Quà tặng cuộc sống

Hạnh Phúc Thật Giản Đơn

hanh phuc that gian don1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Mạnh Hùng

Download sách Hạnh Phúc Thật Giản Đơn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

“Cách đây gần 20 năm, tôi có gặp một người bạn quốc tịch Anh, gốc Ấn Độ tên là Mona. Chúng tôi nói chuyện và bàn luận khá nhiều về cuộc sống và những triết lý cuộc đời. Chúng tôi tham gia cùng làm thiện nguyện với những ích lợi nhỏ thôi nhưng đầy niềm vui và hạnh phúc.

Khi đó chúng tôi thỉnh thoảng gặp những người kém may mắn. Có người bị cụt tay hay thiếu 1 chân. Có người bị các dị tật tại các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Tôi nói với Mona rằng tôi rất thương những người khuyết tật này.

Thay vì nhận được sự đồng cảm thì Mona hắt vào tôi 1 gáo nước lạnh “Hùng ơi, ai trong chúng ta mà chẳng khuyết tật. Họ khuyết tật về vật lý, về thể chất còn chúng ta và nhiều người khác thì khuyết tật về tinh thần”. Tôi đã giật mình và nghĩ trong đầu “Có những khuyết tật ta nhìn thấy rõ bằng mắt nhưng còn bao khuyết tật khác chúng ta không thể nhìn bằng mắt được!”

Hầu như tất cả chúng ta đều bị khuyết tật về tinh thần. Những lúc ta chán nản, buồn bã trong khi cuộc đời vốn rất đẹp và ý nghĩa, thì rõ ràng ta đang bị khuyết tật. Có những lúc ta bị tress, căng thẳng đến mức ăn không ngon, ngủ không yên – thì đó chẳng là khuyết tật ư. Khi ta vô cảm và thờ ơ, khi ta nóng tính rất vô lý – mình khuyết tật rồi còn gì.

Mona nói với tôi rằng không cần thương hại họ. Những người đó không cần ai thương hại. Cái mà họ cần nhất là sự cảm thông. Họ cần chúng ta tạo điều kiện và giúp đỡ để họ được tự sống bằng chính trái tim và khối óc của mình. Tôi ngồi nghĩ và thấy quá chí lý. Họ không có chân nên cần có những lối đi và cầu thang riêng. Họ kém may mắn nên trên xe buýt cần ghế ngồi cho họ. Họ khác biệt nên trên máy bay, tại những nhà ga, bến xe nên có nhà vệ sinh riêng, bồn rửa riêng để họ có thể tự sinh hoạt.

Ngay từ những năm 1996 – 1997 chúng tôi đã dùng từ “đặc biệt” để dành riêng cho những bạn mà ta vẫn quen miệng gọi là “khuyết tật”. Quả thật rằng họ rất đặc biệt. Họ kém may mắn hơn chúng ta nhưng đặc biệt thêm ở chỗ là nhiều khi còn có nghị lực hơn chúng ta, thậm chí còn là thầy của ta. Rất nhiều việc họ làm được và làm tốt hơn nhiều so với chúng ta.

Học trò Trịnh Thị Phước từ Bắc Giang mới đây cho tôi biết, những người đặc biệt như em thiệt thòi lắm. Cái thiệt thòi lớn nhất là bị coi khinh và miệt thị. Các em luôn bị nhìn bằng những ánh mắt khó chịu, thường bị coi thường. Đôi khi cả từ chính những người gần gũi nhất, thân yêu nhất.

Tôi có 1 người bác sống quê, tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Bác là bác họ xa của mẹ tôi. Bác năm nay quãng trên 90 tuổi. Con gái bác tuổi quãng trên 50 và đã không lấy chồng để ở lại chăm mẹ. Mỗi khi về quê tôi thấy rất rõ rằng mẹ con bác bị chính họ hàng xa lánh. Chỉ vì quá nghèo. Mẹ con bác sống trong căn nhà cấp bốn đơn sơ. Nhưng tôi lại luôn thấy họ rất hạnh phúc. Tôi giật mình: hạnh phúc giản đơn làm sao.

Mỗi khi có điều kiện tôi lại qua thăm, động viên và tặng quà cho bác. Mỗi lần như vậy bác đều ra tận cửa, nói rất to, rất hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc này kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng sau đó. Hạnh phúc của bác là được đón những người cháu ở xa. Tôi nhìn người bác mắt đã bị lòa mà thương cảm. Tôi nhìn chị con gái bác mà khâm phục và hạnh phúc cùng họ.

