trở lại. Tôi cũng không cảm thấy thân thể của mình chuyển dời đi trong ánh sáng. Tôi không nghe thấy tiếng gọi tôi hay bất kỳ âm thanh nào khác. Bất chợt những gì còn lại mà tôi thấy chỉ là cây cầu và cơn mưa, với một thứ ánh sáng hoàn hảo của trái đất mà tôi chưa bao giờ thấy. Chỉ vậy thôi.

Vào phút giây tôi nhận thức được, tôi đang đứng trên thiên đàng.

Tôi cảm thấy rất thích thú với những gì xung quanh tôi, và lúc đó tôi nhìn thấy một nhóm rất đông người. Họ đứng trước một cánh cửa rất đẹp và rực rỡ. Tôi cũng không nhận thấy là họ đứng cách tôi bao xa, dường như ở đây khoảng cách không còn nghĩa lý gì nữa. Khi đám đông tiến gần về phía tôi, tôi không nhìn thấy Chúa, nhưng tôi nhìn thấy những người mà tôi quen biết. Khi họ lại gần phía tôi, tôi nhận ra hầu hết mọi người và họ đều đã chết. Sự hiện diện của họ ở đây là hoàn toàn tự nhiên.

Họ tiến gần về phía tôi đang đứng, ai cũng mỉm cười, và cầu nguyện Chúa. Từ trong nhận thức của mình, tôi hiểu họ đang chào mừng tôi. Như thể họ đang tụ tập tại cổng thiên đàng và đợi tôi.

Người đầu tiên mà tôi nhận ra là Joe Kullbeth – ông của tôi. Ông trông hệt như những gì tôi vẫn thường nhớ đến, với mái tóc màu sáng và cái mũi tôi luôn gọi là “quả chuối to tướng”. Ông bất ngờ dừng lại và đứng trước mặt tôi, miệng cười rộng ngoác. Hình như tôi có gọi tên ông.

“Donnie!” (Ông vẫn thường gọi tôi như thế). Hai mắt ông chớp chớp, ông dang hai tay ra khi bước đến gần tôi hơn nữa. Ông ôm tôi thật chặt. Ông vẫn là ông nội mạnh khoẻ và tràn đầy sức sống mà tôi từng biết khi tôi mới chỉ là đứa trẻ.

Tôi luôn ở bên cạnh ông khi ông bị đau tim và cùng ông trên chiếc xe cấp cứu đến bệnh viện. Tôi đã đứng hàng giờ ngoài phòng cấp cứu tại bệnh viện cho đến khi bác sĩ bước ra, lắc đầu và nói: “Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể!”.

Ông buông tôi ra, tôi nhìn kỹ vào khuôn mặt ông, một cảm giác sung sướng tột cùng xâm chiếm tôi. Tôi chẳng nghĩ gì về bệnh tim của ông, chẳng nghĩ về cái chết của ông, chỉ còn lại niềm vui đoàn tụ với ông mà thôi. Chúng tôi đã tới thiên đàng bằng cách nào cũng chẳng quan trọng nữa.

Tôi không biết tại sao ông là người đầu tiên tôi gặp. Có lẽ, bởi khi ông mất tôi là người luôn ở bên cạnh. Ông không phải là người có ảnh hưởng lớn nhất với tôi về mặt tinh thần, nhưng về mặt nào đó ông lại ảnh hưởng tích cực tới tôi.

Sau khi được ông ôm, tôi không nhớ là mình đã ôm ai tiếp theo. Cả một đám đông, một số thì ôm, số khác thì hôn vào má tôi, bắt tay tôi và lắc thật mạnh. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình được yêu thương nhiều đến thế.

Một người trong đám đông mà tôi chú ý là Mike Wood – người bạn thủa thiếu thời của tôi. Mike là một người bạn đặc biệt của tôi vì anh ấy đã mời tôi tới lớp học giáo lý Chủ nhật và là người có ảnh hưởng tới việc tôi trở thành người theo đạo Cơ Đốc. Mike là một con chiên ngoan đạo trẻ tuổi nhất mà tôi từng biết. Anh ấy cũng là người rất nổi tiếng ở trường và được tặng huy hiệu trong suốt bốn năm vì đã đạt thành tích môn bóng rổ, bánh bàn, bóng tròn. Thật là một thanh niên có nhiều kỳ tích. Đối với tôi, anh ấy là một anh hùng vì anh đã sống theo đúng nghĩa của một người Cơ Đốc giáo. Anh ấy đã giành được học bổng toàn phần tại trường Đại học bang Louisiana sau khi học xong trung học. Anh đã chết trong tai nạn xe hơi. Cái chết của anh khiến trái tim tôi tan nát và phải mất thời gian dài tôi mới vượt qua được nỗi buồn mất đi người bạn thân thiết. Cái chết của anh là cú sốc đau đớn nhất mà tôi từng trải qua trong cuộc đời.

Tôi đã tự hỏi liệu tôi có thể ngừng khóc vì nhớ anh khi tôi tham dự lễ tang. Tôi không hiểu tại sao Chúa lại cướp đi con người tuyệt vời đến thế. Trải qua từng ấy năm tôi vẫn không thể nào quên được nỗi đau và cảm giác mất mát. Tôi luôn nghĩ về anh và mỗi khi nghĩ về anh, nỗi buồn lại xâm chiếm lấy tôi.

