Quà tặng cuộc sống

Đưa con trở lại thiên đường

dua con tro lai thien duong1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lê Thị Phương Nga

Download sách Đưa con trở lại thiên đường ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời tựa

Quyển sách như quà tặng đến những ai đang làm cha mẹ và sắp làm cha mẹ, với thông điệp ‘con gái hay con trai không quan trọng bằng việc chúng ta có đứa con khỏe mạnh và lành lặn’…

Giới thiệu:

Đưa Con Trở Lại Thiên Đường (Tự Truyện)

Lần đầu tiên tiếp xúc với bản thảo của quyển sách này, tôi đã bị cuốn hút bởi cái thật của câu chuyện ngặt nghèo từ một người mẹ quyết giành lại đứa con bị bệnh tự kỷ “đánh cắp”.

Giọng kể của người trong cuộc tuôn chảy theo hành trình dấn thân vào địa ngục, tìm hiểu và khám phá thế giới u tối của đứa con – có lúc tưởng chừng đã tuyệt vọng chỉ còn biết cầu cứu đến cái chết để giải thoát – nhiều đoạn làm cho tôi không cầm đựơc nước mắt. Tôi nghĩ, người mẹ nào cũng vậy, đặc biệt là những người mẹ có con mắc bệnh tự kỷ, khi cầm trên tay quyển sách này sẽ cảm nhận được tận cùng sự đau khổ của đứa bé, của người mẹ và niềm vui để trở về thế giới tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác trên đời. Niềm vui sướng ấy phải thật kỳ công mới có được, quả là một thử thách khắc nghiệt đối với tình mẫu tử mà người mẹ của trẻ tự kỷ bắt buộc phải vượt qua.
Tác giả thật may mắn khi có đủ điều kiện để lao vào cuộc chiến chống lại “sự sắp đặt ma quái” của bệnh tự kỷ đang bức hại con mình. Một trong những điều kiện đó là khả năng tài chính – cái khả năng mà nhiều người mẹ cực kỳ thiếu thốn, đến nỗi họ cảm thấy mình như bất lực trước mong muốn cứu chữa cho con. Điều kiện quan trọng khác nữa mà người mẹ nào cũng có đó là tình yêu dành cho con.

Nhưng đứa con trong trong quyển sách này mới thực sự là người may mắn. Bé Cún có một người mẹ thật mạnh mẽ trong tình yêu thương, trong suy nghĩ, trong hành động và dám đương đầu với những gì đi ngược lại lợi ích của đứa con yêu dấu. Tôi nghĩ, một số bác sĩ khi đọc quyển sách này cũng sẽ rút ra được điều gì đó bổ ích. Tác giả thành công trong việc giải cứu đứa con thoát “địa ngục tự kỷ”, trước hết, vì chính chị là mẹ của bệnh nhân. Không phải vô cớ mà có sự so sánh – đồng thời cũng là bài học đạo đức nghề nghiệp – lương y như từ mẫu! Mà, trong giới bác sĩ, đối với bệnh nhân của mình, mấy ai dám tự bảo mình là một lương y? Một số thí dụ cụ thể trong cuốn sách này càng làm đau lòng người đọc biết bao nhiêu, vì đó là những bệnh nhi đáng thương, tội nghiệp – hơn ai hết, các cháu rất cần bàn tay và trí tuệ của những lương y.

Có thể quyển sách này sẽ không làm hài lòng một số người nào đó, nhưng trên hết, đây là một tự truyện cảm động của người mẹ vốn đã trải qua quá nhiều đau khổ và bức xúc trước việc cứu chữa cho con mình.

Quyển tự truyện này chắc chắn sẽ nằm trong tủ sách của nhiều gia đình vì nhiều người mẹ cần đến nó. Hơn thế nữa, nó cũng sẽ được xem là một món quà tinh thần quý giá, vì không phải người mẹ nào cũng có thể sắp xếp thì giờ để tìm gặp chị Phương Nga mong nghe được những lời tư vấn về cách chăm sóc con.