Mỗi khi tiếp xúc với những người đặc biệt tôi lại như có thêm nghị lực sống. Mỗi lần được gần những người đặc biệt, tôi như có thêm sức mạnh. Đôi khi chính nhờ họ mà tôi đã làm được những việc tưởng chừng không làm được. Tôi luôn tâm niệm, nếu như mỗi chúng ta biết hiểu và thành tâm hiểu những con người đặc biệt quanh ta thì chúng ta trưởng thành rất nhanh và có những thành tựu lớn đến khó tin.

Hạnh phúc với những gì bạn đang có ngay đi bạn nhé. Hãy yêu thương tất cả những ai quanh bạn ngay bây giờ, ngay lúc này đi bạn ơi” – Nguyễn Mạnh Hùng.

“Đọc xong cuốn sách Hạnh phúc thật giản đơn, tôi cảm thấy sách giản dị như chính con người của tác giả vậy. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh cũng mang tâm từ của mình rải khắp nơi. Dù gặp gỡ bất cứ ai, anh cũng quan tâm và dành cho họ cái nhìn trìu mến. Qua cuốn sách, tôi cũng cảm nhận được trong anh đã có sự chuyển hóa mạnh mẽ. Hạnh phúc thật giản đơn chứa đựng tâm tư, suy nghĩ cùng những trải nghiệm của chính tác giả về cuộc đời qua góc nhìn chân thực của một doanh nhân, Phật tử. Mỗi câu chuyện trong cuốn sách vừa là lời độc thoại, vừa là những đối thoại của tác giả với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ trong cuộc sống hôm nay” – Lê Văn Thành – Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh.

ĐỌC THỬ

Chút hương vị cho đời

Ôi 30 năm lưu dấu một hình ảnh thân thương, một hình ảnh tâm bất động, sau những biến cố thăng trầm của thời cuộc làm cây cũng ngả đổ. Gió bỗng thổi mạnh. Con người ẩn tàng như cánh hồng hạc qua sông!
Mấy ngày trước, chúng tôi được Hòa thượng Thích Thái Hòa cho biết tin là Thầy sẽ có chuyến du hành về miền Tây. Nơi Thầy sẽ đến là chùa Giác Long, tỉnh Đồng Tháp do Hòa thượng Thích Minh Tấn làm trụ trì. Hòa thượng với Thầy cùng thế hệ học tăng của Già Lam cách đây ba mươi năm.
Con số của mỗi bước chân hành giả vụt bay như ánh chớp chiều tà, tiếng sóng vô ngôn. Bất chợt nhìn lại sau các tờ tạp chí Hoằng Pháp, Pháp Luân, Đạo Phật Ngày Nay, Giác Ngộ càng thấy thời gian bay nhanh quá. Chuyến đi ngược về quá khứ chính thức bắt đầu.
Thầy Tịnh Tâm tại thiền viện Quảng Đức là học trò của Hòa thượng Minh Tấn đã hướng dẫn cho đoàn về tới xứ “cò bay thẳng cánh”. Ngôi chùa khang trang, hiền hòa bên những cánh đồng lúa bất tận và vườn hoa mùa tết ngát hương. Thầy trò và cả đoàn có dịp ngỡ ngàng trước cảnh đẹp nơi đây, trước hương hoa miền Tây. Rất khác biệt.
Trên đường tới chùa Giác Long, Hòa thượng Thích Thái Hòa đã nhận lời ghé thăm nhà của cô Ẩn. Khi đoàn về tới nhà cô thì cũng đã xế trưa.
Miền Tây đang là mùa nước nổi, trong nhà cô, nước đã tràn vào lấp xấp. Ngoài vườn không phân biệt được đâu là ao nước, đâu là vườn. Tuy nhiên giữa mênh mông là nước, thật diệu kì có một cây sen duy nhất nở một bông hoa duy nhất tuyệt đẹp.
Khi Hòa thượng và đoàn chuẩn bị thọ trai, Thầy đã được kính dâng đóa hoa sen tuyệt đẹp kèm theo lời thưa rằng: “Con vừa chèo thuyền ra hái đóa hoa duy nhất này để kính dâng lên Thầy”. Hòa thượng Thích Thái Hòa đã ban tặng cho ngôi nhà của hai nữ thí chủ một cái tên vô cùng ý nghĩa “Bích Ẩn Liên Hoa”. Để rồi sau thời cơm quán ngọ, tất cả có mặt tại chùa Giác Long.
Cái nắm tay thật chặt, cái hơi thở ngưng đọng lại sau bao nhiêu năm huynh đệ li biệt. Những câu chuyện tuy nhỏ, nhỏ hơn hạt cát giữa sa mạc, nhỏ li ti như sương đọng ven bờ, nhưng than ôi, trong đó nhị vị Hòa thượng đã ẩn chứa bao điều muốn nói với bạn lữ, với những ai đang hăng say tìm tòi giấc mộng mị. Cũng ở đây, vào giờ phút này, Hòa thượng đã nhấp lại hớp trà Thiết Quan Âm. Ngọt lịm. Có vị chát. Hơi khói của chén trà bốc lên như phong ba chuyển thành tại vị tĩnh mặc giữa tang hồ.
Buổi chiều cả đoàn di chuyển sang thủ phủ Tây Đô theo lời thỉnh ước của hai gia chủ tại Cần Thơ. Hòa thượng và mọi người đến Cần Thơ cũng vào lúc xế chiều. Bóng hoàng hôn cũng pha trộn lẫn ánh điện ảo huyền khi xe lăn bánh qua cầu Cần Thơ. Phía kia là bến Ninh Kiều. Chợt đọc bài thơ Biết nhau có trong Sương đọng ven trời được mọi người tự đặt cho tên của chiếc cầu.
“Người về từ cõi vô biên,
Trắng thơm đại nguyện trăm miền bước đi.
Người về với chiếc hoàng y,
Với bình minh giữa tà huy diệu vời.
Trăm năm là chuyện của đời,
Chiêm bao là chuyện của người ngủ say.
Cõi tình là cõi bụi bay,
Người về đi giữa cõi nầy mà chơi.