Giờ đây, tôi nhìn thấy Mike ở trên thiên đàng. Khi anh vòng tay qua vai ôm lấy tôi, nỗi đau và buồn thương trong tôi hoàn toàn biến mất. Tôi chưa bao giờ thấy Mike cười tươi như lúc này. Tôi cũng không hiểu lý do tại sao, nhưng niềm vui nơi đây đã xoá tan mọi thắc mắc trong tôi. Mọi thứ đều tuyệt vời. Thật là hoàn hảo!

Ngày càng có nhiều người tiến về phía tôi và gọi tên tôi. Tôi cảm thấy thật sung sướng vì có rất nhiều người chào mừng tôi đến thiên đàng. Có rất nhiều người và ai cũng hạnh phúc khi ở đây. Gương mặt họ luôn thể hiện sự thanh thản mà tôi chưa bao giờ thấy khi họ còn sống. Tất cả đều tràn đầy sức sống và sáng lên niềm vui.

Thời gian chẳng có ý nghĩa gì ở đây cả. Tuy vậy, để rõ ràng hơn, tôi sẽ liên hệ kinh nghiệm này với một vài mốc thời gian.

Tôi nhìn thấy cụ tôi, nghe thấy giọng của cụ, và cảm nhận cái ôm thật chặt của cụ khi cụ nói rằng mọi người rất vui gặp tôi ở đây, gia nhập vào thiên đàng. Tôi thấy Barry Wilson, người bạn học cùng lớp với tôi thời trung học nhưng sau đó đã bị chết đuối. Barry ôm tôi, nụ cười ngời sáng trên khuôn mặt. Anh và mọi người sau đó đều cầu nguyện Chúa Trời và nói với tôi họ vui mừng biết bao khi tôi ở đây với họ.

Ngay sau đó, tôi nhận ra hai giáo viên, những người đã rất yêu quý tôi và thường nói với tôi về Thiên Chúa. Khi tôi đi dạo với họ, tôi cảm nhận sâu sắc sự khác biệt về tuổi tác – những người trẻ tuổi, những người đã già và những người ở khoảng giữa. Rất nhiều người khi còn sống không quen biết nhau, nhưng mỗi người đều ảnh hưởng tới tôi ở mặt này hay mặt khác. Thậm chí, họ chưa bao giờ gặp nhau trên trái đất, nhưng ở đây dường như họ đã biết nhau rồi.

Khi tôi cố lý giải điều này, tôi không thể nào tìm được từ ngữ tương đương, bởi vì tôi sử dụng từ ngữ thường dùng ở trái đất để diễn tả niềm sung sướng khó tưởng tưởng được khi ở nơi đây, sự hân hoan, ấm cúng, và niềm hạnh phúc trọn vẹn. Mọi người tiếp tục ôm hôn tôi, chạm vào tôi, nói chuyện với tôi, cười với tôi và cầu nguyện Chúa Trời. Điều này dường như diễn ra rất lâu, nhưng tôi lại cảm thấy không hề mệt mỏi gì cả.

Bố tôi là một trong số 11 người con của ông tôi. Các bác, các cô của tôi có tất cả 13 người con. Khi tôi còn nhỏ, những cuộc họp mặt gia đình đông đúc như vậy thường diễn ra ở công viên thành phố Monticello, Arkansas. Chúng tôi, con cháu nhà Piper, luôn trìu mến ôm hôn, mỗi khi chúng tôi có dịp gặp mặt. Tuy vậy, chưa có buổi họp mặt gia đình nào mà nhiều những khuôn mặt thánh thiện và thân mến như tôi được trải nghiệm ở đây – cổng thiên đàng.

Những người tập hợp ở Monticello cũng giống như nhiều người đang đợi tôi ở cổng thiên đàng. Thiên là rất nhiều điều kỳ diệu, và chẳng cần nghi ngờ gì nữa, thiên đàng là sự họp mặt của gia đình lớn cho tất cả mọi người.

Những gì tôi trải qua giống như bữa tiệc sang trọng nhất của cảm giác. Tôi chưa bao giờ cảm nhận được nhiều năng lượng yêu thương và chứng kiến nhiều điều tuyệt vời đến thế. Ánh sáng và khung cảnh nơi đây thách thức con mắt hay những lời giải thích trần thế. Sự ấm áp, ánh sáng rực rỡ nhấn chìm tôi. Tôi hầu như khó nắm bắt được hết màu sắc chói sáng và đầy sức sống quanh tôi. Mỗi màu sắc và âm thanh đều vượt qua cả những gì mà tôi từng chứng kiến.

Tôi cảm thấy tôi chưa từng nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy bất kỳ thứ gì thật đến thế. Tôi không thể nhớ nổi là mình đã nếm trải điều gì tuyệt vời, từng uống thứ gì hay ăn món ăn nào tuyệt vời hơn thế. Cách tốt nhất để tôi giải thích điều này là tôi thấy mình như đang ở trong chiều hướng khác của cuộc sống.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button