(Nhà báo Bạch Mai)

Cún ra đời vào cuối năm 1997

Từ lúc sinh ra cho đến khi được 12 tháng tuổi, Cún Nicky là chú bé con vô cùng dễ thương, ăn ngủ không đến nỗi nào, bụ bẫm xinh xắn như búp bê. Duy chỉ có điều lạ là Cún hay khóc vô cớ, chín – mười tháng vẫn không bao giờ tự cầm bánh đưa vào miệng như những bé khác và hầu như không chơi đồ chơi. Món duy nhất mà bé thích cầm và chơi rất lâu – hàng giờ liền – là cái lược.

Sau khi thôi nôi, như thường lệ đối với anh chị bé, tôi bắt đầu tập cho Cún xúc thức ăn. Nhưng một, hai rồi ba tháng, bé vẫn không chịu cầm thìa. Hôm đó, tôi quyết định “cứng” với con. Đến giờ ăn sáng, tôi để chén cơm lên bàn nhưng không đút mà chỉ nhìn. Bé nhìn tôi, nhìn chén cơm rồi bắt đầu la hét nhưng hai tay lại giấu ra sau lưng. Tôi càng dỗ, bé càng hét. Sau nửa tiếng như thế, tôi cất chén cơm và… để con đói. Đến bữa trưa, tôi lặp lại điều đó, con vẫn la hét chứ nhất định không chịu đụng đến chiếc thìa trong suốt cả giờ đồng hồ liền, dù bé đói xanh cả mặt. Linh tính mách với tôi rằng con tôi đang bị một điều gì kinh khủng lắm, hình như nó rất cần được giúp đỡ, bởi một lẽ rất đơn giản là khi bị đói thì dù một con vật như chó, mèo, gấu, khỉ… đều biết tìm thức ăn đưa vào miệng, nhưng bé Cún của tôi lại không biết làm thế. Để ý kỹ hơn, tôi phát hiện ra điều khó tin nữa là Cún không hề biết nhai hay cắn mà chỉ nuốt trộng thức ăn. Lúc bảy – tám tháng, bé có bi bô bập bẹ, khi nghe hỏi “Cún đâu” bé biết đập tay vào bụng, nhưng qua một tuổi thì những điều đó biến mất. Cún không thèm hồi đáp với bất cứ tiếng gọi nào, rất hay bịt tai, la hét, hay chui vào góc nhà, buồn bã.

Tôi nói với chồng về những lo lắng băn khoăn thì anh ấy bảo: “Em nghĩ sao mà lại nói một thằng bé dễ thương như thế này là không bình thường ?”. Họ hàng, láng giềng, bạn bè cũng an ủi tôi: “Nó chậm nói thôi mà, chứ xinh xắn khỏe mạnh thế này làm sao gọi là bệnh được” .

Nhưng tôi không thể yên lòng: vì sao con không nói được, không chơi được, không ăn ngủ được bình thường như các bạn cùng lứa ? Bấy nhiêu câu hỏi làm tôi nuốt không trôi được những lời an ủi. Từ 15 tháng trở đi, tôi cảm thấy như đang có một mẹ mìn ác độc nhưng vô hình từ từ cướp đi bé Cún dễ thương của tôi và thay vào đó là đứa bé kỳ quái ẩn náu trong hình hài của Cún.

Tôi mất sáu tháng để thuyết phục chồng tôi chấp nhận sự thật là con mình đang gặp phải một vấn đề rất nghiêm trọng. Trong thời gian sáu tháng đó, Cún ngày càng “dễ sợ” hơn: bé liếc qua mọi người và mọi vật xung quanh bằng cặp mắt xa xăm buồn bã, ngơ ngác, đặc biệt là không nhìn thẳng vào ai nữa – trừ khi bé giận dữ. Tuy vậy, vẫn có những khoảnh khắc hiếm hoi khi ánh mắt của con tạm dừng trên mặt tôi, tôi lại luôn có cảm giác là lúc đó bé không thấy mẹ, bé không biết mẹ là ai.