Giúp đời một chút thảnh thơi,
Giúp đời chỉ một nụ cười nguyên sơ.
Giúp đời một chút tình thơ,
Chút tình từ thuở đôi bờ biết nhau”.
Sau chặng đường đoàn đi từ Đồng Tháp đến thành phố Cần Thơ, trời bắt đầu tắt nắng. Hơn 18 giờ tối, Hòa thượng và mọi người mới tới ngôi nhà đầu tiên của Phật tử để dùng bữa cơm thân mật cùng với một số nhân sĩ trí thức tại nhà của Phật tử Hoa Phượng. Chủ đề chia sẻ tối đó của Hòa thượng Thích Thái Hòa là “Cần bảo hộ từ những cái thật nhỏ”. Chỉ một vài giờ thôi thế mà buổi nói chuyện dễ gần, chan chứa ý nghĩa và những lời dạy Thầy dành cho mọi người ở đây như đọng lại mãi.
Rồi các Phật tử cùng Hòa thượng sang biệt phủ Cồn Khương, nơi một gia đình xây dựng khu thiền thất để tu học và tạo thiện duyên thêm cho bạn bè, người thân có cơ hội tiếp xúc với lời Phật dạy qua những buổi giảng pháp của chư tôn đức.
Không gian khá mát mẻ bên bờ sông Hậu lộ lên sự thanh tịnh của một ngôi nhà có nhiều cây cối, hoa cỏ và từng lối đi thật là thiền vị. Thầy và tất cả đoàn bước vào thiền đường để ngồi dùng nước và trái cây. Sau đó Thầy đi dạo quanh khu vườn, cách đây hai năm trước, đoàn thợ Huế từ Dương Xuân Thượng và Vân Quật Thượng vào hành nghề. Công trình xây dựng đầu năm 2009 và hoàn tất vào năm 2010. Thật tuyệt vời!
Buổi tối các học trò mời Thầy tham dự buổi pháp đàm. Ánh trăng non nhấp nhô trên lưu vực sông Hậu và làn gió thanh khiết đã làm cho đêm nói pháp của Hòa thượng Thích Thái Hòa thêm ý vị. Pháp âm của Hòa thượng thật sâu sắc, đem đến cho thính chúng những khái luận thật tế đại đạo. Buổi trò chuyện Phật pháp kéo dài tới quá khuya như không muốn ngừng.
Rạng sáng hôm sau, Hòa thượng có buổi hành lễ, đảnh lễ Pháp thân Chư Phật và chúc tán trên một trăm danh hiệu Phật và liệt vị Tổ sư.
Sau khi khóa tụng niệm vừa xong, Thầy lại ban đạo từ cho quý Phật tử theo sự thỉnh nguyện, dâng lời tác bạch của gia chủ khu thiền thất. Những lời giáo huấn của Thầy vào sáng sớm thật hạnh phúc và đem nguồn ánh sáng chánh niệm có mặt cho tự thân.
Thời pháp kéo dài hơn 45 phút. Ngay sau đó Thầy đã ban tặng cho thiền thất Cồn Khương tên mới “Đạo Nguyên Hương Thất”. Rồi Thầy đã đặt bút ký tặng sách và mời tất cả cùng đi kinh hành với Thầy trong không gian bình minh bên bờ sông Hậu.
Trong buổi dùng điểm tâm sáng cùng với các đạo hữu doanh nhân, thức giả, học trò của mình, Thầy chia sẻ: “Làm thế nào để thời gian là thời gian”. Thầy còn viết thư khuyến tấn hai thí chủ mỗi ngày giữ tâm bình thản, đừng bị thời gian dao động và che mờ đi sự trong sáng của tâm giác ngộ, sự hữu duyên của mình đối với Tam Bảo và nguyện cùng nhau làm bạn đồng hành trên con đường thực hành chánh pháp.
Trên đường trở về Sài Gòn trong cùng ngày, Hòa thượng Thích Thái Hòa nhận được lời thỉnh cầu của gia đình Phật tử Tâm Lí ghé tư thất thọ trai và xin Thầy ban một thời pháp thoại ngắn. Thầy đã hoan hỉ chấp nhận.
Đoàn về tới nơi tại Bình Chánh khoảng 18 giờ cùng ngày. Sau khi thọ trai nhẹ buổi tối,
Thầy đã có một thời pháp thoại quý báu với nội dung “Nhiếp phục cơn giận” dành cho gia chủ và các thân hữu cùng toàn thể học trò. Mặc dù Hòa thượng đã phải di chuyển liên tục bằng xe từ Huế qua Nha Trang vào Ninh Thuận đến Sài Gòn và đi miền Tây rồi quay về Sài Gòn nhưng với tinh thần phụng sự chúng sinh, Thầy đã không quản ngại nói pháp và chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống cho toàn thể đại chúng tới gần 12 giờ khuya. Dù không muốn nhưng buổi pháp đàm buộc phải kết thúc để sáng hôm sau Thầy còn phải ra sân bay sớm về lại Huế, chuẩn bị cho chuyến hoằng pháp tại miền Bắc sắp tới trong niềm tiếc nuối của toàn thể đại chúng.
Chuyến đi kết thúc. Ai cũng tiếc nuối. Mong sao có thêm những chuyến đi cùng Thầy, bên Thầy. Chúng ta đang trên con đường tu tập hướng đến giải thoát. Và rằng đây là con đường dài trong khi chúng ta mới đi được một chặng nhỏ. Trên con đường này, thiếu những người thầy hướng dẫn, thiếu các bậc thiện tri thức và thiếu những bạn đồng tu thì vô cùng khó khăn. May thay, các học trò chúng tôi đã có một người thầy tốt, dễ gần, tận tình chỉ bảo. Mỗi ngày, nghe theo lời Thầy, học theo Đức Phật chúng tôi đang tinh tấn tu tập để mong có thêm chút hương vị cho đời.
Mong sao chút hương vị cho đời mà mỗi Phật tử chúng ta có được trong quá trình tu tập tiếp tục tỏa hương đến với đông đảo các Phật tử trên mọi miền đất nước và khắp thế giới. Mong sao những phút giây bình an này đọng lại dài lâu trong tâm trí mỗi chúng ta. Mong làm sao!