ĐỌC THỬ

Cún 18 tháng

Đó là một ngày rất không bình thường trong cả chuỗi ngày không bình thường từ khi Cún ra đời, hai vợ chồng tôi được bác sĩ đa khoa Mike Vannoort, người Thụy Sĩ – lúc đó đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, xác nhận Cún bị tự kỷ rất nặng. Ông khuyên gia đình tôi không nên sống ở Việt Nam nữa mà nên đem bé sang Mỹ để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Ông bảo rằng: “Ở lại Việt Nam thì vứt bé luôn”! Lần đầu tiên kể từ lúc cưới nhau – và đó cũng là lần duy nhất – chồng tôi bật khóc. Còn tôi, lần đầu tiên trong đời nghe từ “tự kỷ” xa lạ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là có bệnh thì chữa, bệnh cỡ nào chữa cỡ ấy, cả nhà đầy bác sĩ không lẽ không làm gì được. Và tôi cứ ngỡ chắc là con mình sẽ phải chịu đựng những cuộc phẫu thuật ghê gớm lắm nên chồng tôi mới khóc, chứ tôi đâu có ngờ những điều mà con tôi và gia đình tôi phải trải qua – nếu không cùng cảnh ngộ – thật khó ai hình dung nổi.

Từ 18 tháng trở đi, chứng tự kỷ của Cún bắt đầu biểu hiện ở mức độ nặng. Cún la hét ăn vạ triền miên, hay đi thành vòng tròn một cách vô thức cả nửa giờ liền, hay phẩy tay, thường chạy lồng lên không lúc nào ngồi yên, bất chấp nguy hiểm, không xi tiểu tiện được nữa, không biết đói lạnh là gì. Cơ thể bé không lúc nào lành lặn vì Cún luôn tự hành hạ mình bằng cách đập đầu vào tường hoặc bất kỳ đâu đến tóe máu, tự cắn xé mình. Tất cả những gì hay ho thú vị đối với các bạn cùng lứa như đồ chơi mới, đồ ăn mới, bánh kẹo, sân chơi thiếu nhi, thú nhún v.v… đối với bé lại là những cực hình tra tấn. Một nụ cười trẻ thơ, một giấc ngủ yên lành đối với bé – và cả với tôi – là sự xa xỉ. Hai cánh tay Cún mang theo hai bàn tay chỉ có giá trị làm cơ thể lành lặn chứ không có giá trị sử dụng. Cún hầu như chẳng thể sử dụng đôi tay ấy vào bất cứ việc gì. Đến hai tuổi thì bé không còn bụ bẫm nữa mà bắt đầu gầy đi. Cứ một, hai phút lại có một cơn động kinh nhẹ. Cún hay đứng ở một góc nào đó vặn vẹo cơ thể theo những tư thế rất kỳ cục. Chẳng thể nào tả được sự bất lực của tôi khi quanh năm suốt tháng Cún cứ luân phiên chuyển từ tiêu chảy sang táo bón, rồi lại từ táo bón sang tiêu chảy, không có thứ thuốc hoặc chế độ ăn nào có thể giải quyết được, cứ như thế suốt ba năm dài !

Cũng có lúc tôi lại thấy Cún xử lý sự việc rất thông minh. Một dạo, cứ hễ tôi đi đâu về đến nhà là bé chạy tới ôm chầm lấy chân tôi khóc, dù trước đó bé đang ngồi một mình và không khóc lóc gì (tôi hay nhìn lén qua khe cửa xem bé làm gì trước khi bước vào nhà). Sau vài phút khóc lóc, Cún lại lảng đi chỗ khác như thường lệ. Lấy làm lạ, tôi bèn qua nhà hàng xóm đối diện để hỏi – nhà tôi và nhà ấy nhìn thấy bếp của nhau – cô bạn hàng xóm cho biết rằng khi tôi đi vắng, con bé giữ em rất hay quát và có khi đánh Cún. Thì ra bé mách theo cách riêng của mình bởi không nói được ! Tất nhiên sau đó tôi phải giải quyết “chế độ hưu non” cho người giữ em ngay lập tức. Vậy đó, nhưng để dạy cho Cún một điều gì, dù thật đơn giản như chỉ trỏ, cầm nắm… lại là chuyện hết sức khó khăn.