Bố mẹ ơi, con rất muốn nói

Những đứa con không được sinh ra thật đau khổ và oan khiên. Nhưng chúng có tâm rất từ bi – tha thứ tất cả cho các bậc sinh thành.
Tôi đi công tác thành phố Hồ Chí Minh. Được biết ở chùa Phước Huệ, thành phố Bảo Lộc,
tỉnh Lâm Đồng tổ chức đại trai đàn cầu siêu giải oan bạt độ cho các vong linh thai nhi chẩn tế âm linh cô hồn nguyện cầu quốc thái dân an, tôi lập tức lên đường. Phần vì tôi tò mò, phần vì muốn trực tiếp tham gia vào chương trình lớn và ý nghĩa kéo dài hai ngày ngay trong mùa Vu Lan báo hiếu này.
Đập vào mắt tôi là những tấm áp phích treo trong khuôn viên chùa với tâm sự của những em bé không được sinh ra. Những đứa bé bị cha mẹ bỏ đi ở các lứa tuổi khác nhau, từ một vài tháng cho đến 5-7 tháng. Những đứa trẻ không may mắn được sinh ra làm người.
Trước đây, tôi chỉ biết đến nghĩa trang đồng nhi ở Nha Trang. Nay đến đây mới biết rằng, có biết bao nghĩa trang như vậy ở rất nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước: Đồng Nai, Pleiku, Nam Định, Đắc Nông… Và tôi cũng giật mình khi biết tại nghĩa trang dành cho các bé chưa kịp chào đời ở tỉnh miền núi Pleiku đã lên đến con số 10 ngàn! Còn nghĩa trang đồng nhi Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế từ ngày thành lập đến nay đã chôn cất gần 42 ngàn sinh linh. Một con số làm tôi giật mình và ngẩn ngơ suy nghĩ!
Hiện nay chưa có con số chính thức về số ca phá thai trong cả nước. Tuy nhiên, trước khi viết bài này, tôi được một người bạn làm bác sĩ tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội cung cấp một thông tin: Tại bệnh viện anh đang làm, con số nạo hút thai cũng lên đến 10 ngàn ca một năm. Lại thêm một con số 10 ngàn biết nói nữa.
Tôi được đọc và nhìn thấy những con người nhân đạo làm một việc phước đức khó tin – đi lượm những thai nhi bị bỏ về chôn. Đó là những nhóm người hay cá nhân đơn lẻ. Đó là những thanh niên hay người lớn tuổi. Đó là cả những cụ già đã gần đất xa trời.
Tôi như lặng người đi khi dừng trước tấm áp phích và bức ảnh cụ Phạm Thị Cường 73 tuổi, lang thang đi khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi về chôn tại nghĩa trang xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Tôi như nghe thấy tiếng nấc của bà: “Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén hương thơm mong các con được an nghỉ”.
Nhiều ngày trước khi diễn ra lễ cầu siêu đặc biệt này, các bậc cha mẹ đã từng phá thai hoặc ít
nhất một lần bỏ đi giọt máu của mình đã đến chùa để kê khai. Sư thầy Thích Thái Thuận, trụ trì chùa Phước Huệ nói với tôi rằng sư đã gặp biết bao người cha người mẹ như vậy. Sư nói với họ rằng, các con đến đồn công an là phải khai hết tội lỗi, nay trước Tam bảo phải nói thật. Nói thật ra để còn làm lễ cầu siêu”. Nhà chùa cũng đã viết sớ và biển tên cho từng hương linh nhỏ để các bậc sinh thành mang vào làm lễ cầu siêu trong hai ngày 07 và 08/07 âm lịch.
Bạn có thể không tin nhưng có những người cha, người mẹ đã phá thai đến 12 – 14 lần. Kỉ lục về việc bỏ những đứa con chưa kịp ra đời thuộc về một phụ nữ với 18 lần. 18 đứa con không được sinh ra! Chỉ khi bạn được tiếp xúc với những người mẹ này bạn mới hiểu được nỗi lòng của họ. Đau xót lắm! Ân hận lắm!
Nguyên nhân dẫn đến việc những đứa trẻ không được chào đời rất nhiều. Nguyên nhân chính là sự lỡ làng trong quan hệ nam nữ. Những thai nhi bị bỏ một cách vội vàng và nhiều trường hợp được cho vào túi ni lông và vứt đi. Nhiều trường hợp thai nhi nằm trong thùng rác!
Trên tay tôi lúc này là tập giấy nhỏ mang tên
“Những lá thư không gửi” do nhà chùa và những ai tâm huyết phát cho các Phật tử. Có lẽ mong muốn của nhà chùa và các Phật tử nơi đây là gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức và lối sống. Họ mong cho các bạn trẻ hiểu biết về tác hại của việc phá thai, để nam nữ thanh niên giảm bớt những sai lầm đáng tiếc.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button