Sống với Cún, cả nhà luôn ở trong không khí căng thẳng, ngột ngạt, không biết năm phút tới chuyện gì sẽ xảy ra và xảy ra như thế nào. Hơn năm năm nhà tôi không có khách ghé thăm, vì Cún không chấp nhận bất kỳ ai lạ, và cũng vì nhà tôi… không mấy thơm tho do bé không làm chủ được tiểu tiện. Muốn đi đâu cũng phải “tiền trạm” trước để nhắm xem có đem bé theo được không, và thường là không.

Đôi lần, anh trai bé rụt rè : “Mẹ ơi, làm sao để Nicky không như vậy nữa ?”. Chị gái bé thì hồn nhiên hơn: “Mẹ ơi, nhà mình có em Nicky để làm gì?”. vì mỗi lần chị cười thì Cún lại xông vào tát chị tơi bời. Tôi và tất cả mọi người đều không thể tiếp cận với Cún, cứ y như có một xà lim bằng đá băng trong suốt giam giữ lấy bé. Tôi vẫn nhìn thấy Cún rất rõ nhưng không biết cách nào để ôm con vào lòng, để sưởi ấm cho con, để xua tan đi nét u buồn trên mặt con. Tôi không biết phải làm sao để cứu con ra khỏi cái xà lim biệt giam lạnh lẽo đó.

Ngỡ rằng tự kỷ là một căn bệnh như bao căn bệnh khác, tất nhiên tôi đem con đến bác sĩ ngay. Nhưng bác sĩ nào ? Bế con đi đến đâu tôi cũng chỉ nhận được những ánh mắt thương hại hay ái ngại, những lời chẩn đoán rất chi hãi hùng “Bé bị loạn tâm”, “mất trí !” Khá hơn tí chút thì đại loại : “Con chị có bị gì đâu, tại chiều quá nên nó chướng, nó hư”, hoặc “chuyên nghiệp” hơn thì “Nó câm là tại gia đình: ba nói tiếng Anh, mẹ nói tiếng Việt, rối quá làm gì mà chả câm ! Nói với nó một thứ tiếng thôi là sẽ ổn, nó chẳng bị làm sao cả” . Nhưng mà, trên đời này có bà mẹ nào lại ôm con sấp bước sấp bước ngửa chạy đến bác sĩ khi nó không bị gì cơ chứ !

Tự kỷ là gì ? Chữa ở đâu ? Ai chữa ? Chữa như thế nào ? Những câu tôi hỏi giới y khoa hệt như những cánh thư không địa chỉ người nhận, cứ rơi tõm vào mông lung. Chẳng ai ngoài gia đình tôi cảm nhận được rất rõ rằng bé Cún đang tồn tại trên đời này như một loài thực vật biết đi trên sa mạc cằn cỗi.

Không thể đếm được bao nhiêu đêm trường hai mẹ con thức trắng cùng nhau, đi quanh quẩn trên sân thượng gần trọn đêm, không dám xuống để giữ cho mọi người khỏi bị tiếng la hét giữa khuya của con phá giấc. Tôi ôm thân thể bé bỏng bất kham của con trên tay mình, chỉ còn biết gởi vào bóng đêm tiếng thét trong sự bất lực lặng câm.

“CON ƠI, CON LÀM SAO THẾ ?”

Sau Tết 1999, vào thời điểm ấy tất nhiên tôi không thể nào biết và ngờ được : tự kỷ là chứng bao gồm sự kết hợp của nhiều rối loạn chức năng trong não bộ, một bệnh cực kỳ khó chữa, mà những bác sĩ hiểu tận tường về nó trên toàn thế giới có thể đếm trên đầu ngón tay. Điều trớ trêu là căn bệnh tuy rất quái ác, nhưng lại không thực sự giết chết ngay thể xác của đứa bé. Có phải vì vậy mà ít ai quan tâm đúng mức để nghiên cứu đến nơi đến chốn chăng?

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button